Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Chánh Định - Viễn Ly Tham Mọi Lúc

17/08/201916:35(Xem: 3477)
08. Chánh Định - Viễn Ly Tham Mọi Lúc

CHÁNH ĐỊNH - VIỄN LY THAM MỌI LÚC

(Bài Pháp được giảng trong mùa An cư tại tu viện Nong Pah Pong, năm 1977)

Hãy chiêm ngưỡng tấm gương của Đức Thế Tôn. Ngài là tấm gương trong việc tu tập của tự thân và trong phương diện hoằng pháp hướng dẫn hành trì. Đức Thế Tôn chỉ dạy cách thực tập tiêu chuẩn, đây cũng là những phương tiện thiện xảo để dứt trừ tánh kiêu mạn, Ngài không thể thực tập thay cho chúng ta. Khi nghe Đức Thế Tôn chỉ dạy xong, tự thân mỗi chúng ta phải chiêm nghiệm và thực tập lấy. Lời dạy của Ngài có thể có khả năng giúp chúng ta hiểu pháp ngay, nhưng giáo pháp không hiện hữu trong tâm của chúng ta được. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta chưa thực tập giáo pháp, chúng ta chưa có kinh nghiệm gì cả. Chúng ta sẽ thông suốt pháp khi thực tập nghiêm túc. Nếu bạn hiểu rõ pháp, điều đó cho biết bạn có thực tập rồi. Nếu bạn khởi hoài nghi cũng chứng tỏ bạn có thực tập mới khởi hoài nghi được.

Những lời dạy từ bậc Đạo Sư có thể là đúng nhưng chỉ lắng nghe pháp một cách đơn thuần thì chưa đủ làm cho chúng ta nhận chân được pháp. Lời dạy chỉ giản dị là con đường, còn việc nhận chân pháp, tự chúng ta phải đưa lời dạy ấy vào trong tâm mình. Phần cho thân thì chúng ta sử dụng thân, phần của ngôn ngữ chúng ta dành cho ngôn ngữ, và phần cho tâm chúng ta phải thể hội bằng tâm. Điều này có nghĩa là khi nghe pháp rồi, chúng ta phải thực hành, trải nghiệm ngay để hiểu pháp, chính đó mới là pháp.

Đức Thế Tôn nói rằng người dễ tin lời người khác là người không sáng suốt. Một người sáng suốt sẽ thực tập cho đến khi nào anh ta và pháp là một; cho đến khi nào anh ta có thể tự tin chính mình, độc lập không ảnh hưởng bởi ai hay việc gì.

Một lần, trong khi Đức Thế Tôn giảng giải giáo pháp, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi lắng nghe bên chân của Ngài. Bất chợt, Đức Thế Tôn quay qua hỏi Tôn giả:

Này Xá-lợi-phất, ông có tin những điều này không?

Tôn giả trả lời: – Con chưa tin hẳn những điều này.

Đây là một minh họa hùng hồn nhất. Tôn giả Xá-lợi-phất lắng nghe và ghi nhớ. Khi Tôn giả bảo rằng chưa tin, đó không phải là vì lơ đễnh để rồi không hiểu giáo pháp, mà là nói sự thật. Tôn giả chỉ ghi nhớ một cách đơn thuần, chưa dụng công chiêm nghiệm tu tập nên thật sự chưa hoàn toàn tin tưởng và Tôn giả trả lời Đức Thế Tôn rằng chưa tin tưởng lời dạy của Ngài. Vừa thoáng nghe câu trả lời, tưởng chừng Tôn giả là người khiếm nhã, nhưng thực sự Tôn giả không phải người như thế. Tôn giả đang nói sự thật, Đức Thế Tôn rất hài lòng và tán thán Tôn giả về sự nói thật này: 

Tốt lắm, Xá-lợi-phất. Một người sáng suốt không dễ dàng tin ngay, anh ta phải cân nhắc kỹ rồi mới tin.

Thuyết phục làm phát khởi niềm tin có nhiều cách. Có người dùng lý lẽ trình bày pháp theo chiều thuận, cũng có người trình bày theo chiều nghịch. Cách thứ hai khá liều lĩnh, khó hiểu, gần với tà kiến (micchādiṭṭhi). Họ không lắng nghe ai khác. Lấy ví dụ Bà-la-môn Dīghanakha. Ông ta chỉ tin tưởng chính ông, không bao giờ tin bất cứ ai. Có một lần, Đức Thế Tôn lưu trú tại Vương Xá thành, Bà-la-môn Dīghanakha đến nghe pháp. Hoặc bạn có thể nghĩ rằng ông ta đến để sửa lưng Đức Phật cũng được bởi vì ông ta chỉ biết quan điểm của mình mà thôi: “Quan điểm của tôi không gì lay chuyển được”.

Đó là quan điểm của ông ta. Đức Thế Tôn lắng nghe quan điểm của Bà-la-môn Dighanakha và rồi trả lời:

Này ông, quan điểm này của ông không xứng hợp với ông.

Khi Đức Thế Tôn trả lời theo cách này, Bà-la-môn tưng hửng, bối rối. Ông không biết phải nói làm sao. Đức Thế Tôn bèn giải thích cho ông ta nghe bằng nhiều cách cho đến khi ông hiểu rõ. Ông thôi chỉ trích và thấy:

Ồ, quan điểm này của ta thật không đúng.

Sau khi nghe câu trả lời của Đức Phật, Bà-la-môn không còn kiêu căng ngạo mạn và ngay tức khắc giác ngộ chân lý. Ông quay về đường chánh như thể xoay bàn tay. Ông ca ngợi giáo pháp của Đức Thế Tôn như sau:  

Lắng nghe Thế Tôn dạy, tâm tôi bừng sáng lên,

Như thể người trong đêm, có được cây đuốc sáng.

Tâm tôi cũng như thế, quay về con đường chánh,

Như người bị lạc lối, nay tìm thấy lối về.

Vào lúc này, một tia sáng bất ngờ loé lên trong tâm ông ta khiến ông tỉnh ngộ, vỡ lẽ. Tà niệm biến mất nhường chỗ cho chánh niệm. Bóng tối biến mất, chỉ còn ánh sáng ngự trị.

Đức Phật tuyên bố rằng Bà-la-môn Dīghanakha, Pháp nhãn đã được khai thị. Trước đây Bà-la-môn Dīghanakha cố chấp quan điểm của mình và chẳng hề nghĩ việc thay đổi chúng. Song khi nghe Đức Thế Tôn giảng giải giáo pháp, tâm ông ngộ ra sự thật và biết rõ quan điểm của mình lúc trước là không đúng. Khi nhận thức chân chánh có mặt, ông ta mới có thể nhận diện quan điểm sai trái của mình ngày trước; vì thế, ông ví kinh nghiệm của ông như thể một người từ lâu sống trong căn nhà tối tăm, nay đã tìm thấy ánh sáng. Kể từ đây, ông thay đổi quan điểm sai lầm của mình. 

Bây giờ chúng ta sẽ thay đổi như thế. Trước khi có thể dứt bỏ mọi uế nhiễm, chúng ta hãy thay đổi quan điểm của mình trước đã. Hãy bắt đầu thực tập một cách đúng đắn và nghiêm túc. Trước đây chúng ta đã không thực tập một cách đúng đắn và nghiêm túc, cũng chưa biết suy nghĩ đúng và chín chắn. Khi nhìn vào vấn đề gì, chúng ta hãy sáng suốt quán chiếu đúng như là xoay bàn tay vậy. Như thế mới là “Người hiểu biết,” hay cũng gọi là người có trí tuệ; như thế mới có thể nhận diện sự vật một cách khác.

Do vậy, hành giả phải thực tập khai triển sự nhận biết đúng đắn này. Ta gọi đây là Buddho, nghĩa là Phật, bậc Giác ngộ, bậc Trí tuệ, tuệ giác phát sinh trong tâm. Khởi thuỷ, sự sáng suốt không có mặt, tri giác của chúng ta lờ mờ, không rõ ràng, không biết đâu thật, đâu đúng. Tri giác rất yếu ớt, không sao giúp tâm sáng suốt. Nhưng khi tâm thay đổi, hay nghịch chuyển, tỉnh thức phát sinh, trí tuệ vượt xa sự tỉnh thức kia liền phát sinh. Cái biết ban đầu chưa đủ khả năng giúp chúng ta nhận biết đối tượng một cách rõ ràng, thấu triệt.

Thế cho nên, Đức Thế Tôn bảo chúng ta hãy quay về nội quán, nhìn vào bên trong (opanayiko). Hãy nhìn vào bên trong, đừng nhìn ra bên ngoài. Hoặc quý vị nhìn vẻ bên ngoài và rồi quán sát kỹ hơn để nhận diện mối quan hệ nhân quả tiềm ẩn bên trong. Nhìn bản chất thật trong vạn vật, bởi vì đối tượng bên ngoài và đối tượng bên trong luôn ảnh hưởng lẫn nhau. Việc thực tập của chúng ta không ngoài mục đích phát triển năng lực tỉnh thức cho đến khi nó thuần thục sung mãn hơn trước. Trí tuệ từ đây phát sinh, tuệ quán phát sinh từ trong tâm có thể giúp chúng ta sáng suốt, hiểu rõ mọi hành hoạt trong tâm, ngôn ngữ của tâm và cả đường đi nước bước của phiền não.

Khi từ bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tìm cầu giải thoát, rất có thể lúc bấy giờ Đức Thế Tôn chưa định hình rõ việc mình làm, không khác gì sự bối rối của chúng ta bây giờ đây. Ngài hành trì thử hết cách này đến cách nọ để trí tuệ phát khởi. Ngài theo sự hướng dẫn của các vị thầy như Uddaka Rāmaputta tu tập thiền định, chân phải trên chân trái, tay phải trên tay trái, giữ thân thẳng, mắt nhắm lại, theo đúng phương thức cho đến khi Ngài có thể chứng đắc tầng định cao[33] của pháp môn. Nhưng khi xả định, vọng tưởng lại khởi lên và Ngài lại đắm trước chúng như trước đây. Ngài biết trí tuệ vẫn chưa phát sinh. Tâm thức của Ngài vẫn chưa thể nhập vào chân lý, chưa hoàn thiện, vẫn còn khiếm khuyết. Tuy nhiên, Ngài nhận thấy mình có sáng suốt hơn. Đây vẫn chưa là con đường tu tập rốt ráo nên Ngài rời nơi này đi tìm vị thầy mới. Khi rời vị thầy này, Ngài không hề chê bai, chỉ trích ông, cũng giống như loài ong hút mật trong hoa nhưng không hề làm hư hại đến cánh hoa.

Rồi Ngài đến học đạo với thầy Alāra Kālāma và cũng đạt đến tầng định cao sâu nhưng khi vừa xả định, hình ảnh Da-du-đà-là (Bimbā) và La-hầu-la (Rāhula)[34] lại hiện về trong tâm, kỷ niệm và cảm giác xưa lại ùa về. Tâm tham ái vẫn còn nguyên. Quán chiếu nội tâm, thấy rằng vẫn chưa đạt được mục đích, nên Ngài lại rời vị thầy. Học pháp môn nào, Ngài cũng là người có công phu và thành tựu cao nhất. Ngài tiếp tục theo dõi kết quả tu tập của mình, không chỉ thực tập đơn thuần, Ngài loại bỏ những phương pháp không thích hợp, thay vào đó những phương cách thích hợp. 

Ngay cả thời gian tu tập khổ hạnh, sau khi nỗ lực tu theo những phương pháp ép xác này, Ngài nhận ra nhịn đói cho đến nỗi thân xác chỉ còn là bộ xương cũng chỉ là pháp tu cho thân mà thôi. Thân xác chẳng là gì cả, tu khổ hạnh như thế cũng giống như trừng phạt kẻ ngốc bị tội ăn trộm.

Khi nhận ra vấn đề then chốt rằng tu tập không liên quan gì đến thể xác cả mà chỉ liên quan đến tâm, Ngài càng nỗ lực thực tập và hiểu rõ thân thể có giới hạn của nó. Thực ra chư Phật giác ngộ là ở nơi tâm.

Cho dù thân hay tâm, chúng đều là tạm thời, bất toàn, vô chủ (aniccaṃ, dukkhaṃ và anattā). Đây chính là bản chất của mọi vật. Chúng có mặt do có sự hỗ tương tác động của nhiều yếu tố khác nhau, tồn tại trong một thời gian rồi biến mất. Khi đầy đủ nhân duyên, chúng lại có mặt, tồn tại trong chốc lát rồi mất. Cứ như thế mọi thứ đều không có gì là tôi, là nó, là chúng ta, là họ cả. Không ai cả, chỉ đơn thuần là cảm thọ. Bản chất của hạnh phúc và đau khổ đều không có. Không thể nào tìm thấy cái tôi; bản chất của vạn pháp là phát sinh, hiện hữu rồi đoạn diệt. Chúng tuân theo trật tự tuần hoàn biến đổi này.  

Tất cả chúng sinh, bao hàm con người đều biết tự thân họ được sinh ra, tồn tại và chết đi. Thế nên họ tham đắm, chấp giữ mọi thứ. Họ không muốn mọi thứ thay đổi, không muốn họ trở nên khác đi. Ví như có một món đồ, họ không muốn món đồ ấy mất đi; họ muốn có hạnh phúc và không muốn đau khổ. Nếu đau khổ đến, họ mong đau khổ sớm biến đi và tốt nhất đau khổ đừng bao giờ đến với mình. Bởi vì thấy thân và tâm chính là họ, thuộc về họ nên mong cầu mọi điều theo sở thích tự thân. 

Loại suy nghĩ này cũng giống như xây một cái đập hay làm con đê ngăn nước nhưng không làm chỗ thoát nước ra. Kết quả cái đập hay con đê ấy bị vỡ. Loại suy tưởng này cũng thế thôi. Đức Thế Tôn thấy vọng tưởng theo lối này là nguyên nhân của khổ. Thấy được nguyên nhân, Ngài liền loại bỏ nó.

Đây là Sự thật về khổ, Nguyên nhân của khổ, Sự chấm dứt khổ, Con đường đưa đến hết khổ..., con người ta chưa nhận thức được Bốn sự thật trong đời này. Nếu họ nhận thức rõ, họ sẽ đạt được mục đích ngay. Nhận diện tất cả các pháp là danh và sắc, hay nói cách khác là vật chất và tinh thần, rõ ràng họ không phải là họ, không phải là người nào, không phải là chúng ta. Tất cả tuân theo những trật tự của quy luật tự nhiên.

Sự thực tập của chúng ta là nhận diện vạn pháp theo cách này. Chúng ta không có năng lực thật sự để thu thúc chúng, thật sự không phải chủ nhân của chúng. Cố gắng hàng phục chúng chỉ tạo thêm đau khổ, bởi vì chúng không thuộc sự điều khiển của chúng ta. Cả thân lẫn tâm không phải là ta hay ai khác. Nếu biết chúng thật sự như chúng đang là thì chúng ta sẽ thông suốt. Một khi thấy được chân lý, chúng ta và chân lý là một. Cũng như cục sắt nóng đỏ đang bị nung trong lò. Toàn cục sắt đều nóng cả, dù ở trên hay ở dưới, chỗ nào cũng đều rất nóng. Bất kể chỗ nào, chúng ta đụng vào cũng đều nóng cả. Đây là cách bạn nhận chân sự vật.  

Phần lớn, khi bắt đầu dụng công tu tập, chúng ta đều muốn chứng đạt, muốn thành tựu, muốn biết, muốn thấy, nhưng chúng ta vẫn không biết chúng ta chứng đạt cái gì hay nhận thức ra cái gì. Một đệ tử của tôi, trong khi anh ta thực tập thì bị mắc một chứng bệnh dịch là “hoài nghi”. Nhưng anh vẫn tiếp tục thực tập và tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn anh cho đến một ngày anh tìm thấy chút bình an. Nhưng khi anh đạt được chút an lạc, anh lại để cho hoài nghi trổi lên trong anh - “Bước kế tiếp tôi phải làm gì đây?” Nghi ngờ theo anh không dứt. Anh nói, anh muốn được an lạc, nhưng khi anh được an lạc rồi, anh lại không muốn nó và hỏi phải làm gì kế tiếp.

Vì thế trong thực tập, chúng ta phải loại bỏ sự tham chấp trong mọi tình huống. Chúng ta loại trừ bằng cách nào? Chúng ta loại trừ bằng cách nhìn sự vật một cách rõ ràng. Nhận biết các đặc điểm của thân và tâm đúng với bản chất của chúng. Chúng ta thiền tập để được an lạc, nhưng trong lúc tu tập tự thân, thấy rằng mình không an lạc. Chính vì sự vận động là bản chất của tâm.  

Khi thực tập thiền, chúng ta tập trung toàn bộ sự chú ý theo hơi thở vào ra tại mũi và môi trên. Khi tâm hướng đến đối tượng, đó gọi là Tầm (vitakka). Khi tâm ổn định trên đối tượng rồi, chuyên chú vào hơi thở và vùng mũi, đó là Tứ (vicāra). Trong giai đoạn Tứ, chúng ta bắt đầu nhận diện sự có mặt của những cảm giác, và lúc ấy chúng ta cho rằng, tâm chúng ta vẫn không yên lắng, không định; nhưng thật sự ở giai đoạn của Tứ, trong tâm xuất hiện những cảm giác ấy. Bây giờ, nếu điều này đi xa hơn theo hướng tiêu cực, tâm chúng ta sẽ mất đi tự chủ, nên chúng ta phải điều chỉnh tâm trở lại, hướng tâm trở về giai đoạn Tầm. Ngay khi khởi động lại như thế, sự tập trung của Tứ chuyển giai đoạn, tâm nhận biết một số cảm giác khác.

Khi chúng ta thấy điều này xảy ra, do thiếu kinh nghiệm thực tập, có thể chúng ta thắc mắc: “Tại sao tâm của ta lang thang thế? Tôi muốn tĩnh lặng, sao nó không chịu yên lặng?” Thế là bạn đang thực tập với tham chấp rồi đó.

Thực sự, tâm vận hành theo quy luật tự nhiên bình thường của nó nhưng chúng ta cứ sai bảo, tìm cách cho tâm yên tĩnh, và nghĩ “Tại sao tâm không chịu đứng yên?” Sự bực dọc khởi lên và thế là chúng ta làm tâm đi lang thang xa hơn, khiến nghi ngờ càng mạnh hơn, đau khổ nhiều hơn, hỗn loạn hơn. Vậy là nếu có Tứ, quán sát những gì đang xảy ra trong tâm, theo cách này, chúng ta sẽ sáng suốt cân nhắc... “À, tâm ta đơn giản chỉ là vậy”. Một người có kinh nghiệm thực tập đang kể với bạn rằng họ nhận diện sự vật đúng như thật. Tâm đơn thuần như thế. Chúng ta hãy để tâm tự nhiên và tâm trở nên an bình. Khi nó dịu xuống, chúng ta hướng nó vào đối tượng (Tầm) một lần nữa và rất nhanh, nó trở nên bình lặng. Tầm và Tứ làm việc cùng nhau giống như vậy. Chúng ta thực tập Tứ để làm dịu các cảm giác đang có mặt. Khi Tứ mất dần sức tập trung, chúng ta khởi động mọi chú ý trở lại giai đoạn Tầm.

Điều quan trọng trong việc thực tập của chúng ta ở giai đoạn này là phải tránh tham chấp. Thấy tiến trình Tứ có ảnh hưởng của những cảm giác, chúng ta có thể nghĩ rằng tâm bị rối loạn và trở nên bất bình với tiến trình này. Đây là nguyên nhân. Chúng ta không vui, đơn giản vì chúng ta muốn tâm yên lặng. Đây là nguyên nhân dẫn đến có quan điểm sai. Nếu điều chỉnh tư tưởng của chúng ta một chút, sẽ thấy điều này vận hành rất tự nhiên với bản chất của tâm; chỉ điều này cũng đủ làm giảm bớt sự rối bời. Cách này còn được gọi là “hãy để nó đi”.

Bây giờ, nếu chúng ta không tham chấp, nếu chúng ta thực tập với ý tưởng “hãy để nó đi”... tức ly tham trong sự tu và tu trong trạng thái không còn tham chấp... nếu chúng ta học cách thực tập như thế, Tứ sẽ tự động không vận nhiều công sức nữa. Nếu tâm không còn bị quấy nhiễu, Tứ sẽ nghiêng về suy tưởng pháp, bởi vì nếu chúng không quán chiếu pháp, tâm lại đi lang thang mất định hướng ngay.

Cho nên, có Tầm rồi có Tứ, Tầm rồi Tứ, Tầm rồi Tứ, v.v... cho đến khi nào Tứ dần dần trở nên nhỏ nhiệm tinh tế. Lúc đầu, Tứ bao trùm mọi nơi. Khi nhận biết điều này chỉ là vận hành tự nhiên của tâm, chúng ta không bị nó chi phối, trừ phi chúng ta tham đắm nó. Cũng như dòng nước chảy. Nếu chúng ta bị nó chi phối, trong đầu khởi lên ý nghĩ “Tại sao nó chảy?”, thế là  tự nhiên tâm ta bị phiền toái. Nếu chúng ta hiểu nước chảy đơn giản vì bản chất của nó như thế thì làm sao phiền toái rơi vào tâm ta được. Tứ cũng như thế. Có Tầm rồi sẽ đến Tứ, có tác động của cảm giác. Chúng ta có thể xem cảm giác này là đối tượng cho việc thiền quán, tâm chúng ta sẽ thanh tịnh ngay nhờ nhận biết các cảm giác này.

Nếu chúng ta biết bản chất của tâm giống như thế và cứ để chúng tự nhiên như dòng nước nhẹ trôi, Tứ sẽ trở nên vi tế dần, vi tế dần. Có thể tâm có khuynh hướng quán tưởng về thân hay sự chết chẳng hạn, hoặc một số đề tài về Giáo pháp. Khi đề tài quán tưởng đúng đắn, cảm thọ dễ chịu khởi lên. Cảm thọ dễ chịu ấy là gì? Đó là Hỷ (pīti). Hỷ khởi lên. Trạng thái biểu hiện có thể là mát lạnh, chói sáng. Tâm ta thích thú. Đó gọi là Hỷ, cũng gọi là sự An lạc (Sukha). Sự sanh diệt của nhiều cảm thọ khác nhau và đạt đến trạng thái Nhất tâm (Ekaggatārammaṇa).      

Chúng ta đã nói về một số thuật ngữ trong giai đoạn Định thứ nhất đó là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, và Nhất tâm. Vậy giai đoạn Định thứ hai như thế nào? Khi tâm dần dần trở nên nhu nhuyến, vi tế, Tầm và Tứ không cần thiết nữa, chỉ còn Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Trong giai đoạn này tâm tự nó vận hành, chúng ta không phải giúp đỡ gì cả, chỉ nhận biết bản chất tự nhiên của chúng.

Khi tâm được thanh lọc, thanh tịnh hơn, Hỷ cũng biến mất, chỉ còn Lạc và Nhất tâm hiện hữu, và chúng ta chỉ nhận biết chừng ấy. Thế thì Hỷ đi đâu vậy? Nó không đi đâu cả, chính vì tâm càng lúc càng vi tế hơn nên những đặc tính thô được loại trừ tự nhiên. Bất cứ đặc tính nào thô... cũng sẽ bị loại trừ hết cho đến khi đạt đến đỉnh điểm của sự tinh tế, theo trong kinh nói đó là giai đoạn Tứ thiền, tầng định cao thâm nhất. Ở đây tâm loại bỏ dần đi những yếu tố thô phù cho đến lúc chỉ còn Nhất tâm và Xả. Không còn giai đoạn nào xa hơn nữa.

Để tâm đạt đến giai đoạn Định, lộ trình này nhất định phải kinh qua, nhưng chúng ta phải hiểu phương pháp thực tập căn bản. Chúng ta muốn tâm được định tĩnh, nó sẽ không được định tĩnh. Chúng ta phải thực tập viễn ly tham chấp trước, nhưng chúng ta chưa nhận ra tầm quan trọng của nó. Chúng ta tham luyến sự an tĩnh. Tâm ta càng lúc càng bị ô nhiễm hơn vì mong muốn được an tĩnh ấy. Sự mong ước chính là nguyên nhân. Chúng ta không biết rằng tâm mong muốn này chính là tham (taṇhā); giống như chúng ta làm cho gánh nặng đã nặng lại nặng thêm. Càng tham luyến, tâm của chúng ta càng phiền não, cho đến khi nào chúng ta buông bỏ nó. Lúc nào chúng ta cũng chuẩn bị tinh thần chấm dứt cuộc chiến, ngồi và chiến đấu với chính mình.

Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta không quay về phản tỉnh tự thân rằng mình đã sắp xếp cho tâm như thế nào. Hãy biết rằng các biểu hiện trong tâm là tự nhiên. Bất cứ tâm khởi lên điều gì, chúng ta chỉ quán sát nó mà thôi. Bản chất của tâm đơn thuần, không làm tổn hại gì, trừ khi chúng ta không hiểu bản chất của nó. Nó không có gì nguy hiểm nếu chúng ta biết rõ đường hướng vận hành và cứ để nó vận hành tự nhiên. Thế là chúng ta đang thực tập Tầm và Tứ cho đến khi nào tâm bắt đầu dịu xuống, thanh tịnh dần và ít manh động. Khi các cảm thọ khởi lên, chúng ta quán chiếu chúng, hòa nhập và nhận diện rõ chúng.

Tuy nhiên, chúng ta thường chú ý đến việc chống đối chúng, bởi vì ngay từ đầu, chúng ta quy định phải làm cho tâm thanh tịnh. Bắt đầu ngồi, vọng tưởng ập đến phá rối chúng ta. Ngay khi chúng ta chuẩn bị đối tượng thiền quán, sự chú ý của ta cũng bắt đầu lang thang, không chịu tập trung. Rồi khi vọng tưởng trổi lên miên man, tâm im lìm luôn, trong ta khởi lên ý nghĩ rằng những vọng tưởng này đến làm phiền chúng ta, nhưng thật ra, vấn đề phát sinh ở đây chính là từ sự mong muốn tâm đạt thanh tịnh đó thôi.

   Nếu chúng ta biết rõ, tâm trí chỉ đơn giản hành xử theo bản chất tự nhiên của nó, đến đi tự nhiên thì không cần quan tâm đến nó. Chúng ta có thể hiểu trường hợp này như cách hiểu một đứa trẻ. Trẻ con không biết gì hơn, chúng có thể nói đủ thứ. Nếu biết chúng như vậy, chúng ta để chúng nói và chúng cứ nói tự nhiên. Khi chúng ta buông tay để chúng tự nhiên, không có nỗi ám ảnh với đứa trẻ, chúng ta có thể nói chuyện với khách mà không bị quấy rầy, trong khi đứa trẻ nói chuyện và chơi xung quanh. Tâm cũng giống như vậy. Nó không bị tổn hại gì cả trừ khi chúng ta nắm lấy nó và bị ám ảnh bởi nó. Đây thật sự là cội nguồn phát sinh rắc rối. 

Khi Hỷ khởi lên, chúng ta cảm thấy sung sướng dễ chịu không thể tả được, song đây cũng chỉ là cảm thọ mà thôi. Lạc khởi lên, và có sự Nhất tâm. Có Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Năm yếu tố này hội tụ về một nơi. Ngay cả đặc tính của chúng không giống nhau, chúng cũng vân tập lại một nơi và chúng ta có thể nhận biết chúng đang có mặt ở đó giống như thấy nhiều loại trái cây ở trong cái giỏ vậy. Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm, cả năm đặc tính, chúng ta có thể thấy chúng trong một tâm. Nếu có người hỏi “Tầm đang như thế nào? Tứ đang như thế nào? Hỷ, Lạc?...” Thật khó trả lời nhưng chúng quy tụ trong tâm, chỉ tự mỗi chúng ta biết chúng như thế nào.

 Về điểm thực tập này có chút đặc biệt. Chúng ta phải quán chiếu lại và tự tỉnh thức, không đánh mất chính mình. Nhận biết rõ mọi điều như chúng đang là. Các giai đoạn thiền quán này tiềm ẩn trong tâm. Không nghi ngờ gì với việc thực tập này cả. Nếu bạn lún sâu vào trong trái đất này hay bay trong hư không, ngay cả chết trong tư thế ngồi, cũng không có gì bận tâm. Bất cứ tâm khởi lên ý niệm hay cảm thọ gì, chỉ nhìn biết chúng thôi. Đây là nền tảng tu tập của chúng ta: Phải chánh niệm (sati), quán chiếu và tỉnh thức bất cứ lúc nào đi, đứng, nằm, ngồi. Bất cứ tâm gì khởi lên cứ để chúng tự nhiên, không dính mắc vào chúng. Thích hay không thích, sung sướng hay đau khổ, nghi ngờ hay gì gì, tập trung với Tứ và nhận biết kết quả của các đặc tính ấy. Đừng cố đặt tên cho chúng, chỉ cần biết chúng thôi. Nhận biết những ý tưởng khởi lên trong tâm là bình thường. Chúng rất ngắn ngủi, sanh ra, tồn tại rồi mất đi. Bản chất thật của chúng là vậy, không có bản ngã, không phải ta, cũng không phải chúng. Chúng không đáng để ta dính mắc, tham đắm.

Khi nhận diện được sắc (rūpa) và danh (nāma)[35] theo cách này bằng trí tuệ, chúng ta sẽ thấy chúng đi theo quy luật cũ. Chúng ta sẽ thấy sự ngắn ngủi của tâm, của thân, của hạnh phúc, đau khổ, tình yêu và thù hận. Chúng đều vô thường. Nhận ra điều này, tâm trở nên mỏi mệt, mỏi mệt của thân và tâm, mỏi mệt của các pháp sanh diệt và ngắn ngủi. Khi tâm tỉnh ngộ, nó tìm lối thoát ra ngoài tất cả những cảm thọ ấy. Nó không muốn dính mắc, lưu luyến những thứ ấy nữa, nó thấy sự bất cập của xác thân này và sự bất cập của sự sinh.

Khi tâm nhận ra như thế, bất cứ đi nơi đâu, chúng ta đều thấy sự Vô thường, Bất toàn, và Vô ngã. Không có gì để nắm giữ cả. Ngồi ở đâu hoặc bên cội cây, trên chóp núi, trong thung lũng sâu, chúng ta đều có thể nghe được lời dạy của Đức Thế Tôn. Tất cả cây cối dường như là một, mọi chúng sinh cũng là một, không có gì đặc biệt nơi chúng hết. Chúng sinh, tồn tại một thời gian, rồi già, rồi chết.

Chúng ta thấy thế giới và thân tâm này tường tận hơn. Dưới ánh sáng của luật Vô thường, Khổ, Vô ngã, chúng hiển hiện rõ ràng. Nếu ai muốn bám víu điều gì, họ sẽ đau khổ ngay. Đó là nguồn gốc khiến cho khổ phát sinh. Nếu chúng ta biết thân và tâm vận hành theo cách của chúng, khổ sẽ không xuất hiện, vì chúng ta không chấp giữ chúng. Đi bất cứ nơi đâu, trí tuệ này cũng soi sáng cho ta. Ngay khi nhìn một cội cây, chúng ta cũng có thể suy tư về nó với trí tuệ này. Thấy bãi cỏ và vô số côn trùng, chúng cũng là thức ăn nuôi dưỡng, là đối tượng cho sự quán tưởng của chúng ta.   

Khi tâm lắng dịu, chúng ta thấy tất cả đều nằm trên một con thuyền. Chúng là  pháp, trước sau vẫn vậy. Đây là sự thật, đây là pháp đúng đắn, đây là sự bền vững. Nó bền vững như thế nào? Nó bền vững trong thế giới tự nhiên vốn có, và nó không bao giờ thay đổi khác hơn. Không có gì khác hơn sự thật này. Nếu chúng ta nhận rõ con đường đây, cuộc hành trình của chúng ta sẽ chấm dứt.

Liên quan đến ý niệm này, trong nhà Phật, có người thường cho rằng chúng tôi cảm thấy mình ngu muội hơn những người khác, nói thế là không đúng, hoặc nói chúng tôi cảm thấy mình và những người khác như nhau, hay hơn những người khác, nói thế cũng đều không đúng. Bởi vì không có cái gì gọi là “chúng tôi” cả. Học giáo lý đạo Phật, suy tư với cách này, chúng ta phải dứt bỏ tánh tự thị ngạo mạn. 

Đây gọi là Thế gian giải (Lokavidū) tức là nhận biết thế giới một cách rõ ràng như nó đang hiện hữu. Nếu chúng ta nhận ra sự thật, tâm sẽ nhận diện chính mình trọn vẹn và sẽ đoạn lìa nguyên nhân đau khổ. Khi không còn nguyên nhân nào nữa, kết quả làm sao phát sinh. Đây là phương pháp thực tập, chúng ta hãy thực tập như thế.

Những điểm căn bản chúng ta cần phải thực thi: Trước hết là phải chân thật; thứ hai cảnh giác làm sai; thứ ba hết sức khiêm nhường, sống hạnh viễn ly và hài lòng với đồ dùng vừa đủ. Nếu thiểu dục tri túc trong lời nói và trong mọi việc, chúng ta sẽ nhận diện ra chính mình, không còn đau khổ, cuồng loạn. Tâm là nền tảng của Giới (Sīla), Định (Samādhi) và Tuệ (Paññā).

 Do vậy các hành giả đang đi trên con đường tu tập phải nên thận trọng. Ngay cả khi ta đúng cũng không được bất cẩn. Và nếu quý vị sai, cũng không được cẩu thả. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, quý vị cảm thấy hạnh phúc, khi ấy, quý vị cũng không được dể duôi. Tại sao tôi nói “không được dể duôi?” Bởi vì mọi thứ không chắc chắn. Hãy ghi nhớ như thế. Nếu quý vị cảm giác hạnh phúc, hãy cứ để cảm giác tự nhiên như thế. Có thể quý vị muốn luôn có cảm thọ này nhưng quý vị biết rõ sự thật về nó, cũng giống như những cảm giác buồn khổ vậy.

Mỗi người hãy tự tập tâm mình như thế. Vị thầy chỉ giải thích con đường tu tập bởi vì tâm ở trong mỗi người. Chúng ta tự biết rõ tâm mình, không ai khác có thể biết tâm mình bằng tự thân mình cả. Thực tập đòi hỏi đức tính chân thật. Hãy thực tập một cách đúng mức, đừng làm việc nửa chừng. Khi tôi nói “Hãy thực tập một cách đúng mức,” có nghĩa là chính quý vị phải nỗ lực tu tập hết sức mình. Nỗ lực hết sức không phải là hành thân xác quý vị mà việc tu là ở trong tâm. Nếu biết điều này, quý vị hãy tự giác thực tập. Không cần học hết các pháp môn, quý vị chỉ thực tập theo những phương pháp tiêu chuẩn, quán chiếu lại nội tâm chính mình.

Nay chúng ta đã vào nửa mùa An cư. Sự thực tập của hầu hết mọi người có phần chậm lại. Họ không cố gắng kiên trì từ đầu đến cuối. Điều này cho thấy việc thực tập của họ chưa được thuần thục. Ví dụ ngay từ đầu mùa An cư, với ý chí kiên quyết thực tập dù bất cứ cản trở nào, chúng ta phải hoàn tất giao ước ấy. Với ba tháng này quý vị cố gắng thực tập đúng mức. Quý vị đã tự mình quyết định thực tập, hãy ráng thực tập không được chểnh mảng. Được như thế, sức mạnh tinh tấn tái lập, chuyên chú thực tập quán sát hơi thở. Khi hơi thở ra vào, tâm có thể lộn xộn. Chú tâm lại vào hơi thở, tâm bị lôi trở lại, không lang thang nữa. Cũng thế, cả thân và tâm thực tập theo tiến trình này. Hãy tinh tấn hành trì.



[33] Tầng thiền Vô sở hữu xứ định, một trong những tầng Thiền định cao, đôi khi còn gọi là tầng Thiền thứ bảy.

[34] Bimbā hay Công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara), thê tử của Thái tử Tất-đạt-đa; và La-hầu-la (Rāhula), con trai của Thái tử.

[35] Rūpa: Chỉ cho các đối tượng thuộc vật lý hay vật chất. Nāma: chỉ cho những đối tượng thuộc về tinh thần hay phi vật chất. Con người là sự kết hợp của tinh thần và vật chất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/03/2012(Xem: 6797)
Chú Đại bi còn có những tên gọi sau: Thiên thủ thiên nhãn quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Quảng đại viên mãn đà-la-ni...
20/03/2012(Xem: 5085)
Sự giải thoát có thể dụ cho một sự sáng không bờ mé, ngăn ngại và cái ngã đã được giải thoát (vô ngã) dụ cho một cái sáng khác ở trong cái sáng không bờ mé đó...
19/03/2012(Xem: 7565)
Không thể không phản tỉnh, không thể không kiểm thảo, hay nói cách khác, nhất định phải tìm lỗi lầm của chính mình, phải tìm tâm bệnh của chính mình.
19/03/2012(Xem: 6665)
Một thái độ từ ái vị tha chỉ có một khuôn mặt, ân cần tử tế đến tất cả. Tuy nhiên, sự vị tha này giúp ích người khác và chính mình, cả hiện tại bây giờ và trong tương lai dài lâu. Như một vi lạt ma Tây Tạng Kunu Tenzin Gyelsten đã nói, "nếu con muốn là một người thân hữu của tất cả, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn là một người hướng dẫn tâm linh cho tất cả mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn giúp ích mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn."
17/03/2012(Xem: 6829)
Theo truyền thuyết, không lâu trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã trả lời Ananda, thị giả theo hầu cận Phật nhiều năm, khi vị này xin Phật chỉ dẫn cách đối xử cho các vị tỳ kheo...
15/03/2012(Xem: 18225)
Pháp hành thiền không chỉ dành riêng cho người Ấn Độ hay cho những người trong thời Đức Phật còn tại thế, mà là cho cả nhân loại vào tất cả mọi thời đại và ở khắp mọi nơi.
11/03/2012(Xem: 5793)
Ta có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ bằng cách ăn năn sám hối những nghiệp đã tạo và nỗ lực tu tập, tạo các nhân duyên lành làm trở ngại sự hình thành nghiệp quả.
11/03/2012(Xem: 7390)
Vận mạng từ do đâu mà có? Do đời trước tu mà được, trên thực tế mỗi ngày vận mạng của chúng ta cũng đang có sự tăng giảm, thêm bớt.
10/03/2012(Xem: 6659)
Trong một quyển sách nhỏ « PhậtGiáo Nhập Môn » (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bản Grancher, 2008), tác giảFabrice Midal đã dành riêng một chương (chương 7, tr.123-137) để tóm lược thậtngắn gọn một số các khái niệm căn bản giúp chúng ta ôn lại những gì thật thiếtyếu trong giáo lý nhà Phật.
09/03/2012(Xem: 6260)
Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại thành phố Santa Clara, miền Bắc California, Hoa Kỳ từ ngày 02/8/ đến ngày 06/8/2012.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567