Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhìn Đời Bằng Phật Pháp

17/07/201819:53(Xem: 5407)
Nhìn Đời Bằng Phật Pháp

NHÌN ĐỜI BẰNG PHẬT PHÁP
Tác-giả: Huỳnh -Mai -Hoa
lotus_50

Ông Thắng và bà Loan cưới nhau đã được bốn mươi năm. Năm nay ông được bảy mươi hai tuổi và bà Loan được bảy mươi. Thời thanh xuân ông bà đã trải qua với nhau một mối tình thơ mộng, đã tranh đấu chết sống với gia đình hai bên để vượt qua vấn đề môn đăng hộ đối. Cuối cùng được sự nhượng bộ của gia đình, một đám cưới tươm tất đã được diễn ra trong niềm hân hoan tột cùng của cô dâu, chú rể.

Vào thời điểm đám cưới đó, ông Thắng là một Trung Uý trong binh chủng Biệt Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đi hành quân liên miên. Còn bà Loan là một cô giáo dạy bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Cưới nhau mà không được thường xuyên ở gần nhau nên họ càng nhớ nhung, tha thiết . Những lần về phép ngắn ngủi như những đốm lửa sưởi cho mối tình ấm mãi, không cho nó lụi tàn.

Rồi hai đứa con lần lượt ra đời làm cho tình vợ chồng càng thêm bền chặt. Ông bà đối với nhau lúc nào cũng như mới. Thời gian yêu thương và chìu chuộng còn không đủ, có đâu để mà gây gổ, giận hờn.

Nhưng rồi cái ngày 30 của tháng tư đen đã đến, làm đảo lộn cuộc sống của gia đình bà. Ông ở tù Cộng Sản, còn bà là vợ của sĩ quan " ngụy "nên cũng bị bắt buộc nghỉ dạy. Gia đình cha mẹ ông Thắng từ một nhà buôn lớn, sau khi bị " đánh tư sản" đã suy sụp hoàn toàn. Cha chồng bà cũng vì thế mà uất hận chết sớm, còn lại bà mẹ chồng vì buồn rầu cũng nay bệnh, mai đau, về ở chung với bà nơi căn nhà nhỏ mà ngày trước cha mẹ chồng đã cho vợ chồng bà khi làm đám cưới. Vậy là bà Loan phải đưa lưng gánh vác. Bà phải mở một xe hủ tiếu bình dân bán trước sân nhà để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Tiền kiếm dược chỉ đủ nuôi mẹ chồng và hai đứa con đi học trong hoàn cảnh thiếu trước,hụt sau. Dù bửa đói, bửa no cũng phải để dành mỗi ngày một ít để đi thăm nuôi ông.

Cuộc sống vất vả, căng thẳng từng ngày làm cho bà tiều tụy, xác xơ. Ngày trước bà khá xinh đẹp, nhưng bây giờ có lúc nhìn vào gương bà không biết mình là ai. Bà cũng biết nỗi khổ nầy không có người để chia xẻ. Mẹ chồng thì gần đất xa trời, con thì còn nhỏ dại, chồng thì tù tội. Thương chồng, thương con bà phải hy sinh tất cả. Mỗi lần đi thăm nuôi ông, bà về khóc mấy đêm liền, thương ông một người lính hiên ngang ngày nào nay chỉ còn là người tù tang thương, yếu đuối. Bà thấy sự cực khổ của bà có đáng là bao so với sự tù đày khốn khổ của ông. Trước kia ông là con nhà giàu, không quen thiếu thốn, cơ cực, còn bà là con nhà nghèo, chịu khó đã quen.

Sau sáu năm tù, ông được trở về, đứa con trai lớn đã được mười tuổi, đứa con gái nhỏ được tám tuổi. Những ngày hạnh phúc được đoàn viên, họ như quên đi cái khổ vì nghèo, niềm vui tinh thần đã che khuất nỗi buồn vật chất.

Rồi ngày tháng trôi qua, niềm vui lắng xuống, họ lại trở về với thực tại nghèo khổ. Tuy không còn phải đi thăm nuôi ông, nhưng lại phải nuôi ông hàng ngày, lại còn thêm khoản cà phê, thuốc hút. Dù vậy bà vẫn không nỡ bảo ông đi kiếm việc làm vì bà biết ông không thể kiếm được việc gì hơn ngoài đạp xích lô, phu hồ hay khuân vác. Còn ông thì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi làm. Dù bị tụi Cộng Sản đày đọa, đói khổ trong sáu năm, nhưng giòng máu tiểu tư sản của ông vẫn còn đó. Chẳng thà ông ăn cháo, ăn rau qua ngày, chớ không làm những việc mà ông cho là hèn mọn. Có những khi quá túng thiếu, bà cũng mong ông tự động đi kiếm việc làm, nhưng ông vẫn bình chân như vại, nên bà cũng lặng im, coi như số phận của mình và cam chịu.

Cơ cực bao nhiêu bà cũng ráng chịu, nhưng bà đâu có ngờ những tật xấu của ông bổng phát sanh làm cho bà không thể nào chịu nỗi. Đó là tật khoe khoan, khoác lác và nói ngược ( nghĩa là ai nói ra điều gì là ông nói ngược lại điều đó, không cần biết điều đó đúng hay sai ). Thật sự, bà cũng không rõ đó là tật mới phát sanh hay đã có từ trước mà bây giờ mới có dịp bộc phát. Bởi vì từ khi yêu nhau rồi cưới, rồi ông đi hành quân, rồi ở tù Cộng Sản, tính theo ngày giờ thực tế, ông và bà ở gần nhau chưa được một năm. Những ngày còn là tình nhân thì khỏi phải nói, bà nói gì ông cũng cho là đúng, bà muốn gì ông cũng chìu. Khi đã là vợ chồng rồi, những ngày về phép thì chỉ có mặn nồng, âu yếm. Khi ông ở tù về, thời gian ở bên nhau được nhiều, bà mới nhận ra những tật xấu nầy của ông. Dù nó đã có từ trước hay bây giờ mới phát sanh, đối với bà nó cũng là một đại họa. Đại họa còn hơn ông bị ở tù và bà phải thăm nuôi.

Bà Loan hiền lành nhưng không nhu nhược. Bà lại là một cô giáo gương mẫu, nói và làm rất đàng hoàng, nghiêm chỉnh. Dù môi trường xã hội chủ nghĩa quá vô đạo đức, nhiễu nhương, nhưng bà vẫn giữ được tư cách của một con người trí thức, lương thiện. Bây giờ nơi ông lòi ra tánh xấu như vậy, chẳng khác nào lửa gặp nước. Thế là cải nhau triền miên. Cải nhau từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Có khi chỉ một câu nói như lời tâm sự của bà cũng đưa đến cải nhau. Thí dụ như bà nói :

- Anh à, không biết mình chịu đựng tụi Cộng Sản nầy đến bao giờ và có chịu nỗi không !

Thế là ông trả lời một cách dứt khoát :

- Tụi nó sắp tiêu rồi, em đừng lo.

- Em chỉ sợ mình tiêu trước tụi nó. Em mệt mõi quá rồi.

Ông cao giọng:

- Mệt gì mà mệt. Anh bị tụi nó hành hạ, đói lên đói xuống mà có chết đâu.

Sự buồn phiền làm cho bà buộc miệng than thở:

- Anh không chết vì anh có sức chịu đựng, mà chỉ chịu đựng cho một mình anh, còn em phải chịu đựng cho cả gia đình.

- Em sao quan trọng hoá vấn đề. Anh ngày trước ăn cao lương mỹ vị mà bây giờ ăn mắm, ăn muối, sao anh không than. Nếu tụi Việt Cộng không thắng, anh bây giờ anh đã lên tướng rồi, lúc đó em có than không?

Bà im lặng chán nãn. Cứ mỗi lần cải nhau là câu chuyện đi lạc đề xa lắc, nhưng nhờ đó bà lại phát hiện ra là ông không thương bà gì cả, mà ông chỉ thương thân ông, làm cho bà rất buồn. Bà không ngờ một thời yêu thương, một thời hy sinh của bà chỉ là những điều vô nghĩa vì bà đã vô phước thương nhằm con ngườI quá vô tâm. Bà nghĩ ngày xưa có lẽ ông chỉ yêu nhan sắc của bà hoặc là sự đam mê nhất thời của tuổi trẻ, khi tất cả đã qua đi thì không còn lại gì ngoài sự ích kỷ của bản thân.

Tuy nhiên, dù mỗi lần cải vả, cuối cùng bà phải chịu thua ông trong sự tức tối, muộn phiền, nhưng bà vẫn không bỏ ý định cảm hoá ông. Có những lần bà đã " méo mó nghề nghiệp", đem nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ra để khéo léo khuyên ông, nhưng chỉ làm cho ông" nói ngang ba làng nói không lại".

Ngoài ra, còn một vấn đề làm cho bà xấu hổ là mỗi lần có bạn bè tới thăm hoặc đi thăm bạn bè, ông thường đem những "thành tích" trong quá khứ đời lính ra khoe. Có những chuyện bà thấy quá lố hoặc không có thật. Còn có những chuyện ông kể với bà thì khác, mà khi kể với bạn bè thì khác, làm cho bà không biết đâu là sự thật. Cuối cùng, lúc nào ông cũng kết luận một cách trực tiếp hay gián tiếp rằng chỉ có ông là tài giỏi nhất.

Thế nhưng, ngoài những chuyện " lớn" liên quan đến chính trị, xã hội v.v... còn những chuyện rất là nhỏ nhặt, ông cũng làm cho bà vô cùng phiền não. Thí dụ như hai ông bà cùng chứng kiến một vụ tai nạn xe cộ, cả hai bên chỉ bị trầy xước sơ sơ, mà khi về ông kể lại cho gia đình hay lối xóm là họ bị dập đầu, bể trán v.v...Hoặc có khi ông nói là có nghe tin một người bà con bị bịnh sắp chết, bà hãy mau đi thăm. Khi đến nơi, bà chỉ thấy họ bịnh sơ sài. Bà có trách ông không nói đúng sự thật thì ông bảo là nghe người nầy, người kia nói v.v...Nhưng bà biết chắc là ông đã thêu dệt. Từ từ, bà không còn tin tưởng bất cứ điều gì do ông nói ra. Đó là nỗi khổ tâm vô cùng to lớn đối với bà. Có đôi lúc bà nghĩ là ông không biết nói thật, chuyện gì cũng phải nói lệch đi, không nhiều thì ít. Ngoài ra nếu bà khen cái gì đẹp thì ông nói là xấu, Bà nói người nào dễ thương là ông bảo dễ ghét v.v...

Những cuộc cải vả làm cho bà mẹ chồng và hai đứa con từ từ lớn lên cũng phiền não theo.

Mẹ chồng bà thường khuyên:

- Thôi con à, cải với nó làm gì. Nó đã bị Việt Cộng nhồi sọ rồi.

- Vậy chứ ngày trước ảnh không có vậy sao má?

- Đối với ba má nó đâu có cải bướng như vậy.

Bà suy nghĩ không biết ông có bị Việt Cộng nhồi sọ hay không, nhưng nghe mẹ chồng nói, bà chợt nhận ra tánh ông sao giống Việt Cộng quá. Lúc nào ta cũng là "đỉnh cao trí tuệ". Tuy rằng ông chữi Việt Cộng hằng ngày ( chữi lén thôi ), nhưng bà nghĩ nếu ông là Việt Cộng, chắc ông cũng giống y như tụi nó.

Hai đứa con có lúc cũng cằn nhằn:

- Mẹ cải với ba làm chi, tánh ổng đã như vậy, mẹ cải làm gì cho ổng chọc tức mẹ thêm.

Thôi thì, vì những người thân, vì không thể nói chuyện với ông bằng lý lẻ, bà hạn chế tối đa việc nói chuyện với ông, chỉ nói những việc rất cần thiết, và mỗi khi ông sắp giở giọng tranh luận là bà tìm cách bỏ đi chỗ khác. Những xung khắc theo ngày tháng làm cho tình vợ chồng ngày một phai lạt.

Thời gian trôi qua, mẹ chồng bà đã qua đời và chương trinh H.O cũng đến. Ông bà và hai đứa con được đến Mỹ định cư. Được sự trợ cấp của chính phủ Mỹ trong năm đầu tiên, tiếp theo ông bà xin được tiền bịnh vì lúc đó chính phủ Mỹ rất cảm thông cho những gia đình quân nhân Việt Nam Cộng Hoà đã bị khủng hoảng tinh thần và đau yếu thể xác trong những năm tháng bị sự trù dập và khủng bố của bọn Việt Cộng. Hai đứa con của ông bà cũng được chính phủ giúp đỡ đến trường học lại. Do đó cuộc sống gia đình ông bà được sớm ổn định. Sự lo toan, vất vả của bà đã hết, nhưng sự khổ tâm, phiền muộn về ông thì không chấm dứt. Chưa bao giờ bà thấy câu nói của dân gian :" Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời " đúng như thế. Đôi lúc bà nghĩ chắc có xuống âm phủ ông cũng vậy thôi, thì có ăn nhằm gì khi vượt qua nửa vòng trái đất.

Người Việt Nam dần dần định cư tại Mỹ rất nhiều qua các diện H.O, ODP, con lai v.v... hình thành nên một cộng đồng người Việt. Riêng những cựu tù nhân chính trị cũng lập hội riêng để dễ bề sinh hoạt, tâm tình với nhau. Đây là cơ hội cho ông có nhiều chuyện đem về nhà để nói với bà. Khi trong hội có người nóI chuyện hoặc thuyết trình hay, ông nói là ông đã biết trước chuyện đó. Ai nói dỡ ông bảo rằng do vậy mà mất nước v.v...Bà ngao ngán tự hỏi không biết bà phải chịu đựng ông cho đến bao giờ và có chịu đựng nỗi không, giống như ngày xưa bà đã hỏi ông:" Không biết mình phải chịu đựng tụi Cộng Sản cho đến bao giờ và có chịu nỗi không?"Hôm nay bà không còn chịu đựng bọn Việt Cộng nữa, nhưng bà vẫn còn chịu đựng ông, có khác gì đâu ?

Thời gian lại trôi. Có lẽ do định luật " Đường cùng tất biến ", một hôm sự may mắn đã đến với bà khi có người bạn rủ bà đi chùa. Bà nghĩ nên đi thử vào chùa xem có được an lạc chút nào không. Lần đầu tiên bước vào chùa bà cảm thấy tam hồn được chút ít thanh tịnh. Từ đó bà rất siêng đi, nhất là những buổi được nghe thuyết pháp. Những bài Phật pháp từ từ soi sáng tâm hồn bà như xoá đi dần dần những đám mây che. Rồi bà tìm tòi kinh, sánh để đọc, tìm băng đĩa để nghe các vị pháp sư giảng giải. Bà được biết rằng con người khi sanh ra đời đã mang sẵn tánh tham, sân, si, theo sự dẫn dắt của tiền bạc, tài sắc, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ ( danh từ Phật giáo gọi là lậu hoặc ), của những ghiền nghiện không thế bỏ ( tập khí ), của những truyền thống, tập quán huân tập từ gia đình, xã hội, dân tộc, tôn giáo ( kiết sử ), của những ẩn ức chứa đựng trong lòng từ nhiều kiếp ( tuỳ miên ). Ngoài ra con người còn sanh ra theo quy luật tương quan nhân quả. Đó là lãnh quả do nhân của đời trước, rồi tạo ra nhân của đời nầy để lãnh quả ở đời sau. Sự xoay vần của nhân quả không bao giờ chấm dứt nếu không có sự tu hành để giải thoát.

Càng tìm hiếu Phật pháp, bà càng hiểu rõ được tính cách của ông Thắng. Bà thấy con người ông bị cái tham danh chi phối rất nhiều. Ông muốn phô trương sự hiểu biết để được mọi người kính nể, nhưng sự hiểu biết của ông không được là bao, nên kết quả ông bị chê bai là khoe khoang, khoác lác. Ông huân tập từ gia đình sự nói nhiều ( ba ông cũng nói nhiều ) làm cho người chung quanh mỗi lần nghe ông mở miệng là sợ muốn chạy trốn. Ông bị khẩu nghiệp vì có quá nhiều vọng ngữ.

Nghĩ về ông rồi phải nghĩ về mình. Bà Loan thấy mình bị tánh sân và chấp quá nặng. Phật đã dạy rằng, lời nói hay hành động của con người là do nơi lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tuỳ miên của họ dẫn dắt, rồi nó cũng theo luật vô thường mà mất như gió thoảng mây bay, tại sao mình cứ ôm lấy nó mà nỗi sân, mà tranh cải. Đó cũng là do bản ngã ( cái ta ) của mình quá lớn, mình muốn người ta phải nói cho mình nghe vừa lỗ tai, mình mới vừa lòng. Xét tới, xét lui, bà thấy ông có lỗi mà bà cũng có lỗi, nghĩa là ai cũng muốn đối tượng chịu thua mình, đó là sự si mê.

Rồi bà đem luật nhân quả ra để suy tư chuyện của bà và ông. Bà biết nhân quả nhiều đời nhiều kiếp đan xen chằng chịt bởi biết bao chuyện trên đời, nhưng bà thắm thía nhất là con người sanh ra để trả nợ hoặc đòi nợ, để trả ơn hoặc báo oán, vì đó là những điều gần gủi nhất của con người. Bà tin rằng trong tiền kiếp, bà đã nợ ông Thắng rất nhiều, từ tiền bạc cho đến tình cảm. Từ ngày lấy ông, bà đâu có được ông nuôi ngày nào. Ông được tiếng con nhà giàu nhưng là của cha mẹ. Lương lính của ông chỉ đủ ông xài, bà đi dạy học để nuôi con cái. Rồi Việt Cộng vào bà phải nuôi ông ở tù. Ông ra tù bà cũng phải nuôi ông đến ngày đi Mỹ. Còn về tinh thần thì ông thường xuyên làm bà tức giận, phiền lòng. Bà nghĩ kiếp trước chắc bà cũng từng làm ông phiền não.

Suy nghĩ những điều như vậy, dần dần bà nhịn được ông. Ban đầu tuy nhịn được, nhưng nhịn trong sự chịu đựng, sau đó nhịn được một cách tự nhiên. Những lời nói ngược của ông đối với bà không còn tác dụng nữa, bà nghe như gió thoảng qua tai, có khi bà nghe mà không cần biết ông nói gì. Khi ông ba hoa, khoác lác, bà nghĩ thầm : "Kiết sử của ông đang nỗi dậy, không lẽ mình lại hơn thua với cái kiết sử của ổng". Nghĩ thế bà không còn nóng giận.

Chẳng những đối với ông bà đã nhẫn được như vậy, mà đối với thân bằng quyến thuộc, người quen hay người lạ bà cũng nhẫn được khi đem luật nhân quả ra để suy gẫm, để xử sự. Bà học được trong Phật pháp rằng khi người ta đối xử xấu ác với mình, đó là có hai trường hợp. Một là người ta đòi nợ mình đã xấu ác với người ta ở kiếp nầy hay kiếp trước. Hai là người ta đang tạo nghiệp nơi mình để kiếp nầy hoặc kiếp sau người ta phải trả. Cả hai trường hợp mình không nên oán thù, phẩn nộ. Nếu mình thiếu nợ thì mình phải trả, đó là lẽ công bằng, còn nếu người ta tạo nghiệp nơi mình thì nên thương hại họ, mà không nên cố chấp. Nếu mình cố chấp thì kiếp sau mình với họ lại tái ngộ để trả nợ cho nhau. Oan gia tương báo sẽ không bao giờ chấm dứt.

Với tình thương cũng vậy, nếu mình thương gia đình, thân bằng quyến thuộc bằng lòng luyến ái. Thương mà muốn giữ cho mình, muốn họ phải thương lại mình v.v... thì mình sẽ bị đau khổ nếu không vừa ý và kiếp sau mình và họ sẽ gặp nhau để trả nợ cho nhau. Vì thế, Phật dạy ta phải thương mọi người bằng lòng từ bi. Thương là cho đi vật chất và tình thương mà không cần đền trả, không hề nghĩ nhớ trong tâm. Có như thế mới chấm dứt giòng nhân quả. Tóm lại luyến ái và oán thù phải chấm dứt thì con người mới được giải thoát được. Chỗ nầy bà Loan thấm thía nhất, bà nhìn gia đình mình rồi nhìn ra chung quanh xã hội, bà thấy con người quay quắt trong sự thương, ghét mà tâm không lúc nào yên.

Càng học Phật pháp bà Loan càng tỉnh ngộ. Bà theo lời Phật dạy nên siêng năng tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, cúng dường, bố thí, vì học thì phải hành. Hiểu giáo lý mà không thực hành thì cũng không đem lại kết quả. Từ từ bà thấy tâm bà được nhiều an lạc, những nỗi khổ cũng từ từ biến mất. Bà không còn giận ghét ai. Còn với những người hay sân hận, oán thù, bà thương hại họ, vì biết họ còn vô minh, chưa may mắn gặp được Phật pháp.

Từ khi thấy được sự an lạc trong tâm hồn, bà Loan chợt nhận ra rằng sự sung sướng hay đau khổ trong thế gian không có gì quan trọng. Quan trọng là sự giải thoát ra khỏi cuộc đời nầy, mà chỉ có Phật pháp mới giải quyết được. Đó cũng là mục đích tối hậu của đạo Phật. Đức Phật còn nói rằng dù con người có đối với ta tốt hay xấu, thiện hay ác, đó cũng là thiện tri thức của ta, ta phải cám ơn họ, vì nhờ họ mà ta mới tìm tới đạo để tu hành.

Những điều đức Phật dạy, có vài điều nho nhỏ bà đã trải nghiệm qua và thấy kết quả đúng như sự thật. Bà biết rằng Phật pháp cao siêu mà trong kiếp nầy bà không thể học hết, nhưng hiểu được những điều căn bản, đơn sơ, bà cũng thấy được lợi lạc rất nhiều. Bà nghĩ rằng được giác ngộ theo đạo Phật là một điều may mắn nhất trong đời bà mà bao nhiêu ngọc ngà, châu báo cũng không đổi được, vì ngọc ngà, châu báo không làm người ta hết khổ mà chỉ có đạo Phật mới làm người ta hết khổ mà thôi. Đạo Phật chính là một khoa học thực nghiệm về tâm linh có thí nghiệm là sẽ có kết quả. Đạo Phật không phải là một phép lạ, chỉ một mình Đức Phật mới có, mà nếu chúng sanh tu hành theo Đức Phật thì cũng sẽ được những sự nhiệm mầu như thế. Bởi vậy Đức Phật mới nói : " Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành." Bằng chứng là rất nhiều đệ tử của Phật đã thành Phật như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma ha Ca Diếp, A Nan, Kiều Đàm Di, Liên Hoa Sắc v.v...vì các ngài đã nhập Niết Bàn, tức là thành Phật.

Đạo Phật là đạo cứu khổ, không phải Phật cứu khổ mình, mà Phật chỉ cách cho mình tự làm cho mình hết khổ. Bà Loan đã làm theo lời Phật dạy và đã hết khổ. Ông Thắng vẫn như xưa, không có gì thay đổi, mà ông còn thấy bà nhẫn nhịn nên càng " thừa thắng xông lên ". Hoàn cảnh chung quanh bà vẫn còn phức tạp, đảo điên, Nhưng bà đã đứng bên lề để nhìn đời bằng Phật pháp. Bà cám ơn đời, cám ơn người đã đưa bà đến bước đường cùng để bà tìm đến Phật pháp và tu hành, dù là ở tuổi bảy mươi. Trong những thời khoá tu hành hàng ngày, bà đều cầu nguyện cho ông Thắng sớm tin Phật pháp và tu hành để diệt trừ lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tuỳ miên của ông, ngoài ra không có cách gì khác. Bà cũng cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều gặp được Phật pháp để cho đời họ hết khổ và thế giới được hoà binh./.

Huỳnh -Mai -Hoa

Sacramento 28-6-2015

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2020(Xem: 7478)
Người Phật tử tu hạnh Bồ Tát ngoài mười điều thiện, phải tu tập pháp “Lục Độ Ba La Mật”. Lục là sáu. Độ là vượt qua. Ba la mật nguyên âm tiếng Phạn là Paramita, người Trung hoa dịch nghĩa là “bỉ ngạn đáo”, nói theo tiếng Việt là “đến bờ bên kia”. Đây là sáu món tu tập có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình từ bờ bên này, bờ vô minh của thế gian, vượt sang bờ bên kia, bờ giác ngộ của chư Phật. Kẻ tu hành muốn đến bờ giải thoát hoàn toàn, cần phải tu cả phước lẫn tuệ. Tu phước gồm có: “bố thí, trì giới, tinh tấn và nhẫn nhục”. Tu tuệ là “thiền định và trí tuệ”.
26/05/2020(Xem: 7072)
Nhà lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng, cùng hòa điệu với các nhà khoa học nổi tiếng trong một bộ phim tài liệu với chủ đề tuyệt diệu đầy quyến rũ.
26/05/2020(Xem: 7984)
Nước ta ở vào địa thế phía Đông là biển cả bao la, phía Tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, còn phương Bắc thì tiếp giáp với Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn, hùng mạnh đã biết bao phen xâm chiếm nước ta, vì vậy dân tộc ta không còn sự chọn lựa nào khác hơn là phải nỗ lực tiến về Nam để tồn tại và phát triển. Trong các đợt mang gươm đi mở cõi, tộc Phạm có nhiều vị tướng tài giỏi, những nhà cai trị lỗi lạc đã giúp các vương triều hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại này.
26/05/2020(Xem: 9632)
Đàn chim bay ngang phố. Xao xác tiếng cánh vỗ. Con quạ già trên nhánh cây hè phố ngước nhìn một lúc, rồi im lặng sà xuống đất, nhảy lò cò vài bước với một chân bị què, tiếp tục kiếm ăn. Phố im lạ thường. Những con đường vắng xe đã vơi mùi khói xăng từ những ngày trước. Lan tỏa đâu đây hương bạch đàn hòa lẫn với mùi nước cống vẫn ngày đêm chảy ngầm dưới lòng đất. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ của xe cứu thương băng ngang góc phố xa. Khách bộ hành mang khẩu trang chỉ chừa lại hai mắt ngầu đục sau gọng kiếng râm, không sao nhìn ra được vẻ đẹp tráng lệ của một bình minh tràn ngập nắng tàn xuân. Gió mai lành lạnh trong công viên thành phố. Ông già ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gấp mang theo từ nhà. Hai vợ chồng trẻ khoác áo gió dắt chó đi bộ quanh bãi cỏ xanh. Một cơn gió mạnh thổi qua làm cho những hàng cây rùng mình buông lá úa. Giờ không phải mùa thu, cũng chưa vào hạ, mà lá vàng vẫn rơi lác đác, trông như những cánh bướm cải nhởn nhơ trong gió. Nhưng không, chỉ trong thoáng chốc, n
25/05/2020(Xem: 12492)
Trưởng lão Cư sĩ David Robert Loy (sinh năm 1947), vị học giả người Mỹ, Giáo sư, tác gia, Giáo thọ Thiền Phật giáo thuộc Tam Bảo giáo (Sanbō Kyōdan, 三寶教), truyền thống Phật giáo Nhật Bản. Trưởng lão Cư sĩ David Robert chào đời tại Panama, khu vực kênh đào, (Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Phương Nam của quân đội Mỹ). Thân phụ của ông trong đơn vị Hải Quân Hoa Kỳ nên gia đình được đi du lịch rất nhiều. Thuở nhỏ, ông học trường Carleton College, Minnesota, một tiểu bang vùng Trung Tây của Hoa Kỳ, và sau đó du học khoa triết học tại trường King's College London (informally King's or KCL), Vương quốc Anh.
23/05/2020(Xem: 7077)
Con người ta, kể cả Đức Phật, Bồ Tát, La Hán hay thánh tăng khi còn sống thì vẫn phải đi đây đi đó, tiếp xúc, gặp gỡ, giao tiếp với người này người kia trừ khi sống ẩn tu trong hang động, núi rừng. Trong khi tiếp xúc, gặp gỡ như thế có thể “đối cảnh sanh tâm”. Thí dụ, khi bước vào một nhà giàu, có thể thể nảy sinh lòng ham muốn. Khi thấy người ta đeo nữ trang quý giá có thể sanh tâm thèm muốn hay đua đòi. Khi gặp cô gái, anh chàng đẹp trai có thể sanh tâm yêu mến. Từ yêu mến có thể sanh tâm chiếm đoạt.
22/05/2020(Xem: 9079)
Theo báo The Australian, vào ngày thứ hai 18/5/2020 trong Hội Nghị của Hội Đồng Y tế Thế giới (WHA), Úc cùng 136 nước khác trong số 194 các nước thành viên cùng đệ trình một Bản Dự Thảo Nghị Quyết mở cuộc điều tra. Bản Dự Thảo đã không bị bất cứ quốc gia nào phủ quyết, một việc chưa từng xảy ra trong bang giao quốc tế, nó nói lên sự chính đáng để có một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra đại dịch, cách giải quyết của từng quốc gia và rút ra bài học tránh thảm họa cho nhân loại. So với ý tưởng ban đầu của Thủ Tướng Scott Morrision, Bản Dự Thảo có đôi chỗ thay đổi. Úc đề nghị tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), còn Liên Minh Châu Âu đề nghị cuộc điều tra sẽ do WHO chịu trách nhiệm, nhưng việc đầu tiên là phải điều tra cách giải quyết đại dịch của chính cơ quan WHO. Mặc dù Chủ Tịch Trung cộng Tập Cận Bình đồng ý tiến hành cuộc điều tra, nhưng Đại sứ Trung cộng tại Úc, ông Thành Cảnh Nghiệp tuyên bố cuộc điều tra “hoàn toàn khác” với
21/05/2020(Xem: 8371)
Sáng thứ sáu, ngày 10 tháng 4 năm 2020 một phi hành đoàn gồm các phi hành gia của Hoa Kỳ và Nga từ trạm không gian quốc tế ISS đã hạ cánh xuống bãi đáp ở Kazakhstan, sau 200 ngày thi hành phi vụ. Thông thường, nhiệm vụ của họ là thám hiểm những hành tinh xa xôi, tìm hiểu những gì mà người dưới trái đất chưa được biết, chưa được thấy. Nhưng trở lại trái đất lần này, họ sửng sốt, ngạc nhiên vì dường như trái đất không còn giống như khi họ ra đi, 200 ngày trước.
21/05/2020(Xem: 6138)
Tổng Hiệp hội Tông phái Phật giáo Hàn Quốc đã tổ chức buổi họp báo hôm thứ Ba, ngày 19/5 vừa qua, nhằm công bố hủy một số sự kiện Kỷ niệm Quốc lễ Phật đản PL. 2564 và nhiễu hành xe hoa, Lantern Festival 2020, dự kiến diễn ra vào tháng 5 dương lịch này tại trung tâm thủ đô Seoul.
21/05/2020(Xem: 6045)
Những người theo đạo Phật ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ, đã lên tiếng việc lo ngại về việc cung cấp chỗ ở tạm thời cho người Ấn Độ đang đáp bay, đến từ các khu vực trên thế giới bị đại dịch Virus corona tấn công. Hội đồng Phật giáo Quốc tế (The International Buddhist Council), cơ quan đại diện cho hơn 50 cơ sở tự viện Phật giáo tại Bồ đề Đạo tràng và khu vực lân cận, đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu đề xuất các địa điểm kiểm dịch, trong đó bao gồm các cơ sở tự viện Phật giáo, không được sử dụng và người Ấn Độ trở về từ nước ngoài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]