Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ba thế hế thi đậu tiến sĩ.

10/04/201314:11(Xem: 8306)
Ba thế hế thi đậu tiến sĩ.

Ba thế hệ đậu Tiến Sĩ

(Bác Sĩ Văn Học)

Thích Như Điển

Năm nay là năm Thìn, mà Thìn nằm ở Can Nhâm, nên đối với những trang nam tử có tuổi Thìn lại thi cử đỗ đạt hay lập nên công danh sự nghiệp trong năm nầy; thì quả là điều tuyệt diệu biết bao nhiêu. Nhưng rồng hay đi đôi với nước và mây; cho nên năm nay có lẽ cũng sẽ là năm được báo hiệu nhiều nơi trên thế giới bị nước ngập, mà nước ngập thì bao nhiêu tai ương, khổ nạn sẽ xảy ra.

Người xưa thường chúc cho người đi thi cử là: "Gặp hội Long Vân"; nghĩa là gặp được vận may như rồng gặp mây. Có mây là có mưa. Có mưa là có nước. Theo người Trung Quốc thường hay cho rằng. "Có nước thì có tiền", nhưng không biết người Việt Nam mình có câu tục ngữ nào ngắn gọn mà thể hiện được vận hội nầy chăng? Người mình thường hay chúc cho người đi thi là: Bảng hổ đề tên, sau đó là thăng quan tiến chức v.v… Đó là những sĩ tử ngày xưa theo Nho học; còn ngày nay việc thi cử không còn như trước nữa, nhưng khi đỗ đạt rồi người ta vẫn gọi là kẻ sĩ. Đó là Bác sĩ, Nha sĩ, Thạc sĩ, Tiến sĩ v.v…

Vào đầu thế kỷ thứ 20 nước ta vẫn còn những khoa thi Tam Trường. Đó là thi Hương để lấy Tú Tài, thi Hội để lấy Cử Nhân và thi Đình để lấy Tiến Sĩ. Người nào thi đỗ cả ba khoa nầy được gọi là Tam Nguyên. Ở làng Yên Đỗ đã có một vị đã đậu như thế; nên người đời gọi là: Tam Nguyên Yên Đỗ. Đó chính là Nguyễn Khuyến. Ông là một nhà Nho yêu nước, học rất giỏi, ra làm quan rồi về nhà hưởng nhàn. Đọc thơ văn của Nguyễn Khuyến như các bài: Khóc Dương Khuê, Mẹ Mốc v.v... ta thấy được điều ấy. Nhưng riêng thi sĩ Trần Tế Xương thì lận đận với con đường công danh sự nghiệp, ông đã đem chuyện học hành thi cử chẳng ra gì của mình vào trong những bài thơ tự trào châm biếm:

Tấp tễnhngười đi tớ cũng đi,

Cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi.
Tiễn chân, cô mất ba đồng lẻ;
Sờ bụng, thầy không một chữ gì…
(Đi thi tự vịnh)

Mai không tên tớ, tớ đi ngay

Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày

Học đã sôi cơm nhưng chửa chín

Thi không ăn ớt thế mà cay

Sách đèn phó mặc đàn con trẻ

Thưng đấu nhờ tay một mẹ mày

Cống hỉ, mét xì, đây thuộc cả,

Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây.

(Hỏng thi 1)

Ngày xưa cứ ba năm mới mở hội trường thi như vậy. Cả nước Việt Nam thời cuối nhà Nguyễn chỉ tổ chức ở Kinh Đô Huế. Lúc ấy ai muốn thi phải chuẩn bị đến truờng thi trước và khi đi thi phải mang theo cả lều, cả chõng, dĩ nhiên là có cả người giúp việc theo nữa. Vợ ở nhà trông con để chồng đi thi. Khi tiễn chồng vào Kinh ứng thí đã trao cho chồng những đồng tiền chắt chiu được lâu nay để vừa lo nuôi con và nuôi chồng ăn học; nhưng ông chồng chẳng biết lý do gì mà chẳng chịu học đòi theo bút nghiên; nên khi sờ bụng Thầy chẳng có một chữ nào cả. Thời đầu thế kỷ thứ 20 là thời giao thoa của Tây, Tàu, Nhật. Cho nên cái học từ chương thuần túy không còn nữa. Người ta bây giờ đi học tiếng Pháp để ra làm thông ngôn cho Tây, để được đi đây đi đó; chứ ít ai muốn học cái chữ Thánh Hiền kia. Do vậy mà Trần Tế Xương đã than lên như vậy cũng là điều có lý.

Một bài thơ khác của Trần Tế Xương đã diễn tả về cái học của nhà Nhothuở ấy như sau:

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thôi

Cô hàng bán sách lim dim ngủ

Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi

Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi

Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ

Trình có quan tiên, thứ chỉ, tôi.

(Cái học nhà Nho)

Bây giờ trong thế kỷ thứ 21 nầy, nếu có ai đó cố gắng diễn tả cho lớp trẻ đời nay sinh ra và lớn lên tại hải ngoại về thứ bậc của các quan hạng nhất, hạng nhì (Tiên chỉ, Thứ chỉ) trong làng như thế nào, chắc là chúng sẽ lắc đầu ngoay ngoảy rồi bỏ đi. Mới gần 100 năm thôi mà xã hội loài người thay đổi khác nhau quá nhiều như vậy.

Ngày xưa có rất nhiều người sau khi đỗ đạt ra làm quan và lúc về già từ quan vào chùa tu niệm hay ở vậy để hưởng nhàn. Ví dụ như ba vị Tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam chúng ta vào thời cuối thế kỷ thứ 13 và đầu thế kỷ thứ 14 cũng đã thể hiện được việc nầy.

Vị sơ Tổ là Điều Ngự Giác Hoàng. Ông là vua Trần Nhân Tông, sau 2 lần đại thắng quân Nguyên Mông, đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi chính thức xuất gia vào năm 1296 tại chùa Chân Giáo. Từ đó về sau chống gậy đi khắp nhân gian để khuyên người dân tu theo Thập Thiện và ông là người đã chính thức gả Công Chúa Huyền Trân cho Chế Bồng Nga của Chiêm Thành để đổi lấy 2 Châu Ô và Châu Lý, nay là 2 tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam.

Vị Tổ thứ hai của dòng phái này là ngài Pháp Loa Tôn Sư là một vị Tổ rất đặc biệt (xem thêm truyện Trúc Lâm Tam Tổ).

Riêng vị Tổ thứ ba của dòng Thiền nầy mới là một vị đặc biệt hơn. Đó là ngài Huyền Quang. Tên đời của ngài là Lý Đạo Tái. Sau khi đỗ Tiến Sĩ, Ngài có 2 câu thơ bất hủ là:

Khó khăn thì chẳng ai nhìn

Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên.

Khi còn là cậu ấm hay sinh đồ nghèo thì chẳng ai để ý đến; nhưng khi đỗ Trạng Nguyên, Tiến Sĩ thì có không biết bao nhiêu nàng con gái muốn theo hầu để nâng khăn sửa túi. Do vậy sau khi làm quan, ông đã xuất gia đầu Phật và trở thành vị Tổ thứ 3 của Trúc Lâm Yên Tử.

Ngày xưa khi đỗ Tiến Sĩ, Trạng Nguyên thì được nhà Vua chọn làm Phò Mã. Đây là cái vinh dự của người về đầu trong chốn quan trường.

Thông thường có Vua, có Hoàng Hậu thì phải có Tam cung Lục Viện đi kèm. Thế nhưng cũng có những vị làm Vua, làm Giáo Chủ cả hằng bao nhiêu thế kỷ nay mà vẫn không lập ngôi Hoàng Hậu hay Thứ Phi. Đó là ngôi vị của Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng và Đức Giáo Hoàng của La Mã. Cho nên không cần Tam Cung Lục Viện làm gì.

Từ đó ta thấy rằng: Ngôi Vua là chốn cao sang nhất, nhưng trong lịch sử đã có nhiều vị chối từ. Ví dụ như Thái Tử Tất Đạt Đa (Ấn Độ), Trần Nhân Tông (Việt Nam) hay các vị Pháp Vương của Tây Tạng. Ngai vàng còn không thiết, do vậy vai Phò Mã đâu cần gì, miễn là việc thi thố tài năng để an bang tế thế là được rồi.

Riêng tôi năm Nhâm Thìn nầy (2012) có 3 niềm vui nho nhỏ liên tục mang đến qua ba thế hệ của những người xuất gia đã đỗ Đại Đăng Khoa (Bác Sĩ Văn Học). Đó là các Thầy Như Tú (Đệ tử của Sư Phụ), Thầy Nguyên Tân (Đệ tử của Sư Huynh) và Thầy Hạnh Giả (Đệ tử của tôi). Trong một nhà có 3 đến 4 đời đỗ Tiến Sĩ; nhưng rất hiếm ở Việt Nam. Năm nay Môn Phong Pháp Phái Viên Giác có được điều hy hữu nầy trong cửa Thiền. Do vậy tôi xin kể để hầu quý vị.

Đệ tử của Sư phụ tôi là Thích Như Tú, Sư đệ của tôi. Năm 2002 Thầy Như Tú sau khi đậu Cử nhân Anh văn tại Việt Nam đã qua Ấn Độ tham dự lễ khánh thành Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng do Thầy Hạnh Nguyện và Thầy Hạnh Tấn thành lập. Tôi thấy Thầy Như Tú còn trẻ, có ý muốn học thêm; nên tôi bảo Thầy về lại Việt Nam lo giấy tờ hồ sơ để sang Ấn Độ du học. Trong suốt 10 năm, từ năm 2002 đến nay, Thầy Như Tú đã trải qua các kỳ thi của phân khoa Anh ngữ và Phật học ở cấp bậc MA, Mphl., Ph.D. Vào tháng 1 năm 2012 Thầy đã bảo vệ hoàn thành luận án Tiến Sĩ của mình tại Đại Học Dehli, Ấn Độ. Phần tôi và chùa Viên Giác đã chăm lo đời sống vật chất cho Thầy suốt cả hơn 10 năm nay. Nay Thầy đã ra trường, thật chẳng còn niềm vui mừng nào sánh cho bằng được!

Sư Phụ tôi, tức là cố Hòa Thượng Thượng Long Hạ Trí- người đã về Tây phương Phật cách đây hơn 10 năm về trước. Chức vụ cuối cùng của Ngài là: Chánh Văn Phòng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lúc cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang còn đương thời. Khi Sư Phụ tôi viên tịch (ngày 1.11.1998 nhằm ngày 13 tháng 9 năm Mậu Dần, thọ 71 tuổi). Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo có đi một tấm trướng mà ngày nay vẫn còn treo tại giảng đường chùa Viên Giác tại Hội An.

Thế hệ đầu của chúng tôi xuất gia vào giữa thập niên 60, chỉ có cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, tôi và Ni Sư Như Viên và thập niên 80, 90 Sư phụ độ thêm được vài chục Thầy Cô nữa; trong ấy có Thầy Như Tú. Rất tiếc là Thầy tôi đã ra đi và 2 cây đa chùa Viên Giác cũng đã chết hết một. Người không còn có mặt trên cõi thế để chứng kiến cho người đệ tử xuất gia của mình đã đỗ đạt thành tài. Sư phụ là người canh tân, đổi mới, nên những gì khiến cho Phật Pháp triển khai thì Sư Phụ không bao giờ từ chối.

Đệ tử của Sư Huynh tôi là Thầy Nguyên Tân đã bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ tại Đại Học Dehli Ấn Độ trong tháng 3 năm 2012 nầy. Sư Huynh Tâm Thanh xuất gia với Sư Phụ tôi vào cuối năm 1963 tại chùa Tỉnh Hội Quảng Nam (nay là chùa Pháp Bảo) và sau đó Sư Huynh vào Sài Gòn học và tốt nghiệp tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm, sau ra làm giảng sư của Giáo Hội. Sau năm 1975 Sư Huynh Tâm Thanh tức cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh về Đại Ninh lập nên Tu Viện Vĩnh Minh để chuyên tu Tịnh Độ và dạy chúng. Ngày ra đi của cố Sư Huynh là (ngày 02.4.2004 nhằm ngày 13 tháng 2 năm Giáp Thân, thọ 72 tuổi). Hiện tượng vãng sanh đã đến với người chuyên tu Tịnh Độ nên Sư Huynh biết trước ngày ra đi của mình. Ngày nay chùa Vĩnh Minh do Thầy Nguyên Hiền trụ trì và Thầy Nguyên Tân là Sư đệ của Thầy Nguyên Hiền.

Khi Sư Huynh tôi còn tại tiền, Người đã gửi gấm Thầy Nguyên Tân cho tôi chăm lo về đời sống vật chất. Tôi đã sẵn lòng và nay đệ tử của Sư Huynh đã đỗ đạt thành tài. Hòa Thượng Tâm Thanh lại không có mặt để chứng kiến ngày vui hiếm có ấy. Quả là điều đáng tiếc; nhưng dầu cho ở một phương trời nào, khi Sư Phụ và Sư Huynh tôi nhìn về cõi Ta Bà nầy, thấy đệ tử của mình thành tựu được như vậy; chắc quý Ngài cũng sẽ nở nụ cười mãn nguyện.

Đệ tử của tôi là Thầy Hạnh Giả vừa bảo vệ luận án Tiến Sĩ ở Đại Học Hannover - Đức Quốc (xem hình), cả điểm thi miệng lẫn thi viết thuộc hạng tối ưu. Đó là ngày 14 tháng 12 năm 2011 và ngày 14 tháng 2 năm nầy (2012) Thầy Hạnh Giả lãnh bằng. Đặc biệt luận án Tiến Sĩ bằng tiếng Đức đã được nhà xuất bản Tectum in thành sách và phát hành khắp nơi trên nước Đức cũng như các nước nói ngôn ngữ Đức tại Âu Châu. Riêng quyển luận án nầy đã được dịch ra tiếng Việt và sẽ được ấn tống trong thời gian tới trong năm 2012. Đây là quyển sách rất cần thiết cho mọi người Phật Tử Việt Nam đang sinh sống tại nước Đức nầy.

Thầy Hạnh Giới hiện trụ trì chùa Viên Giác tại Hannover là anh ruột của Thầy Hạnh Giả, trước đây 9 năm vào năm 2003 đã tốt nghiệp Tiến Sĩ (Bác Sĩ Văn Học) ngành triết học, chuyên khoa về Tôn Giáo. Ở cấp Cao học Thầy Hạnh Giới chuyên về Tôn Giáo học và Anh, Pháp Văn. Sau khi tốt nghiệp, tôi gửi Thầy đi Đài Loan 4 năm để tu học. Do vậy thầy Hạnh Giới bây giờ thông thạo 5 ngôn ngữ. Nói, dịch, viết, nghe rất lưu loát bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức và Hoa ngữ.

Vào ngày 22 tháng 2 năm 2012 vừa qua chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm tôi đã ở ngoại quốc và lồng vào chương trình nầy có tổ chức mừng hai Thầy đệ tử của tôi và họ là huynh đệ trong một gia đình đã đỗ đạt Đại Đăng Khoa. Mọi người hôm đó đều vui, nhất là Đạo hữu Quảng Ngộ và Đạo hữu Diệu Hiền, song thân của hai Thầy.

Phần tôi, bổn phận làm Thầy còn vui hơn nữa. Tuy là giả danh trong cuộc sống, dầu cho Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, Bác Sĩ v.v... cũng đều giả. Chỉ có Tu Sĩ mới là điều đáng nói và đáng lưu tâm hơn. Vì đã có biết bao nhiêu kẻ sĩ trong đời đã từ bỏ địa vị của mình để đi tìm cái sĩ ẩn dật, cái sĩ an bần lạc đạo, cái sĩ của người lấy nẻo Đạo làm vui cho cuộc sống để thật sự được giải thoát về sau nầy. Người cư sĩ tu vẫn có thể giải thoát sanh tử được; nhưng khó hơn cuộc sống xuất gia rất nhiều. Vì lẽ người xuất gia không nặng nợ tang bồng.

Thầy Hạnh Giả thông thạo 3 ngôn ngữ. Đó là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức. Trước khi đi xuất gia, Thầy đã tốt nghiệp kỹ sư điện toán và khi vào chùa xuất gia vào ngày 12 tháng 2 năm 2002, cách đây 10 năm về trước, tôi đã bảo Thầy nên học tiếp để lấy bằng Tiến Sĩ và sau đúng 10 năm Thầy đã thành công, như tôi đã giao phó. Kể từ tháng 10 năm 2010 Thầy Hạnh Giả đã bắt đầu dạy tại Đại Học Hannover và Semester của năm 2012, Thầy sẽ giảng dạy về Phật Giáo Việt Nam thêm 2 Đại Học Marburg và Đại Học Jena thuộc Tiểu Bang Thüringen, Đức Quốc. Đây cũng là niềm vui và hãnh diện của tôi. Vì đó chính là mục đích của tôi từ lúc ban đầu, mong muốn làm sao Phật Giáo Việt Nam phải có mặt trong thượng tầng cấu trúc của xã hội Đức và nay thì cây trái đã có mặt khắp chùa.

Ba thế hệ ấy, riêng tôi đã được hân hạnh chứng kiến các đệ tử của mình ăn học, tu niệm và thành tựu trên đường học vấn; nên niềm vui ấy trọn vẹn. Riêng Sư Phụ và Sư Huynh tôi không còn có cơ hội để chứng kiến điều nầy; nhưng tôi nghĩ rằng quý Ngài cũng vui khi nhìn thấy đệ tử của mình được như vậy.

Riêng Quảng Nam luôn được nhắc đến là dân của „Ngũ phụng tề phi“, nghĩa là 5 con phụng cùng bay về xứ Quảng từ triều đình Huế. Đã một lần như thế, vào một khoa thi ở đầu thế kỷ thứ 20 có 5 vị ra Huế thi và trong đó 3 vị đỗ đầu Trạng Nguyên, Tiến Sĩ; nên nhà Vua mới phong cho chức tước, quân hầu về lại quê xưa và đây cũng là xứ của văn chương văn hóa. Quảng Nam không là xứ ngàn năm văn vật như Thăng Long, Hà Nội ngày nào; nhưng là một xứ có những nhà cách mạng lỗi lạc như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Thoại Ngọc Hầu v.v... có những nhà thơ nổi tiếng như Phan Khôi, Bùi Giáng v.v... Về phía Đạo, Quảng Nam không có Tăng Thống; nhưng Quảng Nam là nơi đã đào tạo ra 4 vị Tăng Thống trong 5 vị mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang có. Đó là Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Đức Đệ Nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên. Hai vị nầy đã thọ giới Tỳ Kheo tại giới đàn do Ngài Vĩnh Gia làm Đàn Đầu Hòa Thượng tại chùa Phước Lâm Hội An vào đầu thế kỷ thứ 20. Ngài Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Ngài Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn trên thế giới, cả 2 vị đều là con cháu của chốn Tổ Chúc Thánh tại Hội An.

Cách đây chừng 5 năm tôi có viết một bài vinh danh 5 Thầy con xứ Quảng đã tốt nghiệp Tiến Sĩ (Bác Sĩ Văn Học). Đó là Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn tốt nghiệp Tiến Sĩ Tôn Giáo Học tại Đại Học Havard Hoa Kỳ, Đại Đức Thích Hạnh Chánh, Đại Đức Thích Hạnh Đức, Đại Đức Thích Giác Định và Đại Đức Thích Giác Trí. Năm vị nầy đều là người Quảng Nam và đã thi đỗ Tiến Sĩ cùng một năm và cả năm vị, tôi cũng đã bảo bọc tài chánh cho suốt học trình nghiên cứu của Cao Học và Tiến Sĩ trong nhiều năm dài như vậy dầu nhiều hay ít, tùy theo nhu cầu của từng vị. Trong 5 vị nầy có 3 vị chính thức xin y chỉ nơi tôi và ngày nay họ đang cũng như sẽ tạo nên những thành tích cho Đời cũng như cho Đạo.

Ngoài ra từ năm 1994 đến nay 2012 đã gần 19 năm chùa Viên Giác và bản thân chúng tôi đã cấp phát học bổng cho 200 Thầy Cô du học tại Hoa Kỳ, Đài Loan, đa phần là Ấn Độ. Trải qua một chặng đường dài như vậy, cho đến hôm nay đã có 132 vị tốt nghiệp học vị cao nhất của Đời cũng như của Đạo. Đó là học hàm Bác Sĩ Văn Học chuyên ngành về Phật Giáo. Trong 200 vị ấy không có ai là đệ tử xuất gia của tôi; nhưng một số Tăng Ni cũng đã xin tôi làm Thầy y chỉ. Sau khi thành tài có một số quý vị đã về Việt Nam làm việc; đa số đến Hoa Kỳ cũng như Âu Châu và Úc Châu.

Nói ra việc nầy chẳng phải để kể công; nhưng tôi mượn cơ hội nầy để xin cảm ơn quý Cô và quý Phật Tử chùa Viên Giác đã ngày đêm làm từng chiếc bánh phát hành để nuôi quý Thầy Cô ăn học. Ngoài ra cũng có một số Phật Tử ẩn danh giúp cho tôi trong những năm sau nầy, khi khâu bánh trái của chùa Viên Giác không còn hoạt động mạnh như xưa nữa. Vì quý Cô và quý Bác tại đây đã lớn tuổi, cần phải tịnh dưỡng nhiều hơn cũng như lo tụng kinh niệm Phật để lo cho phần Hậu Sự của mình sau nầy.

Nay tôi cũng đã ở tuổi 64 và gần 50 năm nương tựa nơi cửa chùa, tôi đã thọ ân của Tam Bảo và Đàn Na Tín Thí rất nhiều, đã san sẻ phần tài chánh của chùa và của mình để phát học bổng cho quý Thầy Cô trong vòng 19 năm như thế không gián đoạn và mỗi năm trung bình, kể cả những vị học ở cấp dưới như Cao Học, Cử Nhân và Tú Tài, con số thành không nhỏ. Nó giao động từ 30.000 đến 50.000 Mỹ Kim. Tôi sẽ chính thức phát cho quý Tăng Ni đang du học tại Ấn Độ trong tháng 10 năm 2012 nầy nữa là lần chót. Rất tiếc không được góp phần cho những vị học trễ sau này.

Xin niệm ân tất cả những Thầy Cô đã cho tôi và Tăng Ni cũng như Phật Tử chùa Viên Giác đã có cơ hội đóng góp chỉ riêng tiền học bổng trong vòng 19 năm qua, con số trên dưới 1 triệu Mỹ Kim để đào tạo thành những nhà Bác Học cho Phật Giáo, trong đó có cả các đệ tử xuất gia của tôi, những vị đệ tử y chỉ và đệ tử của những Thầy Cô khác.

Khi phát học bổng cho qúy Thầy Cô, đặc biệt tôi không phân biệt Bắc, Trung, Nam hay hệ phái như Khất Sĩ, Nguyên Thủy hay Bắc Tông v.v... mà tất cả đều theo nhu cầu của từng vị một. Có những vị mỗi năm nhận 1.500 đô la Mỹ, có vị nhiều hơn nhưng cũng có vị ít hơn như 500 đô hay 1.000 đô la v.v... Tất cả đều lệ thuộc vào nhu cầu sách vở, tiền học phí nhà trường, ăn ở v.v...

Tôi nhu cảm thấy vui với những việc đã làm. Vì người làm ơn nên quên, kẻ chịu ơn nên nhớ. Do vậy tôi chỉ nêu lên một lần chính thức nầy và đây cũng là lần chót, không đề cập đến chuyện cấp phát học bổng trong tương lai nữa. Tôi chỉ mong rằng quý Thầy Cô khác đã ra trường nên tiếp tục hướng dẫn giúp đỡ chia xẻ với lớp đàn em của mình ở mọi hình thức khác nhau, thì không mong gì ngọn đèn chánh pháp vẫn luôn tỏa sáng khắp muôn phương.

Một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi; nhưng tôi rất lấy làm mãn nguyện về những gì đã thực hiện được để giúp đỡ cho quý Thầy, Cô; và tôi nghĩ, những công việc như vậy nay chính là lúc đáng dừng lại để cho những thế hệ sau tiếp tục gánh vác vì những lý do như tôi đã nêu trên.

Người xưa thường nói rằng:

Học hải vô nhai, cần thị ngạn

Thanh không hữu lộ, chí vi thê

Nghĩa:

Biển học không bờ, siêng là bến

Trời xanh có lối, chí là thang

Dầu cho không gian có vô cùng và thời gian có vô tận đi chăng nữa, nhưng với những người có ý chí mạnh và siêng năng thì cái gì cũng có thể thành tựu được. Do vậy người Pháp cũng có câu tục ngữ là: „Sự thành công không là điều quan trọng, mà điều quan trọng là phải làm thế nào để đi đến sự thành công“.

Một học trình dài từ Tiểu Học lên Trung Học rồi Đại Học rồi Hậu Đại Học kéo dài hơn 20 năm, có người đi được trọn vẹn, còn đa phần là dang dở ở Tiểu Học hay Trung Học và bỏ đi học nghề để tìm việc nuôi thân. Những người xong Đại Học hay Hậu Đại Học là những người có điều kiện và ý chí mãnh liệt nhằm xây dựng hay tô bồi nền văn học, mới có thể hoàn thành những giai đoạn sau cùng của một người làm văn hóa. Đó là những luận văn tốt nghiệp Đại Học, Cao Học hay những luận án chuyên ngành ở cấp bậc Tiến Sĩ, Bác Sĩ. Dĩ nhiên sự học mênh mông vô cùng tận, chỉ trừ khi nắp quan tài đậy lại là chúng ta không còn có cơ hội để học nữa; nếu còn sống còn phải học để thích nghi với đời sống, với sự việc.

Mới đây báo chí có đề cập đến 10 người Việt Nam thành công nhất trên thế giới đang ở ngoại quốc qua nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chính trị, văn hóa, khoa học, thương mãi v.v... đây là những bài học sống động chúng ta nên suy gẫm và cố gắng thực hành. Hôm nay tôi chỉ xin đơn cử hai trường hợp đặc biệt. Đó là trường hợp của một người Việt ở Mỹ và một người Việt ở Đức.

Đó là giáo sư Tiến Sĩ Trương Nguyện Thành có xuất xứ là một cậu bé bán thuốc lá ở chợ Gò Vấp Việt Nam, nay trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Hoa Kỳ. Đọc tiểu sử của anh ta từ lúc tấm bé cho đến khi trưởng thành; chẳng thấy có điều gì đặc biệt ngoài tinh thần cố gắng và tận tụy. Hình như yếu tố thông minh ít được đề cập đến.

Sau năm 1975 nhiều gia đình ở miền Nam Việt Nam lâm vào cảnh suy thoái ở mọi lĩnh vực về vật chất cũng như tinh thần. Tất cả đều do vấn đề tư tưởng chủ nghĩa. Do vậy người miền Nam mới bị khốn khổ, nhiều người tìm cách bỏ nước ra đi.Cậu bé Thành thuở ấy phải về Gò Vấp để đi bán thuốc lá dạo lúc cậu ta 11 tuổi. Đến tuổi 15 cậu cùng gia đình dời về Lái Thiêu để làm ruộng, chăn trâu. Ngày làm việc, đêm xem sách, học toán cho đến khuya. Cậu được ông Thầy giáo dạy toán lưu tâm về sự thông minh và hiếu học, nên đã ghi tên ứng thí; nhưng vì trong lý lịch có cha đi lính trong chế độ miền Nam, nên cô giáo không cho đi thi. Nhưng ông Thầy dạy toán tìm mọi cách để anh Thành được ứng thí và cuối cùng anh được tuyển vào một trong 5 học sinh giỏi nhất.

Năm 19 tuổi, tuy anh đã đậu vào Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, nhưng cha anh đã tìm cách cho anh vượt biển và cuối cùng đã đến được Hoa Kỳ. Sau một năm học Trung Học với những khó khăn về ngôn ngữ mới, anh đã bắt đầu cuộc sống tự lập ở Đại Học cho đến khi ra trường. Anh ta kể rằng: Lúc mới đến Mỹ, anh ta quen với một người bạn Việt Nam khác. Người này sau khi xong Trung Học thì đi tìm việc làm và làm việc ngay tại địa phương với công việc là bóc ruột gà Tây ở một hãng làm thịt gà. Riêng Thành vẫn cố gắng trên đường học vấn. Anh chỉ sống với một valy sách vở và số tiền học bổng nghèo nàn; trong khi đó người bạn kia sau hai năm làm việc tại hãng mổ gà Tây bây giờ đã có xe hơi và nhà riêng.

Còn anh vẫn cố gắng nghiên cứu, tìm tòi viết 16 bài nghiên cứu về khoa học giá trị. Đến năm 1992 anh về làm Giáo sư Đại Học Utah sau khi đỗ Tiến Sĩ. Sau đó anh được chọn là nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ với giải thưởng 500.000 đô la cho những công trình nghiên cứu và năm 2002 anh Thành được cấp bằng Giáo Sư cao cấp, tức là bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo Sư của Mỹ.

Sau đó anh về thăm lại chốn xưa, người bạn cũ bây giờ không còn làm trong hãng gà Tây đông lạnh nữa. Vì sau bao nhiêu năm đứng trong nhà máy đông lạnh, bây giờ tay chân đã rã rời và đổi nghề khác. Khi đề cập về các yếu tố để được thành công như trên, Giáo sư Thành cho biết rằng: Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển và thứ ba người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.

Đây là ba điều kiện cần và có. Thật sự ra, ai sinh ra trong đời nầy cũng mang theo một năng khiếu đặc biệt. Thế nhưng mình không biết nhận ra mình mà thôi. Vả lại bản chất của con người là lười biếng; chỉ muốn có kết quả sớm như mì ăn liền thì làm sao chín chắn được. Điều thứ hai quan trọng là môi trường. Cũng may là Giáo sư Thành được đi Mỹ để học; nếu chẳng may bị trôi giạt đến những rừng già hay sa mạc của Phi Châu thì chắc chắn rằng Giáo sư Thành không có ngày nầy đâu. Điểm cuối cùng là chính mỗi cá nhân có nhận thức được mình có cơ hội ấy không?

Đọc ba điều trên của một cậu bé đi bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp thuở nào, rồi chăn trâu, làm ruộng ở Lái Thiêu mà bây giờ là Giáo sư Tiến Sĩ đang đứng trên bực giảng của Đại Học Utah Hoa Kỳ, giảng cho những sinh viên Tiến Sĩ khác về công trình nghiên cứu của mình thì thật là một điều kỳ diệu.

Ngày xưa vào thế kỷ thứ 13 ở Nhật có một vị Tổ của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, đạo hiệu là Shinran (Thân Loan); sau khi tu chứng và nương vào tha lực của Đức Phật A Di Đà để được thành tựu việc vãng sanh về thế giới Cực Lạc trong phần Giáo, Hạnh, Tín, Chứng; Ngài viết rằng: Thật ra một người mù và một người có mắt cùng đi chung trên một chuyến đò, khi qua được bên kia bờ rồi thì người mù và kẻ sáng mắt ấy giống nhau ở mục đích đến, không có gì khác nhau cả. Chiếc thuyền chỉ cho tha lực của Đức Phật A Di Đà; còn người mù, kẻ sáng mắt là chúng sanh trong thế giới nầy. Bờ bên kia, chính là sự giải thoát sanh tử. Khi qua được rồi thì ai cũng giống nhau. Đây là nhờ bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà chúng sanh được thành tựu như vậy. Do đó pháp môn Tịnh Độ không kể kẻ phàm, người trí, xuất gia hay tại gia… tất cả đều có thể lên bờ giải thoát; nếu chúng sanh ấy ưa muốn.

Năm 1972 khi tôi còn học tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ ở Yottsuya, có bà giáo già lúc nào cũng nhấn mạnh rằng: Ano hito Atama ga ii desu ne! (Người kia thông minh) Sono hito Atama ga warui desu ne! (Người nọ dốt, dở). Tôi đưa tay lên phản bác và lý luận rằng: Thật ra chẳng có người nào là thông minh và cũng chẳng có người nào đần độn cả. Ví dụ như lập phương trình để giải một bài toán. Đáp số ra giống nhau thì không thể nói rằng ai thông minh và ai kém thông minh. Chỉ có điều người giải trước và kẻ giải sau mà thôi. Bà giáo lắc đầu và chẳng nói gì. Lập luận nầy mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ như thế. Thật sự ra yếu tố thông minh chỉ là yếu tố phụ. Yếu tố cần và chăm là yếu tố chính của mọi người. Vì lẽ Phật tánh thì không phân biệt đàn bà, đàn ông hay kẻ ngu người trí. Tất cả đều giống nhau. Điều quan trọng là Phật tánh của người ấy có sáng suốt toàn diện hay Phật tánh kia vẫn còn một phần mây mù của vô minh che phủ mà thôi. Ở đây giống nhau là Phật tánh, khác nhau là ai đã được chiếu sáng toàn diện và ai vẫn còn bị bóng mây che phủ. Như vậy Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Nhạc Sĩ, Đạo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Sĩ v.v… tất cả chúng ta đều có thể trở thành; nếu chúng ta thực tâm mong muốn điều đó.

Câu chuyện thứ hai liên hệ với xứ Đức, nơi tôi đang ở từ năm 1977 đến nay. Khi mới đến đây ai cũng lo chiến đấu với ngôn ngữ và cái lạnh của xứ Đức nầy. Thật ra ở Nhật cũng có tuyết vào đông, nhiệt độ ở Tokyo thỉnh thoảng vẫn ở không độ; nhưng sao ở đây cái lạnh nó tê tái, mà ngôn ngữ khó vô cùng; nào der, die, das và đủ loại biến thể của ngôn ngữ nầy. Tôi ăn chay nên đi tìm mua đậu hủ và chao không phải đơn giản như bây giờ. Phải lên tận Hamburg vào tiệm người Hoa hay xuống Aachen mới tìm mua được những món nầy.

Nhưng rồi ngày tháng trôi qua ai cũng quen đi. Bỗng một hôm, trên đường từ nhà ga xe lửa về chùa, tôi nhận thấy có một tấm bảng quảng cáo tranh cử cho đảng F.D.P (Đảng Dân Chủ Tự Do). Tôi nhìn kỹ thì thấy người thanh niên ấy dáng dấp là người Việt Nam, nhưng lại mang tên là Dr. Philipp Rößler. Sau nầy tìm hiểu và được biết anh ta ứng cử đơn vị Döhren; nơi gần chùa Viên Giác và anh đã đắc cử Dân Biểu tại địa phương nầy. Bẵng đi một thời gian báo chí lại đưa tin rằng: Dr. Philipp Rößler bây giờ là Tổng Thư Ký của đảng F.D.P và là Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Thể Thao của Tiểu Bang Niedersachsen. Tôi xem tin tức thấy cũng vui. Vì mình là người Việt Nam mà có người sinh ra tại Việt Nam bây giờ làm chức lớn như thế ở trong Tiểu Bang này lại còn gì vui hơn thế nữa.

Sau kỳ bầu cử Quốc Hội Liên Bang của Đức cách đây 3 năm, đảng CDU/CSU liên kết với đảng F.D.P cầm quyền và vào năm 2010 Dr. Rößler đã được bầu làm Bộ Trưởng Y Tế Liên Bang Đức; đến giữa năm 2011 ông Westerwelle, Đảng Trưởng F.D.P, được cử làm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao; còn Dr.Philipp Rößler lên làm Đảng Trưởng, đương kiêm Phó Thủ Tướng. Vị trí nằm thứ 2 trong nội các liên minh, chỉ ngồi sau bà Thủ Tướng Dr. Merkel một ghế, mà người ấy lại có mái tóc đen, xuất xứ từ Việt Nam, quả là điều mầu nhiệm. Khi Dr. Rößler lên làm Bộ Trưởng Y Tế coi sóc sức khỏe cho 85 triệu dân Đức, nhật báo Bildzeitung (Hình Ảnh) đăng tin rằng: „Có một người không có quê hương, không có tên gọi khi mới sinh ra. Bây giờ là Bộ Trưởng Y Tế của đất nước chúng ta“.Đây là một tin nóng hổi, ai đọc cũng biết đó là người nào. Thế rồi tờ báo mới đi ngược dòng thời gian như sau:

Người ấy mới 9 tháng tuổi vào cuối năm 1973 đã được một gia đình người Đức ở Hamburg đến Cô Nhi Viện ở Sóc Trăng nhận về đây làm con nuôi và sau đó gia đình cha mẹ nuôi về ở Bückeburg, tiếp đến cậu Philipp Rößler học Y khoa tại Đại Học Hannover. Anh thực tập trong trại lính với chuyên ngành về nhãn khoa. Vợ của Philipp người ở Goslar cũng là Bác Sĩ, sau khi thành hôn, bà vợ khuyên anh nên về Việt Nam để thăm lại quê hương cũ để sau nầy hai con song sinh của anh lớn lên hỏi quê nội ở đâu thì con anh có thể biết được.

Từ đó tờ báo tiếp tục theo dõi sự việc nầy và các phóng viên cũng về tận Sóc Trăng; nơi Cô Nhi Viện Thiên Chúa Giáo đã nuôi dưỡng Dr.Philipp Rößler từ những ngày mới lọt lòng mẹ và được đem vào đây để cho các Dì Phước nuôi. Một trong hai Dì Phước trông trẻ lúc ấy đã mất, bây giờ chỉ còn lại một bà Soeur già đã hơn 80 tuổi. Phóng viên Đức hỏi rằng: Bây giờ Soeur có mong được gì ở một ông Phó Thủ Tướng Đức mà ngày xưa, cách đây 38 năm về trước Soeur đã chăm sóc cho ông ta không? Soeur già nhoẻn miệng cười và chỉ trả lời rằng: „Tôi chỉ muốn giữ lại hình ảnh của đứa bé 9 tháng tuổi thuở ấy mà thôi“. Câu trả lời thật là chân tình và đầy đủ ý nghĩa.

Đúng là vận may của Dr. Philipp Rößler. Nếu chẳng may ông vẫn còn ở lại trên quê hương xứ Việt thì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chẳng biết đã ra sao! Và cũng may cho ông được một gia đình người Đức bảo trợ và nuôi dưỡng trên lãnh thổ Tự Do Tây Đức. Nếu lỡ bị sang Đông Đức hay các xứ nghèo khổ khác thì chắc gì Philipp đã có ngày hôm nay. Nhưng thỉnh thoảng người Việt tại Đức vẫn không vui mấy khi nghe những câu trả lời với báo chí của ông Phó Thủ Tướng nầy là: Tại sao người ta phải tìm lại quá khứ để làm gì? – Có lẽ ông muốn lấy lòng 85 triệu cử tri Đức? Nhưng mỗi ngày ông soi kiếng, ông vẫn thấy mình tóc đen, mũi thấp. Tuy vậy người Đức vẫn chấp nhận ông và cộng đồng người Việt ở đây vẫn thấy gần gũi với ông, vì dẫu sao đi nữa ông ta đã được sinh ra nơi mảnh đất có hình cong như chữ S.

Tôi quan sát từ trước và sau năm 1975 đến nay thì thấy rằng: Có những thế hệ Ông Bà không biết chữ, không biết ký tên mình vào Pasport; nhưng thế hệ thứ hai, con cái của những người nầy hiện là những thương gia giàu có trên khắp thế giới ngày nay. Kế đến thế hệ thứ ba được sinh ra tại xứ Đức nầy họ là Bác Sĩ, Nha Sĩ, Kỹ Sư, Tiến Sĩ v.v… Thế hệ nầy đã hội nhập hoàn toàn vào quê hương mới; nhưng đến thế hệ kế tiếp thì lại có nhiều vấn đề như tự tử, ly dị, bỏ học giữa chừng v.v… đây chẳng qua là kết quả của một chuỗi thời gian dài mà người tỵ nạn đã kinh qua. Do vậy ông bà mình xưa nay nói chẳng sai chút nào là: „Chưa có ai giàu ba họ, đâu có ai khó ba đời“ là vậy.

Với những điều tốt đẹp và thành quả đã nêu trên bên Đời cũng như bên Đạo, tôi không có ý tự hào, tự mãn mà chỉ tin vào khả năng của mỗi người trong chúng ta khi đối diện với sự học hành, thi cử cũng như những công việc hằng ngày; và tuyệt nhiên không có tính cách khoe danh là tôi được thế nầy, mà người khác chẳng được. Nếu người khác muốn thì vẫn làm được như thường. Vì tục ngữ Pháp có câu: „Vouloir c’est pouvoir“ (Muốn là được).

Tôi viết bài nầy với tất cả niệm chân tình của mình đối với những bậc Trưởng Thượng cũng như đối với Sư Đệ, Sư Điệt và Đệ Tử của mình và những người không quen biết đã một thời làm rạng danh cho dòng giống Lạc Hồng tại xứ người; nhưng nếu nhìn dưới nhãn quan của Phật Giáo, bất cứ là Sĩ nào trong xã hội nầy cũng đều bị biến đổi bởi vô thường, khổ, không và vô ngã cả. Không có bất cứ cái gì có thể tồn tại trong đời nầy ngoại trừ cái tâm. Tâm ấy dẫn đầu các pháp, tâm ấy tạo ra thiện ác. Do vậy tu tâm là quan trọng để chúng ta làm sao thoát khỏi vòng sinh tử, tử sinh nầy mới là điều đáng quý. Còn bao nhiêu Vua, Quan, Công, Hầu, Khanh, Tướng, Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh v.v… cuối cùng rồi cũng đi vào chỗ không to tướng mà thôi.

Mong mọi người hiểu được như vậy.

Thích Như Điển

Viết xong vào ngày 12 tháng 2 năm 2012

tại Tu Viện Viên Đức.

Kỷ niệm ngày Hạnh Giả xuất gia 10 năm về trước.

----o0o---

Trình bày: Tịnh Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5263)
Khi Trưởng lão HT.Thích Giác Dũng còn sinh tiền, ngài thường dạy, "Tu thì phải đi trong thiền, đứng trong thiền, ngồi trong thiền, làm trong thiền, nói trong thiền… chứ không phải đợi ngồi mới thiền".
09/04/2013(Xem: 19185)
Borobudur là một bảo tháp hùng vĩ và lớn nhất của PG thế giới và được xem là một trong 70 kỳ quan của thế giới được Tổ chức Unesco ghi nhận là một Thánh tích quan trọng và đã tài trợ để trùng tu vào năm 1973.
09/04/2013(Xem: 7358)
Tập sưu tầm nói về khoa học và sự tái sinh này gồm nhiều đoạn. Mỗi đoạn đề cập đến một số “khía cạnh” của năng lực tinh thần, xuyên qua thể xác đang sống. Cách diễn tả được trình bày dưới dạng một “liên quan” khoa học.
09/04/2013(Xem: 6872)
Ngày còn ở quê nhà, tôi làm nghề gõ đầu trẻ từ Tiểu học lên Trung học, từ Huế vào Đà Nẵng. Sau tháng Tư đen, cũng như bao nhiêu nhà giáo lớp vào tù cải tạo, lớp vượt biên, lớp âm thầm sống cho qua ngày đoạn tháng. Trong số đó có bản thân tôi. Khi đang còn ở trong chúng Trúc Lâm, theo ẩn náu hạnh đức nghiêm từ của Sư phụ để tu tập tiếp.
09/04/2013(Xem: 25839)
Báo chí Phương Tây và châu Á đều quan tâm đến ngôi sao điện ảnh của Hollywood này, khi anh bỏ ngang việc đóng phim và đến Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ tu học 6 tháng với các vị Lạt ma Tây Tạng vào đầu năm 1996. Trở lại Hoa Kỳ sau nhiều tháng ở Ấn Độ và Mông Cổ, người ta đều nhận thấy anh càng trẻ hơn, yêu đời hơn so với cái tuổi 48 của anh rất nhiều. Phải chăng đó là kết quả của sự thanh lọc thân tâm sau một thời gian dài ở phương Đông?
09/04/2013(Xem: 5868)
Một hôm, một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị hư đậu bên đường. Tuy trời đã sẫm tối anh vẫn có thể thấy bà đang cần sự giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề đậu phía trước chiếc Mercedes của bà rồi bước xuống xe. Chiếc xe cũ kỹ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại.
09/04/2013(Xem: 17672)
Con người sinh ra đều giống nhau ở điểm là hai bàn tay trắng, không một mảnh vải che thân, sự khác đi của con người bắt nguồn từ quá trình trưởng thành, chịu ảnh hưởng cuộc sống từ gia đình và xã hội, xuất phát từ cơ sở đó định hướng cho mình một hướng đi, . . .
09/04/2013(Xem: 10493)
Hôm nay là ngày 4 tháng 6 năm 2002 nhằm ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Ngọ tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 34 của mình với nhan đề là: "Cảm Tạ Xứ Đức".
09/04/2013(Xem: 10970)
Tác phẩm thứ 29 nầy được bắt đầu viết vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 7 tháng 6 năm 2000, nhằm ngày mồng 6 tháng 5 năm Canh Thìn. Hôm nay trời không đẹp lắm, vì có nhiều cụm mây đen đang phủ kín đó đây phía bên ngoài.
09/04/2013(Xem: 8673)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (2005) Phật lịch 2549 tại Chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc, tôi và tăng chúng độ 30 vị, rất an lạc trong mỗi từng sát na sanh diệt của cuộc đời ở trong 90 ngày ấy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]