Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thơ Sẽ Chữa Lành Thế Giới

09/05/202017:50(Xem: 5371)
Thơ Sẽ Chữa Lành Thế Giới

Thơ Sẽ Chữa Lành Thế Giới

Nguyên Giác

hoasen1a

Hãy hình dung rằng sẽ tới một thời thế giới không còn bom đạn, và thay cho những trận mưa bom sẽ là những trận mưa thơ. Hãy hình dung rằng những góc phố Sài Gòn, Hà Nội và khắp thế giới sẽ dựng lên các bia đá khắc lên những dòng thơ ca ngợi hòa bình và tình thương. Như thế, thơ sẽ chữa lành thế giới, sẽ đẩy nhân loại bước rời xa các u tối chiến tranh, khi những ánh mắt căm thù hốt nhiên chỉ nhìn thấy những trận mưa hoa đầy chất thơ. Thậm chí, hát thơ còn chữa bệnh được: lịch sử ghi rằng trong thời Vua Hùng Vương, hát thơ chữa được sản nạn, hóa giải chứng đau bụng đẻ để bà bầu êm ái cho ra em bé an lành.

Ông bà mình từ xa xưa đã nhìn thấy tác dụng của thơ. Khi nhìn thấy người thương bước tới sân đình giữa làng, trong khi lời còn rất rụt rè, thì dòng thơ ca dao có thể nói lên rất nhiều, dù là chàng ướm lời với nàng hay ngược lại:

Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

Sau khi hai dòng thơ trên được hát lên, lời nói nào sau đó cũng dư thừa. Vì thương nhớ là những gì rất trừu tượng, rất mơ hồ, lấy chữ nào mà gói được ý nghĩa cho trọn vẹn, và lúc đó thơ mới hiện lên.

Hay là lời người con thương nhớ mẹ. Nói gì về mẹ? Cụ bà tóc trắng, thân gầy, một thời lụm khụm sau bếp và trước sân, rồi một thời mẹ ra đi vĩnh viễn. Nói gì về mẹ, khi nước mắt người con ràn rụa và hình ảnh mẹ chỉ còn là quá khứ? Lúc đó, ông bà mình mới dùng tới hát thơ và rồi trở thành ca dao:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Đường mía lau càng lâu càng ngát,
Xôi nếp mật ngào ngạt hương say.
Ba hương lây lất tháng ngày,
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.

Như thế, mẹ trở thành chuối, xôi, đường… là những gì ngon ngọt đã trở thành thân thể người con, và rồi mẹ biến mất theo gió. Hãy hình dung rằng thay vì sáu dòng thơ trên, chúng ta có cách nào nói lên được cảm xúc thiết tha thương nhớ như thế? Có vẻ như bất khả, vì thơ nơi đây đã gói trọn thành công những gì rất mơ hồ thương nhớ trong hồn người, y hệt như làn khói rất khó nắm bắt.

Trong khi đó, tiếp thị kinh doanh cũng là một nghệ thuật. Có khi vài dòng ca dao là đủ để quảng cáo và đưa vào ký ức người nghe các hình ảnh cần thiết. Như các dòng ca dao tiếp thị sau với các địa danh đều ở trong huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá:

Ai về nhớ vải Định Hòa,
Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê,
Nhớ dừa Quảng Hán, Lưu Khê,
Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào.

Như thế, không nói nhiều, không hô hào ồn ào, nhưng ý thơ sẽ ngấm từ từ vào tâm thức người nghe. Có phải thơ đã tự thân có sẵn một khung trời đón nhận trong não bộ chúng ta? Phải chăng tự trong tâm thức, chúng ta đã dị ứng với các ngôn ngữ trật nhịp thơ?

Thơ như thế, là gắn liền với máu thịt của chúng ta. Thơ đã cho chúng ta nhìn thế giới qua chân trời mới: ngả nón là lời mời gọi vào thế giới của nhau, chỉ vào ngói đình là chi vào niềm thương nhớ, sau khi mẹ biến mất là hóa thân ngay vào chuối, vào xôi, vào đường, và những người con Thanh Hóa đi xa đã chỉ vào nỗi nhớ gì rất cụ thể như vải, cau, cà, dừa… Thế giới trước mắt đã hóa thân thành một thế giới trong màn sương khói thi ca. Như thế, sự thật trong thơ không phải là sự thật khả lượng của thế giới vật lý. Trong khi địa cầu chúng ta đầy những hỗn loạn, tranh chấp, bom rơi đạn bắn, với âm vang hàng ngày trên TV từ trên vị trí cao nhất trở xuống cho tới giang hồ đứng bến là những lời chửi mắng chát chúa… thì thế giới thơ hiện ra khi chúng ta mở lại các trang sách cũ, tìm học lại những giá trị ông bà mình để lại trong các dòng thơ. Tại sao thơ làm chúng ta nhẹ lòng được như thế. Có vẻ như nửa thực, nửa hư khi chúng ta nhìn về hình ảnh thương nhớ với ngả nón, ngói đình…

Bài thơ đầu tiên của dân tộc Việt hình như là bài thơ mấy dòng do vua Lạc Long Quân nói lên khi tuyên bố ly hôn cùng bà Âu Cơ để chia trăm con làm hai hướng, nửa đi theo mẹ, nửa đi theo cha. Hình ảnh về truyền thuyết này cũng là cuộc ly hôn thuận thảo nhất trong lịch sử nhân loại, vì cổ sử không nói chuyện xích mích gì giữa hai người khai sinh ra dân tộc Việt.

Tự điển Bách khoa Mở ghi rằng Lạc Long Quân (truyền thuyết ghi rằng sinh năm 2825 trước Tây lịch) có tên húy là Sùng Lãm, là một vị vua truyền thuyết của lịch sử Việt Nam. Lạc Long Quân được xem là vị vua của nhà nước sơ khai Xích Quỷ trước nhà nước Văn Lang.

Thuyết này ghi rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết “bọc trăm trứng.” Lạc Long Quân có thể là danh hiệu truyền lại trong dã sử của một tù trưởng đã có công trong việc đi đến thống nhất các bộ tộc người Lạc Việt. Con trai ông là tù trưởng bộ lạc Văn Lang đã thống nhất thành công 15 bộ lạc, thành lập nhà nước Văn Lang, xưng hiệu Hùng Vương đời thứ nhất.

Một phiên bản kể về mối tình Rồng-Tiên này ghi rằng vua Lạc Long Quân thường xuyên lên bờ dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, đôi khi trở về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! Sao không lại cứu chúng tôi!” Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi. Đột nhiên một ngày nọ, xuất hiện một bệnh dịch lớn mà Long Quân không trị được. May mắn thay đã có một tiên nữ tên Âu Cơ từ trên núi xuống ra tay giúp đỡ, nhờ thế mà mọi người mới vượt qua bệnh dịch này. Âu Cơ đi khắp bốn phương để giúp đỡ và chữa trị cho những người đang lâm bệnh và gặp khó khăn. Nàng có lòng từ bi và có tài về y thuật. Một ngày nọ, một con quái vật làm nàng sợ hãi. Nàng liền biến thành một con sếu mà bay đi. Lạc Long Quân, là thần rồng từ biển cả, thấy nàng đang gặp nguy hiểm liền cầm lấy cục đá và giết tên quái vật. Sau đó tình yêu đã nảy nở giữa hai người và họ cưới nhau. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có 100 người con. Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ:

Ta là giống Rồng,
mình là giống Tiên,
thủy thổ khắc nhau,
không ở cùng được.

Than ôi, bài thơ không vần, rất ngắn, rất khô khan này đã đoạn lìa một tình nghĩa phu thê rất thơ mộng của dân tộc. Hai người bèn chia con mà ở riêng. Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi.

Sau khi chia tay với Quốc mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân cùng 50 người con còn lại xuôi đường lần ra Nam Hải. Đến đất Bình Đà bây giờ (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), cách biển không xa, sông nước mênh mang, Lạc Long Quân truyền cho các con dừng chân dựng trại, chọn đất này làm nơi dựng xây cơ nghiệp.

Tuy nhiên, làn điệu thơ xa xưa dường như là hát, chớ không phải là ngâm, vịnh như đời sau. Một trong những dấu tích thơ được ghi từ xa xưa là trong điệu hát xoan. Một trong các cơ duyên ban đầu này trong thời Vua Hùng Vương, hát thơ chữa lành được chứng đau bụng đẻ. Theo nhà nghiên cứu Phạm Thị Thiên Nga (Về miền Lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam – ấn bản 2008), Làng Cao Mại (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có một truyền thuyết như sau:

“Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà không đẻ được. Người hầu tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, nên đón về múa hát có thể làm đỡ đau và sinh nở được, vợ Vua Hùng nghe lời cho mời nàng Quế Hoa tới (Quế Hoa ở thành Phong Châu), vâng lời triệu, Quế Hoa đến chầu vợ Vua. Bấy giờ, vợ Vua đang lên cơn đau đẻ dữ dội mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa hát hay, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng phải mê. Vợ Vua mải xem múa hát không  thấy đau, sinh được 3 người con trai khôi ngôi đẹp đẽ. Khi ấy đang mùa xuân, Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa mới bảo các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy sau được gọi là hát xoan.” Cũng có truyền thuyết giải thích rằng: Xoan là từ gọi chệch tiếng xuân (vì vợ Vua tên thật là Xuân). Do tục kiêng kỵ tên huý, nên hát Xuân được gọi là hát xoan.

Y khoa hiện nay đã chứng minh rằng thơ có chức năng chữa lành nhiều vết thương cho nhân loại. Các bác sĩ tại hai bệnh viện Yale University School of Medicine và University College London School of Medicine trong khi chăm sóc bệnh nhân đã đề nghị thơ như một phương thuốc, trước tiên là để tự hiểu cảm xúc và sau nữa để giúp bệnh nhân bước vào một thế giới thơ, nơi xa lìa bạo lực và đau đớn của đời thường đang tràn ngập màn hình TV. Nhiều bệnh viện tại Hoa Kỳ, Anh quốc và Châu Âu hiện nay dùng thơ như một pháp trị liệu, và phương pháp này gọi là “poetry therapy” với người chăm sóc trong lĩnh vực này sẽ được qua các khóa huấn luyện của tổ chức có tên là International Federation for Biblio / Poetry Therapy (IFBPT, Liên Đoàn Trị Liệu Bằng Sách và Thơ).

Truyền thống dân tộc nào cũng gắn liền với thơ. Chúng ta rất khó hình dung được có một dân tộc nào với một ngôn ngữ riêng lại không có một truyền thống thơ. Dân tộc Việt Nam có thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ lục bát, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ tự do có vần và thơ tự do không vần. Hay, có khi kết hợp chung nhiều hình thức thơ vào một bài, như bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông.

Gắn liền trong ngôn ngữ là âm thanh. Do vậy, thơ tự động gắn liền với âm thanh. Ngay cả thơ tự do không vần cũng có tác dụng âm thanh. Bởi vì não bộ nhân loại đón nhận âm thanh và giải nghĩa theo kiểu riêng của mỗi ngôn ngữ. Trong y khoa có phương pháp dùng máy đo fMRI (functional magnetic resonance imaging) để xem phản ứng của não bộ phản ứng đối với thơ. Máy đo fMRI khám phá ra một điều ai cũng biết, rằng nhân loại có phản ứng khác nhau khi nghe ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thơ. Trong ngôn ngữ thơ, bên cạnh âm vang còn có hình ảnh, và hình ảnh đời thường (như: nón, đình, ngói…) khi trở thành hình ảnh thế giới thơ bỗng nhiên có tác dụng trong những phẩn khác nhau của não bộ.

Phương pháp fMRI đo các hoạt động của não bộ bằng cách đo các biến đổi gắn liền với dòng huyết lưu, dựa vào sự kiện rằng dòng máu chảy trong não bộ gắn liền hoạt động của thần kinh. Khi một khu vực nào trong não bộ được sử dụng, lưu lượng máu chảy vào khu vực đó tăng thêm. Máy đo fMRI sử dụng các từ trường và sóng radio để vẽ đồ hình các cơ phận trong cơ thể.

Thực ra, y khoa đã áp dụng thơ trị liệu từ vài thế kỷ nay, với việc đọc văn/thơ và sáng tác văn/thơ dùng làm pháp hỗ trợ trị liệu các bệnh về căng thẳng. Theo sử ghi lại, Pennsylvania Hospital, bệnh viện đầu tiên tại Hoa Kỳ, dùng phương pháp văn học trị liệu từ giữa các năm 1700s. Tới đầu thập niên 1800s, Bác sĩ Benjamin Rush đưa ra phương pháp dùng thơ trị liệu cho các bệnh nhân. Năm 1928, nhà thơ và là dược sĩ Eli Griefer khởi đầu thành lập các nhóm “thơ trị liệu” (poemtherapy) tại hai bệnh viện khác nhau với hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý Jack L. Leedy và Sam Spector. Sau khi Griefer từ trần, Leedy và nhiều người khác tiếp tục đưa thơ vào tiến trình trị liệu, từ đây thành lập Hội Thơ Liệu Pháp (Association for Poetry Therapy) trong năm 1969.

Nhà nghiên cứu James Pennebaker đưa ra kết quả nghiên cứu của ông cho thấy rằng khi hướng dẫn bệnh nhân sáng tác văn học bày tỏ cảm xúc (expressive writing) chỉ trong 15 phút trong vòng 4 ngày cho thấy hiệu quả tốt cho sức khỏe đo lường tương đương như tới khám trong phòng mạch bác sĩ và giảm được các than phiền triệu chứng từ bệnh nhân. Nghiên cứu này của ông sử dụng cách viết văn bày tỏ cảm xúc để chữa các vết thương từ các sự kiện căng thẳng gây chấn thương.  Nghiên cứu này của Pennebaker được ông tường trình trong sách “Writing to Heal: A Guided Journal for Recovering from Trauma and Emotional Upheaval” (Viết để Chữa Lành. Xuất bản lần đầu 2004).

Nghiên cứu trên cho thấy sáng tác văn học (thể loại bày tỏ cảm xúc) làm tăng lực cho hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể bệnh nhân, các tác dụng tốt với cả bệnh nhân bị suyễn, ung thư và đau khớp, giảm mức độ căng thẳng bắp thịt, giảm huyết áp và giảm mức độ tốc độ nhịp tim đập, tác phong bệnh nhân thay đổi dài hạn, ảnh hưởng thái độ bệnh nhân giúp tăng hiệu quả làm việc trong sở và trong trường học.

Nhiều cuộc nghiên cứu tương tự cũng đã thực hiện. Tác phẩm “The Writing Cure: How Expressive Writing Promotes Health and Emotional Well-Being” (Chữa Lành Bằng Viết, ấn hành lần đầu năm 2002) của hai nhà nghiên cứu Stephen J Lepore và Joshua M Smyth cũng cho thấy kết quả tương tự, sáng tác văn/thơ thể loại bày tỏ cảm xúc giúp cho cả bệnh nhân ung thư, giúp cả bệnh nhân trẻ em, giảm cao máu, vân vân.

Trong khi đó xưa cổ nhất trong phương pháp thi ca trị liệu là Đức Phật, người đã sáng tác hàng trăm ngàn bài thơ trong suốt một đời hoằng pháp. Trong khi Kinh Tập (sách thứ 5 trong Tiểu Bộ Kinh) trọn vẹn là thơ, toàn bộ 71 bài kinh là 71 bài thơ, trong đó hai phẩm cuối trong năm phẩm là các bài thơ do Đức Phật ứng khẩu trong khi trả lời 32 vị học giả Bà La Môn. Nghĩa là, bên cạnh việc trình bày giáo pháp, có thể (chúng ta suy đoán, có thể không chính xác) rằng ứng khẩu làm thơ nơi đây còn là một cuộc trình bày kỹ năng ngôn ngữ để người nghe nhập tâm sâu hơn, và rồi hai phẩm này trở thành kinh nhật tụng sơ thời cho tứ chúng trong những năm đầu hoằng pháp của Đức Phật.

Tương tự, Kinh Pháp Cú là do chư tăng kết tập các lời ứng khẩu thơ của Đức Phật trong nhiều sự kiện, và thơ trở thành kinh và sự kiện trở thành tích truyện. Do vậy, Kinh Pháp Cú có nhiều phiên bản khi chư tăng đi ra nhiều hướng để hoằng pháp, có bản Pali, bản Hán tạng (dịch theo tiếng Sanskrit), bản tiếng Tạng ngữ (cũng dịch từ Sanskrit), bản Gandhara… Như thế, thơ là một phần xương gân máu tủy trong Kinh Phật. Thậm chí, ngay cả văn xuôi cũng mang nhiều chất thơ, như Kinh Duy Ma Cật, Kinh Hoa Nghiêm… Và như thế, khởi đầu phương pháp thơ trị liệu là hệ thống Kinh Phật đồ sộ.

Không chỉ Đức Phật, các trưởng lão tăng và trưởng lão ni cũng để lại khối gia tài thơ đồ sộ. Nghĩa là, sinh thời của Đức Phật, giới trí thức được thu hút quy y và tu học rất là đông, và các vị trí thức từng một thời tinh thông các bộ Vệ Đà đã trở thành các cột trụ đứng bên cạnh Đức Phật để tu học và hoằng pháp.

Như vậy, chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam. Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/05/2020(Xem: 6793)
Colombo, 1/5/2020: Sri Lanka đã tuyên bố Tuần lễ Quốc gia Vesak PL. 2564 (2020) từ thứ Hai, ngày 4 đến ngày 8 tháng 5 để đánh dấu sự kiện quốc tế lễ quan trọng nhất đối với Phật giáo đồ khắp nơi trên thế giới.
02/05/2020(Xem: 8144)
Chỉ khi nào một tổ chức xã hội mà các hội đồng thường xuyên tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, gặp gỡ trong sự hài hòa và tôn trọng lẫn nhau, họ sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Khi nào một xã hội biết gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp bởi dân phong quốc tục, truyền thống lâu đời của trí tuệ và tôn vinh những bậc trưởng lão, họ có thể sẽ thịnh vượng và không suy tàn.
01/05/2020(Xem: 11302)
Gia đình điền chủ thời xưa Có con trai nọ mới vừa sinh ra Đẹp lòng mẹ, hài lòng cha Khi chàng khôn lớn cả nhà vui tươi.
01/05/2020(Xem: 6704)
Liên minh Phật giáo Italia (L'Unione Buddhista Italiana, UBI) có gần 60 hội đoàn là thành viên của Liên đoàn. Liên hội này là một tổ chức tôn giáo, văn hóa và từ thiện xã hội. Liên hội không đại diện cho một tông phái nào, liên hội tập họp mọi hoạt động để bảo tồn và tôn trọng mọi tông phái.
30/04/2020(Xem: 8685)
Milan, ngày 6/4/2020, Nhân mùa Phật đản PL. 2564, 90 tổ chức thuộc Xã hội dân sự như một khu vực thứ ba (Organizzazioni del Terzo Settore) trong xã hội, đã được nhận phần đặc biệt của quỹ 1,5 triệu euro do Liên minh Phật giáo Ý (L'Unione Buddhista Italiana) phân bổ, nhằm hỗ trợ cho những người cam kết phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.
30/04/2020(Xem: 5254)
Phật học viện Singapore (新加坡佛学院, Buddhist College of Singapore, BCS), một tổ chức giáo dục đào tạo tăng tài và hàm dưỡng các nhà lãnh Phật giáo xuất sắc trong tương lai. Được thành lập tại Đảo quốc Singapore, “nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Phật giáo và phục vụ cho toàn nhân loại, 一個造就高素質佛教接班人的搖籃 立足新加坡· 面向佛教界· 服務全人類.”
25/04/2020(Xem: 5421)
Ta không thể nào tồn tại một mình. Rất nhiều người khi có chức, có quyền và có tiền, thì họ lập tức xem mọi người như cỏ rác và vội nghĩ rằng, ai cũng phải cần tôi ! Nhưng họ không hiểu những điều sau đây: • Họ sinh ra cũng bởi người khác. • Họ lớn lên cũng nhờ người khác nuôi. • Họ thành tài cũng vì người khác dạy. • Họ làm ăn giàu có cũng nhờ người khác mua. • Họ làm chủ và thành công cũng nhờ thuộc hạ có tài.
25/04/2020(Xem: 5104)
Thiền sư Quả Cốc (果谷-Guo Gu), một tác giả và Giáo sư Đại học, thuộc truyền thống Dharma Drum Mountain (DDM, 法鼓山, Pháp Cổ Sơn) có trụ sở tại Trung tâm Tallahassee Chan Center (塔拉哈西), Forida, Hoa Kỳ, đã tạo một nền tảng trong tháng này với hy vọng huy động được 500.000 USD để hỗ trợ các "chiến sĩ áo trắng" trên mặt trận chống Covid-19 trên khắp Bắc Mỹ. Thiền phái Pháp Cổ Sơn tổ chức Từ thiện cứu tế, đã bắt đầu cung cấp mặt nạ phòng độc chống Covid-19 cho nhân viên y tế, nhiều người trong số họ đã thấy thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đầy đủ để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.
23/04/2020(Xem: 5742)
Nhiều người trong chúng ta đang vật lộn với phản ứng của chúng ta, trước những khổ đau của quốc gia dân tộc và thế giới. Chúng ta có thể làm gì khi đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, bất công và tàn phá môi trường? Theo dòng thời sự, thật dễ dàng để tuyệt vọng, trở nên hoài nghi hoặc tê liệt. Hướng về phía nó là cách tiếp cận của Phật giáo đối với sự đau khổ chung này. Chúng ta hiểu rằng, hạnh phúc và thực sự ý nghĩa sẽ đến, thông qua xu hướng khổ đau. Chúng ta vượt qua tuyệt vọng của chính mình, bằng cách giúp đỡ người khác vượt qua mọi chướng nạn khổ đau.
23/04/2020(Xem: 5004)
Trước khi vào bài viết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa về từ ngữ an cư: an cư theo tiếng Phạn là Varsa hay Vassa, là mùa mưa. Tàu dịch: vũ kỳ hay vũ an cư (an cư mùa mưa) vì là mùa mưa tại Ấn Độ, “an” là an tịnh nội tâm, “cư” là kỳ hạn cư trú tu tập, trong suốt thời gian nhất định nào đó. An cư cũng có nghĩa là ‘an kỳ tâm, cư kỳ thân’, tức thân ở yên một chỗ và tâm được an lạc, thanh tịnh gọi là an cư. Như vậy Mùa An Cư tức là mùa ở yên một chỗ (còn gọi là cấm túc) để tĩnh tâm tu tập. Thời gian khi Phật còn tại thế và tại Việt Nam hiện nay là Chư Tăng an cư 3 tháng vào mùa hạ, từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7, còn Tăng Già các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…thì đa số là “nhất Tăng nhứt tự” lại xa xôi cách trở nên tùy vào từng quốc độ mà tập trung an cư trong 10 ngày, sau đó trở về trụ xứ tiếp tục tâm niệm an cư cho đến khi giải hạ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]