Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ … (phần 21A)

14/08/202010:33(Xem: 7407)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ … (phần 21A)

Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ …”

(phần 21A)

Nguyễn Cung Thông1

LM de Rhodespdf-iconTiếng Việt thời LM de Rhodes - p21A

Phần này bàn về cách dùng tiền quí, cheo, bài ca dao “đi chợ tính tiền” các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ Nôm/chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập đến. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Không có nhiều tài liệu Hán Nôm viết về chủ đề tiền tệ trước đây nên người viết dựa vào một số ca dao và thành ngữ/tục ngữ đã được lưu truyền trong dân gian. Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), ĐNQATV (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Bài này đánh số 21A vì là một trong loạt bài liên hệ hay cùng chủ đề, như “Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” là phần 21.

1. Tiền quí và quan tiền

VBL ghi rõ tiền quí là tiền lớn so với tiền gián nhỏ hơn. Một tiền bằng 60 đồng và một quan bằng 10 tiền hay 600 đồng2 (VBL trang 792-795). Có lẽ nên xem lại chữ quan/quán với nghĩa cổ là dây xâu tiền (1000 đồng - đơn vị tiền cổ đại ở TQ), hàm ý phải dùng nhiều đồng tiền xâu lại với nhau để có một quan hay 600 đồng ở VN. Chữ quan/quán (thanh mẫu kiến vận mẫu hoàn bình/khứ thanh, hợp khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

古玩切,音瓘 cổ ngoạn thiết, âm quán (TVGT, ĐV, QV, NT, TV, LT, VH, CV, TTTH, TG 字鑑, LTCN 六書正譌, TVi/CTT)

古亂反 cổ loạn phản (ThVn 釋文)

古亂切 cổ loạn thiết (NT, TTTH)

古患反 cổ hoạn phản

古患切 cổ hoạn thiết (TV, LTCN 六書正譌)

烏關切,音彎 ô quan thiết, âm loan (TV, LT)

古丸切,音官 cổ hoàn thiết, âm quan (QV, TV, VH)

TNAV ghi vận bộ 寒山 hàn san (khứ thanh)

TNAV cũng ghi vận bộ 桓歡 hoàn hoan (khứ thanh?)

CV ghi cùng vần/bình thanh (quan quan/quán hoàn gian)

CV cũng ghi cùng vần/bình thanh (loan quan)

CV ghi cùng vần/khứ thanh (quán xuyến/quán)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh (quán/quan quán/hoan *quả *huyên)

沽歡切 cổ hoan thiết (CV)

烏還切 ô hoàn thiết (CV)

古患切 cổ hoạn thiết (CV)

古員切 cổ viên thiết (TVi)

音眷 âm quyến (TVi/CTT) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là guàn so với giọng Quảng Đông gun3 và các giọng Mân Nam 客家: [陆丰腔] gon5 kwan5 [客英字典] gwon5 kwan5 [头角腔] gan5 [语拼音字汇] gon4 guon4 [台湾四县腔] gon5 kwan5 [陆丰腔] gon5 [东莞腔] gon5 [县腔] gwon5 gwan5 [宝安腔] gon5, tiếng Nhật kan và tiếng Hàn gwan.

Như vậy quan là cách đọc phù hợp với âm và nghĩa HV cổ3, cũng như dạng đọc quán của cùng một chữ trong các cách dùng tập quán (~ quen), nhất quán, quán thông, quán triệt, quan âm (VBL ~ quán âm) ...v.v... Giá trị 600 đồng của một quan còn bảo lưu qua ca dao như

Đấy vàng đây cũng đồng đen

Đấy hoa sói trắng đây sen Tây Hồ

Đấy song đây cũng mây liền

Đấy quan đây cũng chín tiền sáu mươi (trích từ Nam Giao Cổ Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải/sđd)

(Chú ý/NCT: một quan = 9 tiền + 60 đồng = 9 tiền + 1 tiền = 10 tiền).

Tới đầu TK 20, quan tiền (“là sáu trăm đồng”) vẫn còn được dùng như trong bài "Trăng sáng vườn chè" của thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966) - trích một đoạn liên hệ

Một quan là sáu trăm đồng

Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi

Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui

Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng

Tôi ra đón tận gốc bàng

Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-000

Hình vẽ lại một quan tiền - để ý xâu chuỗi trên (hai đầu mối ở ngoài cùng bên phải) được chia thành 10 phần bằng nhau (mỗi phần gồm có 60 đồng hay một tiền). Hình trên trích từ cuốn Dictionnaire franco-tonkinois illustré trang 338 (tác giả PG Vallot, Hà Nội 1898). Vì hình dạng của quan tiền quí như trên nên còn được gọi là quan tiền dài.

Xin anh đi học cho ngoan

Để em dệt cửi kiếm quan tiền dài

Quan tiền dài em ngắt làm đôi

Nửa thì giấy bút, nửa nuôi mẹ già

Ngoài ghi nhận về quan/tiền và đồng trong VBL trang 792-795, LM de Rhodes còn bàn thêm chi tiết về tình hình tiền tệ của TK 17 ở Đàng Trong và Đàng Ngoài:" ... Còn thứ tiền đồng trao đổi giữa người Đàng Ngoài thì có hai loại, loại lớn hay loại bé. Loại lớn thông dụng trong khắp nước và đa số do thương gia Tàu đem tới, xưa kia do người Nhật nữa. Còn loại nhỏ thì chỉ dùng trong kinh thành và trong bốn tỉnh ở chung quanh chứ không dùng ở Đàng Trong. Tất cả loại tiền đồng, lớn hay bé đều nhẵn và tròn, khắc bốn chữ trên mặt và tất cả đều có lỗ ở giữa, để dùng dây xỏ vào như thường lệ. Vì thế mỗi dây buộc chừng sáu trăm hoặc mười lần sáu mươi có đánh dấu để phân biệt mỗi sáu chục đồng. Như vậy rất thuận tiện để quàng vào cánh tay hay khoác lên vai khi đi chợ, không cần dùng túi như chúng ta, chỉ dùng dây mà thôi. Còn về giá của thứ tiền này, thì chưa bao giờ chắc chắn và hay thay đổi4, theo quy luật cung cầu trong nước. Do đó mấy năm trước đây một trăm tiền đồng lớn giá bằng năm đồng nhỏ. Nhưng vào một thời gian khác, giá những đồng này thay đổi và cao hơn vì trong nước có ít bạc hơn …".

VBL còn ghi thu thuếlàm thuế, làm quí - cho thấy loại tiền quí (tiền tốt) rất thông dụng trong các hoạt động chính thống về tiền bạc (thuế má, lương bổng, tiền thưởng ...):
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-001

VBL trang 782

Quí trong cách dùng tiền quí chỉ giá trị cao, được coi trọng (so với tiền gián kém hơn) hay có thể tương ứng với cách dùng tiền tốt trong bài ca dao nổi tiếng "đi chợ tính tiền" sau đây.

2. Đi chợ tính tiền

2.1 Bài ca dao "đi chợ tính tiền" xuất hiện trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Lớp sơ đẳng, 1927) do Nha học chính Đông Pháp xuất bản và các tác giả tên tuổi có gốc từ trường Thông ngôn - Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận:

Một quan tiền tốt mang đi

Nàng mua những gì mà tính chẳng ra

Thoạt tiên mua ba tiền gà

Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu

Trở lại mua sáu đồng cau

Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng

Có gì mà tính chẳng thông?

Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi

Ba mươi đồng rượu chàng ơi

Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng

Hai chén nước mắm rõ ràng

Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi

Hai mươi mốt đồng bột nấu chè

Mười đồng nải chuối chẵn thì một quan.

Dựa vào giá trị của các đơn vị tiền tệ5 đã ghi trong VBL: 1 quan (q) = 10 tiền (t) = 600 đồng (đ) thì khi kiểm lại tổng số tiền đi chợ trong bài trên ta thấy

3 t (gà) + 1.5 t (gạo nếp) + 1.5 t (miếng thịt) + 1.5 t (gạo tẻ) = 7.5 t = 450 đ

3 đ (trầu) + 6 đ (cau) + 10 đ (rau) + 6 đ (chè tươi/trà) + 30 đ (rượu) + 30 đ (mật) + 20 đ (vàng mã để đốt sau khi cúng) + 14 đ (nước mắm) + 21 đ (bột nấu chè) + 10 đ (nải chuối) = 150 đ

Do đó tổng số chi là 450 đ + 150 đ = 600 đ = 1 quan ("chẵn thì một quan")

Một số tác giả6 lại ghi câu gần chót là "Hai mươi đồng bột nấu chè" thay vì "Hai mươi mốt đồng bột nấu chè" cho đúng âm vận, thành ra tổng số chi lại là 599 đ (hay 9 t 59 đ, thiếu 1 đ mới chẵn một quan hay 10 t). Một dị bản khác7 lại viết câu này là "Hăm mốt đồng bột nấu chè" (hai mươi đọc nhanh thành hăm) thì vừa đúng âm vận và vừa đúng một quan hay 600 đ.

2.2 Một dị bản được GS Maurice Durand chép lại (1946/1956) trong "Nam Giao Cổ Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải" được thư viện đại học Yale lưu trữ, bản này có khá nhiều thay đổi:

Một quan tiền tốt mang đi

Thiếp mua những gì chàng tính chẳng ra

Thoạt tiên mua ba tiền gà

Tiền rưỡi gạo nếp mấy ba đồng trầu

Ngoảnh lại mua năm đồng cau

Tiền rưỡi chả thịt giá rau mười đồng

Có gì chàng tính chẳng thông

Tiền rưỡi gạo mới mười đồng chè tươi

Ba mươi đồng rượu chàng ơi

Ba mươi đồng mật ba mươi đồng vàng

Hai chén nước mắm rõ ràng

Hai bẩy mười bốn kẻo chàng hồ nghi

Sáu đồng tôm trứng một khi

Mười hai đồng chả cá chẵn thì một quan

Dựa vào giá trị của các đơn vị tiền tệ đã ghi trong VBL: 1 quan (q) = 10 tiền (t) = 600 đồng (đ) thì khi kiểm lại tổng số tiền đi chợ trong bài trên ta thấy

3 t (gà) + 1.5 t (gạo nếp) + 1.5 t (chả thịt) + 1.5 t (gạo mới) = 7.5 t = 450 đ

3 đ (trầu) + 5 đ (cau) + 10 đ (rau) + 10 đ (chè tươi) + 30 đ (rượu) + 30 đ (mật) + 30 đ (vàng mã) + 14 đ (nước mắm) + 6 đ (tôm trứng) + 12 đ (chả) = 150 đ

Do đó tổng số chi là 450 đ + 150 đ = 600 đ = 1 quan ("chẵn thì một quan").

Để hiểu hơn giá trị của đồng tiền vào thời nhà Nguyễn, hãy xem qua lương bổng của "quan chức nhà nước" vào giai đoạn này:

- Quan Nhất Phẩm lãnh mỗi năm 400 quan, 300 phương gạo, 70 quan tiền Xuân Phục, tức tiền áo quần.

- Quan Chánh ngũ phẩm, hàng tri phủ mỗi năm lương 40 quan, 43 phương gạo, 9 quan tiền Xuân Phục.

- Lính, thơ lại, phục dịch ... lương mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo. So với giá sinh hoạt bình thường như một chỉ đạo năm Cảnh Hưng thứ tư (1741) định giá bò lớn 5 quan, bò nhỏ 3 quan và lợn 2 quan (theo Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương sđd).

Thế mới cảm thông sự cố gắng của người vợ lo cho chồng đi thi để hi vọng có tương lai gia đình tươi sáng hơn, thành ra phải chắt chiu từng quan cho từng tháng như bài ca dao đi chợ tính tiền trên. Bài "đi chợ tính tiền" trên cho thấy sức sáng tạo của người vợ, dù mua gì đi nữa cũng không quá số tiền đã dành dụm cho cuộc sống gia đình.Học giả Trần Trọng Kim từng nhận xét về thực trạng xã hôi thời trước trong Việt Nam Sử Lược (Chương VI: Chế độ và tình thế nước Việt Nam đến cuối đời Tự Đức):"Người trong nước chia ra làm bốn hạng là: sĩ, nông, công, thương ... Mỗi phường có thợ cả, thợ phó và thợ, và phường nào có tục lệ của phường ấy. Những người làm nghề thợ thường là người ít học, quanh năm ngày tháng đi làm thuê làm mướn chỉ được đủ ăn mà thô... công nghệ không có, buôn bán không ra gì, trừ việc cày cấy làm ruộng ra thì người nghèo đói không có nghề nghiệp gì mà làm ăn cả, cho nên thuở ấy tuy một tiền được bốn bát gạo, mà vẫn có người chết đói, vì rằng giá gạo thì rẻ, nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó. Người đi làm thuê khôn khéo, thì mới được một ngày một tiền, không thì chỉ được 18 hay 30 đồng tiền mà thôi. Sự làm ăn ở chỗ thôn quê đã vất vả mà lại thường bị nhiều sự hà làm, ai có đồng tiền ở trong nhà thì lo sợ đủ mọi đường: nào sợ kẻ gian phi trộm cắp, nào sợ giặc đêm giặc ngày cướp phá, cho nên phải chôn phải giấu cho kín".

Một nhận xét ở phần này là vần -i trong bài trên (nghi - khi - thì) có dùng âm thì nhưng chữ Nôm dùng lại là thìn/thần HV thay vì thì HV , hiện tượng kị húy tên vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì 阮福時) cho ta thấy bản Nôm này viết sau năm ra lệnh kị húy thứ tư của vua (1861) - tham khảo thêm bài viết "Tản mạn về từ Hán Việt thời - thì" cùng tác giả (NCT).

2.3 Đi chợ tất niên

Một bài ca dao khác cũng cho thấy một cách tính tiền khi đi chợ - trích từ trang này https://cadao.me/the/quan-tien/

Sáng nay đi chợ tất niên

Em đây cầm một quan tiền trong tay

Sắm mua cũng khá đủ đầy

Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà

Độc bình mua để cắm hoa

Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông

Tính hoài mà cũng chẳng thông

Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư

Vội chi, em cứ thư thư

Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em

Sáu mươi đồng tính một tiền

Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn

Vị chi em mới tiêu xong

Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà

Trái cây, cau, thuốc, thịt thà

Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền

Ba trăm sáu chục đồng nguyên

Tính ra chính thị sáu tiền còn dư

Dựa vào giá trị của các đơn vị tiền tệ đã ghi trong VBL: 1 quan (q) = 10 tiền (t) = 600 đồng (đ) thì khi kiểm lại tổng số tiền đi chợ trong bài trên ta thấy

Tiền chi ra = 4 t = 4x60 đ = 240 đ (mua hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà ... độc bình, hương hoa)

Tiền mang đi chợ trước khi mua sắm = 10 t (= 1 quan)

Tiền mang về lại = 10 t - 4 t = 6 t = 6x60 đ = 360 đồng ("ba trăm sáu chục đồng tiền dư").

Thành ra chàng trai đã giải thích rất chính xác tại sao cô nàng mang một quan8 đi chợ, khi về thì chỉ còn lại ba trăm sáu mươi đồng mà thôi.

2.4 Giai thoại về bà Hồ Xuân Hương

Tương truyền9 nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) muốn mượn 5 quan tiền của Chiêu Hổ, nhưng khi nhận được thì chỉ có ba quan tiền, bà liền làm thơ trách Chiêu Hổ rằng

Sao nói rằng năm lại có ba

Trách người quân tử hẹn sai ra

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt

Nhớ hái cho xin nắm lá đa…

Và Chiêu Hổ họa lại rằng

Rằng gián là năm, quí có ba

Bởi người thục nữ tính không ra

Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt

Cho cả cành đa lẫn củ đa…

Nếu biết được giá trị của đơn vị tiền tệ ghi trong VBL thì ta có thể thông cảm cho Chiêu Hổ vì đã dùng tiền gián (tiền kém, một quan chỉ bằng 360 đồng hay 3 phần 5 tiền quí) thay vì tiền quí (một quan bằng 600 đồng) mà bà Hồ Xuân Hương đã có ngụ ý trong thơ. Năm quan tiền gián10 thì chỉ bằng ba quan tiền quí vì tỷ số 3 phần 5 này. Tỷ số 3/5 hay 6/10 còn thấy trong cách dùng "chục gián": theo LM Gustave Hue trong Dictionnaire annamite-chinois-français (1937), gián là 6 phần mười (~ 6/10) như “chục gián” là 6 (chục gián = six/P trang 328 sđd). Một nhận xét ở đây là bài thơ này có thể liên hệ đến một cách dùng tiền đặc biệt vào thời trước hay là một vỉa tiền đã hiện diện từ thời LM de Rhodes (VBL trang 794 hay Béhaine/1772-1773, Taberd/1838, Theurel/1877): một vỉa tiền là một xâu năm quan tiền xấu (tiền gián) bằng ba quan tiền tốt. Năm quan tiền còn gọi là một vác tiền (Đàng Ngoài), cách dùng cục bộ này phù hợp với quê quán và hoạt động (td. dạy học trò ở Hà Nội) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Rất ít tài liệu viết về tập hợp năm quan tiền hay một vác tiền, vỉa tiền sau thời VBL so với bài thơ trách móc trên của bà chúa thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương.
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-002

VBL trang 794: một vỉa tiền = 5 lần 600 = 3 ngàn đồng

2.5 Sách Sổ Sang Chép Các Việc: sau đây là bảng tính tiền cách đây hơn 2 thế kỉ của LM Philiphê Bỉnh, cùng thuộc thế hệ nữ sĩ Hồ Xuân Hương, và cũng dựa vào đơn vị quan, tiền và đồng - trích từ "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" trang 524/525 do chính tay ông viết:

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-003

Không những cho thấy liên hệ quan, tiền và đồng - trang trên còn cho ta hối suất giữa đơn vị tiền Bồ-Đào-Nha pataca và tiền VN vào khoảng đầu TK 19. Giá trị của một quan tiền theo LM Béhaine (sđd, 1772/1773) là bằng 3 phần 4 một đồng pataca, dựa vào hối suất từ trang này ta có thể tính ra một quan tiền là

1 pataca = 1 quan 3 tiền 20 đồng = 13 tiền 20 đồng = 780 đồng 20 đồng = 800 đồng

1 quan = 3/4 x 800 đồng = 600 đồng đúng như trị giá vào thời VBL ở trên.

LM Taberd, tuy chép lại hầu như nguyên vẹn tự vị Annam Latinh của LM Béhaine, đã không ghi hối suất 3/4 đồng pataca này trong tự điển năm 1838, có lẽ đồng pataca không còn dùng nữa (so với Macao vẫn còn dùng pataca) hay hối suất không còn như trước nữa.

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-004

3. Tiền cheo

3.1 Cheo chỉ của hay quà biếu/tặng (dona/L – VBL trang 102 - không nhất thiết là tiền mặt11/NCT) cho làng xã của mình (chỗ mình ở ~ patriæ/L) khi có lễ cưới, ăn cheo là đám cưới (nuptiæ/L) "Lan Giai nộp cheo cứ lề" CNNAGN 44b, cheo có một dạng chữ Nôm là chiêu HV . VBL đã ghi nhận nhiều tục lệ hay hoạt động đặc biệt thời xưa của VN như đánh lửa, tang tóc, ăn cheo, bẻ tiền bẻ đũa, ăn năn (ăn cỏ/rau năn), xem giò (coi bói bằng chân gà), mực tàu (thước dây để kẻ đường thẳng), xuy đồng, đầu rau, nước mlồi (Chiêm Thành)Có nhiều cách dùng từ cheo như ăn cheo, nộp cheo, đóng cheo, phá cheo, cheo cưới, cheo chạy tang, cheo làng ...v.v…
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-005

VBL trang 102

Có vẻ như Đàng Trong không tha thiết với tục "cheo làng" nên các LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi rằng/đánh đồng cheo là tiền của tặng trong đám cưới (VBL ghi rõ là tặng cho làng xã địa phương khi cưới), để ý dạng chiêu HV của chữ Nôm cheo
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-006

Béhaine/Taberd (sđd)

Ca dao cũng thường nhắc nhở tục lệ này như

Nuôi lợn thì phải vớt bèo

Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng

Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (44b) có nhắc đến nộp cheo

蘭佳納招拠例

Lan giai nộp cheo cứ lề

Gần đây hơn, cụ Huỳnh Tịnh Của (1895 - Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II trang 131 - xem hình chụp lại bên dưới) giải thích chi tiết hơn - để ý tiền cheo làng ghi là ba quan (khác làng - đáng lẽ là chỉ có hai quan bốn tiền) so với một quan tám tiền (ca dao) hay mức giới hạn một quan hai tiền (Đại Nam Thực Lục - xem trang dưới). Rõ ràng là tiền cheo nộp thay đổi tùy địa phương (không gian) và thời nào (thời gian), đây cũng là một tục lệ12 dễ bị lợi dụng và một gánh nặng không nhỏ khi có dự định cưới hỏi trong xã hội phong kiến, để cho có người từng đặt vấn đề trong ca dao lưu truyền rằng

Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng,

Hỏi thăm chị Xã nộp cheo làng mấy quan?

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - p21A-007

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II trang 131

Xưa kia đám cưới mà không có cheo làng thì cũng như là không được thiên hạ cộng đồng chấp nhận, cũng như không có giấy hôn nhân chính thức vậy (td. giấy giá thú - Certificate of Marriage/NCT). Khi nhận cheo thì quan chức địa phương mới cho giấy chứng nhận hôn thú dù hai người thành hôn có biết chữ hay không. Có khi tiền cheo còn nặng hơn tiền cưới như trong lời trần tình của anh chàng si tình sau đây

Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

Để ý là tiền cheo là 1 quan 8, nhiều hơn tiền cưới 3 tiền (tiền cưới là 1 quan 5 như ghi nhận trong bài ca dao). Gánh nặng của tiền cheo đã khiến ‘nhà nước’ phải ra lệnh giới hạn mức thu tiền cheo, như theo Đại Nam Thực Lục quyển 3 ghi ”Đại phàm lấy vợ lấy chồng, chẳng qua cốt được cặp đôi mà thôi, còn lễ cưới thì nên châm chước trong sáu lễ, lượng tùy nhà có hay không, chứ không được viết khế cố ruộng. Hương trưởng thu tiền cheo trong lễ cưới thì người giàu 1 quan 2 tiền, người vừa thì 6 tiền, người nghèo 3 tiền, người làng khác thì gấp đôi. Nếu có kẻ cẩu hợp chửa hoang thì phạt người gian phụ 30 quan và cha anh 3 quan để giữ phong hóa".

Cũng như tục “bẻ tiền bẻ đũa” đi theo làn sóng Nam Tiến vào các vùng đất mới, Đàng Trong cũng có tục “nộp cheo” này nhưng dân chúng lại không xem trọng13 như lời kể của LM Lefèbvre14 "Tôi không biết lệ “cheo làng” ở Đàng Ngoài như thế nào nhưng tôi biết nó không được xem trọng ở Đàng Trong. Từ đầu tiên, “cheo” có nghĩa là thông báo (avertir ou informer); từ thứ hai, “làng” nghĩa là các vị bô lão trong làng. Lệ này là có người nào đó muốn cưới một cô gái trong làng, phải tìm đến các bô lão trong làng ấy với trầu và rượu trong một số làng này hay với một số tiền nào đó trong một số làng khác, và thông báo với họ rằng mình muốn cưới một cô gái nào đó làm vợ. Nếu anh ta không thi hành bổn phận này và cô vợ có thai, thì anh ta sẽ phải nộp tiền phạt vì tội thông dâm".

3.2 Cheo có khả năng liên hệ đến chiêu HV ; cũng như tương quan15 yêu - eo, phiêu - bèo, tiêu - teo ... Chiêu có phạm trù nghĩa khá rộng: gọi (bằng tay > vẫy tay gọi16), xưng ra (thông báo - đây là nét nghĩa của cheo/chiêu thân/cho biết hôn nhân giữa hai người), tìm/cầu, kén rể, bài hiệu ... Chữ chiêu (thanh mẫu chương vận mẫu tiêu, bình thanh khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

止遙切 chỉ diêu thiết (TVGT, ĐV, QV, CV)

諸遙切 chư diêu thiết (NT, TTTH)

之遙切,音昭 chi diêu thiết, âm chiêu (TV, VH, LT, CV, TVi)

朱傜翻 chu dao phiên (BH 佩觿)

時饒切 thì nhiêu thiết (TV, VH, LT)

祁堯切,音翹 kì nhiêu thiết, âm kiều (TV, VH, LT, CV, TVi)

TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh (chiêu *chiếu trào)

CV ghi cùng vần/bình thanh (thiều chiêu *chiếu điều/thiều)

CV ghi cùng vần/bình thanh (kiều chiêu *kiệu *kiểu)

時昭切,音韶 thì chiêu thiết, âm thiều (CV, TVi)

職交切,音昭 chức dao thiết, âm chiêu (CTT) - thời CTT giao đọc gần như jiāo và chiêu đọc gần như zhāo (rất giống nhau)

之笑切,音照 chi tiếu thiết, âm chiếu (KH)

之由切。音周 chi do thiết, âm chu (TVi, KH) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là zhāo so với giọng Quảng Đông ziu1 và các giọng Mân Nam 客家: [头角腔] zau1 [语拼音字汇] zau1 zeu1 [宝安腔] zau1 [客英字典] zhau1 cheu1 [陆丰腔] zhau1 [县腔] zhau1 [东莞腔] zau1 [陆丰腔] zhau1 [台湾四县腔] zeu1 潮州话:ziê1/zio1, ziou1/ziao1, giọng Mân Nam/Đài Loan chiau/chio, tiếng Nhật shō và tiếng Hàn cho, gyo. Một âm cổ phục nguyên của chiêu là *tjew đọc gần như cheo tiếng Việt, phản ánh phần nào khuynh hướng bảo lưu âm cổ trong quá trình hình thành tiếng Việt thời VBL: tương tự như mựa (vô), mùi (vị) ...v.v...

Tóm lại, các tài liệu của LM de Rhodes khi đọc kỹ sẽ cho ta nhiều chi tiết thú vị: giá trị của một quan so với tiền và đồng vào TK 17 vẫn khá cố định cho tới cuối thời nhà Nguyễn. Dựa vào đó mà các bài ca dao về tiền đi chợ hay tiền cheo, thuế má trước đây có thể được giải mã một cách chính xác hơn. Điều này cũng cho thấy tư duy phân tích17 (analytical thinking) của tây phương thường chú trọng nhiều đến lượng như tiền bạc/thời gian so với phẩm: VBL dành 4 trang cho mục tiền (trang 792-795) so với số lượng tài liệu Hán/Nôm/chữ quốc ngữ trước đây khá hiếm hoi về cùng đề tài (tài chính). Cách liệt kê của LM Philiphê Bỉnh trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc cũng cho thấy ảnh hưởng tây phương (để ý đến từng chi tiết/số lượng) và cũng là những bảng kế toán thu chi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Hi vọng bài viết này gợi ý cho bạn đọc tìm hiểu sâu xa hơn về tiền VN, phản ánh phần nào thực trạng xã hội và lịch sử.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Đào Duy Anh (1938) "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" NXB Quan Hải tùng thư - tái bản nhiều lần như NXB Nhã Nam (2014) ...v.v...

2) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

3) Philiphê Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) "Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị" tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

4) Cristophoro Borri (1631) "Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (Nhiệm vụ mới của các cha dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong - NCT) bản dịch của tác giả Phạm Văn Bân 4/2011 - xem toàn bài trang này https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf.

5) Nguyễn Minh Chính (2019) "Tục lệ “Cheo làng” trong cưới xin ở Địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong" đăng trên mạng như https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/tuc-le-cheo-lang-trong-cuoi-xin-o-dia-phan-dang-ngoai-va-dang-trong-1645.html ...v.v...

6) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

7) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

8) Maurice Durand (1946/1956) "Nam Giao Cổ Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải" bản chép tay bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ - thư viện đại học Yale (Mỹ).

9) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà - NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.

10) Trần Trọng Kim (1919) "Việt Nam Sử Lược" NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội) - tái bản nhiều lần.

11) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

12) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

13) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html ...v.v...

(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

(2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” - có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html

(2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

(2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/

14) Tạ Chí Đại Trường (2004) "Sử Việt Đọc Vài Quyển" NXB Văn Mới, 2004 (California, Mỹ) - trang 84 đến trang 105 viết về tiền quí và tiền gián theo dòng lịch sử.

15) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

1 Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email [email protected]

2 Ngoài ra, VBL còn cho ta thông tin về "hối suất đương thời", thí dụ như một đồng bạc bằng 1 phần mười đồng real (đơn vị tiền tệ phổ thông thời đế quốc Tây-Ban-Nha cực thịnh). Đây là một chủ đề thú vị về giá trị tiền VN trong lịch sử nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

3 Quảng Vận, Tập Vận vào TK 11 cho thấy chữ có hai cách đọc chuẩn là quan và quán (xem phiên thiết). Các tài liệu HV nên ghi thêm cách đọc (đúng) là quan và quán thay vì chỉ cho một âm quán mà thôi. Âm quan đã xuất hiện trong VBL trong các cách dùng quan âm, quan tiền so với quán .

4 Nhận xét này của LM de Rhodes khá chính xác: td. Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, tập thơ Nôm của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông chủ trì (1442-1497), ghi rằng (61b) "𠤩哴覩蔑貫 Có bảy tiền rằng đủ một quan". Điều này cho thấy trước thời VBL thì 1 quan bằng 7 tiền chứ không phải là 10 tiền.

5 Giá trị của 1 tiền thời LM de Rhodes ghi nhận (1 tiền bằng 60 đồng) có từ thời vua Lê Thái Tông (1439). Giá trị này có khác biệt như vào năm 1225, thời vua Trần Thái Tông quy định 1 tiền bằng 70 đồng nhưng sau đó vào năm 1428 vua Lê Thái Tổ quy định 1 tiền bằng 50 đồng. Giá trị 1 quan vẫn bằng 10 tiền qua các thay đổi này.

6 Như theo tác giả Tạ Chí Đại Trường trong "Sử Việt Đọc Vài Quyển" NXB Văn Mới, 2004 (California, Mỹ).

7 Như theo tác giả Nguyễn Hữu Mão trong bài báo "Ngày Xuân, đọc lại bài ca dao Đi chợ tính tiền" (2/2016) hay bài viết "Chuyện một bài ca dao cổ" của tác giả Phan Văn Cho đăng trên Tạp Chí Sông Hương SỐ 298 (T.12-13, năm 2013) …v.v…

8 Đọc bài ca dao này, nhất là câu "Em đây cầm một quan tiền trong tay", người viết/NCT luôn ngạc nhiên vì từ nhỏ mình cứ tưởng rằng một quan chắc là một đơn vị tiền tệ và là một đồng tiền đặc biệt nào đó - td. cũng giống như một tờ 500 ngàn bây giờ. Thật ra, quan chỉ là một xâu của tập hợp 600 đồng (xem hình vẽ một quan tiền trong tự điển Vallot chụp lại ở trang trên). Nếu một đồng nặng khoảng 3,5 g thì một quan nặng khoảng 3,5x600=2,100 g = 2,1 kg hay là khá nặng để cầm được "trong tay" một người phụ nữ. Giả sử là tiền Đoan Khánh Thông Bảo của Lê Uy Mục thì một quan còn có thể nặng đến gần 4 kg (vì một đồng nặng đến 6,2 g)!

9 Có tác giả như Trần Nhuận Minh cho rằng tác giả các bài thơ này (Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ) chỉ là nhân vật hư cấu của văn hóa dân gian - xem bài viết (2016) https://suckhoedoisong.vn/chieu-ho-trong-tho-nom-truyen-tung-ho-xuan-huong-khong-phai-la-pham-dinh-ho-n124713.html

10 Tham khảo bài viết "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền gián, bẻ tiền bẻ đủa - phần 21" cùng tác giả/NCT.

11 dona tiếng La Tinh nghĩa là quà tặng (số nhiều của danh từ donum). Ca dao sau đây cho thấy một dạng nộp cheo không có tiền "Công anh gánh gạch nộp cheo, bây giờ em bỏ đi theo người nào"…

12 "Phép vua thua lệ làng" nói lên phần nào luật làng xã (địa phương) luôn giữ một vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nước. Tính chất tự trị (bất thành văn) này có thể tạo ra kết quả tiêu cực.

13 Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, Đàng Trong và Đàng Ngoài có khác biệt trong ngôn ngữ, tục lệ ...v.v... Đây là một chủ đề đáng được tìm hiểu sâu xa hơn nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

14 Theo Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, tome II, Paris, 1924, tr. 115-116.

15 tương quan miêu - mèo phức tạp hơn vì khả năng tượng thanh của tên gọi loài vật (tiếng kêu loài vật).

16 Thi hào Vương Dật 王逸 thời Đông Hán nhận xét là dùng tay thì gọi là chiêu , dùng miệng thì gọi là triệu . Để ý chữ chiêu dùng bộ thủ (tay) và thanh phù là triệu, và chữ triệu dùng bộ khẩu (miệng).

17 Xem thêm chi tiết về tư duy phân tíchtư duy tổng hợp trong các bài viết như "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới, xuống thuyền/lên đất ... (phần 4)" cùng tác giả (NCT).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2020(Xem: 7023)
Nhà lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng, cùng hòa điệu với các nhà khoa học nổi tiếng trong một bộ phim tài liệu với chủ đề tuyệt diệu đầy quyến rũ.
26/05/2020(Xem: 7920)
Nước ta ở vào địa thế phía Đông là biển cả bao la, phía Tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, còn phương Bắc thì tiếp giáp với Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn, hùng mạnh đã biết bao phen xâm chiếm nước ta, vì vậy dân tộc ta không còn sự chọn lựa nào khác hơn là phải nỗ lực tiến về Nam để tồn tại và phát triển. Trong các đợt mang gươm đi mở cõi, tộc Phạm có nhiều vị tướng tài giỏi, những nhà cai trị lỗi lạc đã giúp các vương triều hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại này.
26/05/2020(Xem: 9520)
Đàn chim bay ngang phố. Xao xác tiếng cánh vỗ. Con quạ già trên nhánh cây hè phố ngước nhìn một lúc, rồi im lặng sà xuống đất, nhảy lò cò vài bước với một chân bị què, tiếp tục kiếm ăn. Phố im lạ thường. Những con đường vắng xe đã vơi mùi khói xăng từ những ngày trước. Lan tỏa đâu đây hương bạch đàn hòa lẫn với mùi nước cống vẫn ngày đêm chảy ngầm dưới lòng đất. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ của xe cứu thương băng ngang góc phố xa. Khách bộ hành mang khẩu trang chỉ chừa lại hai mắt ngầu đục sau gọng kiếng râm, không sao nhìn ra được vẻ đẹp tráng lệ của một bình minh tràn ngập nắng tàn xuân. Gió mai lành lạnh trong công viên thành phố. Ông già ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gấp mang theo từ nhà. Hai vợ chồng trẻ khoác áo gió dắt chó đi bộ quanh bãi cỏ xanh. Một cơn gió mạnh thổi qua làm cho những hàng cây rùng mình buông lá úa. Giờ không phải mùa thu, cũng chưa vào hạ, mà lá vàng vẫn rơi lác đác, trông như những cánh bướm cải nhởn nhơ trong gió. Nhưng không, chỉ trong thoáng chốc, n
25/05/2020(Xem: 12423)
Trưởng lão Cư sĩ David Robert Loy (sinh năm 1947), vị học giả người Mỹ, Giáo sư, tác gia, Giáo thọ Thiền Phật giáo thuộc Tam Bảo giáo (Sanbō Kyōdan, 三寶教), truyền thống Phật giáo Nhật Bản. Trưởng lão Cư sĩ David Robert chào đời tại Panama, khu vực kênh đào, (Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Phương Nam của quân đội Mỹ). Thân phụ của ông trong đơn vị Hải Quân Hoa Kỳ nên gia đình được đi du lịch rất nhiều. Thuở nhỏ, ông học trường Carleton College, Minnesota, một tiểu bang vùng Trung Tây của Hoa Kỳ, và sau đó du học khoa triết học tại trường King's College London (informally King's or KCL), Vương quốc Anh.
23/05/2020(Xem: 7001)
Con người ta, kể cả Đức Phật, Bồ Tát, La Hán hay thánh tăng khi còn sống thì vẫn phải đi đây đi đó, tiếp xúc, gặp gỡ, giao tiếp với người này người kia trừ khi sống ẩn tu trong hang động, núi rừng. Trong khi tiếp xúc, gặp gỡ như thế có thể “đối cảnh sanh tâm”. Thí dụ, khi bước vào một nhà giàu, có thể thể nảy sinh lòng ham muốn. Khi thấy người ta đeo nữ trang quý giá có thể sanh tâm thèm muốn hay đua đòi. Khi gặp cô gái, anh chàng đẹp trai có thể sanh tâm yêu mến. Từ yêu mến có thể sanh tâm chiếm đoạt.
22/05/2020(Xem: 8998)
Theo báo The Australian, vào ngày thứ hai 18/5/2020 trong Hội Nghị của Hội Đồng Y tế Thế giới (WHA), Úc cùng 136 nước khác trong số 194 các nước thành viên cùng đệ trình một Bản Dự Thảo Nghị Quyết mở cuộc điều tra. Bản Dự Thảo đã không bị bất cứ quốc gia nào phủ quyết, một việc chưa từng xảy ra trong bang giao quốc tế, nó nói lên sự chính đáng để có một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra đại dịch, cách giải quyết của từng quốc gia và rút ra bài học tránh thảm họa cho nhân loại. So với ý tưởng ban đầu của Thủ Tướng Scott Morrision, Bản Dự Thảo có đôi chỗ thay đổi. Úc đề nghị tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), còn Liên Minh Châu Âu đề nghị cuộc điều tra sẽ do WHO chịu trách nhiệm, nhưng việc đầu tiên là phải điều tra cách giải quyết đại dịch của chính cơ quan WHO. Mặc dù Chủ Tịch Trung cộng Tập Cận Bình đồng ý tiến hành cuộc điều tra, nhưng Đại sứ Trung cộng tại Úc, ông Thành Cảnh Nghiệp tuyên bố cuộc điều tra “hoàn toàn khác” với
21/05/2020(Xem: 8312)
Sáng thứ sáu, ngày 10 tháng 4 năm 2020 một phi hành đoàn gồm các phi hành gia của Hoa Kỳ và Nga từ trạm không gian quốc tế ISS đã hạ cánh xuống bãi đáp ở Kazakhstan, sau 200 ngày thi hành phi vụ. Thông thường, nhiệm vụ của họ là thám hiểm những hành tinh xa xôi, tìm hiểu những gì mà người dưới trái đất chưa được biết, chưa được thấy. Nhưng trở lại trái đất lần này, họ sửng sốt, ngạc nhiên vì dường như trái đất không còn giống như khi họ ra đi, 200 ngày trước.
21/05/2020(Xem: 6074)
Tổng Hiệp hội Tông phái Phật giáo Hàn Quốc đã tổ chức buổi họp báo hôm thứ Ba, ngày 19/5 vừa qua, nhằm công bố hủy một số sự kiện Kỷ niệm Quốc lễ Phật đản PL. 2564 và nhiễu hành xe hoa, Lantern Festival 2020, dự kiến diễn ra vào tháng 5 dương lịch này tại trung tâm thủ đô Seoul.
21/05/2020(Xem: 5975)
Những người theo đạo Phật ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ, đã lên tiếng việc lo ngại về việc cung cấp chỗ ở tạm thời cho người Ấn Độ đang đáp bay, đến từ các khu vực trên thế giới bị đại dịch Virus corona tấn công. Hội đồng Phật giáo Quốc tế (The International Buddhist Council), cơ quan đại diện cho hơn 50 cơ sở tự viện Phật giáo tại Bồ đề Đạo tràng và khu vực lân cận, đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu đề xuất các địa điểm kiểm dịch, trong đó bao gồm các cơ sở tự viện Phật giáo, không được sử dụng và người Ấn Độ trở về từ nước ngoài.
17/05/2020(Xem: 6351)
Trong đời sống tâm linh, có hai bước ngoặt nổi bật và cực kỳ quan trọng đã làm thay đổi cả một cuộc đời của tôi, và tôi chắc sẽ còn ảnh hưởng sâu đậm đến tận những hơi thở cuối cùng của kiếp người mà tôi đã và đang khiêng mang vác gánh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]