Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tại Trung Quốc chính quyền công cụ hóa Phật giáo đổi mới

14/11/201721:53(Xem: 11773)
Tại Trung Quốc chính quyền công cụ hóa Phật giáo đổi mới

Tại Trung Quốc chính quyền công cụ hóa

Phật giáo đổi mới

 

En Chine, le pouvoir instrumentalise le renouveau Bouddhisme

 

Ji Zhe

Hoang Phong chuyển ngữ

 

Tai-Trung-Quoc-0000

Các pho tượng Phật giáo bày bán tại một khu chợ ở Bắc Kinh (ảnh Ng Han Guan/AP)

 

Lời giới thiệu của người chuyển ngữ:

 

            Dưới đây là bài phỏng vấn Giáo sư Trung Quốc Ji Zhe ( /Cấp Triết) về tình trạng Phật giáo ngày nay tại quê hương của ông. Bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo "Le Monde" của Pháp ngày 9 tháng 9 vừa qua với tựa: "Đức Phật mặc áo màu đỏ" (Bouddha en habit rouge), và đồng thời cũng được đưa lên trang mạng của tờ báo này, nhưng lại mang tựa khác: "Tại Trung Quốc, chính quyền công cụ hóa Phật giáo đổi mới" (En Chine, le pouvoir instrumentalise le renouveau bouddhiste).

 

            Ji Zhe/Cấp Triết sinh tại Trung Quốc, tốt nghiệp đại học Fudan (/Phúc Đán) năm 1997, đến Pháp năm 1999, năm 2007 bảo vệ luận án tiến sĩ về Tôn giáo và Xã hội học tại trường Cao đẳng Khoa học xã hội (EHESS/Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales), sau đó lại tiếp tục nghiên cứu thêm hai năm hậu tiến sĩ. Đến năm 2010 thì được đề cử giảng dạy tại Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương (INALCO/Institut National des Langues et Civilisations Orientales), một cơ quan nghiên cứu và giảng dạy rất uy tín của Pháp thành lập từ thế kỷ XVII. Cũng xin nhắc thêm là học giả Phật giáo nổi tiếng của Pháp là Philippe Cornu cũng là giáo sư của Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương này. Ngoài ra Ji Zhe còn hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu về Phật giáo và Xã hội học, nhất là tình trạng tôn giáo và chính trị tại Trung Quốc ngày nay. Sách và các bài viết của ông về các vấn đề trên đây được nhiều người biết đến.

 

            Đôc giả có thể tham khảo bản gốc tiếng Pháp của bài phỏng vấn này trên trang mạng: http://www.lemonde.fr/idees/article/2017/09/09/en-chine-le-pouvoir-instrumentalise-le-renouveau-bouddhiste_5183204_3232.html

 

 Tai-Trung-Quoc-0001

Ji Zhe (汲 喆/Cấp Triết)

 

Tại Trung Quốc chính quyền công cụ hóa

Phật giáo đổi mới

 

En Chine, le pouvoir instrumentalise le renouveau bouddhiste

 

Ký giả phỏng vấn François Bougon

 

            Ji zhe là giáo sư Xã hội học tại Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Inalco/Institut National des Langues et Civilisations Orientales) tại Paris. Ngoài ra ông cũng được đề cử điều hành Trung tâm liên ngành về Phật giáo (CEIB/Centre d"Etudes Interdisciplinaires sur le Bouddhisme) cũng của trường này từ năm 2016. Ông vừa cho xuất bản năm vừa qua một quyển sách mang tựa: "Tôn giáo, tính cách hiện đại và quyền uy thế tục. Thiền "tchan" ngày nay qua góc nhìn của khoa Xã hội học (Religion, modernité et temporalité. Une sociologie du Bouddhisme Chan contemporain, nhà xuất bản CRNS, 2016), nội dung nêu lên các nhận xét của ông về vai trò của Phật giáo tại Trung Quốc, Đài Loan và cả trên đất Pháp ngày nay.  

 

Phật giáo đổi mới tại Trung Quốc mang bản chất như thế nào?

 

            Tiếng Hán gọi là fuxing (福星/phúc tinh, sự may mắn) có nghĩa là "phục hưng" (renaissance/revival/resurgence). Phật giáo được đổi mới lần thứ nhất vào cuối thế kỷ XIX sau khi cuộc nổi loạn Taiping (太平天國/Thái Bình Thiên Quốc, một cuộc nổi loạn ảnh hưởng bởi đạo Ki-tô và các giáo sĩ truyền giáo, do Hồng Tú Toàn/洪秀 khởi xướng, khích động nông dân chống lại triều đình nhà Thanh, gây ra một trong những cuộc thảm sát khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc: ít nhất 20 triệu người chết trên tổng số 410 triệu dân vào thời bấy giờ) chấm dứt, cuộc nổi loạn này kéo dài từ năm 1851 đến 1864 tại miền nam Trung Quốc, đánh phá những người theo Phật giáo và Khổng giáo. Sau cuộc nổi loạn này chùa chiền được xây dựng lại, tăng ni được đào tạo trong một khung cảnh mới. Năm 1905 chế độ thi cử tuyển chọn quan lại được bãi bỏ và sau khi đế quốc sụp đổ (tức nhà Mãn Thanh và chế độ quân chủ của Trung Quốc chấm dứt), nho sĩ không còn cơ hội nào ra làm quan bèn quay sang với Phật giáo. Nhờ đó việc nghiên cứu Phật giáo gọi là foxue (/Phật học) được đẩy mạnh.

 

            Lần phục hưng thứ hai diễn ra vào thập niên 1980, tức là sau các trận tàn phá do cuộc Cách mạng Văn hóa [1966-1976] gây ra. Trong giai đoạn cách mạng này chùa chiền bị cấm, biến thành trường học hoặc các cơ xưởng sản xuất, sư sãi phải hoàn tục và bị đưa đi lao động tại các vùng nông thôn. Chủ trương đổi mới về chính trị bắt đầu từ năm 1978 đã thay đổi cục diện: một khoảng không gian được hé mở với Phật giáo và cả các tín ngưỡng khác. Hiệp hội Phật giáo chính thức được thành lập trước đây từ năm 1950 bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Các tự viện lớn được phép sinh hoạt lại, nhất là tại các điểm du lịch. Sư sãi được gọi trở về chùa. Sau đó các lớp trẻ dần dần cũng được tuyển mộ thêm.

 

Vậy những gì đã xảy ra vào thập niên 1990?  

 

            Một số cải tổ hiến pháp vào các năm 1980 cũng đã mở ra một khoảng trống cho sự sinh hoạt của quảng đại quần chúng trong suốt thập niên sau đó. Song song với việc phát triển kinh tế, tình trạng [cởi mở] trên đây cũng được cải thiện hơn. Tin tức về các sinh hoạt Phật giáo cũng được phổ biến tự do hơn. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc giàu có ủng hộ chùa chìền, họ là những người Trung Quốc sinh sống ở hải ngoại, nhất là tại các vùng Đông Á. Sau đó vào giữa thập niên 1990 thì những người Trung Quốc trên lục địa mới bắt đầu tài trợ cho các dự án quan trọng.

 

Một thể chế cộng sản ưu đãi một tôn giáo đổi mới có phải là một sự nghịch lý hay không?

 

            Trong thập niên 1980, dù có một khoảng trống dành cho việc phát triển tín ngưỡng, thế nhưng chủ trương kiểm soát dưới chiêu bài ý thức hệ vẫn chặt chẽ, tôn giáo bị đặt ra bên lề xã hội, kể cả bị lên án. Tôn giáo tất sẽ bị đào thải trước sự hiện đại hóa xứ sở. Thế nhưng năm 1989, tác động gây ra bởi cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn và phong trào đòi hỏi dân chủ [lúc bấy giờ] đã tạo ra một sự chuyển hướng mới. Thật ra đây cũng chỉ là một sự thất bại cho cả hai bên: không những đối với phong trào dân chủ mà cả Đảng Cộng sản Trung Quốc [CCP/Chinese Communiste Party] bởi vì lý tưởng cộng sản đã bị sứt mẻ rất nhiều. Người dân Trung Quốc không còn tin vào ý thức hệ do Đảng Cộng Sản Trung Quốc tôn thờ, điều này đã khiến Đảng đành phải chọn một thái độ thực tế hơn đối với vấn đề tôn giáo. Đảng không còn ngồi chờ tôn giáo tự đào thải một khi chế độ cộng sản đã được xây dựng vững chắc, mà quay ra lợi dụng tôn giáo để giữ vững chế độ, hầu phát triển kinh tế và huy động niềm kiêu hãnh quốc gia.

 

Vị chóp bu của Trung Quốc là Tập Cận Bình/Xi Jinping không ngớt đề cao "nền văn minh truyền thống của xứ sở"...

 

            Phật giáo được xem là thành phần bất khả phân của nền văn minh Trung Quốc. Hơn nữa, trái với Lão giáo và Khổng giáo, Phật giáo được công nhận trên toàn thế giới và đã tạo được cho mình một hình ảnh tốt đẹp. Trong thế giới Tây Phương Phật giáo được xem là tín ngưỡng yêu chuộng hòa bình. Chế độ hiểu rõ điều này là một cơ hội tốt để lợi dụng. Vì thế sau năm 1989, sau một buổi họp với tổ chức Liên Hiệp Quốc (ONU) về vấn đề nhân quyền, Bắc Kinh đã gửi hai phái đoàn đại biểu đến Genève (Thụy Sĩ), mỗi phái đoàn được hướng dẫn bởi một nhà sư Phật giáo. Phật giáo [qua hình ảnh trên đây] được xem như là một thành phần cộng tác [với chính quyền]: không còn là một mối hiểm nguy như trước nữa, chính quyền xem Phật giáo là một lợi khí chính trị. Sau hết Phật giáo cũng được xem là một phương tiện kinh tế, chẳng qua vì hầu hết chùa chiền đều nằm trong các khu du lịch cao điểm nhất.

 

 

"Trong thế giới Tây Phương, Phật giáo được xem là một tôn giáo yêu chuộng hòa bình.

Chính quyền Trung Quốc hiểu rõ điều này là một cơ hội tốt để lợi dụng"

 

Phải chăng Tập Cận Bình đã công cụ hóa Phật giáo tương tự như Khổng giáo?

 

            Tập Cận Bình lợi dụng tất cả: Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo... Điều này tạo ra một sức mạnh mềm (soft power) trên trường quốc tế. Đây là cách biến các bài thuyết giảng về tôn giáo thành các bài tuyên truyền chính trị. Mỗi khi Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố phải tôn trọng nền văn hóa và chính trị đa phương của xứ sở thì đấy cũng chỉ là cách nêu cao "mô hình Trung Quốc" với mục đích ngăn chận mọi can thiệp của các cường quốc Tây Phương vào nội bộ của xứ sở mình. Thật ra thì đấy cũng chỉ là cách ngoảnh mặt đi trước các giá trị toàn cầu.

 

Hình ảnh Đức Đạt-lai Lạt-ma, gương mặt của Phật giáo Tây Tạng, có gây trở ngại gì cho cái trò ấy hay không?

 

            Nhất định là có. Đấy là lý do cho thấy tại sao chế độ lại đứng ra tổ chức hội thảo quốc tế về Phật giáo mỗi ba năm. Ngoài mục tiêu chính yếu trên đây, việc tổ chức này còn nhằm vào chủ đích tạo ra một bầu không khí Phật giáo quốc tế dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong cuộc hội thảo này Đức Đạt-lai Lạt-ma và các "lực lượng chống đối" không được mời tham dự. Sự kiện trên đây đã đưa đến sự xuất hiện của một đấu trường quốc tế. Ấn Độ cũng đứng ra tổ chức một cuộc họp toàn cầu [về Phật giáo] để đáp lại hội thảo do Bắc  Kinh tổ chức, nhưng lại chính thức mời Đức Đạt-lai Lạt-ma tham dự!

 

Thế nhưng tại sao Chính quyền Trung Quốc lại đàn áp phong trào Falun Gong/Pháp Luân Công?

 

            Vào các năm 1980, khi tôn giáo vẫn còn bị gạt ra bên lề xã hội và mọi việc quảng bá tín ngưỡng đều bị cấm đoán, một số các phong trào tôn giáo mới được hình thành, trong số này có Falun Gong/Pháp Luân Công, thế nhưng mọi sinh hoạt của các phong trào này thì lại hoàn toàn không có gì là tôn giáo cả, mà nhất thiết chỉ xoay quanh các phương pháp luyện tập hơi thở và cơ thể, gọi chung là qi gong/khí công. Sau đó vào các năm 1990, một số các phong trào lớn mạnh về khí công trên đây, trong số này có Pháp Luân Công, đã tạo được một khả năng thu hút đáng kể, được hàng triệu người theo, tuy nhiên họ không hề có ý định làm chính trị. Cuộc biểu tình rầm rộ do họ tổ chức tại công viên Zhongnanhai/Trung Nam Hải [một công viên tại Bắc Kinh] vào tháng 4 năm 1999 chỉ duy nhất nhằm vào mục đích yêu cầu chính quyền bênh vực họ trước tình trạng báo chí nổi lên chỉ trích các phong trào của họ là thiếu khoa học. Thế nhưng Jiang Zemin (江澤民/Giang Trạch Dân) [Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc lúc bấy giờ] lại rất lo ngại trước khả năng huy động dân chúng của phong trào này, bèn ra lệnh đàn áp. Điều này khiến phong trào Pháp Luân Công đành phải làm chính trị và trở thành một phong trào chống cộng sản.

 

            Đảng Cộng sản xem biến cố này là một bài học cho mình. Những người nắm giữ quyền hành ý thức được là không nên quá đàn áp các tín ngưỡng truyền thống mà phải dành ra một "khu chợ" cho các phong trào tôn giáo mới. Nhờ đó các tôn giáo lớn cũng được hưởng lây. Một khoảng trống được hé mở cho tôn giáo nói chung, nhưng phải đặt dưới sự kiểm soát của Chính-phủ-Đảng. Các "tôn giáo hợp tác" này phải để cho Chính-phủ-Đảng mượn tay mình chống lại các tôn giáo khác, chẳng hạn như Tin Lành giáo.

 

Trong niềm ước mơ của Tập Cận Bình tôn giáo giữ một vị thế như thế nào?

 

            Trước hết phải tìm hiểu xem giấc mơ Trung Quốc (rêve chinois/chinese dream) theo Tập Cận Bình là gì. Nếu là một vị thầy của thiền tchan [Zen] được hỏi về câu này thì tất sẽ trả lời rằng: "Tất cả chỉ là sự Trống Không". Mối quan tâm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay là giữ vững chế độ: cho đến khi nào tôn giáo vẫn còn hữu ích [cho chế độ], thì sẽ vẫn còn được hưởng một kẻ hở nào đó. Thế nhưng tất cả mọi thứ phải tiếp tay hợp pháp hóa việc thống trị bất tận của Đảng. Đấy là giấc mơ của họ Tập, một giấc mơ được chia sẻ bởi thế hệ thứ hai và thứ ba của các "gia đình đỏ" (những người trong Đảng), nhưng không hề là giấc mơ của người dân Trung Quốc. Tôn giáo chỉ có thể tìm thấy một chỗ dứng khi nào còn có thể khoác lên cho Đảng Cộng sản Trung Quốc một chiếc áo mới.   

 

Tháng tư năm 2016, Đảng Cộng Sản tổ chức một cuộc họp quan trọng về tôn giáo với sự tham dự của Tập Cận Bình.  Ông ta đã phát biểu như thế nào?

 

            Trong suốt thời kỳ hậu Mao chỉ xảy ra ba cuộc họp đại loại như thế. Các lời phát biểu của họ Tập không được tiết lộ đầy đủ trước công chúng. Tuy nhiên theo tin tức do các cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa ra thì có một số đổi mới trong chủ trương "Trung Quốc hóa" (sinisation) tôn giáo và "tách rời" tôn giáo ra khỏi chính trị. Thế nhưng thuật ngữ "Trung Quốc hóa" tôn giáo không mang một ý nghĩa nào cả đối với nền văn hóa Trung Quốc mà phải hiểu đây chỉ là một cách chặt đứt các mối dây liên hệ giữa các tôn giáo bên trong lãnh thổ Trung Quốc với các lực lương tôn giáo hải ngoại. Trước khi cuộc họp trên đây được tổ chức, không mấy khi người ta nghe thấy những người làm chính trị nói đến chuyện tách rời tôn giáo và chính trị, dù rằng điều này đã được ghi hẳn hoi trong hiến pháp. Quả đây là một chuyện mới lạ. Mục tiêu chủ yếu [của chính sách này] là nhắm vào Hồi giáo và Phật giáo Tây Tạng, chẳng qua vì cả hai tôn giáo này bị xem là có xu hướng "ly khai" (separatism).

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Chính trị và Tôn giáo là một cặp bài trùng muôn thuở, cấu kết và lợi dụng nhau suốt trên dòng lịch sử của nền văn minh nhân loại. Chính trị là "sức mạnh xã hội", tôn giáo là "sức mạnh tâm linh". Từ Á sang Âu, trong lịch sử cũng như ngày nay, hai sức mạnh trên đây - "vương quyền" và " thần quyền" - luôn nương tựa vào nhau để không chế con người và xã hội. Hai sức mạnh này đôi khi cũng có thể lấn lướt nhau nhưng không bao giờ hũy diệt được nhau. Trong các thời kỳ cận đại duy nhất chỉ có chế độ cộng sản là cho rằng sức mạnh vô sản là vô địch, không cần khoác thêm cho mình chiếc áo của thần quyền, thế nhưng đấy cũng chỉ là một ảo vọng, Theo bài báo trên đây thì chính quyền Trung Quốc đang chìa tay mượn tạm chiếc áo "tín ngưỡng" của Phật giáo.   

           

            Nước Pháp làm luật tách rời Tôn giáo (Églises) ra khỏi Chính quyền năm 1905, tức mới được hơn một thế kỷ. Ngày nay tại Âu châu sáu quốc gia vẫn còn giữ chế độ quốc giáo: Đan Mạch, Phần Lan, Na-uy, Anh Quốc, Hy Lạp và Malte, chỉ có tám quốc gia chủ trương tách rời chính quyền và tôn giáo: Pháp, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Hung Gia Lợi,..., nhưng trong số này cũng chỉ có nước Pháp là ghi hẳn hoi vào hiến pháp là một quốc gia Cộng hòa thế tục. Điều này cho thấy tại Âu Châu thần quyền vẫn còn dùng sức mạnh của mình đè nặng lên sinh hoạt xã hội. Tại Hoa Kỳ Tổng thống khi nhậm chức phải đặt tay lên Thánh kinh mà thề. Trở lại với Á Châu chẳng hạn như Thái Lan thì không thể nào hình dung một vị vua theo Ki-tô giáo hay Hồi giáo được.

 

            Trong thế giới ngày nay mối tương quan giữa "chính trị" và "tôn giáo" - trong quá khứ là giữa "vương quyền" và "thần quyền" - vẫn còn là một vấn đề to lớn đối với sự sinh hoạt chung của cộng đồng nhân loại, bởi vì đó là hai "sức mạnh" phát sinh từ hai trong số các  "bản năng" chủ yếu nhất của con người - chúng ta sẽ trở lại vấn đề này dưới đây.  Không biết bao nhiêu triết gia, học giả, chính trị gia, kể cả những người tu hành và các khoa học gia đã luận bàn về vấn đề này, tư liệu thật phong phú, không thể xếp hết vào một tủ sách mà phải cần đến cả một thư viện khổng lồ. Do đó thật hết sức khó đi sâu vào vấn đề này trong các lãnh vực chính trị, lịch sử, triết học, xã hội học, nhân chủng học, v.v., vậy chúng ta hãy thử nêu lên hai thí dụ điển hình trong lịch là đế quốc nhà Chu của Trung Quốc và đế quốc La-mã của Âu Châu để suy ngẫm.

 

             Nhà Chu/周朝 (-1046-256, trước Tây lịch!) là triều đại kéo dài lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, 800 năm tất cả. Lãnh thổ trải rộng trong toàn bộ thung lũng sông Hoàng Hà và toàn vùng phía bắc Trung Quốc ngày nay. Với các phương tiện truyền thông và hệ thống đường xá thô sơ thời bấy giờ, việc kiểm soát xứ sở và tập trung quyền hành là cả một vấn đề nan giải. Do đó lãnh thổ được chia thành các nước chư hầu, thần phục hoàng triều nơi trung ương. Mỗi nước chư hầu lại được chia thành các tiểu quốc hay bộ tộc nhỏ hơn, tức chư hầu của chư hầu. Các người thống lãnh các chư hầu, vương quốc và tiểu quốc đều là những người trong hoàng tộc, do triều đình phong tước và đề cử .  

 

            Trên đây là tổ chức của vương quyền, thế nhưng thần quyền thì thế nào? Lúc bấy giờ Trung Quốc chưa có tôn giáo rõ rệt. Khổng Tử sinh năm -551 trước Tây lịch, đến năm 69 tuổi thì mới bắt đầu soạn thảo ngũ kinh. Lão Tử có thể chỉ là một nhân vật huyền thoại, được xem là sống vào thế kỷ thứ IV hay thứ VI trước Tây lịch. Do đó Khổng giáo và Lão giáo cũng chỉ thành hình sớm nhất năm thế kỷ sau khi triều đại nhà Chu đã đuợc thành lập, và dầu sao đi nữa thì Khổng giáo và Lão giáo cũng không phải là tôn giáo đúng với ý nghĩa của nó. Tôn giáo thời bấy giờ chỉ là các hình thức dị đoan, thờ phụng các vị thần sông, núi, mùa màng, mưa gió... cùng các việc cúng tế và hiến sinh do các thầy tế chủ lễ.

 

            Nhà Chu là triều đại đầu tiên đứng ra thành lập tôn giáo "Thờ Trời" hay Thượng Đế (上帝/tức là Vua của Vua) cho nền văn minh Trung Quốc.Hoàng Đế là con chính thức của Trời (天子/Thiên Tử), nhận lãnh Thiên mệnh (天命) làm trung gian giữa Trời và Đất để cai trị con người. Chữ "Vương"/ trong tiếng Hán gồm có ba nét ngang và một nét dọc nối liền từ trên xuống dưới: nét ngang trên hết là "Trời", nét giữa là "Vua"/Hoàng Đế, nét nằm bẹp bên dưới là "dân". Đấy là cách mượn danh nghĩa của Thương Đế để cai trị. Hoàng Đế là con duy nhất của "Trời", mỗi năm phải đích thân làm lễ tế "Trời", vua các nước chư hầu không ai được quyền tự xưng "Thiên Tử". Trên đây là cách mà "vương quyền" mượn tay "thần quyền" để thống trị thiên hạ và giữ yên chư hầu.

 

            Mượn tay Trời để an dân chỉ là một phương tiện cai trị bên ngoài, bên trong hoàng triều tức là những người trị dân thì dường như không mấy ai tôn trọng sức mạnh thần quyền: âm mưu, giàn xếp, tranh quyền, truất phế, liên minh, phản nghịch, ám sát, tạo vây cánh, gả bán làm tin,... Từ Xuân Thu (-771-478) đến Chiến Quốc (thế kỷ thứ V đến -231 trước Tây lịch), chiến tranh không bao giờ chấm dứt bên trong đế quốc, gây ra chết chóc, ly tán, đau thương cho không biết bao nhiêu gia đình.

 

            Dầu sao thì đế quốc nhà Chu cũng đã lùi vào lịch sử từ lâu, những người lãnh đạo Trung Quốc ngày nay không còn tế Trời nữa và dường như cũng không mấy ai trong số họ tin vào Trời, nét ngang thứ nhất nằm trên cùng của chữ vương () chỉ là một ý thức hệ hay một thần tượng được giới lãnh đạo tạo dựng. Nét ngang thứ hai ở giữa là một kẻ độc tài bảo vệ quyền lợi của mình và của một số người trong phe nhóm của mình mà học giả Ji She trong bài phỏng vấn trên đây gọi là "gia đình đỏ". Dường như trong số những người này không mấy ai "đến chùa" và "tin" vào "Phật giáo đổi mới" vì đấy chỉ là những gì dành cho nét ngang thứ ba nằm bẹp bên dưới.

 

            Đế quốc La-Mã xuất hiện muộn hơn so với đế quốc nhà Chu rất nhiều, được thành lập năm -27 trước Tây lịch, tức là hơn một ngàn năm sau đế quốc nhà Chu, nhưng kéo dài lâu hơn và chỉ hoàn toàn sụp đổ năm 1453 sau Tây Lịch. Lãnh thổ trải rộng từ nước Anh đến vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) tại Trung Đông, gồm các nước Tây Ban Nha, Pháp, Bi, Hy Lạp, Thổ-nhĩ-kỳ, Syria, Palestine..., và cả các vùng bờ biển phía nam Địa Trung Hải: Maroc, Ai Cập, v.v... Cai trị một lãnh thổ như vậy là một vấn đề vô cùng phức tạp và khó khăn về tất cả mọi mặt: chính trị, hành chánh, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống, phong tục và nhất là tín ngưỡng. Không khác gì với đế quốc nhà Chu hơn một ngàn năm trước, đế quốc La-mã cũng phải chia thành nhiều vương quốc, hoàng triều trung ương phải duy trì một quân đội đông đảo và hùng mạnh. Cầu đường và các trạm đóng quân được thiết kế khắp nơi giúp cho việc kéo quân được nhanh chóng. Chiến tranh, âm mưu, ám hại, phản nghịch, tiếm quyền... liên tiếp xảy ra, không khác gì dưới triều đại nhà Chu.

 Tai-Trung-Quoc-0002

1
Tai-Trung-Quoc-0003 2
Tai-Trung-Quoc-00043

 Tai-Trung-Quoc-0005

4    
Tai-Trung-Quoc-0006 5

 

H.1: Đế quốc La-mã

H.2: Cầu Pont du Gard (Pháp, đầu thế kỷ thứ I)

H.3: Cầu Alcantara (Tây Ban Nha, đầu thế kỷ thứ II)

H.4- Tường thành La-mã tại Constantinople thế kỷ thứ IV)

H.5- Tường thành (Roman limes) dài 5.000 cây số bao quanh đế quốc La-mã, từ nước Anh kéo dài đến Hắc-Hải, đổ xuống Hồng Hải, xuyên ngang các vùng Bắc Phi và chấm dứt tại bờ biển Đại Tây Dương. Bức tường thành này không còn nguyên vẹn, nhiều nơi đổ nát hoặc chỉ là các di tích khảo cổ, nhưng đã được Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1987. Cũng xin nhắc thêm là cùng năm này Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc dài 6.700 cây số cũng đã được ghi vào danh sách di sản thế giới trên đây.

 

            Nếu triều đại nhà Chu trải qua hai thời kỳ loạn lạc là Xuân Thu và Chiến Quốc thì đế quốc La-mã cũng gồm hai giai đoạn bành trướng và suy yếu: giai đoạn bành trướng bắt đầu từ năm -27 trước Tây lịch đến năm 476 sau Tây lịch với kinh đô là La-mã; giai đoạn suy yếu từ năm 476 đến năm 1453 với lãnh thổ thu hẹp về phía đông và kinh đô là Contantinopolis, ngày nay là kinh đô Istanbul của Thổ-nhĩ-kỳ. Đế quốc La-mã thừa hưởng nền văn minh Hy Lạp trên mọi lãnh vực: tư tưởng, văn hóa, xã hội và cả tín ngưỡng đa thần, và đã lưu lại gia tài đó cho toàn thế giới Tây Phương ngày nay, ngoại trừ tín ngưỡng đa thần của Hy Lạp, bởi vì kể từ thế kỷ thứ IV đế quốc La-mã đặt tín ngưỡng đa thần ra ngoài vòng pháp luật, thay vào đó là tín ngưỡng độc thần Ki-tô giáo.   

 

            Trong giai đoạn đầu tiên tức là trước thế kỷ thứ IV, tín ngưỡng nói chung của toàn thể đế quốc là đa thần, rất đa dạng và nhất là mang tính cách địa phương, Tôn giáo của hoàng triều tại La-ma trực tiếp ảnh hưởng bởi tín ngưỡng đa thần của nền văn minh Hy Lạp, trong khi đó các vương quốc hay chư hầu - nói theo ngày nay là các thuộc địa - có các tín ngưỡng riêng, tôn thờ các vị thần riêng. Ki-tô giáo được hình thành vào thế kỷ thứ I trong vùng cận đông bên trong lãnh thổ của đế quốc nhưng bị triệt để cấm đoán. Dù vậy Ki-tô giáo vẫn tiếp tục phát triển và lan dần trong đế quốc La-mã từ thế kỷ thứ II, ẩn nấp phía sau sự lan rộng này là các hậu ý chính trị chống lại hoàng triều La-mã.   

 

            Bước vào thế kỷ thứ IV, hoàng đế La-mã Constantine bất thần cải đạo theo Ki-tô giáo năm 312 và ưu đãi tín ngưỡng này. Năm 391, dưới triều đại của hoàng đế Theodose I, các tín ngưỡng đa thần bị cấm đoán tại kinh đô La-mã và một năm sau đó là trên toàn thể lãnh thổ, đồng thời Ki-tô giáo được tuyên bố là "quốc giáo". Quyết định bất ngờ trên đây của hoàng triều La-ma mang tính cách chính trị rõ rệt: thống nhất lãnh thổ trên phương diện "tín ngưỡng" với mục đích an dân và tạo ra một sự "đồng nhất" trên toàn lãnh thổ của đế quốc, nếu nói theo người Trung Quốc thì đây là một đòn "hồi mã thương" của hoàng triều La-mã. Và đây cũng là khúc quanh quan trọng nhất và nổi bật nhất của đế quốc La-mã, vì nó ảnh hưởng đến tín ngưỡng của toàn thể Âu Châu cho đến ngày nay. Gần đây hơn qua các phong trào thực dân và di dân, Ki-tô giáo từ Âu Châu lại được đưa vào các lục địa khác trên toàn thể địa cầu.

 

            Bước chân đàu tiên trong cuộc phiêu lưu xa xôi và vĩ đại đó của Ki-tô giáo là quyết tâm cải đạo vì lý do chính trị của hoàng đế La-mã Constantine. Sự diễn tiến của lịch sử đôi khi rất bất ngờ và trớ trêu, các nước xa xôi tại Á Châu, Phi Châu kể cả Mỹ Châu không hề trực tiếp liên hệ gì với đế quốc La-mã trên mọi phương diện, từ lịch sử, văn hóa, truyền thống, cho đến chính trị, thế nhưng cũng gánh vác "hậu quả" mang lại bởi nhu cầu cai trị của đế quốc La-mã trong một bối cảnh chính trị xảy ra cách nay đã 17 thế kỷ!

 

            Chủ trương Ki-tô hóa tín ngưỡng của đế quốc La-mã là nhằm mục đích đoàn kết và thống nhất lãnh thổ, với hậu ý tạo ra một sự phân biệt giữa người dân La-mã theo Ki-tô giáo và các dân tộc man ri (barbarians) ngoại đạo sinh sống bên ngoài bức tường ranh giới của đế quốc. Và đó cũng chính là cách chính thức hóa uy quyền thống trị lãnh thổ nhân danh Thượng Đế của hoàng triều La-mã. Điều này cũng tương tự nhà Chu hơn một ngàn năm trước tự nhận mình mang Thiên Mệnh để quản lý chư hầu và bảo vệ người Hán chống lại các dân tộc man ri từ phương Bắc. Điều này cũng chẳng khác gì như ngày nay họ Tập mượn Phật giáo đổi mới để chống lại Tin Lành giáo và ngăn chận mọi nhúng tay của ngoại bang vào chính trường Trung Quốc. Lịch sử chẳng có gì mới lạ cả.

 

            Chính trị và tín ngưỡng là một cặp bài trùng rất khó tách rời nhau. Lá cờ của nhiều nước trên thế giới mang dấu hiệu tín ngưỡng, nước Do Thái thì dùng thẳng tín ngưỡng để đặt tên cho quốc gia mình. Ngược lại tín ngưỡng cũng "biết" khai thác lợi điểm đó tức là dựa vào chính trị để tạo cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Theo bài báo trên đây thì chính quyền Trung Quốc đã công cụ hóa Phật giáo để phục vụ cho mình, thế nhưng Phật giáo nhờ đó cũng tìm được một dịp may để "đổi mới"!

 

            Hai thí dụ trên đây về hai đế quốc nhà Chu và La-mã cho thấy dù thuộc vào hai bối cảnh khác nhau trên nhiều lãnh vực: địa lý, lịch sử, văn hóa, chủng tộc, v.v., nhưng cả hai cùng chia sẻ một số khía cạnh khá giống nhau. Theo quy luật nguyên-nhân-hậu-quả thì bất cứ một hiện tượng nào hiện ra cũng đều tương quan với nguyên nhân tạo ra nó, "chính trị" và "tín ngưỡng" là các hiện tượng, tất phải liên hệ với các nguyên nhân làm phát sinh ra chúng. Vậy những nguyên nhân nào đã tạo ra "chính trị" và "tín ngưỡng"?

 

            Khi nhìn vào thế giới chúng ta sẽ nhận thấy trùng trùng điệp điệp các hiện tượng đang vận hành và chuyển động, vượt khỏi khả năng nhận thức và hiểu biết của mình. Do đó nếu nhìn vào các hiện tượng và sự chuyển động của chúng để tìm hiểu thế giới thì cũng chỉ là một cách đưa mình vào một cuộc phiêu lưu bất tận mà thôi. Cách tiếp cận của một người Phật giáo hoàn toàn trái ngược lại, tức không nhìn vào hiện tượng mà chỉ nhìn vào nguyên nhân làm phát sinh ra chúng, nhằm tìm cách biến cải hoặc hóa giải các hiện tượng ngay từ bên trong nguyên nhân của chính chúng. Vậy thì các nguyên nhân ấy ở đâu? Bên trong tâm thức của chính mình! Điều đó có nghĩa là phải nhìn vào tâm thức mình để quán thấy nguyên nhân sâu xa nhất làm phát sinh ra mọi hiện tượng, và đấy cũng chính là nguyên tắc căn bản nhất của phép thiền định phân giải trong Phật giáo.

 

            Chính trị là một hiện tượng, vậy nguyên nhân sâu xa nhất làm phát sinh ra nó là gì? Đó là quyền lực và sự tham lam, sâu xa hơn nữa là bản năng sinh tồn. Vạn lý trường thành hay là bức tường dài 5.000 cây số của đế quốc La-mã, kể cả bức tường 3.000 cây số sắp được dựng lên ở biên giới phía nam của một nước giàu có và dư thừa nhất thế giới cũng chỉ lả để bảo vệ miếng ăn, tham lam bao giờ cũng vô độ. Bản năng sinh tồn hiện ra dưới mọi hình thức: tiền bạc, của cải, lường gạt, cướp bóc, xâm chiếm đất đai, kéo bè, lập đảng, chiến tranh, quyền lực, chính trị... đều là các hình thức bảo vệ miếng ăn. Nếu "chính trị" phát sinh từ bản năng sinh tồn thì "tín ngưỡng" phát sinh từ bản năng sợ chết, phản ảnh những lo sợ kín đáo và sâu kín nhất của con người trước vô thường.

 

            Chúng ta có thể nghĩ rằng sự tương kết giữa chính trị và tín ngưỡng là nguyên nhân đưa đến những phức tạp của thế giới và mọi thứ khổ đau cho con người, thế nhưng cũng chưa đủ, bởi vì còn một thứ bản năng khác đày đọa con người không kém: đó là bản năng truyền giống. Bản năng này tương đối khó nhận thấy hơn so với các bản năng sinh tồn và sợ chết, bởi vì nó có thể hiện ra dưới các hình thức được xem là hạnh phúc: tình yêu, tính dục, sắc đẹp, nghệ thuật, quần áo, trang sức, phấn son, hạnh phúc gia đình, sinh con đẻ cái, v.v. Phía sau sự liên kết giữa "vương quyền" và "thần quyền" của hai đế quốc nhà Chu và La-mã và bên trong "hậu cung" của cả hai đế quốc ấy thì nào là cung phi, mỹ nữ, diễn ra những cảnh trụy lạc và dâm ô. Triều đình nào có phải chỉ là "chính trị" và "Thượng Đế" đâu!

 

            Khi nào ý thức được tác động rộng lớn và kinh hoàng của các thứ bản năng ấy thì khi đó chúng ta sẽ hiểu dễ dàng hơn sự phức tạp của thế giới. Những gì đang chuyển động chung quanh chúng ta: trốn thuế, lường gạt, xâm phạm tính dục, phim ảnh dâm ô, quảng cáo, hát xướng, nghệ thuật, của cải, hàng hóa, cướp giật, chiến tranh, tín ngưỡng, cầu khẩn, van xin, thuốc men, bệnh viện, bảo hiểm sức khỏe, cúng dường, bố thí, đức tin..., tất cả cũng chỉ là hậu quả phát sinh từ sự thúc đẩy của ba thứ bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết. Qua góc nhìn đó thế giới sẽ trở nên "giản dị" hơn, không có gì là quá "khó hiểu" cả.

 

            Thế nhưng, dù hiểu được thế giới là gì nhưng một người tu tập Phật giáo không nhin vào thế giới, bởi vì nguyên nhân sâu xa của thế giới không ở trong thế giới mà là ở bên trong con người của mình. Thiền định là cách nhìn vào bên trong chính mình, tìm hiểu mình là gì, nguyên nhân nào tạo ra các thứ bản năng xô đẩy mình vào thế giới, các bản năng ấy thúc đẩy mình ra sao và gây ra cho mình những khổ đau như thế nào? Đấy là cách giúp mình hóa giải các nguyên nhân ấy hầu giải thoát mình ra khỏi thế giới. Chẳng phải Đức Phật đã dạy rằng phải tự làm đuốc soi đường cho mình, tự xem mình là một hòn đảo làm nơi an trú cho chính mình hay sao?

 

            Thái tử Tất-đạt-đa tử bỏ mọi tiện nghi để sống cuộc đời khất thực là cách không bám víu vào bản năng sinh tồn; từ bỏ gia đình là cách chối bỏ bản năng truyền giống; hòa mình với Đạo Đức để đi tìm Sự Thật là cách đương đầu với vô thường và hóa giải bản năng sợ chết. Đức Phật không hề hợp tác với vương quyền, cũng không liên kết với một vị Thầy tâm linh nào cả. Nhiều bài kinh thuật lại vua chúa đương thời tìm Đức Phật để tham vấn và học hỏi, các giáo sĩ Bả-la-môn và đạo Ja-in tìm Ngài để nghe giảng và xin được làm đệ tử của Ngài. Không ai có thể biến Giáo Huấn của một con người đã từ bỏ tất cả thành một phương tiện phục vụ cho mình hay bất cứ một quyền lực nào. Giáo Huấn của Đức Phật chỉ mang mục đích duy nhất là phục vụ tất cả chúng sinh, không phân biệt một chúng sinh nào. Sức mạnh tàng ẩn bên trong Giáo Huấn đích thật đó sẽ giúp người tu tập vượt lên trên tất cả ba thứ bản năng "sinh tồn", "truyền giống" và "sợ chết". Kín đáo nhưng cũng thật bao la, sức mạnh đó không ai có thể bẻ cong hay "công cụ hóa" được.   

 

            Phật giáo mà ngày nay người ta đang tìm cách biến nó trở thành một công cụ tất nhiên không phải là "Phật giáo" của Đức Phật, mà chỉ là một sự lường gạt, một trò hề, chẳng khác gì như hai đế quốc nhà Chu và La-mã mượn tay "Trời" để tìm cách thống trị thiên hạ mà thôi.  

                       

Bures-Sur-Yvette, 13.11.17

 Hoang Phong chuyển ngữ   

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 8048)
Nếu Duy Thức đối với ACE chúng tôi đã là một ‘khu rừng’ thì Hoa Nghiêm lại hơn thế nữa: đó là một khu rừng có trang bị ‘bát quái trận đồ.
10/04/2013(Xem: 7769)
Hôm nay ACE chúng tôi mới được thực sự đi vào giáo lý Hoa Nghiêm. Trước hết, chúng ta phải lược sơ qua ‘lịch sử thuyết giảng kinh Hoa nghiêm.
10/04/2013(Xem: 7513)
Theo chương trình học Kinh của Chúng, hôm nay ACE chúng tôi tiếp tục học Hoa Nghiêm , đi vào phẩm thứ 39 : Nhập Pháp Giới.
10/04/2013(Xem: 7215)
Tổ chức GĐPT nói chung, và ACE Huynh trưởng nói riêng, gồm đủ mọi thành phần, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, thành thị hay thôn quê, học ‘cao’ hay học ‘thấp’ cho nên khi nói đến ‘Toán học’ hay ‘ khoa học hiện đại’ có nghĩa là Toán học và khoa học cấp phổ thông.
10/04/2013(Xem: 7382)
Đây là bộ Kinh mà ACE chúng tôi đã “nghe danh” từ những năm 60, khi mới “ra nghề” huynh trưởng mà mãi đến nay (1) hơn 20 năm sau mới được học ! như vậy đủ biết chúng tôi nao nức như thế nào!
10/04/2013(Xem: 8923)
Ðây là phẩm mong đợi của ACE chúng tôi, cũng là của mọi người học Kinh DMC , vì sao?- Vì trong phẩm này ngài Văn Thù Sư Lợi chịu đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
10/04/2013(Xem: 8022)
Từ thời xa xưa lắm rồi, khi nói “dâu trăm họ”, lập tức người ta nghĩ ngay đến những vị thầy trụ trì ở các chùa. (Xin hiểu chữ trụ trì như là danh từ chuyên môn rất phổ thông để chỉ các vị sư, tăng hay ni.
10/04/2013(Xem: 6870)
Chúng ta thường nghe nói về ‘Cái Dũng của nguời quân tử’ ‘Cái Dũng của phàm phu’, ‘Cái Dũng của Thánh nhân’ v..v... nhưng chúng ta chưa thực sự thực tập hạnh này với tư cách là một Phật tử.
10/04/2013(Xem: 12707)
Hôm nay là ngày 20 tháng 6 năm 2001 nhằm ngày 29 tháng 4 nhuần năm Tân Tỵ, tôi chắp bút bắt đầu viết quyển sách thứ 32 nầy trong mùa An Cư Kiết Hạ của năm nay. Hôm nay cũng là ngày rất đẹp trời. Vì mấy tháng nay, mặc dầu đã vào hạ; nhưng bầu trời vẫn vần vũ bóng mây, như dọa nạt thế nhân là ánh sáng của thái dương sẽ không bao giờ chan hòa đến quả địa cầu nầy nữa.
10/04/2013(Xem: 9352)
Sau 30 năm sinh hoạt Phật sự tại Đức, tôi ngồi tính sổ lại thời gian, nhân duyên, cơ hội cũng như những phạm trù khác để gởi đến quý Phật Tử xa gần, với những người lâu nay hằng hộ trì cho Phật pháp tại Đức nói riêng và các nơi khác tại Âu Châu cũng như trên thế giới nói chung với tinh thần của người con Phật và với tư cách là một Trưởng Tử của Như Lai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]