Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thái Độ Trong Cuộc Sống

30/03/202020:30(Xem: 5284)
Thái Độ Trong Cuộc Sống

shadow_Buddhism
THÁI ĐỘ TRONG CUỘC SỐNG

Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh

 

Thái độ của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong đời sống và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta sau này. Bởi vì, cuộc sống của chúng ta được định hình bởi suy nghĩ, Đức Phật dạy rằng: Suy nghĩ kiến tạo nên đời sống, làm chủ khổ vui ở đời. Vậy thì, muốn làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận, ta phải hết sức cẩn trọng với những ý nghĩ của mình, luôn quan sát và làm chủ chúng.

Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật, một trong những câu chuyện sinh động nhất được nhiều người biết đến và một khi đã biết thì không thể nào quên, đó là chuyện Đức Phật cảm hóa tướng cướp Angulimāla được ghi lại trong Trung bộ kinh, số 86 và Trưởng lão Tăng kệ (Thera.80-câu 866 đến 891). Câu chuyện này kể lại rằng, ở nước Kosala do vua Pasenadi trị vì, có tên cướp khét tiếng tên Angulimāla, là tay thợ săn bạo tàn, gặp ai giết nấy, khiến cho dân làng rất lo sợ. Từ khi có tên cướp này xuất hiện, khắp mọi xóm làng, thành ấp, quốc độ đều không còn yên ổn nữa. Mỗi lần giết người, nó cắt ngón tay trỏ phải làm thành vòng hoa mang vào người. Tên sát nhân ghê rợn này giết cho đến khi nào tràng hoa ấy xâu đủ 1.000 ngón tay như vậy để trả học phí cho ông thầy dạy. 

Một buổi sáng nọ, như thường lệ, Đức Phật đắp y, mang bát, vào thành Savatthi khất thực. Sau khi khất thực và dùng bữa xong, Ngài quay trở về và đi trên con đường tên cướp Angulimāla đi mỗi ngày. Những người đi đường và làm đồng, chăn bò gần đó thấy vậy hết lòng can ngăn, nhưng Đức Phật vẫn giữ im lặng, tiếp tục đi, không hề lo sợ. Thấy Đức Phật đang đi một mình, tên cướp Angulimāla liền xuất hiện. Y mừng lắm và liền khởi tâm giết Ngài. Y chỉ chờ có vậy, vì còn thiếu một ngón tay nữa thôi là đủ túc số cho vòng hoa làm bằng 1.000 ngón tay trỏ phải từ 1.000 người do chính y ra tay sát hại. Y lấy kiếm và tấm khiên, đeo cung và tên vào, đi theo sau lưng Đức Phật. 

Thế rồi Đức Phật dùng thần thông khiến cho tên cướp Angulimāla, dầu cho đi với tất cả tốc lực cũng không có thể bắt kịp Ngài đang đi với tốc lực bình thường. Tên cướp Angulimāla nghĩ: “Lạ thật, trước đây ta có thể đuổi kịp con voi, con ngựa, con nai và cả chiếc xe đang chạy, mà bây giờ không thể đuổi theo kịp Sa-môn Cồ Đàm đang đi bình thường”. Tên cướp nói: “Hãy dừng lại, Sa-môn! Hãy dừng lại, Sa-môn!”. Đức Phật khoan thai đáp: “Ta đã dừng rồi, này Angulimāla! Và ngươi hãy dừng lại!”. Tên cướp nghĩ Sa-môn Cồ Đàm không bao giờ nói dối, vậy lời nói này có ý nghĩa gì. Thế là Angulimāla hỏi: “Ông đi mà lại nói ‘Ta đã dừng rồi’, còn tôi dừng, thì ông nói ‘sao tôi không dừng’ nghĩa là sao?”. Đức Phật giải thích: “Với mọi chúng sinh, Ta bỏ trượng, kiếm; còn ngươi, không tự kiềm chế, gieo rắc giết chóc và hận thù, nên ta đã dừng mà ngươi chưa dừng”.

Khi Đức Phật nói những lời này, Angulimāla đứng lặng yên, trầm tư suy nghĩ. Dường như những lời nói nhẹ nhàng này đã đánh động tâm thức tên cướp bạo tàn, nên Angulimāla hạ giọng và từ tốn thưa: “Thưa Ngài, tội lỗi của tôi thật tày trời. Tôi có thể quay đầu bằng cách nào?” Thấy Angulimāla đã chuyển tâm ý, ray rứt với việc làm của mình, Đức Phật mở ra một cơ hội cho người biết quay đầu, bảo sẽ nhận Angulimāla vào Tăng đoàn để có thể làm mới cuộc đời, từ bỏ các việc tội ác, gột rửa tâm ý trong sạch, dốc lòng thực hành điều lành. Nghe xong, Angulimāla liền quăng bỏ kiếm và khí giới xuống vực sâu, đảnh lễ Đức Phật, xin được xuất gia. Từ đó, tên sát nhân khét tiếng thành Savatthi đã trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật. Tôn giả Angulimāla tinh tấn thực hành Pháp dưới sự hướng dẫn của Đức Phật và chúng Tăng, và chẳng bao lâu, chứng đạt trạng thái giải thoát hoàn toàn.

Trong kinh Phật viết: “Thái độ đối nhân xử thế đoan chính, nét mặt kiền tịnh tinh khiết, phong thái dung mạo tốt đẹp, đây đều là từ trong ‘Nhẫn’ mà đạt được.” Trong kinh thư cũng ghi lại: “Trong quá khứ có người ca ngợi Phật là người có đại phúc đại đức. Một người nghe được rất tức giận, nói: ‘Sinh ra bảy ngày đã mất mẹ, làm sao có thể nói là đại phúc đại đức chứ?’ Người ca ngợi Phật nói: ‘Cả tuổi tác và tư tưởng đều đến thời kỳ cực đỉnh mà vẫn không chết. Ai đánh cũng không tức giận, ai mắng cũng không mắng lại. Như vậy chẳng phải là đại phúc đại đức sao?’ Người tức giận sau đó tâm phục.”

Qua hai câu chuyện trên chúng ta thấy thái độ rất quan trọng vì một hành động chỉ có thể được thực hiện khi trước đó người đó đã nghĩ sẽ làm. Mục đích rốt ráo, cứu cánh của Đức Phật là đưa Angulimāla ra khỏi quỹ đạo sống tội lỗi, tà kiến, mê si và đặt người này vào con đường thực hành Chánh pháp. Đức Phật đã sử dụng phương tiện để có thể gởi bức thông điệp có tác dụng đánh động mạnh mẽ tâm thức của Angulimāla, rằng “Ta đã dừng từ lâu; còn ngươi thì chưa dừng”. Đức Phật đã thành công trong việc “trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí để nhớ”. Trước Ngài thể hiện thần thông, nhằm thỏa mãn lòng ham muốn hiếu kỳ của tướng cướp này, sau Ngài dùng tâm từ bi và trí tuệ để nhiếp phục Angulimāla. Nhìn cả quá trình cảm hóa này, ta thấy nhờ những lời khai tâm mở trí đầy tâm từ của Đức Phật mà một tướng cướp khát máu đã trở thành một vị Tỳ-kheo trong Tăng đoàn.

Trong suốt cuộc đời giáo hóa chúng sinh với mục đích giúp người chuyển mê khai ngộ, từ đó chúng ta học từ Ngài, để không lạc lối hoặc đi quá xa với Chánh pháp và con đường hoằng pháp, chúng ta cần phân định rõ ràng đâu là mục đích, đâu là phương tiện để vững tin trên con đường thực hành và truyền bá Chánh pháp. Nếu chỉ dừng lại ở việc “dùng dục câu dắt” mà không phát triển “dùng trí để nhổ”, tức là ngầm nhận phương tiện làm mục đích, thì đây không phải là Chánh pháp của Phật.

Những ai thực hành đúng theo Chánh pháp, thì càng lúc càng bớt tham, bớt ràng buộc, thêm bình an và hạnh phúc. Ngược lại, một khi lấy phương tiện làm mục đích, ta sẽ bị tham dục kéo lôi trở về đời sống tầm thường, suốt ngày lăng xăng với việc không chính đáng và không cần thiết, càng ngày càng xa mục đích giải thoát. Cho đến khi đi quá xa, giật mình nhìn lại, ta sẽ không còn cơ hội quay về với Chánh pháp vì sức khỏe, thời gian và sức lực đã đến hồi cạn kiệt rồi. Do vậy, tất cả những gì chúng ta làm đều hướng đến quá trình thực hành và giúp người khác cùng thực hành trên lộ trình chuyển xấu ác thành thiện lành, đảo điên thành tĩnh lặng, mê mờ thành trí tuệ, khổ đau thành hạnh phúc mới đúng là thực hành Chánh pháp.

Hơn nữa, chúng ta cũng thay đổi thái độ với người khác qua câu chuyện sống động này. Chúng ta nên có cái nhìn tích cực vào sự nỗ lực và quyết tâm làm mới của tất cả mọi  người. Chúng ta học từ thực tế sinh động này, tập mở lòng mong chờ và đón nhận sự đổi thay theo hướng tích cực từ người khác. Người phạm lỗi lầm không phải là xấu, lỗi lầm mới xấu. Nếu ta quá khắt khe, nhìn người theo kiểu “chụp hình” in trong trí một hình ảnh nào đó mà bỏ qua sự thay đổi, sống động, vận hành liên tục của cuộc sống, trong đó có sự thay đổi của con người lầm lỗi ấy, là một điều không nên. Vào thời điểm nào đó, họ mắc sai lầm, bây giờ, có thể họ đã sửa đổi và tiến bộ rồi thì sao? Chúng ta không nên đóng khuôn nhận thức vào hình ảnh ta “chụp” được tại một thời điểm nào đó trong quá khứ để rồi lấy đó làm cơ sở để nhận thức và hành xử trong hiện tại. Thái độ cố chấp “khắc chu cầu kiếm” không đem lại ích lợi gì cho ai cả. Một khi thay đổi nhận thức, hành vi theo đó thay đổi theo.

Con người là chủ nhân của nghiệp, như trong (kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung bộ kinh, số 135; Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm VI, kinh số 57 và nhiều kinh khác). Có nói đến nghiệp. Trên thực tế, nghiệp được chuyển hay không và chuyển với tốc độ nào, tới mức độ thế nào còn tùy thuộc vào thái độ và quyết tâm của chúng ta đối với nghiệp của mình. 

Làm người ở đời, được mất hơn thua là điều khó tránh khỏi. Cuộc sống của mỗi người là muôn màu muôn vị, mọi cung bậc đắng cay hay ngọt ngào đều đáng quý như nhau. Trải qua hết những hỉ nộ ái ố của đời, ấy mới là sống có ý nghĩa. Cuộc sống bình lặng quá, thì tự khắc sẽ sinh phiền muộn. Nhưng đứng trước những bi ai, nếu không biết nhẫn, thì tâm thế chỉ như một ngọn lửa chực chờ mà bùng phát, sẽ gây họa khôn lường.

Rất nhiều đôi vợ chồng cãi nhau, vì không kiềm chế được sự nóng giận đã dẫn đến những sự sát thương, hoặc những lời nói làm tổn thương nhau, rồi dần dần cũng chính bởi những lời nói ấy làm tình cảm vợ chồng sứt mẻ, dẫn đến chia lìa, con cái chính là người chịu thiệt thòi nhất.

Bạn hữu của nhau, không kiềm chế được sự giận giữ đã đả thương người, rồi khi lâm cảnh tù tội mới hối tiếc phút giây đã không giữ được sự bình tĩnh đáng có, nhẹ hơn thì dẫn đến bất hòa, mối tương tri lâu nay đổ vỡ, khi tỉnh thức rồi mới thấy mất đi tri kỉ bao năm. Sân hận tất yếu sẽ dẫn đến mất lý trí, thiệt hại đến bản thân, đến người khác, oán kết chất chồng, oan trái nhiều đời sau không giải được, nghiệp báo luân hồi mãi đến kiếp sau.

Nhẫn nhịn được rồi, trong nghịch cảnh cũng sẽ thấy không bi lụy, không oán mình trách người, trí huệ sáng suốt để có thể tìm được cứu cánh cho cuộc đời mình. Không nhẫn nhịn, đa phần chỉ rước họa vào thân. Cảm thông, bao dung và tha thứ lỗi lầm của người khác, ấy là đã đạt được cảnh giới đắc đạo thành tiên.

Theo lời Phật dạy nhẫn nhịn, học cách nhẫn không phải là hạ thấp mình, mà chính là nâng mình lên, dùng sự tỉnh thức của bản thân để thức tỉnh người khác. Sở dĩ chúng ta tồn tại ở đời là do thiện duyên hoặc ác duyên đã tạo nên từ kiếp trước. Kiếp này dùng thân tâm mà tu tập, tạo duyên lành cho mai sau, vừa trả nghiệp vừa làm sạch nghiệp, ấy mới chính là một đời an vui an lạc.

Thêm nữa, thiếu nhẫn nhục con người sẽ sống trong tình trạng lo âu và bất hạnh. Do đó, khi phát khởi tâm sân hận, theo tôi, là dấu hiệu của sự yếu kém. Cho nên khi gặp chuyện bất hòa, xung đột với ai, bạn nên cố gắng kiềm chế sự nóng giận, hết sức bình tĩnh, giải quyết vấn đề với lòng từ bi để tránh sự đổ vở. Ngay trường hợp kẻ có tâm xấu ác muốn làm hại bạn cũng sẽ không thành công mà kết quả là họ tự chuốc lấy sự thất bại mà thôi. Cho nên muốn diệt trừ tánh vị kỷ, đố kỵ, chúng ta cần phải thực hiện lòng từ bi để giúp cho người khác tránh được sự đau khổ do hậu quả gây nên bởi việc làm sân hận của họ. Do đó, nhờ biết thực hành hạnh nhẫn nhục mà chúng ta tránh được sự lo âu, phiền não; có được sự an lạc và hạnh phúc.

Muốn chế ngự tâm sân hận, chúng ta không những chỉ cần có lòng từ bi mà còn phải có trí tuệ và hạnh nhẫn nhục. Chúng là những phương thuốc hữu hiệu nhất có thể chửa trị, đoạn diệt lòng sân hận nơi tâm chúng ta. Nhưng rất tiếc, nhiều người đã nhận thức sai lầm cho rằng thực hiện các đức tánh trên là dấu hiệu của yếu hèn và nhu nhược. Trái lại, tôi vẫn tin nhẫn nhục là điều rất khó làm, đòi hỏi nơi hành giả một ý chí dũng mảnh. Bản chất của lòng từ bi mặc dù là hiền lành mềm mỏng và dịu dàng, nhưng nó cũng là một sức mạnh. Do đó, nếu muốn học hỏi, thực hành hạnh từ bi, chúng ta nên xem họ như những người bạn và là thầy của chúng ta. Muốn trải tình thương rộng lớn đến mọi chúng sanh, chúng ta nên thực hành đức tánh khoan dung, từ bi và hỷ xả; do đó, chúng ta cần đến các kẻ thù. Bởi vậy chúng ta hãy cảm ơn những kẻ thù vì họ đã giúp chúng ta giữ được cái tâm thanh tịnh an lạc. Và trong nhiều trường hợp, cá nhân cũng như tập thể, khi chúng ta thay đổi hoàn cảnh sinh sống, kẻ thù có thể trở thành bạn.

Cho nên tánh nóng giận và lòng sân hận luôn là những ác tính độc hại, và trừ khi chúng ta điều phục làm chủ được cái tâm của mình để diệt trừ, còn không thì chúng sẽ tiếp tục gây phiền não và ngăn chận mọi nổ lực tu tập mang lại sự an lạc cho chúng ta. Bởi vậy, sự giận dữ và lòng sân hận chính là kẻ thù của chúng ta. Chúng là những ác tính chúng ta cần khắc phục và loại bỏ, không chỉ nhất thời, mà phải thường xuyên liên tục trong suốt cả cuộc đời của chúng ta.

Hiểu được điều này, ta không than oán, trách móc hoặc đổ thừa trách nhiệm cho người nào hoặc hoàn cảnh nào mà thản nhiên chấp nhận trong mọi tình huống cuộc sống với tâm nhẫn chịu, hoan hỷ và tràn đầy yêu thương. Ngẫm cho cùng, nhẫn nhục với nghịch cảnh và hoan hỷ với những điều không như ý trong cuộc sống là cách để chúng ta sám hối lỗi lầm đã gây tạo trong quá khứ. Với thái độ này, chúng ta không lung lay ý chí, vượt qua những thử thách, khó khăn - vốn là một phần không thể thiếu của cuộc sống, một cách dễ dàng hơn và tinh tấn không nản lòng trên con đường chuyển hóa tâm thức và thay đổi hành vi của mình.

Chính tình yêu thương rộng lớn, uyển chuyển của Đức Phật đã chảy đến mọi ngõ ngách của tâm hồn chúng ta, ai cũng muốn được yêu thương và quý kính, nên ai cũng đều có một ước mơ đáng quý cho tương lai ngày mai thật tươi sáng và tốt đẹp.

Đến cuộc đời này, ngoài việc đắp xây sinh tồn, ta phải tận dụng thời gian ngắm nhìn tất cả hình ảnh nhiệm mầu, thánh thiện. Đặc biệt là khi tâm hồn còn tươi trẻ, khi thân thể còn trẻ trung, ta hãy vun đắp ban trao tình thương thánh thiện đến với mọi người.Vì thời gian tuôn chảy không ngừng, tuyệt đối đừng đợi đến tuổi già mới cảm nhận quan sát, sẽ quá muộn màng. Lúc đó, con người dễ trở thành tù nhân của xã hội và hoàn cảnh. Con người sẽ dễ bị lệ thuộc vào ý niệm vợ chồng, con cháu, nhà cao cửa rộng, địa vị công danh, hay bạc tiền bổng lộc.

Khi hành vi đối xử thiếu chất liệu của lễ độ, trân trọng yêu thương, thiếu cảm thông chân thật, thì cuộc sống sẽ không có ý nghĩa. Hành vi đối xử phải đủ đầy chất liệu của yêu thương và lòng tử tế. Biết quan tâm đến người khác, càng ít nghĩ về bản thân mình. Không quan tâm đến chính mình, không lấy mình làm trục xoay vũ trụ, ngay lúc ấy, chúng ta thực sự là một con người của tự tại, giải thoát. Chúng ta có thể ngắm nhìn bầu trời xanh, dãy núi, ngọn đồi, dòng nước, chim muông, hoa lá bằng một tâm hồn tươi mát, bằng một tình thương yêu chân thật, bằng một trái tim bao dung tha thứ độ lượng. Nên hiểu rằng, sự hy sinh luôn đi đôi với tình thương. Chính vì vậy, nơi nào có tình thương, nơi đó có hy sinh và ngược lại.

Tuy nhiên cuộc sống vốn nhiều khó khăn trắc trở, nó không dễ dàng cho ta được như ý muốn. Chúng ta phải can đảm dũng cảm vượt qua chính mình, để vươn lên làm đẹp cuộc đời, biến ước mơ trở thành sự thật. Để được sống yêu thương và hiểu biết, chúng ta phải biết trân quý tranh thủ tận dụng thời gian đừng để trôi qua vô ích. Khi gặp phải khó khăn và những trở ngại, có thể làm cho ta vấp ngã nếu ta yếu đuối nhu nhược, mà phó mặc cho số phận hoặc chạy trốn cuộc  đời, thì ta sẽ bị nhấn chìm trong ngục tù tội lỗi. Mỗi một con người đều có khát vọng sống vô cùng mãnh liệt từ một trái tim biết yêu thương, chính trái tim đó làm cho ta thao thức trăn trở để tìm ra một hướng đi sao cho đúng đắn từ sự kiên trì bền chí của ta. Cuộc sống chúng ta ra sao, hạnh phúc hay khổ đau tùy theo cách ứng xử khôn ngoan sáng suốt khi ta đối mặt với cuộc đời, mà tìm ra giải pháp an toàn nhất.

Sống để yêu thương luôn giúp cho ta có thêm niềm tin, hy vọng lạc quan trong bầu vũ trụ bao la này, để ta và người luôn mĩm cười mà nhìn đời như là một thực tại nhiệm mầu. Chúng ta đừng để cuộc đời của mình trôi qua một cách vô nghĩa, khi tiếc nuối về quá khứ hay quá lo lắng về tương lai, mà ta đánh mất những gì đang có trong phút giây hiện tại. Chúng ta hãy vươn lên bằng nhịp đập của trái tim và mọi thứ chỉ chấm dứt khi ta không còn hy vọng và cố gắng nữa.

Chúng ta có thể cho đi mà không cần nhận lại, khi tấm lòng của mình đã rộng mở đó là món quà vô giá mà cuộc đời đã ban tặng cho ta. Chúng ta thật hạnh phúc thay vì cuộc đời đã ban tặng cho mình một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh và sáng suốt. Nhờ thế ta có đôi chân mạnh mẽ, ta có thể đi bất cứ nơi nào nếu ta mong muốn. Ta có đôi mắt sáng trong để có thể ngắm nhìn tất cả những gì tốt đẹp nhất từ người thân yêu và cuộc sống chung quanh ta luôn đẹp mãi theo thời gian. Ta có đôi tai rộng mở để lắng nghe tình yêu thương của nhân loại, bằng những âm thanh vi diệu nhiệm mầu phát xuất từ trái tim có hiểu biết. Ta có đôi môi luôn mở ra chân trời sáng bằng nụ cười rạng rỡ, khi được tiếp xúc với mọi người bằng tình yêu thương chân thật. Ta thật sự hạnh phúc khi được chia vui sớt khổ cùng tất cả mọi người với những gì mình đang có, nếu ta biết gìn giữ tất cả những điều ấy, thì mọi khó khăn trở ngại trong cuộc đời này đối với ta chỉ là thử thách. Chúng ta sẵn sàng đón nhận tất cả, những gì cuộc sống đã đem đến cho mình bằng sự tin yêu và lạc quan nhất.

Chúng ta lo lắng hoặc tham muốn quá đáng sẽ làm cho mình càng thêm khốn khổ, chỉ cần có cuộc sống ta sẽ hy vọng vượt qua những lỗi lầm đáng tiếc bằng niềm tin và nghị lực của chính mình, để hướng tới một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên trong sự phát triển đổi mới tư duy để con người sống có hiểu biết và yêu thương nhiều hơn, bên cạnh đó những hiện tượng gây khổ đau cho nhân loại, do hưởng thụ cá nhân quá nhiều từ sự chấp ngã rồi dẫn đến chiếm hữu, nên con người dễ dàng hận thù, bạo lực, ghen ghét, tật đố, ích kỷ mà nhẫn tâm triệt tiêu hủy diệt lẫn nhau. Nhất là những sự việc trái với luân thường đạo lý đang xảy ra hằng ngày trong xã hội. 

Dòng sông thì rộng lớn, và nó có khả năng nhận, giữ, và chuyển hóa. Vì trái tim của chúng ta nhỏ bé, sự thấu hiểu và lòng thương cảm của chúng ta bị giới hạn, nên chúng ta đau khổ. Chúng ta không thể chấp nhận hoặc tha thứ người khác cũng như là những thiếu sót của họ, và chúng ta yêu cầu họ thay đổi. Nhưng khi trái tim chúng ta rộng mở, những thứ như thế không khiến chúng ta đau khổ thêm được nữa. Chúng ta có nhiều khả năng thấu hiểu và lòng thương cảm hơn và có thể gắn bó với những người khác. Chúng ta chấp nhận người khác bởi chính bản thân họ, và sau đó là cho họ có cơ hội để thay đổi.” Một trong những vấn đề khó khăn nhất nơi cuộc sống là tìm ra cách đối xử mà không bị tha nhân hiểu lầm là sai xử hay sai khiến.

Hành vi đối xử của con người có thể bắt nguồn từ nội tâm chân chính, hoặc có thể cũng không. Tất cả còn tuỳ thuộc vào quan điểm, cách nhìn của người khác nghĩ về mình.Điều này vô cùng tế nhị, và hết sức khó khăn.Vì làm sao chúng ta biết được những suy nghĩ bên trong của người khác? Bên trong tâm hồn mọi người, sự thay đổi đang liên tục tiếp diễn. Con người của ngày hôm nay, không phải là những gì của ngày hôm qua. Ngay chính bản thân của chúng ta cũng vậy! Nhưng vẫn có những nguyên lý đạo đức, những tâm thái thiêng liêng, có công năng vượt thoát thời gian và không gian.Bằng tình thương yêu chân thật, chúng ta có thể đến với nhau một cách chân thành, hoàn toàn không tuỳ thuộc vào hình thái tôn giáo, hay môi trường xã hội.

Mọi hành vi đối xử với tha nhân sẽ được tình thương dẫn dắt. Tuyệt nhiên, không nên lệ thuộc vào hoàn cảnh, môi trường, không nên thống thuộc vào con người hay đoàn thể xã hội. Hãy tìm những hướng đi dẫn đến yêu thương con người, hãy bước những bước chân nhẹ nhàng, đượm ngát thương yêu thiên nhiên động vật. Chỉ có tâm yêu thương, ta mới có thể trở thành người an lạc hạnh phúc. Chỉ có tấm lòng độ lượng, ta mới có thể giúp tha nhân nhận chân nguồn chân phúc vô biên. Lối sống dấn thân an tịnh có thể phần nào giúp cho con người phát triển tình yêu thương vô hạn, vô vụ lợi. Nhờ tâm hồn thật sự an bình, mới có thểđưa con người thoát khỏi những ngục tù định kiến. Chỉ có tâm hồn như thế, con người mới hiểu biết và cảm nhận đúng như thật. Nếu không có một tâm hồn như thế, cuộc sống giống như đoá hoa không hương vị, như dòng sông không có nước luân lưu, như vùng đất hoang phế, không có dưỡng chất cho cỏ cây nẩy mầm, muôn thú vui tươi sinh sống.

Nuôi dưỡng được tình thương trong trái tim, là một trong những điều khó nhất của con người. Khi tình thương thật sự ngự trị trong con tim, dù người khác có tử tế hay thô lỗ với mình chăng nữa, cũng chẳng ăn thua gì. Cho dù tha nhân có bực tức, mắng chửi, nhục mạ thậm tệ đi nữa, cũng không hề hấn, cản trở lòng tốt sẵn có trong chính lương tâm mình.

Trong xã hội ồn ào, phức tạp này, khi đối diện với bất cứ tình huống nào, hãy nên cố gắng thể hiện lòng thân mật với mọi người trước.Hãy ngắm nhìn bằng ánh mắt thương yêu trìu mến.Hãy chào hỏi với thái độ niềm nở, vui tươi. Hãy mỉm cười với tâm thái bao dung độ lượng. Tất cả đều là bản chất căn bản của con người, là nhân tố dẫn đến thành công trong cuộc sống. Vì vậy, hãy nuôi dưỡng tình thương trong trái tim, đem ra ứng xử trong cuộc sống càng sớm càng tốt. Đối với những người bình thường, tình thương luôn mang tính chiếm hữu.Nơi đâu có ganh tỵ, đố kỵ, nơi đó sẽ nuôi dưỡng mầm móng tàn ác, hận thù.Tình thương chỉ có thể hiện hữu và nở hoa khi không còn thù ghét, đố kỵ, tham lam. Khi không có tình thương, cuộc sống giống như đất đai cằn cỗi, khô cứng, thiếu chất nhựa sinh tồn. Những lúc có tình thương, cuộc sống như mặt đất đang nở hoa, có nước ngọt thấm mát, có mưa nắng ấm lòng, có trời xanh mây trắng, có gió mát trăng thanh, toả ra muôn ngàn vẻ đẹp.

Trong giáo lý của đức Thế tôn rất đúng vì nếu không hiểu được người đó thì làm sao thương người đó đích thực được. Người đó dáng bề ngoài dễ thương nhưng trong lòng có thể có những điều không dễ thương, có những khó khăn, khổ đau, những bức xúc mà nếu không hiểu thì không thể nào thương được và mình sẽ sinh ra giận hờn trách móc, buộc tội lên án. Vì vậy cho nên hình dáng bên ngoài không phải là tất cả, mình cần phải hiểu thêm tâm hồn bên trong. Đức Thế tôn dạy rằng, không hiểu thì không thể nào thương được, hiểu là nền tảng của thương.

Trong cuộc sống giao tế hằng ngày, người ta thích nghe lời nói hòa nhã êm dịu cho dù câu chuyện của người trình bày không hay, ngược lại, một đề tài dù hấp dẫn bao nhiêu đi nữa mà người phát biểu dùng ngôn từ nặng nề, thiếu lễ độ nhả nhặn thì chẳng ai muốn nghe. Do đó, mọi việc ở đời, từ nhỏ đến lớn; lòng thương yêu, kính mến kẻ khác là điều căn bản tạo nên hạnh phúc cho mọi chúng ta. Cho nên, như tôi đã trình bày ở trên mặc dù quý vị có nhận thức rõ điều đó hay không, thì vào lúc chúng ta ra chào đời, tình thương vẫn là chất liệu cần thiết như máu huyết nuôi dưỡng sự sống của chúng ta. Ngay cả tình thương ấy phát xuất từ nơi một con vật, hay kẻ thù của chúng ta thì trẻ nhỏ và người lớn vẫn đều cần đến nó. Cho nên, tinh thần tương thân tương trợ rất cần thiết cho mọi người trong xã hội. Không những con người mà ngay cả loài vật vẫn phải sống hợp quần. Tất cả những cảnh vật ngoại giới, từ hạt bụi nhỏ bé đến quả đất to lớn chúng ta đang sống; từ sông ngòi biển cả đến núi rừng đồng ruộng; từ đám mây trên trời đến những cành hoa trong vườn đều có sự tương quan, tương duyên với nhau. Nếu không có sự hổ tương, liên hệ nhân quả, vạn vật sẽ không thể phát sinh hay tồn tại. Vì con người cần nương vào sự giúp đỡ của kẻ khác để sống còn, do đó tình thương là chất liệu thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Và chúng ta có trách nhiệm trong hành động tạo nên hạnh phúc hoặc gây đau khổ cho mọi kẻ khác.

Nhân loại cần đến tình thương để tồn tại. Con người cần sự giúp đỡ, nương tựa vào nhau để sống còn. Cá nhân nam hoặc nữ, dù có khả năng tài giỏi đến đâu, nếu bỏ họ một mình, họ cũng không thể tự sống được. Trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào; giàu sang phú quý hay thiếu thốn nghèo hèn, khi trẻ trung mạnh khỏe hay già nua đau ốm, con người vẫn phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của kẻ khác.

Tôi tin rằng mọi người sống trong xã hội, cho dù ở phạm vi gia đình, bộ tộc, quốc gia hay quốc tế, chìa khóa hay bí quyết mang lại cho thế giới con người có đời sống tốt đẹp, an lạc và hạnh phúc hơn hiện nay, là sự áp dụng, thực hành và phát triển của tình thương. Chúng ta không cần phải theo một tôn giáo, ý thức hệ hay chủ thuyết chính trị nào; điều căn bản là chúng ta nên tu tập và thực hành các tánh thiện nơi mỗi con người chúng ta. Tôi thường cố gắng đối xử với bất cứ người nào tôi mới gặp họ lần đầu tiên đều giống như một người bạn cũ tâm tình thân quen. Điều này đã mang lại cho tôi một nguồn hạnh phúc vô biên. Đó là sự thực hành đức tánh từ bi hỷ xả của đức Phật.

Tình thương đã mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích tinh thần và lành mạnh thể xác. Điều rõ ràng ai cũng thấy là khi tâm mình an vui sẽ giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Sự giận dữ, ưu phiền dễ khiến con người sinh ốm đau. Trái lại, tâm thanh tịnh và an lạc giúp chúng ta tránh được nhiều bệnh tật. Muốn có hạnh phúc chân thật, con người cần trải lòng yêu thương tất cả, không nuôi dưỡng tâm ganh ghét, oán thù ai. Chúng ta không chỉ nhận thức tình thương là đức tính tốt, cao quý mà nên thực hành phát triển nó trong cuộc sống hằng ngày.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2022(Xem: 2644)
Đã bao năm tôi bị cài hoa hồng trắng trong mùa Vu Lan thật là tủi thân. Nhưng biết làm sao đây khi người con đã mất đi người mẹ thân thương! Theo tục lệ đã định sẵn, khi mâm hoa hồng đỏ, trắng của các em trong Gia Đình Phật Tử đưa đến, tôi chỉ dám chọn đóa hoa màu trắng để cài lên áo, chứ không dám chọn màu đỏ dù rất thích. Nhưng hôm nay tại buổi lễ Vu Lan ở Tu Viện Viên Đức ngày 4 tháng 9 năm 2022, tôi gặp chuyện bất ngờ được ép cài hoa hồng đỏ. Trên mâm hoa chỉ mỗi một màu hồng, cái màu pha trộn giữa trắng và đỏ.
15/09/2022(Xem: 3314)
TIỄN BẠN Tuệ Thiền Lê Bá Bôn Ừ thì bạn đi trước Mình rồi cũng theo sau U70 đã cạn Ai cũng đã bạc đầu
07/09/2022(Xem: 3358)
Cái tôi" là một sự cảm nhận về con người của mình, một thứ cảm tính giúp mình nhận biết và phân biệt mình với kẻ khác và môi trường chung quanh, tức là thế giới. Qua một góc nhìn khác thì chính mình và thế giới sở dĩ hiện hữu là nhờ vào sự cảm nhận hay cảm tính đó về cái tôi của chính mình. Theo cách nhận định đó thì "cái tôi" không phải là quá khó hiểu, thế nhưng chúng ta lại thường hay thổi phồng "cái tôi" đó và phóng tưởng nó xa hơn, biến nó trở thành một cái gì khác quan trọng và rắc rối hơn, khiến cuộc sống của mình cũng trở nên phức tạp hơn.
02/09/2022(Xem: 6183)
CHÁNH PHÁP Số 130, tháng 9 2022 Hình bìa của MoeRasmi (Pixabay.com) NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 NẮNG HẠ NHÂM DẦN - 2022 (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6
31/08/2022(Xem: 3776)
Inamori Kazuo sinh năm 1932 tại con phố Yakuchi, thành phố Kagoshima. Ông tốt nghiệp trường tiểu học Nishida thành phố Kagoshima. Tham dự kỳ thi tuyển của trường trung học Kagoshima Daiichi nhưng không đỗ. Ông vào học tại một trường trung học bình thường. Vào năm 13 tuổi, ông bị mắc một căn bệnh nan y thời đó là bệnh lao phổi. Một số người họ hàng của ông cũng bị mắc căn bệnh này và lần lượt qua đời. Khi chú ông bị mắc bệnh, Inamori Kazuo đã rất hoảng sợ và xa lánh người thân đang sống cùng nhà. Nhưng cuối cùng, người chăm sóc cho chú là cha và anh Inamori Kazuo thì không mắc bệnh, còn chính ông lại mắc.
28/08/2022(Xem: 3266)
Phần này bàn về cách dùng vừng, mè vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo và sau đó là các cách dùng tự vị, tự vựng và tự điển. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
23/08/2022(Xem: 5751)
Kính chia sẻ hình ảnh ĐẠI LỄ VU LAN tại Chùa Vạn Phước Sandiego CHỦ NHẬT 21 AUG 2022 với sự hiện diện của quý thầy Thích Thanh Nguyên, thầy Thích Quảng Hiếu, Ni Sư Thích nữ Đàm Khánh, Sư cô Hương Từ Niệm cùng chư đồng hương Phật tử đồng hương Sandiego. Chân thành cảm niệm chư Phật tử chùa VP đã góp một bàn tay tổ chức Lễ Vu Lan được thành tựu tốt đẹp, thập phần viên mãn.. Xin hồi hướng Phước lành này đến Cửu huyền thất tổ, cha mẹ nhiều đời của chúng ta. Nguyên cầu thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
21/08/2022(Xem: 4190)
Trong quyển sách mang tựa Le Grand Livre du Bouddhisme (Quyển sách lớn về Phật giáo, nxb Albin Michel, 2007, 994 tr.) học giả Phật giáo người Pháp Alain Grosrey trong trang 25 có viết một câu như sau: "Ngày nay chúng ta đạt được những sự hiểu biết rộng lớn trong rất nhiều lãnh vực. [Thế nhưng] không thấy có ai cho rằng chúng ta uyên bác và thông thái hơn Đức Phật".
11/08/2022(Xem: 3860)
Quán niệm về nhân duyên hình thành đời sống chúng ta, hình thành con người xã hội, hình thành đất nước, và hình thành thế gian. Tất cả cuộc hình thành này đều từ nhân duyên. - Từ nhân duyên luyến ái, hòa hợp, cha mẹ đã sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta. Dù việc sinh thành chúng ta mang mục đích và ý nghĩa nào, và dù cha mẹ có thương yêu hay không thương yêu chúng ta, ơn sinh thành dưỡng dục ảnh hưởng cả cuộc đời chúng ta vẫn là điều cần ghi nhớ.
11/08/2022(Xem: 5395)
CHÁNH PHÁP Số 129, tháng 8 2022 Hình bìa của Đặng Thị Quế Phượng NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 THÔNG BẠCH VU LAN PL. 2566 (HĐGP – GHPGVNTNHK), trang 6
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]