Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tỉnh rồi, mà đã giác chưa?

19/04/202020:59(Xem: 5539)
Tỉnh rồi, mà đã giác chưa?

                                          buddha_lotus2                              

                                   TỈNH RỒI, MÀ ĐÃ GIÁC CHƯA?
                                                             TN Huệ Trân

 

          Dường như đường đê mỗi lúc mỗi hẹp! Lại quanh co nữa!

          Lạ thay, lẽ ra tới đây lữ khách đã phải nhìn thấy ngã ba, có cây đa cổ thụ, có bụi tre mạnh tông cao vút mướt xanh, dẫn vào thôn Phương Viên, làng Đan Phượng rồi chứ?

          Lữ khách tự nhủ “Lâu qúa, không được về thăm quê nội nên cảnh trí đổi khác chăng? Cố lên! Ráng thêm chút nữa sẽ thấy đường rẽ vào làng mà!”

          Nhưng mây đen bỗng từ đâu kéo tới, rồi nước sông dâng cao, dâng cao… ….Nước từ sông Hồng cuồn cuộn dâng cao, như rượt đuổi bước chân siêu vẹo của kẻ phương xa, tìm về thăm quê cũ … Rồi, ầm! ầm! Mưa bão trút xuống cùng lúc với bờ đê mong manh vỡ tan, sụp đổ … Lữ khách nghe tự đáy lòng mình bật lên hai tiếng thảm thiết “Mẹ ơi!”
storm_1

 

          Hành giả mở choàng mắt!

          Thì ra chỉ là giấc mơ!

          Đêm qua, sau thời tọa thiền, tuy đã khuya lắm, nhưng cảm thấy chưa muốn rời bồ đoàn nên hành giả cứ ngồi đó, lặng thinh trong bóng đêm, không suy nghĩ gì, không mong chờ gì. Chỉ là ngồi yên. Và thiếp vào cơn mộng!

 

          May quá! Chỉ là mộng!

          Hành giả chợt bật cười vì cảm giác may mắn, mừng rỡ khi biết cảnh bão giông, đê vỡ không thật, chỉ là trong giấc mộng.    

          Nhưng sao ta vẫn còn mừng vui vì thoát cảnh hiểm nguy, dù lúc này ta đã tỉnh, đã biết chắc cảnh đó chỉ ở trong giấc mộng, khi ta thiếp ngủ! Cảnh hiểm nguy vừa qua không thật!

          Dường như không phải chỉ đôi ba lần mà có lẽ rất nhiều, rất nhiều lần, nhân gian đã mừng, buồn, sợ, tiếc, khóc, cười …v…v… với những cảnh trong mộng, sau khi đã tỉnh giấc! Ta để cảm thọ dắt đi, như ta vừa trải qua những cảnh thật.

          Hành giả cũng không ngoại lệ, nhưng phút giây này, sát na này, bỗng từ đâu lóe lên ánh chớp khi hành giả ngẩn ngơ tự hỏi “Sao ta lại mừng vì thoát hiểm những cảnh không thật? Ta đang tỉnh đây mà! Ta biết chắc, những cảnh vừa qua chỉ là trong mơ. Vậy, ta TỈNH rồi, mà đã GIÁC chưa?”

   

          Hành giả đứng dậy, ra bếp nấu nước, pha một ấm trà.

          Hương sen thoang thoảng không gian tịnh thất, nhẹ nhàng khẽ vén tấm màn vô minh, chuyển tải giòng âm thanh trầm hùng:

          “Nhất thiết hữu vi pháp

          Như mộng huyễn bào ảnh

          Như lộ diệc như điện

          Ưng tác như thị quán”

          Đó là bài kệ cô đọng tư tưởng Kinh Kim Cang: huyễn, mộng, bào, ảnh mà Ôn Già Lam đã dùng thể thơ lục bát khi Việt dịch Tôn Kinh:

          “Tất cả những pháp hữu vi

          Khác nào mộng huyễn, khác gì điện, sương

          Như bóng nước, như ảnh tượng

          Xét suy như thế cho thường, chớ quên”

Hơn hai mươi sáu thế kỷ, chúng sanh đã thọ nhận biết bao lời kinh, tiếng kệ, nhưng nghe và thấu hiểu để thấy được bản tâm dường như là hai việc song song. Những đường song song thì bao giờ mới gặp nhau!

Hành giả rót thêm trà vào tách. Mới đây, tách trà nóng và đầy, giờ đã nguội và vơi. Chỉ một sự vô cùng đơn giản trước mắt, nhưng nếu quan tâm quán xét cũng có thể nhắc nhở ta, lời Phật dạy về Lẽ Vô Thường. Cái gì hiện hữu, cái đó rồi sẽ mất đi. Sinh rồi phải tử, trẻ rồi phải già, nở rồi phải tàn, khỏe rồi phải yếu ….

Sự thật hiển nhiên, ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng lạ thay, nhân gian vẫn thường lẩn tránh sự thật đó, cứ tự cho Vô Thường là Thường, Khổ là Lạc, Vô Ngã là Ngã, Bất Tịnh là Tịnh, nên sân-khấu-đời mới chưa từng ngưng tiếp diễn những tuồng tích không cần soạn giả, bởi mỗi cá nhân luôn tự soạn, tự diễn những gì tưởng là mới, mà thực ra đã diễn hôm qua, tuần trước, tháng trước, năm trước… Chúng sanh luân hồi trong từng sát na. Mỗi ước muốn là nảy sinh tham vọng, và khi tham vọng đã khởi là như sức hút của nam châm khiến ta lao vào vòng xoáy của Thành, Trụ, Hoại, Diệt.                 

Trước phút nhập Niết Bàn, Đức Phật nhắc nhở các đệ tử, lời Ngài đã từng dạy:

“Các hành vô-thường

Là pháp sinh-diệt

Diệt sinh-diệt rồi

Tịch-diệt là vui”

Phải chấm dứt được cái sinh-diệt này mới đạt tới tịch-diệt. Phải làm sao thâm nhập lẽ vô thường để Tri và Hành hợp nhất mới mong dứt khổ. Phải làm sao để mắt không vướng sắc, tai không vướng âm thanh, mũi không vướng hương, lưỡi không vướng vị, thân không vướng cảm giác xúc chạm, ý không vướng mông lung để thực sự sống phút giây hiện tại trong chánh niệm, để lục căn đối trước lục trần chỉ là Như-Thị, là như thế thôi, không vướng mắc.

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất ở con người là hầu như suốt cuộc đời, con người miệt mài dồn hết sức lực, tâm lực để có thật nhiều tiền bạc danh vọng, cho đến khi sức tàn, tâm tận thì lại cố gom hết tiền bạc, danh vọng, mong có được sức khỏe, tâm an! Nhiều người sống mà không nghĩ là mình sẽ chết, cho đến khi sắp chết mới nhận ra là mình chưa hề sống!”

 

Điều đó khác chi sống trong mộng, với những thành, trụ, hoại, diệt không thật trong giấc mộng? Nhưng khi đã tỉnh mộng, nói nôm na là đã tỉnh ngủ, đang đi, đứng, nằm, ngồi đây mà vẫn vui, buồn, sướng, khổ với những cảnh huống biết là không thật, là sẽ biến diệt. Điều này mới lạ thay!!!

Thoảng hoặc, trên tiến trình thành, trụ, hoại, diệt, chợt có những đột biến có thể giúp con người bừng tỉnh, nhìn ra lẽ vô thường mà quán chiếu lại tự thân.

Chẳng hạn đại nạn bệnh dịch Corona đang bất ngờ hoành hành khắp năm châu bốn biển. Con vi khuẩn này không kỳ thị mầu da, sắc tộc nào. Nó ập tới, tràn vào khắp nơi, khắp chốn, từ dinh thự nguy nga tới quê nghèo dột nát, từ đô thị náo nhiệt tới thôn xóm đìu hiu. Người giầu, kẻ nghèo, không trở tay kịp, thoắt chốc buông xuôi, tắt thở, thoắt chốc tiền rừng bạc biển không đổi được một hơi thở điều hòa, thoắt chốc không còn khoảng cách giữa quyền cao chức trọng và rách rưới bần cùng!
corona virus

 

Thời còn tại thế, có lần Đức Phật thuyết cho vua Pasenadi nghe về bốn ngọn núi bao quanh. Đức Phật hỏi vua “Nếu trong cùng một lúc, quân lính ở bốn cửa thành cùng chạy về cấp báo rằng có bốn ngọn núi vĩ đại từ bốn phía đang lừng lững tiến về kinh đô và càn quét mọi thứ khi núi đi qua. Nghe tin dữ đó thì Bệ Hạ sẽ làm gì?”

 Sau một thoáng ngỡ ngàng, nhà vua thành thật thưa rằng “Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ sống thật xứng đáng với thời gian còn lại trước mặt”

Nghe thế, Đức Phật mỉm cười từ ái mà bảo “Bốn ngọn núi đó chính là Sinh, Lão, Bệnh, Tử đấy. Tuy mọi người đều biết không ai qua khỏi cái chết nhưng vẫn không ngừng thù hận, giẫm đạp lên nhau để thỏa mãn cái mình muốn, dù biết cái chết không hẹn nhưng sẽ đến và khi nó đến, không ai mang theo được gì!”

 

Đại nạn dịch bệnh đang giúp nhân loại nhìn thấy Lẽ Vô Thường. Nhìn thấy và chấp nhận sự thật chứ không phải chỉ là nghe qua lý thuyết nên nơi nơi, tâm chúng sanh đang chuyển hóa để “Sống xứng đáng với thời gian còn lại trước mặt” chăng?

Trước đại nạn này, những người ở tuyến đầu hiểm nguy, Đã và Đang là những Bồ Tát, vì ngành Y, ngành Dược họ chọn là phát nguyện cứu người thoát bệnh, thoát khổ. Hơn bao giờ hết, các Bác Sỹ, các Y Tá, các Dược Sỹ, các nhân viên y tế cấp cứu  … đang thể hiện lời hứa lúc nhận bằng cấp khi ra trường. Họ đang hàng ngày tiến vào những khu vực hiểm nguy mà tử thần đang bủa vây, rình rập. Họ cũng có gia đình, có những người thân yêu hồi hộp chờ đợi họ an toàn trở về để được thấy nhau trong bữa cơm tối. Ôi, xin chắp tay trước những Bồ Tát hiện đời!   

Nhưng còn quần chúng bình thường ngoài kia, điều gì khiến từng nhóm thanh nữ gọi nhau, tự bỏ tiền túi đi mua vải rồi tìm chủ nhân những shop may đang đóng cửa vì nạn dịch, để xin được đến shop, may khẩu trang tiếp cứu các bệnh viện, các khu dưỡng lão?

Điều gì khiến các nhóm thanh niên tình nguyện đi chợ giúp người già, giúp chở đi bác sỹ, đi mua thuốc, đến bệnh viện?

Điều gì khiến một thiếu nữ trẻ, làm thâu ngân trong siêu thị ở thành phố Georgetown, khi thấy một cụ ông đếm mãi vẫn không có đủ số tiền mua thực phẩm mà máy tính tiền vừa hiện lên, cô đã thân ái mỉm cười “Đủ rồi cụ ơi, phần sai biệt siêu thị sẽ tặng trong mùa dịch này mà!” Nhưng sự thật chính là cô đã bỏ tiền túi vào, để khi kiểm tiền không thiếu hụt!

Điều gì khiến cậu bé 7 tuổi về nhà, đập con heo đất, gom món tiền nhỏ đó, mua bánh kẹo rồi cùng mẹ trở lại viện dưỡng lão, nơi cậu vừa được mẹ cho vào thăm bà ngoại, và cậu đã nhìn thấy những ánh mắt buồn rầu của bao bà nội, bà ngoại xung quanh không được con cháu đến thăm? Khi có người phổ biến câu chuyện cảm động này trên mạng thì đã có không ít các cô bé, cậu bé khác đang làm theo! Ôi, những Thiên Thần bé nhỏ mà Phật Tánh đã rạng ngời!

Điếu gì khiến một người giầu có ẩn danh, ở thành phố Earlham, Iowa (NV)  đã đặt mua loại Thẻ Quà Tặng tại các doanh nghiệp địa phương trong tỉnh rồi gửi tới địa chỉ từng nhà dân tại thị trấn Earlham? Mỗi thẻ quà tặng trị giá 150 USD. Với dân số trong thị trấn là 549 người thì số tiền hiến tặng đã lên tới $82,350 USD. Quà tặng bất ngờ này đã thực tế giúp các doanh nghiệp đang ế ẩm vì luật cách ly, chứ không chỉ giúp dân cư trong tỉnh đang thiếu những nhu yếu cần thiết. Ôi, vi diệu thay tinh thần Ba-la-mật Tam-Luân-Không-Tịch!

Nói về tiền bạc, theo tin trên mạng, thì cũng có một ông nhà giầu khác, khi nhận kết qủa dương tính, nhiễm Covid-19, trong lúc quá hoảng sợ, qúa tuyệt vọng, ông đã đứng trên lầu cao, ném từng nắm tiền xuống cho người đứng dưới tranh nhau nhặt! Cũng quý thôi! Chỉ tiếc là Của Cho không bằng Cách Cho, nhưng ít nhất cũng thể hiện được ý nghĩa một câu ngạn ngữ “Khi cây xanh cuối cùng bị đốn, dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc, con cá cuối cùng bị chết, ta mới biết rằng ta không thể ăn được những tờ giấy bạc vô nghĩa!”  

Ngoài tác hại cực kỳ tàn độc, con vi khuẩn vô hình nhưng cũng vô tình đem lại cơ hội cho con người gần nhau hơn, bớt ích kỷ, vị kỷ để chia sẻ và thương yêu nhau hơn; nên ngoài kia vẫn từng ngày, từng giờ cập nhật những vui buồn, những nước mắt và nụ cười từ bao tấm lòng Cho và Nhận.

Của Cho không bằng Cách Cho

Ngã chấp, ngã sở, đắn đo làm gì!

Vô thường, đến đó rồi đi

Còn đó rồi mất, có chi vững vàng!

Vui, buồn, hợp đó rồi tan

Xuôi tay, nhắm mắt, ai mang được gì

Sống tử tế với nhau đi!

Trực tâm thị đạo, ngay khi hiện tiền.

 

Tách trà đã cạn. Mặt trời vừa ló dạng phương đông.

Hành giả đứng lên, thay áo, đội nón, khẽ mở cửa, bước ra ngoài.

Hành giả đang tiến về hướng có shop may bỏ không. Giờ này ở đó, hành giả biết chắc đã có hai thanh nữ tới sớm, đang miệt mài may khẩu trang để trưa nay, nhân viên bệnh viện trong tỉnh sẽ tới nhận.

Người cho, không cần ai biết

Người nhận, dù chén cơm vơi

Hạnh bố-thí-ba-la-mật

Thăng hoa nghĩa đạo tuyệt vời!

Nam Mô Thanh Lương Địa Bồ Tát Ma Ha Tát

 

TN Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất _ Xuân muộn, Canh Tý niên)                  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/11/2023(Xem: 2842)
Ôn cố tri tân tức ôn lại chuyện cũ để hiểu chuyện mới. Chuyện cũ là kho tàng kinh nghiệm cho đời sau. Tất cả mọi hưng-phế của đất nước đều do người chứ không phải do Trời. Vào năm 2018, đất nước Venezuela hỗn loạn, có tới hai chính phủ và ngoại bang xâu xé, chưa biết tương lai đi về đâu, rồi tới nước Pháp.
15/11/2023(Xem: 2928)
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy là câu lưu truyền để nói lên công ơn của những người Thầy đã dành cho chúng ta, dù nhiều hay ít, cũng là những nền tảng để mỗi người có được sự hiểu biết và phát triển theo hướng tích cực. Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống cao đẹp, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, trải qua bao đời, truyền thống này vẫn luôn được giữ gìn như một gốc rễ tạo nên nhân cách, đạo đức và kiến thức cho mỗi con người, bởi không ai lớn lên mà không cần đến người dẫn dắt, hướng dẫn, không ai tự nhiên tài giỏi, hiểu biết mà không có một người Thầy.
02/11/2023(Xem: 3759)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Năm nào xứ Huế cũng lụt lội, dường như bão lụt đã trở thành .. ''đặc sản'' không thể thiếu của miền Trung. Được sự quan tâm chia sẻ của quý vị Phật tử và các vị hảo tâm, Hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề (Bodhgaya Heart Foundation) chúng tôi vừa thực hiện một buổi phát quà từ thiện dành cho những người dân nghèo, những người hoàn cảnh khó khăn.. thuộc huyện Phong Điền- Thừa Thiên Huế.. Chư Ni chùa Siêu Quần đã đại diện Hội từ thiện trao tặng cho người dần 500 phần quà, mỗi phần trị giá 400k gồm 10 ký gạo, thùng mì, dầu ăn, đường, bột ngọt, nước tương, sữa và bì thư 100k.
15/10/2023(Xem: 2715)
Mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Ngày Doanh Nhân Việt Nam, Thái Hà Books chính thức phát hành cuốn sách quý, rất ý nghĩa “Trái tim của Bụt” với 02 phiên bản đặc biệt và phổ thông. Sách được thực hiện và gia công trang trọng, công phu, nội dung có bổ sung hình minh họa dễ hiểu cho các doanh nhân và độc giả cảm nhận rõ hơn những thông điệp của sách, để chúng ta nhắc nhau thực hành lối sống phụng sự trong hạnh phúc, để cùng nhau đi đứng nằm ngồi, nói cười và tiếp xử với nhau trong hỷ lạc và an vui, để mỗi chúng ta cùng tiếp nối sự nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
13/10/2023(Xem: 2071)
Người đời, từ khi sinh ra đến khi lớn lên, luôn có một mong cầu, đó là “sống và tận hưởng”, quan niệm đó hình thành và tồn tại cho đến khi con người mất đi, bởi lạc thú và những vật chất xa hoa là thứ khiến cho người ta hướng đến, chinh phục và khao khát có được, bởi khi có được những điều đó, người ta mới thấy cuộc đời là đáng sống.
13/10/2023(Xem: 4302)
Tứ Niệm Xứ là pháp hành (phương pháp thực hành Giáo Pháp) do Đức Phật khám phá và truyền dạy, bao gồm sự thực hành bốn loại Chánh Niệm (Trí nhớ Chánh) về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Mục đích là để Thấy Biết như thật về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Vậy những lợi ích cụ thể khi thực hành Tứ Niệm Xứ là gì?
07/10/2023(Xem: 2866)
Thân đau yếu là để dạy cho Tâm biết Vô Thường!! - Thân thể đau yếu, bệnh tật là để tâm khởi lên sự chán ghét thế gian và có tác dụng làm sụp đổ các hy vọng . Tâm điên đảo, vọng tưởng chạy theo đủ thứ suy nghĩ là để giúp cho chúng ta thấy rõ cái đam mê, cái tham ái vào bản ngã.
03/10/2023(Xem: 1818)
Khó- Dễ trong đời DỄ là nói chẳng nghĩ suy KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra. DỄ làm đau đớn người ta KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương!
22/09/2023(Xem: 2147)
BẠN CÓ BIẾT, VÌ SAO BHUTAN LÀ ĐẤT NƯỚC HẠNH PHÚC? Hạnh phúc của Bhutan đến từ những điều bình dị nhất: ▪️BÌNH DỊ QUA MÓN ĂN: Ăn là nhu cầu cơ bản để nuôi cơ thể sinh học, nhưng không phải sống để ăn, vì vậy thức ăn là quà tặng của tự nhiên, là tình thương của người gieo trồng, là sự ấm áp và chân thành của người chế biến, nên khi ăn họ cảm thấy hạnh phúc.
22/09/2023(Xem: 3886)
Mỗi người trong cuộc sống này luôn có một thử thách để chinh phục và vượt qua, đó là gì? Phải chăng là một vị trí cao trong xã hội? Một gia tài đồ sộ? Một danh tiếng lẫy lừng? Là vượt qua tất cả người khác để chiếm giữ vị trí độc tôn?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]