Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Karuna và tiếng hát của một bà lão ăn xin

13/07/201915:50(Xem: 7115)
Karuna và tiếng hát của một bà lão ăn xin

Karuna và tiếng hát của một bà lão ăn xin

 

Hoang Phong

 hoa_sen (15)

 

            Karuna là tiếng Pa-li và tiếng Phạn, kinh sách Hán ngữ gọi là "Từ bi" (慈悲). Qua hình ảnh của người Bồ-tát, Karuna hay Từ bi được xem là lý tưởng của toàn bộ Đại thừa, ngang hàng với Trí tuệ. Bồ-tát Quán Thế Âm là vị Bồ-tát tiêu biểu nhất cho lý tưởng đó. Thế nhưng cũng nên hiểu rằng Karuna không phải chỉ là vốn liếng riêng của Đại thừa mà còn là cốt lõi trong việc tu tập của Phật giáo Theravada. Phép tu tập đó của Phật giáo Theravada được nêu lên trong một khái niệm thật quan trọng gọi là "Bốn phẩm tính vô biên của tâm thức", tiếng Pa-li là Cattari brahmavihara, nguyên nghĩa là "Bốn lãnh vực an trú tối thượng", đó là: lòng "Nhân ái" (tiếng Pa-li: Metta), lòng "Từ bi" (Karuna), niềm "Hân hoan" (Mudita) và sự "Thanh thản" (Upekkha). Phát huy bốn thể dạng tâm thức trên đây là một phép tu tập "cụ thể", cho thấy một sự "cân bằng" nào đó đối với phép tu tập tập trung vào Trí tuệ, còn gọi là Tu tuệ, mang tính cách trừu tượng và lý thuyết hơn. Nói chung tình thương yêu chúng sinh thể hiện qua bốn thể dạng vô biên của tâm thức trên đây sẽ tạo ra một bầu không gian rộng lớn bao trùm và bàng bạc trong Phật giáo, và tỏa rộng bên trong bầu không gian đó là Trí tuệ.   

           

            Bốn phẩm tính của phép tu tập trên đây là: Lòng nhân ái vô biên là niềm "ước vọng tất cả chúng sinh đều tìm được hạnh phúc và nhận thấy được cả các nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho mình"; Lòng từ bi vô biên là niềm "mong ước tất cả chúng sinh đều vượt thoát mọi khổ đau và cả các nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình"; Niềm hân hoan vô biên là tình thương yêu và vui sướng khi "ước mong tất cả chúng sinh đều đạt được hạnh phúc lâu bền, không còn vướng mắc một thứ khổ đau nào"; và sau hết là Sự thanh thản vô biên là "niềm ước vọng tất cả chúng sinh đều được bình đẳng và ngang hàng nhau" (tiếng Anh là equanimity), niềm ước vọng đó sẽ mang lại cho mình sự thanh thản mênh mông và một niềm an vui tỏa rộng, không còn phân biệt, bám víu hay ghét bỏ bất cứ một thứ gì",

 

            Kinh sách Hán ngữ gọi khái niệm về Bốn phẩm tính vô biên trên đây là Tứ vô lượng tâm và bốn phẩm tính vô biên thì gọi là: Từ, Bi, HỉXả. Cách dịch sang tiếng Hán này có thể khiến một số người hiểu sai, nhất là đối với hai phẩm tính sau cùng là hỉ xả. Chữ hỉ đôi khi được ghép với chữ hoan và trở thành hoan hỉ với ý nghĩa là "vui lòng" hay "sẵn lòng" làm một việc gì đó. Mặt khác hai phẩm tính sau cùng này tức là hỉxả đôi khi cũng được ghép chung với nhau tạo ra một thuật ngữ mới là hỷ xả với ý nghĩa là "tha thứ" hay "bỏ qua" một chuyện gì đó mang tính cách tiêu cực. Do vậy các thuật ngữ hoan hỉhỷ xả trên đây chẳng những không liên hệ gì đến khái niệm về Bốn phẩm tính của tâm thức mà còn bị lạm dụng và trở thành sáo ngữ.  

 

            Tóm lại bốn ước vọng trên đây là một phép thiền định nhằm tinh khiết hóa tâm thức, tức có nghĩa là hóa giải thái độ hẹp hòi, dửng dưng, và ích kỷ phát sinh từ các thứ bản năng của sự sống. Các phẩm tính vô biên mang lại từ bốn ước vọng đó là thức ăn nuôi dưỡng tâm thức mình và cũng là cách làm hiển lộ sự giác ngộ bên trong chính mình. Trong số bốn phẩm tính trên đây của tâm thức thì dường như Lòng từ bi vô biên (tiếng Pa-li: Karuna apparamanna) là phẩm tính quan trọng hơn cả vì phẩm tính này không những giúp người tu tập cảm nhận được sâu xa hơn thực trạng khổ đau cùng khắp của chúng sinh mà còn ý thức được cả bổn phận mình trước thực trạng đó. Thái tử Tất-đạt-đa sau khi nhận thấy tình trạng khổ đau mênh mông đó của con người đã từ bỏ gia đình, danh vọng và quyền lực để mưu cầu một giải pháp hầu đương đầu với tình trạng khổ đau mang tính cách hiện sinh đó. Phải chăng Karuna apparamanna hay Lòng từ bi vô biên chính là động lực sâu xa đã biến thái tử Tất-đạt-đa trở thành một vị Phật? Bốn phẩm tính vô biên của tâm thức được Đức Phật trực tiếp thuyết giảng trong một số bài kinh, chẳng hạn như Brahmavihara-Sutta/Kinh về [bốn] nơi an trú tối thượng (Anguttara Nikaya/Tăng chi bộ kinh, AN 10.208, AN 4.125, Metta Sutta/Kinh về Lòng nhân ái (Samyutta Nikaya/Tương ưng bộ kinh, SN 46.54), và gián tiếp hơn trong một số các kinh khác,

 

            Sau này khi Giáo Huấn của Đức Phật được diễn đạt rộng rãi hơn qua sự phát triển của Đại thừa thì nhiều sáng kiến tu tập về lòng từ bi cũng được đề nghị thêm, chẳng hạn như phương pháp Tonglen trong Phật giáo Tây Tạng. Đó là phương pháp "nhận chịu khổ đau của người khác" và "hiến dâng niềm an vui và hạnh phúc của mình cho họ". Nhận chịu khổ đau của người khác không có nghĩa là mình sẽ cảm thấy đớn đau cụ thể và thật sự như chính họ, hoặc lây nhiễm bệnh tật của họ, mà chỉ là cách mang các thứ ấy vào bên trong chính mình qua hơi thở vào dưới hình thức các xúc cảm từ bi, sau đó là tinh khiết hóa chúng, chuyển chúng trở thành những niềm hạnh phúc và an vui để trao trả lại cho họ. Sự tinh lọc khổ đau đó của người khác thật ra cũng là một cách loại bỏ cái tôi hay cái ngã của chính mình, tức là các karma hay nghiệp tồn lưu bên trong tâm thức của mình. Qua một góc nhìn khác thì những gì mà mình trao trả cho kẻ khác là Phật tính hiển lộ bên trong tâm thức của chính mình. Sự trao trả đó là một cách "hồi hướng" công đức mình cho những kẻ đang phải gánh chịu khổ đau. Tonglen là một phương phép thiền định siêu việt, đòi hỏi một sự luyện tập kiên trì, vậy chúng ta hãy thử tìm một phương pháp giản dị hơn, tuy không sánh bằng thế nhưng biết đâu cũng có thể là dễ thực hiện hơn chăng? Trong chiều hướng đó tôi xin mạn phép thuật lại một câu chuyện nhỏ về một đứa bé và bà lão ăn xin dưới đây.

 

            Năm tôi lên mười, nhà cha mẹ tôi ở trong một con hẻm nơi một khu phố đông đúc. Thỉnh thoảng có một bà lão ăn xin mù lòa hát rong đi vào xóm. Bà vừa khua gậy lần từng bước một, vừa ê a "hát" lên các câu chuyện cổ tích, hoặc than vãn thân phận mình nơi làng quê: chiến tranh, nhà cửa cháy rụi, ruộng vườn tan hoang, bà lưu lạc đến đây, mù lòa, không nơi  nương tựa ... Cứ mỗi lần nghe thấy văng vẳng từ xa tiếng hát của bà thì mẹ tôi liền kéo hộc bàn đưa cho tôi vài cắc để mang cho bà lão.

 

            Một hôm tôi hỏi mẹ: "Tại sao cứ mỗi lần nghe thấy tiếng hát của bà lão ăn xin thì mẹ lại sai con mang tiền cho bà ấy?". Mẹ tôi không trả lời mà hỏi lại tôi như thế này: "Vậy thì con ăn mỗi ngày mấy lần?". Thuở bấy giờ nào tôi có đủ sức để hiểu hết được ý nghĩa của lời dạy bảo ấy đâu. Các câu chuyện cổ tích của bà lão thì tôi cũng đã từng được nghe, các cuộc chiến tranh thì tôi cũng đã từng được nếm, thế nhưng âm hưởng vang vọng trong tiếng hát hay tiếng than vãn của bà lão dường như có một chút gì đó thật mê hoặc và đã ám ảnh tâm trí tôi. Lâu lâu không thấy bà lão đi vào xóm thì tôi cảm thấy thiếu vắng một chút gì đó trong lòng mà tôi không hiểu được hết. Sau này lớn lên tôi mới ý thức được phía sau những tiếng hát rong đó của bà lão ăn xin là cả một niềm đau đớn mênh mông, và một chút gì thiếu vắng trong tôi chính là tình thương của tôi đối với bà lão..   

 

            Một hôm, như thường lệ vào lúc ngày sắp tắt, bà đi ngang xóm tôi. Trời chuyển mưa tối sầm. Mẹ tôi đưa cho tôi vài cắc, tôi chạy tìm bà lão trong ngõ, vừa trông thấy bà thì trời đổ mưa to, tôi vội bỏ tiền vào chiếc lon trên tay bà và cầm cổ tay kéo bà vào nấp dưới một mái hiên gần đó. Tay kia cầm gậy bà khua trên mặt đất để tìm bậc thềm trước khi bước lên. Mưa rào rào trên mái tôn, bà lão và tôi nhìn ra trước mặt, thế nhưng dường như chỉ có tôi là trông thấy những dòng nước cuồn cuộn trên mặt đất và những bọt bong bóng trên thềm sân. Tôi lén ngước nhìn gương mặt bà, mờ mờ dưới chiếc nón lá là một mái tóc bạc phơ, da mặt nhăn nheo, miệng móm, đôi mắt mở lớn nhưng trắng đục, không thấy tròng đen đâu cả. Gương mặt bà thật thanh thản, gần như lạnh lùng, không thấy thoáng hiện một chút tình cảm nào cả. Tôi cảm thấy bối rối và xao xuyến trong lòng, và chợt cảm thấy thương bà lão vô cùng, thế nhưng vào tuổi đó nào tôi có biết gợi chuyện là gì.

 

            Được một lúc lâu thì cơn mưa cũng ngớt, bà lão nói với tôi: "Trời bớt mưa rồi, thôi ngoại đi nghen con". Câu nói thật bất ngờ, chân tình và ấm áp đó khiến tôi bàng hoàng, chẳng biết phải đáp lại như thế nào. Tôi nắm tay bà để cùng bước xuống thềm. Một vài hạt mưa vẫn còn lộp độp trên chiếc nón lá rách và lấm tấm trên lưng áo bà-ba đen đã bạc màu của bà. Tôi đứng im nhìn theo, bà lão tay khua gậy tiếp tục cất tiếng kể câu chuyện cổ tích Tấm Cám: "Ngày xưa có một cô gái nhỏ mồ côi mẹ tên là Tấm..."  Bóng bà xa dần trong ngõ tối thế nhưng tiếng kể chuyện của bà vẫn còn văng vẳng trong mưa. Tôi giật mình chạy ù về nhà vì đã đến giờ cơm.

 

            Câu chuyện đứa bé và bà lão ăn xin xảy ra cách nay đã 70 năm, thế nhưng nó vẫn còn ám ảnh tôi. Cũng vậy đối với lời dạy bảo của mẹ "mỗi ngày con ăn mấy lần?", thì tôi cũng vẫn chưa quên. Từ ngày đó đến nay tôi đã ăn không biết bao nhiêu vạn bát cơm, nhưng nào tôi có trồng được một hạt gạo nào đâu? Ngoài cơm áo ra, tôi còn được hưởng thuốc men, nhà cửa và mọi thứ tiện nghi khác. Món nợ đó quả là to lớn, thế nhưng còn to lớn hơn thế là món nợ của giáo dục, sự hiểu biết và tình thương yêu của những người chung quanh, và càng mở rộng hơn nữa là cả dưỡng khí và môi sinh của địa cầu này. Lớn lên tôi mới hiểu được sâu sắc hơn những gì phía sau câu hỏi của mẹ cùng sự ấm áp của tình người bên trong lời giã từ của bà lão ăn xin. Là chúng sinh, mẹ tôi và bà lão đều khổ đau như nhau, thế nhưng Karuna hay Từ bi bên trong họ là cả một sức mạnh giúp họ vượt lên trên những khổ đau của mình để nói lên những lời thật chân tình và trìu mến. Tiếc thay trong thế giới vô thường, dù tôi có muốn thốt lên một lời ngọt ngào với mẹ thì mẹ nào có còn đó để mà nghe, hoặc nói lên một lời thật thân thiết với bà lão ăn xin: "Ngoại à, trời còn mưa, ngoại hãy đứng lại với con thêm một chút nữa đi", thì bóng dáng của bà lão cũng đã khuất mờ trong con hẻm tối.

 

            Thế nhưng Đức Phật cũng dạy rằng tất cả mọi hiện tượng, dù vô hình hay hữu hình, thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai, tất cả đều liên hệ và tương kết với nhau. Đó là nguyên lý Tương liên, tương kết và tương tạo giữa mọi hiện tượng, tiếng Phạn là Pratityasamutpada, kinh sách Hán ngữ gọi là Lý duyên khởi. Qua nguyên lý đó thì dù chỉ là một chiếc lá hay một con côn trùng nhỏ bé, một tiếng kêu đau thương của một con thú hay một thoáng xúc cảm nhỏ nhoi trong tâm thức của một cá thể con người, thì tất cả đều tác động và liên hệ đến toàn thể môi sinh và sự an vui của nhân loại trên hành tinh này. Điều đó giúp tôi hiểu rằng dù không còn một dịp may nào để trả món nợ đối với công ơn dạy dỗ cho mẹ, hồi đáp cái ấm áp của tình người trong câu giã biệt của bà lão ăn xin, thì tôi cũng có thể trả các món nợ ấy cho từng chiếc lá và từng mỗi chúng sinh trong thế giới này. Sự ý thức đó có thể tạo ra bên trong tâm thức chúng ta một xúc cảm từ bi thật sâu xa và rộng lớn, và phải chăng đó cũng là một trong số Bốn phẩm tính vô biên gọi là Karuna của một tâm thức giác ngộ?

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 21.06.19   

                                                                                                            Hoang Phong

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/09/2020(Xem: 11231)
Ngũ uẩn vô ngã là tập tài liệu giáo khoa do Hòa thượng Thích Thiện Siêu, phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trương ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởương Học viện
18/09/2020(Xem: 7668)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm tình:''Lắng nghe để Hiểu, nhìn lại để Thương'', vào ngày hôm qua thứ năm (17 Sept 2020) chúng con, chúng tôi đã tiếp tục lên đường cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo xứ Phật trong khi mùa dịch còn dai dẳng.. Buổi phát chẩn đã thực hiện cho 278 hộ tại 2 ngôi làng nghèo tên là Mauriya & Santi Anus Village cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 34 cây số. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
18/09/2020(Xem: 6201)
Charles “Chuck” Feeney, đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS), là nhà hảo tâm lớn nhất và ẩn dật nhất thế giới, theo Observer. Cho đi mọi cái mình có Không như Elon Musks hay Mark Zuckerberg – hai tỷ phú công nghệ cam kết sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản trước khi qua đời, Feeney nổi tiếng với lời hứa cho đi mọi số tiền mình có và sẽ chết như một người đàn ông không có đồng xu nào dính túi.
18/09/2020(Xem: 7086)
Trong thời gian qua có đôi lần, thiền sinh yêu cầu chúng tôi giải thích cụm từ “Tam Tự Quy Y Là Gì? ”. Nay thuận duyên chúng tôi gửi đến các bạn bài viết về đề tài quy y nầy. Muốn hiểu ý nghĩa của “Tam Tự Quy Y ” trước hết chúng ta cần biết rõ “Tam Quy Y ” là gì? I. “TAM QUY Y” HAY “QUY Y TAM BẢO” LÀ GÌ? Quy nghĩa là “quay về, trở về” hay “hồi chuyển (tâm ý)”. Y là “nương tựa”. Quy Y cũng có nghĩa là “Kính vâng” hay “Phục tùng”. Tam là chỉ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. “Tam Quy Y ” hay “Quy Y Tam bảo” nghĩa là quy kính, nương tựa nơi ba ngôi quý báu đó là Phật, Pháp và Tăng.
18/09/2020(Xem: 6218)
Lửa. Lửa lại bùng cháy trên những cánh rừng bạt ngàn miền tây. Khói cuồn cuộn, lan xa hàng nghìn dặm, kéo qua tận miền đông. Tro bụi mịt mù, bao phủ hết bầu trời, làm cho nền trời lúc giữa trưa mà ửng lên màu vàng cam, có khi đỏ ối như ráng chiều hoàng hôn. Hai vầng nhật nguyệt dường như bị che khuất suốt những ngày cuối hạ. Tro tàn theo gió cuốn đi thật xa, rời bỏ núi rừng, rồi rơi lả tả trên những cánh đồng, sông suối, cỏ cây, nhà cửa, xe cộ... khắp các vùng. Không khí như bị đặc quánh lại với mùi khét lẹt của khói. Lệnh giãn cách xã hội và mang khẩu trang chưa được cởi mở hoàn toàn, lại càng cần thiết hơn trong lúc này, khi con người mong tìm nơi trú ẩn an toàn để thở được không khí trong lành.
16/09/2020(Xem: 6340)
Ni Sư Thích Nữ Diệu Hiếu, là vị Tiến Sĩ đầu tiên tốt nghiệp Thiền Vipassana tại Myanmar vào năm 2016. Đầu năm 2017 Ni Sư về Việt Nam, là giảng viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM đến nay. Hội đủ duyên lành, được quý Phật tử phát tâm cúng dường mảnh đất cách Học Viện Phật Giáo VN tại TP. HCM 3km. (Thuộc Xã Lê Minh Xuân - Huyện Bình Chánh - TP. HCM). Với tâm nguyện hoằng Pháp lợi sanh, Ni Sư muốn xây dựng Thiền Viện để có chỗ Ni Sư cùng 10 vị đệ tử an tâm tu học. Là nơi thực tập Pháp hành cho quý Tăng Ni sinh tại Học Viện Phật Giáo VN. Và là Thiền Viện nơi chúng sanh thập phương về tu học và thực hành lời dạy của Đức Phật.
16/09/2020(Xem: 8154)
Hiệp Hội Tương Trợ Người Đông Dương Springvale (SICMAA) được sự tài trợ của chính phủ tiểu bang Victoria có chương trình đặc biệt để trợ giúp quý vị gặp khó khăn trong giai đoạn COVID-19. Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm: - Cung cấp các thông tin về COVID-19 - Giúp đỡ các gia đình neo đơn, thăm hỏi, cung cấp các thông tin cũng như hướng dẫn để kết nối các dịch vụ hỗ trợ bao gồm “Gói cứu trợ khẩn cấp” dành cho những trường hợp đặc biệt, giúp đỡ khi bị bạo hành trong gia đình, dịch vụ gia cư, và sức khỏe v.v… - Điền đơn xin các hỗ trợ từ chính phủ, Dịch vụ tìm việc, Centrelink, hỗ trợ tiền điện
15/09/2020(Xem: 12937)
Tranh Minh Họa Kinh Phổ Môn Nghĩa Kinh Dịch: HT. Thích Trí Tịnh Tranh minh họa: Sư Cô Thích Nữ Huyền Linh
15/09/2020(Xem: 6557)
Vào một ngày sinh nhật của tuổi thu đông nào đó trong không gian vắng lặng của những tuần lễ phong tỏa , cô đơn không một bóng thân nhân nghe hạnh phúc đùi hiu và tự bao giờ lệ đã thấm môi ... Thì bạn ơi xin mời bạn hãy nghe một bài hát của Trịnh công Sơn “ Ru Ta Ngậm Ngùi “ hoặc có thể ngâm một bài thơ vừa nghĩ được hầu tự tặng cho mình như an ủi cho những ngày được hạnh phúc làm người ...
15/09/2020(Xem: 6150)
"Phi thời": không hợp thời. Trong thực tế, có trường hợp người thiện gặp ác báo, và ngược lại người ác lại gặp thiện báo - điều nầy làm cho một số người sanh ra nghi ngờ sự công bình của luật nhơn quả. Thật ra, họ phải hiểu rằng luật nhơn quả hoạt động xuyên qua nhiều kiếp người, nên đôi khi thấy có vẻ nghịch lý. Đó là vì việc thiện đời nầy có khi không đủ để bù trừ việc ác trong quá khứ, nên quả ác vẫn tới, nhưng nhẹ hơn - ngược lại việc ác đời nầy không đủ để triệt tiêu việc lành trong quá khứ nên quả thiện vẫn hiện ra, tuy bị suy giảm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]