Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Trói Buộc của Lưỡi

21/05/201807:15(Xem: 7521)
Sự Trói Buộc của Lưỡi


khau nghiep
 Sự Trói Buộc của Lưỡi




 

Lưỡi là một cơ quan của thân thể  con người, nằm trong miệng, nhờ có lưỡi mà các vị ngọt, vị mặn, vị đắng, vị chua hay vị cay mới được nhận ra và nơi mỗi con người khoẻ mạnh, không tật nguyền, không bệnh hoạn thì sự nhận ra các vị ngọt mặn đắng chua hay cay này đều y hệt như nhau, ai cũng nhận ra vị này là ngọt, vị kia là mặn…nhưng cái lòng yêu thích và thèm khát hay ghét bỏ vị này vị kia thì nơi mỗi người đều khác nhau, không ai giống ai.

Không chỉ là một cơ quan giúp phân biệt vị mặn ngọt chua cay của một thức ăn hay bất cứ vật gì được bỏ vào miệng, lưỡi còn là một cơ quan giúp con người biểu lộ cảm xúc và tư tưởng bằng lời nói, ngôn ngữ. Không có lưỡi thì lời nói không thể thốt ra rành mạch, chính xác mà nhờ đó con người có thể hiểu nhau, giao tiếp với nhau. Tuy rằng cũng có ít người đặc biệt nói được bằng…bụng, không thấy họ động đậy cái miệng, môi mép và chắc chắn là lưỡi cũng không dùng đến nhưng họ có thể phát ra âm thanh và lời nói qua hơi thở điều khiển từ bụng lên đến thanh quản. Đây cũng chỉ là những trường hợp rất hiếm hoi và chắc rằng những người này cũng phải dày công luyện tập mới được chứ không phải tự nhiên. Tự nhiên như khi có cái lưỡi thì chẳng cần dày công tập luyện gì cả. Sinh ra là lưỡi đã hoạt động đúng với chức năng của nó. Bú mớm, nhào trộn thức ăn, hợp tác với răng, với các tuyến nước miếng để xay nhuyễn vật cứng thành mềm, biến chất đặc thành chất lõng mới có thể nuốt trôi chảy vào trong cơ thể, nuôi dưỡng sự sống và như thế con người mới có thể tồn tại.

Có người sinh ra đã câm, hay xuất phát từ một bạo bệnh nào đó mà không nói được tuy lưỡi vẫn còn đó trong miệng. Như vậy câm là vấn đề của thanh quản và cũng là của tai, có thể vì điếc mà không nói được vì không nghe chứ chẳng phải lỗi tại lưỡi. Lưỡi vẫn ở trong miệng và nhận ra các vị ngon dở của thức ăn. Nếu tai hay thanh quản bình thường không tật bệnh thì sẽ không có câm và lưỡi sẽ hỗ trợ cho hai cơ quan này để sự phát âm đạt đến mức hoàn hảo, chính xác nhất.

Lưỡi quan trọng ở cả hai mặt. Nuôi sống con người vật chất, con người cấu thành bởi bốn thứ đất nước lửa gió và con người của phần tâm linh, tư duy và cảm xúc được truyền đạt, biểu hiện qua ngôn ngữ.

 

Chúng ta vẫn thường nghe câu « lời ăn tiếng nói », nghe quá quen, quá thường dùng nhưng thật là khó hiểu ! Vì sao là « lời ăn » mà không là «  miếng ăn » ? Bởi vì cái câu « lời ăn tiếng nói » chỉ dùng để chỉ cho lời nói hay tiếng nói chứ không dính dáng tới cái gì gọi là « miếng ăn » cả nhưng phải chăng vì lời nói được thốt ra từ cửa miệng, và cũng từ nơi đây, nhờ cái lưỡi để đem thức ăn vào nuôi thân thể nên « lời » và « ăn » phải đi cùng nhau ? Cùng một chỗ mà vừa có thể ăn, vừa có thể nói. Ăn và nói đi sát nhau, đi theo nhau trong đời sống con người như bóng với hình, như vật chất với tinh thần. Phải chăng do vậy mà không thể tách « lời ăn tiếng nói » ?

Có ai mà làm được, chỉ ăn mà không nói hay chỉ nói mà không ăn ?!

 

Chúng ta cũng thường hay nghe « nuốt lời » khi muốn ám chỉ người nào đã hứa hẹn điều gì đó mà không làm đúng hay giữ trọn. Lời nói thốt ra ở miệng cũng chẳng khác gì một thức ăn, có thể nuốt vào và cũng có thể…phun ra !

Lại một câu khác mà chúng ta cũng thường dùng như khi muốn khen ai nói hay nói giỏi là cụm từ «  tài ăn nói », cho dù cũng chỉ là ám chỉ sự việc nói năng, ngôn ngữ được chuyển tải qua miệng chứ không dính dáng gì tới cái ăn, sự uống nhưng chúng ta chẳng dùng đơn giản là « tài nói năng » mà lại dùng «  tài ăn nói ». Điều này cho thấy ăn và nói quả là luôn theo sát cạnh nhau. Không ăn thì không thể sống, không sống thì cũng chẳng nói năng gì được ! Như vậy thì phải có ăn rồi mới nói được! Cũng như có câu « Có thực mới vực được đạo » vậy.

 

Chủ đề của bài này là bàn đến sự trói buộc của lưỡi, nói cách khác là sự ràng buộc, lệ thuộc hay nô lệ của con người vào cái lưỡi và cũng có nghĩa là những gì liên quan đến ăn và nói. Ăn là thức ăn, sự ăn uống. Giản dị, hoàn toàn vật chất. Nói là lời, tiếng, bao gồm cả chữ viết và như thế là trải rộng ra nơi lãnh vực tư duy, và cả tâm linh, mở ra khoảng trời bao la của văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị…

 

Vì sao lưỡi lại trói buộc ta ? Dễ hiểu. Không ăn thì chết. Nhưng ăn quá độ cũng có thể chết. Ở đây lưỡi làm chủ ta, trói buộc ta, vì ta đã để cho cái vị ngon ngọt mặn đắng chua cay buộc cái tâm tham ăn của ta vào đó. Khi mới lọt lòng thì chỉ biết có một vị ngọt ngào của dòng sữa mẹ. Từ từ lớn lên, biết nhai biết nuốt thì bắt đầu làm quen với những vị của các thức ăn khác, từ môi trường sinh sống, từ hoàn cảnh, và tùy thuộc vào người nuôi nấng bảo dưỡng mình mà hấp thụ và huân tập thói quen, sở thích ăn uống. Nếu người mẹ hay người vú  là một nội trợ đảm đang, nấu ăn giỏi thì thường cho con ăn ngon và như thế đứa trẻ sẽ huân tập thói quen ăn uống phải ngon. Lớn lên sẽ tiếp tục thói quen như thế, qua ký ức sẽ tìm lại những món ngon đã được ăn, sẽ có sự đòi hỏi nơi chính bản thân và người chung quanh phải đáp ứng. Sự trói buộc của lưỡi là đây. Lưỡi làm chủ và con người là nô lệ. Không tìm lại được những hương vị của ký ức sẽ gây buồn chán, bất mãn, phẫn nộ. Do lưỡi mà con người vướng vào tham sân si lúc nào không hay để hành động sai và tạo nghiệp. Chính qua sự ăn uống này mà nghiệp báo đã len lõi vào để ảnh hưởng tới sức khoẻ và sinh mạng của con người. Cùng sinh ra trong một gia đình, cùng được nuôi nấng bảo dưỡng như nhau nhưng kẻ thích ăn mặn, người thích ăn ngọt, kẻ ăn thịt, người ăn rau, kẻ khoẻ mạnh, người ốm đau…Tất cả đều do từ nghiệp sai biệt của mỗi cá nhân. Một trong những nguyên nhân gây bệnh tật là việc ăn uống. Nên người xưa cũng đã từng dạy «  Bệnh tùng khẩu nhập » là thế.

 

Sống ở thế kỷ 21 này, ai cũng biết rằng việc ăn uống, thức ăn, cách ăn, cách nấu đều có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể của con người, làm cho khoẻ mạnh hay gây bệnh tật ốm đau, do đó chuyện chú trọng đến việc ăn uống, tìm đến phẩm chất của thức ăn, đồ uống là điều ưu tiên, không phải là số lượng, không phải là ăn cốt no bụng, ăn cho cố, ăn mệt nghỉ…Tuy nhiên vẫn còn những người đã không làm chủ được mình khi đứng trước một món ăn quá hợp khẩu vị thì vẫn vấp phải cái việc ăn cho no, cho cố, cho hả hê, cho đã…hậu quả tất yếu là bệnh hoạn có khi đưa đến cả tử vong.

Đạo Phật mà giáo lý căn bản đặt trên nền tảng của Trung Đạo, con đường không quá khổ hạnh mà cũng không rơi vào sự thụ hưởng quá mức, thường nhắc nhở « hộ trì các căn » tức là canh chừng các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và cả ý mà các đối tượng là hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm và ý nghĩ để các đối tượng này không gây đau khổ cho thân và tâm.

Đó đây nơi các kinh Phật dạy, chúng ta tìm thấy các câu kệ có liên quan đến sự hộ trì các căn như sau :

                                      Ai sống theo dục lạc

                                      Không nhiếp hộ các căn

                                      Ăn uống thiếu tiết độ

                                      Biếng nhác, chẳng tinh cần

                                      Dễ bị ma nhiếp phục

                                      Như gió lay cây yếu. (1)

                                      ….

                                      Tài sản không cất chứa

                                      Ăn uống biết suy tư

                                      Tự tại trong cảnh giới

                                      Không, Vô tướng, Giải thoát (2)

                                      ….

                                      Chớ phỉ báng não hại

                                      Hãy hộ trì giới bản

                                      Ăn uống có tiết độ

                                      Sống tại nhà tịnh xứ (3)

 

Chúng ta nhận thấy thời xa xưa mà đức Phật đã có cái nhìn thật sáng suốt : “ ăn uống biết suy tư ” quả là ngài đã thấy rõ thấy xa thấy trước chúng ta quá nhiều ở cái thời đại gọi là văn minh tiến bộ này.

 

Khoảng gần hai mươi năm trở lại đây chúng ta mới thực sự biết chú trọng đến việc ăn uống, đến phẩm chất hơn là số lượng. Chú trọng đến việc ăn uống tức là muốn làm chủ cái lưỡi của chúng ta. Những phong trào như ăn kiêng, ăn chay thay nhau đua nở. Các nhà cố vấn về dinh dưỡng trở nên giàu có, hốt bạc để giúp cho con người có thân thể khoẻ mạnh, cường tráng, không béo phì, không quá ốm, được thân hình cân đối và qua các thức ăn tốt có thể phòng ngừa bịnh tật và đôi khi có thể cả chữa trị. Các nhà hàng, tiệm ăn với các thực đơn được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm bồi dưỡng cho cơ thể tránh bệnh hoạn, tránh lên cân, một trong yếu tố gây bệnh, cũng mọc lên như nấm hầu đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khoẻ qua sự ăn uống. Ngành nông nghiệp sạch và xanh cũng phát triển mạnh. Con người lo sợ sự sống bị đe dọa nặng nề từ các hóa chất được xử dụng để trồng trọt, cấy cày, bảo quản. Con người đã bắt đầu hướng về việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường tuy nhiên sự nỗ lực đóng góp của mọi quốc gia trên toàn cầu vẫn chưa đem lại những kết quả đích thực và đáng kể. Con người vẫn còn lo âu sợ hãi mỗi khi đem một thức ăn vào miệng. Ở đâu cũng có thể có chất độc bám vào…Không chỉ là thức ăn đồ uống…Áo quần, giày dép, đồ dùng, mỹ phẩm và cả thuốc men đều có thể chứa các chất độc ngấm ngầm đi vào cơ thể và âm thầm giết chết con người ! Đó là chưa kể, hít thở không khí cũng chứa đầy độc khí để từ từ gây bệnh tật, đưa đến tử vong.

Con người ngày nay, do ý thức sự nguy hiểm của việc ăn uống cẩu thả nên mọi người đổ xô tìm về những phương pháp dinh dưỡng có nghiên cứu, có hệ thống, có kiểm chứng, được khoa học xác nhận hay chỉ tiêu dùng những nguồn thực phẩm xuất xứ từ môi trường sạch và xanh. Mục đích đầu tiên và có thể là duy nhất của những người này là bảo vệ sức khoẻ, hi vọng kéo dài mạng sống.

 

Căn cứ nơi lời Phật dạy : ăn uống biết suy tư, thì lại mang một ý nghĩa khác với lối suy tư của hạng người vừa nói trên, nghĩa là chỉ lo bảo vệ sức khoẻ và mạng sống. Tuy rằng với lối ăn uống biết suy tư như Phật dạy cũng có thể đem lại thọ mạng lâu dài song đó không phải là mục đích của đạo Phật.

Chúng ta biết những phật tử, xuất gia hay không, và nếu theo Phật Giáo Đại Thừa hay Phát triển thì chay tịnh hay trai tịnh. Nghĩa là ăn chay trường, trường trai hay ăn chay định kỳ, cho người tại gia. Ăn chay ở đây hoàn toàn không có thực phẩm từ nguồn động vật, thịt cũng như cá, trứng, sữa và cả mật ong. Tuy nhiên cũng tùy theo mỗi tông phái, tùy theo vị viện chủ, vị trụ trì, tùy theo sức khoẻ, công việc của nhà chùa, của tăng ni mà trên thực tế chúng ta thấy có giảm bớt sự khắt khe trong việc dùng sữa, trứng và mật ong nhưng tuyệt đối là không có thịt hay cá. Người tại gia cũng thế, có thể từ bỏ hoàn toàn thịt cá nhưng vẫn còn giữ lại sữa, trứng và mật ong.

Ăn chay cũng còn được gọi là ăn lạt vì giảm thiểu cách thức nấu nướng cầu kỳ với nhiều gia vị bổ xung cho thêm mùi vị hấp dẫn, ngon lành. Ngũ vị tân, 5 món hành, hẹ, tỏi, kiệu, củ nén (hưng cừ) đều không dùng đến khi nấu các món chay. Cũng có vị tự nguyện ăn lạt hoàn toàn, không muối, không đường nhưng đây chỉ là những trường hợp riêng biệt, không áp dụng cho cả đại chúng.

Nếu theo Phật Giáo Nam Truyền hay Nguyên Thủy thì chư tăng ni không chay tịnh, vì các vị này xuất thân là khất sĩ, theo truyền thống từ đời đức Phật còn tại thế là đi khất thực, xin ăn với bình bát trong tay, dạo quanh các thành phố và khi đã đầy bình thì trở về nơi tịnh xá để thọ bát trước giờ ngọ và lẽ tất nhiên là các vị này sẽ thọ thực những gì được bỏ trong bát, không có sự lựa chọn là thịt hay không thịt, là mặn hay chay, là ngon hay dở…

Nhưng với lời dạy “Ăn uống có suy tư ” thì đức Phật cũng nhắc rằng có ba thứ thịt mà một người xuất gia có thể ăn : không thấy người giết, không nghe con vật đó kêu la khi bị giết, và không nghi là con vật đó bị giết riêng cho mình. Gọi đó là Tam Tịnh Nhục. Nhưng có chỗ lại nhắc đến Ngũ Tịnh Nhục, thêm vào hai điều : thịt con thú tự chết và thịt con thú ăn rồi còn dư lại. (4)

Lợi ích của sự không ăn thịt thật ra là nằm ở chỗ tránh được nghiệp báo, nợ máu thì phải đền bằng máu, giết hại, cho dù là súc vật, chúng vẫn oán thù người giết hại chúng và sẽ tìm cách qua các đời sau, giết hại lại, lấy sinh mạng chuộc sinh mạng. Không ăn thịt, hay trực tiếp không giết súc vật chính là để tránh khỏi nghiệp báo oán thù vay trả này. Vì sợ nghiệp báo mà không ăn thịt, từ từ sẽ phát được lòng từ bi. Lòng từ bi cũng phải tu tập, không phải ai cũng dễ có lòng từ. Bản tánh thiện và ác đều nằm sẳn trong con người nhưng vẫn cần có sự giáo dục, định hướng tốt thì cái tốt mới phát triển. Ý thức về nghiệp báo vay trả chỉ là bước đầu của sự tu tập mà thôi. Không ăn thịt, không sát sanh là gieo nhân và nuôi dưỡng mầm mống của lòng từ. Súc vật cũng như con nguời, đều tham sống sợ chết.

Khởi đầu, chúng ta thấy rằng, phần đông những người phát nguyện ăn chay chưa hẳn là do lòng từ bi thương xót súc vật mà do lòng sợ hãi về nghiệp báo vì thế cần nên nhớ rằng ăn chay chỉ là một bước nhỏ trong việc tu hành, và đối với những người tại gia ăn chay, chúng ta cũng chẳng nên có thái độ quá khắt khe, phê bình chỉ trích việc ăn chay của họ,  họ chưa dứt bỏ được những thói quen huân tập từ thuở nhỏ, hương vị của các thức ăn đã từng được ăn, được nếm, được yêu thích vẫn còn đọng lại trong ký ức, phải từ từ tu tập mới buông bỏ được. Không lạ gì khi những nhà hàng, tiệm ăn chế biến những món chay giả mặn “tuyệt hảo” với những tên gọi không khác món mặn, thật hấp dẫn để mời gọi “ ký ức một thời ” trở về thụ hưởng vị ngọt ngào xa xăm, đầy kỷ niệm đó.

Bước vào một nhà hàng chay thời buổi này, chúng ta không còn ngạc nhiên khi đọc thực đơn : Ếch chiên bơ, cá hồi chay, chả tôm chiên, đùi gà kho tộ, sường non nướng chua ngọt, bò bía, cà chua nhồi thịt…Cho dù không có một chút thịt, chút tôm cá gì trong các món đó cả ! Và chúng ta đã vội chê cười những phật tử ăn chay mà còn thèm ăn những món này. Đây cũng chỉ là do cái tâm chấp trước, hẹp hòi, thiển cận của chúng ta mà thôi. Những phật tử phát nguyện ăn chay đó chưa dứt được hương vị ngon ngọt đã được huân tập, có thể là nhiều đời nhiều kiếp nữa, nhưng họ đã phát nguyện không ăn thịt để dứt trừ thọ lảnh nghiệp báo oán thù vay trả với súc vật cũng như gieo mầm mống cho hạt từ bi. Điều này thật đáng khích lệ. Cho dù một miếng “ ếch chiên bơ ” được bỏ vào miệng nhưng nhờ nó giả mặn, không có một con ếch nào bị giết cả thì họ vẫn có thể nuốt vào mà vẫn “ ăn ngon ngủ kỹ ” không sợ oán thù vay trả ám ảnh !

Ăn một miếng thịt giả mặn mà cái tâm của người ăn không liên tưởng gì đến con thú nào được giết chết cho cái “ sướng ” của cái lưỡi mình đang thụ hưởng, chỉ là mùi vị của ký ức, của quá khứ được sống lại. Người này không có một tội tình gì cả nhưng vẫn bị lưỡi trói buộc.

Nhưng nếu phật tử đó muốn tiến xa trên con đường tu hành thì còn nhiều giai đoạn phải trải qua nữa, không phải chỉ dừng lại nơi một việc ăn chay là đủ, là xong.

Nơi các nước ở phương trời Âu, Mỹ, Úc…với phong trào ăn chay, không ăn thịt đỏ, không liên quan gì đến tôn giáo, chỉ với mục đích sức khoẻ hay bảo vệ động vật và môi trường đang được thịnh hành thì biết bao thức ăn được sáng chế cho dù không có nguyên liệu từ thịt nhưng vẫn được mang tên như những món ăn làm từ thịt, chỉ có là được thêm chữ “ chay ” mà thôi, thí dụ : xúc xích chay, pâté chay, burger chay…Những người ăn chay đều mua và không ai chê cười, chỉ trích cả.

Các phật tử ăn chay đều có thể ăn các món giả mặn nhưng rồi từ từ, nếu muốn tu hành xa hơn thì sẽ buông bỏ sự quyến rũ của vị giác, của lưỡi cũng như của mũi là mùi thơm, của mắt là hình thù, sự trình bày đẹp mắt của món ăn để bước vào giai đoạn thuần chay, tinh khiết, đơn sơ, mộc mạc…Tất nhiên các vị xuất gia thì không tự mình tìm ăn những món giả mặn, song nếu có người cúng dường thì các vị này vẫn có thể thọ nhận mà không mang lỗi lầm gì hết.

Khoa học ngày nay còn tiến xa một bực nữa, các nhà nghiên cứu về sinh học đã có thể sáng chế ra thịt động vật rút từ tế bào của con vật đó, có thể cung cấp thịt nguyên chất là thịt nhưng không cần phải giết con vật. Nhưng sáng chế này chưa được phép đưa ra thị trường hay thương mại hóa. Đây sẽ là một đề tài gây tranh cãi trong tương lai ! Hãy chờ đợi.

 

Ca dao chúng ta có câu : “Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối ”

Và chúng ta cũng thường dựa vào đó để chỉ trích người ăn chay một khi họ có lỗi lầm gì. Thật ra ăn mặn mà không phạm lỗi gì đó thì thực tình là tốt vì lỗi đó đã không bị phạm nhưng không vì đó mà kết luận chẳng thà tôi cứ ăn mặn mà không phạm lỗi lầm còn hơn người đã ăn chay mà phạm lỗi. Đây cũng là một cái nhìn hẹp hòi và thiển cận, người ăn chay thì có được quả báo tốt của sự ăn chay, không nên quên điều này, nhưng lỗi lầm mà họ vi phạm không lệ thuộc, hay “mắc mớ ” gì đến chuyện họ ăn chay cả ! Phần tu tập của họ chưa được hoàn thiện mà thôi và lỗi lầm đó sẽ được điều chỉnh lại theo phương pháp phù hợp. Thí dụ đã lỡ nói dối thì phải quán xét hậu quả xấu của sự nói dối và biết nhận ra lợi ích, đạo đức của lòng ngay thẳng, không gian dối. Nếu lỡ trộm cắp thì phải quán xét hậu quả của sự trộm cắp cũng như suy nghiệm về sự bảo vệ tài sản của người khác mà sẽ không có sự xâm phạm. Đâu phải do ăn chay mà hết nói dối, hết trộm cắp ! Do đó mà trong đạo Phật, trau dồi trí tuệ, có chánh kiến, chánh tư duy mới là điều quan trọng hơn cả.

 

Chúng ta vừa phân tích xong phần lưỡi trói buộc con người nơi vị giác, nơi phần ăn uống. Xin chuyển qua phần lưỡi trói buộc ta như thế nào qua lời nói.

 Như người xưa từng nhắc nhở : Họa tùng khẩu xuất. Tai họa rước đến do cái miệng phát ngôn bừa bãi, chỉ trích, phê bình nặng nề, thô lỗ, mắng nhiếc, nguyền rủa, thề độc, nhục mạ, nói cống cao, ngạo mạn, vu oan giá họa, phỉ báng, khinh khi…v.v…nhiều không thể kể cho hết các hậu quả do miệng lưỡi con người tạo ra. Nhà Phật gọi đó là khẩu nghiệp. Nhưng từ nơi miệng cũng có thể “ Phước tùng khẩu xuất ” nếu chúng ta làm ngược lại, không phát ngôn bừa bãi, chỉ trích sai, phê bình ác…v.v…mà nói lời hòa ái, hiền hậu, khiêm nhường, kính trọng, an ủi, khuyến khích…thì tai họa chẳng thể nào đến nhà.

Nhưng phàm phu chúng ta mà phải “uốn ba tấc lưỡi” trước khi nói năng cũng là điều khó làm !

Ca dao lại có câu :

                             Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo (5)

 Cho thấy tâm con người thiếu ngay thẳng, nói cách nào cũng được, vài phút trước thì nói trắng, vài phút sau nói đen, miễn là lợi, là tốt cho phần mình. Hạ thấp người, hại người qua lời nói thì quá nhanh, quá dễ. Ý vừa nghĩ xong là miệng lưỡi “ phun ” lời độc địa, lời mạt sát ngay. Tất cả đều do cái lòng sân hận gây ra. Sân không phải không có lý do, nhưng sâu xa chỉ là do lòng tham không được thoả mãn. Và tham cũng chỉ bởi thiếu sự hiểu biết đứng đắn mà ra.

Lời nói không phải do lưỡi điều động mà do cái tâm thúc đẩy. Tâm tham, tâm sân và tâm si. Nhưng lưỡi là một trong các « công cụ » để qua đó lời nói được biểu đạt. Nếu không có lưỡi thì con nguời cũng có thể biểu đạt tư tưởng, ý muốn bằng tay chân, cử chỉ, qua hình ảnh hay chữ viết. Do đó, nếu có tội và bị trừng phạt bằng cách cắt lưỡi thì con người cũng chưa tuyệt vọng.

Nhưng con người bình thường, còn lưỡi là còn nói. Cái bịnh nói nhiều, ưa nói, là cái bịnh mà con người hay vấp phải và bịnh này cũng gây khó chịu bực bội cho người chung quanh không ít. Như trên đã nhắc đến, con người còn ăn là còn nói ! Khó lòng thoát ăn và nói.

 

Ăn uống thì con người đã biết đến ăn chay, ăn kiêng, ăn điều độ, biết tiết chế, suy tư như lời Phật dạy nhưng nói năng thì con người đã biết đối phó như thế nào với cái họa mà miệng lưỡi lời nói đem đến ?

 

Dân gian đã từng có câu khuyên nhủ :

                                      Một câu nhịn chín câu lành.(6)

                                      ….

                                      Biết thì thưa thốt

                                      Không biết thì dựa cột mà nghe (7)

                                      ….

                                      Lời nói chẳng mất tiền mua

                                      Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau (8)

Song làm chủ cái miệng cái lưỡi vẫn là điều khó làm nên phàm phu thì vẫn ưa thị phi :                   

                                      Thế gian chẳng ít thì nhiều

                                      Không dưng ai dễ đặt điều cho ai.(9)

Đúng là đặt điều thị phi nhưng vẫn còn chối cãi !

Một lời nói có khi đưa đến những hậu quả khó lường :

                                      Một lời nói, quan tiền thúng thóc

                                      Một lời nói, dùi đục cẳng tay. (10)

Cảnh cáo các ông thầy bói nói láo ăn tiền :

                                      Hòn đất mà biết nói năng

                                      Thì thầy địa lý hàm răng không còn. (11)

 

Các lỗi lầm do lời nói, miệng lưỡi gây ra có thể tóm gọn vào bốn điều chính : nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, nói chia rẽ.

Phật dạy :

                                      Chớ nói lời thô ác

                                      Nói ác, bị nói lại

                                      Khổ thay lời hận thù

                                      Hình phạt tất đến thân. (12)

Ở thời đại chúng ta, qua các phương tiện truyền thông tinh xảo mà lời nói phóng ra, truyền đi rất nhanh, rất rộng. Sự thật cũng có, nhưng dối trá, lừa đảo, bày đặt chuyện cũng có, tranh dành, tâng bốc, hạ bệ cũng có, lời lẽ ôn hòa, kêu gọi lòng từ bi, bác ái cũng có, lời phỉ báng, gây hấn, gây chiến tranh, thách thức cũng có. Bất cứ nơi nào, góc nào, phương trời nào trên quả đất. Nơi nào có con người là có lời nói phóng ra. Dù là người nổi tiếng hay kẻ vô danh. Dường như miệng lưỡi của người này đều muốn nói to, nói lớn hơn người khác. Dường như có một núi lửa và một bồ máu trong…miệng !

Để cho cái lưỡi không trói buộc mình vào các lỗi lầm như vậy thì đức Phật dạy Chánh Ngữ, dùng lời nói chân chánh để đối trị : nói sự thật, nói lời hòa ái, nói lời không thiên vị, công bình, hợp đạo lý.

 

Như trên đã trình bày, thật ra lời nói phát ra từ cửa miệng đều phát xuất từ tâm hay ý. Tâm hay ý này điều động và thúc đẩy miệng lưỡi phát ra lời nói, đó là tạo nghiệp bằng lời nói mà chủ chốt là tâm hay ý.

Vậy, để có được Chánh Ngữ cần tu tập cả Chánh Kiến, Chánh Tư Duy

và Chánh Niệm. Có cái thấy đúng, suy nghĩ đúng, nhớ nghĩ đúng sẽ dễ dàng chận đứng lời nói phóng ra từ cửa miệng mà thường là do sự nóng giận, vì thiếu suy nghĩ và hiểu biết.

Đức Phật từng nhắc lại lời người xưa :

                                      Làm thinh bị người chê

                                      Nói nhiều bị người chê

                                      Nói ít cũng bị chê

                                      Làm người không bị chê

                                      Thật chuyện khó đời này. (13)

Và đức Phật cũng khuyên :

                                      Nếu như chiếc chuông bể

                                      Tự mình giữ yên lặng

                                      Ngươi đã chứng Niết Bàn

                                      Tự mình không sân hận. (14)

Vậy thì, phải chăng, hãy sống như chiếc chuông bể là thượng sách để vượt ra khỏi sự trói buộc của lưỡi, được hiểu là lời ăn tiếng nói ở đây ?

 

 

                                                                   LêKhắc Thanhhoài

                                                              Paris, tháng 7 năm 2016


 

Chú Thích :

  1. Kinh Pháp Cú. Phẩm Song yếu. HT Minh Châu dịch
  2. Kinh Pháp Cú. Phẩm A La Hán. HT Minh Châu dịch
  3. Kinh Pháp Cú. Phẩm Phật Đà. HT Minh Châu dịch
  4. Phật Học Phổ Thông. HT Thiện Hoa

5.6.7.8.9.10.11. Tục ngữ ca dao dân ca VN. Vũ Ngọc Phan

12. 14. Kinh Pháp Cú. Phẩm Đao Trượng. HT Minh Châu dịch

13. Kinh Pháp Cú. Phẩm Phẫn Nộ. HT Minh Châu dịch

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2021(Xem: 5896)
Những “Tôn Giáo với lòng nhân từ” không thuộc về Thiên Chúa Giáo đã sớm được những nhà khoa học về Tôn Giáo của phương Tây chú ý theo dõi, đặc biệt vì song song với việc cải cách tư duy của Sola Gratia (chỉ cần nhân ái) và Sola Fide (chỉ qua niềm tin), được đặc biệt đáng chú ý. Cũng như vậy, Rudolf Otto trong quyển sách của ông ta nhan đề là “Tôn Giáo với lòng nhân từ của Ấn Độ và Thiên Chúa Giáo” (Gotha xuất bản năm 1930) theo chiều hướng của Ấn Độ Giáo, lòng nhân từ là điểm chính đã được đề cập đến, mà còn được xem là “sự cạnh tranh trọng yếu” của Thiên Chúa Giáo. Ngay cả học trò của Otto là Gustav Mensching cũng đã sẵn sàng dựa vào đó để tạo thành tác phẩm Tôn Giáo về hiện tượng Tôn Giáo.
11/07/2021(Xem: 6683)
Tháng vừa rồi, tôi dành thời gian để đọc và suy ngẫm về cuốn sách “Tìm bình yên trong gia đình”. Đơn giản bởi tôi và nhiều chúng ta đã dành quá nhiều thời gian hướng ngoại và đôi khi quên mất gia đình. Đôi khi giật mình, đã không đầu tư đủ thời gian cho ngôi nhà của mình, đã không biết cách để bình yên luôn có trong ngôi nhà thân thương của mình. Cảm quan về tựa đề sách và trang bìa của cuốn sách khiến tôi có cảm giác như được bước vào một thế giới với những trang sách tràn ngập nội dung bình yên, giúp tôi được bồng bềnh nhẹ tựa mây. Đọc sách, tôi giật mình: Những bước chân trên cuộc hành trình TÌM BÌNH YÊN TRONG GIA ĐÌNH trong cuốn sách thực sự không hẳn êm đềm như những gì tôi tưởng tượng. Sau khi đọc hết một nửa chương sách. Mình đã phải dừng lại hồi lâu. Bởi vì quá xúc động!
10/07/2021(Xem: 4765)
Nhà nước Trung Quốc đang bơm tiền cho chiến lược Nhất Đới Nhất Lộ, còn gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, ra sức đầu tư để ảnh hưởng vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế. Tiếng Anh gọi chiến lược gây ảnh hưởng này là "Belt and Road Initiative" và tiếng Việt gọi là "Một vành đai, Một con đường" -- trong đó, Phật Giáo là một phần tiếp cận để chinh phục nhân tâm. Đó là nhận định của tác giả P. Stobdan trên các báo Ấn Độ.
09/07/2021(Xem: 5284)
Soi sáng lời dạy của đức Phật là tựa đề tác phẩm tập hợp nội dung các bài giảng, các bài pháp thoại của Hòa thượng Pháp Tông trong những buổi giảng kinh ở một số khóa tu học Xuất gia gieo duyên những năm trở lại đây, hoặc trong các buổi giảng dạy định kì ở chương trình cùng tên vào mỗi sáng thứ bảy tuần thứ nhất và tuần thứ ba trong tháng.
09/07/2021(Xem: 5151)
Vào ngày Thứ Ba (June 22) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Krisna và Pawanpur Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 354 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 36 cây số.
07/07/2021(Xem: 4447)
Tâm Kinh nói rằng: “Sắc tức là không, không tức là sắc.” Sắc sao lại là không? Không sao lại là sắc? Vấn đề nầy khiến cho mọi người luôn luôn cảm thấy có phần nào khó hiểu; hình như đây là hai đối tượng, đều biến thành cực đoan, làm sao có thể hợp nhau lại thành một được? Nguyên vì chúng ta thường đem vấn đề Sắc trực tiếp tiến hành khảo sát thì có quan điểm để giải thích, còn đem vấn đề Không trực tiếp tiến hành khảo sát thì không có quan điểm để lý giải.
06/07/2021(Xem: 5757)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ 7 (July 03) vừa qua, chúng con chúng tôi đã thực hiện một buổi phát chẩn tại 2 ngôi Làng Kusa & Niranjan Village. Làng Kusa chính là ngôi làng có ngôi đền Kusa Temple cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 6 cây số, đánh dấu nơi ngàn xưa Thế Tôn đã thọ nhận 8 bó cỏ của người nông phu, rồi từ địa điểm đó Ngài đã mang cỏ về trải làm toạ cụ dưới Cội Bồ Đề và tu hành chứng Đạo. Hiện nay dân chúng nơi đây nói riêng và nhiều nơi trên xứ Ấn nói chung vẫn khổ sở vì Dịch Covid còn kéo dài lê thê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nên kinh tế của xứ này
06/07/2021(Xem: 5844)
Bài viết này có chủ đề về các pháp thực dụng cho người bệnh nặng, hay đang nằm trên giường cận tử. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều nơi tại Việt Nam đang phong tỏa và cách ly. Riêng tại Sài Gòn vào đầu tháng 7/2021 đã có 636 điểm phong tỏa, nghĩa là cả nước có cả ngàn điểm phong tỏa để khoanh vùng chống dịch. Do vậy, câu hỏi dễ gặp là: người cư sĩ nên nói gì với một cư sĩ khác đang nằm bệnh hay đang hấp hối? Và nhiều trường hợp khác, tương tự. Một số pháp ghi lại nơi đây thích nghi với cả hàng cư sĩ, trong đó có kinh dạy cho người cư sĩ cách hướng dẫn các pháp quán để người cận tử có thể giải thoát ngay khi lìa đời.
03/07/2021(Xem: 4513)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ Bảy (June 12) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Durgagar và Armoba Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 358 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 9 cây số.
03/07/2021(Xem: 5557)
Kính lễ đạo sư và đấng bảo hộ của chúng con, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Sự thông tuệ của ngài chiếu soi như mặt trời, không bị che mờ bởi vọng tưởng hay dấu vết của si mê, Ngài giữ trong tim một bộ kinh biểu tượng của việc thấy tất cả mọi thứ như chúng là, Người dạy trong sáu mươi cách, với lòng từ bi yêu thương của một từ thân với đứa con duy nhất, Đến tất cả các tạo vật bị giam trong tù ngục của luân hồi, Bối rối trong bóng tối của si mê, tràn ngập bởi khổ đau của họ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]