Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Một Đêm Với Sự Chết

17/08/201916:39(Xem: 4756)
10. Một Đêm Với Sự Chết

MỘT ĐÊM VỚI SỰ CHẾT

(Thiền sư giảng bài Pháp này vào một đêm tụng Giới bổn ở tu viện Nong Pah Pong vào cuối thập niên 60)

Hãy quán sát nỗi sợ hãi của bạn... Một ngày, khi hoàng hôn buông xuống, không gì khác ngoài màn đêm bao phủ... Nếu tôi cố gắng thuyết phục được với chính mình, tôi đã không bao giờ đi; thế rồi, tôi dắt theo một chú tập sự và đi vào bãi tha ma ...

Nếu thời điểm chết đã đến, cứ để nó chết. Nếu tâm của tôi bướng bỉnh và ngốc nghếch như vậy, cứ để nó chết đi”... Đó là cách tôi tự nghĩ. Thật ra trong tâm, tôi không muốn đi nhưng tôi tự buộc mình phải đi. Khi trong tình huống như thế này, nếu bạn đợi cho đến khi mọi thứ thuận buồm xuôi gió, bạn sẽ không bao giờ đi được. Khi nào bạn mới tự giác nỗ lực thực tập? Thế nên, tôi quyết định đi.

Trước đây tôi chưa bao giờ ở bãi tha ma. Khi tôi đến đó, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được cảm giác của tôi lúc bấy giờ. Chú tập sự muốn che lều ngay kế tôi nhưng tôi không có lều. Tôi bảo cậu ta ở xa ra, song thật sự, tôi cũng muốn cậu ở gần cho có người, nhưng rồi tôi quyết định ở một mình. Tôi bảo cậu đi xa xa một chút, mặc khác tôi cũng mong cậu ta giúp tôi.

Tôi tự nhủ: “Nếu quá sợ hãi, hãy chết đêm nay”.

Tôi sợ hãi nhưng tôi dám. Không phải là tôi không sợ, nhưng tôi tập dạn lên. Cuối cùng rồi, bạn cũng phải chết thôi. 

Thật may, lúc trời tối cơ hội đến với tôi. Người ta mang tới một xác chết. Tôi cho là mình may mắn, nhưng tôi lại mất hết cảm giác, thậm chí không thể cảm nhận cảm giác của chân mình chạm đất. Tôi muốn chạy khỏi nơi đó, thật quá rùng rợn. Họ muốn tôi làm một vài nghi thức tụng niệm cầu nguyện khi hoả thiêu nhưng tôi không tham gia và đi khỏi chỗ ấy. Một lát sau, khi họ đi khỏi rồi, tôi trở lại và thấy họ đã thiêu thi hài ngay bên cạnh chỗ của tôi, mấy thanh tre dùng để khiêng xác chết họ quẳng trên chỗ tôi ngồi.

Bây giờ tôi phải làm gì đây? Làng không ở gần, đi hai, ba cây số mới tới.

Thôi đành, tôi sẽ chết đây, tôi sẽ chết đây”. Nếu bạn không bao giờ dám làm một việc gì, bạn sẽ không bao giờ biết việc ấy như thế nào. Đây thật sự là một kinh nghiệm giá trị.

Trời càng lúc càng tối đen, tôi tự nhủ chạy đi đâu cho thoát trong cái nghĩa địa này. Tôi tự nhủ:

Thôi, coi như chết đi. Người ta được sinh ra trong trần thế này để mà chết”.

Khi những tia mặt trời cuối cùng lịm tắt, màn đêm bảo tôi hãy chui vào mùng thiền (Glot) thôi.[40] Tôi không muốn bước thêm bước thiền hành nào nữa hết, tôi chỉ muốn chui vào trong mùng. Mỗi khi tôi cố gắng bước đến chỗ thiêu người, dường như có cái gì ở đằng sau lôi ngược tôi trở lại, không cho tôi bước tới. Cảm giác sợ hãi và anh hùng giằng co quyết liệt trong tôi. Nhưng tôi phải đối diện với nó. Đây là cách bạn phải tự mình rèn luyện.

Khi trời tối, tôi vào ngồi trong mùng. Tôi có cảm giác như thể có bảy bức tường xếp lớp bao quanh tôi. Tôi vẫn đang cảm giác chiếc bát đi khất thực hàng ngày bên cạnh tôi như người bạn cố tri. Đôi khi cái bát có thể là một người bạn đấy! Sự hiện diện của nó bên cạnh an ủi tôi rất nhiều. Ít ra tôi còn cái bát làm bạn.  

Tôi ngồi trong mùng và quán thân suốt đêm. Tôi không nằm xuống, cũng không chợp mắt, chỉ ngồi yên lặng. Tôi không buồn ngủ chút nào, thậm chí tôi muốn ngủ một chút, tôi quá sợ. Vâng, đúng là tôi quá sợ. Tôi ngồi suốt đêm.

Thời bây giờ, ai có can đảm như thế? Cố gắng và sẽ thấy. Ai dám vào ở trong nghĩa địa để có kinh nghiệm này? Nếu bạn thật sự không thử thực hành, bạn sẽ không có kinh nghiệm này, bạn chưa thực tập thật sự. Lần này tôi đã thật sự thực tập.

Khi ngày mới đến, tôi tự nhủ, “Ồ, tôi vẫn còn sống đây!” Tôi lấy làm hoan hỷ, tôi chỉ muốn có ban ngày, đừng có ban đêm gì hết. Tôi muốn tiêu diệt màn đêm và chỉ sống với ánh sáng ban ngày. Tôi cảm thấy yên ổn, tôi vẫn còn nguyên. Tôi nghĩ, “Ồ, không có gì cả, chỉ là nỗi sợ của riêng mình”.

Sau khi đi khất thực về, thọ thực, tôi cảm thấy phấn chấn, ánh nắng rực rỡ làm tôi thấy ấm áp và dễ chịu. Tôi nghỉ ngơi một chút và thiền hành. Tôi nghĩ: “Tối nay tôi phải khá hơn, thiền định an ổn, bởi vì tôi đã trải qua tối hôm qua bình yên rồi. Có lẽ sẽ không có gì xảy ra với tôi nữa đâu”.

Thế rồi, lúc trời gần nhá nhem, bạn biết điều gì xảy ra với tôi không? Lại có một xác chết khác, lần này rất to.[41] Họ mang cái xác và thiêu ngay bên chỗ của tôi, nói chính xác là trước chỗ tôi ngồi.

Ồ, thế cũng tốt ”. Tôi nhủ thầm: “Cái xác chết này mang đến đây thiêu giúp cho tôi thực tập vậy”.

Tuy nhiên tôi vẫn không đến tụng Kinh cầu nguyện cho họ, tôi chờ họ đi về rồi tôi mới ghé mắt nhìn đám lửa đang cháy ấy.

Suốt đêm tôi ngồi và quán chiếu cái xác cháy dần, tôi không thể tả cho các bạn biết cảm giác lúc đó của tôi ra sao được. Bất khả thuyết! Không ngôn ngữ nào có thể diễn tả nỗi sợ hãi trong tôi khi ấy. Một đêm với cảm giác chết chóc, tôi nhớ mãi. Lửa bốc cháy từ trên xác chết bập bùng lúc đỏ lúc xanh trong tiếng nổ lách tách đều đều. Tôi muốn đứng dậy đi thiền hành trước cái xác đang cháy nhưng không thể nào nhấc nổi thân mình. Cuối cùng tôi đành chui vào mùng. Mùi hôi khét từ thịt cháy ám ảnh tôi cả đêm.

Tôi đã trải nghiệm tâm lý bất an như thế trước khi sự thật của pháp hiển hiện trong tôi. Ánh lửa lập loè yếu dần, tôi xoay lưng về phía đống lửa.

Tôi quên cả ngủ luôn, tôi không thể nào ngủ, ngay cả việc đừng nghĩ đến nó tôi cũng không làm được, mắt tôi cứng đờ bất động vì sợ hãi. Không có ai quay trở lại, chỉ mỗi mình tôi. Tôi phải nương tựa nơi chính mình. Tôi suy nghĩ tìm chỗ để đi khỏi chỗ này nhưng không có chỗ nào để đi, để chạy trốn cái đêm đen như mực ấy.  

Đành thôi, mình sẽ ngồi và chết cứng ở đây. Mình sẽ không đi đâu khỏi chỗ này hết.

Tại đây, tâm sự với cái tâm phàm phu này, mi có chịu thực tập không?

Bạn dám thử thực tập trong hoàn cảnh này không? Nếu cố gắng biết rõ về cảm giác này rồi bạn sẽ không bao giờ đến bãi tha ma. Ai muốn thực tập trong trạng huống thế này chứ? Nếu không có một niềm tin kiên định vào lời dạy của Đức Thế Tôn, bạn sẽ chẳng bao giờ thực tập định tĩnh được trong không gian ghê rợn như thế này.

Lúc bấy giờ, độ khoảng 10 giờ đêm, tôi đang ngồi, lưng xoay về phía đống lửa. Tôi không biết cái gì nữa, chỉ nghe tiếng lê bước chân từ đống lửa sau lưng tôi. Có phải quan tài đã bị bể? Hay có lẽ một con chó xông vào quan tài? Nhưng không, tiếng động như một con trâu đi thật mạnh xung quanh vậy.

Thôi, không quan tâm nữa”.

Nhưng nó bắt đầu xoay bước hướng tới phía tôi, giống tiếng bước chân một người.

Tiếng bước chân sau lưng tôi nặng nề như tiếng chân của con trâu lớn, nhưng không... Tiếng lá lạo xạo dưới bước chân, dường như bước chân đi vòng ra phía trước mặt. Được rồi, tôi chỉ còn cách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, tìm một chỗ nào khác thoát thân? Nhưng thật sự không có gì xảy ra cho tôi cả, nó chỉ vòng ra phía trước và đi thẳng hướng chú tập sự. Rồi không gian trở nên yên tĩnh. Tôi không rõ cái gì nữa nhưng nỗi sợ hãi khiến tôi tưởng tượng đủ thứ chuyện.

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, tôi lại nghĩ loạn lên, khi tiếng bước chân quay trở lại từ hướng chú tập sự. Giống tiếng chân người! Bước chân về phía tôi, lần này, ... Tôi nhắm nghiền mắt lại, không dám mở ra.

Tôi sẽ chết với đôi mắt nhắm nghiền.

Tiếng động nghe càng lúc càng gần rồi đứng sững trước tôi và đứng yên đấy. Tôi cảm thấy như có những bàn tay cháy khét quơ qua quơ lại trước mặt tôi. Ôi! Thật sự là vậy! Tôi liệng mọi thứ, quên hết Phật, Pháp, Tăng. Tôi quên tất cả, chỉ còn nỗi sợ kinh hoàng. Từ ngày sinh ra đời đến giờ, tôi chưa bao giờ bị sợ khủng khiếp như thế. Phật, Pháp biến mất tiêu, tôi không biết ở đâu nữa. Nỗi sợ ngự ngay giữa ngực, lan mạnh dần. Tôi có cảm giác toàn thân như da trống căng cứng.

Thôi được, cứ để mặc cảm giác như thế, tôi đâu còn biết làm cách nào khác.

Tôi ngồi đó mà như thể lơ lửng không chạm mặt đất và chỉ chờ xem điều gì sắp xảy ra nữa đây. Nỗi sợ cứ lớn dần, lớn dần dâng ngập trong tôi giống như cái vại nước dâng lên dần vậy. Nếu bạn đổ thêm nước vào cái vại cho đầy, rồi lại đổ thêm nữa, nó sẽ tràn ra ngoài. Cũng thế, nỗi sợ cứ dâng lên đến hồi hết sức chịu đựng nổi và bắt đầu tràn đây.

Mi sợ cái gì vậy? Một giọng nói vang lên trong tôi.

Tôi sợ sự chết. Một giọng khác trả lời.

Được, vậy “sự chết” ở đâu? Tại sao hoảng sợ quá vậy? Hãy nhìn đi, “sự chết” đang trú chỗ nào? “Sự chết” đang ở đâu?

– Tại sao, “sự chết” lại ở bên trong tôi?

Nếu sự chết đang ở bên trong tôi, vậy thì tôi chạy trốn đâu cho khỏi nó? Nếu chạy trốn, tôi cũng chết, nếu ở lại đây, tôi cũng phải chết thôi. Tôi đi đến nơi nào nó luôn theo tôi đến đó bởi vì sự chết đang ở trong tôi, không có chỗ nào để tôi có thể trốn thoát nó cả. Dù tôi sợ hay không sợ, tôi cũng sẽ chết thôi, không thoát khỏi sự chết được.

Ngay khi tôi khởi ý niệm này, nhận thức của tôi dường như thay đổi mọi thứ xung quanh. Mọi nỗi sợ hãi hoàn toàn tan biến nhanh chóng như trở bàn tay. Thật quá ngạc nhiên. Nỗi sợ kinh hoàng và nó có thể tan biến dễ dàng như thế. Không còn chút sợ hãi nào khởi lên nữa. Khi ấy tâm tôi dần dần nhẹ hẫng hơn, tôi cảm thấy như thể mình đang trên những tầng mây.

 Ngay khi tôi chiến đấu với nỗi sợ, mưa bắt đầu nhỏ hạt. Tôi không biết mưa to nhỏ thế nào, chỉ nghe gió rất mạnh. Nhưng giờ tôi không sợ sự chết nữa. Tôi cũng không sợ những nhánh cây đổ xuống có thể đâm trúng tôi. Tôi không quan tâm. Mưa to, sấm chớp rền trời giống như mưa giông mùa hè. Rồi mưa tạnh, mọi vật ướt đẫm.

Tôi vẫn ngồi đấy không nhúc nhích.

Người tôi ướt đẫm, chuyện gì xảy ra tiếp nữa đây? Tôi khóc. Những giọt nước mắt thi nhau chảy xuống cằm. Tôi khóc vì tự nghĩ tủi phận mình.

Tại sao tôi ngồi đây giống như đứa trẻ mồ côi, đứa trẻ bị bỏ rơi, ngồi chịu ướt trong mưa giống kẻ vô gia cư, một kẻ đào vong?

Rồi tôi còn tưởng tượng xa hơn:

Bây giờ mọi người đang hạnh phúc ngồi trong nhà ấm áp, có lẽ không ai ngờ rằng có một ông Tăng đang ngồi dầm mưa trong đêm như thế này. Tất cả là vì cái gì?

Nghĩ thế rồi tôi cảm thấy thương hại mình vô cùng và nước mắt tuôn như mưa.

Những giọt nước mắt này không tốt lành gì cả, hãy để nó rơi đi cho đến khi nào hết thì thôi”.

Đấy là việc thực tập của tôi.

Lúc bấy giờ, tôi không biết làm thế nào để có thể diễn tả những điều này. Tôi ngồi... ngồi và lắng nghe. Sau cuộc chiến cảm giác, tôi chỉ ngồi và quán sát mọi thứ khởi lên trong tôi, đủ thứ hết, tôi nhận diện tất cả nhưng không thể trình bày được. Và tôi liên tưởng đến lời Đức Thế Tôn: “Paccattam veditabbo viññuhi[42] (Người trí biết rõ chính mình).

Thế đấy, tôi chịu đựng khó khổ, ngồi dầm mưa... Ai có kinh nghiệm giống như tôi không? Chính tôi đã nhận biết cảm giác sợ hãi, tủi buồn như thế nào. Nỗi sợ hãi kinh khủng và rồi nó cũng tan biến mất. Ai có thể chứng kiến điều này? Người ta ở nhà thành phố không thể nào biết cái cảm giác ngồi chịu trận trong mưa ra sao, chỉ có tôi mới biết điều đó. Đấy là kinh nghiệm cá nhân. Dù tôi kể với người khác, họ cũng sẽ không cảm nhận được, đó là kinh nghiệm riêng của mỗi cá nhân. Càng trầm ngâm quán chiếu điều này, tôi càng sáng tỏ vấn đề. Tôi càng lúc càng mạnh mẽ hơn, niềm tin càng kiên cố hơn, cho đến lúc rạng đông.

Khi tôi mở mắt nhìn bình minh, mọi vật chỉ một màu vàng. Tôi muốn đi vệ sinh từ hồi đêm nhưng rồi không đi. Khi trời sáng tôi đứng dậy, tôi thấy mọi nơi đều một màu vàng như những ngày ánh sáng mặt trời trong buổi sáng sớm có màu vàng như thế. Khi tôi đi vệ sinh tôi thấy trong nước tiểu có máu.

– Ồ? Có phải ruột tôi có vấn đề hay có chuyện gì rồi? Tôi có chút lo lo...

– Có lẽ trong bụng, bộ phận nào đó bị loét chăng?

Thôi mặc, gì thì gì? Nếu nó loét cứ để nó loét, ai phàn nàn gì đâu?

Có tiếng nói dứt khoát trong tôi vang lên.

Nếu nó loét, cứ cho nó loét, nếu chết thì chết. Ta cứ ngồi đây, ta không làm gì hại cả. Nếu nó sắp nổ tung, cứ để nó nổ tung. Tiếng nói vẫn dứt khoát.

Trong tâm tôi như đang có nội chiến. Một giọng nói từ phía bên này:

– Này, nguy hiểm đấy! Một giọng khác đối nghịch lại, thách thức nó và bất kể nguyên tắc.

Nước tiểu của tôi có lẫn máu.

Hmm. Tôi sẽ tìm thuốc ở đâu đây nhỉ?

Tôi sẽ không làm phiền ai cả... Dù gì đi nữa một Tăng sĩ cũng không thể tự cắt cây cỏ làm thuốc. Nếu chết thì chết, vậy đã sao? Làm gì khác hơn được? Nếu chết thì chết trong lúc đang tu tập như thế này, tôi sẵn sàng. Nếu chết trong lúc đang làm việc gì xấu, thế thì không hay, nhưng chết trong lúc thực tập như bây giờ tôi sẵn sàng chết.

Đừng chiều theo bản tính của mình. Phải tự rèn luyện. Thực tập là tập trung tâm trí, buộc cuộc đời bạn vào một cái cọc chắc chắn. Bạn phải khóc ít nhất hai hay ba lần. Đúng thôi, đó mới là thực tập. Nếu bạn buồn ngủ và muốn đi nằm, đừng cho nó ngủ. Phải làm cơn buồn ngủ mất đi trước khi bạn đặt lưng nằm xuống. Nhưng nhìn chung, tất cả bạn không biết phương pháp thực tập.

Đôi khi, đi khất thực trở về, bạn cứ nhớ đến đồ ăn trước giờ ăn, bạn không kềm chế nỗi, tâm bạn như con chó nhỏ. Nước miếng chảy ra, bạn càng đói bụng thêm. Đôi khi bạn không quán niệm chỉ lo ăn thôi. Đó là một tai họa. Nếu tâm không trụ yên, không chịu kiên nhẫn, bạn dẹp cái bát đi không ăn nữa, khắc phục chính mình, rèn luyện chính mình, đó là tu tập. Đừng chiều theo tâm mình. Dẹp bát, đứng dậy, bỏ đi, tự mình không cho phép ăn nữa. Nếu nó thực sự muốn ăn và cứ làm những chuyện bướng bỉnh, đừng để nó ăn. Nước miếng sẽ thôi chảy ngay. Nếu phiền não biết chúng sẽ chẳng có gì để ăn, chúng sẽ sợ ngay. Chúng không dám quấy rầy bạn ngày mai, chúng sợ chúng sẽ không được ăn gì hết. Hãy thử, nếu như bạn không đặt niềm tin nơi tôi.

Nhiều người không tin vào thực tập, họ không dám thực tập dứt khoát như thế. Họ sợ họ sẽ bị đói, họ sợ họ sẽ chết. Nếu không cố gắng thực tập như thế, bạn sẽ không biết gì cả. Hầu hết chúng ta không dám thực tập kiên quyết như vậy, không dám thử, chúng ta lo sợ.

Khi chuẩn bị ăn, việc tương tự lại diễn ra, tôi đã từng trải qua thời gian khó khăn rất lâu để chiến thắng chúng, bây giờ tôi biết rõ chúng như thế nào rồi. Đó cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi, song thực tập như vậy không phải là điều ai cũng có thể học theo một cách dễ dàng.

Hãy suy tư: Điều gì là quan trọng hơn hết? Chẳng có gì cả, chỉ có chết thôi. Chết là quan trọng nhất trên đời này. Suy tư, thực tập, quán sát... Nếu không có y phục, bạn cũng sẽ không chết. Nếu không có trầu để nhai hay thuốc để hút bạn vẫn sẽ không chết đâu. Nhưng nếu không có cơm, không có nước, bạn sẽ chết đấy. Tôi thấy chỉ có hai thứ này quan trọng nhất trên đời này. Bạn cần cơm và nước để nuôi dưỡng tấm thân. Vì vậy tôi không hứng thú với cái gì khác hơn, tôi hài lòng với bất cứ thứ gì ai cúng dường. Miễn tôi có cơm nước, thế là đủ cho tôi thực tập, tôi mãn nguyện.

Với bạn, thế có đủ không? Mọi người còn cần những thứ khác nữa, dù bạn có chúng hay không, không hề có vấn đề gì, thứ thực sự quan trọng nhất là cơm và nước mà thôi.

Nếu tôi sống như thế tôi có thể tồn tại không? Tôi tự hỏi mình.

Chỉ cần thế là đủ. Mỗi ngày đi khất thực, mỗi nhà tôi khất thực một muỗng cơm, chỉ cơm thôi là được rồi. Nước thì dễ rồi, đâu cũng có. Mỗi hai thứ ấy là đủ lắm rồi... Tôi không mong cầu món ngon vật lạ nào cả.

Trong thực tập, đúng và sai thường đi đôi với nhau. Bạn phải dám làm, dám thực tập. Nếu chưa bao giờ ở ngoài nghĩa địa, hay bãi tha ma, bạn nên khuyến khích mình hãy ra đó thực tập thử. Nếu bạn không thể ở lại lúc đêm thì ở lại lúc ban ngày. Rèn luyện cho mình gan dạ hơn từng ngày cho đến khi bạn thực tập ở đó vào ban đêm. Bạn sẽ thấy kết quả của việc thực tập và bạn sẽ hiểu.

Tâm con người ta đã bị lừa gạt biết bao nhiêu kiếp sống rồi. Những gì không thích hay ưa mến, chúng ta muốn tránh, hay chấp giữ, trong lúc lo sợ chúng ta chỉ nuông chiều theo cảm giác tự nhiên của mình. Và rồi chúng ta nói rằng chúng ta đang thực tập đấy. Đây không thể gọi là “thực tập. Nếu thực tập thật sự bạn sẽ liệng cả cuộc đời mình vào việc thực tập. Nếu thực sự chuyên tâm thực tập, tại sao bạn còn quan tâm những chuyện vặt vãnh đời thường?... “Tôi chỉ có một chút ít, anh đang có nhiều hơn tôiAnh tranh với tôi, rồi tôi tranh với anh... Tôi đã không còn những tư tưởng này nữa, bởi vì tôi không quan tâm đến những chuyện ấy. Những gì người ta làm là chuyện của họ. Đến các tu viện khác, tôi không bận tâm với những việc như thế. Người khác thực tập siêng năng hay không siêng năng không liên quan với tôi, tôi chỉ chú tâm vào việc thực tập của tôi. Và vì vậy, tôi dám thực tập, thực tập làm phát sinh trí tuệ.

Nếu việc thực tập của bạn thật sự tương ứng trọn vẹn lòng khao khát thì đây chính là bạn thật sự thực tập. Ngày hay đêm bạn đều nỗ lực thực tập. Buổi tối, cảnh vật yên tĩnh, tôi ngồi thiền, rồi thiền hành, rồi ngồi thiền, luân phiên thay đổi như vậy hai hay ba lần mỗi đêm. Đi rồi ngồi, rồi đi, cứ thế. Tôi không biết chán, tôi chơi một mình tôi. 

Thỉnh thoảng, trời mưa lâm râm, tôi nhớ lại thời tôi làm ruộng. Quần áo ướt mem hôm qua chưa khô, nhưng rồi khi thức dậy trước lúc mặt trời mọc tôi phải mặc lại đồ ướt ấy. Rồi tôi xuống dưới nhà dắt trâu ra khỏi chuồng. Tôi thấy con trâu trong chuồng đầy phân. Đuôi nó bị đau, chân nó bị nấm, tôi dắt nó ra và suy nghĩ, “Tại sao đời sống nhiều đau khổ vậy?” Và bây giờ, ở đây, tôi đang thiền hành... một chút mưa thế này có là gì đối với tôi? Nghĩ vậy, tôi mạnh mẽ lên ngay và tiếp tục thực tập.

Nếu việc thực tập đạt vào cảnh giới của định rồi, không gì có thể so sánh với trạng thái ấy. Không có khổ công nào bằng khổ công của người tu tập pháp, không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của người tu tập. Không có nhiệt huyết nào sánh bằng sự nhiệt huyết của người tu tập và không có sự giải đãi nào sánh với sự giải đãi của người tu tập. Những người thực tập pháp là nhất nhất. Đó là nguyên nhân tại sao tôi nói, nếu thực sự dụng công tu tập bạn sẽ đạt đến cảnh giới ấy.    

Nhưng hầu hết chúng ta chỉ “nói về” mà chưa hề thực tập hay đụng đến nó. Việc thực tập của chúng ta giống như mái nhà của một người có lỗ thủng một bên, nên người ấy ngủ phía bên kia. Khi ánh nắng mặt trời xuyên qua chỗ thủng, anh ta lăn qua xoay mặt về phía bên kia, lúc nào cũng nghĩ rằng, “Chừng nào ta sẽ có một ngôi nhà khang trang giống như mọi người đây?” Nếu mái nhà của anh ta bị thủng hết, anh ta sẽ đứng dậy và bỏ đi. Đó không phải là cách nhưng nhiều người xử sự giống như vậy. 

Cái tâm này của chúng ta, những phiền não này... nếu bạn chiều theo chúng, chúng sẽ gây trở ngại. Bạn càng chiều theo chúng, việc thực tập của bạn càng đi xuống. Trong khi thực tập, thật sự có lúc, bạn cũng phải ngạc nhiên trước sự tinh tấn của mình nữa. Dù người khác thực tập hay không, không liên quan đến mình, bạn chỉ chuyên nhất việc thực tập trước sau như một mà thôi. Bất cứ ai đến hay đi cũng mặc, chỉ lo mỗi sự thực tập của mình. Bạn quán sát chính mình, đó mới gọi là “thực tập”.  Khi bạn thật sự thực tập, tâm không còn nghi ngờ mâu thuẫn gì nữa, chỉ còn pháp thôi.      

Bất cứ ở đâu, bạn cũng lạc lõng, bất cứ ở đâu, bạn vẫn thấy thiếu thiếu chút gì đó, thế nên ở bất cứ nơi nào, bạn đều phải nhận diện chính mình. Nếu bạn chưa bộc phá được nó thì đừng từ bỏ nó. Vừa mới chấm dứt với cái này, bạn lại bị mắc kẹt vào một cái khác. Vì thế kiên gan bền chí với nó cho đến khi nào bạn mở tung nó ra, đừng dể duôi. Đừng tự hài lòng cho đến khi nào việc đã thành tựu. Tập trung mọi tâm ý vào điểm ấy. Trong khi ngồi, nằm, đi, quán sát chánh niệm đang có mặt ở đó.

Như một nông phu chưa hoàn tất việc đồng áng, hàng năm anh trồng lúa nhưng năm nay anh vẫn chưa thu hoạch nên tâm anh lẩn quẩn vào việc này, anh không thể nghỉ ngơi được. Công việc của anh vẫn chưa hoàn tất. Ngay cả lúc nói chuyện với bạn bè, anh cũng không thư giãn nỗi. Lúc nào anh cũng bị công việc chưa hoàn tất này hành hạ. Cũng giống như một bà mẹ để đứa con ở trên lầu, còn bà đang cho heo gà ăn ở bên dưới, tâm bà luôn nghĩ đứa con, lo rằng đứa bé bị té. Mặc dù bà đang làm việc khác nhưng đứa bé không hề lìa tư tưởng của bà.  

Cũng giống như khi thực tập, chúng ta không bao giờ xao lãng việc thực tập cả. Ngay lúc chúng ta làm việc gì khác, ý thức chánh niệm thực tập không hề lìa tâm chúng ta, nó luôn luôn ở với chúng ta, ngày cũng như đêm. Nếu bạn có ý nguyện tu tập, việc thực tập phải chuyên nhất như vậy.

Lúc khởi điểm, bạn phải nương tựa nơi vị thầy để được hướng dẫn nhắc nhở. Khi vị thầy đã hướng dẫn, bạn phải tuân theo hướng dẫn ấy. Nếu bạn đã hiểu phương pháp thực tập rồi, thì việc nhờ vị thầy dạy dỗ không cần thiết nữa, bạn phải tự mình thực tập. Bất cứ khi nào tâm giải đãi hay bất thiện khởi lên, bạn phải tự mình khắc phục, chế ngự, tự dạy mình. Tự chính bạn thực tập. Tâm là một chứng nhân cho bạn. Tâm biết về chính nó nếu bạn vẫn còn bị lừa dù nhiều hay ít. Bất cứ chỗ nào bạn mắc lỗi, cố gắng thực tập ngay điểm ấy, bạn hãy chú tâm thực tập ngay đấy.

Việc thực tập phải luôn như thế. Lúc đó giống như mê say vậy. Bạn có thể nói là mình bị say mê rồi cũng được. Khi thật sự dốc chí tu tập, bạn thực tập say mê, rất “hào sảng, nhạy bén. Nhận thức nếu bị lệch hướng, bạn phải điều chỉnh lại ngay. Nếu không điều chỉnh kịp thời, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và rồi khổ sở như trước đây thôi.

Thế nên trong khi thực tập bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu không biết cái khó khăn của riêng mình bạn sẽ không hiểu được sự thật về khổ là gì. Hiểu biết khổ, đoạn trừ khổ đó là việc đầu tiên bạn phải chạm trán. Nếu bạn muốn bắn con chim nhưng không ra ngoài và tìm nó, làm thế nào bạn bắn được chim? Khổ, khổ... Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta về khổ: Đó là khổ của sanh, nhưng bạn sẽ không thấy khổ. Nếu bạn không biết khổ là gì, bạn không thể dứt trừ khổ được.

Người ta không muốn thấy biết khổ, họ không muốn chịu nỗi khổ dày vò. Nếu họ bị khổ ở đây, họ chạy đến chỗ kia. Bạn thấy không? Họ mãi kéo lê nỗi khổ xung quanh họ, họ không bao giờ đoạn dứt được. Họ không suy xét hay quán chiếu nó. Khi cảm thấy khổ, họ chạy sang đằng đó. Nếu đằng đó cũng khổ, họ chạy ngược trở về. Họ cố trốn thoát khỏi khổ trên thân thể. Hễ còn vô minh, bất cứ đi đến đâu, bạn cũng thấy khổ cả. Bạn lên máy bay để mong rời khỏi nó, nó cũng theo lên máy bay với bạn. Bạn lặn xuống nước, nó sẽ lặn theo bạn, đó bởi vì khổ đang ở trong chúng ta. Nhưng chúng ta không nhận ra điều đó. Nếu khổ đã có mặt trong chúng ta, vậy chúng ta đi đâu để có thể trốn thoát nó được chứ?

Người ta bị khổ ở chỗ này nên họ tìm đến nơi khác. Khi nơi họ vừa đến cũng khổ, họ bèn trở về. Họ cho rằng họ đi khỏi cái khổ, nhưng họ không đi khỏi được, khổ vẫn đang ở với họ. Họ cưu mang khổ đi lòng vòng mà không hề biết. Nếu không biết nguyên nhân của khổ chúng ta không thể biết cách đoạn dứt khổ, thế thì, không có cách nào chúng ta thoát khỏi cái khổ cả. 

Bạn cần phải quán sát điều này một cách sâu sắc cho đến khi không còn chút hoài nghi nào nữa. Bạn phải dám mang hết thân tâm vào việc thực tập. Đừng lẫn tránh, dù đang ở chung với đại chúng hay ở một mình. Nếu những người xung quanh giải đãi, không quan hệ gì đến bạn. Ai tinh tấn thực tập thiền hành, thiền tọa, chuyên sâu vào thực tập,... tôi đoan chắc họ sẽ gặt hái kết quả tốt. Nếu bạn thật sự thực tập, kiên trì và kiên trì, dù ai đến hay đi hay gì gì đi nữa, chỉ trong một mùa An cư cũng đủ. Thực tập như tôi đã khuyên nhắc bạn ở đây. Lắng nghe lời thầy dạy, không lý luận, không bướng bỉnh. Những gì vị thầy nói, bạn thực hành ngay. Bạn không nên e dè nhút nhát trong việc tu tập, trí tuệ chắc chắn sẽ phát sinh từ sự tinh tấn thực hành đấy. 

Thực tập cũng gọi là paṭipadā. Thực tập thường xuyên, đều đều, trước sau như một. Đừng thực tập giống như Sư Peh. Một mùa An cư, Sư quyết định thực tập tịnh khẩu. Sư hoàn toàn không nói tiếng nào cả, nhưng Sư lại bắt đầu viết giấy... “Ngày mai làm ơn mang cho tôi ít gạo rang, Sư muốn ăn gạo rang! Sư không nói nhưng Sư viết giấy liên tục, còn hơn là nói nữa. Mỗi phút Sư cho ra đời một tin nhắn. Thật là khôi hài!

Tôi không biết lý do tại sao Sư quyết định không nói. Sư không biết gì về thực tập cả.

Thật ra, việc thực tập của chúng ta là bằng lòng với sự đủ dùng, sống tùy duyên theo tự nhiên. Không lo lắng cho dù bạn cảm thấy lười biếng hay tinh tấn. Đừng gượng nói: “Tôi tinh tấn đây”, hay “tôi thật lười biếng. Phần đông mọi người chỉ thực tập khi cảm thấy siêng năng, hứng khởi, nếu họ thấy uể oải, họ không màng tới thực tập nữa. Chuyện này rất bình thường đối với họ. Nhưng chư Tăng không nên có suy nghĩ như thế. Khi cảm thấy siêng năng tinh tấn, bạn thực tập là đúng rồi nhưng khi cảm thấy uể oải, mệt mỏi, bạn vẫn phải thực tập. Đừng phiền muộn khó chịu việc gì khác, loại bỏ hết chúng, liệng chúng ra ngoài, quay về rèn luyện nơi mình. Thực tập một cách vững chãi, kiên định bất kể ngày hay đêm, năm nay hay năm tới, bất kể giờ khắc nào, đừng bận tâm siêng hay lười, đừng lo ngại nóng hay lạnh, hãy cứ thực tập. Đây gọi là Sammāpatipada - Thực tập Chân chánh.

Nhiều người thật sự liệng cuộc đời họ vào việc thực tập sáu hay bảy ngày, thế rồi, khi không đạt được kết quả như mong ước, họ từ bỏ thực tập và quay lại đời sống trước đây. Họ buông xuôi theo đời sống xô bồ xung quanh, nói năng huyên thuyên, làm đủ thứ chuyện. Rồi một ngày họ nhớ đến việc thực tập, họ quay lại liệng hết mọi thứ, chuyên chú thực tập sáu hay bảy ngày, và rồi lại thối thất quay trở lại đời sống thường nhựt... Rất nhiều người có cách tu tập như thế. Việc đầu tiên họ liệng đời họ vào việc thực tập, rồi khi họ thôi thực tập, họ cũng không buồn thu cất đồ đạc, bỏ mặc chúng đấy, họ đi. Sau một thời gian, bụi đất phiền não bám đầy thân tâm, họ nhớ lại việc cần phải làm, họ thực tập thêm một chút, rồi lại bỏ ngang đi về.

Làm việc theo kiểu như vậy, bạn sẽ không bao giờ có một khu vườn xinh xắn hay ruộng lúa tốt được. Sự thực tập của chúng ta cũng giống như thế. Nếu bạn cho rằng patipada không quan trọng, bạn sẽ không an trú trong việc thực tập. Sammāpatipada rất quan trọng, không nghi ngờ gì cả. Hãy thực tập liên tục. Đừng chiều theo tánh khí của bạn. Tánh khí của bạn thường thay đổi, lúc tốt lúc không, thế thì việc thực tập phải làm sao đây? Đức Thế Tôn không bị ảnh hưởng bởi những phiền toái này. Ngài đã kinh qua tất cả chuyện tốt và chuyện không tốt, chuyện đúng và chuyện không đúng. Đó là sự thực tập của Ngài. Chỉ quan tâm đến chuyện gì bạn thích và không ngó ngàng đến những gì bạn không thích, đó không phải là thực tập mà là tai họa. Đến chỗ nào, bạn cũng sẽ không hài lòng, chỗ nào bạn trú lại cũng cảm thấy đau khổ.

Thực tập như thế giống như các đạo sĩ Bà-la-môn làm lễ tế thần linh. Tại sao họ làm lễ cúng? Bởi vì họ muốn trao đổi gì đó. Một số vị trong chúng ta cũng giống như vậy. Tại sao chúng ta thực tập? Bởi vì chúng ta mong cầu được tái sinh về một cảnh giới khác tốt đẹp hơn, chúng ta cầu mong đạt được gì đó. Nếu không đạt được điều mong ước, chúng ta không muốn thực tập nữa, cũng giống như các đạo sĩ Bà-la-môn làm lễ cúng tế thần linh. Họ thiết lễ xuất phát từ lòng tham.  

Đức Thế Tôn không bảo chúng ta làm như thế. Sự huân tu, trau dồi trong thực tập là từ bỏ bớt, là để mọi thứ tuỳ duyên, là dừng lại, là nhổ bật rễ phiền não. Bạn không thực tập vì cầu mong được tái sinh vào thế giới nào hết.

Có một vị Tăng lúc đầu xuất gia theo truyền thống Mahanikai. Nhưng rồi thấy truyền thống này hành trì giới luật không mấy nghiêm khắc, nên vị ấy thọ giới Dhammayuttika.[43] Rồi vị ấy bắt đầu thực tập. Thỉnh thoảng, vị ấy nhịn đói mười lăm ngày, khi ăn trở lại vị ấy chỉ ăn rau củ. Vị ấy cho rằng ăn thịt là tạo nghiệp bất thiện, tốt hơn là nên ăn rau củ thôi.  

Sau một thời gian, vị ấy suy nghĩ... “Ồ, làm Tăng không gì hay ho cả, đó chỉ thêm phiền phức. Khó mà giữ hạnh một vị Tăng trường trai. Có lẽ ta sẽ xả y và làm một tập sự xuất gia thôi. Rồi vị Tăng ấy xin xả y và làm tập sự để có thể cắt rau, đào khoai củ. Vị ấy làm thế được một thời gian đến cuối cùng vị ấy cũng không biết mình đang làm gì đây. Vị ấy từ bỏ tất cả, không làm Tăng, không làm tập sự, từ bỏ hết. Khoảng thời gian đó, tôi không biết vị ấy ra sao nữa. Có thể vị ấy chết, tôi cũng không rõ. Chính vì vị ấy không tìm thấy điều gì ứng hợp với tâm mình. Vị ấy không nhận ra rằng vị ấy đang ngụp lặn trong mớ phiền não. Phiền não đang đưa đường dẫn lối mà vị ấy không hề hay biết.

Đức Thế Tôn có bao giờ xả y và trở thành người tập sự không? Ngài đã thực tập như thế nào? Ngài đã làm gì?” Vị ấy không nghiền ngẫm những điều này. Đức Thế Tôn có ăn lá cỏ như bò không? Được thôi, nếu bạn muốn ăn như vậy thì cứ ăn, nếu chỉ tu chừng ấy bạn có thể thực tập chừng ấy, nhưng đừng đi loanh quanh phê bình chỉ trích người khác. Tiêu chuẩn thực tập nào bạn thấy phù hợp với mình thì hành trì theo. “Đừng bươi móc, phân tích, cũng đừng mất lịch sự”.[44] Bạn sẽ không còn gì cho mình và cuối cùng… chỉ từ bỏ.

Một số người tu tập giống như vậy. Khi thiền hành họ thật sự thực tập khoảng 15 ngày. Họ không màng đến ăn uống, chỉ đi, …đi. Rồi khi xong thời gian tu ấy, họ lăn ra ngủ. Họ không màng quán chiếu, thận trọng trước khi bắt đầu thực tập. Sau rốt, không gì thích ứng với họ. Làm Tăng sĩ không thích hợp, làm tập sự cũng không thích hợp,... nên rồi, họ chấm dứt việc tu mà không chút hiểu biết gì. 

Người như thế là người không biết thực tập, họ không biết nguyên nhân vì sao phải thực tập. Hãy suy ngẫm bạn đang thực tập là vì cái gì? Họ dạy phương pháp thực tập này là tập buông xả. Cái tâm muốn thương người này ghét người kia... những điều này xảy ra nhưng đừng cho nó là thật. Vậy thì chúng ta thực tập để làm gì? Hết sức đơn giản là để từ bỏ những thứ này. Ngay cả bạn có được sự an lạc, quăng bỏ luôn sự an lạc ấy. Nếu tưởng tri phát sinh, bỏ ra ngoài tưởng tri ấy. Nếu tuệ tri có mặt, bạn biết tuệ tri đang có mặt. Nếu bạn chấp giữ cái biết ấy cho là của mình, cho là mình đã thành tựu chút gì, rồi bạn nghĩ mình đã hơn kẻ khác. Sau một thời gian, bạn không thể sống ở tu viện nào, nơi nào trú ngụ, khó khăn cũng khởi lên với bạn. Nếu thực tập sai cũng đồng nghĩa bạn chưa thực tập gì cả.

Hãy thực tập theo khả năng của bạn. Bạn ngủ nhiều phải không? Vậy thì cố gắng làm ngược lại. Bạn ăn nhiều lắm phải không? Vậy thì hãy cố gắng ăn ít lại. Tập trung vào việc thực tập nhiều hơn, xem nó như là nhu cầu sống của bạn. Giữ giới hạnh, tu tập định và phát triển trí tuệ là bước thực tập căn bản. Dâng trọn đời mình vào thực tập đầu-đà (dhutaṅga). Phương pháp thực tập đầu-đà [45] này là đào sâu, quán chiếu phiền não. Nếu thấy thực tập căn bản vẫn chưa đủ, vẫn chưa thật sự đánh bật gốc phiền não vậy thì bạn phải kết hợp với phương pháp thực tập đầu-đà này.

Phương pháp đầu-đà rất hữu ích. Nhiều người không thể dứt trừ phiền não với việc hành trì Giới (sīla) và Định (samādhi), họ phải thực tập thêm phương pháp đầu-đà mới nhổ tận gốc rễ phiền não. Phương pháp đầu-đà chặt đứt mọi thứ. Sống dưới gốc cây... Sống dưới gốc cây không đi ngược lại Giới pháp. Nhưng nếu bạn quyết định thực tập pháp đầu-đà sống nơi bãi tha ma và rồi không thực tập, vậy là không được. Hãy thử thực tập nơi bãi tha ma. Sống nơi bãi tha ma như thế nào đây? Có giống như đang sống trong Tăng chúng không?

ĐẦU-ĐÀ: Thuật ngữ này dịch nghĩa là “pháp tu rất khó thực tập”. Đây là pháp môn thực tập của các bậc Thánh, các bậc thượng thừa. Bất cứ ai muốn trở thành bậc Thánh phải tu theo pháp môn đầu-đà để chặt đứt mọi phiền não. Thật rất khó thực tập chúng, khó thấy ai phát nguyện tu tập pháp môn này bởi vì chúng đi ngược lại tập khí chúng sinh.

Như đối với y, pháp môn này quy định giới hạn y của bạn chỉ có ba cái thôi; giữ hạnh đi khất thực, chỉ ăn thức ăn trong bát, chỉ ăn thức ăn khi khất thực, nếu có người mang thức ăn cúng dường sau đó, bạn không được nhận.  

Ở tại các thành phố Thái Lan, giữ hạnh này rất dễ, thức ăn khá đầy đủ bởi vì họ cúng nhiều thức ăn trong bát của bạn. Nhưng khi đi đến vùng Đông Bắc này, luật định cho pháp hành đầu-đà có phần tinh tế hơn, ở đây bạn đi khất thực chỉ có cơm trắng thôi. Đi khất thực trong những vùng này, Phật tử chỉ cúng dường cơm trắng vào bát khất thực. Ở trung tâm Thái Lan, họ cúng dường cơm và còn thức ăn nữa, nhưng xung quanh những vùng này bạn chỉ nhận được cơm trắng. Thực tập hạnh đầu-đà ở đây, thật sự là khổ hạnh. Bạn ăn chỉ cơm trắng, thức ăn gì cư sĩ mang đến sau, bạn đều không được nhận. Một ngày ăn một bữa tại chỗ ngồi, ăn trong một bát, khi bạn ăn xong, đứng dậy, trong ngày đó bạn không được ngồi ăn trở lại nữa. 

Đây gọi là thực tập hạnh đầu-đà. Bây giờ còn ai thực tập hạnh này nữa? Ngày nay, khó tìm thấy ai phát nguyện thực tập hạnh này bởi vì nó đòi hỏi khả năng tu tập và đó là cội nguồn mang lại lợi lạc rất nhiều cho người thực tập hạnh này.

Những gì người ta gọi là thực tập trong thời buổi này thật sự không phải là thực tập. Nếu bạn thực tập đúng nghĩa, thật sự không phải dễ dàng đâu. Phần lớn con người ta không dám thực tập theo đúng nghĩa của nó, không dám đi ngược lại tập khí, thói quen của mình. Họ không muốn làm những điều ngược lại với cảm thọ của họ. Người ta không muốn kháng cự phiền não, họ không muốn đi sâu tìm hiểu chúng và cũng không muốn từ bỏ chúng.

Khi thực tập, chúng ta nói không chiều theo tâm trạng riêng của mình. Ngẫm suy lại: Chúng ta đã bị lừa phỉnh từ vô lượng kiếp, cứ tin tưởng rằng tâm thức là của riêng mình, là của mình. Trên thực tế không phải vậy, nó chỉ là một kẻ mạo danh. Nó lôi chúng ta vào sự tham lam, lôi chúng ta vào sân giận, lôi chúng ta vào si mê, lôi chúng ta vào con đường trộm cắp, cướp bóc, ái dục, hận thù. Những thứ này chẳng phải của ta. Hãy hỏi lại lòng mình ngay đi: “Bạn có muốn trở nên tốt không? Mọi người đều muốn tốt đẹp cả. Vậy làm tất cả những việc ấy, điều đó có tốt chăng? Đấy! Con người ta làm những việc thấp hèn, xấu ác nhưng họ muốn là người tốt.” Đó là lý do tại sao tôi nói những điều này là những kẻ lừa đảo, chúng là vậy đấy. 

Đức Thế Tôn không muốn chúng ta tuân phục theo cái tâm này, Ngài muốn chúng ta phải rèn luyện nó. Nếu dắt nó đi lối này, đừng cho nó thấy lối nào khác. Khi nó biến đến đằng kia, chúng ta dắt nó về lại đây. Hướng dẫn nó: Cái tâm muốn thứ gì, đừng cho nó được cái đó. Như thể chúng ta là bạn tốt nhiều năm nay nhưng cuối cùng phát hiện ra chúng ta chẳng cùng lý tưởng. Chúng ta chia tay và đi theo con đường của riêng mình. Chúng ta không còn hiểu về nhau nữa, thật ra, chúng ta đấu tranh nên chúng ta tan vỡ, chia cách. Điều đó đúng thôi, đừng chìu theo tâm mình. Ai chìu theo tâm mình, chìu theo sự yêu thích và mọi thứ khác, người ấy không có thực tập gì cả.

Đây là nguyên nhân tại sao tôi nói những gì người ta cho là thực tập đúng mức lại không phải là thực tập... mà đấy là tai họa. Nếu bạn không chịu dừng lại và quán sát, không cố gắng thực tập, bạn sẽ không hiểu biết được gì, sẽ không thể nào thành tựu pháp. Thẳng tiến thực tập, bạn phải gánh hết trách nhiệm cho cuộc đời mình. Việc ấy không nặng nề, không khó khăn đâu, mặc dù việc thực tập này sẽ tạo ra một số trở ngại, nhất là trong một hai năm đầu, có rất nhiều thử thách. Những vị mới xuất gia và các Sa-di thật sự là đang trong giai đoạn nhiều khó khăn.

Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá khứ, đặc biệt là với thức ăn. Bạn nghĩ gì? Xuất gia vào năm hai mươi tuổi, khi đến giờ ăn, vừa ăn, vừa ngủ gục... có ngày tôi ngồi một mình và còn mơ thức ăn nữa. Tôi thích ăn chuối trộn xi-rô đường, hay gỏi đu đủ, hễ mơ đến đó, nước miếng tôi bắt đầu tươm ra. Tôi phải rèn tập chuyện ăn đó nữa. Tất cả mọi chuyện không phải dễ. Chuyện thức ăn và việc ăn uống có thể làm con người ta có thói quen xấu. Hãy xem một thiếu niên, vừa ăn vừa ngủ, còn bị gói trong mấy lớp chiếc y to thùng thình và cảm thọ trong chú đang cuồn cuộn lên. Nó cũng giống như dòng nước từ đập chảy ào ạt ra, đôi khi cái đập còn bị vỡ nữa. Nếu còn tồn tại thì thật tốt rồi, nhưng nếu nó bị sập bể thì ...

Việc tu thiền của tôi trong năm đầu không có kết quả gì hết, chỉ có nhớ thức ăn. Tôi rất bất an... Đôi lúc tôi ngồi đó và kỳ thực đang nghĩ đến ăn chuối. Tôi cảm giác mình đang bẻ trái chuối từng miếng nhỏ bỏ vào miệng. Đây cũng là một giai đoạn khó khăn trong tiến trình thực tập của tôi.

Thế nên bạn đừng e ngại, băn khoăn gì cả. Chúng ta đã bị phỉnh lừa vô lượng kiếp rồi bây giờ hãy quay trở lại rèn tập nơi chính mình. Điều chỉnh mình thật không phải việc dễ, nhưng việc khó khăn mới là việc đáng làm. Tại sao chúng ta cứ làm những việc dễ thế? Ai cũng có thể làm việc dễ vậy những việc khó làm thì sao? Chúng ta hãy tập cho mình làm những việc khó khăn.

Hãy tập giống như Đức Thế Tôn vậy. Nếu Ngài chỉ lo nghĩ về gia đình, thân quyến, sự thịnh vượng và những thú vui nhục dục trong quá khứ, Ngài sẽ không bao giờ trở thành Đức Phật được. Đấy cũng không phải là những vấn đề rắc rối, chúng chỉ là những thứ mà hầu hết mọi người đang tìm kiếm. Vì vậy, xuất gia lúc còn tuổi trẻ và từ bỏ mọi thứ này cũng giống như chết rồi. Tuy nhiên, một số người đến và bảo rằng: “Thưa Hòa thượng, việc này đối với Ngài thật dễ. Ngài không có vợ con gì hết thì còn lo lắng gì, thật dễ dàng cho Ngài quá rồi!” Tôi nói: “Đừng đến quá gần tôi khi bạn nói tôi như thế, hay là bạn đang có tấm khăn che trên đầu!.. Cứ làm như tôi không có trái tim và những thứ phụ tùng khác giống mọi người.

Đối với nhiều người, những thứ ấy không phải chuyện nhỏ. Đấy là những thứ cuộc đời này khổ vì chúng. Chúng ta là những hành giả nên tinh tấn chuyên tâm vào việc tu tập, dõng mãnh tu tập. Đừng tin vào ai khác, chỉ nghe theo giáo huấn của Đức Thế Tôn. Thiết lập sự an bình trong tâm mình. Đến một lúc bạn sẽ thông hiểu, chứng nghiệm. Thực tập, quán chiếu, thiền định và rồi kết quả của việc thực tập sẽ có mặt. Nhân và quả luôn đối xứng nhau.

Đừng chiều theo thói quen tính khí của bạn. Lúc đầu gặp chút khó khăn, ngay cả việc ngủ đúng giờ cũng khó nữa. Bạn có thể quy định giờ ngủ cho mình nhưng không thể bảo nó ngủ. Bạn phải tập. Bất cứ giờ nào bạn nhất định dậy, liền sẵn sàng dậy ngay. Thỉnh thoảng, bạn có thể làm tốt, nhưng thỉnh thoảng, ngay khi thức dậy bạn nói thầm với chính mình “dậy!”, nhưng nó sẽ không nhúc nhích. Bạn hãy tự thúc giục “một, hai... nếu ta đếm tới ba, mi vẫn không dậy, ta sẽ rơi vào địa ngục đấy!” Bạn phải nghiêm khắc tập như vậy. Khi nghe đếm đến ‘ba’, bạn lập tức dậy ngay vì sợ sẽ rơi xuống địa ngục. 

Bạn phải tự luyện tập, không thể bỏ qua luyện tập được. Phải tự luyện tập từ mọi góc độ. Đừng chỉ dựa dẫm vào vị thầy, bạn bè hay đoàn nhóm, suốt đời bạn sẽ không bao giờ trở thành người sáng suốt, giàu kinh nghiệm đâu. Không cần thiết nghe hướng dẫn nhiều, chỉ nghe dạy một hoặc hai lần rồi thực tập ngay.

Khi tâm được rèn tập tốt rồi, nó sẽ không tạo ra khó khăn, rắc rối nữa, ngay cả lúc ở một mình. Trong tâm của những vị lão thành tinh thông, không còn cái gọi là riêng hay chung. Tất cả các bậc Thánh tin vào tâm của họ. Chúng ta cũng như thế.

Nhiều người trở thành Tăng sĩ rồi chỉ muốn có một đời sống nhàn hạ. Đời sống nhàn hạ ấy từ đâu mà đến? Nó sẽ mang tới kết quả gì? Sự nhàn hạ được sắp trước cái khổ đấy. Mọi thứ đều giống như vậy: Bạn phải làm việc trước mới thu hoạch lúa gạo. Bất cứ chuyện gì, bạn phải trải qua giai đoạn gian khổ trước đã. Nhiều người trở thành Tăng sĩ để hưởng thụ sự thư thái trong tâm hồn và nhàn hạ, họ nói họ chỉ muốn ngồi đó đây và nghỉ ngơi một chốc. Nếu bạn không đọc nhiều sách, bạn có thể đọc và viết không? Điều đó không thể nào. 

Đấy là nguyên nhân nhiều bậc trí giả khi xuất gia rồi không còn lai vãng bất cứ nơi nào nữa. Tri thức của họ là loại khác, thuộc con đường khác. Họ không tự thân rèn luyện, không chịu quán sát chính tâm họ. Họ chỉ khuấy tâm họ động thêm bởi nghi ngờ, tìm tòi, làm thế sẽ không khiến cho yên tĩnh, tự chủ được. Trí tuệ của Đức Thế Tôn không phải loại tri thức thế tục tầm thường mà đó là trí tuệ siêu thế, một đạo lộ hoàn toàn khác.

Đấy là nguyên nhân tại sao ai xuất gia cũng phải gạt bỏ hết mọi trình độ, thân phận, địa vị trước đây. Ngay cả một ông vua đi xuất gia cũng phải quên đi thân thế cao quý của mình, ông ta không mang những thứ phụ tùng thế gian vào đời sống tu hành được, phải liệng bỏ những thứ nặng nề ấy đi. Ông ta không thể mang theo tài sản, thân thế, tri thức, quyền uy vào trong đời sống Tăng sĩ của mình. Việc tu tập là để bỏ bớt, là để mọi thứ tuỳ duyên, là dừng lại, là nhổ bật rễ phiền não. Bạn phải thông hiểu điều này để chuyên tâm tu tập.

Nếu bạn bị bệnh nhưng không chịu chữa bệnh, không chịu uống thuốc, bạn có nghĩ là bệnh ấy sẽ lành ngay không? Chỗ nào bạn sợ, chỗ đó phải đến. Chỗ nào có nghĩa trang, có bãi tha ma, nơi có đầy sự hãi hùng, khủng khiếp, hãy đến đấy. Đắp y vào, đi đến đó và quán chiếu, thiền định: Tất cả các hành là vô thường... (Anicca vata saṅkhāra...).[46] Đứng cũng thiền, đi cũng thiền, quán sát rõ tâm, cảm thọ bên trong để thấy rõ nỗi sợ hãi của bạn đang nằm chỗ nào, rồi bạn sẽ rất rõ ràng. Nhận diện rõ chân lý của mọi sự vật hiện hữu. Ở đó và quán chiếu cho đến lúc màn đêm buông xuống, không gian càng lúc càng đen thẩm, cho đến khi bạn có thể ở lại đó suốt đêm.

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai. Ai thấy Như Lai tức thấy Niết-bàn”. Nếu chúng ta không làm theo tấm gương của Ngài, làm thế nào chúng ta sẽ thấy Pháp? Nếu chúng ta không thấy được Pháp, làm sao chúng ta thấy được Đức Phật? Nếu chúng ta không thấy được Đức Phật làm thế nào chúng ta thấy được phẩm hạnh của Ngài? Chỉ có cách chúng ta thực tập theo dấu chân của Đức Thế Tôn chúng ta sẽ biết những gì Đức Thế Tôn dạy là hoàn toàn chính xác, lời dạy của Ngài là chân lý tối thượng.

 



[40] Tiếng Thái Glot chỉ cho cái dù lớn của chư Tăng tu tập đầu-đà trong rừng. Khi ở rừng, họ để cái dù trên cành cây rồi treo mùng thiền bên dưới và ngồi thiền trong đó.

[41] Đêm trước là xác của đứa trẻ.

[42] Dòng cuối cùng trong đoạn nguyên bản Pàli liệt kê các đặc tính của Pháp.

[43] MahānikāyaDhammayuttika là hai trường phái thuộc Nguyên thủy Phật giáo ở Thái Lan.

[44] Người Thái muốn nhấn mạnh nghĩa “Đừng làm quá!”

[45] Mười ba luật định do đức Phật chế định, cộng với những giới luật căn bản dành cho những vị thực tập tu đầu-đà.

[46] Bài kệ này thường tụng lúc hoả thiêu người mất. Nguyên đoạn kệ như sau:

“Các hành là vô thường,

Có sinh tức có diệt,

Có đến tức có đi,

Diệt tận chân hạnh phúc”.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2023(Xem: 3052)
Những điều đem lại sự an tĩnh và an lạc nội tâm Câu hỏi là làm thế nào để đem lại sự an tĩnh và an lạc nội tâm trong đời sống hằng ngày của bạn và quan trọng hơn nữa là làm thế nào để kinh nghiệm được điều đó mỗi khi gặp khó khăn. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi là liệu mình có thể làm cho nó trở thành một thói quen và luôn luôn sống tỉnh thức ở bất cứ trường hợp nào. Trước tiên, bạn cần phải học cách để có được nhiều giây phút an lạc nội tâm trong đời sống hằng ngày. Sau đó, bạn mới có thể nhận diện được những giây phút này mỗi khi gặp khó khăn rắc rối – đây là lúc cần thiết nhất cho sự vắng lặng và thanh bình của nội tâm.
08/06/2023(Xem: 3753)
7 bước của đức Phật sơ sinh có ý nghĩa như vầy: Trong quá khứ có vô lượng chư phật ra đời được ghi trong kinh điển trải qua các a tăng kỳ. Gần đây của Kiếp Hiện Tại lần lượt đã có 6 vị phật ra đời, đó là: Đức Phật Tỳ Bà Thi Đức Phật Thích Khí Đức Phật Tỳ Xá Đức Phật Ca La Tôn Đại Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni Đức Phật Ca Diếp
08/06/2023(Xem: 1913)
Chính Ý niệm trói buộc con người Thời xưa có anh chàng thư sinh khi học hết chữ của thầy rồi lên đường đi thi. Trên đường đi qua một dòng sông, gặp cô lái đò thì anh ta có ý chọc ghẹo. Cô lái đò nghiêm túc nói: “Tôi có một câu đối, nếu anh đối được thì tôi nguyện đi theo nâng khăn xách túi, còn không đối được thì xin trả tiền đò gấp đôi”. Anh thư sinh nghĩ, một người nghèo chèo đò bên sông thì có gì cao siêu, nên anh ta gật đầu chấp nhận. Cô lái đò ra câu đối:
20/05/2023(Xem: 2106)
Đức Phật và các vị Vua (Le Bouddha et les rois) André BAREAU (31.12.1921 - 02.03.1993) Hoang Phong chuyển ngữ
20/05/2023(Xem: 3286)
Nếu bạn đang cảm thấy phiền não, cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống này, thì hy vọng rằng sau khi bạn biết được 10 điều “bất lực” trong đời người này, bạn sẽ thấu hiểu được nhiều hơn, buông xả nhiều hơn, sống chấp nhận được nhiều hơn.
20/05/2023(Xem: 2298)
Trong câu chuyện hằng ngày, thỉnh thoảng chúng tôi có nghe một vài thiền sinh nhắc đến cụm từ “Vạn pháp tùy duyên”, có khi lại nghe câu “… cứ để cho các pháp tự vận hành rồi đâu cũng vào đấy! ” hoặc “Tùy duyên thuận pháp”. Những câu nói này không phải là những câu nói cho qua chuyện, khi mình gặp một vấn đề nan giải nào đó xảy ra trong đời sống hằng ngày, mà thực ra đó là những câu nói liên quan đến cách sống của những người con Phật. Hôm nay, chúng tôi chọn cụm từ “Tùy Duyên Thuận Pháp” để chia sẻ ý nghĩa cùng nói lên sự lợi ích trong việc tu tập pháp này. Các cụm từ vừa nêu trên về mặt ý nghĩa cũng gần giống nhau. Hiểu một, sẽ hiểu được luôn cả ba không khó!
09/05/2023(Xem: 3300)
Có khi nào bạn hỏi mình : ''Ta đang Sống hay chỉ đang tồn tại?'' Tồn tại thì ta như cái máy bị lập trình, nhưng Sống là cảm nhận ý nghĩa sự sống qua những điều rất nhỏ. Có những điều đơn giản trong cuộc sống mà đôi khi do vô tình bạn quên đi mất. Hãy dừng lại một phút để suy ngẫm và bạn sẽ thấy nó ý nghĩa thế nào...
04/05/2023(Xem: 2861)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Kính lạy Phật Từ bi Diệu giác Đấng Đại Hùng giải thoát chúng sinh Đại Bi Đại Trí trọn lành Trời, người quy ngưỡng tứ sanh nương nhờ.. Mùa Phật đản đã về trên khắp năm châu, thông thường hàng năm vào thời điểm này là chư Tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng tổ chức Lễ Vesak tưởng niệm 3 sự kiện trọng đại của cuộc đời đức Phật (ngày Buddha Purnima Vesak/Phật Bảo/Tam hợp theo Phật lịch năm 2567). Tinh thần chính tiêu biểu trong mốc thời gian này nỗi bậc nhất đó là tưởng niệm ngày đức Phật đản sinh Phật lịch 2567- 2023.
01/05/2023(Xem: 3266)
Ngày 18 tháng 3 năm Duy-Tân thứ 10 (20-04-1916), Hội Đồng Nhiếp Chính Nam-Triều Huế ra thông báo: Dụ thành lập thị trấn Dalat. Đồng thời ngày 30-05-2016: Khâm Sứ Pháp Triều J.E Charles cũng ký Nghị Định thành lập thị trấn Dalat. Sau đó ngày 31-10-1920: Toàn Quyền Maurice Long của Liên-Bang Đông-Dương (Việt Nam + Lào + Cao Miên) chọn Dalat làm nơi nghỉ dưỡng nên ra Nghị Định: 1) Khu tự trị trên Cao Nguyên LangBian, đất đai là của thị trấn Dalat. 2) Nay thành lập: Sở Nghỉ Dưỡng LangBian và Du Lịch Nam Trung Kỳ
01/05/2023(Xem: 3097)
Phương thức Nuôi Dưỡng Bồ Đề Tâm. Có hai loại Bồ Đề Tâm: Bồ Đề Tâm Nguyện và Bồ Đề Tâm Hạnh. Sự khác biệt của hai tâm này có thể ví như một người muốn đi và một người đang đi. Riêng Bồ Đề Tâm Nguyện, tự nó đã mang sẵn nhiều quả báo lành nhưng vẫn chưa bằng Bồ Đề Tâm Hạnh, nguồn gốc của tất cả công đức. Tuy còn trôi lăn trong luân hồi, trói buộc bởi phiền não, nhưng những ai vừa phát Bồ Đề Tâm thì ngay khi đó liền trở thành "Con của Đấng Thiện Thệ" (Fils des Sugatas). Chư thiên và loài người sẽ cung kính kẻ đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com