Thường thì chúng ta phải thoát khỏi sự tự mãn mới có thể bắt đầu hành trình tâm linh. Thí dụ như một cơn khủng hoảng trầm trọng, sự đau khổ ê chề, hay sự mệt mỏi và chán chường cùng cực vì phải tới lui và tái diễn những vai trò càng lúc càng trở nên vô nghĩa: đó là những yếu tố thúc đẩy hành trình tâm linh (John Snelling, The Elements of Buddhism", p. 117). Câu chuyện sau đây có thể nêu rõ quan điểm nầy:
Một Thiền sư già, biết rằng mình sắp chết, nghĩ ra phương tiện thần tốc để giúp vị đại đệ tử của mình đạt đại giác ngộ. Ngài quyết định đẩy vị thiền sư trẻ ra khỏi sự tự mãn bằng một mưu đồ tinh vi nhằm vu oan cho đệ tử mình là một tên trộm trá hình. Anh ta sau đó bị tố cáo trước đại chúng trong chùa và mọi người trong xứ.
Trước kia là giáo thọ có số học trò đông đảo, nay thì hoàn toàn mất chỗ đứng và không thể trông cậy vào ai, lòng chấp ngã của vị đại đệ tử hoàn toàn tan vỡ, anh ta miên man suy tưởng về sự bất công trắng trợn và đôi lúc nghĩ tới việc tự sát.
Sau vài tuần lễ thất vọng tột độ, một hôm anh ta đột nhiên bùng vỡ đại ngộ và chứng nghiệm: đời sống chỉ là cơn mộng, là ảo ảnh, là bọt nước, là bóng ma. Đây chính là chơn lí mà nhiều năm qua, anh cố gắng chia sẻ với các người mới học. Anh vội vã chạy đến tìm ân sư, người đã nồng nhiệt đón chào anh, và sau đó tuyên bố vị đại đệ tử là truyền nhân của ngài.
(“Spiritual quest”, Seeker’s Glossary of Buddhism, p. 436 – Thích Phước Thiệt dịch)