Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nước cần thiết cho sự sống.

10/04/201313:16(Xem: 6740)
Nước cần thiết cho sự sống.

NƯỚC CẦN THIẾT CHO SỰ SỐNG


Thích Bảo Lạc

Khác hơn mọi hôm, trưa nay khung cảnh núi đồi Đa Bảo-Campbelltown toát ra một mùi hương thoang thoảng mát dịu nhẹ nhàng, so với mấy ngày trước đây khí trời còn oai bức như thiêu đốt con người, vạn vật giữa mùa hạ Sydney-Úc Đại Lợi, hằng nào nắng hạn lâu ngày, gặp một trận mưa lớn như đêm qua mọi cảnh sắc đều như đổi mới, thay màu và vươn thêm sức sống lên đường dự hội hồi sinh, mới nhìn bề ngoài ai cũng thấy rõ nét. Mùi hương nhẹ của những cây bạch đàn (Bạc hà) tiết ra trong làn gió thoảng, mùi con đường tráng nhựa dẫn vào tu viện bốc hơi như hậu quả của tàn dư núi lửa còn sót đọng lại đâu đây. Mùi của núi rừng tắm mát reo vui như dự tiệc liên hoan từ trời cao ban xuống với bao hỉ hạ thấm nhuần. Con kênh George nhảy múa điên cuồng làm tung tóe nước lên hai bên bờ lúc chậm lúc nhanh như một con trăn trắng xóa khổng lồ nằm ngoằn ngoèo làm khựng lại bao nhiêu xe cộ và khách bộ hành.

Niềm phơi phới mơn mởn của sinh vật là thế đó, so với lòng hoan hỷ vô hạn của động vật hay đúng hơn là con người, nhất là người nông dân bấy lâu nay đang trông mưa từng giờ từng phút, như con trông ngóng mẹ đi chợ về! Thật là trận mưa phát tài của trời ban như được trúng số độc đắc không bằng! Nhìn ra ngoài bầu trời mát dịu lạ thường, hôm nay tâm ta cũng dễ chịu lạ thường chia sẻ một ít sức sống tiềm tàng với mọi vật chung quanh.

Cây cỏ như uống đầy nước tươi mát hồi sinh thấy rõ, cũng giống như con người thay bộ quần áo mới se sua trước gương chuẩn bị lên đường dự tiệc liên hoan hay hội hè. Mặt đất ướt đều, thấm nhuần từ nơi hốc đá, gốc cây cho đến khe suối, sông lạch, biển hồ ... nơi nào cũng đón nhận được mạch nước tạm đủ dung lượng để tiếp tục duy trì cuộc tồn sinh như một nhu cầu không thể thiếu được. Nếu như không nhờ ơn mưa móc đêm qua, một số loài thảo mộc yếu mềm phải chịu cảnh tế sống trơ vơ giữa vùng trời đất bao la hiu quạnh vô tình. Những cây cảnh được trồng trong vườn do bàn tay chăm sóc khéo của con người, cho dù có tưới nước cũng đâu có thấm được đủ như lượng nước mưa. Vã lại, nước đối với Úc quí như vàng. Nước đã bị giới hạn tưới cây một tuần chỉ cho xử dụng được hai lần vào thứ tư và chủ nhật, thử hỏi cây không mong nước sao được? Ôi, nước, nước hân hoan chào đón dòng nước mưa vừa ban xuống giữa trần gian khô khan này đang khao khát từ lâu.

Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy bát cơm đầy

Như một đoạn của bài hát đồng dao thuở nào.

“Thí như trong cõi tam thiên đại thiên nơi núi, sông, khe, hang, ruộng đất sanh ra cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc bao nhiêu giống loại, tên gọi, màu sắc đều khác. Mây dày bủa giăng trùm khắp cõi tam thiên đại thiên đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm, cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc: hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ hoặc thứ gốc chỉ vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn.

Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng, trung, hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cỏ cây được sanh trưởng, đơm hoa kết trái. Dầu rằng một cõi đất sanh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.” (Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược thảo dụ). Được tóm lược trong một đoạn của bài kệ sau:

... “Trên mặt đất mát mẻ

Mây mù sa bủa giăng

Dường có thể nắm tới

Trận mưa đó khắp cùng

Bốn phương đều xối xuống

Dòng nước tuôn vô lượng

Cõi đất đều rút đầy

Nơi núi sông hang hiểm

Chỗ rậm rạp sanh ra

Những cây cối cỏ thuốc

Các thứ cây lớn nhỏ

Trăm giống lúa mộng mạ

Các thứ mía cùng nho

Nhờ nước mưa đượm nhuần

Đều được tươi tốt cả.

Đất khô khắp được rưới

Thuốc cây đều sum sê

Vầng mây kia mưa xuống

Nước mưa nhuần một vị

Mà cỏ cây lùm rừng

Theo mỗi thứ đượm nhuần

Tất cả các giống cây

Hạng thượng, trung cùng hạ

Xứng theo tánh lớn nhỏ

Đều được sanh trưởng cả.

Gốc thân nhánh và lá

Trổ hoa trái sắc vàng

Một trận mưa rưới đều

Cây cỏ đều thấm mướt

Theo thể tướng của nó

Tánh loại chia lớn nhỏ

Nước đượm nhuần vẫn một”.

Đó là trận mưa pháp của Đức Phật theo tinh thần kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo Dụ thứ năm. Cũng giống như trận mưa hôm rồi làm mọi người vui mừng nhất vẫn là giới nông gia tại Úc, đã phải chịu áp lực của hạn hán mấy tháng qua vô cùng bi thiết, đến độ họ lâm cảnh nợ nần, bán nhà, bán nông trại, bán huân chương cao quí v.v.. để bù vô khoảng tiền thâm thủng bị thất mùa do hạn hán gây nên. Trường hợp Caroline Gee là một ví dụ. Bà Gee cho hay rằng, bà và chồng vì quá chật vật trong công việc điều hành nông trại Lincolnfield, gần thị trấn Beaudesert thuộc phía tây Brisbane vì hạn hán quá nặng, đã bán chiếc huân chương cao quý nhất của quân đội Úc là Victoria Cross viết tắt là VC. Đây là chiếc huân chương được trao tặng cho Hạ sĩ nhất Bernard Sidney Gordon, khi anh này đích thân bắt được 2 sĩ quan, 61 binh sĩ Đức và 6 khẩu đại liên vào tháng 8 năm 1916 (đệ nhất thế chiến) ở mặt trận sông Somme thuộc mạn Đông thành phố Bray nước Pháp. Hôm tối thứ ba (28/11/06) chiếc huân chương được bán đấu giá tại Sydney với giá là $ 486,000 Đô (bốn trăm tám mươi sáu ngàn Úc kim), do luật sư Rebecca Davies, đại diện đài truyền hình số 7 (Úc) đấu được. Được biết ông Bernard là thân phụ bà Gee, sau khi cuộc đấu giá kết thúc, bà mẹ có 6 đứa con này buồn rầu nói: “Đây là một điều rất, rất đau lòng. Nhưng tôi muốn chăm sóc cho gia đình dễ thương của tôi”. Bà còn cho biết thêm rằng bà tin tưởng “người cha quá cố của mình sẽ thấu hiểu cho việc làm này”. Ngoài ra, trong tháng 7 năm 2006 Stokes đã chi ra $1,2 triệu để mua một huân chương VC, cùng một số huân chương khác của đại úy Alfred Shout, cũng lâm cùng hoàn cảnh; sau đó ông biếu tặng số huân chương này cho viện bảo tàng chiến tranh Úc.

Cho nên trận mưa vừa rồi phải nói là cứu tinh của mọi người dân Úc nói chung và tiểu bang New South Wales nói riêng. Bởi mưa xuống không những làm cho lòng người hớn hở thêm, cây cối xanh tươi hơn, lượng nước xài ít lại v.v.. mà còn tiết kiệm một ngân khoản lớn cho chính phủ điều hành dập tắt nạn cháy rừng tại Úc.

Cháy rừng tại đây không còn co cụm ở một vài khu vực nhỏ mà có thể nói lan rộng ra khắp mọi nơi từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc đến tận miền trung nước Úc. Mỗi năm chính phủ Úc đã phải chi lên đến hàng tỷ bạc để dập tắt nạn cháy rừng đang trở thành là quốc nạn của quốc gia. Như tại Sydney nha cứu hỏa NSW cho hay do thời tiết thay đổi và sức nóng lên đến 40 độ C trong 2 ngày giữa tuần 25,26 tháng 11 năm 2006, các đám cháy rừng đã dịu lần, nhưng lại bùng phát dữ dội trở lại và có thể lan xa do nhiệt độ tiếp tục dâng cao đến 38 độ C từ hôm thứ sáu 27 tháng 11. Tính đến đầu tháng 12 năm 2006, con số các đám cháy rừng lại tăng tổng cộng tới 40 đám cháy tại các vùng rừng thuộc khu vực phía Nam, Tây Bắc và vùng duyên hải phía Bắc NSW. Riêng vùng viễn Bắc Coonabrarabran, đến 14 đám cháy đã bùng phát mạnh và lan xa đến các cánh rừng kế cận.

Vùng cao nguyên Mudgee, các đám cháy lớn cũng đã bùng phát mạnh và gió đổi chiều, ngọn lửa càng bùng cháy dữ, đến tận xa lộ Great Western Highway.

... Trên 18 trực thăng và các chiếc phi cơ thả bom nước Skybrane được xử dụng liên tục để chửa cháy. Riêng tiểu bang Victoria hàng chục đám cháy rừng đã bộc phát hôm thứ tư (25/11) do nhiệt độ tăng cao. Có đến hơn 10 ngàn mẫu tây rừng đã bị thiêu hủy tại đây.

Tại Nam Úc tình trạng tương tự cũng diễn ra, các đám cháy rừng lan nhanh, bộc phát dữ dội do thời tiết nóng gây ra cho trên 60 đám cháy và có khoảng 6000 mẫu tây rừng đã bị cháy rụi.

Xa hơn ở vùng viễn Bắc Úc thuộc Darwin – công viên lâm viên quốc gia Kakadu cũng bị nạn cháy rừng thiêu rụi hàng ngàn mẫu tây rừng. Hay ở miền trung Úc thuộc Alice Springs vào giữa tháng 1 năm 2007 vừa qua,bút giả có tham quan qua cũng chứng kiến những đám cháy rừng trong tháng 12 vừa qua, còn lưu lại tàn tích nhiều khu rừng trơ bụi hoang sơ !

“ Tại Tasmania có 14 căn nhà bị thiêu rụi thuộc khu vực Scanmander hôm thứ ba (26/12/06). Tại Victoria thị trấn Glencairn bị trong tình trạng báo động hôm thứ tư, lửa đã lan đến khu vực trung tâm tạo thành một vòng đai lửa không thể dập tắt.

Tại Perth dù đã có nhiều đám cháy lan rộng, nhưng chỉ có một căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn và 2 căn khác bị thiệt hại nhẹ. Nói chung trong nạn cháy rừng vừa qua không thiệt hại nhân mạng, chỉ có 409 lính cứu hỏa bị thương từ nhẹ đến nặng, nhưng Úc đã tiêu hao một số lượng nước khá lớn, có thể giúp dân chúng xử dụng trong khoảng thời gian tối thiểu 3 năm khi hạn hán kéo dài trầm trọng hơn.

Như thế, trận mưa lớn hôm 12 tháng 2 vừa rồi có thể nói ví von không lầm vì một sự đền bù của ông xanh chăng ? Vì nước đã được lấy tưới vào rừng dập cháy nay trời mưa xuống nước lại ùn ùn tuôn ra mọi ngỏ ngách ao hồ, so với sức con người ai có thể bì kịp lực thiên nhiên không? Tuy có điều vô cùng quan trọng là đập dự trữ nước của NSW tại Illawarra bị báo động xuống còn chỉ 34 phần trăm. Để đối phó nạn thiếu nước trầm trọng chính phủ ông Morris Iemma Thủ Hiến NSW có dự án thành lập nhà máy lọc nước biển năm tới và ngân khoản dự trù lên tới 125 triệu tại Kurnell phía nam Sydney. Vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo trước quốc hội tiểu bang vào tháng tư, nếu tình trạng nắng hạn cứ kéo dài , hẳn nguồn nước ngọt lọc từ nước biển được đưa vào xử dụng tại Sydney vào năm 2009. Nhưng đợt mưa vừa rồi không biết có lọt vào đập chứa nước đủ lượng dự trữ là 50 phần trăm không? Mong sao cho dự án xây nhà máy lọc nước biển của chính phủ New South Wales không phải tiến hành để dân chúng nhờ và Nội Các ông Morris cũng đỡ phải bận tâm lo nghĩ nước để còn thì giờ lo việc nước non! Không xây nhà máy lọc nước cũng có nghĩa là tiết kiệm được ngân quỹ của quốc gia mà tiền đó không ở đâu khác hơn là do dân đóng thuế hoặc về sau này sau khi có nước xài, bộ Thủy Cục (Water Board) buộc dân nai lưng chịu?

Cho nên có thể nói mà không sợ nhầm rằng trận mưa lớn hôm qua đã cứu khổ cứu nạn được cho biết bao nhiêu trường hợp, hoàn cảnh nghẹt nghèo, bi đát, nhất là người dân tại New South Wales nói chung và New Castle, Canberra nói riêng tiết kiệm được hằng tỉ đồng cho sự sống còn cũng chỉ vì hai quốc nạn : cháy rừng và hạn hán. Người dân sống tại Sydney và những vùng phụ cận mấy hôm nay ăn ngon, ngủ yên, vì không sợ lửa cũng như không sợ thiếu nước nữa!

Vấn đề nước quả là rõ khổ! Thiếu nước đã khổ như thế nào mọi người dân Úc ai cũng biết. Thế còn thừa nước thì sao? Đó là cái nạn: hồng thủy tức là ngập nước đấy! Chao ôi! Quả thật là con người có bao nhiêu khổ nạn, làm thế nào cho vừa lòng hợp ý tất cả đây! Chín người mười ý kia mà! Hay bài hát này cũng nói lên ý phức tạp đó:

Ở sao cho vừa lòng người

Ở rộng người cười ở hẹp người chê

Cao chê ngỏng, thấp chê lùn

Béo chê béo trục béo tròn

Gầy chê xương sống xương sườn giơ ra...(ca dao)

Thật là hết chỗ nói phải không nào? Ta lắng nghe lời Phật dạy một trong 8 nạn lớn của thế giới loài người và muôn loài, đó là thủy nạn như: “Đại hồng thủy nhận chìm trăm họ, thời tiết trái nghịch như mùa đông nóng, mùa hạ tuyết rơi, mùa đông sấm chớp, sáng lòe. Sáu tháng mùa nước ngập, sương giáng nước đỏ, nước đen, nước xanh, mưa đất bụi sụp núi, mưa đá, mưa cát. Sông ngòi nước dâng lên đầu núi, đá trôi”. Như nạn sóng thần Tsunami tại Nam Dương năm 2004 và nạn thủy triều dâng làm ngập cả thành phố New Orleans, Louisiana- Hoa Kỳ năm 2005. Cả hai đại nạn gây ra chết chóc cho hàng ngàn người và làm thiệt hại hằng chục tỉ đô la về tài sản, của cải ... của người dân mà cả đời gầy dựng, rồi một phút tất cả bị nhận chìm cuốn theo dòng nước xoáy!

Còn ý nghĩa lập đàn cầu đảo vũ như thế nào?

Ngày xưa, trong nước gặp thời hạn hán quá lâu không mưa, việc cầu mưa do nhà vua thực hiện chứ không phải là dân chúng. Vua muốn cầu trời mưa có kết quả cần phải thực hiện 2 việc này:

-Ăn chay, tiết dục ít nhứt trong vòng một tuần lễ, trong lúc thiết lập đàn tràng cầu mưa để mong cho tâm người và ngoài hoàn cảnh thanh tịnh. Tâm có thanh tịnh, thiện lành việc cầu nguyện mới đạt hiệu quả như ý được. Ở Huế có đàn Nam Giao để vua chúa triều Nguyễn tới đó tế lễ cũng như mỗi độ cầu mưa; cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng của triều đình.

-Thả tù nhân, giảm án hình, cấm sát hại mà lại phóng sanh: thể hiện bằng lòng từ, chính quyền ban sắc lịnh thả một số tù nhân hay giảm án tù xuống cho các tội nhân phạm tội nặng; cũng như ra chỉ thị dân không được sát hại sanh vật hay bán thịt trong thời gian ấn định để cho quốc dân gia tâm từ làm lành tránh ác trong tư thế cầu nguyện. Thêm vào đó, còn mua những loài chim, cá, rùa, rắn...phóng sanh để chúng được tự do bay lượn trong bầu trời hay bơi lội thảnh thơi dưới nước hoặc đi lại an ổn trên đất liền. Vua đại diện cho toàn dân mà thể hiện đức tánh khiêm hạ trước thần thánh uy linh nên thế nào cũng được đáp ứng toàn thành tâm nguyện.

Riêng đối với nhà tu hành cầu trời mưa có đạt được hiệu quả không? Vấn đề này tuy dễ nhưng cũng khó mà lượng định chính xác ổn thỏa, hợp tình và cũng phải hợp đạo lý nữa. Nếu nói rằng, người tăng sĩ cầu mưa làm cho ông trời cảm động đỗ mưa xuống; như vậy, có nhiều người lại cho là đạo Phật mê tín, chứ làm gì có chuyện đó. Còn như cầu nguyện không có kết quả cũng tùy theo người, không nhứt định là giới tăng sĩ cầu mưa vô hiệu cả đâu!

Sau đây là một ví dụ: năm 1977, tu viện Vạn Phật Thánh Thành của Hòa Thượng Tuyên Hóa tổ chức lễ “cầu mưa” tại công viên cầu Kim Môn (Golden Gate Park), California-Hoa Kỳ. Vùng Bắc của tiểu bang suốt hai năm liền trời hạn hán không mưa, dân chúng chung quanh San Francisco yêu cầu Hòa Thượng thiết đàn tổ chức lễ cầu mưa. Đàn tràng trang nghiêm, lễ nghi như pháp; mọi người: quần chúng, tín chúng, tăng ni chí thành luân phiên niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm và chú “cầu mưa”. Thêm vào đó còn có các thời pháp giảng về lý nhân quả căn bản, giảng rõ nguyên nhân tại sao trời không mưa? Chỉ vì chúng ta quá tham lam ích kỷ, tiêu xài nước hoang phí. Nếu biết tự nhận ra lỗi lầm này mà thành tâm sám hối, thì sẽ được cảm ứng”. Người tham gia pháp hội “cầu mưa” lần lần tăng thêm. Đại chúng vừa xướng tụng, vừa lễ bái. Trong lúc mọi người tụng chú “cầu mưa” thì bầu trời bắt đầu dịu lại, rồi kéo mây đen kịt ở một góc trời, gió cũng thổi đến. Có mưa không? Vâng, đã có mưa.

Sáng hôm sau, tại huyện Mendocino, miệt phía Bắc Cựu Kim Sơn (Vạn Phật Thành nằm trong huyện này), báo chí đăng tải là đã có mưa. Đến 11:30 giờ trưa cùng ngày, mưa xuống khắp thành phố Cựu Kim Sơn. Những phóng viên nhà báo trở lại Max Meadow, nơi mà họ đã đến và viết tin tức về pháp hội “cầu mưa” vào ngày hôm trước, để tường thuật sự việc ngay nơi đây. Theo lời tường thuật của nữ phóng viên như sau: “Nơi đây, một bàn thờ do các Phật tử thiết lập để cầu mưa. Trời vừa đỗ mưa thuận theo lời cầu nguyện của họ... Hôm nay, vẫn còn một vũng nước lớn đọng nơi bàn thờ được thiết lập”.

Tưởng cũng nên nói rõ thêm ở đây để tránh ngộ nhận tánh cách siêu việt của Phật giáo, hầu giúp soi sáng thêm việc cầu nguyện hiệu quả trên qua mấy điểm sau đây:

-Những người cầu nguyện hết lòng thành tâm vì an lạc cho kẻ khác, không vì lợi lộc riêng tư, ích kỷ, nên nhiếp tâm và dồn nội lực tu tập, thiền quán hoán chuyển mọi xấu ác, nghịch duyên v.v... thành thiện duyên.

-Đàn tràng trang nghiêm thanh tịnh được dựng lập ngay giữa công viên, có long thiên hộ pháp che chở, nên lễ cầu nguyện được mọi điều như ý giữa những người cầu nguyện cảm thông với đấng thiêng liêng.

-Người chủ trì giới đức nghiêm minh mới có thể cảm hóa được mọi tâm tư, hoàn cảnh hướng về một mục đích duy nhất: cầu mưa, làm cho chư thiên cũng trợ duyên đáp ứng.

-Lời kinh Phật toát ra chất liệu từ bi đối với khắp hết thảy mọi loài chúng sanh. Vì lợi ích số đông, vì phúc lợi cho nhiều người, vì dân chúng nơi đây đang cần trời mưa như con người cần hơi thở vậy.

-Do lòng kỳ vọng mong mỏi của mọi người quá lâu với tâm tha thiết. Vì biết sức người bất lực trước thiên nhiên cao xa rộng lớn, nên ai nấy tâm tâm niệm niệm khắc phục. Đó là thiện niệm nên được cảm ứng vậy.

Do nhờ nhiều yếu tố vật lý và tâm lý kết hợp hài hòa như một bản hòa tấu mà bản nhạc hay được cất lên làm nức lòng bao nhiêu tâm hồn yêu thích muốn thưởng thức. Cũng thế, do lòng chờ đợi đã từ lâu của nhiều người khiến việc làm đạt kết quả hay nói cách khác, người dân các vùng Sydney, Canberra, Dubbo, New Castle ... khao khát nước bấy lâu nay, tha thiết muốn trời chiếu cố xối xuống cho một trận mưa, và mọi người đã được thỏa nguyện. Như trận mưa lớn đầu mùa cuối hè vùng trời New South Wales làm hả hê hàng vạn vạn sanh linh, cỏ cây,đất đá, vườn ruộng, hoa màu như hồi sinh sau bao tháng dài dưới áp lực của nắng hè oi bức. Thế rồi từ hôm nay trở đi tất cả mọi người ai cũng thấy có bổn phận tiết kiệm nước, bảo vệ thiên nhiên, là việc quan trọng và cần thiết mà mỗi thành viên trong xã hội phải trân trọng hợp tác giữ gìn như hơi thở và nụ cười của mình vậy.

Tu Viện Đa Bảo- Campbelltown ngày 13-2-2007
Thích Bảo Lạc

----o0o---

Trình bày: Tịnh Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/04/2020(Xem: 6010)
Nhiều người trong chúng ta đang vật lộn với phản ứng của chúng ta, trước những khổ đau của quốc gia dân tộc và thế giới. Chúng ta có thể làm gì khi đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, bất công và tàn phá môi trường? Theo dòng thời sự, thật dễ dàng để tuyệt vọng, trở nên hoài nghi hoặc tê liệt. Hướng về phía nó là cách tiếp cận của Phật giáo đối với sự đau khổ chung này. Chúng ta hiểu rằng, hạnh phúc và thực sự ý nghĩa sẽ đến, thông qua xu hướng khổ đau. Chúng ta vượt qua tuyệt vọng của chính mình, bằng cách giúp đỡ người khác vượt qua mọi chướng nạn khổ đau.
23/04/2020(Xem: 5267)
Trước khi vào bài viết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa về từ ngữ an cư: an cư theo tiếng Phạn là Varsa hay Vassa, là mùa mưa. Tàu dịch: vũ kỳ hay vũ an cư (an cư mùa mưa) vì là mùa mưa tại Ấn Độ, “an” là an tịnh nội tâm, “cư” là kỳ hạn cư trú tu tập, trong suốt thời gian nhất định nào đó. An cư cũng có nghĩa là ‘an kỳ tâm, cư kỳ thân’, tức thân ở yên một chỗ và tâm được an lạc, thanh tịnh gọi là an cư. Như vậy Mùa An Cư tức là mùa ở yên một chỗ (còn gọi là cấm túc) để tĩnh tâm tu tập. Thời gian khi Phật còn tại thế và tại Việt Nam hiện nay là Chư Tăng an cư 3 tháng vào mùa hạ, từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7, còn Tăng Già các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…thì đa số là “nhất Tăng nhứt tự” lại xa xôi cách trở nên tùy vào từng quốc độ mà tập trung an cư trong 10 ngày, sau đó trở về trụ xứ tiếp tục tâm niệm an cư cho đến khi giải hạ.
23/04/2020(Xem: 5967)
Trưởng lão Thiền sư Biography of Phra Dhammongkolyarn (Luangphor Viriyang Sirintharo) tuổi bách tuế dư niên đại thọ, nhưng sức khỏe về thể chất và tinh thần vẫn tuyệt hảo, Ngài tiếp tục giảng dạy tu tập thiền định cho cả công dân Thái Lan và người nước ngài. Ngài đương nhiệm Phương trượng trụ trì ngôi già lam Wat Dahammamongkol tại thủ đô Bangkok, Vương quốc Phật giáo Thái Lan, đã tổ chức mừng sinh nhật đại thọ cho Ngài vào ngày 7/1 vừa qua.
22/04/2020(Xem: 5641)
Trong thời kỳ nghiêm trọng bởi đại dịch hiểm ác Virus corona chủng mới, “việc này Tôn giáo có thể cùng sẻ chia - 宗教能提供哪些服務”, đáp ứng nhu cầu san sẻ trong từ bi tâm, lòng bác ái bao la là quan tâm hàng đầu của cộng đồng tôn giáo. Buổi “Tọa đàm toàn diện giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo- National Buddhist-Christian Dialogue -全美佛教與基督教座談” được tổ chức trực tuyến tại Phật Quang Sơn Tây Lai Tự, Los Angeles, Hoa Kỳ vào ngày 15/4/2020.
21/04/2020(Xem: 8580)
Đức Phật khuyên con người nên diệt trừ ái dục. “Ái” là thích, thương yêu, mến tiếc, luyến ái, tham ái bám víu. “Dục” là ham muốn, tham dục, lạc dục. Ái dục là lòng ham muốn, luyến ái, bám víu, tham hưởng mọi sự sung sướng thường tình đối với người và đối với vật. Có ba loại ái dục: 1. Ái dục theo nhục dục “ngũ trần”: Năm cảnh trần là “sắc, thanh, hương, vị, xúc”. Trần là bụi dơ. Ngũ trần là năm cái có thể thấm bụi dơ vào thân tâm ta, vào chân tính của ta. 2. Ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm “đoạn kiến”, nghĩ rằng chết là hết, nên không cần quan tâm đến thiện ác, tội phước, quả báo gì cả, cứ lo hưởng thụ lạc thú vật chất và sự giàu sang hiện tại. 3. Ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm “thường kiến”, nghĩ rằng những lạc thú và tài sản sẽ còn với mình mãi mãi, lâu dài vĩnh cửu, trường tồn.
21/04/2020(Xem: 7097)
Hôm thứ Hai, ngày 20/4/2020, Mạng lưới Phật giáo Dấn thân Quốc tế (The International Network of Engaged Buddhists, INEB) đã tuyên bố công khai trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Virusconrona gây ra, kêu gọi tất cả mọi người, các quốc gia vùng lãnh thổ và chính phủ, bất kể nền tảng tôn giáo hoặc cá biệt văn hóa chủng tộc hoặc liên kết chính trị, nhận ra tính chất liên kết và “Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau”. Nhân loại là cơ sở cho một phản ứng toàn cầu thống nhất đối với cuộc khủng hoảng, đã gây nguy hiểm đến hàng triệu người trong các cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn thế giới.
21/04/2020(Xem: 5487)
Phật giáo là Tông giáo theo quan niệm cổ xưa, trước đây bị người đời ngộ nhận cho là mê tín. Xem từ trên phương diện bề ngoài, nó xác thực là đã khoác lên trên nó sắc thái tông giáo rất sâu nặng. Người ta xem thấy tượng Phật trang sức bằng vàng, nghe đến tụng kinh bằng tiếng Phạn với tiếng chuông và tiếng khánh, nếu có ai hỏi đến, họ đều khăng khăng trả lời là lễ bái nhằm mục đích tỏ lòng tôn kính thần tượng; người ta lại xem thấy sự sinh hoạt của tăng chúng trong tự viện liền khăng khăng vu khống cho chúng nó là ký sanh trùng trong xã hội.
20/04/2020(Xem: 5166)
Các giám đốc chi nhánh của Trung ương Hiệp hội Sinh viên Phật tử Indonesia (HIKMAHBUDHI) thành phố Tangerang đã tiến hành một loạt các phong trào Nhân đạo và xuất phát ra quân vào ngày 10 đến ngày 12 tháng 4 năm 2020, để giúp giảm thiểu nỗi đau thương bởi đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
19/04/2020(Xem: 5710)
Đại Đế Nã Phá Luân, vị tướng lừng danh của nước Pháp, người từng lập bao chiến công oanh liệt, đã tuyên bố một câu bất hủ, qua những kinh nghiệm chính bản thân: “Có hai sức mạnh trên thế giới, đó là sức mạnh của Thanh Gươm và sức mạnh của Tấm Lòng. Cuối cùng thì Tấm Lòng luôn đánh bại Thanh Gươm” Là con Phật, chúng ta hiểu, Tấm Lòng ở đây là Lòng Từ Bi, là sự tử tế với nhau, là những viên minh châu trong Tứ Vô Lượng Tâm gồm Từ, Bi, Hỷ,Xả mà chúng ta được thọ nhận để học hỏi, để tu trì.
19/04/2020(Xem: 5745)
Dường như đường đê mỗi lúc mỗi hẹp! Lại quanh co nữa! Lạ thay, lẽ ra tới đây lữ khách đã phải nhìn thấy ngã ba, có cây đa cổ thụ, có bụi tre mạnh tông cao vút mướt xanh, dẫn vào thôn Phương Viên, làng Đan Phượng rồi chứ? Lữ khách tự nhủ “Lâu qúa, không được về thăm quê nội nên cảnh trí đổi khác chăng? Cố lên! Ráng thêm chút nữa sẽ thấy đường rẽ vào làng mà!” Nhưng mây đen bỗng từ đâu kéo tới, rồi nước sông dâng cao, dâng cao… ….Nước từ sông Hồng cuồn cuộn dâng cao, như rượt đuổi bước chân siêu vẹo của kẻ phương xa, tìm về thăm quê cũ … Rồi, ầm! ầm! Mưa bão trút xuống cùng lúc với bờ đê mong manh vỡ tan, sụp đổ … Lữ khách nghe tự đáy lòng mình bật lên hai tiếng thảm thiết “Mẹ ơi!”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]