Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt truyền thông quốc tế

05/11/201819:39(Xem: 13586)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt truyền thông quốc tế
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
trong mắt truyền thông quốc tế

Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền tải khái niệm "Phật giáo dấn thân" do mình khởi xướng trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Plumvillage.org.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Plumvillage.org.



Thiền sư Thích Nhất Hạnh hôm 28/10 trở về chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế), nơi xưa kia thiền sư xuất gia, trong sự chào đón của nhiều phật tử. Thiền sư quyết định sống nơi đất Tổ cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ Đình cho đến ngày viên tịch.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ra tại Thừa Thiên Huế, là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới, nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ của những người nổi tiếng trên thế giới và thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế.

Thiền sư là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism). Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, AP đánh giá trong một bài viết năm 2009.

Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Thiền sư đưa ra cách thực hành "chánh niệm" (mindfulness), thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.

thich nhat hanh 3thich nhat hanh 2

Tờ Korean Times của Hàn Quốc cho biết trong chuyến thăm tới Seoul năm 2013, thiền sư đã đề cập đến mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cho rằng việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân không phải gốc rễ gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao, mà gốc rễ ở đây chính là sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ giữa hai bên.

"Vũ khí hạt nhân là một trở ngại đối với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai miền Triều Tiên. Nó phản ánh nỗi sợ hãi, tức giận và nghi ngờ của Triều Tiên bởi nếu không, họ đã không xây dựng vũ khí hạt nhân. Vì hòa bình, điều cơ bản cần làm không phải việc loại bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ trong mỗi người. Qua đó, việc hòa giải sẽ trở nên dễ dàng", thiền sư nói.

Thực tế đã chứng minh những lời nói của Thầy. Lãnh đạo hai miền bán đảo Triều Tiên sau những nỗ lực xây dựng lòng tin đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên sau hàng chục năm ở Panmunjom hồi tháng 4, mở đường cho hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao sau này, tạo điều kiện cho quá trình hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo. Cuộc gặp này cũng là tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng 6, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là việc "biết lắng nghe". Trả lời phỏng vấn tờ La Stampa, một trong những tờ báo lớn nhất của Italy, vào năm 2014, thiền sư khẳng định "xung đột và bất công xuất phát từ tâm trí con người" và đạo Phật giúp chúng ta có một phương pháp thực tiễn để hướng tới tình yêu và hạnh phúc đích thực.

"Khi tâm trí chúng ta bị dẫn dắt bởi tham vọng, thù hận và lòng tham, bất công xã hội rồi sau đó là bạo lực sẽ luôn trỗi dậy. Việc rèn luyện chánh niệm giúp chúng ta có được niềm vui và an yên vào những thời khắc đó".

Bài viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh trên tờ La Stampa của Italy. Ảnh: Plumvillage.org.

Bài viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh trên tờ La Stampa của Italy. Ảnh: Plumvillage.org.



Trò chuyện cùng Oprah Winfrey, người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ, vào ngày 6/5/2010, thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng những nhận thức sai lầm về bản thân và người khác là nguồn gốc của mọi bạo lực, xung đột và chiến tranh. "Những người theo chủ nghĩa khủng bố có niềm tin sai lầm rằng người khác đang muốn hủy diệt tôn giáo hay nền văn minh của họ. Thế nên họ muốn loại bỏ ta, tàn sát ta trước khi ta có thể giết họ", thiền sư giải thích. "Lực lượng chống khủng bố cũng suy nghĩ như vậy. Cả hai bên đều bị thôi thúc bởi nỗi sợ hãi, lòng thù hận và quan niệm sai lầm".

Thiền sư cho rằng những quan niệm sai lầm này không thể bị xóa bỏ bởi bom đạn, mà phải được khắc phục bằng khả năng lắng nghe, lòng trắc ẩn và tình yêu thương. "Lắng nghe giúp ta nhận ra sự tồn tại của quan niệm sai lầm ở người khác và ở chính mình". Thiền sư Thích Nhất Hạnh khẳng định với Oprah rằng cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh chính là sự giao tiếp giữa người với người.

"Chúng ta cần nói với nhau rằng: Hỡi các bạn, tôi biết các bạn đang đau khổ. Tôi đã không hiểu hết những khó khăn, thống khổ của các bạn. Chúng tôi không có ý khiến các bạn đau khổ thêm, mà ngược lại, chúng tôi không muốn các bạn phải đau khổ. Nhưng chúng tôi không biết phải làm gì và có thể hành động sai nếu các bạn không giúp chúng tôi hiểu được điều đó. Vậy nên xin hãy nói cho chúng tôi biết khó khăn của các bạn. Tôi rất muốn học và hiểu điều đó".

Thiền sư cho rằng nếu chúng ta chân thành, trung thực, đối phương sẽ mở lòng mình. Khi lắng nghe với lòng trắc ẩn, chúng ta có thể hiểu được rất nhiều về quan niệm của mình và của họ. "Chỉ khi đó chúng ta mới loại bỏ được quan niệm sai lầm và đó là cách tốt nhất, cách duy nhất để xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố".

Tờ La Contra của Tây Ban Nha dẫn lại câu chuyện được thiền sư Thích Nhất Hạnh kể trong cuộc phỏng vấn năm 2014 để chứng minh rằng khi thấu hiểu được khổ đau của chính mình và người khác để giúp đỡ mọi người, tình thương sẽ nảy nở và giúp bạn hàn gắn tâm hồn.

"Daniel, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, từng rất căm hận bởi hầu hết đồng đội của anh ta đã chết trong một trận đánh. Anh ta muốn trả thù nên tới một ngôi làng, bỏ lại túi bánh mì nhét đầy thuốc nổ, và anh ta chứng kiến 5 đứa trẻ tới mở túi bánh đó", thiền sư kể.

Daniel đã tận mắt nhìn thấy 5 đứa trẻ chết trong vòng tay mẹ khi túi bánh phát nổ. "Khi gặp tôi, anh ta là một người thống khổ, không dám kể câu chuyện này cùng ai", thiền sư nói. "Tôi khuyên anh ta dành cuộc đời mình để cứu những đứa trẻ đang chết dần trên thế giới và nguồn năng lượng đó sẽ cứu vớt anh ta. Anh ta đã làm như vậy, rồi đến một ngày, anh ta mơ thấy 5 đứa trẻ đang mỉm cười với mình. Daniel đã cảm thấy bình yên và cưới một nữ bác sĩ người Anh làm vợ".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nói rằng nhiều doanh nhân, ông chủ nhà băng thành đạt tìm đến ông vì họ cũng phải chịu đựng những nỗi thống khổ trong lòng. Nhiều người đã bỏ tiền làm từ thiện nhưng không cảm thấy thanh thản hơn. "Họ có tiền nhưng không có hạnh phúc lẫn tình yêu. Họ đầy lo lắng, sợ hãi, giận dữ... nên không thể tận hưởng cuộc sống", thiền sư cho biết. "Họ không trò chuyện với vợ con, và khi không giao tiếp như vậy, không ai có thể hạnh phúc. Tôi luôn nói với họ: ‘Các bạn ưu tiên điều gì, hạnh phúc hay tiền bạc? Các bạn phải lựa chọn’".

Với những người vừa muốn có tiền bạc vừa muốn hạnh phúc, thiền sư cho rằng nếu họ luyện tập một cách nghiêm túc, họ sẽ bắt đầu có những biến chuyển trong tâm trí và giác ngộ được tình yêu. "Họ nhận ra rằng họ không còn cần tiền nữa và họ chọn hạnh phúc. Đó là điều thú vị".

Trò chuyện cùng phóng viên tờ Suddeutsche Zeitung của Đức năm 2013, thiền sư Thích Nhất Hạnh kể câu chuyện một phụ nữ trẻ tên là Laura để nói về sự vô thường trong cuộc sống. Chồng của Laura, Frederik, là một doanh nhân thành đạt, gia đình họ có mọi thứ, nhưng Laura không cảm thấy hạnh phúc vì họ không có thời gian dành cho nhau và cho con trai.

"Frederik chỉ có thời gian để làm việc. Ban đầu cô rất tự hào về chồng, nhưng rồi Laura sớm cảm thấy cô đơn. Cô ấy đã thử làm nhiều điều, như quay lại học đại học và lấy bằng cử nhân, tổ chức các sự kiện từ thiện, nhưng đều không có tác dụng", thiền sư kể. "Cô ấy thường khóc mỗi đêm".

Frederik luôn nói rằng không ai có thể thay thế anh trong công việc, rằng anh có thể bớt bận hơn trong ba năm tới. Nhưng ba năm trôi qua, anh vẫn làm việc nhiều như vậy, thậm chí không thể đến bệnh viện nơi con trai đang phẫu thuật. "Một ngày nọ, Frederik bị tai nạn giao thông và qua đời. Ba ngày sau, có người thay thế vị trí của anh ở công ty. Điều này xảy ra rất thường xuyên. Chúng ta phải thức tỉnh, ngay bây giờ, chứ không phải trong ba năm. Đừng hy sinh hạnh phúc của mình hôm nay cho tương lai".

Tờ Guardian của Anh cho rằng không chỉ quan tâm tới các vấn đề chính trị và nỗi đau khổ của con người, khái niệm "Phật giáo dấn thân" do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng còn thể hiện nỗi lo lắng với những vấn đề toàn cầu hiện nay, trong đó có hiện tượng khí hậu ấm lên.

"Nhiều người vẫn không để ý tới mối đe dọa của hiện tượng ấm lên toàn cầu, dù các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều bằng chứng, là do họ vẫn chưa tự cứu được mình khỏi những đau khổ của bản thân nên không bao giờ đoái hoài đến nỗi đau của Mẹ Trái Đất", thiền sư nói.

Với những công ty sản xuất những sản phẩm có hại cho môi trường, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng các doanh nghiệp đó cần dừng hành động này lại và người tiêu dùng cũng cần có phản ứng để đảm bảo rằng mình được sử dụng những sản phẩm có lợi cho sức khỏe hơn. "Nếu người tiêu dùng thức tỉnh, nhà sản xuất sẽ phải thay đổi. Chúng ta có thể buộc họ thay đổi bằng cách không mua sản phẩm của họ nữa".

Tờ Huffington Post của Mỹ năm 2017 đề cập đến mối quan hệ giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King Jr., cho biết thiền sư có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ King cất lên tiếng nói phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1967, mục sư King đã đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình.

"Điều đó nhắc nhở mọi quốc gia rằng những người thiện chí luôn sẵn sàng dẫn dắt các bên tham chiến ra khỏi vực sâu của thù hận và hủy diệt", King viết trong thư đề cử. "Nó sẽ một lần nữa thức tỉnh con người về lời dạy đối với vẻ đẹp và tình yêu của hòa bình. Nó sẽ giúp hồi sinh niềm hy vọng cho một trật tự mới của công lý và hòa hợp".

Thành Nguyễn
https://vnexpress.net

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
ở lại chùa Từ Hiếu đến khi viên tịch

Thiền sư Thích Nhất Hạnh mong muốn được an dưỡng tại tổ đình Từ Hiếu, nơi ngài xuất gia năm 16 tuổi. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng và con cháu đang tu tập ở tổ đình Từ Hiếu nói rõ ý nguyện của ngài sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên Huế).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đảnh lễ trước chánh điẹn chùa Từ Hiếu. Ảnh: Võ Thạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trước chánh điện chùa Từ Hiếu. Ảnh: Võ Thạnh



Thiền sư bày tỏ vui mừng khi được trở về Việt Nam và dự lễ tảo tháp của chư liệt vị tổ sư tại Tổ đình Từ Hiếu. Dù sống nơi đất khách quê người nhưng mỗi mùa thu về, lòng ngài vẫn hướng về chư vị tổ sư ở Tổ đình Từ Hiếu.

Theo thiền sư, kể từ khi rời khỏi Phật học đường Bảo Quốc, hơn 70 năm qua ngài đã chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư tổ đã tin tưởng và phó thác.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu chiều ngày 28/10. Ảnh: Võ Thạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu vào chiều ngày 28/10. Ảnh: Võ Thạnh



"Giờ đây, dòng pháp nhũ của tổ đình Từ Hiếu, Phật giáo Việt Nam đã được lan tỏa khắp nơi trên thế giới... Tôi thấy rằng đã đến lúc cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này. Ao ước được trở về sống nơi đất tổ và xây dựng nề nếp tu học ở Tổ đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi suốt những năm qua", thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh quyết định sống nơi đất Tổ cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ Đình cho đến ngày viên tịch.

Thiền sư Thích Nhất Hnahj quyết định ở lại Việt Nam đến khi viên tịch. Ảnh: Võ Thạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh quyết định ở lại Việt Nam. Ảnh: Võ Thạnh

 

"Giờ đây, chúng ta có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu của nhiều quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai đó, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa", thiền sư viết.·

Trước đó, chiều ngày 28/10, thiền sư Thích Nhật Hạnh đã về chùa Từ Hiếu trong sự chào đón của chư tăng và phật tử. Ngài sẽ ở tại căn phòng năm xưa đã ở khi về thăm chùa năm 2017.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926  tại Thừa Thiên Huế). Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế.

Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới.

Nơi cư ngụ của ông là Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne miền Nam nước  Pháp. Ông du hành khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire (Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa) của ông.

Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thầy Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.

Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, và thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.

Võ Thạnh

https://vnexpress.net


thu cua su ong Lang Mai 01thu cua su ong Lang Mai 02



Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy hòa bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thắp hương ở chánh điện chùa Từ Hiếu ngày 30/10. Ảnh: Võ Thạnh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thắp hương ở chánh điện chùa Từ Hiếu ngày 30/10. Ảnh: Võ Thạnh.



Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày 28/10 trở về chùa Từ Hiếu ở Huế để tĩnh dưỡng trong sự chào đón của chư tăng và phật tử. Ông quyết định ở lại đây cho đến ngày viên tịch.

Thiền sư sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo. Ông xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Thiền sư tốt nghiệp viện Phật học Bảo Quốc, tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Ông vừa là thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của ông về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và một số phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận mới đối với thiền.

Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn "Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa". Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin hơn một thập niên trước, thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích về Phật giáo dấn thân: "Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn".

"Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền", ông nhấn mạnh.

Năm 1956, ông làm Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thập niên 1960, ông lập nên trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (SYSS), một tổ chức từ thiện giúp dựng lại các làng bị đánh bom, xây trường học, trạm xá, và hỗ trợ những gia đình vô gia cư sau chiến tranh ở Việt Nam.

Ông cũng là một trong những người thành lập Đại học Vạn Hạnh, trường tư thục danh tiếng, tập trung nhiều nhà nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Trong một buổi gặp mặt vào tháng 4/1965, đoàn sinh viên trường Vạn Hạnh đưa ra "lời kêu gọi vì hoà bình", với nội dung chính là thúc giục hai miền Nam - Bắc tìm "giải pháp chấm dứt chiến tranh và đem lại cho người dân Việt Nam cuộc sống hòa bình với lòng tôn trọng lẫn nhau". 

Thiền sư Thích Nhất hạnh đã nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Sau này, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Columbia. Tuy nhiên, mục đích chính của những chuyến đi ra nước ngoài của ông vẫn là vận động cho hòa bình.

Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Ông ở nước ngoài từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp.

Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.

Chánh niệm là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. "Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức. Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây. Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa trả lời e-mail vừa nói điện thoại. Trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác. Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc", Thiền sư viết trong cuốn sách "Quyền lực đích thực". Ông cho rằng thực hành Chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi thiền. Ảnh: UBC.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi thiền. Ảnh: UBC.



Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta, Chúa trong ta...

Cuộc đời ông gắn liền với các hoạt động vì hòa bình. Tháng 6/1965, Thiền sư viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam. Một năm sau, hai người lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago, thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Trong cuộc họp báo sau đó, King đã phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, King đề cử Thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình nhưng năm đó không ai được trao giải.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết khi ông "đã không thể tin nổi" khi nghe tin King bị ám sát vào năm 1968. "Tôi nghĩ người Mỹ đã tạo ra King nhưng lại không bảo vệ được ông ấy. Tôi có chút tức giận vào thời điểm đó. Tôi không ăn, không ngủ. Nhưng quyết tâm làm việc, xây dựng cộng đồng vẫn tiếp tục".

Ông tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau; thuyết giảng kêu gọi các nước đang tham chiến hãy đình chiến và tìm kiếm giải pháp ôn hòa cho các mâu thuẫn. Năm 2005, ông tổ chức buổi diễu hành vì hòa bình ở Los Angeles với sự tham gia của hàng nghìn người, theo Christian Science Monitor.

Tháng 5/2013, trong một buổi diễn thuyết kéo dài 3 giờ tại sân vận động ở Hàn Quốc, Thiền sư đã bàn về mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. "Vũ khí hạt nhân là một trở ngại đối với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nó phản ánh nỗi sợ hãi, tức giận và nghi ngờ của Triều Tiên bởi nếu không, họ đã không xây dựng vũ khí hạt nhân. Vì hòa bình, điều cơ bản cần làm không phải việc loại bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ trong mỗi người. Qua đó, việc hòa giải sẽ trở nên dễ dàng".

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là việc "biết lắng nghe". Ông cũng khuyên các chính trị gia nên học theo con đường của Phật giáo để giúp ích cho đàm phán và hòa giải.

Sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, ông về Việt Nam lần đầu vào năm 2005 và năm 2007, ông đi khắp đất nước, tổ chức những khóa tu, buổi pháp thoại và gặp gỡ các tăng ni phật tử. Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam với tên gọi "Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan", cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho những người từng chịu hậu quả của chiến tranh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Non Nước ở Sóc Sơn tháng 4/2007. Ảnh: Reuters. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Non Nước ở Sóc Sơn tháng 4/2007. Ảnh: Reuters


Tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, ông được mời về Việt Nam với tư cách là người thuyết trình chủ đề chính. Năm 2014, Thiền sư trải qua quá trình hôn mê do xuất huyết não. Sau khi phục hồi, Thiền sư năm 2016 từ Pháp đến tính dưỡng ở Trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan để được gần quê hương hơn. Năm 2017, ông một lần nữa trở lại Việt Nam và thăm chùa Từ Hiếu.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, AP đánh giá trong một bài viết ra năm 2009. Huffington Post hồi cuối năm 2012 gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là "con người điềm đạm nhất thế giới".

Oprah Winfrey, người dẫn chương trình truyền hình Mỹ từng có cuộc phỏng vấn ông năm 2009, ca ngợi những chỉ giảng của ông có tác dụng truyền cảm hứng cho mọi người. "Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc", bà chia sẻ một câu nói.

Phương Vũ
https://vnexpress.net

 

Những câu nói nổi tiếng
của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Gần cả cuộc đời dành cho nghiên cứu và truyền bá Phật pháp, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đúc kết ra triết lý sống, thể hiện trong những câu nói giàu tính suy tưởng và chiêm nghiệm, khiến người ta nhớ mãi.

owand-thichnhathanh-jpg-langma-9260-1155

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (trái) gặp người dẫn chương trình Mỹ Oprah Winfrey tại New York năm 2009. Ảnh: Làng Mai



Pháp môn Làng Mai đầu tuần này ra thông báo cho biết sức khỏe của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ổn định, nhưng ông ngủ sâu nhiều hơn và ít giao tiếp hơn. Pháp môn cũng kêu gọi các tín hữu cùng cầu nguyện và thực hành chánh niệm, suy tưởng những điều thiền sư chỉ giảng.

Các điều chỉ giảng dưới đây được Oprah Winfrey, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới của Mỹ, từng có cuộc phỏng vấn ông năm 2009, chia sẻ. Bà ca ngợi những câu nói của ông có tác dụng truyền cảm hứng cho mọi người.

"Không ai có thể trao cho ta tự do. Ta phải tự mình nuôi dưỡng nó. Đó là một công việc hàng ngày".

"Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc".

"Giác ngộ luôn luôn hiện hữu. Sự giác ngộ nhỏ bé sẽ mang tới giác ngộ lớn lao. Nếu bạn hít thở và nhận ra rằng mình vẫn đang sống, đó là lúc bạn chạm tay vào điều kỳ diệu của việc được sống. Đó cũng là một loại giác ngộ".

"Con người đau khổ vì họ bị mắc kẹt trong quan điểm. Chỉ khi nào chúng ta giải phóng được những quan điểm đó, chúng ta mới tự do và không còn đau khổ".

"Cuộc sống chỉ hiện hữu ở thực tại. Đó là lý do mà chúng ta nên đi theo cách mà mỗi bước đều mang ta đến thực tại".

Oprah Winfrey nhận xét thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư Phật giáo có hơn 60 tuổi đạo, cũng là một thầy dạy học, một nhà văn, một người can đảm, gióng lên tiếng nói chống chiến tranh. Thiền sư, người mà Martin Luther King Jr gọi là " tông đồ của hòa bình", đã chỉ cho chúng ta thấy cái đẹp của phút giây hiện tại, biết cảm ơn từng hơi thở, và giúp cho ta thấy được giải thoát và hạnh phúc có thể tìm thấy rất dễ dàng trong khi ta uống một ngụm trà.

Huffington Post hồi cuối năm 2012 cũng đăng tải các câu nói đáng nhớ của thiền sư Thích Nhất Hạnh và gọi đó là "những bài học cuộc sống từ con người điềm đạm nhất thế giới":

"Nếu ta tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn thì hôm nay ta có thể chịu đựng mọi khó khăn".

"Biết bỏ qua sẽ đem cho ta sự tự do, và tự do chính là điều kiện duy nhất của hạnh phúc".

"Mọi ý tưởng bạn nghĩ trong đầu, mọi lời bạn nói, mọi thứ bạn làm đều mang dấu ấn của riêng bạn".

Khi biết thiền sư Thích Nhất Hạnh bị xuất huyết não, những học trò, những người từng có cơ hội đàm đạo hoặc chỉ đơn giản nghe ông nói hay đọc một cuốn sách ông viết, đều nhớ đến những sâu sắc của ông. 

"Tôi đã đến. Tôi đang ở nơi của mình. Điểm đến của tôi nằm trên mỗi bước đi", tài khoản Twitter có tên Manduka chia sẻ một câu nói của thiền sư, gọi ông là "người thầy yêu quý của thế giới" đồng thời gửi tới ông tình yêu và mọi điều tốt đẹp nhất.

Một người khác có tên T.Harv Eker, chép: "Nếu ta không sống là chính mình, hoàn toàn ở thực tại, thì ta đang đánh mất mọi thứ".

Vũ Hoàng (tổng hợp)

https://vnexpress.net


thich nhat hanh

Sư ông làng Mai

Thứ năm, 1/11/2018, 02:27 

"Lá rụng về cội" có lẽ là cách diễn đạt phù hợp nhất khi nhắc tới sự trở về của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Về Nhà - tổ đình Từ Hiếu  - ngôi nhà tâm linh nơi ông đã xuất gia khi 16 tuổi.

Ngồi trên xe lăn sau di chứng xuất huyết não, ánh mắt Sư ông vẫn tinh anh và đầy nội lực. Từng cử chỉ giao tiếp bằng cách ra dấu vẫn gãy gọn, rồi ông quan sát chung quanh, như ông từng viết: Ngồi cho yên để bắt đầu thấy rõ.

Sự Yên ấy, tôi đã từng được trải nghiệm với Thiền sư, trong những lần hạnh ngộ từ năm 2005 đến 2008. Tôi được tham dự trực tiếp các cuộc hội kiến giữa Thiền sư với chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như những buổi pháp thoại và thiền hành do ông trực tiếp hướng dẫn giới trí thức, doanh nhân trong nước.

Trong hai chương trình “Thở và cười” tại TP HCM và Hội An, Sư ông đều truyền năng lượng bình an và tỉnh giác cho mọi người bằng động tác đặt bàn tay phải lên tim mình rồi hướng xuống thính chúng trong hội trường. Khi ông ngồi trong tư thế tọa thiền kiết già và pháp thoại, một sự an yên bao trùm khán phòng rộng lớn. Tôi cảm thấy dòng suối an lành chảy tràn trong mình và không muốn phá vỡ trạng thái ấy. Tôi nhìn quanh, hàng trăm người đều lắng yên, chăm chú.

“Ngồi cho yên để bắt đầu thấy rõ” hay nói cách khác là nghệ thuật ngồi yên là một trong những đề tài cốt lõi được Sư ông thuyết giảng nhiều nhất trong những lần tôi diện kiến.

Thầy diễn giảng: “Khi ta rót nước táo vào ly và nước táo đang bị vẩn đục, muốn có được ly nước táo thơm, trong để uống thì ta phải đặt nó xuống mặt bàn khoảng từ năm đến mười phút, để những cặn bã li ti trong ly nước táo chìm lắng xuống. Cũng vậy, nếu mình cho phép cơ thể mình ngồi thật yên giữ thân ngay thẳng, buông thư, theo dõi hơi thở chánh niệm thì thân và tâm mình sẽ được lắng dịu trở lại”.

Ngồi yên và tận hưởng hơi thở, ý thức rằng mình đang còn sống là một hạnh phúc lớn. Ngồi yên và không cố gắng để trở thành một người nào khác. Khi những tâm tư của mình lắng đọng, mình sẽ tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt.

Trò chuyện với ông, giới doanh nhân Việt Nam chia sẻ rằng họ quá bận rộn, luôn chạy đua với thời gian, với núi công việc không biết bao giờ vơi. Có người tâm sự, không một ai có thể thay thế công việc của họ, họ không có thời gian để dùng bữa điểm tâm sáng cùng với vợ, chồng, con; hoặc ăn chung bữa cơm gia đình. Thầy nói, chính vì có những người như bị ma đuổi, không ý thức được mỗi bước chân, bữa ăn của mình, nên “ta phải nâng đỡ nhau để thực tập dừng lại”. Nếu lỡ hẹn với giây phút hiện tại, tức là ta đánh mất sự sống.

Chúng ta ai cũng hiểu được điều ấy. Nhưng vấn đề là trong đời sống hàng ngày ta vẫn hành xử như chưa từng tiếp xúc với giáo lý mầu nhiệm này. Đó là vì tập khí lo lắng, rong ruổi và sợ hãi trong ta quá sâu dày. Thiền sư đã bày cho chúng tôi phương pháp đối trị với phiền não và sự mất chánh niệm qua từng hành vi, cử chỉ. Rằng quê hương đích thực của ta là bây giờ và ở đây, là nơi hải đảo của tự thân. “Mỗi ngày, mỗi người nên dành cho mình từ năm mười phút cho tới hai ba mươi phút để nhận diện lại chính mình. Ngồi cho yên để ăn mừng sự sống”, Thiền sư nói.

Sư ông hướng dẫn chúng tôi ăn cơm trong chánh niệm - tức sự im lặng tuyệt đối; nhai thật kỹ món ăn, nuốt chậm rãi từng miếng, ý thức được mình đang ăn cơm. Sư ông hướng dẫn mọi người đi thiền hành trên bãi cỏ tại Văn Thánh và trên bờ biển Hội An.

Giới trí thức, doanh nhân từ mấy chục năm nay, vốn chỉ có cơ hội biết Thiền sư qua sách, băng đĩa nên khi có cơ hội nghe pháp thoại trực tiếp thì ai nấy rạng ngời, vui sướng. Các vị giáo thọ Làng Mai cũng tham vấn tâm lý cho từng người, hướng dẫn thiền buông thư cho hơn 500 vị, dạy họ cách nằm trên bãi cỏ và quán niệm hơi thở. Có người “không chịu nổi” nổi cảm giác êm ái, đã ngủ ngon lành.

Chúng tôi ra về, biết ơn và hoan hỉ, hấp thụ được nhiều năng lượng của sự tỉnh thức, biết thở và biết cười hơn. Giờ đây, mỗi khi nhìn hình ảnh những hạt thóc đang nẩy mầm trong lòng cái bát, hình ảnh biểu trưng “Thở và cười”, tôi lại mỉm cười với chính mình.

Nhiều người Việt Nam sau đó bày tỏ sự mong muốn có thêm các chương trình với Thầy hơn nữa, nhưng rất đáng tiếc, do một số lý do, từ năm 2009, chương trình bị dừng lại.

Nhưng bây giờ, quê hương lại đón ông về hẳn, như câu kệ rất nổi tiếng của ông:

Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về nương tựa.

Kể từ năm 2014, sức khỏe Sư ông Làng Mai đã khác đi sau cơn xuất huyết não, dù đã “hồi phục một cách kỳ diệu” theo lời các bác sĩ Mỹ. Đối với một người tu thiền, ngộ thiền, sống thiền an nhiên như Sư ông thì việc bức bách về thân bệnh chỉ là một trong những biểu hiện cần và có trong bốn quá trình “sanh, trụ, dị, diệt” hoặc “thành, trụ, hoại, không” mà Đức Phật chỉ rõ, thế gian đều tuần tự trải qua.

Hành trình ở tuổi 93 như Sư ông Làng Mai là sự trở về cội nguồn tâm linh “không sanh, không diệt, không sợ hãi”, là hiện thực hóa niềm ao ước thâm sâu mấy mươi năm của một Người vô sự.

Tôi hẹn lòng sẽ sớm đi thăm Chùa Từ Hiếu, để được hấp thụ sự an yên vô giá ngày nào Sư ông làng Mai đã trao tặng cho tôi, cũng như đã phụng hiến cho nhân loại trong suốt hơn 40 năm gieo trồng hạt giống trí tuệ và chánh niệm.

Phổ Tâm

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/su-ong-lang-mai-3832455.html

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/07/2021(Xem: 16035)
Vào thời đại khủng hoảng niềm tin của tất cả tôn giáo, lòng người càng lúc hồi hộp bất an, giáo lý đức Thích Ca Mâu Ni như mặt trời chiều xuống bóng hoàng hôn ,Mật Tông Kim Cang Thừa như ngọn đèn sắp tắt, chỉ còn lại những bộ đại tạng kinh phủ đầy bụi trên những kệ kinh, nằm bất tỉnh không ai hỏi thăm trong những tu viên,viện bảo tàng cô đơn thiếu bóng người. Cuốn sách Mật Tông Kim Cang Thừa Chú Giải Toàn Thư Tập Hai, là sự trình bày và phô diễn mật nghĩa thậm thâm của Đại Phật Đảnh Lăng Nghiêm đà la ni , Bát Đại Kim Cang Thần Kinh và các phụ bản vô thượng du già. Là sự trợ duyên cho những ai, đã có gieo hạt giống pháp môn này, có thể khai hoa kết trái thành tựu sự tu tập giải thoát. Linh Quang từ nhỏ xuất gia tu học , tầm sư học đạo, và đi du học nhiều nước, nên trong đầu nhiều ngôn ngữ lộn qua lộn lại, bây giờ Tiếng Việt cũng quên dần,chính tả viết sai nhiều lắm, nên quý vị thông cảm bỏ qua những lỗi lầm về câu văn từ ngữ.
01/07/2021(Xem: 3723)
Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, đã được chính Đức Thế Tôn tuyên dương là Bổn Kinh Thượng Thừa, bao gồm những bí yếu cực kỳ nhiệm mầu, vi diệu mà Chư Phật trao truyền lại cho những ai đủ tín tâm thọ nhận. Pháp-bảo được lưu truyền đến nay, vẫn sáng ngời toả rạng lưu ly qua bao thăng trầm của thế sự vô thường, với tâm nguyện hoằng truyền Chánh Pháp của các bậc minh sư, tuỳ căn cơ chúng sanh mỗi thời mà soạn dịch. Một, trong những bổn kinh Diệu Pháp Liên Hoa thường được trì tụng tại các tự viện là bổn cố đại lão Hoà Thượng Thích Trí Tịnh biên soạn, hoàn tất với 557 trang, gồm 7 quyển, chia thành 28 phẩm , mỗi phẩm đầy đủ văn kinh và thi kệ. Cũng do nhu cầu và phương tiện tu học của Phật tử mà Hoà Thượng Thích Trí Quảng cũng đã lược soạn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh thành Bổn Môn Pháp Hoa Kinh để Phật tử tại các Đạo Tràng Pháp Hoa có thể hàng ngày trì tụng mà không bị gián đoạn vì không đủ thời gian. Bổn Môn Pháp Hoa Kinh được Hoà Thượng trân trọng biên soạn, cô đ
29/06/2021(Xem: 6096)
Kính Pháp Sư Sướng Hoài, tôi tu sĩ Thích Thắng Hoan đọc qua tác phẩm PHẬT HỌC VĂN TẬP của ngài viết nhận thấy ngài một nhà bác học uyên thâm Phật giáo nắm vững mọi tư tưởng cao siêu của cácphái, các tông giáo cả trong đạo lẫn ngoài đời. Toàn bộ tác phẩm của ngài đều xây dựng vững chắc trên lãnh vực biện chứng pháp của Nhân Minh Luận. Nội dung tác phẩm trong đó, mỗi một chủ đề ngài biện chứng bằng những lãnh vực mặt phải mặt trái, chiều sâu chiều cạn, mặt phủ định, mặt xác định,cuối cùng để làm sáng tỏ vấn đề bằng kết luận. Tôi vô cùng kính nể kiến thức của ngài.
29/06/2021(Xem: 6293)
Phật giáo dùng từ bi làm căn bản, xem trọng giới sát nên thực hành phóngs anh.Từ nghĩa là trao cho khoái lạc; Bi nghĩa là san bằng khổ não. Người đời rất quý mến thân mạng, chồng vợ con cháu, tiền của, nhưng từ chối mỗi người không thể che chở bao gồm chung cả. Giả như nếu bất hạnh gặp gian nguy, vì cứu thân mình, thà bỏ tất cả vật ngoài thân, để cầu được sinh tồn riêng mình.Con người đã tham sống sợ chết, sanh mạng con vật nhỏ bé như con muỗi, con ve, sâu bọ, kiến mối, còn biết tránh chạy cái chết cầu mong được sống, thì các động vật khác chúng nó sao lại không như thế?
28/06/2021(Xem: 3989)
Trước khi nói đến tinh thần Trung đạo của Phật giáo, thiết nghĩ cần phân biệt sự khác nhau giữa tinh thần “Trung dung” và “Trung đạo.” “Trung dung” là những thiên trong Kinh Lễ. Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra Mục đích của sách Trung Dung là giúp con người hiểu được đạo “Trung dung” để đạt đến một trình độ đạo đức cao hơn. Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử. Cũng theo tinh thần “Trung dung” như thế, không thể có một thái độ “Trung dung” cố định; tùy thời tùy thế mà linh hoạt. “Trung dung” với ý nghĩa trên là dung hợp, quân bình giữa thái quá và bất cập. Ví dụ : thuyết Duy Vật chủ trương tranh đấu; thuyết Duy Tâm của Đức Khổng Tử, chủ trương điều hòa hai yếu tố cực đoan bằng lẽ Trung Dung.
27/06/2021(Xem: 8326)
Pháp Học và Pháp Hành Khi đề cập đến những người tu trong Phật Giáo, thì chúng ta thấy có phân ra hai khuynh hướng tu học, một số vị thì nghiêng về pháp học, còn số vị khác lại chuyên về pháp hành. Vậy pháp học là gì ? Là cả đời tu chỉ chuyên về việc nghiên cứu, học tập kinh điển, xem các luận bản... để biết được hết Tam tạng kinh điển ( Kinh, Luật, Luận ), nhiều vị còn phiên dịch kinh điển, hay viết ra nhiều bộ luận dựa trên kiến thức, sự hiểu biết đã tích lũy. Nhưng tâm thật sự chứng ngộ, hay đạt đạo thì có thể chưa, chỉ hiểu, chứ chưa thực chứng. ( Còn số vị mà chuyên về pháp học nhưng tâm đã giác ngộ thì rất hiếm có, thời nay càng vô cùng hiếm ).
27/06/2021(Xem: 5603)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Với tâm niệm hộ trì chư Tôn đức Tăng già, các bậc tu hành nơi đất Phật trong lúc nhiều khó khăn do Dịch covid đang nhiễu nhương, chúng con, chúng tôi đã thực hiện hai buổi cúng dường tịnh tài, tịnh vật và một ít nhu yếu phẩm đến chư Tăng Ni thuộc truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa Tibet tại Dharamsala, các vị Ẩn sỹ trên đỉnh Triund Himachal, cũng như các vị Tăng Ni VN hiện đang theo học PG Mật Tông tại Dharamsala India (19 vị). Sư cô Thích nữ Huệ Thảo đã thừa hành Phật sự này và đã cúng dường tất cả là 245 vị tu sỹ, trong đó có 19 vị tránh tiếp xúc đám đông nên đã nhận chuyển vào tài khoản cá nhân từ Sư cô Huệ Thảo, một số vị vì bịnh trạng đã nhờ bạn đồng tu nhận dùm, mỗi vị thọ nhận 1500INR kèm với một số tịnh vật cúng dường.
26/06/2021(Xem: 15608)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
26/06/2021(Xem: 10837)
LỜI NÓI ĐẦU Tác phẩm “Thế giới Cực Lạc” là tuyển tập các bài giảng của thầy Nhật Từ về nội dung của kinh A-di-đà. Với cách diễn tả và phân tích đơn giản và đi thẳng vào mọi vấn đề, thầy Nhật Từ đã giới thiệu về bản chất Tịnh độ Tây phương gắn liền với xã hội con người. Để có được kết quả vãng sanh Tây phương, mỗi hành giả cần hội đủ năm điều kiện tiên quyết.
25/06/2021(Xem: 7927)
Lời Nói Đầu Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni, Kính thưa quý Phật tử, Trong thời gian cả thế giới đang bị dịch Covid-19, Sa di Thông Đạo đã dày công nghiên cứu Ngũ Bách Danh - Quán Thế Âm Bồ Tát. Đến nay đã hoàn thành bằng ba ngôn ngữ khác nhau: chữ Việt Nam, chữ Anh, chữ Hán. Bất cứ nơi nào có đạo Phật, chắc chắn có tu sĩ, có Phật tử sinh hoạt chung với nhau. Theo truyền thống Bắc tông, hằng năm các chùa đều tổ chức lễ tưởng niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ba lần vào những ngày 19 tháng Hai, 19 tháng Sáu, và 19 tháng Chín Âm lịch.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]