Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần I: Tổ Chức Gia Đình Phật Tử

08/09/201820:03(Xem: 4799)
Phần I: Tổ Chức Gia Đình Phật Tử

PHẦN I

TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Đây là tổ chức giáo dục tuổi trẻ được khai sinh ở Việt Nam trên 60 năm và hiện tại vẫn tiếp tục phát triển hoạt động tại nhiều địa bàn, cùng theo bước chân người Việt trên khắp thế giới. Trong một đại hội Huynh trưởng, tâm tư tôi rung động biết bao khi thấy 60 lá cờ đại diện cho 60 đơn vị sinh hoạt ở  Hoa Kỳ tung bay trước gió. Lòng thật vui mừng để thấy đoàn thể này lớn mạnh và góp phần giáo dục tuổi trẻ ở xứ người. Đến với nhau trong tình Lam, chúng tôi gọi nhau là anh chị em trong ngôi nhà của Phật, cùng nuôi dưỡng tình thương yêu và tạo dựng thêm tình đoàn kết.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0000

Chánh Tâm 20: Mong Chờ Một Vận Hội

Dễ ít ai quên rằng tháng Tám này, Chánh Tâm vừa tròn tuổi hai mươi. Hai mươi năm cũng là một phần  đời người mà chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ kỷ niệm trong tình thân thương. Riêng tôi, người có may mắn  đứng bên cạnh Chánh Tâm bấy lâu cũng cảm thấy tình cảm thiết thân thêm với tổ chức ngày thêm gắn bó, càng thấy bồi hồi mỗi khi hồi tưởng những kỷ niệm chẳng thể phai mờ.

Hai mươi năm qua, chúng ta đã liên kết trong tinh thần, tình cảm, hành động để cùng tiến tới mục đích phục vụ cho lợi ích chung. Sự liên kết không chỉ là sự hợp tác đơn thuần như ta tưởng. Những lúc tôi dừng lại hậu đường chùa Phổ Từ, nơi đặt bàn thờ linh có chân dung Quảng Tài (Duy), cầu nguyện và đôi lúc nở một nụ cười với người trong tấm hình hiện đang ở một chốn xa xăm nào đó. Tôi cầu nguyện cho Quảng Tài, cho Chánh Tâm, và đôi khi cho cả tôi nữa. Mối tình cảm trong cùng đoàn thể đã khiến chúng ta không còn nghĩ đến phân biệt sự mất còn. Chúng ta mãi còn có nhau, còn bên nhau như thể chúng ta chẳng hề xa nhau vì chúng ta đã sống, hoạt động bên nhau trong tinh thần liên kết.

Chuyện xảy ra gần 15 năm tôi vẫn nhớ thì bây giờ là chuyện trước mắt mình đây.

Có những lúc từ tăng xá Phổ Từ, tôi dõi mắt về đoàn quán Chánh Tâm, nơi ba cha con Quảng Phát ( Minh) sinh hoạt hàng tuần, để nhận thấy nơi người thanh niên này, ý thức trách nhiệm của người  huynh trưởng Gia Đình Phật Tử  hòa trộn với những ưu tư của một người cha lưu tâm đến tương lai con cái mình trong tình thương chan hòa.

Hình ảnh ấy lưu lại trong lòng người đẹp biết bao.

Tôi tin rằng những nỗ lực tương tự sẽ giúp các cháu thiếu nhi đoàn sinh không những phát triển về phương diện đạo đức đối với gia đình mà còn dẫn dắt các cháu vào đời với trái tim Thuần Hậu, với tư chất Lương Hảo của con người trọng tình, trọng nghĩa.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0001

Như tôi vừa giãi bày, tuổi hai mươi của đoàn cũng là tuổi của một thế hệ, Quảng Danh (Carina) mà hôm nọ cùng tôi bàn thảo về một kế hoạch truyền thống đại chúng (social media), trong tập album kỷ  niệm của tôi, chỉ là hình ảnh một con gấu trúc nhỏ xíu. Ôi dễ thương làm sao tấm hình hai chị em Quảng Danh - Quảng Châu (Klein), ngồi bên nhau trong bộ đồng phục màu lam trông như hai con “gấu nhỏ - Chinese bears-“ ngồi nhai lá trúc. Vậy mà, giờ đây, hai đoàn sinh kỳ cựu của Chánh Tâm đều tốt nghiệp đại học, kẻ làm việc ở Ohio, người nơi California. Các chị khác thì người đã tay bồng tay mang, người thì thành danh, xây dựng sự nghiệp trong nhiều lãnh vực khác nhau. Riêng người chị lớn Quảng Ý (Linh) hiện là trụ cột của gia đình Chánh Tâm. Sự có mặt trong Chánh Tâm của ngần ấy khuôn mặt trong gia đình đạo hữu Quảng Ái (Huỳnh Xuân Mai) đã cho chúng ta khái niệm rõ rệt và đáng tự hào về con đường giáo dục của tổ chức Gia Đình Phật Tử.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0002

Chúng ta cũng không quên ghi nhận nhiều gia đình khác nữa có con em “xuất thân” từ Chánh Tâm như gia đình anh chị Nguyên Viện - Quảng Tường (Thiện), gia đình Quảng Chí - Quảng Tường (Hồng), hay Quảng Trợ - Nghiêm Minh… anh chị Ẩn - Ngọc Bích. Các em đều được gia đình chọn Chánh Tâm làm điểm xuất phát cho con đường từ tuổi ấu thơ và hầu như tất cả đều đạt được ý nguyện ban đầu khi vào đời.

Như thế, nếu không kể như điều đáng tự hào thì chúng ta cũng đã không làm thất vọng những ai đã tin cậy, ủy thác cho chúng ta công việc trông non, hướng dẫn con em theo hướng đi được chia sẻ. Thành tựu trên còn có ý nghĩa một “tấu khúc” hòa hợp được tinh thần hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa đoàn thể với gia đình đoàn sinh.

Mừng thay cho Chánh Tâm trước những  thành  tựu nhưng không khỏi băn khoăn, ưu tư về con đường trước mặt, điều được đặt ra không chỉ với riêng Chánh Tâm mà với bất kỳ tổ chức nào trong tiến trình hoạt động. Năm tháng tới đây, đường nào Chánh Tâm sẽ tiến bước, mục tiêu nào Chánh Tâm sẽ nhắm đến để có thể tiếp tục TRUYỀN THỐNG được vững tin, mục đích GIÁO DỤC có hiệu quả, và LÝ TƯỞNG xây dựng con người toàn diện.

Hôm nay, vào ngày Chu Niên thứ 20 chúng ta trao nhau  những lời chúc tụng, đem đến cho nhau  những nụ cười và niềm vui. Nhưng sau đó, với con mắt nhìn xa, hẳn không thiếu người sẽ thao thức trong đêm về con đường trước mặt của đoàn thể. Rồi Chánh Tâm sẽ ra sao, về đâu sau  đoạn đường hai mươi năm qua? Tôi mong, ai đó, anh hay chị Huynh trưởng sẽ thể hiện, sau những ưu tư, băn khoăn của một người có trách  nhiệm, bằng một thái độ tiêu biểu và thích ứng. Anh, chị sẽ nhíu mày, mở lớn đôi mắt, nắm chặt hai tay như cử chỉ biểu lộ QUYẾT TÂM làm việc hăng say với  trách nhiệm cao, với khả năng giỏi đưa Chánh Tâm tiến lên một vận hội mới trong 20 năm sắp tới!

Phần tôi có ý định, sẽ đến văn phòng bác sĩ Minh, xin làm một đôi kính mát để dùng khi lái xe đường xa, sau khi nghe lời khuyên của anh Huynh trưởng Tâm N., “mình lớn tuổi rồi, cần cặp kính khá khá, để nuôi dưỡng đôi mắt, Thầy à!” Tôi nghe lời anh khuyên và tin tưởng vào tình bạn và thấy điều đó là đúng đắn. Mình cần nhìn cho RÕ, thấy cho ĐÚNG mà chọn CON ĐƯỜNG TỐT để đi tới trong một tương lai rất gần.

Hai mươi năm trước tôi đã viết câu sau đây trong ngày chu niên thứ nhất của đơn vị Chánh Tâm; hôm nay, tôi cũng xin chép lại đúng như vậy, như là một chút tâm tình trao gởi cho nhau: Ngày chu niên, trong niềm vui và trong niềm tin tưởng, tôi xin cầu chúc tất cả chúng ta: cùng có hạnh tu, cùng có lòng từ, và mãi mãi cùng nhau tiến bước trên đường vun bồi đạo nghiệp.

Vấn Đề Cải Tiến Sinh Hoạt tại Miền Thiện Minh

Theo sự trình bày của HTr Quảng Quý trong buổi họp thường niên vừa qua của tổ chức GDPT miền Thiện Minh tại chùa Phổ Từ, việc cải tiến sinh hoạt của các đơn vị trong Miền được đặt ra và cũng là vấn đề mà chúng ta hằng lưu tâm vì như chúng ta đều biết việc cải tiến phương thức, điều kiện hoạt động, nội dung và cả phương hướng sinh hoạt là đòi hỏi cần thiết và thường xuyên để đáp ứng nhu cầu phát triển của mọi tổ chức. Những đóng góp ý kiến tương tự như thế là dấu hiệu tốt chứng tỏ NHIỆT TÂM hành động của chúng ta (tâm dẫn đầu mọi pháp) trước sự hưng suy của Tổ chức GĐPT và lợi ích cho thế hệ tương lai.

Với lòng tin tưởng như thế, và qua lời yêu cầu của anh Quảng Quý, tôi xin trình bày vài thiển ý như sau:

- (1) Trước hết, kế hoạch cải tiến sinh hoạt được đưa ra sau khi đã có sự duyệt xét và đánh giá sinh hoạt thường xuyên và hiện thời của mọi đơn vị trong tổ chức. Trong đó, một trong những lãnh vực cần lưu tâm là công việc CHĂM SÓC TINH THẦN và TÂM LÝ cho hàng Huynh trưởng các cấp. Yếu tố Tinh thần và Tâm lý đòi hỏi nơi hàng Huynh trưởng là những cán bộ nòng cốt của tổ chức càng trở nên cần thiết nếu ta đều đồng ý rằng NIỀM VUI và TIN TƯỞNG mà chúng ta mong mỏi trong mọi sinh hoạt chỉ đạt được khi những người hữu trách thể hiện sự THÍCH THÚ và TỰ HÀO trong công việc mà họ đảm đương. Đây là thước đo tinh thần và tâm lý của người Huynh trưởng mà sự tài bồi cần được thực hiện thường xuyên trong các khóa tu học, trong những cuộc hội thảo.

Xin đề nghị có thể lấy ngày Họp Mặt và Hội Thảo Huynh Trưởng Miền Thiện Minh sắp tới làm mô hình cho việc khảo sát, tìm hiểu, ước lượng, định giá, thực nghiệm hay thực tập liên quan đến vấn đề tinh thần, tâm lý giới Huynh trưởng và những đề nghị cải tiến.

- (2) Thứ đến, CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT được ấn định cần rõ rệt, phù hợp với khả năng và điều kiện THỰC TẾ. Thí dụ ấn định mấy khóa tu tập trong năm, những ngày trại họp bạn  hay huấn luyện. Phải thực hiện theo đúng kế hoạch hay lịch trình. Không đề ra quá nhiều việc khiến không đủ khả năng, phương tiện hay điều kiện để hoàn tất. Điều này sẽ gây hậu quả bất lợi chung về mặt tâm lý.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0003

Chúng ta thử dồn nỗ lực làm 3 việc trong mấy tháng còn lại của năm 2010 nầy và làm cho thật tốt, thật đẹp: Ngày Họp mặt Huynh Trưởng, buổi Picnic cho hai Vùng, và trại Anoma Ni liên chẳng hạn. Sau mỗi hoạt động hay công tác, chúng ta cần thực hiện việc duyệt xét lại về mọi mặt việc đã làm để rút tỉa kinh nghiệm cho công việc sắp tới. Đây chính là việc thể nghiệm ý thức chánh tinh tấn của tinh thần Bát chánh đạo.

- (3) Sau hết, chúng ta cũng không quên một điểm thuộc vấn đề nhân sự là NHU CẦU HUYNH TRƯỞNG các cấp trong mỗi đơn vị. Xác định tình trạng, thành  phần  huynh trưởng hiện hữu, xét định nhu cầu cần đáp ứng là những điều cần phải làm để cho ban huynh trưởng hữu trách ở mỗi  Đơn Vị có CƠ HỘI và ĐIỀU KIỆN phát triển năng lực và tiềm năng đóng góp cho Tổ chức.

Tựu trung, theo thiển ý, hai điều quan trọng hơn cả được đề nghị nhân vấn đề cải tiến sinh hoạt miền Thiện Minh được đưa ra là sự cần thiết chiếu cố đến Tinh thần và Tâm lý người Huynh trưởng cũng như cần có Chương Trình Sinh hoạt thực tế và hợp lý mang đến niềm vui, tin tưởng cho tuổi trẻ.

Tuổi trẻ là tầng lớp năng động, là thành phần sẵn sàng cống hiến trí tuệ, niềm tin và công sức cho xã hội và lý tưởng. Tôi thành tâm  tin tưởng và tự hào tổ chức chúng ta không phụ lòng trông đợi của bao người khi có mặt trong hàng ngũ tuổi trẻ nhiệt thành đó.

Tu Học Để Thương Nhiều, Hiểu Rõ

Tương tự việc để cho ngọn đèn không tắt, ánh sáng vẫn còn nên cần châm dầu, cắt bấc thường xuyên thì việc tu học cũng cần thiết để chúng ta, sau những bôn ba trong cuộc sống, có dịp nhìn lại chính mình, hiểu rõ mình hơn hầu tìm thấy an lạc cho thân và tâm, đây mới thực là chân hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng ý nghĩa, giá trị, hiệu quả của việc tu học bản thân chỉ trọn vẹn nếu đồng thời việc này đem lại lợi ích tương tự cho xã hội, cho tha nhân. Nghĩa là, tinh thần liên đới, phục vụ không thể nằm ngoài mục đích tu học của người Phật tử.

Như thế, nhìn rộng ra, sự tu tập, rèn luyện bản thân còn mang ý nghĩa của một công tác xã hội trong mục đích thăng tiến đời sống tinh thần của tập thể. Mời anh chị thử nhìn việc tu học của chúng ta dưới con mắt của một người Huynh trưởng là thành phần mang ít nhiều trách nhiệm trong tổ chức Gia đình Phật tử. Đến với ngày tu tập, chúng ta trước hết hy vọng tìm thấy niềm an vui trong tâm hồn, lấy lại niềm tin có thể đã khuy khuyết, phục hồi nghị lực đã phôi pha không thể tránh được trong đời sống. Từ đó có thể trao truyền, dưới nhiều hình thức, niềm vui mới đạt được trong ta đến với bạn bè, anh em chung quanh.

Thực ra, đến với ngày tu học, việc gác bỏ được phần nào phiền muộn, âu lo đeo đẳng bên mình dù chỉ nhất thời, là điều thường thấy. Nhưng mục đích xa hơn, rộng hơn vẫn là xây dựng hoặc tái xây dựng được nhận  thức đúng đắn, tinh thần thích ứng làm nền tảng cho hành động, không để tri giác, định kiến sai lầm đánh lừa và dẫn dắt.

Lấy kinh nghiệm của riêng mình, xin các anh chị thử  thực tập bài kệ sau như là phương tiện giúp chúng ta đạt được sự thanh thản cần thiết trong tâm tư, như việc dọn đường, mở lối cho một ngày tu tập bên nhau

Thở vào, thở ra

Là hoa tươi mát

Là núi vững vàng

Nước tĩnh lặng chiếu

Không gian thênh thang

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0004

Nhìn vào tình trạng chung trong đó ít người trong chúng ta có được hoàn cảnh thuận tiện, do đó việc dành một ngày trọn vẹn cho việc tu học trong một, hai tháng là điều có thể thực hiện được. Thời gian ít nhưng khéo thực tập thì chúng ta cũng có thể đạt được kết quả khả quan. Tôi mạo muội đề nghị một chương trình sinh hoạt và vài phương pháp thực tập dưới đây, mà đối tượng chúng ta đang nhắm tới là tập thể Huynh trưởng và đoàn sinh ngành Thanh, Thiếu.

Chúng ta có một ngày tu học từ 9 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều, gồm có:

 - 9 giờ sáng: Tụng kinh (song ngữ, trong đó có phần nghi thức của GĐPT). Hướng dẫn tổng quát để mọi người hiểu rõ nội dung sinh hoạt.

- 10 giờ 30 sáng: Pháp thoại bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Người tham dự được sắp xếp theo lứa tuổi hay ngôn ngữ quen dùng để có thể dễ dàng theo dõi bài giảng pháp và các bài nói chuyện. Sau đó, cả hai nhóm sẽ hợp lại trong giờ thảo luận. Nội dung các bài giảng hay nói chuyện nên thực tiễn, gần gũi, chú trọng đến sự ứng dụng Phật pháp trong thực tế đời sống.

- 12 giờ: Cơm trưa im lặng. Sau giờ ăn nên dành ít nhất một tiếng đồng hồ để những người tham dự tùy nghi, hoặc chuyện trò, trao đổi, ngoạn cảnh hay giải khát.

- 2 giờ chiều: giờ Pháp đàm là buổi thảo luận và trao đổi kinh nghiệm tu tập. Trong giờ này, có thể dùng cả tiếng Việt và tiếng Anh trong điều kiện cho phép, miễn là người tham dự có thể hiểu, và cảm thông với nhau.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0005

Sau buổi pháp đàm, mỗi người được phát một thẻ, được yêu cầu viết lên đó điều gì (pháp môn) mình muốn thực tập trong tuần lễ sắp tới và nạp thể đó cho Ban tổ chức. Sau một tuần, người tham dự ngày tu học sẽ báo cáo cho Ban tổ chức, qua email, kết quả thực tập, mức độ đạt được, như mong ước hay chỉ được 40, 50 phần trăm. Ban Tổ chức sẽ đúc kết tiến trình, nội dung và kết quả thực tập của những người tham dự,lưu giữ làm tài liệu tham khảo cho những lần tu học sau.

- 3 giờ 30 chiều: Sinh hoạt chung – Dây thân ái

- 4 giờ chiều: Kết thúc, ra về.

Về phần giảng sư, nên mời những người có kinh nghiệm tu tập kể cả những cư sĩ hay giáo sư người ngoại quốc đang dạy tại các đại học hay tu tập ở các thiền viện, tăng thân. Không nên đặt nặng vào phần lý thuyết nghĩa là quy tụ quá nhiều bài giảng làm người tham dự căng thẳng, mệt trí mà nên lưu tâm tạo sự thoải mái, vui vẻ trong một ngày tu học. Khiến mọi người đều nhận ra rằng khi tạm rời cuộc sống hàng ngày bận rộn ở đô thị, gần gũi với thiên nhiên an tịnh để tu học, họ đã tìm đến an lạc cần thiết.

Kinh nghiệm tu tập cũng giúp tôi suy nghĩ lại những điều xảy ra cho chính mình. Mấy hôm trước, tình cờ, thấy một chị người Mỹ đi trên đường khi tôi đang thiền hành trước sân chùa. Chị cỡ tuổi người em gái thứ năm của tôi. Khi nhìn kỹ, tôi thấy thương Chị quá vì chị bước đi khó khăn mà còn kéo theo một bình dưỡng khí với hai sợi dây nối liền với mũi. Nhìn lại chính mình, tôi bỗng thấy may mắn, hạnh phúc vì đôi chân còn đi lại dễ dàng. Mấy tháng trước, tay và chân của tôi đều bị đau, nhờ gặp được thầy được thuốc, cả đông y và tây y, nên sức khỏe dần dần được phục hồi. Còn thở đều, còn thực tập thiền hành được là còn có hạnh phúc, an vui.

Không chủ quan khi ta nghĩ rằng khi tu tập là lúc mình mở đường tìm hiểu thêm con người và cuộc sống của mình. Cái nhìn bao dung về cuộc đời mở rộng thêm khi ta nghĩ đến tha nhân, đến nhân quần và từ đấy tình cảm với đại chúng sẽ thêm nẩy nở. Như thế, ít nhất là sau giờ phút tu học như trên, tình cảm của chúng ta đối với anh chị em cùng màu áo lam, cùng nhìn về một hướng đi phụng sự, thăng tiến cho đời, tình thân ấy sẽ thêm bền chặt.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0006

Huyền Trang 5: Niềm Vui Hội Ngộ

Quý Anh Chị Huynh trưởng thân mến,

Đã qua mấy ngày trại rồi, Anh Chị có mệt lắm không? Có mệt cũng ráng lên nghe, mình là GĐPT mà! Trước hết, tôi nhớ về Huyền Trang 4, thấm thoát mà cũng trên dưới 10 năm rồi. Ngồi đây, viết những dòng chữ này để bày tỏ một chút tấm lòng với nhau, tôi thấy tim mình nóng lên, vẫn bồi hồi như dạo nào, khi thấy hàng cờ Tổ chức trong một kỳ Đại Hội Huynh Trưởng tung bay trước gió, ngát một màu xanh của hy vọng, thương yêu.

Tôi vẫn luôn tin tưởng vào tổ chức chúng ta, với chiều dài trải rộng, và một Lý Tưởng tuyệt vời. Để tôi kể quý Anh Chị nghe chuyện này. Dạo trước, khi xem tin tức về trận sóng thần ở Nhật Bản, với hình ảnh một em học sinh, dù đang đói, vẫn can đảm TỪ CHỐI nhận phần cơm trước những người đang đứng trong hàng, làm thế giới ngưỡng mộ đến nền văn hóa của người Nhật. Cũng đúng thôi, một em bé còn nhỏ tuổi mà đã biết tự trọng, biết cách ứng xử rất là đứng đắn, khôn ngoan. Rồi mới đây, trong kỳ World Cup vừa rồi, trên màn ảnh truyền hình chiếu đi chiếu lại nhiều lần, cảnh những fan của đoàn túc cầu Nhật Bản đã di nhặt rác sau những hàng ghế ở vận động trường, khi trận đấu kết thúc. Điều này cũng làm nhiều người thán phục không ít! Tôi cũng thấy rất tốt vì ít nhất người ta cũng còn biết đến cái Đẹp, cái Tốt của cuộc đời.

Nhưng trong thâm tâm tôi thấy truyền thống của tổ chức GĐPT chúng ta còn hay hơn nhiều. (Lại có người cười chế nhạo, là “mèo khen mèo dài đuôi” rồi đây) Một vài lần, tôi đã chia sẻ với những người bạn Tây phương, điều đó có nghĩa là tuổi trẻ khi lớn lên đã được giáo dục kỹ càng, với một truyền thống rất đẹp của xứ Phù Tang. Còn đối với Việt nam chúng tôi còn có tổ chức Gia đình Phật tử, mà đã hơn 60 năm qua, với mục đích giáo dục tuổi trẻ trở thành những công dân tốt cho xã hội đã trở thành nề nếp, sự quan tâm hàng đầu của rất nhiều phụ huynh.

Như quý Anh chị thấy, qua sinh hoạt của ngành Oanh, cũng như ngành Thiếu, chúng ta đã thường xuyên nhắc nhở các em giữ vệ sinh chung, tôn trọng tài sản của Tam Bảo, và nhất là biết bảo vệ sự sống, làm đẹp cho cuộc đời, xã hội. Sau mỗi kỳ Trại, họp bạn, hay huấn luyện, chúng ta đều có phần “làm sạch khu vực trại” trước khi ra về. Mà chính bản thân, tôi đã học được bài học đó. Tôi nhớ, lúc dự trại Họp Bạn toàn Tỉnh ở chùa Linh Mụ vào thập niên ’60, tôi rất ngạc nhiên, cùng với đơn vị GĐPT Lương Văn của mình, được phân chia trách nhiệm lượm rác, làm sạch sẽ một khu vực trước ngôi tháp Phước Duyên. Dù chỉ mới mười mấy tuổi thôi nhưng tôi đã hiểu được rằng, “khi đến sạch, thì khi về cũng phải sạch” theo điều luật của ngành Thanh, Thiếu, và Huynh trưởng: “Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.” Rồi sau đó, khi về lại nhà mình, tôi đã tập được thói quen, theo lời ba tôi dạy, là thành tâm và vui vẻ quét dọn bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết. Một điều khác, mà trong cả xóm đều thích, đó là tôi quét dọn đường sá trước nhà thật sạch sẽ, gọn gàng. Ngay trong những buổi đại lễ Phật Đản ở miền Bắc Cali vào những năm trước, khi ở trong Ban Tổ Chức, tôi cũng đã yêu cầu, và được quý Anh Chị Huynh trưởng đáp ứng, đó là “dùng một chút thì giờ để làm sạch sẽ địa điểm hành lễ” trước khi ra về. Nhiều phụ huynh vẫn còn ấn tượng đẹp khi nhìn thấy cả trăm em Đoàn sinh cầm bao rác lớn, bao rác nhỏ đi lượm rác và nhặt những chai, lon bỏ vào thùng rác một cách gọn gàng.

Bây giờ, quý Anh Chị Trại sinh Huyền Trang 5 là những người đàn Anh, đàn Chị, là những Liên đoàn trưởng tương lai của Tổ chức, sẽ được huấn luyện để dẫn dắt đàn Em đi theo con đường Đẹp, con đường Tốt đó. Có thể tôi hơi “nhà quê, lỗi thời” nhưng vẫn rất tin tưởng vào suy tư của mình, đó là “trước, hãy làm cho được những việc tầm thường” trước khi mình muốn làm việc gì “lớn lao”, việc vĩ đại, cao xa nào khác.

Hiện tình của tổ chức chúng ta đang gặp nhiều thăng trầm, cần có sự sáng suốt cũng như mạnh dạn cải tiến một số sinh hoạt về mặt tổ chức, hoạt động thanh niên, nhưng trên hết, theo thiển ý của tôi, vẫn là NIỀM TIN vào Tổ Chức vốn được xây dựng trên nền tảng căn bản của con người: Thể dục, Đức dục và Trí dục. Đó là nền tảng vững chắc nhất mà chúng ta có thể trông cậy vào. Cho chính bản thân mình hay cho tập thể, chúng ta cần PHÁT TRIỂN trên ba phương diện đó. Cần có sự tu học Phật pháp thường xuyên và đều đặn; cũng cần có những liên hệ mật thiết để xây dựng Tình Lam cho nhau; ngoài ra, chúng ta cũng không quên yếu tố quan trọng nhất là từ mỗi cá nhân chúng ta phải cố gắng vươn lên như hoa sen để đem hương, đem sắc đến với cuộc đời.

Xin được hân hoan, kính lời cầu nguyện quý Anh Chị chân cứng đá mềm, thuận duyên đầy đủ, để có thể sống với niềm vui rộng lớn và lý tưởng cao cả của một người huynh trưởng GĐPT trong thời đại mới.

Hayward ngày 31 tháng 8 năm 2014

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0007

Cùng Làm, Cùng Góp Sức

Thưa quý Anh Chị Huynh trưởng,

Đúng ra để chào đón cuộc họp mặt được trông đợi đem lại nhiều hứa hẹn cho tập thể chúng ta, nhan đề của bài viết này là “Hoa Nở Mùa Đại Hội” như dự định, mới bộc lộ tinh thần và nội dung những điều mà tôi và mọi người muốn chân thành gửi gắm với Quý Anh Chị, những người có trách nhiệm và gắn bó với tổ chức.

Nhưng, nhìn lại quá trình, nhu cầu hiện tại và hoàn cảnh lịch sử luôn nhắc nhở, thúc giục chúng ta không bỏ phí thời gian, bỏ lỡ cơ hội mà cần bắt tay ngay vào việc, cần thực thi nhanh chóng và đầy đủ những điều đã đề ra, do đó, không gì bằng tôi chọn việc thúc đẩy hành  động làm đề tài góp ý thay cho một lời kêu gọi trực tiếp gửi đến quý Anh Chị.

Chỉ đọc qua nhan đề trên, chắc quý Anh chị cũng hiểu được phần nào tâm ý và ước mong mà tôi đặt vào quý Anh Chị vào thời điểm này. CÙNG GÓP SỨC, CÙNG LÀM cần được xem là bước đi kế tiếp của chúng ta trên con đường phụng sự cho lý tưởng chung.

Trước đây một khoảng thời gian chừng một năm, tôi có đọc một bài viết của cụ Hoàng Tụy, mà sau này mới rõ là một giáo sư, một nhà Bác học ngành Toán. Thú thật, điều sơ khởi khiến tôi để ý hơn cả là cách Cụ thể hiện điều cụ muốn nói lên: GIÁO DỤC, XIN CHO TÔI NÓI THẲNG. Chỉ đọc qua cách mà nhà giáo lão thành đáng kính này đặt vấn đề là thấy sự nhiệt thành, thiết tha, bộc trực của một tấm lòng mời gọi. Tôi cảm thấy màu trong mình chảy mạnh lên, cả người nóng ran, và Tim óc của tôi run lên, để đọc từng lời, từng chữ của tác giả. Thật là những giây phút phấn khởi vô cùng với người mở lòng tiếp nhận. Tôi mạn phép học đòi cách đó, coi thử tôi có “thành tựu đạo quả” được chưa, quý Anh Chị nghe?

Thành thực mà nói, tôi còn có niềm tin là mình may mắn hơn nhà giáo lão thành trên phần nào vì, với tôi, người nghe, quý Anh Chị, vốn là những người bạn trong tình Lam, là những người đã từng cảm thông, hiểu biết nhau từ mấy thập niên qua trên con đường hướng về một lý tưởng chung.

Nhưng, theo tôi nghĩ, nỗi khó khăn chung không phải về mặt ý thức. Bài học về “bó đũa” nêu cao sự cần thiết của tinh thần hợp quần, đoàn  kết hay việc xiển dương tình liên đới đoàn thể thể hiện trong “bầu ơi thương lấy bí cùng v.v…” chắc chúng ta đã nghe nhiều rồi và đã nằm lòng.

Cũng thế, một trong những vấn đề cấp thiết từng được nêu lên là chúng ta CẦN PHẢI làm gì trước tình trạng HIỆN TẠI liên quan đến tổ chức GĐPT thân thương? Câu trả lời có lẽ là tiếng đồng thanh rằng chúng ta cần một lòng ĐOÀN KẾT để bảo vệ Tổ chức màu Lam, và thật lòng ĐÓNG GÓP cụ thể để nuôi dưỡng những sinh hoạt giáo dục tuổi trẻ, là lý tưởng và mục đích chính yếu mà chúng ta đã đeo đuổi, riêng với một số Anh Chị hiện diện trong Đại hội này, đã đồng hành trong gần suốt cuộc đời.

Như vậy, xin nói thẳng, nói gọn trong một lời: giờ là lúc chúng ta cần HÀNH ĐỘNG, và được yêu cầu HÀNH ĐỘNG. Lúc này, hơn bao giờ hết và càng sớm càng tốt, tập thể Huynh trưởng chúng ta cần phải ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC cùng chung sống một cách chân thật với châm ngôn Bi Trí Dũng và những Điều Luật Cao Quý của mình.

Trong niềm hoan hỉ của người vừa ngay lòng  nói thẳng điều suy  nghĩ bấy lâu, tôi cũng như những người quan tâm đến sự hưng thịnh của tổ chức đều mong chờ thành quả điều trông đợi trên trong kỳ họp mặt kế tiếp.

Kính chúc quý Anh Chị một mùa Đại Hội thành công để đem lại sinh khí mới, sức sống mới cho Tổ Chức. Cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ quý Anh Chị, thuộc nhiều lứa tuổi, ở nhiều hoàn cảnh, tất cả đều được an vui trong lý tưởng màu Lam yêu quý của chúng ta.

Hayward, 22-7-2012

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0008

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0009

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0010

Niềm Vui Hội Ngộ

Trong vài ba ngày nữa, tôi sẽ được gặp Thầy, gặp Bạn, gặp Anh Chị Em trong Đại Hội kỳ 8 của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ. Thật vui mừng biết bao!

Trước hết là gặp Thầy. Thoáng một cái mà 4 năm trôi qua rồi, kể từ Đại Hội kỳ trước ở chùa Pháp Quang, thành phố Grand Prairie, tiểu bang Texas. Hình ảnh của sư ông Trí Hiền, Tọa chủ, vẫn còn im đậm nét trong tôi. Thầy bảo bọc Tổ chức từ thuở sơ khai, thương yêu tập thể Huynh trưởng với những lời chỉ dạy ân cần của một người Cha, của một bậc Trưởng thượng giảu lòng bi mẫn. Thầy luôn là người có nhiều thao thức với tiền đồ của Dân tộc và Đạo pháp. Riêng đối với tôi, nhờ mấy lời khuyến khích của Thầy, mà từ đó, quyển sách “Đậm Nét Tình Lam” đã được ra đời. Tôi luôn nhớ ơn Thầy. Tôi đã để dành sẵn một hộp trà xanh 103, sẽ tự tay mình pha một ly trà nóng cúng dường Thầy.

Chưa hết đâu, tôi còn tính chuyện “vòi vĩnh” Thầy nữa. Nguyên do, vừa rồi, trên máy bay đi Colorado làm lễ Vu Lan ở chùa Quan Âm Pháp Vũ, tôi có đọc một đoản văn của ôn Hội Chủ, tức là thi sĩ Huyền Không, ghi lại đạo tình giữa quý Ngài trong một chuyến đi năm 1984. Trong đó, có nhắc đến chuyện Sư Ông tính chuyện lập Đại Tòng Lâm với 106 mẫu đất đã được mua trước đó. Wow, cách đây trên 25 năm, mà Sư Ông đã tính chuyện đó rồi; còn tôi, thì bây giờ mới bắt đầu dự tính, tìm hiểu, nên tôi muốn học hỏi, xin Sư Ông truyền trao một ít kinh nghiệm trong việc tạo dựng một trung tâm Tu học, trong việc xây dựng một Trại trường… Tôi thấy rất phấn khởi trong lòng, muốn gặp Sư Ông ngay!

Và còn biết bao nhiêu tình thương, đạo tình của chư Tôn Đức khác nữa, xin kể ra một ít tôn danh quý Ngài, Hòa thượng Phước Thuận, thầy Minh Mẫn, thầy Quảng Thanh tận miền Nam Cali, thầy Hạnh Tuấn từ Chicago về… và luôn luôn, vẫn là, thầy Phổ Hòa, thầy Phổ Thuân, sư cô Tịnh Ngọc… những người Huynh trưởng năm nào của Tổ chức, bây giờ đã phát tâm xuất gia theo dấu chân của đấng Điều ngự Trượng phu. Ở gần, thì có Ni sư Đồng Kính của thiền viện Vô Ưu, quý Thầy, Sư Cô trong vùng và huynh đệ của tôi ở Tu viện Kim Sơn. Hình bóng quý Ngài với tăng bào lộng gió, hạnh nguyện độ tha luôn luôn là hình ảnh cao quý, linh thiêng trong lòng tôi.

Nhưng gần gũi nhất, thân thiết nhất vẫn là những anh chị em Huynh trưởng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, hăng say của Tổ chức đang sinh hoạt trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Xin hãy về đây, cùng góp gió để làm nên cơn bão lớn cho đàn em thấy được Tin Yêu. Cùng đến đây để, tay trong tay, ta nhìn rõ mặt nhau, mừng gặp mặt nhau trong tình Huynh đệ muôn đời, mà cười mà khóc với nhau. Xin mời về đây, để trong Hội Lớn này, cùng đóng góp cho việc Cải tiến Sinh hoạt, đưa Tổ Chức đi lên, để làm đẹp màu cờ sắc áo của tình Lam muôn thuở. Ôi! Tim tôi rung động và bàn tay tôi nắm chặt lại, Anh Chị ơi. Xin cảm ơn những Đạo tâm Tăng thượng, những Đạo nghiệp Truyền trao để chúng ta còn có ngày này, hôm  nay, dưới chân Phật tổ, bên cạnh Hoa Sen Trắng cùng sưởi ấm thâm tình của người Huynh trưởng, nguyện nối gót Đàn Anh, thương yêu Thế Hệ Trẻ trên con đường phụng sự của mình.

Tôi làm được gì đây, khi hổ thẹn nhìn lại chính mình chỉ với một con tim nhỏ bé, hai bàn tay còn lắm vụng về? Tất cả hy vọng lớn lao, mơ ước cao xa xin trao vào tay quý Anh Chị với lòng trân trọng. Lại xin nhìn vào đôi mắt trong sáng, đầy nhiệt huyết của quý Anh Chị, mà nói rằng: còn có nhau là còn tất cả vì trong ta còn ngọn lửa yêu thương của bác Tâm Minh, còn những mong đợi của đoàn Oanh Vũ ở Phổ Đà, ở Liên Hoa, ở Huyền Quang… và còn biết bao thiết tha, mong đợi của lớp lớp Huynh trưởng, đoàn sinh ở khắp mọi nơi. Ta hãy mạnh dạn lên đường, thắp sáng Niềm Tin, làm nên Việc Lớn: cải tiến sinh hoạt cho hợp với thời cơ, trình độ mà giữ lấy kỷ cương, tô bồi sức sống… cho thế hệ thanh thiếu niên.

Với quý Anh Chị nào mới về chùa PhổTừ lần đầu, tôi xin hân hạnh cống hiến một món quà nhỏ: con đường Từ Bi (Compassion Road) để quý Anh Chị đặt những bước chân thiền hành sau những giờ họp mệt nhọc. Đi trên đường đó, lòng ta niệm thầm danh hiệu của Bồ tát đại sĩ:

Nguyện đức Cứu khổ Tầm thanh

Ban cho nước Tịnh chữa lành tham tâm

Xin cho thế giới xa gần,

Hết cơn binh lửa, thấm nhuần Từ Bi.

Với giọt nước cam lồ tịnh thủy, bằng tâm niệm thương yêu, đùm bọc nhau, chúng ta sẽ thấy an lành, sung sướng.

Chiều nay, trong giờ chấp tác, tôi đã thong thả quét bụi trên các dãy lan can bằng gỗ cho được sạch sẽ. Lòng nghĩ đến ngày Đại Hội, quý anh chị Huynh trưởng Đại biểu có chỗ tỳ tay lên đó, với  ly trà nóng trong tay mà thưởng thức vị trà thơm ngon, ấm cúng để khi vào Phòng Hội tinh thần được thanh thản, rồi, từ đó, bao nhiêu ý kiến xây dựng hay ho, thích hợp sẽ được tuôn ra. Có lúc, tôi ngừng tay đôi phút, để như nghe máu chảy đều đều trong huyết quản, hơi thở ra vào với chánh niệm, cảm thấy Niềm Vui mình có đây rồi – trong giây phút hiện tại an lành.

Xin được chắp tay kính cẩn đón chào chư vị Tôn Túc, Anh Chị Em Huynh trưởng xa gần, cùng thập phương thiện tín cùng gặp mặt nhau trong ngày Hội Lớn này.

Những Chuyện Nên Nhớ, Những Điều Nên Quên

Bài học về lẽ vô thường của cuộc sống thế nhân, với tôi, không chỉ giản dị là điều cần nhắc nhở nữa, khi được tin về sự ra đi đột ngột của một Huynh trưởng Gia đình Phật tử gần gũi bấy lâu, anh Hà Học Lễ, pháp danh Minh Đạt.

Tôi có duyên lành quen biết, cộng tác với anh trong nhiều sinh hoạt và Phật sự tại chùa cũng như trong tổ chức Giáo hội. Một người thông minh, thẳng thắn nhưng không che giấu cá tính hồn nhiên, thích bông đùa. Điều mà tôi ghi nhận và học hỏi nơi Anh, đó là Anh ít khi nhắc đến Quá khứ - ít ra là về đời tư của mình – và thường hướng suy nghĩ đến Tương lai, một tương lai mà Anh cho là có ý nghĩa trong cuộc sống mỗi người.

Không rõ thời niên thiếu, con người hoạt bát, lanh lợi nơi Anh đã phát triển ra sao nhưng cho đến nay, quá tuổi trung niên, anh vẫn nổi bật như một mẫu người hoạt động, con người của dự phóng và hành động, như một thanh niên đương độ. Anh luôn xông xáo, đi đầu trong nhiều việc, đóng góp nhiều ý kiến tích cực và xây dựng ngoài ra còn lưu tâm đến việc gây tạo, duy trì bầu khí làm việc chung trong tinh thần vui vẻ, hòa ái. Ai mà không nghĩ rằng bên trong tài “hoạt náo” thể hiện trong buổi sinh hoạt còn ẩn chứa một tấm lòng TRUNG HẬU và rộng mở.

<![if !vml]><![endif]>

Tôi còn nhớ vào khoảng năm 2004, lúc mà tổ chức GĐPT đang gặp khó khăn từ bên trong, Anh thường đến với chùa PhổTừ. Một hôm, sau giờ làm việc, Anh đến thăm tôi với vẻ tư lự hiện rõ. Tôi thấy là điều bất thường! Biết Anh nhiều năm rồi, lúc nào nét mặt, nụ cười cũng tươi vui, nhưng bữa nay sao mà “nghiêm trọng” quá vậy nè. Tôi kéo ghế mời Anh ngồi, sau chừng một ly nước nóng, Anh bắt đầu câu chuyện:

- Mấy hôm nay, con ngủ không được, Thầy ơi. Tan nát hết, buồn quá, Thầy ơi. Mà không biết làm sao để hàn gắn tình cảm Anh Em, bảo vệ Tổ chức đây.

Thì ra ý Anh muốn nói đến tình trạng sinh hoạt của tổ chức GĐPT lúc đó. Đúng như lời Anh than thở, lúc đó, ai mà chẳng buồn! Có Thánh thần mới bình thản được!

Tôi ngồi yên nghe Anh nói, tuôn ra hết những điều cất giấu trong tâm tư sâu kín của mình. Có lúc Anh bật khóc, nước mắt, nước mũi chan hòa, trông y như đứa bé lúc giận lẫy. Tôi biết Anh nói thật, nói hết những điều suy nghĩ trong lòng và tôi kính trọng những giây phút đó, nên lòng thầm niệm Quán Âm và lắng nghe.

Trước khi dứt lời, Anh kết luận:

- Con xin Thầy điều này, xin Thầy hoan hỷ “mở đường” cho chúng con tìm lại một chút niềm tin nơi một Đơn vị mới, sinh hoạt mới, Thầy nghe. Con chỉ biết nương vào Thầy thôi… Rồi Anh ra về, nét mặt tươi hẳn.

Tôi không hứa hẹn gì cả. Ưu tư thì có nhưng làm sao biết được chuyện gì sẽ xảy ra mà dám hứa hẹn. Có điều sau đó thì đơn vị Chánh Hòa ra đời. Anh là một trong những người hết sức sốt sắng với việc thành lập, tổ chức. Ít người biết rằng công việc trên phát xuất từ Tâm Nguyện của Anh còn mang thêm ý nghĩa đóng góp một cách THIẾT THỰC cho sự cải thiện tình trạng của Tổ chức lúc bấy giờ.

Anh giữ đúng lời nói với tôi, và tôi cũng theo lời yêu cầu của Anh mà đóng góp phần vụ của mình. Ngoài ra, con người dấn thân hoạt động của Anh không nề hà bất cứ việc gì như khi hoan hỷ “phụ trách” hướng dẫn chỗ đậu xe cho thập phương đến Chùa trong các buổi lễ đông người. Những dịp này, Anh là người đến trước và về sau, khi mọi việc đã chu toàn! Nhiều lúc, tôi thấy vui  lây. Thấy Anh xông xáo, chạy lui chạy tới, ân cần chỉ chỗ cho khách thập phương đậu xe, rồi phân công, dặn dò các em Đoàn sinh cùng làm việc, mình có thể cảm nhận được trách nhiệm, tinh thần làm việc trong Thương Yêu và Đoàn Kết thật sự nơi một gia đình từ lòng nhiệt thành của một huynh trưởng.

Lần sau cùng tôi gặp Anh là trước khi Anh đi Việt Nam, làm việc ở một Đại Học ngoài Đà Nẵng. Khá vội vàng vì thời giờ không cho phép, Anh đi thẳng vào điều muốn nói:

- Con xin cám ơn Thầy, hôm trước nằm trong bệnh viện, niệm Phật, tay đặt vào sợi giây này mà con thấy lòng mình rất yên ổn. Giờ thì đi xa, công việc chắc sẽ bề bộn, phức tạp và khó khăn lắm, nên xin Thầy cho con một sợi dây Cát Tường khác và cầu Phật gia hộ cho con...

- Chân cứng đá mềm, tôi tiếp lời Anh. Nhất định rồi, tôi trả lời Anh với một cái xiết tay rất thân tình, đầy tin tưởng.

Giờ thì Anh ra đi thật rồi. Bỏ lại hết những điều nên NHỚ và cả những chuyện cần QUÊN. Nhớ những ân tình, đạo nghĩa có được với nhau ở trên đời. Một chị Huynh trưởng nhắc đến sự giúp đỡ hết sự tận tình của Anh khi còn là cán sự xã hội, làm việc trên Oakland. Một người khác lại nói đến bản tính cần cù, hăng hái của Anh. Tôi theo dõi những trao đổi trên internet thì thấy Anh là người tích cực giới thiệu, chỉ dẫn cho các sinh viên với các trường đại học ở Mỹ trong một số chương trình giáo dục, xã hội. Trong số sinh viên tốt nghiệp có người đã hoàn tất học vị tiến sĩ và đang làm việc tại một cơ quan giáo dục quốc tế ở Thụy Sĩ.

Phần tôi, luôn nhớ đến bóng dáng Anh trong đồng phục màu Lam, tay ngắn quần cụt, sốt sắng chu tất việc đậu xe cho nhà chùa trong những ngày lễ đông người. Công đức của Anh rất lớn, xin Phật chứng minh, dù chỉ thể hiện bằng một việc làm đơn giản, tầm thường. Nay, cấp bằng Tiến sĩ, danh vị Khoa trưởng, hay muôn vạn Hình tướng có được, Anh đều để lại cho đời, chưa kể tình Cốt nhục, nghĩa Đồng bào, và tình cảm  màu Lam muôn đời thân thương. Xin mượn vài câu thơ để tiễn Anh:

Vết thân gầy còm dấu xa đưa

Hình bóng cũ, xa mờ đường muôn lối,

Người đã ra đi như một áng mây chiều

(Tâm Thể - Tiễn một người đi)

Hay một chị Huynh trưởng của Chánh Hòa, cất tiếng gọi Anh:

“Về đi lữ khách đường xa lắm

Cát bụi sầu vương vướng đã nhiều

Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả

Cho hồn thơ ấu được nâng niu”

Người nhà cho biết, Anh ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Buổi sáng đi tắm biển với thân nhân, chiều về, gọi điện thoại thăm cha mẹ. Hai giờ sáng, hôm sau, Anh ra đi, chuyến đi sau cùng của một kiếp người trên trần thế.

Anh Lễ ơi, xin nhớ đến và cầu nguyện cho tổ chức Gia đình Phật tử nghe. Đó là mái ấm gia đình thân thương của tất cả chúng ta. Rồi xin Anh quên, quên hết đi, những hệ lụy trần gian.

Đường phía trước, thênh thang, Anh cất bước.

Nẻo đi về, muôn một, vẫn bình an.

Như thuở sơ khai của đất trời.

Bóng nhạn không in dấu vết.

Lòng người chẳng bận trả, vay.

Vừa thấy mây lành đưa lối,

Thân tâm: hội nhập – sáu cõi ngừng quay!

Thành tâm tưởng niệm Huynh trưởng Cấp Tín của tổ chức GĐPT Việt Nam: Hà Học Lễ pháp danh Minh Đạt, từ trần ngày 19-8-2012 tại Đà Nẵng, hưởng thọ 64 tuổi.

Cầu nguyện hương hồn Anh sớm siêu sanh Tịnh độ.

Tháng 8/2012

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0011

Xin Dừng Lại, Để Nhìn Cho Rõ

Hayward ngày 29 tháng 10 năm 2014

Thưa anh Phúc Thiện và các Anh, Chị Huynh trưởng,

Sau nhiều đắn đo trước khi đặt bút, tôi xin được phép cùng các Anh, Chị trở lại vấn đề liên quan đến sự việc khúc mắc vừa qua xảy ra trong tổ chức chúng ta, điều mà tôi luôn luôn nghĩ cũng như tin tưởng rằng nội vụ đã được giải quyết trong tinh thần thông cảm, bao dung, hòa ái.

Trong thời gian qua, khi sự việc xảy ra, quan điểm và ý kiến của những người hữu trách cũng như những người quan tâm đến sự việc đã được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới điện tử, theo tôi nghĩ cũng là cơ hội tốt để bất cứ ai trong giới quan tâm và mọi người chúng ta đều có thể nhận biết đầy đủ, chính xác sự việc và từ đó tự mình tìm ra được kết luận đúng đắn trong phương cách giải quyết nội vụ. Cũng trong tinh thần trên, trước sau, tôi vẫn tiếp tục dành thì giờ LẮNG NGHE quý Anh, Chị. Gần đây, một lễ Cầu An được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện và Tu học Thích Quảng Đức ở San Bernadino, miền Nam Cali, một hành động mà không chỉ những người tham dự buổi lễ trong đó có tôi và các Anh, Chị, đều nghĩ như là một cách thể hiện tinh thần BAO DUNG, HÒA ÁI của tổ chức màu Lam chúng ta. Buổi lễ trên càng có thêm ý nghĩa khi nó nhắc nhở chúng ta về những nhân tố cần thiết cho sự tồn tại, thịnh suy của tổ chức cũng như là sự xác định rằng phương châm và những điều tâm niệm của đoàn thể Áo Lam luôn luôn được thể hiện và phát huy mạnh mẽ.

Dư âm và tinh thần buổi lễ còn lắng đọng trong tâm tư chúng ta khiến cho việc chúng ta trở lại sự việc đã qua có thể làm nhiều người quan tâm ngạc nhiên không ít.

Tôi buộc lòng phải nói rõ khi chính điều này cũng khiến tôi ngạc nhiên và bối rối trong những ngày gần đây trong lúc mục tiêu chính của chúng ta là chú trọng vào vấn đề kiện toàn tổ chức được hữu hiệu thay vì dừng lại ở việc đào sâu, nới rộng dị biệt, bất đồng thường xuất hiện trong mọi tổ chức.

Chính vì nhiệt thành tin tưởng vào sự trưởng thành ý thức nơi các Anh, Chị khi phát tâm hoạt động, tôi luôn nghĩ rằng các Anh, Chị suy nghĩ và hành động đều không ngoài lợi ích của đoàn thể và lợi ích của những người đi sau như lời phát nguyện bên ngọn Vô tận đăng.

Do đó, không chỉ trong trường hợp này và ngay ở thời điểm này, cùng với lời cầu nguyện chí thành, tôi mong các Anh, Chị, dành chút thì giờ quán chiếu thân tâm để nhìn lại sự việc xảy ra thay vì tiếp tục giữ lấy nhận thức chủ quan riêng biệt của mình.

Ngày trước, khi sinh thời, ôn Kim Quang (tức là Hòa thượng Thiện Trì) có lần dạy tôi: Từ Lực ơi, nhớ nghe, phá kiến còn nặng hơn phá giới nhiều lắm nghe! Ý Ôn muốn nói, có phạm giới, mà mình thành tâm muốn sám hối, thì sẽ được thanh tịnh, yên tâm trở lại để tiếp tục tu hành. Còn phá kiến, tức là phá hủy chánh kiến, thì chẳng khác gì mình đã bị chôn chặt trong ngục tù của mê mờ, không có cơ hội ra khỏi mê lầm; như vậy, có nghĩa là từ chuyện sai này sẽ đưa đến chuyện sai khác, và cứ thế mà tạo thêm nghiệp xấu.

Từ nhận thức này, tôi xin các Anh Chị dành thì giờ đọc vài tập tài liệu Phật pháp của ôn Tuệ Sĩ (như tôi đang đọc quyển Thắng Man giảng luận đây) hay của ni sư Trí Hải, hoặc nghe vài bài giảng Phật Pháp của quý Ôn, quý Ngài khác, hay đến chùa thắp hương lễ Phật… để nuôi dưỡng, tôi bồi thêm chánh niệm, chánh kiến.

Trong tiến trình phát triển của đoàn thể, tổ chức, mọi ý kiến đúng đắn, xây dựng cần phải được lắng nghe nhưng việc thực thi cần tôn trọng và phục vụ cho lợi ích của tổ chức. Nói thế để chúng ta cùng hiểu rằng trong cuộc tranh luận ngay cả tranh chấp giữa những ý kiến dị biệt, bất đồng nhằm mục đích xây dựng đoàn thể, không có quan điểm thắng thế mà chỉ có giải pháp tốt hơn cả được chấp nhận cho sự vững mạnh của tổ chức.

Do đó, giữa lúc bất đồng, khác biệt với nhau nẩy sinh, điều cần thiết là biết dừng lại kịp thời, và nhờ đó mà tránh những hậu quả không hay cho đoàn thể, phương hại đến thế hệ đi sau! Mình thêm được điều gì tốt, nếu cứ tìm LỖI người khác, mà quên là mình cũng có LỖI! Rất nhiều chuyện đã xảy ra rồi, tôi không muốn nhắc lại ở đây, chỉ xin mượn lời phát biểu của một Huynh trưởng, để chúng ta cùng suy gẫm: Các Anh Chị có dự định sẽ làm gì, sau khi “sáng tỏ và minh bạch” những tài liệu liên quan tới Thầy? Câu hỏi này, giúp mình dừng lại, để biết rõ vị trí của mình, và nhờ đó mà tránh được những lỗi lầm đáng tiếc! Với tôi, đó là một lời than thở của một người em, lời nhắc nhở của một người anh, và là một lời bộc bạch CHÂN THÀNH của một người Huynh trưởng muốn xây dựng tổ chức cho Đẹp, cho Vui. Chúng ta nên lắng nghe nhau! Như vậy, chứng tỏ trong tập thể Huynh trưởng vẫn còn có người BÌNH TĨNH, sáng suốt, biết suy xét để tìm hiểu sự thật, phân biệt đúng sai.

Thêm nữa, đây cũng là cách gợi ý để chúng ta suy gẫm về lời dạy của Ôn Thiện Hoa ngày nào: “Làm việc gì, trước hãy nghĩ đến hậu quả của nó”, tức là mình cần CẨN TRỌNG trong lời nói, thái độ, hành động nhất là khi lời nói, thái độ, hành động của mình có ẢNH HƯỞNG hay tác động không hay đến tập thể, đến tổ chức GĐPT.

Thưa Anh Trưởng Ban,

Cũng liên quan với sự việc này, và nhằm hóa giải những khó khăn hiện nay trong chiều hướng tích cực, tôi xin đề nghị vài điều dưới đây:

1. Tiếp theo buổi lễ cầu nguyện tại Trung tâm tuần rồi với sự hiện diện đông đảo chư Tôn Đức Tăng Ni xa gần cùng đến hộ niệm, cầu nguyện, xin đề nghị ban HDTƯ yêu cầu các Miền tổ chức một ngày tu học trong hoàn cảnh cho phép nhằm tạo cơ hội cho tập thể Huynh trưởng đến Chùa tu tập hầu nhìn lại chính mình rõ hơn. Như vậy, trong khoảng thời gian một tuần giữa hai ngày chủ nhật, tất cả Lam viên chúng ta cùng có cơ hội “dị khẩu đồng âm” cùng tu học Phật pháp để thực thi và phát triển lời Phật dạy, nuôi dưỡng niềm Tin Yêu đối với tổ chức màu Lam. Ngoài ra, các Anh, Chị Huynh trưởng nên đi đầu trong việc dành thêm thì giờ thường xuyên đến Chùa tụng kinh, nghe pháp.

2. Lúc này, trong cố gắng bày tỏ thiện chí và cơ hội thuận lợi để chặt tình Lam, từ đó cơ thể hóa giải những hiểu lầm, ngờ vực nhau, xin ban HDTƯ tổ chức một khóa Hội Thảo hay một buổi Họp Mặt trong ngày cuối tuần để chúng ta có cơ hội gặp gỡ, giải bày trong tinh thần hiểu biết, xây dựng, hòa ái hầu xóa đi những nghi kỵ, phiền muộn đã nảy sinh nhằm xây dựng mối liên hệ thân tình thành thật gắn bó trong tập thể Huynh trưởng. Như vậy, biết đâu, trong cái không hay chúng ta sẽ tìm thấy thuận duyên cho sự phát triển tình Lam.

Trong sự tin tưởng ở tinh thần lục hòa, những cơ hội tu học Phật Pháp sẽ mãi mãi soi sáng, hướng dẫn, an ủy và khích lệ chúng ta, tôi thành tâm  kính chúc anh Trưởng Ban và các Anh, Chị đều được an lành trong màu Lam hiền hòa, trong tình Lam cao quý.

VIỆC CẦN LÀM BÂY GIỜ

Thống Nhất Ý Chí, Hòa Đồng Tư Tưởng

Thưa quý Anh chị Huynh trưởng cấp Tấn,

Bài viết này xin được chia sẻ TRỰC TIẾP đến với quý Anh Chị trong khóa Hội thảo cấp Tấn sắp đến; vì vậy, cho phép tôi xưng hô như vậy.

Thú thật, tôi rất mừng khi nhận được lá thư mới có nội dung về khóa Hội thảo này, mà trong đó có phần: Thảo luận về “Tinh thần và Trách nhiệm của một Huynh trưởng cấp Tấn với tổ chức GĐPT.” Theo tôi, đây mới là việc làm TRỌNG YẾU và CẦN THIẾT trước khi Đại hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ 9 khai mạc sau đó. Vì vậy, trong tình Lam quý báu, tôi xin được chia sẻ với quý Anh Chị vài điều tâm tình dưới đây, để quý Anh Chị rộng đường tham khảo.

Không cần nói nhiều, quý Anh Chị cũng đã nắm vững tình hình nhân sự trong sinh hoạt của Tổ Chức chúng ta. Theo tôi biết, Huynh trưởng cấp Dũng chỉ có vài Anh giữ vai trò đại diện. Huynh trưởng cấp Tín và cấp Tập thì được giao nhiệm vụ trong lãnh vực Miền và Đơn Vị địa phương. Còn lại, là tập thể Huynh Trưởng cấp Tấn, với số lượng khá đông đảo, nhiều kinh nghiệm mới là thành phần chính yếu đảm đương công việc của Ban Hướng Dẫn Trung Ương, tham gia việc hoạch định và theo dõi việc thực thi và phát triển Đường Hướng hiện tại và tương lai của tổ chức GĐPT, tóm lại là chịu phần lớn Trách Nhiệm về sự Thịnh Suy của Tổ chức.

Theo thiển ý của tôi, lúc này là lúc mà Tổ chức cần Tiếng Nói Từ Tấm Lòng Trung Thực của quý Anh Chị để gióng lên tiếng chuông Cảnh Tỉnh: Thống Nhất Ý Chí và Hòa Đồng Tư Tưởng để phụng sự cho mục đích chung của tổ chức GĐPT chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn lại quá khứ để rút ra một số bài học quý báu. Không phải một ngày, một buổi mà Ấn Độ có tiềm năng phát triển như hôm nay. Người ta dễ dàng tìm thấy những kỹ sư người Ấn Độ rất có khả năng, thích ứng một cách hiệu quả với công việc. Đó là nhờ vào công lao của Thủ tướng Nehru từ hơn 60 năm trước, ngay sau khi giành được độc lập, đã lập tức thành lập nơi đào tạo lực lượng khoa học cần thiết cho xứ sở, Học Viện Kỹ Thuật Ấn, India Institute of Technology. Và không phải ngẫu nhiên công ty Google đạt được thành công, mà khoảng 7  năm trước, khi ra thị trường chứng khoán một share chỉ có 86 dollars, mà bây giờ, 2012, đã lên đến $587 một cổ phần, có nghĩa là tài sản của công ty đã tăng gấp mấy mươi lần. Sự thành công lớn lao đó là nhờ giới Lãnh Đạo sáng suốt không những vạch được một hướng đi đúng đắn trong việc phát triển mà còn quy tụ và xây dựng được một thành phần trách nhiệm có tâm huyết, có khả năng, đáp ứng được đòi hỏi và vượt qua được thử thách. Còn đối với những người Cộng sự thì đồng lòng hợp sức làm việc trong tinh thần xây dựng, với một ý chí vững mạnh và đầy tin tưởng vào tương lai.

Nhắc đến kinh nghiệm của một quốc gia hay một đơn vị kinh tế, chúng ta thử lấy làm điều học hỏi trong muôn một để không phụ lòng các bậc tiền bối từng hết lòng trong việc xây dựng tổ chức. Tôi vẫn hằng nghĩ rằng, trong tâm mỗi người chúng ta, Ôn Thiện Minh, Cụ Tâm Minh vẫn theo dõi mọi việc làm, đóng góp cho tổ chức.

Trong điều tâm tín ấy và với thực tế trước mắt, tôi xin đề nghị mấy điều:

1. Ngay trong Đại Hội này, chương trình sinh hoạt nên có giờ Tĩnh tâm, Tâm Tình để tập thể Huynh trưởng có cơ hội quán chiếu, nhìn sâu cho tâm hồn thảnh thơi, bớt căng thẳng trong những giờ hội họp, tạo được tinh thần đối thoại đúng nghĩa giữa những người tham dự bằng sự chia sẻ những suy nghĩ và lắng nghe nhau.

Cần tìm mọi cơ hội để nuôi dưỡng, phát triển tình Thương Yêu, lòng Quý Mến nhau. Lấy bữa ăn, buổi trà đàm, kể cả lúc chuyện vãn, làm môi trường thực hành.

2. Tập thể Huynh trưởng cấp Tấn nên có tiếng nói chung, biểu lộ tinh thần hợp nhất, trên là đền ơn chư vị Tiền Bối hữu công, dưới làm gương cho Huynh trưởng của Thế Hệ Trẻ Tuổi. Điều này không ngoài việc duy trì tinh thần Đoàn Kết là vô cùng quan yếu trong sinh hoạt và sự tồn tại của một đoàn thể.

Các hình thức sinh hoạt của Tổ Chức cũng cần được cải tiến cho được thích hợp với hiện tình xã hội, trình độ và tâm lý của Đoàn sinh.

Thứ nữa, phải thực thi những gì đã hứa, đã nêu lên. Lời Nói phải đi đôi với Việc Làm. Không làm được thì, tốt nhất, là đừng hứa hẹn hay cam kết.

Phải vượt qua cho được tình trạng “làm chiếu lệ,” cuối cùng không đạt được kết quả nào cả, nếu không muốn nói, còn làm ảnh hưởng đến ý chí tiến thủ của người khác.

3. Cùng tích cực làm việc để đưa ra Đề Án thực tế, có thể thực hiện được, để duy trì Niềm Tin vào Thực Lực của tổ chức.

Cần phải lưu tâm đến khả năng và phẩm chất của tập thể Huynh trưởng, nhân tố quan trọng nhất trong việc phát triển Tổ Chức. Điều chúng ta mong muốn là chúng ta xây dựng được một tập thể Huynh trưởng có tâm tốt, hạnh lành và khả năng giỏi. Để đạt được mục tiêu ấy, vấn đề Tu học thường xuyên của Huynh trưởng là quan tâm hàng đầu của mọi đề án xây dựng và phát triển tổ chức.

Trên đây chỉ là đôi lời tâm tình thô thiển. Xin gởi đến quý Anh Chị với tất cả lòng trân trọng và quý mến của tôi.

Cầu nguyện hồng ân Tam Bảo, chư Lịch đại Tổ sư, gia hộ quý Anh Chị và quý quyến được nhiều sức khỏe, an vui. Xin gặp quý Anh Chị trong những ngày Đại Hội sắp đến.

Hayward ngày 22 tháng 6 năm 2012

TinhThần Quán Niệm

(Tài liệu phổ biến nội bộ trong khóa Hội Thảo Huynh Trưởng GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 19 & 20.9.2009 tại Trung Tâm Tu Học & Huấn Luyện Thích Quảng Đức ở San Bernadino, miền Nam California)

QUÁN NIỆM LÀ GÌ?

Nói một cách đơn giản, quán niệm là điều cần thiết ta làm hàng ngày để có nhận thức đúng đắn về những sự việc xảy ra. Đó là sự suy gẫm tường tận và thấu đáo vấn đề. Khi đã hiểu rõ hoàn cảnh nảy sinh và những khía cạnh thường là phức tạp của sự việc, chúng ta sẽ không HIỂU LẦM và từ đó tránh được cho mình sự phiền muộn, sân hận kể cả phản ứng hay manh động không hợp lẽ nữa. Lấy một ví dụ quen thuộc như khi tôi biết được có người nói điều mình thấy “khó nghe.” Chẳng hạn như câu bình phẩm “Ông Thầy Từ L., người gì đã ốm yếu mà lại vô duyên nữa!” Nghe vậy, ai mà chẳng thấy nóng mặt, nóng cả người. Nếu không tu tập, quán chiếu thì đã phản ứng TỨC THỜI! (tôi cũng không biết sẽ làm gì được “đối phương” khi thân hình mình chỉ vỏn vẹn có 98 pounds!)

Đây là lúc cần phát khởi chánh niệm, coi thử “nhận xét” trên hự thực ra sao, đúng sai ở điểm nào. Thật ra, câu nói trên có phần đúng. Đó là trọng lượng quá khiêm tốn của tôi. Còn nếu nói mình vô duyên, tôi thấy cần tự xét lại mình trước khi có thể cho rằng người nói CHƯA HIỂU tôi cho lắm nên vui miệng mà bình phẩm. Hiểu như thế, tôi tự dập tắt được sự phiền muộn có thể đã chớm trong lòng. Bởi vì, xét kỹ tôi không giấu điều tự hào về sở trường của mình, vừa có thể hát cải lương, môn nghệ thuật được ưa chuộng của đồng bào trong Nam, lại vừa tụng kinh theo giọng của quê nhà xứ Huế. Chỉ cần điểm đó thôi là tôi thấy mình có duyên lắm rồi! Nghĩa là mình có được lợi khí dễ dàng làm quen với đám đông, với những người bạn mới.

Như thế, nói chung, trong tinh thần quán  niệm được phát huy, mọi sự việc xảy ra đều là những tác nhân giúp ta suy gẫm để hoàn thiện, không nên để chúng là duyên cớ khiến ta phiền muộn hay giận hờn. Từ đó, tôi mạn phép để đưa ra kết luận rằng: duy trì quán niệm thường xuyên trong cuộc sống là điều kiện đem lại an tĩnh cho tâm hồn.

Trở lại môi trường thực tế mà những người Huynh trưởng như quý Anh Chị dấn thân phục vụ cho lý tưởng và theo tâm nguyện, những nghịch duyên đã dẫn đến bất đồng hay mâu thuẫn xuất phát trong hoàn cảnh bất đồng hay mâu thuẫn xuất phát trong hoàn cảnh khác nhau là điều khó mà tránh khỏi. Vấn đề cần làm  là chúng ta quán chiếu sự việc ra sao để duy trì được nhận thức và hành động giữ vững tình huynh đệ trong tổ chức, trước nhất là không góp phần vào việc tạo thêm chướng duyên hay tạo cơ hội cho nghịch duyên phát triển.

Tiến trình giải quyết có thể rất khó khăn và đòi hỏi ý thức cống hiến cao độ cho lý tưởng của mỗi người. Trong phạm vị cuộc thảo luận, tôi chỉ mạo muội chia xẻ cùng quý Anh Chị hai điều dưới đây mà thú thật, tôi xem như lời cầu nguyện hàng ngày như thể tôi cầu nguyện cho chính mình gặp được thuận duyên để thực hiện trọn vẹn hạnh nguyện xuất gia.

I. HÃY THỂ HIỆN NHIỀU THƯƠNG YÊU

Khi lặp lại yêu cầu quen thuộc này, tôi muốn xin quý Anh Chị hãy suy gẫm thêm về mối tình cảm tương thân ràng buộc giữa những người cùng chung một màu áo, một lý tưởng điển hình là hơn một trăm Huynh trưởng cùng hiện diện nơi đây để thấy sự cần thiết phải tô bồi thường xuyên tình cảm  thiết thân này. Hiển nhiên là, như quý Anh Chị đều rõ, tình cảm liên đới và hỗ tương giữa những người cùng chung tổ chức là sức mạnh để tổ chức được tồn tại. Tình cảm này được khuyến khích, vun bồi sẽ là sinh khí và nhuệ khí cho tổ chức thăng tiến, phát triển.

Trên thực tế, thú thực, do nhiều nguyên nhân hay hoàn cảnh, trong nhiều trường hợp chúng ta chưa thể hiện được đầy đủ tình thương yêu như mong muốn chung hay như đòi hỏi của tổ chức chưa kể có lời nói, thái độ hay hành động không phù hợp với mục đích phát huy tình thương trên. Nay, trong tinh thần quán niệm được khuyến khích, chúng ta có cơ hội nhìn lại và nhìn rõ hơn sự việc trong đó có những điều chúng ta đã nghĩ, đã làm để nhận ra rằng chỉ có sự phát huy tình thương yêu mới đem lại an tĩnh cho tâm mình, đem lại an lạc cho người và sự tăng trưởng của tập thể. Trong niềm tin tưởng đó, giờ đây, xin quý Anh Chị cùng nhất tâm nghe lời QUÁN NGUYỆN về đức Bồ tát Quán Thế Âm (đọc lời quán nguyện sau ba tiếng chuông).

Trong tinh thần quán niệm, chúng ta thấy được chân tướng của sự việc đồng thời hiểu rõ thêm tâm hồn những người quanh ta, thông cảm được hoàn cảnh của mỗi người cũng như khả năng mỗi người khi ứng phó. Sinh hoạt với miền Thiện Minh, tôi có cơ hội lưu tâm đến hoàn cảnh cá nhân Huynh trưởng, thường cầu nguyện cho chị Đồng Nguyệt, cho anh Đường Hào, cho các Huynh trưởng của Chánh Đức và Chánh Hòa… Quả thật, quý Anh Chị công việc bộn bề,

 

Nào là việc nhà, việc hai bên nội ngoại, có người còn lo toan việc làng, việc xóm nữa. Nghĩ lại, đôi lần, mình vẫn còn cảm thấy buồn bực ít nhiều khi quý Anh Chị vì lý do riêng không đáp ứng lời yêu cầu giúp đỡ của tôi (như quên mua cà-rem cho tôi chẳng hạn). Công phu hai buổi, ngồi thiền mỗi sáng để nhiếp tâm, đã giúp tôi khiến sự phiền muộn chỉ thoảng qua trong lòng. Thú

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0012

thực, công phu tu tập ấy chưa đủ khả năng khiến tâm an nhiên trước những điều không được như ý. Có lần, tôi bùi ngùi khi nghe một anh Huynh trưởng, tuổi đời trên sáu mươi, tuổi đoàn gần bốn mươi năm, tâm sự: “Thầy ơi, chẳng lẽ, suốt một đời sinh hoạt với châm ngôn Bi Trí Dũng, mà gần cuối đời lại có kết quả: vợ không hiểu, con không thương, còn mình thì không đủ can đảm mà quyết tâm để dẹp bớt bản ngã, tự ái cá nhân. Con phải làm gì cho đúng, thưa Thầy.” Tôi thấy anh đã thốt lên trong lúc bi quan nhưng tôi cũng hiểu rằng công phu tu tập trong đó có sự quán chiếu bản thân phải là việc làm thường xuyên và kiên trì của người Huynh trưởng và cần được thể nhập trong đời sống hàng ngày chứ không phải chỉ trong thời gian tu tập.

II. HÃY THÊM PHẦN ĐOÀN KẾT

Đoàn kết là hệ quả tất yếu khi tình tương thân tương ái trong tổ chức chúng ta được xiển dương và cần được xem như yếu tố tạo nên sức mạnh và thống nhất của tập thể. Câu chuyện ngụ ngôn về bó đũa bị tách rời thì chúng ta đã nghe cả và đã có ít nhiều kinh nghiệm. Với mục đích phát huytinh thầnđ0àn kết,tôi xin đưa ra đề nghị gồm ba điểm sau như một đóng góp thiết thực trong cuộc hội thảo.

Một là, cần củng cố và kiện toàn tổ chức hiện tại mà những khó khăn trong giai đoạn qua đã ảnh hưởng hay tác động bất lợi đến hoạt động hay kế hoạch, dự án. Mục đích, nội dung và ý nghĩa của công việc trên không xa rời châm ngôn lấy từ đôi câu:

Cùng ngồi xuống, thọ trì giới pháp, chăm sóc thân tâm, vui tình đạo

Hãy đứng lên, xây dựng nhà lam, báo đền ơn Phật, vẹn nghĩa đời.

Hai là, hãy tiếp tục TÌM KIẾM và MỞ RỘNG những cơ hội liên lạc hay gặp gỡ với các đoàn thể anh em mà vì lý do riêng nay hoạt động biệt lập. Đây là hoàn cảnh thuận lợi và là cơ hội tốt để chúng ta tiến gần nhau hơn trong tinh thần cảm thông, hiểu biết và thân hữu. Nỗ lực trên trở nên hết sức cần thiết cho việc đem lại sự ổn định trước mắt cho tổ chức nếu chúng ta xem đây là những cơ hội ngăn chặn sự nẩy nở thêm những nghịch duyên, đào sâu những bất đồng hay bồi đắp thêm thành kiến. Chúng ta vui mừng khi thấy trong thời gian qua đã có cuộc gặp gỡ và sinh hoạt ngoài trởi (picnic) tại Stockton, miền Bắc California quy tụ các đơn vị GĐPT trong vùng. Tại miền Nam California cũng có chín đơn vị GĐPT xum họp trong một trại họp bạn tại công viên. Sự việc trên tuy lẻ tẻ nhưng là dấu hiệu đáng mừng của một nỗ lực lâu dài nhằm thúc đẩy sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Và, vì chúng ta đều hiểu rằng chính sự đồng thuận trong lòng người mới là nền tảng vững bền của sự hợp nhất.

Sau cùng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và tin tưởng vào tương lai, vào vận hội mới của tổ chức. Sự lạc quan, tự tin sẽ giúp chúng ta sức mạnh tinh thần cần thiết để hành động, để vượt qua nghịch cảnh và thử thách.

Có THỰC SỰ thương yêu và THÀNH TÂM đoàn kết, chúng ta sẽ tìm được an lạc trong tâm hồn, phúc lợi cho tập thể và trường tồn cho tổ chức.

KẾT LUẬN

Từ ngàn xưa, Khổng giáo đã đề ra tiến trình cần thiết cho công cuộc bình trị bằng việc lấy việc rèn luyện bản thân làm căn bản: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Giáo lý nhà Phật cũng chỉ rõ cái gốc của mọi sự việc: tâm dẫn đầu mọi pháp. Chúng ta cần quán chiếu sự việc từ tâm mình để nhận chân hình tướng và mối tương quan nhân quả của chúng hầu tránh được những suy nghĩ, thái độ hay hành động không hợp lẽ. Được thế, tâm ta an lạc, trí ta thảnh thơi, nghịch duyên dần hóa giải.

Thưa quý Anh Chị,

Đề tài thì bao quát mà xét lại mình, tài hèn đức bạc, những điều vừa trình bày chưa đáp ứng được những băn khoăn  hay thao thức bấy lâu của quý Anh Chị. Lẽ đó, tôi xin giới thiệu quý Anh Chị tập tài liệu hữu ích và súc tích của cố Hòa Thượng Thiện Hoa, người từng giữ trọng trách Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tác phẩm “Tu Tâm Dưỡng Tánh.” May mắn thay, công việc tu tập bản thân chúng ta nay vẫn còn được bậc Tôn Sư đã khuất để mắt, theo dõi và chỉ giáo.

Cầu Phật gia hộ anh Trưởng Ban cùng quý Anh Chị Huynh Trưởng nhiều an vui và đạt được thành quả trong khóa Hội thảo này.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0013Nam mô Thường Hoan hỷ Bồ Tát Ma ha tát.

Thương Anh, Thương Chị Thương… Đoàn

Đường như giữa những tâm hồn hiểu biết nhau thường phát sinh một mối giao cảm đặc biệt nhất là trong hoàn cảnh khác với bình thường. Tôi nghiệm ra điều này mỗi khi ốm đau hay thấy sức khỏe suy giảm là những lúc tâm trí nghĩ nhiều hơn đến người thân quen trong đó có quý Anh Chị trong đoàn Cựu Huynh Trưởng ở San Jose. Đây là những lúc tâm trạng mình cảm thấy sâu sắc hơn tình cảm gắn bó với những người quý mến và cũng là lúc mà tôi xem là cơ hội tốt để quán chiếu sự ngắn ngủi, bấp bênh của cuộc đời.

Đôi lúc tìm cách giải thích tâm trạng này, tôi tự nhủ rằng thông thường người lớn tuổi mỗi khi suy yếu là lúc cảm thấy rõ rệt mình bất lực trước sự hữu hạn của cuộc sống nên không gì bằng hãy nhìn về cuộc đời bằng tấm lòng chân thật, hiểu biết.

Khi ấy, trong lòng người có tuổi thường vui buồn lẫn lộn bên nhau. Không vui vì mang tâm trạng của lớp người “lực bất tòng tâm.” Nhưng vui xen lẫn tự hào vì những đóng góp kể cả cống hiến hữu ích cho tha nhân, cho xã hội. Còn hình ảnh nào khiến tôi xúc động hơn là thấy Anh Chị trong lớp tuổi thất tuần vẫn tiếp tục có mặt trong những hoạt động mang tinh thần hòa đồng và khích lệ lớp sau tiếp tục tiến bước.

Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm Chu Niên của Đoàn và cũng có ý nghĩa ngày mừng thêm tuổi đoàn của những vị đàn anh trong tổ chức, tôi mạn phép trình bày một vài suy nghĩ cá nhân qua sự diễn đạt văn chương của hai vị lão thành không thiếu kinh nghiệm người từng trải.

Bài thơ thứ nhất của nhà văn Võ Phiến, viết vào năm Bác được 84 tuổi, nhan đề là “Mộc Mạc”

Xưa từng có xóm có làng

Bà con cô bác họ hàng gần xa

Con trâu, con chó, con gà

Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri

Múa may mãi chẳng ra gì

Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời

Thân tàn đất lạ chơi vơi

Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen.

Đọc lên nghe như lời tâm tình chân thành của một người thân quen trò chuyện bên mình. Tâm  sự của một tiền bối đầy ắp kinh nghiệm của một người quen sống hòa hợp với thiên nhiên, với xã hội nhưng đến tuổi xế chiều cảm thấy muốn vượt thoát khỏi thực tại, xa rời mọi huyễn tượng và mong ước tâm hồn được phiêu bồng trong an nhiên tự tại. Tâm trạng ấy ít nhiều tương tự bước đầu của điều mà bậc thiền sư đã chứng ngộ khi nhận chân lẽ thịnh suy và vô thường của vạn pháp.

Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Vạn Hạnh thiền sư)

Bài thơ của tác giả ít tuổi hơn, “Tự Kiểm” của Nguyễn Duy Ân, đăng trên tạp chí Khởi Hành, gần như là lời tự bạch thành thực vừa có ý nghĩa sự khuyến thỉnh quay về chánh pháp vì sao lãng việc tu tập trong cuộc sống là tự tạo thêm nghiệp khổ cho mình.

Sắp qua bảy chục (“cổ lai hy”)

Tổng kết thân tâm gặt hái gì?

Phí phạm thời giờ thêm nghiệp chướng

Tiêu hao sức lực chuốc sầu bi

Gậy thù chẳng thấy vơi mầm ác

Tạo oán không làm giảm gốc si!

Tập khí muôn đời thật khó chuyển

Phật danh một niệm, rẽ đường đi.

Điều sau cùng tôi xin thêm là việc phát triển tinh thần Lạc Quan, Vui Sống mà theo tôi nghĩ quý Anh Chị đã thể hiện khi tự nguyện tiếp tục có mặt trong tổ chức như một nhân tố khích lệ và hậu thuẫn cho thế hệ sau. Đó cũng là việc tìm thấy sự an lạc trong tâm hồn bằng những hoạt động cho tha nhân, cho tập thể như lời dạy của vị Thầy cao niên, Đức Đạt Lai Lạt Ma. “Tôi tin hạnh phúc xuất phát từ lòng thương. Hạnh phúc không thể đến từ sự giận dữ. Qua tình thương, sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, dù trên bình diện cá nhân, quốc gia hay thế giới, chúng ta sẽ có sự an lạc, hạnh phúc và mãn nguyện.”

Cầu chúc quý Anh Chị một ngày họp Đoàn: vui như lúa mới đơm bông, vui như thuở trước: da hồng, mắt xanh. Hãy vui lên cho chính mình và ban tặng niềm vui cho người khác nữa quý Anh Chị nghe.

 

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0014

 Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0015

 

Mừng Miền Tịnh Khiết Tròn 30 Tuổi

Ngày nào, tôi ghé chùa Viên Giác ở Oklahoma City, còn là căn nhà nhỏ, giữa một thành phố chỉ có vài ngàn người Việt. Mà giờ đây, đơn vị Viên Giác nói riêng và miền Tịnh Khiết nói chung, đã là một thực thể lớn mạnh, có tầm vóc trong việc giáo dục tuổi trẻ. Thật đáng mừng và đáng cảm phục biết bao! Một chút tấm lòng nhỏ nhoi này xin gởi đến những Anh Chị áo Lam đã hy sinh rất nhiều cho Tổ chức, cho một tương lai tốt đẹp cho Quê hương và Đạo pháp.

Niềm vui như vẫn còn đây với các đơn vị Linh Quang, rồi Huyền Quang, Tịnh Giác, Thiên Ân nữa. Mới nhất có lẽ là đơn vị Trúc Lâm ở Chicago, vẫn còn “nóng hổi vừa thổi vừa ăn,” như mình ăn củ khoai lang của Tình Thương vừa mới chín từ bếp lửa thân tình.

Con đường trước mặt vẫn còn dài, nếu không muốn nói là lắm chông gai, khó nhọc. Nhưng “niềm tin còn, thì tương lai ắt có” và với những bàn tay xây dựng trong tấm lòng rộng mở thì khó khăn sẽ được vượt qua và niềm vui sẽ đến. Thực tập năm hạnh và sống với châm ngôn Bi, Trí, Dũng trong đời sống hàng ngày vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho tất cả chúng ta. Xa hơn chút nữa, chúng ta nên cố gắng nuôi dưỡng lòng vị tha, sống vì lợi ích tha nhân, vì tập thể áo Lam, thì chắc chắn chúng ta xứng đáng, bây giờ và mai hậu, là người đoàn viên GĐPT, con cháu của cụ Tâm Minh, em hiền của chị Kim Cúc, của anh Như Tâm.

Xin chắp tay dâng lời cầu nguyện thiết tha: mừng Miền Tịnh Khiết vững tiến trên đường dài giáo dục và an vui trong tình Lam bất diệt.

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0016

Tiểu Hòa, Đại Hòa

Năm nay, Chánh Hòa lên năm tuổi, đúng vào dịp chùa Phổ Từ làm lễ khánh thành, đánh dấu một đoạn đường xây dựng đạo tràng. Đây là niềm vui chung cho tất cả chúng ta, cùng có niềm tin vào Phật pháp, cùng góp bàn tay xây dựng cho một lý tưởng sáng ngời suốt mấy thập niên qua.

Nhân đây, tôi xin được chia sẻ với quý Anh Chị và đoàn sinh Chánh Hòa một vài suy tư trong dịp đặc biệt này. Xin được nói lời chân thật, trong nghĩa thân thương. Chúng ta THẬT SỰ muốn gì? Muốn làm loạn, phá chùa hay muốn tìm mọi cách hàn gắn đau thương, làm đẹp Đạo thơm Đời? Muốn tạo nghiệp tam đồ, khư khư với bản tánh cố chấp hay cố gắng quên mình, cá nhân nhỏ bé mà hòa nhập vào tập thể thân thương của tình Lam  ngời sáng. Muốn có niềm vui sau một ngày sinh hoạt với Đơn Vị hay mang nặng buồn phiền trở lại gia đình, làm khổ người thân? Không ít chúng ta quên mấy câu hỏi này, những câu hỏi giúp chúng ta phần nào THẤY được chính mình, ít nhiều BIẾT mình muốn gì.

Dưới mái chùa chung, chúng ta cùng vui sống trong tình đạo, nghĩa đời. Từ lúc Chánh Hòa ra đời, chúng ta đã khẳng định con đường của mình, lấy đức HÒA làm hướng tiến và niềm VUI làm tiếng reo cho đơn vị. Lẽ đó, tôi xin mời quý Anh Chị ôn lại hai điều: tiểu hòa và đại hòa.

Tôi xin giải thích theo một câu trong kinh Phật, là: Nội cần khắc niệm chi công, Ngoại hoằng bất tranh chi đức. Bất tranh là không tranh cãi, là hòa thuận với mình và người. Đây cũng mang ý nghĩa lục hòa trong tinh thần Phật giáo.

Tiểu Hòa là hòa với người chung quanh

Đại Hòa là hòa với chính mình.

Có thể tôi lý luận hơi ngược đời, trái với suy nghĩ thường tình. Đáng lý, cái lớn phải nhìn ra ngoài để thấy với địa vị, danh xưng lớn lao và cái nhỏ là cá nhân của một đoàn viên áo Lam trong tổ chức có chiều dài lịch sử qua mấy thập niên. Nhưng không, lấy cái nhìn Phật pháp để làm tiêu chuẩn quán chiếu thì, tôi thấy phải bắt đầu từ trong tâm của mình, sau đó, mới đến vũ trụ bao la bên ngoài. Và đây cũng là một kỷ niệm quý báu mà tôi nhớ mãi trong lòng với niềm trân trọng biết ơn. Hình ảnh của một anh Huynh Trưởng GĐPT trong trại họp bạn toàn tỉnh ở chùa Linh Mụ ngày nào, kể câu chuyện và nhắc cho tôi câu nói: Không phải tôi là người nghịch hướng mà chính anh là kẻ xuôi chiều, đã theo tôi suốt đoạn đường dài trên bốn chục năm nay. Mong rằng, chúng ta luôn lấy tâm Đạo mà làm việc Đời, thì công việc giáo dục tuổi trẻ trước mắt mà quý Anh Chị đã, đang và sẽ theo đuổi sẽ THẬT SỰ mang ý nghĩa làm đẹp Đạo, thơm Đời. Công đức từ đó phát sinh và quý Anh Chị Huynh Trưởng cũng hoàn thành được tâm nguyện cao quý của mình. Tôi xin phát nguyện luôn luôn đứng bên cạnh (và sau lưng) để hỗ trợ tinh thần cho quý Anh Chị và cùng góp một bàn tay nhỏ bé để xây dựng đơn vị Chánh Hòa ngày một phát triển, về lương cũng như về phẩm.

Thành thật cầu chúc quý Anh Chị và các em Đoàn sinh, cùng quý Phụ huynh Chánh Hòa một mùa Chu Niên có nhiều niềm vui, thêm an lành, tăng sức khỏe.

Nam mô Công đức Lâm Bồ Tát Ma ha tát.

Hayward ngày 6 tháng 6 năm 2010

 

Van Dam Rong Choi Duong Rong Mo-0017

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/08/2020(Xem: 7236)
Trên lộ trình tu học, tìm hiểu Phật pháp, và tự đặt mình vào cương vị một người con Phật, đôi khi sự tự hào không chỉ hỗ trợ tinh thần vững tiến mà còn giúp thêm cho ý chí hanh thông, vượt qua nhiều chướng duyên, trong lý tưởng mình đã chọn. Trong thời đại bùng nổ thông tin đa chiều như hiện nay, kiến thức và sự tự hào ấy được chắp thêm nhiều đôi cánh thêm bay cao, bay xa.
28/08/2020(Xem: 7379)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Nam Mô Dươc Sư Lưu Ly Quang Vương Phật Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Kính Bái Bạch Thượng Tọa Thích Tâm Phương, Tổng Vụ Trưởng TV Từ Thiện Xã Hội GHPGVNTNHN tại UĐL-TTL, Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức, Thay mặt Ban Hướng Dẫn Gia Đinh Phật Tủ Việt Nam tại Úc Đại Lợi, chúng con cung kính cung thỉnh Thầy hoan hỷ quang lâm chứng minh buổi: Lễ Thắp Nến Cầu Nguyện Nạn Nhân Covid-19 & Lễ Cài Hoa Hồng Nhân Mùa Báo Hiếu Qua trực tuyến: https://youtu.be/__xo5VCsy34 Vào tối Thứ Bảy, ngày 29 tháng 8 năm 2020 lúc 23:00g Melbourne.
28/08/2020(Xem: 15418)
Thiền là một lối sống, một dòng suối thuần khiết trong trần thế đa tạp và là thứ ánh sáng kỳ diệu nơi thế tục. Hãy trải nghiệm cuộc đời bằng tâm Thiền, tìm ra những điều tốt đẹp chân chính trong cuộc sống với lòng Bồ Đề, trái tim Bát nhã và tâm Thiền của chúng ta. “Cuộc sống chính là Thiền”, chúng ta phải hiểu ra đạo Thiền trong cuộc sống. Xa rời thế tục để cầu Thiền bái Phật chẳng khác nào “bắt cá bằng cọc đa”, không thể nào chứng ngộ. Giống như tổ thứ 6 thiền sư Huệ Năng nói: “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính dịch phi đài. Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai.” Bồ đề là tâm, trần ai bắt nguồn từ cuộc sống, dùng trí tuệ của Thiền để quét sạch, vậy trời đất sẽ tự nhiên bình yên, thanh tịnh.
28/08/2020(Xem: 12783)
Thiền là một lối sống, một dòng suối thuần khiết trong trần thế đa tạp và là thứ ánh sáng kỳ diệu nơi thế tục. Hãy trải nghiệm cuộc đời bằng tâm Thiền, tìm ra những điều tốt đẹp chân chính trong cuộc sống với lòng Bồ Đề, trái tim Bát nhã và tâm Thiền của chúng ta. “Cuộc sống chính là Thiền”, chúng ta phải hiểu ra đạo Thiền trong cuộc sống. Xa rời thế tục để cầu Thiền bái Phật chẳng khác nào “bắt cá bằng cọc đa”, không thể nào chứng ngộ. Giống như tổ thứ 6 thiền sư Huệ Năng nói: “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính dịch phi đài. Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai.”
27/08/2020(Xem: 7181)
Trong gần nửa thế kỷ thuyết pháp độ sinh, Đức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, căn cơ và nguồn gốc khác nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương cách giảng khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Có khi Ngài dùng lời dịu dàng để khuyên răn. Có khi Ngài dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục. Có khi ngài dùng những ví dụ, những ngụ ngôn. Có khi ngài dùng những định nghĩa. Cũng có khi Ngài dùng các ẩn dụ mạnh mẽ.
27/08/2020(Xem: 4721)
Tiến sĩ Phật tử Pierce Salguero là một tác giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, người hâm mộ và nhà phê bình Phật giáo & Y học Châu Á. Ông là Tổng biên tập Y học Châu Á: Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế Y học Cổ truyền Châu Á; là Phó Giáo sư Lịch sử Châu Á & Nghiên cứu Tôn giáo; Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Liên ngành.
26/08/2020(Xem: 7756)
Phần này bàn về cách dùng quan tiền và các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ quốc ngữ và nước ngoài. Ngoài ra, một số nhận xét của người ngoại quốc khi dùng đồng tiền An Nam cũng cho thấy thực trạng của loại tiền này. Các phê bình này hầu như thiếu vắng trong tài liệu Hán, Nôm hay chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập hay khảo sát sâu xa.
25/08/2020(Xem: 10282)
Cư sĩ George Kinder được Quốc tế công nhận là Cha đẻ Phong trào Lập Kế hoạch Cuộc sống(*), ông được đào tạo tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ và đã thực hiện một cuộc cách mạng về tư vấn tài chính trong hơn 30 năm, bằng cách đào tạo hơn 3.000 chuyên gia tại 30 quốc gia trong lĩnh vực tài chính lập Kế hoạch Cuộc sống (the field of financial Life Planning). Ông thành lập Viện Kế hoạch Cuộc sống Kinder (the Kinder Institute of Life Planning) vào năm 2003 sau 30 năm làm nhà Hoạch định tài chính và Cố vấn thuế.
25/08/2020(Xem: 6347)
Lịch sử thật là muôn hình vạn trạng, các Sử gia lại càng biến hóa khôn lường. Họ cứ như một tiểu thuyết gia tài tình, uốn nắn nhân vật trong truyện với ngòi bút tinh xảo đầy quyền uy của mình thành một nhân vật như ý muốn: "Muốn sống được sống, muốn chết được chết và đặc biệt đang từ một Nữ Hoàng Đế mộ Đạo Phật trở thành một người phụ nữ dâm đãng, tàn ác giết người không thương tiếc". Nhân vật tôi muốn viết dưới đây là vị Nữ Hoàng Đế của triều đại Đường bên Trung Quốc: Võ Tắc Thiên, người đàn bà lừng danh kim cổ có một không hai trong lịch sử loài người.
25/08/2020(Xem: 6099)
(Ghi chú của người dịch: Bài này dịch từ bài viết năm 2005 nhan đề “Two Styles of Insight Meditation” của Đại sư Bodhi, người đã dịch hầu hết Kinh Tạng Pali sang tiếng Anh. Bài này nêu ra hai phong cách: nhóm thứ nhất, những người dùng thiền chánh niệm cho các mục tiêu thế gian, và nhóm thứ nhì, những người có niềm tin Phật Giáo và dùng thiền chánh niệm cho lộ trình tu học giải thoát. Thiền chánh niệm hiện đang dùng cho nhiều mục tiêu trần gian, ở bệnh viện, trường học, quân đội… Thiền đưa tới nhiều lợi ích tới nổi nhiều tu sĩ các tôn giáo khác cũng Thiền tập và ứng dụng theo kiểu riêng của họ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]