Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoa Nở Đình Hoang

03/01/201921:10(Xem: 5069)
Hoa Nở Đình Hoang

TRUYỆN NGẮN XUÂN KỶ HỢI 2019

                

HOA NỞ ĐÌNH HOANG

 minh họa Hoa Nở Đình Hoang

 

            Cả thôn không ai rõ lão già mặt thẹo gờm ghiếc từ đâu trôi dạt đến, chọn thềm hiên của ngôi đình thờ thần hoàng làm nơi an trú, chẳng ma nào dám đuổi, kể cả ông Thức thôn trưởng đi cùng ba đội viên xung kích hùng hùng hổ hổ với súng ống và gậy gộc trong tay. Nghe đâu, chỉ mới thấy mặt lão già mặt thẹo và nghe tiếng gầm gừ ghê rợn của lão, ông thôn trưởng cùng ba anh xung kích đã bủn rủn tay chân, co giò rụt cổ bỏ chạy tán loạn như bầy vịt.

          Nghe đâu, Trưởng công an Xã đích thân đến đình để nói chuyện phải trái với lão già cư trú bất hợp pháp ấy, chưa nói được gì, chỉ mới thấy lão già mặt thẹo trợn lên, cùng với tiếng gầm gừ khoe những cái răng vàng khè nhọn hoắc, anh ta đã luýnh quýnh bắn ba phát súng chỉ… địa, rồi run lập cập mà vắt giò lên cổ vừa chạy vừa la làng la xóm.

          Nghe đâu, lão già mặt thẹo là ông thần hổ hiện hình về bảo vệ cho đình thờ thành hoàng vì nơi thờ phụng thiêng liêng này đã bị thế hệ “hậu sinh khả ố” làm cho ô uế, điêu tàn hoang lạnh bao năm qua, từ hồi mới mở cửa xóa bỏ bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường.

          Nghe đâu, từ ngày có mặt lão mặt thẹo ở trong đình, đêm đêm đứng xa nhìn lại, thấy xung quanh khu vực ngôi đình sáng rực lên một màu xanh tím tím thật ma quái rợn người, hòa cùng với tiếng chuông mõ trầm đục khô khốc...

         Người dân thôn Đại Giã nghe và nói, thêu dệt và tưởng tượng rất nhiều về lão mặt thẹo kỳ dị ấy, làm cho những người ở thôn khác trong khắp xã và cả khắp huyện không biết đường đâu mà tin, tò mò cứ thêm tò mò, vẫn không thể nào biết đích xác được lão mặt thẹo là ai, thân thế và xuất xứ như thế nào…

          Lão trở thành một con người huyền thoại, một nhân vật truyền thuyết của dân gian, và là hình tượng bất khả xâm phạm. Dường như người ta thích vậy, chứ không thích mọi sự được minh bạch rõ ràng. Mọi người cứ gọi lão già mặt thẹo ấy là Lão Cọp, hoặc gọi nghe cho kiếm hiệp Kim Dung hơn là Hộ Pháp Lão Hổ.

         Lão Cọp vẫn hiện hữu, vẫn tồn tại giữa cuộc sống bề bộn lo toan của người dân thôn Đại Giã, thoạt ẩn thoạt hiện bên trong ngôi đình thờ thành hoàng hoang phế…

          Buổi trưa ngày hai mươi hai tháng Chạp, hai chị em Bích và Khang rủ nhau đi đến vườn nhà bác Sáu Keo mua hoa hồng về cho mẹ cắm bình cúng Phật, và cúng đưa ông Táo về trời. Vườn hoa nhà bác Sáu Keo đẹp nhất vùng, có đủ loại hoa trên đời, bước vào bên trong lớ ngớ có thể đi lạc giữa sắc hương rực rỡ và ngào ngạt. Bác Sáu Keo là người duy nhất trồng hoa để bán trong thôn, nhất là vào dịp Tết, hoa của vườn nhà bác được chở về thành phố dự hội hoa xuân, hết chuyến xe này đến chuyến xe khác vào ra nườm nượp mà vẫn không sao làm cho vườn hoa trống vắng đi. Bà con nào ở trong thôn đến mua hoa, bác Sáu Keo bán rất rẻ, tính giá hữu nghị mua một tặng một, vì bác biết nhà ai cũng nghèo, đồng tiền kiếm ra không phải dễ, nên tiền mua hoa về cắm chắc phải là món tiền “đứt ruột”. Vậy mà bác Sáu vẫn bị người ta gán cho chữ Keo, ý rằng keo kiệt bủn xỉn, tính toán chi li thiệt hơn như Trùm Sò.

          Nhà của hai chị em Bích và Khang không phải khá giả, nhưng vì cha mẹ rất yêu thích hoa, mà trong sân vườn nhà lại không có hoa, nói đúng ra là chưa có kịp, vì gia đình mới dọn đến sống ở thôn này. Cha bận bịu với công việc y tá trạm y tế Xã, mẹ cặm cụi với thiên chức cô giáo trường làng, nên rất ít có thời gian để ươm bón vun trồng cho sân vườn nhà được xanh tươi đẹp đẽ. Cha chỉ kịp trồng mấy cây cau cảnh, vài khóm thược dược, hai cây mai tứ quý còn ở tuổi thiếu niên nhi đồng mà cha đã đặt tên cho cây lớn là Bích, cây nhỏ là Khang. Còn lại, là những chậu cúc đại đóa, mãn đình hồng, hướng dương cha đi mua ở vườn ông Sáu Keo từ tháng trước, cùng với mười mấy nhánh phong lan treo lung lẳng dưới giàn mồng tơi mát rượi… Vì vậy, mỗi khi cúng kiếng, mẹ phải mua hoa về cắm bình, mỗi tháng hai lần vào mồng một và rằm âm lịch. Những lần trước, đích thân mẹ đi đến vườn nhà bác Sáu Keo để trước là mua hoa, sau là làm quen với người láng giềng mới của nhà mình. Lần này, vì công việc cuối năm rộn ràng bề bộn, mẹ mới sai chị em Bích và Khang đi mua giúp. Hai chị em hí ha hí hửng, tung tăng trên con lộ đất lượn vòng uốn quanh nhiều lần để đến vườn nhà bác Sáu Keo, cả hai đều rất thích được vào ngắm nghía khu vườn tuyệt vời nhất thôn Đại Giã.

           Hai chị em đi ngang qua ngôi đình thờ thành hoàng rêu phong già nua im ắng. Nắng chang chang. Gió lặng. Lặng yên và vắng vẻ. Bích tò mò đứng lại nhìn vào bên trong sân đình.  Khang lộ vẻ sợ sệt, níu cánh tay chị, giục:

“Đi đi chị, đứng lại làm gì?”

“Để chị nhìn chút đã…”

“Ở trỏng gớm lắm, có gì đâu mà nhìn? Coi chừng…”

“Coi chừng cái gì? Có gì đâu mà gớm? Em không thấy bên trong sân đình, quanh đình đang rực rỡ những loại hoa tươi tắn sao?”

 “Ờ hén… hoa nhiều và đẹp ghê ta. Nhưng mà… chị ơi, em nghe nói ở trỏng có… có một con quỷ ghê rợn lắm!”

“Tầm bậy. Chỉ toàn là tin đồn nhảm thôi. Chị cũng nghe rồi chớ bộ. Không phải con quỷ mà là ông một ông thần hổ hiện thân, người ta gọi là Lão Cọp!”

“Ờ đúng rồi. Vậy thì đi đi, đứng lại đây em sợ lắm!”

“Đừng nhát như thỏ đế. Con trai thì phải dũng cảm anh hùng chứ!”

          “Nhưng mình còn phải đi mua hoa về nữa, bộ đứng đây ngó vào hoài sao?”

 Bích vùng vằng gỡ tay em trai ra, nói:

“Chị muốn vào trỏng xem hoa, rồi hỏi mua, không chừng được tặng một bó đem về đỡ tốn tiền. Em không dám thì đứng đây chờ, để chị vào một mình!”

“Trời đất, lỡ gặp Lão Cọp ăn thịt chị thì sao?”

“Tầm bậy. Người ta đồn bậy đồn bạ, chứ làm gì có thật, vì nếu có một Lão Cọp hung dữ ăn thịt người thì công an đã bắn chết tiêu rồi.”

“Lão Cọp ghê gớm lắm, em nghe công an bỏ chạy mà. Ổng là hộ pháp hộ mệnh gì đó,   phép thuật cao cường lắm!”

 “Không có chuyện đó đâu, bịa đặt thôi. Em nghĩ xem, nếu là một kẻ hung ác bạo tàn thì đâu có yêu thích cái đẹp, đâu có yêu hoa để rồi trồng nên một vườn hoa tuyệt vời làm cho ngôi đình sáng sủa, đẹp đẽ hơn xưa? Chị nghĩ, và tin chắc rằng Lão Cọp trong đình là một người hiền từ nhân hậu, không hại ai, không hại chị em mình đâu!”

“Ờ hén. Chị nói cũng có lý. Nhưng lỡ… những thứ hoa trong đình được trồng bằng bằng phép tà thuật của Lão Cọp thì sao?”

“Em ngu quá. Đời bây giờ, văn minh tiến bộ, khoa học hiện đại mà còn tin chuyện phép thuật bùa chú. Hoa trong đình nếu không đổ mồ hôi công sức ra để chăm bón vun trồng thì không cách nào có được!”

“Nhưng mà…”

 “Thôi, đừng có nhưng với nhị nữa. Em không vào, chị vào!”

 Bích  dứt lời đã mạnh dạn bước qua cổng hình vòm cong, vào đến giữa sân đình.  Khang chần chừ giây lát, rồi nín thở bước từng bước dè dặt vào theo. Im phăng phắc. Hương hoa thoang thoảng dễ chịu. Bích sáng mắt lên, chỉ về phía bên hông đình thích thú nói:

 “Em xem kìa, hướng dương. Hoa hướng dương đang bắt nắng, đẹp quá!”

Hai chị em nắm tay nhau bước lại gần bên những đóa hoa hướng dương vàng rực tươi rói, mắt nhìn ngắm không chớp. Đang mải mê trầm trồ, tấm tắc bên những đóa hoa mặt trời bé con, chợt hai chị em nghe một tiếng tằng hắng vang lên từ phía thềm hiên đình. Khang giật nẩy mình, nép sát người vào chị ngay. Hai chị em quay đầu nhìn lại. Dưới mái đình rêu xanh thấp lè tè, đứng trên thềm hiên loang lỗ là một ông già râu tóc bạc phơ, lưng hơi khum khum, trong bộ đồ rộng thùng thình màu nâu sồng bạc thếch. Đó chính là Lão Cọp.

Lần đầu tiên hai chị em nhìn thấy dung nhan của con người mà thiên hạ đồn đại là hung dữ, là ma quái quỷ tà, là thần hổ gớm guốc. Gương mặt Lão Cọp đúng là một gương mặt đầy thẹo thọ lồi lõm. Mắt của Lão Cọp đúng là đôi mắt dữ tợn trợn trừng và đỏ đục. Nhưng, miệng mồm của Lão Cọp không như người ta tả là rộng toang hoác, nhe những ranh nanh nhọn hoắc. Cứ nhìn lão đang cười kia thì biết. Lão Cọp đang nhoẻn miệng cười, một nụ cười hiền hậu nhân từ, không hề còn chiếc răng nào để mà nhe và khoe. Khang bấu cánh tay chị, kêu lên:

“Lão Cọp! Lão Cọp đó chị ơi…”

Bích  suỵt” một tiếng, nắm tay em, bước về phía Lão Cọp, vòng tay lễ phép thưa :     

“Cháu chào ông ạ!”

Rồi nhìn em trai, bảo nhỏ:

“Em chào ông đi, đừng sợ gì hết, có chị đây mà!”

Giọng hơi run run, Khang cũng vòng tay thưa:

“Cháu chào ông ạ! Cháu không dám phá gì đâu…”

Bước nhẹ nhàng xuống sân, Lão Cọp gật gù cất giọng ồ ồ:

“Giỏi. Các cháu giỏi lắm. Các cháu là con nhà ai, ở đâu?”

           Bích mạnh dạn hẳn lên, liếng thoắng:

“Nhà tụi cháu ở cách đây chừng hai trăm thước. Cha cháu là y tá, mẹ là giáo viên ạ!”

Lão Cọp chắp hai tay ra sau mông, đầu cứ gục gặt liên hồi, hỏi:

“Các cháu không sợ ông sao? Sao dám vào đây?”

“Sợ gì ạ?” Bích thản nhiên.

“Sợ ông ăn thịt. Người ta đồn ông như vậy, các cháu không nghe à?”

“Dạ nghe chứ!” Bích cười nói “Hồi gia đình tụi cháu mới dọn về đây ở, đã nghe hàng xóm nói cho nghe về ông rồi.”

“Gia đình cháu mới đến ở thôn này à?”

“Dạ, được ba tháng rồi ông ơi!” Khang lên tiếng “Trước kia nhà cháu ở bên kia sông, tuốt ở thôn Kim Hữu lận!”

Bích huyên thuyên:

“Khi nãy, Khang em của cháu nó sợ không dám vào đây, cháu đã có nói với nó rằng: Chỉ là tin đồn, đừng có tin. Cháu nhìn vào, thấy quanh đình đầy ắp những hoa xinh, nên nghĩ ông là người hiền lành chứ không phải là ác quỷ tà ma đâu!”

Lão Cọp cười khề khà thích thú, khen:

“Cháu mới chừng này tuổi đầu mà thông minh, sáng suốt, có nhận xét tinh tế chẳng thua gì người lớn, thậm chí còn hơn nhiều người lớn mê muội tối tăm! Vậy, cha mẹ các cháu có tin vào lời đồn đại vào ông không?”

 Bích nhanh nhẹn nói liền một hơi:

            “Cha cháu nói rằng: Miệng đời thêm mắm thêm muối, bày vẽ chuyện viễn vông, còn mẹ cháu thì nói: Những ai có đầu óc mê tín cổ hủ mới đi tin vào những chuyện hoang đường ấy!”

Gật gù, gương mặt trầm tỉnh, Lão Cọp vỗ tay bôm bốp nói:

“Hay lắm, hay lắm! Các cháu có được cha mẹ trí thức, văn minh thì thật là đại phúc. Thảo nào, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, mới dám hiên ngang vào đây để gặp và nói chuyện với Lão Cọp!”

 Bích nở phồng mũi, hỏi:

“Ông ơi, thật sự thì… ông là ai?”

Lão Cọp lại cười, chỉ thềm hiên mà rằng:

“Các cháu lại đây ngồi, ông sẽ kể cho nghe về ông, đứng mỏi chân.”

Hai chị em bạo dạn ngồi xuống thềm hiên mát rượi. Lão Cọp cũng từ tốn ngồi xuống kế bên, giọng trầm trầm:

“Hồi còn niên thiếu, ông dân ở đây. Cha của ông là ông từ giữ ngôi đình này cho làng, giữ trong thời gian rất dài. Khi ông lớn lên, được cha gởi xuống thành phố ăn học, ở với vợ chồng người chú ruột. Đến lúc cha của ông mất, mất vào thời loạn lạc chiến tranh, ông bỏ học đi lang bạt kỳ hồ, tha phương kiếm sống, vừa làm vừa học, sau đó ông có duyên lên tu học ở một tịnh thất trên núi với vị sư già tu Mật Tông. Nhưng chiến tranh kéo dài bao năm đăng đẳng, ông cũng phải đi lính như bao người trai tráng khác, đi khắp các chiến trường, vào sinh ra tử, lội suối băng đèo, nhiều lần xém chết, thương tích đầy mình, vậy mà nhờ mạng lớn nên cứ sống khỏe sống mạnh. Rồi, đất nước thống nhất, ông trở về với cuộc sống đầy biến động trắc trở, liền lên lại núi cũ am xưa để tịnh tu khi sư phụ đã viên tịch từ lâu. Ông tu trì kinh chú ở đó mười lăm năm trời, hằng ngày xuống núi một lần để đi khất thực qua các xóm làng ven chân núi... Rồi, cách đây hai năm, sau cơn bệnh nặng, tự cứu chữa bằng các bài thuốc Nam, phối hợp với niềm tin trì Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn, ông bình phục, khỏe lại, bổng dưng nhớ đến vùng đất kỷ niệm này, ông nghĩ nếu có trả xác thân này về cho cát bụi, thì cũng về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông rời núi, về đây xin được làm công việc trông coi gìn giữ ngôi đình đổ nát hoang tàn này, chuyển thành nơi thờ Phật để tịnh tu những năm tháng còn lại của mình. Vậy đó.”

Khang nhìn chăm chăm Lão Cọp, hỏi:

“Mặt ông sao bị thẹo nhiều vậy?”

Bích  nguýt mắt nhìn em trai, nói:

         “Thì do bom đạn chứ gì? Hỏi khùng!”

Lão Cọp cười cười, đưa tay xoa đầu hai chị em, nói:

“Không phải hoàn toàn do bom đạn đâu, cháu… Hồi còn đóng quân ở rừng biên giới Việt Lào, tiểu đội của ông gặp một ông Cọp to đùng, bắn trúng ổng rồi, vậy mà ổng vẫn còn hung hãn chồm đến vồ lấy ông. Ông bị ông cọp vồ rách mặt, rách cả vùng ngực bụng, ngất đi không biết trời trăng mây gió gì nữa. Sau lần gặp ông ba mươi đó, ông phải nằm điều trị hết cả tháng, nếu không có đồng đội thì chưa biết sự việc ra sao, có thể ông đã bị ông ba mươi dùng tàn lực quật cho ngủm trước khi ổng chết rồi! Chuyện là vậy, ông có kể cho ông thôn trưởng, mấy chú xung kích nghe, rồi sau này cũng kể cho ông Trưởng công an Xã nghe, không biết mấy ông đó ngứa miệng đi thuật lại kiểu gì mà sau này cả vùng đều gọi ông là Lão Cọp.”

Bích và Khang nhìn nhau cười, thích thú lắm. Bích hỏi:

“Gọi ông như vậy, ông có buồn giận không?”

          “Không hề!” Lão Cọp cười “Ông chỉ buồn khi người ta đồn rằng ông là một con quỷ, một yêu quái. Nhưng thời gian sẽ ủng hộ, minh oan cho ông. Ông còn buồn một điều nữa, là vì những tin đồn nhảm nhí mà không ai dám vào ra chốn này, ông sống cô độc lắm!”

Xúc động, Bích hạ giọng xuống hỏi:

“Ông không có vợ con, hay bà con thân thích sao?”

“Không còn ai ở vùng này. Còn ở trong kia, ông  tu hành đơn độc mấy chục năm qua rồi, các cháu à!”

Bích thở dài, nhìn ra phía có những đóa hoa hướng dương rực rỡ, mắt rơm rớm nước mắt, nghĩ ngợi thật lâu. Khang lên tiếng:

“Ông ơi, ông có bán hoa không?”

“Ông trồng hoa cho ngôi đình được thơm và đẹp, chứ không bán. Sao cháu hỏi vậy?”

           “Mẹ cháu sai hai chị em cháu đến nhà bác Sáu Keo mua hoa hồng về cúng Phật, và đưa ông Táo về trời khuya nay. Tụi cháu ngang đây, thấy hoa nhiều và đẹp quá nên rủ nhau vào hỏi thăm thử!” Bích  thưa .

“Hoa hồng à?” Lão Cọp gục gặc “Được rồi, để ông cắt cho các cháu, rồi lo mang về kẻo mẹ trông ở nhà.”

Lão Cọp đứng lên, vào trong đình một chặp, rồi đi ra với cây kéo lớn đen sì trên tay. Lão đến bên những khóm hoa hồng đủ loại, đủ sắc, chọn và cắt từng nhánh. Hai chị em đủng đỉnh theo hai bên, lòng hân hoan đếm thầm trong miệng từng cánh hoa hồng được cắt. Được chừng mười hoa, Lão Cọp lại bước sang đám hoa hướng dương, trao bó hoa hồng cho Bích  cầm, còn lão thì cẩn thận nhẹ nhàng cắt hai đóa hoa mặt trời vàng rực, nhìn hai chị em nói:

“Để ông cắt lá chuối gói lại kẻo bị gai chích…”

Khang vui tươi:

“Khỏi đi, ông à. Để cháu cầm hoa hướng dương, chị cháu cầm hoa hồng được mà.”

“Ông ơi…” Bích ngập ngừng “Nhưng mẹ cháu không dặn mua hoa hướng dương, chỉ dặn hoa hồng thôi. Coi chừng không đủ tiền…”

Lão Cọp cười hiền hậu, trao mỗi đứa một hoa hướng dương, nói:     

“Không tiền bạc gì hết. Ông tặng hoa hồng cho cha mẹ các cháu. Còn hướng dương thì ông tặng cho hai cháu đó!”

Hai chị em reo mừng, cảm ơn Lão Cọp rối rít. Lão Cọp giục:

          “ Thôi, lo ba chân bốn cẳng mà về nhà đi, kẻo mẹ đi tìm!”

           Hai chị em lễ phép chào Lão Cọp. Trước khi đi Bích cảm động nói rất chân tình:

           “Tụi cháu sẽ lại đây thăm ông thường xuyên, nghe ông kể chuyện, kể chuyện cho ông nghe đỡ buồn, đỡ cô đơn, ông nhé!”

Lão Cọp gật đầu lia lịa. Lão tiễn hai chị em ra tận cổng, đứng nhìn theo cho đến khi hai đứa nhỏ khuất sau ngõ cua. Mắt lão rơm rớm…

 

                                      Tâm  Không – Vĩnh Hữu                                                                       

                                                                                     

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2021(Xem: 15005)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
08/11/2021(Xem: 10847)
Hiền Như Bụt là tác phẩm biên khảo về Phật Giáo, bút ký pha lẫn văn chương nhưng không phải do một tu sĩ hay một nhà nghiên cứu Phật học sáng tác mà do một trí thức khoa bảng yêu mến và quý trọng Đạo Phật viết ra. Nó là sản phẩm của 20 năm, từ 1992-2012. Hạ Long Bụt Sĩ tên thật là Lưu Văn Vịnh. Ông là một dược sĩ & Cao Học Dược, Cao Học Triết Học Tây Phương -nguyên giảng sư về các bộ môn Triết Học, Tâm Lý Học tại Đại Học Văn Khoa, Vạn Hạnh và Minh Đức. Ông đã xuất bản khoảng 11 tập thơ trong đó có dịch thơ Ả Rập và Thơ Thiền cùng một số sách nghiên cứu lịch sử và triết học. Hiền Như Bụt dày 444 trang xuất bản năm 2020, bao gồm một chương Tổng Quát và sáu chương với những chủ đề: Phật Pháp Trị Liệu Pháp, Đạo Bụt và Khoa Học Vật Lý, Bóng Phật Trong Văn Học, Tư Tưởng Tam Giáo, Đạo Bụt Canh Tân và Chuỗi Ngọc Kinh Phật.
07/11/2021(Xem: 4417)
Phần này bàn về cách dùng đã, đã đã, đã tật và làm đã, đã làm vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Ngoài các bản Nôm của LM Maiorica ghi ở đoạn sau, tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
04/11/2021(Xem: 7262)
Sau đây là bản Việt dịch bài giảng pháp của Đại Sư Mahasi Sayadaw (1904-1982) trước các thiền gia trong buổi lễ khai thị ở trung tâm thiền tập Mahasi Meditation Center, Rangoon, Miến Điện. Bài này được dịch từ tiếng Miến sang Anh ngữ bởi Unyi Nyi, và sửa chữa lại năm 1997 bởi Đại Sư Pesala.
29/10/2021(Xem: 3631)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, Hillary Rodham Clinton cho biết bà thường thực tập thiền định vào các khoảng thời gian giải lao trong suốt phiên điều trần ứng viên Tổng thống kéo dài 10 giờ liền.
16/10/2021(Xem: 6896)
Được sự thương tưởng và hỗ trợ của quí vị chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 14 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận vùng núi Khổ Hạnh Lâm - Bồ Đề Đạo Tràng & vùng Kê Túc Sơn tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, người dân nghèo bớt đi rất nhiều nỗi nhọc nhằn trong mùa Hạ vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một số hình ảnh tường trình. (09 Oct 2021)
10/10/2021(Xem: 8917)
Hơn hai năm qua, từ khi phát hiện mình bị cao huyết áp (Hypertension ), tôi thường xuyên đến bệnh viện tái khám và nhận thuốc theo định kỳ của bác sĩ đều trị. Nơi đó là bệnh viện địa phương theo tuyến Quận đã đăng ký trong thẻ Bảo Hiểm Y Tế.
09/10/2021(Xem: 5350)
Trong cuộc sống con người chúng ta thường có nhiều hơn nỗi sợ tồn tại cùng một lúc: sợ thay đổi, sợ thất bại, sợ sai lầm,sợ ma, sợ tình người vô cảm, sợ bị từ chối,… Có thể nói ...sợ hãi là một trong những trạng thái tinh thần tiêu cực gắn với nét tâm lý hoang mang, lo sợ của con người. Trạng thái này xuất hiện như một phản xạ tự nhiên khi chúng ta nhận ra mối nguy hại ảnh hưởng tiêu cực và đe dọa, gây ra sự nguy hiểm. Khác với sự lo lắng thông thường, nỗi sợ hãi thường khiến con người không giữ được bình tĩnh, run sợ không dám đối diện và vượt qua. Có những nỗi sợ hãi do tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài, tuy nhiên cũng có những nỗi sợ vô hình in sâu trong tâm lý, tiềm thức của con người, chỉ cần một tác động nhỏ của ngoại lực, sự sợ hãi sẽ bộc phát và gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, hành vi của con người. Nỗi sợ thường xuất phát từ những áp lực ràng buộc con người
07/10/2021(Xem: 7765)
Mặc dù tình hình Dịch Covid tại Ấn Độ đã lắng dịu khá nhiều so với thời điểm nguy hiểm cách đây 3 tháng trước nhưng sự vân hành của nền kinh tế quốc gia vẫn còn đang tắc nghẽn, trì trệ do ảnh hưởng chung của nạn dịch toàn cầu. Trong tâm tình Hộ trì Tăng Bảo, san sẻ với chư Tăng tu hành nơi xứ Phật trong lúc còn nhiều khó khăn, vào sáng Chủ Nhật 03 Oct 2021 vừa qua chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi cúng dường chư Tăng thuộc các truyền thống Phật giáo tại Bangladesh Monastery thuộc khu vực Bồ Đề Đạo Tràng Bodhgaya India với sự bảo trợ của chư tôn đức Ni và chư Phật tử 4 phương...
07/10/2021(Xem: 6034)
Dù tại gia hay xuất gia, chúng ta đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, không chịu tìm hiểu xem Đức Phật dạy những gì để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu xem đâu là chánh pháp, điều gì là Chánh kiến thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ, theo đạo Phật như thế thì không lợi lạc gì bao nhiêu và.. có khác chi bao người không biết đến Phật Pháp?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]