Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngôi Chùa Tự Tại giữa cõi cách ly

10/04/202019:54(Xem: 7191)
Ngôi Chùa Tự Tại giữa cõi cách ly

NGÔI CHÙA TỰ TẠI

giữa cõi cách ly

ngoi chua tu tai giua voi cach ly

 

            Nếu bình thường thì giờ nầy chúng tôi đang ở “hộp đêm” trong bụng máy bay Eva trên đường về Quê hương và đang vượt nửa sau Thái Bình Dương. Nhưng dòng sống là con nước Vô Thường biến tướng chẳng bao giờ ngừng nghỉ: Đang phẳng lặng; chợt gợn sóng, ba đào, cuồng lưu, rồi rỗng lặng… sự thay đổi ốn ào hay lặng lẽ cứ triền miên nối đuôi xuất hiện cách nhau cả nghìn năm hay bất ngờ trong từng nháy mắt.

           Gần một đời hơn 70 năm, ngày giỗ tổ Hùng Vương “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười, tháng ba” vẫn là những cột mốc thời gian để nhớ quê cũ, người xưa. Năm nay tôi đã sắp đặt về thăm quê nhà nhằm dịp giỗ tổ Hùng Vương và cũng để dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, khóa Phan Châu Trinh. Nói theo lối xuôi vè: “Ai định cũng không bằng Trời định” hay nói lộn ngược vè “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều (ND)” đều có chất men đất lề quê thói cuộn vào hồn.

           Chúng tôi đang ở tuần đầu theo lệnh “cách ly tại chỗ ở nhà” của chính quyền California và liên bang Hoa Kỳ ban hành để chống dịch Cô Vy 19. Có lẽ từ ngữ đẹp nhất trong thế kỷ nầy là Làng Địa Cầu (Global Village). Cái làng có hơn 200 xóm. Mỗi xóm là một nước riêng hay một miền tự trị. Và giờ nầy “cả Làng ta đang im lìm trong đại náo!” Nước lớn gần tỷ rưỡi dân như Trung Hoa, Ấn Độ; nước nhỏ dân dưới nghìn người và diện tích chưa tới một cây số vuông như Vatican đều công bằng chờ dịch. Hơn nửa dân số thế giới, non 4 tỷ người đang cố sống tách biệt để tự cách ly mình với môi trường sống có khả năng lây nhiễm xung quanh với tâm lý đại náo lo phòng chống dịch bệnh.

Một làng địa cầu giữa thế giới cách ly!

           Có thể nói nửa đầu năm 2020 thì địa cầu của con người là một thế giới Đại Dịch Covid -19. Chưa bao giờ, kể cả trong thời Cổ Sử, toàn thể trái đất mà con người đang ngự trị lại bị một thế lực vô hình mà hữu thể chế ngự và hoành hành một cách toàn diện, vũ bão, lạnh lùng và bức tử như đại dịch bệnh “Cô Vy” nầy.

           Thật ra, trong quá khứ đã có những trận Đại Dịch làm chết tiệt những “giống người” và sinh vật địa cầu không còn lưu lại dấu vết.

           Những trận đại dịch thời nào cũng có theo sát dấu chân con người. Dịch Đậu Mùa Antonine vào năm 165 trước Tây lịch đã giết chết 5 triệu người vùng Tiểu Á Hy Lạp, Ai Cập. Dịch hạch Justinian (541-542) đã giết chết 25 triệu người – một nửa số dân châu Âu – thời bấy giờ. Dịch Hạch Đen Black Death (1346 - 1353) đã giết chết trong khoảng 75 - 200 triệu người của cả 3 châu Âu, Á, Phi. Gần hơn nữa là Đại Dịch Cúm (Flu Pandemic) từ năm 1918 đến 1920 đã giết chết khoảng 20 - 50 triệu người trong số 500 triệu người bị lây nhiễm.

          Thời cận đại, Dịch HIV/AID (cao điểm 2005 - 2012) nay vẫn còn tiếp diễn đã giết chết 36 triệu người. Và hiện tại đang tiếp diễn, bắt đầu từ tháng 12 năm 2019, ở tại thành phố Vũ Hán Trung Quốc đã phát khởi trận Đại Dịch Viêm Phối (Covid -19).  Dịch đã lan nhanh đến độ khủng khiếp, tỏa ra toàn thế giới, gây tình trạng lây nhiễm và tử vong cho hơn 200 quốc gia và xứ sở toàn cầu. Đây là một loại dịch tễ do vi khuẩn hình vương miện Corona hoàn toàn mới lạ đối với nền y khoa trên toàn thế giới.

          Dịch Corona lan ra không có biên giới và không chừa một ai. Từ kẻ nghèo khổ vô gia cư đến hàng quý tộc vua chúa trong cung điện, từ kẻ ăn mày đến hàng nguyên thủ quốc gia, từ anh tay không đến thủy thủ, hoa tiêu hàng không mẫu hạm… đều có người bị lây nhiễm và tử vong. Phản ứng của toàn thể nhân loại hiện nay mới đang ở giai đoạn ẩn núp, trốn chạy, chữa cháy qua hình thức cách ly, phòng ngừa và thử thuốc.  

          Covid - 19 đang ngự trị toàn thế giới. Hơn một nửa thế giới loài người đang trốn chạy, cách ly. Khi những dòng nầy đang được viết ra lúc 12:55 PM ngày 8-4-2020 tại thành phố thủ phủ tiểu bang California là Sacramento thì số liệu mới nhất riêng tại nước Mỹ đã có 434.763 người bị lây nhiễm và 14.768 người tử vong. Toàn thế giới có 1.518.497 người nhiễm bệnh và 88.481 người chết. Thật ra thì những con số đề ra chỉ để cho có vẻ “khoa học kỹ thuật” và có chuyện mà nói cho vui mà thôi bởi trong khi có những hệ thống truyền thông “có chi nói nấy” thì những hệ thống thông tin bưng bít của nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới đã đưa ra những con số tuyên truyền ma quỷ để trang hoàng và làm vui mắt, vui lòng thế lực cầm quyền thủ thế mà thôi.

           Đã hơn hai tuần qua, tôi thử tập làm một cuộc cách ly: Cách ly Thân theo quy ước và cách ly Tâm theo tự nguyện.

           Cách ly Thân, sống yên ở nhà, tránh tiếp cận hay tiếp xúc với nhân vật và xã hội thì tương đối không khó.

           Nhưng cách ly Tâm, trong khi bản thân cũng sống yên một nơi, nhưng biết đặt cái Tâm mình ở đâu cho khỏi bị vướng quả nhiên là chuyện khó.

           Thông thường, khi nói đến Tâm là chúng tôi nghĩ ngay đến chốn chùa chiền. Nơi đó, tuy mơ hồ nhưng tôi có thể mường tượng nhận ra cái tâm mình là những cảm xúc, suy tư, liên tưởng, đức tin, ao ước hiến dâng và nguyện cầu ùa tới. Nơi đó có “tâm tức Phật, Phật tức Tâm”!

           Cả một đời hơn 70 năm, chùa là một đối tượng tinh thần. Từ ngôi chùa ẩn sau bóng tre, cây đa, cây bồ đề ở làng thuở hoa niên thời Oanh Vũ đến những ngôi chùa uy nghi ngời bóng bậc danh tăng; những ngôi chùa đầy biểu tượng của đại tăng còn trụ trì hay quá vãng; lên những ngôi chùa vang bóng một thời đầy huyền thoại trong lòng người và giáo sử ở quê hương cũng như ở xứ người…

           Tôi đã lên chùa, tới chùa, về chùa, đến chùa nhưng chưa hề được vào chùa, nếu “vào chùa” hiểu như đi vào chốn cửa Thiền thanh tịnh để… tự mình thắp đuốc lên mà đi! Khi ở nhà tôi thấy mình là một tấm thân nhưng khi đến chùa thì tôi trở thành chiếc bóng vì mãi mãi tôi vẫn đến chùa để nương theo, để bái lạy, lắng nghe, thưa thỉnh với một đối tượng ngoài mình qua chỗ dựa tha lực, tha nhân. Ở ngôi chùa quy ước. tôi thường chỉ thấy tượng Phật, bóng Tăng, bạn Đạo và tan loãng, hòa quyện vào lễ nghi. Tôi chỉ biết xưng tán “Nam Mô” chư Phật và Bồ Tát, rồi dâng lời xin xỏ: Cầu xin, nguyện được và giao mình trong bàn tay hộ trì của ơn trên cao cả. Vô hình chung, tôi đã tự đánh mất mình trong nương tựa và phá ngã bởi cái tôi bị tan loãng khi tượng Phật sừng sững trước mặt và liệt thánh. 

            Lời nói đầu tiên khi Phật hiện thế gian là phải biết nương vào chính mình đề tự cứu mình (duy ngã độc tôn) và thông qua cái chủ thể để vươn lên (tự mình thắp đuôc lên mà đi.

            Những ngày cách ly tại nhà trong cái im ắng phiêu du của trời đất là thời điểm đặc biệt chưa hề có một lần nào trước trong đời của bảy tỷ người trên thế giới. Đây là lúc tôi không còn nghĩ ngợi, mơ tưởng đi đâu hay đến chùa bởi dẫu có muốn đi cũng không được mà được cũng chẳng có ai ngó lại. Corona-virus là ảo ảnh của không gian, mường tượng của thời gian và nỗi vô vọng miên trường của cái tâm đang lặn sâu tận đâu đâu không rõ. Khuya sớm, tôi thức, ngủ và đối diện với chính mình. Rồi từng ngày qua, càng lúc tôi càng cảm nhận có một dòng sống phảng phất và mơ hồ nào đó trên tượng Phật, Bồ Tát, bàn thờ và kệ kinh sách đã im lìm trong suốt hai mươi năm qua trong gian phòng chừng năm mươi mét vuông được dùng làm án thờ và thư viện nhỏ ở tầng trên nhà mình.

            Cứ mỗi sớm tôi tụng kinh – chọn những bài kinh, kệ, chú… mình thích xướng tụng ngân nga như hát một mình – và mỗi tối ngồi định tâm trước giờ đi ngủ. Càng ngày, bóng dáng một ngôi chùa tâm ảnh hiện ra càng rõ nét trong tôi. Ngôi chùa Tâm tự tại rỡ ràng ba ngôi Tam Bảo:

            Phật là suối nguồn tâm linh có sẵn tự bao giờ nằm im trong tôi hiện bóng rõ dần với đức tin của cả tâm hồn và tri thức.

            Pháp là tiếng vọng, là lời kinh mà khi tôi càng lắng lòng xướng tụng và suy tưởng càng hiểu được nghĩa lý sâu hơn.

            Tăng là dư ảnh, vọng âm của các Thầy, Ni Sư chân tu đã nói pháp trọn lành những lời từ bi và trí tuệ còn đọng mãi trong tôi.

            Giữa cơn ba đào của Đại Dịch Corona bùng phát, toàn nhân loại kinh hoàng gào hỏi: Coronavirus là gì, ra sao, từ đâu, bao giờ, thế nào…?! Nó là sản phẩm thiên nhiên hay thoát thai từ âm mưu chế tạo vũ khí vi sinh hoá học của Tây, Tàu, Mỹ, Nga, Nhật? Và mọi nỗ lực đều dồn vào chữa cháy khi ngọn lửa đã bùng ra và đang hoành hành thiêu đốt toàn nhân loại không chừa một ai, không xó xỉnh ngõ ngách nào trên mặt địa cầu không tới được. Nhân loại hết đường chạy trốn. Cùng đường, ngồi lỳ ru rú trong nhà may ra thoát nạn.

           Coronavirus gây hoảng loạn cho loài người không bằng sự ồn ào của bom nguyên tử hay bằng những lại vũ khí tầm gần, tầm xa, bay cao bay thấp mà bằng sự im lặng bóp nghẹt hơi thở. Có thở vào mà không thở ra: Thua! Trong triết học tôn giáo Án Độ từ hơn bốn nghìn năm trước, hơi thở là “prajna” là Tuệ giác, là Tâm. Cho nên, Coronavirus đang chận đường Tâm của con người bằng cách chận hơi thở bằng dịch viêm phổi.

           Tẩn mẩn, con người lại hỏi: “Ai đã sáng tạo ra con vi-rút Corona?” Một vấn nạn không có câu trả lời! Hay có chăng thì cũng chỉ là một cách trả lời miễn cưởng cho một câu hỏi không thể trả lời được (a reluctant answer for an unanswerable question). Hệ thống tôn giáo nào cũng đều có một Đấng Sáng Tạo riêng, xuất hiện dưới một tên gọi nào đó. Linh tại ngã, bất linh tại ngã – ai tin hay không tin thì tự mình biết lấy – nên xin được khỏi nghĩ bàn.

            Duy chỉ có đạo Phật là đi thênh thang tự do trên một nẻo về Tánh Không chẳng còn dính mắc.

            Những ngày ngồi định tâm trong “Ngôi chùa Tự Tại” riêng mình, tôi suy niệm về thuyết Tánh Không của nhà Phật. Hai mươi sáu thế kỷ trước có Đức Phật và đầu thế kỷ nầy có trường phái Stephen Hawking đã an nhiên xác định: “Vạn pháp do Không, vạn pháp giai Không, Không hựu hoàn Không!” – Muôn vật từ Không mà có nên tất cả đều Không và Không rồi lại trở về với Không!” Ôi! Nghe ra lãng mạn như một lời tình tự. Nhưng đó là một lời tự tình chân lý. Cái Không uyên nguyên (Chân Không) có muôn vàn điều kiện và hoàn cảnh (Duyên) tương tác lên nhau mà tạo thành vạn sự. Đó là thế giới có thật nhưng từ căn cơ của thể tánh uyên nguyên thì có hình tướng mà thật là chẳng có gì cả (Diệu Hữu); rồi cuối cùng tác động, hoà quyện lên nhau mà quay cuồng biến dịch (Nghiệp) cho đến khi Duyên tàn, Nghiệp hết – có khi trãi dài từ vô thủy đến vô chung – nhưng chung cuộc cũng quay lại về Không.

            Lịch sử vũ trụ đã có từ khoảng14.000.000.000 năm. Tuổi địa cầu 5.000.000.000 năm. Sự sống bắt đầu có mặt trên trái đất 3.500.000.000. Khủng long có mặt trên trái đất từ 230.000.000 năm và tiệt giống từ 65.000.000 năm trước khi thiên thể rơi xuống và táng vào địa cầu với sức tàn phá tương đương với 180 tỷ tấn TNT. Loài kiến sinh ra đã 170.000.000 năm. Lịch sử giống người chỉ mới 200.000 năm và thật sự loài người mới bắt đầu đời sống xã hội nhân văn mới khoảng 6.000 năm. Hình thức tôn giáo xuất hiện sớm nhất là nhất là Ấn Độ giáo trong khoảng 4.000 năm, Phật giáo 2.600 năm. Thiên Chúa giáo 2.020 năm, Hồi giáo 600 năm… Covid -19 thì vừa mới phát xuất 0 năm 3 tháng! Đưa ra những con số “0, 00 và 000” cho vui mắt; nhưng cũng để thấy sự phù du của thời gian, bèo bọt của không gian, sương khói của hình tướng và nỗi tự hào hay niềm kiêu hãnh vu vơ không đâu vào đâu của con người tự biến tướng thành nhân vật; tự cột buộc đối tượng ta người đầy tội tình và ảo ảnh với nhau.

            Cho đến phút nầy, chẳng có nguồn dữ kiện hay tri thức nào lý giải được Coronavirus từ đâu đến. Có chăng lấy xuất phát điểm từ Vũ Hán và thân xác của loài thú hoang gây bệnh như tin đồn thì câu hỏi và suy diễn càng đi xa hơn nhưng sẽ không bao giờ tới được cái gốc uyên nguyên cả vì nó vốn là Không. Nếu trả lời là do một Đấng Cao Cả tột cùng nào đó thì vấn nạn sẽ tiếp tục đi xa hơn về nguyên ủy sinh ra Đấng Cao Cả tột cùng ấy là gì, là ai… thì lại đi vào ngõ cụt của đức tin không lời và tưởng tượng xa vời riêng tư của từng cá thể chỉ có thế “kính nhi viễn chi” vượt ra ngoài vòng lý luận, minh giải và chia sẻ. Cho nên, việc gọi tên nhằm xác định cách trả lời cho một câu hỏi không thể trả lời được là con đường dẫn đến một tôn giáo hay sự hư vô.

           Suy niệm trong Ngôi Chùa Tự Tại giữa lúc nạn đại dịch bệnh Cô Vy bủa vây khắp mặt địa cầu như một suối nguồn rỗng lặng từ lâu đóng băng nay tan ra từng giọt. Nó giúp tôi thấy sáng lên từ chốn chân không vô sở trú của tâm mình về cái Khổ, cái Vô Thường và Vô Ngã – Duyên Khởi. Đó là Tam Pháp Ấn, dấu ấn làm nền tảng của hệ thống lý thuyết nhà Phật.

Dịch Cô Vy càng xác định thực tế của cuộc đời là Khổ. Cái khổ diễn ra dưới muôn vàn hình thức. Dịch bệnh lây lan nhanh như hỏa tốc khiến muôn triệu người bị lây nhiễm và tử vong là nỗi khổ cận kề đã đành. Cái khổ còn đi xa hơn và hành hạ con người nói sao cho hết sau khi dịch viêm phổi Cô Vy nầy chấm dứt. Người nghèo khổ vì thiếu thốn. Kẻ giàu khổ vì thặng dư và ứ đọng. Khổ vì thất nghiệp. Khổ vì việc quá nhiều không làm xuể. Khổ bởi đông người. Khổ vì cô độc cách ly. Khổ do không tìm ra thuốc chữa. Khổ vì thông minh mà bó tay. Khổ vì ngu dốt mà bất lực…Ôi thôi! Cái khổ tràn lan và có mặt khắp mọi nơi như không khí, như mỗi tế bào dịch bệnh đang lây lan.

          Dịch Cô Vy minh họa cho lý Vô Thường. Thế giới đang bị đóng băng bởi loại siêu vi kỳ lạ chưa từng có. Lịch sử con người chưa bao giờ có một lần chứng kiến trước đó một hiện tượng chỉ có trong tưởng tượng hay trò chơi điện tử về siêu nhân, về sinh vật hành tinh tấn công địa cầu. Không còn một giá trị nào đứng vững, kể cả sinh mạng con người không phân biệt đều có thể nhiễm bệnh và chết không có gì tiên liệu được. Mọi địa bàn kinh tế và xã hội đều bị tác động đột biến. Con người đang vùng chạy và bỏ trốn, cách ly từ đơn vị cá nhân đến quốc gia, châu lục và thế giới. Không còn một ngõ ngách nào tự hào đứng vững thường hằng. Sự vô thường đang cặp kè từng bước, từng nháy mắt trên thân phận con người.

           Dịch Cô Vy là ví dụ điển hình của Duyên Khởi. Từ Không tới Big Bang tạo ra Vũ trụ có thể chỉ là một sát na nhanh bằng một phần triệu cái nháy mắt hay cũng có thể là thời gian vĩnh hằng không thể nghĩ bàn để hội tụ đủ những điều kiện tương tác lên nhau, phối hợp nhau cùng khởi lên mà thành nghiệp lành hay nghiệp chướng, thiện nghiệp hay ác nghiệp. Tháng Chạp năm 2019, Vũ Hán, Corona, Virus, làng Địa Cầu, động vật hoang dã, chiến tranh sinh học, phân hóa hận thù… là những điều kiện thấy được đã thu hút và hội tụ với muôn vàn điều kiện không thấy được (thuận Duyên hay chướng Duyên) để khởi lên thành Nghiệp báo Cô Vy đang diễn ra cho toàn nhân loại.

           Những ngày sống cách ly, sự băn khoăn phải sống xa cách các đối tượng cộng đồng xã hội, tôn giáo, bằng hữu thời gian đầu đã nhường chỗ lại cho nếp sống an nhiên, bình thản, trầm lặng và hạnh phúc trong ngôi chùa Tự Tại của mình. Nơi đây, ba ngôi Tam Bảo không phải để lễ bái và cầu xin như một đối tượng mà để sống đạo như một chủ thể hành giả. Tôi trở về lại với mình và xúc động cảm nhận được bóng dáng một ngôi chùa khuất dáng từ lâu nhưng lúc nào cũng có mặt. Phải chăng đó là Tánh Phật khởi phát tự Tâm mình mà đức Phật Bổn Sư Thích Ca từng nhắc nhở.

           Sáng nay, một buổi sáng ở California, cái khung cách ly vẫn còn nhắc nhở con người đang ở thế đu dây giữa hai đầu sống chết. Sự chết thật nhiệm mầu vì nó đánh thức toàn nhân loại và trở thành nỗi ám ảnh thật vô thường. Nó có thể đến với tôi hay bất cứ ai trong mọi thời, mọi khắc. Con người đối diện với mình, với hơi thở, với sự hoại diệt tưởng như dai dẳng, can trường mà thực ra là yếu đuối, buông tay. Biểu hiện thường tình nhất của tâm lý yếu đuối đó là cầu nguyện. Cầu nguyện được sống nhưng vạn bất đắc dĩ có chết thì cũng được siêu sinh về cảnh giới không có đầy niềm đau nỗi khổ như ở thê gian nầy…

          Thắp nhang tụng thời kinh công phu buổi sáng, tôi mỉm cười đón tia nắng mai đầu Xuân đang lạnh tràn lên chiếc áo tràng và thành tâm cầu nguyện “âm siêu dương thái, dịch bệnh tiêu trừ” cho đệ tử và chúng sanh không phân biệt. Tiếng chuông hồi hướng đưa tôi vào ngôi chùa Tự Tại để được sống thêm một giờ, một ngày hay bao lâu nữa cũng được trong thanh tịnh và an vui.   

 

                                      Sacramento, những ngày tháng 3 và 4, 2020

                                      sống cách ly tránh dịch Covid - 19 tại nhà.

                                                           Trần Kiêm Đoàn   

  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/05/2020(Xem: 6495)
Những người theo đạo Phật ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ, đã lên tiếng việc lo ngại về việc cung cấp chỗ ở tạm thời cho người Ấn Độ đang đáp bay, đến từ các khu vực trên thế giới bị đại dịch Virus corona tấn công. Hội đồng Phật giáo Quốc tế (The International Buddhist Council), cơ quan đại diện cho hơn 50 cơ sở tự viện Phật giáo tại Bồ đề Đạo tràng và khu vực lân cận, đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu đề xuất các địa điểm kiểm dịch, trong đó bao gồm các cơ sở tự viện Phật giáo, không được sử dụng và người Ấn Độ trở về từ nước ngoài.
17/05/2020(Xem: 6851)
Trong đời sống tâm linh, có hai bước ngoặt nổi bật và cực kỳ quan trọng đã làm thay đổi cả một cuộc đời của tôi, và tôi chắc sẽ còn ảnh hưởng sâu đậm đến tận những hơi thở cuối cùng của kiếp người mà tôi đã và đang khiêng mang vác gánh.
16/05/2020(Xem: 6292)
Một CEO 9x rất nổi tiếng trong thương trường mới đây tuyên bố rằng “ 1- Xã hội hiện nay là của kẻ Thắng . Chỉ có Thắng bại mới luận anh hùng ! 2- Người thành công là kẻ Dũng cảm và quyết đoán . Cầm lên được thì cũng bỏ xuống được ! 3- Xã hội cạnh tranh rất khốc liệt nếu bạn không học , bạn sẽ bị đào thải ... Học, họa gì và học mãi đủ mọi vấn đề ! “ Đây là một trí tuệ của thế hệ trẻ hiện nay ?
16/05/2020(Xem: 6554)
Cứ mỗi lần chúng ta chứng kiến người thân qua đời là mỗi lần chúng ta đau xót, buồn rầu, vì từ nay chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ được nhìn thấy người thân yêu đó trên cõi đời này nữa. Tình cảm sâu đậm mấy mươi năm do thói quen sống gần gũi, do những yêu thương chăm sóc lẫn nhau, do những thành công hay thất bại đều có người đó bên cạnh chung vai chia xẻ
16/05/2020(Xem: 8785)
Chăm sóc bệnh nhân: tối thượng thí, không bao giờ còn đọa vào ác đạo, được sanh thiên, vãng sanh Tịnh Độ, rốt ráo sẽ thành Phật đạo Từ thời Tiểu thừa (thời A Hàm) cho đến đại thừa thời Phương Đẳng, Niết Bàn, kinh văn đều cho thấy từ tâm chăm sóc bệnh là hạnh rất lành, là tối thượng thí như trong những đoạn kinh sau: Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta.Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh.
16/05/2020(Xem: 7084)
Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi". Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự lạc hỷ, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.
16/05/2020(Xem: 6070)
Thành phần quà tặng cho mỗi hộ gồm có: 10 ký Gạo và bột Chapati, 3 ký khoai tây, đường, dầu ăn và bánh ngọt cho trẻ em, kèm với 200Rupees tiền mặt. (Bên cạnh đó là những phần phụ phí như mướn xe chở hàng, tiền công đóng gói và công thợ khuân vác, tiền quà cho cảnh bảo hộ và sắp xếp trật tự tại nơi phát chẩn.)
15/05/2020(Xem: 5936)
Từng mây hạt nắng quê nhà, Ngân vang hùng trí, áo cà sa bay. Quảng Ngãi, dáng hạ sinh Thầy, Thấm nhuần tánh Phật, chủng này tự nhiên.
14/05/2020(Xem: 5617)
Tôi và Chị là bạn từ thời hai đứa vừa bước chân vào ngưỡng cửa đại học, nhưng ở tận hai đầu xa thẳm. Chị học ngành Y tại một thành phố thời trang nổi tiếng của Ý, Milano. Còn tôi về hóa học thực phẩm tại đại học kỹ thuật Berlin của Đức. Nhân duyên nào chúng tôi gặp nhau và gặp ở xứ sở nào khi chúng tôi cùng là người Việt xa xứ?
13/05/2020(Xem: 7390)
Sự kiện lịch sử Phật giáo giữa hai quốc gia Việt - Hàn, trải bao thăng trầm cùng vận nước và đã trở thành một trong những hệ tư tưởng có sức sống lâu dài nhất và song hành cùng dân tộc trong mọi thời đại. Văn hóa đạo đức tâm linh Phật giáo ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống của dân tộc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]