Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trí Thức và Đạo Phật đôi điều góp ý với Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng

10/11/201909:16(Xem: 8703)
Trí Thức và Đạo Phật đôi điều góp ý với Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng

TRÍ THỨC VÀ ĐẠO PHẬT

ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý VỚI TIẾN SĨ DƯƠNG NGỌC DŨNG

 

 

Trong những ngày vừa qua, Phật tử xuất gia cũng như tại gia, trong nước cũng như ngoài nước đã mạnh mẽ lên tiếng chống đối, phản biện, lên án, góp ý với một giáo sư trường đại học Khoa Học và Xã Hội Việt Nam tại Sài Gòn về thái độ cùng với lời phát biểu trực tiếp, công khai mạ lỵ và chống báng giới tu sĩ Phật giáo. Nhân vật đối tượng của sự phản đối đó là ông Dương Ngọc Dũng, có học vị tiến sĩ ngành học tôn giáo (Ph.D in Religion) tại trường đại học Boston (Boston University), Hoa Kỳ. 

 

duong ngoc dung (1)

TS. Dương Ngọc Dũng xin lỗi trước chư tăng

 

 

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đã nói gì về Phật giáo?

         

Ông Dương Ngọc Dũng, 64 tuổi, Tiến sĩ Tôn giáo học, đang là cán bộ quản lý bộ môn và giảng viên Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thuộc Đại học Quốc gia – Sài Gòn, người đã có những phát ngôn làm dậy sóng cộng đồng Phật giáo trong thời gian qua.

 

            Xin trích nguyên văn lời ông Dương Ngọc Dũng nói đã được phát tán rộng rãi trên các mạng lưới thông tin online và trang nhà xã hội: 

 

“Người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng.

Mới hôm qua người ta gọi mình bằng “thằng”, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng “thầy”, có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài”.

Dân Việt Nam có truyền thống tối đẹp là tôn trọng Tăng ni, thấy sư là chắp tay, cúi đầu, bất kể sư gì, tu thiệt hay tu giả.

Những “sư giả” chỉ cần rèn kỹ năng về giao tiếp, chịu khó đọc kinh đọc sách giống như hổ mọc thêm cánh. Thiên hạ sẽ tới quỳ bái vì thầy không những có đạo đức, chân tu mà còn uyên bác, hiễu rõ về đạo Phật”.

 

Thật ra, qua phần trích dẫn nầy, tôi đọc được thật ý hay ẩn ý của ông Dương Ngọc Dũng muốn nói về hai thành phần “TU THẬT và TU GIẢ”, chân tu Phật giáo hay tà sư ngoại đạo trong hiện tình đạo Phật Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là ông đã nói hàm hồ (ngậm cháo) không rõ vì không áp dụng cái Phương pháp luận (methodology) cần thiết trong văn từ chính luận mà ông đã học được trong quá trình viết luận án tiến sĩ tôn giáo của ông ở Mỹ. Cộng vào đó, cung cách ứng xử của ông trong phần thuyết trình Phật giáo trước cử toạ đã bồi thêm những nét tiêu cực về thái độ của ông đối với Phật giáo. Khi xem qua những “video clips – trích đoạn hình ảnh” của ông trước cử tọa, tôi hơi ngỡ ngàng và thất vọng về “tướng” cũng như “tánh” của một giáo sư đại học chuyên ngành tôn giáo nói về Phật giáo. Khác hẳn với những hình ảnh trang trọng trong các buổi thuyết pháp và pháp thoại ở Việt Nam tại những chùa viện như chùa Hoằng Pháp, chùa Giác Ngộ và nhiều nơi khác tại Việt Nam, TS. Dương Ngọc Dũng đã phục sức lếch thếch như người đi dạo cà lơ phất phơ trên hè phố, trước một đám cử tọa chen lấn nhếch nhác và bằng một tuồng ngôn ngữ tùy tiện, có chỗ dung tục khi nói vế các nhà sư Phật giáo, kể cả Việt Nam và quốc tế.

 

Trước phản ứng càng lúc càng tăng của đại chúng Phật tử và thân hữu trong mấy ngày qua, TS Dương Ngọc Dũng đã viết thư xin lỗi.

 

TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN cho biết sáng 7-11, ông Dương Ngọc Dũng đã trực tiếp đến Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội (TP.HCM) xin lỗi và bày tỏ lòng sám hối.

 

loi xin loi cua duong ngoc dung
Thư xin lỗi của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng

 

Với tinh thần “tự giác, giác tha” truyền thống của đạo Phật, lời xin lỗi của ông Dũng được đón nhận qua ba luồng dư luận: Một là thành khẩn, hai là thành khẩn nhưng chưa đủ và ba là chưa thành khẩn. Dẫu ở một tầm mức nào thì tổng hợp kết quả tâm lý chung là “hoan hỷ” trước lời xin lỗi của TS. Dương Ngọc Dũng.

 

Đôi điều góp ý với Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng

 

Thưa anh Dương Ngọc Dũng,

Là một Phật tử đã gần trọn đời tin theo và sinh hoạt với đạo Phật Việt Nam – với nửa đời trong nước và nửa đời ngoài nước – tôi quý nhất ở đạo Phật là tinh thần Trung Đạo so với Trung Dung của Nho giáo. Tôi cảm thấy mình quá may mắn được tiếp cận và “thưởng thức” Phật giáo để suy nghĩ, hành động và bày tỏ niềm tin yêu của mình đối với đạo Phật để vận dụng và thực hành trong cuộc sống thăng trầm suốt hơn 70 năm nay.

 

Tôi hơn anh 10 tuổi và cũng có chút đỉnh học hành như anh tại đất nước Hoa Kỳ này. Đạo Phật đến với phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng là một món quà tinh thần được trân trọng đón nhận như một luồng gió mát tâm linh mà tâm điểm thiện xảo nhất là Thiền định và Chánh niệm. Nhân “sự cố” đã xảy ra cho anh trong mấy ngày qua đã làm dấy lên câu hỏi: “Trí thức và Đạo Phật có đồng hành được chăng?” Tuy sau thư và lời xin lỗi của anh, “sự cố” đã thành cố sự; nhưng trong lĩnh vực tâm linh và nhân văn thì mỗi sự việc xảy ra đều có dấu ấn và tiếng vọng lâu dài sau đó.

 

Tôi chỉ xin được chia sẻ và góp ý với anh về 3 điều:

 

  1. 1.      Trí thức và đạo Phật:

 

Đạo Phật là một hệ thống tư tưởng tự do, không biên cương giới hạn và giúp thỏa mãn sự tìm cầu hiểu biết từ người không biết chữ, có đời sống hoang dã đến hàng bác học, luận sư không phân biệt. Từ người bình dân chỉ biết niệm “A Di Đà Phật” và hiểu giáo lý nhà Phật đơn giản như “nhân nào quả ấy”, “ở hiền gặp lành”… cho đến những đầu óc trí tuệ siêu việt hay nhiêu khê đều tìm thấy biển rừng kiến thức trong ba tạng kinh điển Phật giáo. Nhưng chung cuộc thì rồi tứ diệu đế, bát chánh đạo, vô lượng pháp môn, trùng trùng duyên nghiệp… cũng thảy đều bị bỏ lại bên bờ hình hài, sắc tướng. Cho nên những gì mà chúng sinh cho là giá trị nhất như ngôn ngữ, âm thanh, hình tướng rốt lại cũng là Không. Và, cái hiện hữu mà nhân gian gọi là trí thức thì cũng chỉ bào ảnh, mây khói giả tướng trong nhãn quan Phật giáo mà thôi.

 

Trí thức học hàm, học vị phàm trần nếu có Tâm Trong thì khi đi vào đạo Phật thì cũng chỉ mong được xếp vào hàng Thiện Tri Thức mà thôi.

 

Thiện tri thức (善知識, kalyāṇamitra), là danh từ chỉ một người bạn đạo. Thời Phật giáo nguyên thủy, danh từ này được dùng để chỉ một vị tăng đạo hạnh, người nắm vững lý thuyết Phật pháp và thực hành thiền định, có thể giúp đỡ những vị khác trên con đường tu học.

Thiện tri thức được phân định thành ba hạng:

- Giáo thọ thiện tri thức: là bậc thầy, người có khả năng hướng dẫn, dạy dỗ trên con đường tu học.

- Đồng hành thiện tri thức  là người đồng tâm, đồng hành cùng tu tiến.

- Ngoại hộ thiện tri thức: là người giúp cho những tiện nghi, tạo điều kiện tốt cho người tu hành.

Cho nên thiện tri thức trong đạo Phật có thể là người thầy, người bạn, vợ, con… chứ không y cứ vào văn bằng, học vị.

Bởi vậy, rất tiếc là mảnh bằng tiến sĩ khoa tôn giáo của anh Dương Ngọc Dũng chẳng giúp được gì nhiều cho anh trong quá trình học và hành Phật đạo. Đầu tháng 11 năm nay, tôi có chuyến về Philadelphia thuyết trình ở đại học Haverford ngày 1-11-2019. Nhân dịp này, tôi và anh Nguyên Thanh có lái xe lên Boston (cách Philli 4:30 phút lái xe) ghé vào đại học Boston University, khoa Tôn Giáo (Department of Religion) mới hay rằng chương trình Tiến sĩ khoa tôn giáo ở đây vẫn còn ở ngoài tầm xa để nghiên cứu và thâm nhập đạo Phật. Bởi vậy, tôi không ngạc nhiên khi anh với tư cách là một giáo sư đại học khoa Nhân văn và Xã hội lại nói về đạo Phật một cách hời hợt và phiến diện ở dưới tầm mức sơ cơ như thế.


2- Thân thế nhà tu:

Có thể nói đi tu là một cuộc đổi đời chuyển mạng tái sinh trong Phật giáo. Xuất gia không đơn giản là việc thay đổi hình tướng cạo đầu, khoác áo nhà tu như một vở kịch trên sân khấu trước mắt. Nếu có chút kiến thức cơ bản về triết lý nhà Phật, anh Dũng tất biết về khái niệm nghiệp – duyên trong đạo Phật mà xuất gia là đại thiện duyên trong một kiếp nhân sinh. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có đứa con rơi bị đem bỏ vào chùa, sau thành chú tiểu chùa Cổ Pháp Lý Công Uẩn và vươn dậy làm minh quân Lý Thái Tổ khai nguyên triều đại nhà Lý huy hoàng và cực thịnh trong lịch sử Việt Nam. Cho nên, khi anh đem hoàn cảnh xuất thân của các tu sĩ Phật giáo mang tính giả định và cường điệu để nói đến các nhà tu là một việc làm thiếu thận trọng và tùy tiện mà giới học thuật nên tránh.

 Mỗi tu sĩ là một cá nhân có hoàn cảnh xuất thân riêng. Trong lòng đạo Phật xưa nay, ở đâu và thời nào cũng có những thành phần phàm tăng tà mỵ mà anh gọi là “tu giả”. Tôi tin rằng chư tăng tôn túc và hàng Phật tử thuần thành đếu tán thán công đức của anh nếu anh nhận diện và minh thị được những thành phần “tu giả” đã và đang làm cho Phật giáo bị ảnh hưởng phân hóa, thoái trào.

Trong khi anh xuất thân có chút kiến thức đại học và phương pháp luận (methodology) của người đã viết Doctoral Dissertation (Luận án Tiến sĩ) ở Mỹ thì ít ra anh cũng biết vận dụng kỹ năng tham vấn và khảo sát đó vào việc tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của hàng “giả tăng” để đưa ra trước công luận.   Đáng tiếc anh đã phát biểu và vơ vạ tùy hứng nên bị phản tác dụng.


3- Nền tảng đạo Phật:

Trong một phát biểu khác,TS Dương Ngọc Dũng đã khẳng định: “Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu.” (?!) Nếu đó là phát biểu vội vàng của một người kém cỏi, thiếu kiến văn tổng quát thì không nói gì; thế nhưng, đây là phát biểu của một người dạy đại học 65 tuổi, có bằng tiến sĩ ngành tôn giáo tại Mỹ như anh Dương Ngọc Dũng mới đáng là một đề tài bàn luận. Theo anh Dũng thì nền tảng đích thực của một tôn giáo đặt trên căn bản nào? Trên số lượng tín đồ, số đếm chùa viện, số lượng tăng ni chăng?  

Anh Dũng hiểu thế nào là “nền tảng tôn giáo”? Anh có phân biệt được Đạo Phật, các tổ chức sinh hoạt Đạo Phật và quần chúng theo Đạo Phật không? Chẳng lẽ bởi anh bịt mắt nên mặt trời không sáng, bị bưng tai nên chim không hót và ta không học nên người hàng xóm mù chữ hay sao? Lẽ nào bởi chùa Ba Vàng thực hành tà đạo, chùa Phật Quang bị ni cô bán đứng, tu sĩ Thích Thanh Toàn loạn động thiền môn… nên nền tảng đạo Phật lung lay? Rồi Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tam Pháp Ấn… lạnh lùng biến mất?

Lịch sử Phật giáo đã trải qua hơn 2500 năm, trong biển lặng mênh mông mà không khi nào lặng sóng của một tôn giáo lấy Tánh Không và Duyên Khởi làm nền tảng, sự “lung lay nền tảng” mà anh Dũng đưa ra là một sự giả định thiếu căn bản nghiên cứu và lý luận nghiêm túc. Thật ra, sự loạn động của Bồ Đề Đạt Đa, A Xà Thế kiểu “trùng sư tử, ăn thịt sư tử” đã có từ thời đức Phật còn tại thế chứ đâu chỉ có thời nay. Suốt 25 thế kỷ đầy biến cố, Bà La Môn đánh phá, Hồi giáo tàn sát… nhưng Phật giáo vẫn trường tồn cho đến hôm nay. Sự phân hóa chia thành bộ phái, tăng đoàn, giáo hội… chỉ là hiện tượng bề mặt của những đám rong rêu hay thuyền bè trên biển. Phật giáo là đại dương thì làm sao những đám thuyền bè, rong rêu của chùa Ba Vàng, Phật Quang và tu sĩ Thanh Toàn hay nhóm phái này, thế lực nọ… lại đủ lực tác động làm bẩn đại dương, làm lung lay nền tảng đạo Phật kia chứ?!

Theo dõi các đoạn video ngắn của anh Dũng nói chuyện với đại chúng, tôi chưa hề được hân hạnh thấy một tia sáng nào về tư tưởng và sở học Phật học của anh. Bất luận anh là tín đồ tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào, nhưng đã là một nhà giáo, một trí thức trong lĩnh vực tôn giáo thì sự trang bị kiến thức Phật học là một luân lý chức nghiệp. Ngày xưa, các giáo sư của tôi ở đại học văn khoa Huế là những linh mục như các vị Nguyễn Tiến Huynh, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Phương, Nguyễn Hòa Nhã… đều trang bị kiến thức Phật học khá sâu sắc.

Sau ngày xin lỗi và sám hối (?) như báo chí đưa tin, tôi ước mong anh Dương Ngọc Dũng nếu còn có chăng một lần nào đó phải xin lỗi với Phật tử, thì lời xin lỗi đó là “chưa trang bị đủ kiến thức Phật học để vận dụng suy tư và ứng xử trong cuộc sống” (và xin nói nhỏ là đến nay bản thân tôi vẫn thường xuyên tự lập lại những lời sám hối tương tự như thế mỗi lần đối diện với vô lượng Phật pháp).


Lời kết:

Khi tôi đang viết những dòng cuối bài nầy thì được tin Hoà thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch tại Huế. Như có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là 5 năm trước, tôi cũng được trực tiếp nghe Thầy bàn về cái học, cái trí thức cần thiết để hiểu đời và sống đạo.

Nửa sau của thế kỷ 20, nhân vật Trí Quang có một chỗ đứng đặc biệt trong Phật giáo sử và lịch sử Việt Nam. Đặc biệt – vì Thầy có nửa đời cất tiếng hào hùng của pháp âm, pháp khí và nửa đời im lặng sấm sét của pháp hạnh, pháp môn. Xưa, người nhân nói nhiều mà không nói gì cả; ngưởi trí không nói gì cả mà nói rất nhiều. Trí huệ sinh ra trong tĩnh lặng, rỗng rang và vô minh sinh ra trong oán hờn, náo động 

Ý nghĩ lan man về Phật giáo và chính trị; Phật giáo và trí thức… những cặp đôi đời và đạo hiện ra rực rỡ, mông lung, nhạt nhòa và trôi về rỗng lặng.

Cuộc đời Thầy Trí Quang có hai điều quá đơn giản, ngoài tầm dự tưởng bình thường, làm cho đại chúng ngỡ ngàng: Đó là tập hồi ký Trí Quang Tự Truyện (2011) và di huấn tang lễ của Thầy (2019).

Tôi có thiện duyên được gặp lại vấn an Thầy tại chùa Già Lam, tháng giêng năm 2014, nhờ bạn Lê Duy Đoàn “chở liều” tới sau khi nhờ anh Trần Tuấn Mẫn, tổng biên tập báo Văn Hóa Phật Giáo và Thầy Tổng biên tập báo Giác Ngộ giúp tạo cơ hội gặp Thầy nhưng không thành.

Trước mắt tôi là một nhân vật huyền thoại: Một vị chân tu? Một chính khách, một nhà chiến lược, một cụ già thôn dã, một ẩn sĩ ưu thời mẫn thế… ?! So với thời những năm Sáu Mươi, Thầy lên cân, khuôn mặt đầy đặn không còn nét góc cạnh “tài tử Hollywood” xuất hiện trên báo Time với tiêu đề “Người làm rung rinh nước Mỹ”. Nhưng đôi mắt Thầy vẫn còn thăm thẳm tinh anh, toát ra một sức mạnh đồng thời thu hút và ưu việt khiến người đối diện e dè!     

Thầy có nhắc đến bài điểm sách nhan đề Không Vẫn Hoàn Không .



Le Nhap Kim Quan__On Tri Quang (13)

Lễ nhập kim quan
Hoà thượng Thích Trí Quang đang diễn ra tại chùa Từ Đàm Huế
(xem thêm hình khác)



Hôm đó, được nghe Thầy nói mà… như không nói bằng nhận định kiệm lời. Lúc đó, với phản ứng tâm lý tức thời trong im lặng, tôi cho là “lạc đề” khi Thầy nói như sau: “Không phải anh mà nhiều người viết về tôi nhưng chẳng có ai hiểu tôi cả. Tôi là một thầy tu. Các anh không hiểu tôi mà viết về tôi thì chẳng trúng trật vào đâu cả…”. Được gặp Thầy khoảng 45 phút, Thầy nói như độc thoại về Nhật Bản và Mc.Arthur, về cái học ngày nay, về trí thức và về ý nghĩ của Thầy trong chữ nghĩa… Trước khi vái Thầy ra về, tôi chỉ hỏi được một câu và đó cũng là một câu duy nhất được Thầy trả lời. Tôi hỏi: “Bạch Thầy, xin Thầy có lời di giáo nào cho thế hệ đàn em không ạ?” Thầy trả lời: “Học. Tôi cũng đang học. Các anh cũng phải học. Ai cũng phải học cả.” Thật tình là tôi thất vọng và có cảm tưởng như Thầy không cần phải biết người đối diện là ai, không muốn ai hỏi mà cũng chẳng cần trả lời ai. Cho đến sáng nay, tôi thắp nhang lễ Phật và lâm râm khấn lời cầu nguyện bái biệt Thầy. Đảnh lễ Phật, nhớ Thầy Trí Quang, những thắc mắc băn khoăn hôm nào như được tự thân hóa giải, tôi chỉ còn biết nhắc lại tên bài viết năm xưa: Không Lại Hoàn Không.   



Sacramento
, Cali 9-11-2019

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn, MSW; Ph.D

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
19/11/201903:36
Khách
Bac Doan kinh men,
Con rat cam kich khi doc la thu nay cua Bac, Bac viet rat hay va phan tich vo cung ro rang . Con cam on Bac nhieu da viet bai nay cho cac the he tre chung con hoc hoi. (neu Ba cua con con song, chac Ba con cung thich lam).
Kinh thu,
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2020(Xem: 6602)
Nếu bình thường thì giờ nầy chúng tôi đang ở “hộp đêm” trong bụng máy bay Eva trên đường về Quê hương và đang vượt nửa sau Thái Bình Dương. Nhưng dòng sống là con nước Vô Thường biến tướng chẳng bao giờ ngừng nghỉ: Đang phẳng lặng; chợt gợn sóng, ba đào, cuồng lưu, rồi rỗng lặng… sự thay đổi ốn ào hay lặng lẽ cứ triền miên nối đuôi xuất hiện cách nhau cả nghìn năm hay bất ngờ trong từng nháy mắt.
10/04/2020(Xem: 6346)
Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka đã ban hành Quyết định dừng tổ chức Quốc lễ Vesak PL.2564 - DL. 2020, do tình hình nguy hiểm có khả năng lây nhiễm bởi đại dịch Covid-19.
10/04/2020(Xem: 6742)
Cảm ơn bạn đã hỏi thêm câu mình nói hôm trước: Thời buổi “Cô-Vi 19” hoành hành khắp thế giới này, thì với những người đã có “tuổi hơi cứng” như tụi mình nên thực hành các hạnh Độc Cư, Thiền Định, Kham Nhẫn, Tri Túc mà Phật đã dạy từ hơn hai ngàn sáu trăm năm trước để có một nếp sống An Lạc và Hạnh Phúc. Thực ra không chỉ với bọn mình mà cả những người bạn trẻ cũng nên học để có một cuốc sống an vui, mạnh khỏe, không mắc phải những thứ bệnh “thời đại” là những bệnh như S.A.D (Stress: căng thẳng; Anxiety: Lo âu, sợ hãi; Depression: Trầm cảm), hay “3 cao 1 thấp” (3 cao là Cao đường, Cao mỡ, Cao máu và 1 thấp là… Thấp khớp) cùng rất nhiều các thứ bệnh khác do hành vi lối sống gây ra…
09/04/2020(Xem: 6474)
“Xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, ba công đức ấy thập phương nên làm”, xây dựng ngôi Tam bảo, bao gồm hình thức và nội dung của cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Qua đó, Trụ trì mới có cơ sở hành đạo, thi hành Phật sự, hóa độ chúng sanh, báo Phật ân đức.
09/04/2020(Xem: 4619)
Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Ngày 8-4, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 218 ca nhiễm virus corona mới và 19 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm virus corona của Indonesia là 2.956 trường hợp và tổng số ca tử vong do bệnh COVID-19 ở nước này là 240. Ngoài ra, có 222 người đã hồi phục sức khoẻ.
09/04/2020(Xem: 6609)
Thế là đã 12 ngày trôi qua, kể từ ngày chính phủ Ấn Độ quyết định phong tỏa toàn quốc. Dù quyết định này đã làm nhiều nơi trong xứ Ấn gào lên đây là .. một '' Thảm họa Nhân Đạo '', nhưng cá nhân tôi vẫn thông cảm cho sự chọn lựa này của Thủ tướng Ấn, bởi có sự chọn lựa nào mà toàn vẹn, không thương tổn, đớn đau ? nhất là với một đất nước quá đông dần này.
08/04/2020(Xem: 5801)
Do có nguy cơ bị đại dịch Virus Corona tấn công, các cơ sở tự viện Phật giáo tại các quốc gia trên thế giới đều đóng cửa (bế môn), để cho công chúng tuân thủ các biện pháp giãn cách toàn xã hội trong thời gian nhất định nào đó. Chư tôn đức giáo thọ Phật giáo đang đưa ra những giáo lý đạo Phật, nhằm nhắc nhở cộng đồng Phật tử từ xa về các yếu tố chính của sự thực hành.
07/04/2020(Xem: 13422)
Thi thoảng, ta hay suy nghĩ về cái chết và sự mong manh của đời người như một người vừa trái qua một cơn thập tử nhất sinh. Những suy nghĩ đó sẽ tiếp thêm cho ta sức mạnh để dám bứt mình khói những điều phù phiếm. Nếu chỉ còn một ngày để sống, liệu ta có còn bon chen hối hả giành giật với đời, với người? Liệu ta có còn tỏ ra trì trệ, lười biếng, hời hợt với bản thân?
04/04/2020(Xem: 6041)
Nghĩ về sự yên lặng, chúng ta thường nghĩ đến sự cô đơn, đôi khi là sự thất thế, hoặc là những lúc tâm trạng rất không tốt. Nhưng với người theo tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng của chúng ta, những giờ phút yên lặng rất cần cho đời sống tâm linh trước những tiếng ồn của cuộc sống.
03/04/2020(Xem: 4959)
Thượng tọa Siêu Phàm (超凡上座), người sáng lập Hiệp hội Giáo dục Phật giáo Hoa Kỳ (美國佛教教育協會-佛教教育) tại ngôi già lam Phúc Tuệ Tự (福慧寺), làng Rancocas, thị trấn Westampton, New Jersey, một trong 4 tiểu bang nhỏ nhất của Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]