Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tôi xuất gia gieo duyên (hay: Về vai trò của giới tinh hoa và về sự cống hiến cho xã hội)

10/01/201807:17(Xem: 8838)
Tôi xuất gia gieo duyên (hay: Về vai trò của giới tinh hoa và về sự cống hiến cho xã hội)

Tôi xuất gia gieo duyên
(hay: Về vai trò của giới tinh hoa và về sự cống hiến cho xã hội)

 Phan Việt

Tạp chí Tia Sáng số Xuân năm nay có chủ đề “vai trò của giới tinh hoa trong thời kỳ đổi mới”. Trong thư mời viết bài, ban biên tập đề dẫn rằng “chủ đề này được đặt ra trong bối cảnh thế giới vừa diễn ra những sự kiện, trào lưu quan trọng (Brexit, Trumpism), trong đó, tiếng nói của người trí thức và giới tinh hoa trở nên lạc lõng trước sự thắng thế của những tư tưởng dân túy thực dụng và ngắn hạn được số đông công chúng ủng hộ.” Nếu nói về vai trò (câu hỏi Làm gì?), tôi nghĩ vai trò của giới tinh hoa trong thời này không thay đổi cơ bản so với các thời khác. Chuyện xuất thế hay nhập thế, im lặng hay mở miệng, vị quân hay vị dân, là câu chuyện không mới. Nhưng có điều này thì mới và cần phải bàn: Giới tinh hoa phải làm thế nào để làm tròn vai trò của mình trong một thế giới có ít nhất hai đặc điểm chưa có tiền lệ: - Hầu như ai cũng có thể trở thành “tinh hoa” trong một lĩnh vực nhỏ, chỉ cần có kết nối Internet và mạnh dạn bày tỏ ý kiến và/hoặc cảm xúc “thật”. - Thông tin quá nhiều và thay đổi quá nhanh, khiến người đọc khó đối chiếu, đánh giá để biết đâu là “tinh hoa” thực sự. Việc phản ứng theo cảm xúc trở nên phổ biến hơn, và thường phản ứng tiêu cực với các ý kiến phản biện.


Phan Viet xuat gia gieo duyen2
Tác giả sinh hoạt cùng các nhà sư ở chùa Rombodhidharma, thuộc tỉnh Loei của Thái Lan. (Ảnh do tác giả cung cấp).


Những điều này khiến nhiều người trong giới tinh hoa cảm thấy vô vọng và rút dần vào đời sống cá nhân của mình. Sự im lặng của họ khiến các luồng tư tưởng và cảm xúc đối lập ngày càng thắng thế. Giới tinh hoa càng cảm thấy bị cô lập, nên càng rút sâu hơn vào im lặng. Các nhà nghiên cứu có một lý thuyết để nói về quy trình này, gọi là “spiral of silence” tức “vòng xoáy của im lặng”.

Vậy làm thế nào để giới tinh hoa có thể tiếp tục là tiếng nói của sự thật. Giải pháp thì có nhiều. Tôi chỉ xin được nói một vấn đề: làm thế nào có thể chiến thắng được cảm giác muốn buông xuôi trong dòng thác nói trên, để tiếp tục vai trò của mình?
Trả lời câu hỏi này, tôi xin kể chuyện tôi xuất gia gieo duyên ở chùa Rombodhidharma, thuộc tỉnh Loei của Thái Lan vào tháng 10 vừa rồi.

Tôi vốn sang chùa Rombodhidharma của Luang Por Phosrisuryia Khemarato với mục đích nghiên cứu về ứng dụng đạo Phật vào trị liệu các rối nhiễu tâm thần. Lần đầu tôi đến chùa là cuối tháng 6-2016 và chỉ ở lại một tuần. Lúc đó, tôi chỉ tình cờ sang chùa theo một người bạn và đinh ninh rằng chùa này dạy ngồi thiền. Nhưng sang đến nơi thì thấy ở đây không dạy ngồi thiền, cũng không tụng kinh, không trì chú, không niệm Phật, không có thời khóa bắt buộc nào. Thời khóa – nếu có thể gọi như thế - chỉ là một buổi pháp duy nhất mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng. Ai muốn dự sẽ tới chánh điện – chỉ là một cái lán lớn lợp tranh - nghe Luang Por giảng, có thể 15 phút, có thể 45 phút. Sau đó ăn sáng. Thời gian còn lại trong ngày, mọi việc tự vận hành. Không có ai phân công, không có ai quản lý, không ai giám sát, không có bất kỳ một hình thức tổ chức nào, vậy mà mọi việc tự động tổ chức. Người tình nguyện làm việc dưới bếp, người làm việc trong vườn, người quét đường, sửa cốc liêu, vân vân… Khỏe thì làm, mệt thì nghỉ. Mấy trăm chư tăng ở trong các cốc xây đơn giản, có khi chỉ là cái lán che bốn phía, mỗi ngày mang bình bát lấy cơm một lần buổi sáng, còn lại cứ thế “tu”. Giải thích cụ thể pháp tu của tăng ni ở chùa không phải là mục đích bài viết của tôi nên tôi xin phép bỏ qua. Tôi kể tiếp chuyện xuất gia gieo duyên.

Chính sau khi có thể chấp nhận và bỏ xuống những ý niệm về bản thân và việc phải làm, thì tôi lại có một sự rõ ràng và tự do tôi chưa từng biết đến, để có thể làm được rất nhiều điều mà trước đây tôi đắn đo. Sống để làm gì, sống thế nào trở nên rõ ràng hơn hết.

Sang chùa một tuần, tôi trở lại Hà Nội, đổi vé máy bay về Mỹ để có thể trở lại chùa thêm ba tuần. Lần này sang, tôi càng ngấm sâu thêm những gì đang được dạy ở đây. Thế nên trở lại Mỹ rồi, tôi thu xếp với trường để kỳ học mùa thu, tôi có thể trở lại Việt Nam cả học kỳ và sang chùa một thời gian dài hơn để làm nghiên cứu. Trước đó, cả ba mùa hè 2013, 2014, 2015, tôi đã sống trong chùa ở Việt Nam để nghiên cứu. Tôi cũng đã đi nhiều thiền viện và chùa khác nhau ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ để tìm hiểu. Nhưng chưa bao giờ tôi có ý định xuất gia gieo duyên.

Một buổi tối, nghe tin Achan PJ (achan trong tiếng Thái là thầy), một nhà sư tôi kính trọng mới đi xa trở về chùa, tôi quyết định sang chào ngài. Achan PJ chỉ nói được một vài từ tiếng Anh, tôi thì không nói được tiếng Thái. Tôi vừa bước vào, achan nói:

- Việt, hãy xuất gia đi.

- Ồ không, con không xuất gia đâu.

- Hãy xuất gia đi.

- Không, con xuất gia trong tâm rồi.

- Không, phải xuất gia trên thân nữa. Sẽ rất tốt cho con.

- Con biết nhưng con không thể.

- Vì sao không thể?

Tôi giải thích rằng đầu tháng 11, tôi về thành phố Hồ Chí Minh dự Hội nghị Việt kiều và gặp mặt Thủ tướng; sau đó, tôi lại ra Hà Nội thuyết trình về xây dựng luật công tác xã hội cho Việt Nam.

- Đây là lần đầu tiên có luật này – tôi cười cười - Luật này quan trọng lắm. Nếu con mà xuống tóc, con về Việt Nam thuyết trình, người ta thấy cái đầu trọc của con, người ta sẽ nghĩ con điên, không ai tin con cả. Như thế sẽ hỏng hết việc. Vả lại, con đang làm việc bên Mỹ, con đang nghiên cứu về… Con phải abc, xyz…

Achan PJ nói trời ơi, nhiều lý do quá. Giờ ta đưa con lên gặp Luang Por nhá.

- Được rồi, lên gặp Luang Por mà ngài bảo con cạo tóc thì con cạo, không thì con không cạo nhé.

Tôi đồng ý vì lần trước tôi sang chùa, Luang Por nói với tôi rằng quan trọng là xuất gia trong tâm, hình tướng bên ngoài không quan trọng. Nhưng chúng tôi đi lên gặp Luang Por thì ngài đang bận. Achan PJ nói gì đó bằng tiếng Thái với thị giả của Luang Por về việc “Tiến sỹ… xuất gia” (ở chùa, mọi người hay gọi đùa tôi là “Doctor”). Sư thị giả cho Luang Por cười cười đi vào bạch với Luang Por, lát sau sư thị giả đi ra nói với tôi và achan PJ:

- Luang Por nói ok.

Achan PJ cười to.

- Đó, Luang Por nói nhé. Cạo tóc.

Nhưng tôi vẫn không chịu.

- Không phải. Achan không hỏi Luang Por là con có cần cạo tóc không, mà achan chỉ bạch ngài là con xin xuất gia. Dĩ nhiên ngài bảo ok. Con không cạo đâu. Con không thể.

- Vì sao, vì sao?

- Đấy, đầu tháng 11, con phải…

Tôi lại trình bày lại các lý do dài dòng lê thê của mình. Achan PJ lắc đầu:

- À, các tiến sỹ luôn nhiều lý do. Tắc trong lý do… Cho con 20 phút để nghĩ rồi nói cho ta biết: có cạo tóc hay không. Thế thôi.

- OK – tôi cười, lòng biết chắc tôi sẽ không cạo.

Tôi lên xe achan PJ về cốc của ngài. Trên đường về, ngài vừa cười vừa lắc đầu:

- Ah, doctor Việt… Ta đã gặp rất nhiều doctor. Các tiến sỹ nhá, ai cũng đều nói chỉ cần xuất gia trong tâm thôi. Doctor nào cũng nói câu này. Không ai chịu xuất gia ngoài thân cả. Ai cũng nói chỉ cần xuất gia trong tâm. Y như nhau. Chỉ cần trong tâm. Chậc, ai cũng thế.

Tôi vừa nghe câu này, thì trong đầu tôi bỗng nhiên hiện lên trùng trùng điệp điệp khuôn mặt những người thầy, người bạn có bằng tiến sỹ, những doanh nhân, trí thức, người nổi tiếng mà tôi biết. Họ đứng như một đoàn quân, trùng trùng điệp điệp. Chắc chắn họ sẽ không cắt tóc gieo duyên, dù chỉ trong một giây, một giờ, một ngày, hay một tháng. Trong khoảnh khắc mà tôi nhìn thấy tất cả những khuôn mặt của họ và sự từ chối giống hệt nhau của họ, tôi cũng lập tức nhìn rõ khuôn mặt tôi và sự từ chối của tôi. Tôi nhìn rõ những quả núi khổng lồ mà tôi và họ đang cõng trên lưng. Những thành lũy, pháo đài khái niệm mà tôi và họ cùng tự xây cho mình. Và lúc đó, tôi thấy tôi trực diện với nỗi sợ của mình – cũng là nỗi sợ của chúng tôi; dù nó có thể ngụy trang dưới nhiều khái niệm khác như “duy lý”, “trí tuệ”, “khoa học”, thậm chí “phá chấp” hay “giải thoát”.

- OK, con cạo tóc! – tôi nói.

Ngay giây phút đó, những gồng gánh và cả quả núi lớn từ trên vai tôi được vứt ùm xuống. Nhưng cái xảy ra đằng sau việc xuất gia gieo duyên mới là cái đáng nói. Chính sau khi có thể chấp nhận và bỏ xuống những ý niệm về bản thân và việc phải làm, thì tôi lại có một sự rõ ràng và tự do tôi chưa từng biết đến, để có thể làm được rất nhiều điều mà trước đây tôi đắn đo. Sống để làm gì, sống thế nào trở nên rõ ràng hơn hết.

Kinh nghiệm này cho tôi thấy người trí thức nói riêng và con người nói chung thường đi qua ba giai đoạn trong việc xử lý vai trò của mình với xã hội:

- Giai đoạn “trăng mật”: Rất hăm hở, đầy hoài bão, muốn cống hiến hết sức cho xã hội, như phải lòng con người và xã hội vậy.

- Giai đoạn “trăng khuyết”: Bắt đầu bị bầm dập trong quá trình cống hiến cho xã hội, đưa đến nản chí, và cân nhắc chuyện gác kiếm ở ẩn để giữ sự trong sạch của mình hoặc tặc lưỡi đi theo sự thoái hóa của số đông.

- Giai đoạn “trăng tròn”: Người ta có sự chuyển hóa về nội tâm, để đưa đến một trạng thái cống hiến mới, tròn đầy và viên mãn.

Trong hai giai đoạn đầu tiên, tất cả những phiền muộn đến với chúng ta chủ yếu là vì chúng ta làm việc với một tâm ý TÔI đang làm, và chúng ta đặt rất nhiều ý nghĩa, mục đích, lý tưởng, giá trị, mong cầu cho những việc mình làm. Ở bên dưới tất cả những điều đó, chúng ta rút cuộc đều đang cố thu vén cho bản thân, lấy từ người khác và xã hội cho bản thân – có thể tiền, có thể danh tiếng, có thể địa vị, có thể sự ngợi khen, sự hâm mộ, vân vân… Ta làm gì cũng mong được đền đáp; và nếu không được đền đáp như ý thì ta nản chí. Kể cả những thứ thuộc về phong cách, cá tính đều là sự đắp thêm, tô vẽ, chất thêm lên chính mình và người khác. Cho đến lúc chúng trở thành gánh nặng và lời nguyền cho chính chúng ta và cho người khác. Nếu bằng cách nào đó, một người chuyển hóa từ tâm thế “thu vào”, “lấy cho bản thân” sang tâm thế “mở ra” và “cho đi” mà không bám vào một mục đích, mong muốn, kỳ vọng được đền đáp nào, thì họ có thể làm việc không mệt mỏi. Đấy là giai đoạn trăng tròn, tỏa sáng không phân biệt.

Tôi không dám nói to tát rằng tôi giác ngộ điều gì, nhưng trong kinh nghiệm cá nhân, chính khi không còn thấy bản thân mình quan trọng, không thấy những việc mình làm là quan trọng, thì tôi lại có dũng cảm và sự tử tế lớn nhất để làm được nhiều việc. Tôi không nghĩ mình là tinh hoa đang dẫn dắt ai. Tôi không thấy mình có thể đứng trên mà nhìn xuống để chỉ trích, phân tích, răn dạy. Tôi làm những gì tôi có thể làm, chỉ vì tôi có thể làm, và thế thôi.

Khi trống rỗng, không có mục đích viết làm hài lòng người đọc hay kỳ vọng bán được sách, thì tôi viết tốt nhất.

Khi tôi nói chuyện mà không có mục đích thuyết phục người nghe phải tin, tôi nói tốt nhất.

Khi tôi đọc tin tức mà không có mục đích thu lượm kiến thức hay soi xét, bình phẩm thì tôi có thể đọc rất lâu mà không bị nhiễm và mệt mỏi với các cảm xúc lên xuống.

Quay lại câu chuyện của số báo Xuân này. Nếu hỏi vai trò của giới tinh hoa (và mọi giới) trong xã hội hiện tại, thì câu trả lời của tôi ở thời điểm này là chỉ có cho đi. Cho cái gì? Cái gì cũng có thể cho và mỗi chúng ta đều có rất nhiều để cho. Nếu bạn không tự có, bạn có thể kết nối để có.

- Cho tiền, cho thức ăn, cho quần áo, cho chỗ ở, cho phương tiện đi lại, cho không gian vui chơi, cho thuốc men và sự chăm sóc khi bệnh tật, hiến nội tạng, vân vân… Đấy là những thứ hữu hình.

- Cho sự giáo dục, cho sự đùm bọc, cho cảm giác an toàn, cho tình thương, cho sự dũng cảm, cho sự quyết liệt, cho sự kiên định, cho sự hỷ lạc, cho sự cảm thông, cho sự không phán xét, cho sự không sợ hãi, cho sự niềm nở ân cần, cho sự kính trọng, cho sự ôn hòa, cho sự chính trực, cho sự tự chủ, cho sự độc lập, cho sự riêng tư, cho sự kết nối, cho sự hiếu thảo, cho sự buông xả, cho sự thanh tịnh, cho sự im lặng, cho sự vị tha, vân vân… Đấy là những thứ vô hình.

- Cho sự giải thoát thông qua việc khiến người khác thấy được sự thật về bản thân và thế giới, từ đó chấm dứt tất cả trói buộc. Đây là sự cho đi rốt ráo nhất.

Cho thế nào?

- Cho mà không thấy là mình đang đi cho người khác, đang ban phát hay làm phúc cho người khác.

- Cho đi không vì hy vọng hay mong cầu nhận lại được điều gì, mà cho vì có thể cho, không mong được đáp lại.

- Cho một cách công bằng, không phân biệt người tốt, người mình thích, việc mình thích mới cho. Người xấu, người mình không thích cũng cho.

- Cho và buông xả ngay tại đó, không ghi nhớ, cũng không cần phân tích xem họ sẽ dùng cái ta cho vào việc gì, họ có xứng đáng nhận hay không.

Trên tinh thần như thế, tôi dẹp được tất cả những câu hỏi rối ren do sự tính toán lợi ích và rủi ro khi phải quyết định có làm điều gì, có nói hay không nói. Mỗi khi ra quyết định, tôi chỉ hỏi một câu duy nhất: “Điều này có đưa đến chấm dứt các trói buộc cho người khác và cho mình hay không?” Nếu có tôi sẽ làm. Nếu “không” thì không làm. Đối với tôi, đây là con đường hiện tại để tiếp tục sống và làm những việc mình muốn làm một cách bình thường.

Xin quay lại nói nốt câu chuyện tôi xuất gia gieo duyên. Hóa ra, rất nhiều người mà tôi tưởng tượng là sẽ không hài lòng khi thấy cái đầu trọc của tôi lại rất bình tĩnh, thậm chí vui vẻ đón nhận nó. Người có vẻ băn khoăn nhất với cái đầu lởm chởm của tôi lại là anh cán bộ hải quan. Anh ta nhìn tôi, nhìn ảnh hộ chiếu của tôi, rồi lại nhìn tôi, rồi lại nhìn ảnh, và rút cục anh không đừng được:

- Cái đầu này là cái đầu kiểu gì hả em?

- À – tôi cười – cái đầu này là cái đầu kiểu ý anh ạ.

Anh ta nhìn lần nữa vào ảnh hộ chiếu, rồi lại nhìn tôi, rồi hơi mỉm cười và dập mạnh con dấu nhập cảnh, cho tôi qua.

Phan Việt
05/02/2017

http://tiasang.com.vn/tac-gia/phan-viet-178

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/12/2022(Xem: 3046)
Loạt bài "Tiếng Việt từ TK 17" đã đề cập đến một số cách dùng Hán Việt đặc biệt như sinh thì (~qua đời, chết), Kinh Tại Thiên, Kinh Tin Kính, Kinh Thiên Chúa, lịch sự, thượng hoà hạ mục, thượng phụ, trung phụ, hạ phụ, thượng đế, thiên chủ/chúa2 ...v.v…Phần 37 này bàn thêm về cách dùng một số từ Hán Việt thời LM de Rhodes đến truyền đạo: sự (~thờ) 事, thửa (~ sở) 所, kì 其, giao cảm 交感, tinh thần 星晨, đang/đương thì 當時, củ thủ 糾手, thiểu ngữ 少語. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&
25/11/2022(Xem: 3209)
Lời mở đầu của người chuyển ngữ Bài kinh Kevaṭṭa-Sutta là một bài kinh dài giảng cho một người thế tục trẻ tuổi tên là Kevaṭṭa khi người này đến xin Đức Phật chỉ định một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn thực thi các phép lạ để thu phục được nhiều người hơn. Thế nhưng Đức Phật khẳng định là Ngài không hề dạy các tỳ-kheo của mình làm phép lạ, mà chỉ giảng dạy họ phải làm thế nào để biến mình từ một con người bình dị trở thành một con người cao quý hơn, đưa mình đến sự Giải thoát cuối cùng và sự Giác ngộ tối thượng. Sự giảng và học hỏi đó tự nó cũng đã là một phép lạ. Đấy là nội dung của toàn bộ bài kinh, và cũng là "kim chỉ nam" giúp chúng ta theo dõi bài kinh rất phong phú, khúc triết, nhưng cũng rất phức tạp này.
25/11/2022(Xem: 6891)
Hành Hương Thắp Sáng Tâm Đăng và Cảm niệm Thâm Ân Đức Thế Tôn VỊ THẦY VĨ ĐẠI BẬC NHẤT CỦA NHÂN LOẠI. Suốt tuổi vị thành niên ưu tư, trăn trở, đến tuổi lập gia đình thấy mọi niềm vui, khoái lạc đều phù du, trống rỗng; tháng năm dài tìm cách giúp vua, cứu nước, Thái Tử Siddhārtha Gotama luôn cảm thấy mình làm cái việc của con dã tràng xe cát - vì không giải mã được hố thẳm của lòng người (nguyên nhân của khổ uẩn). Với ý chí kiên định, ngài thoát ly gia đình, vợ con, vương vị, quyết tìm ra con đường thoát khổ, giải trình giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu cho kiếp nhân sinh.
22/10/2022(Xem: 4223)
Chia sẻ hình ảnh của Khóa tu nhân Lễ Vía Đức Bồ Tát Quan Âm tại Chùa Pháp Hoa Seattle Washington State do Ni Sư Thích Hạnh Nguyện và chư Đạo hữu Tịnh Thanh, Trí Tín tổ chức. Xin thành tâm cảm niệm tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni, chư thiện hữu, Phật tử đã nhiệt tâm hỗ trợ cho Khóa tu được thành tựu viên mãn và giai đại hoan hỷ...
12/10/2022(Xem: 2715)
Xin có lời tâm sự, rằng trong lòng tôi vẫn luôn luôn là một đứa trẻ rất mực ngây thơ, nghĩa là, chưa bao giờ lớn cả. Nói cho đúng, tôi đã lớn dậy giữa rừng văn học cổ tích quê nhà, đã say mê đọc truyện cổ về những vị Bụt bay tới khi có ai đó gặp nạn và ngồi than khóc, đã miệt mài với những thần thoại tuyệt vời trong Kinh Phật… Và rồi, tôi tin rằng Đức Phật không bao giờ rời bỏ chúng sinh.
30/09/2022(Xem: 4779)
Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát Kính quý thiện hữu ''Sứ giả Từ Bi'' Đạo Tràng Kim Đài - CA Xin tường trình cùng Đại chúng. Tánh Tuệ vừa hoàn tất 8 giếng nước do quí Thiện hữu bố thí cho dân nghèo xứ Phật và vẫn Continue hoàn tất những giếng nước khác do quí thiện hữu phat tâm.
25/09/2022(Xem: 6930)
Thấm thoát đã đến Giỗ Trăm Ngày Cố Sa Di Ni Bồ Tát Giới Thích Nữ Hoa Khai danh Không Ngại Thân mẫu Trụ Trì tại Quan Âm
21/09/2022(Xem: 4052)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Chân Tâm chính là gia bảo Tâm, chẳng lẽ không quý trọng hơn tiền tài, vật chất sao? Bởi không có tâm thì ai đặt lên vật chất những giá trị? Tâm là bà mẹ sinh ra những đứa con (vật chất), nhưng phần nhiều con người ta thà vì tiền tài danh lợi mà phụ rẫy bản tâm, mà khiến cho tâm tổn thương chảy máu. - Quả báo của tất cả hạnh phúc, xuất phát từ Tâm. Sự trừng phạt của tất cả khổ đau, cũng bắt nguồn từ Tâm.
20/09/2022(Xem: 7805)
Kinh Tiểu Bộ Diễn Nghĩa Kệ Bāhiya Sutta (Thể song thất lục song bát) * Lê Huy Trứ
20/09/2022(Xem: 3635)
"Bài kinh giảng cho Girimānanda" / Girimānanda Sutta (AN 10.60) là một bài kinh ngắn nhưng thuyết giảng về một phép luyện tập thiền định thật quan trọng, thiết thực và cụ thể, giúp người đau ốm mượn hơi thở để trở về với chính mình, làm lắng dịu các sự đau đớn trên thân thể và mọi lo lắng trong tâm thần. Ở các cấp bậc lắng sâu hơn, phép luyện tập này cũng có thể làm cho căn bệnh hoàn toàn chấm dứt, mang lại một niềm hân hoan và thanh thoát thật sâu xa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]