Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vườn Đại Uyển

20/03/201722:51(Xem: 8066)
Vườn Đại Uyển

 

Vườn Đại Uyển

(Mahāmeghavana)

 

Thích Như Tú viết chung với Trần Thị Nhật Hưng

 vuon-dai-uyen-0000

 

Nhân duyên trong chuyến hành hương Tích Lan tháng 7 năm 2011, một Phật tử trong đoàn đến từ Âu châu, Trần Thị Nhật Hưng, đặc trách tường thuật chuyến đi; Đại Đức Thích Như Tú, một học tăng đến từ Đại Học Delhi - Ấn độ, cùng kết làm thiện hữu tri thức. Vì thế, sau chuyến đi đã có nhã ý viết chung một truyện ngắn với tựa đề “Vườn Đại Uyển”. Ban Biên Tập báo Viên Giác xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.

 

Sáng.

Dạo bước chân qua vườn Đại Uyển.

Từng đoàn người hớn hở vui cười.

Đầu đội, tay nâng niu từng phẩm vật cúng dường, âm vang rộn ràng trong giọng nói Sinhalese. Họ là ai? Là những người Phật tử của Đảo sử Lanka (Tích Lan). Nhân dịp lễ kỷ niệm tháng Vesak 2600 năm, họ viếng thăm và đảnh lễ thánh thụ bồ đề thiêng liêng nơi Vườn Đại Uyển.

Cũng giống chúng tôi, chẻ chiếc màn sương mai đang còn vương lối.

Xe vượt rừng cây um tùm lá đổ trên cao, để lại sau lưng dăm ba trạm bảo vệ. Đoàn hành hương dừng lại. Một khuôn viên bồ đề được hiện ra. Âm thanh ríu rít thanh cao vọng đến, như thầm tưởng các chú chim non đang vui mừng chào đón chúng tôi. Trước vẻ đẹp của rừng thiêng huyền bí, mùi giải thoát đã quyện vào từng thành viên trong đoàn hành hương.

Không ai bảo ai, Y hậu, Pháp phục chỉnh tề. Chúng tôi men theo lối mòn của ngàn xưa lưu dấu. Ba đời quá khứ Phật đã ngự tại nơi đây.[1] Dòng Vô Sanh ấy vẫn nối liền qua bao cuộc đổi thay. “Vô thường thị thường”!. Cây bồ đề của ba vị Phật quá khứ cũng đều mang đến trồng tại xứ Lanka. Vào thời Đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha) có vườn Mahātittha, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Koṇāgamana) có vườn Mahānoma, Phật Ca Diếp (Kassapa) có vườn Mahāsāgara.[2]

Dưới tia nắng ấm áp, những cơn gió nhè nhẹ mơn man. Hồn của bình minh đang tấu khúc hân hoan hùng tráng, tràn đầy sức sống và hy vọng khởi đầu một ngày mới. Xuyên qua kẽ lá bồ đề đưa đoàn hành hương chúng tôi vào tận biệt viên. Nơi ấy được bao bọc bởi hai lớp hàng rào chắn song thưa, đúc bằng chất liệu đồng thau. Trông thật đẹp mắt!

Nhìn những giọt ban mai vừa rọi xuống, như thể nói lên một điều gì mới lạ, chưa hề xuất hiện trong tâm khảm của chúng tôi. Những tưởng một sự nhỏ bé; một thân lăn lóc, trôi nổi tự bao giờ. Nay đứng trước kỳ thụ thiêng liêng. Chạm vào cây như quay về quá khứ. Đảnh lễ vô cùng tận trong vô lượng kiếp triền miên.

Tuy thân cây bồ đề không lớn và cao to như những cây bồ đề tôi thường thấy ở Ấn độ, nhưng đã trải qua vài ngàn năm với phong sương bão táp. Bồ đề vẫn đứng vững vàng như thách thức với thời gian. Từng nhánh cây rũ xuống chi chít những chiếc lá bồ đề, trông thật dịu dàng nhưng ẩn chứa một nghị lực tiềm tàng mạnh mẽ. Đại hùng đại lực đại từ bi. Bằng sự kham nhẫn và chịu đựng trước mọi sức ép của cuộc sống. Dù da thịt có rã ra, trơ xương lộ cốt vẫn kiên trì bền bĩ. Giống như những chiếc lá bồ đề mà chúng tôi luôn trang trọng ép trong tập vở hay trên trang bàn thờ cung phụng như xương cốt của tổ tiên.

Như chiếc thuyền nan lướt sóng, lá bồ đề đưa tâm tưởng tôi về một chốn xa xôi. Nơi có những cây đa vẫn soi mình nơi bến cũ, tỏa bóng râm mát cho khách bộ hành nghỉ chân mỗi khi nắng hạn; nơi có những cây bồ đề vẫn nép mình bên dòng sông sâu. Dòng sông của năm nào vẫn im lìm khoe mình cùng tuế nguyệt, làm chứng tích cho những buổi trưa hè; đám con nít chúng tôi, lúc đó, tôi chưa vào chùa xuất gia, vẫy vùng bơi lội. Con sông đưa kỷ niệm dội về. Một lần bị ăn đòn nhừ tử vì bắt cá kiểng của cha thả trôi sông. Tôi không thể nhìn cảnh cá chậu chim lồng. Không muốn ăn cá chiên do mẹ nấu khi hình dung sự dẫy dụa đau đớn của cá nằm trên thớt. Và tôi chỉ đòi ăn chay. Cha tôi thường thì thầm với mẹ rằng tôi có số đi tu. Mẹ tôi lắc đầu nguầy nguậy tỏ ý không bằng lòng. Những giọt nước mắt của Mẹ đã ngậm ngùi rơi xuống khi thấy cha đưa tôi vào chùa thế phát. Lúc đó, tôi vừa đúng 19 tuổi. Mẹ buồn, bỏ ăn mấy ngày và vật vã khóc vì nhớ thương con, và vì con đã vuột ra khỏi vòng tay yêu thương chở che của mẹ. Mẹ thương cho tôi ở chùa ngày hai bữa tương chao dưa muối, và từ nay, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhưng mẹ tôi đâu nghĩ là vượt lên được những việc thường tình chính là lúc thăng hoa tâm trí, thăng hoa lòng Từ bi để những bước chân đi vào đời nhẹ nhàng thanh thản. Mẹ đâu hiểu tôi vui sướng như thế nào khi theo cha vào chùa gặp sư cụ. Sư cụ trụ trì nhìn tôi âu yếm. Ánh mắt hiền hòa nhưng thấu suốt tâm tư tôi. Ngài gật đầu. Thế là từ đó tôi trở thành “chú điệu”. Được ngài ban cho tôi một bộ đồ vạt hò, chiếc áo vàng và cái quần dài trắng toát thùng thình. Tôi nâng niu như y giáo phụng hành một pháp sự truyền trao.

Chùa tôi có hai cây đa cổ thụ trước cổng tam quan, cành lá xum xuê che mát buổi trưa hè. Công việc ở chùa của tôi thật đơn giản. Ngoài việc thị giả cho Thầy, lau chánh điện, hay nhổ sạch cỏ gấu trong sân. Ngày hai bận tôi quét sân chùa. Những chiếc lá đa khô vô thường rời cuốn. Luân hồi sanh tử là đây. Tôi nhận diện cuộc đời và thầm nhủ quyết lòng tu tập. Tôi quét lá khô như quét sạch tâm mình để mở ra một tấm gương trong sáng. Tôi được đi học. Học chữ ở trường và học kinh, giáo lý nơi chùa. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn như dòng chảy của một dòng sông.

Rồi hơn 20 năm sau, dòng đời cứ trôi, trôi mãi. Có biết bao gập gềnh chông gai. Như chiếc bèo trôi, vẫn lênh đênh đẩy tôi xa rời bến cũ. Tôi lạc lối quay về. Để rồi bây giờ tôi đứng nơi đây, vịn tay lên cội bồ đề trầm tư nghe tâm mình vấn hỏi. Có nhánh sông nào tôi sẽ rẽ qua.

Tùy duyên!

vuon-dai-uyen-0001

“Từ vô thủy muôn trùng lặng lẽ.

Hóa thân nào làm kẻ lang thang

Tháng năm trong tiết nắng vàng

Mùng hai năm ấy cung đàn thần tiên

 

Ba mươi chín năm liền lặng lẽ

Ta với ta là kẻ lang thang

Duyên trần thoát tục mây ngàn

Vân du mai đấy, trần gian ưu phiền

 

Rồi ngày ấy lưu truyền hiện tại

Cuộc thăng trầm sóng dậy tà dương

Duyên người du thủ ngàn phương

Lời kinh vang vọng đưa đường ta đi.

 

Thời kinh Thủ Lăng Nghiêm buổi sáng bắt đầu vang vọng. Âm thanh trầm hùng của chư Tôn đức hòa cùng tiếng chuông ngân, tiếng mõ nhịp đều đều như sóng vỗ triều âm. Quyện cùng trầm khói lung linh, đưa sự chú ý của mọi người xung quanh cội bồ đề cùng hướng về một phía. Như về nơi bến giác xa lìa vô minh! Họ cảm thấy lạ lẫm và thú vị của một truyền thống nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

Đoàn hành hương lại nhẹ nhàng tiến bước. Rời khỏi kỳ thụ thiêng liêng, kẻ trước người sau cùng nhau hướng về phù đồ trước mặt. Con đường vẫn đầy cây bồ đề dọc hai bên lối. Cành lá xum xuê. Âm thanh trên hàng cây vẫn ríu rít của mấy chú chim non chào đón. Lòng phơi phới, chúng tôi bước lên những bực tam cấp cao, như vượt trần lao khổ lụy để đi vào pháp hội. Nơi đây đông đảo Phật tử Tích Lan thành kính dâng hoa, quì mọp người cung kính đảnh lễ Xá Lợi Phật thờ trong phù đồ.

 

vuon-dai-uyen-0003

 

Đại tháp tròn và sơn trắng, đồ sộ ngạo nghễ nằm phơi mình dưới ánh nắng ửng hồng. Những Phật tử cũng kiên trì dưới cái nắng nóng gay gắt. Tâm thành dâng lên Phật. Tôi đưa mắt nhìn hàng bạch y cư sĩ đảo sử Lanka hành lễ trước đại tháp, hình ảnh mẹ tôi năm nào lại từ từ hiện ra. Mẹ luôn có lòng hướng Phật, hay đi chùa và dắt tôi theo khi tôi vừa chập chững biết đi. Mẹ đến chùa vì Phật. Tôi đi chùa vì mẹ. Cả hai đều có lòng cung kính yêu thương đối tượng của mình. Với tôi, mẹ chính là Phật. Tuy hai cũng là một. Tuy một thế mà hai. Sau thời kinh, mẹ cũng lạy mọp người như những Phật tử nơi đây. Mẹ dạy tôi làm theo. Trí óc non nớt của tôi chưa ý thức được việc mình làm nhưng nó đã gieo tâm Phật, chủng tử Phật trong lòng tôi. Để bây giờ tôi có nhân duyên dễ dàng sống nơi chốn già lam thanh vắng. Tôi mãi mang ơn cha mẹ đã cho tôi hình hài vóc dáng, đưa tôi vào thế giới của tình thương bao la thật tràn đầy hạnh phúc.

Sau khi kinh hành nhiễu tháp và tụng một thời kinh ngắn, đoàn hành hương vẫn kẻ trước người sau lại nhẹ nhàng quay trở xuống. Khi bước hết bực tam cấp cuối cùng, một phụ nữ trong đoàn khẻ gọi tôi:

-         A Di Đà Phật. Bạch Thầy…

Tôi quay sang, thì ra là cô Kim Anh. Cô Kim Anh trong đoàn được giới thiệu là một cây bút có nhiệm vụ tường thuật cuộc hành hương. Hỏi ra mới biết cô đã gần 60 tuổi, nhưng bên ngoài vóc dáng trông như chỉ 50 nên tôi đã gọi là cô thay vì bà hay bác!

Cô hỏi tôi:

-         Bạch Thầy, tại sao con đến chùa đâu đâu cũng thấy đàn bà đông hơn đàn ông?

Tôi cười và trả lời. Nhưng không nhắc đến cái điều chướng của nữ giới mà trong kinh Pháp Hoa được ngài Xá Lợi Phất nêu ra, sở dĩ Tôn giả đưa ra năm cái chướng của nữ giới, vì Ngài quán xét trên thân nghiệp của chúng sanh. Thấy rằng người nữ nghiệp nặng hơn người nam, nên không thể thành tựu quả vị Phật ngay khi còn mang thân nữ. Nhưng đứng về phương diện Đại thừa, Đức Phật dạy rằng “tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật”.

Lúc đó, tôi chỉ phương tiện phỏng theo tiểu thuyết “Mẫu Thượng Ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh để trả lời theo cách nhìn gần gũi của thế gian. Bởi lẽ, tín ngưỡng thờ Mẫu (hay Mẹ) là một trong những tôn giáo sơ khai thờ nữ thần của người Việt. Người ta cho rằng Mẹ là nguồn gốc, do đó là biểu tượng của sự tồn tại và sinh sôi, của sự sống bất tuyệt. Nên Mẹ đáng kính!

Tôi trả lời:

-         Có lẽ người nữ sống nhiều về nội tâm, tình cảm. Họ quan niệm “phúc đức tại mẫu”, do vậy mà hướng về đời sống tâm linh để đem phúc cho con cháu.

Cô Kim Anh cũng cười, nói:

-         Thưa Thầy, con thì nghĩ khác, chắc tại đàn bà nặng nghiệp hơn đàn ông nên mới phải đến chùa để giải nghiệp. Nội mang thân đàn bà là kiếp trước đã vụng tu rồi. Thời đức Phật cũng 3 lần không cho người nữ đi tu. Mãi về sau nhờ Ngài A-Nan xin giùm mới được đó. Nhưng Phật đã dạy rằng, hễ phụ nữ vào chùa tu thì thời kỳ chánh pháp sẽ giảm mất năm trăm năm.

Nghe cô nói vậy, tôi hiểu cô là Phật tử thuần thành, học hỏi nhiều kinh điển. Tôi chỉ cười, đáp:

-         Phụ nữ tu cũng tinh tấn lắm! Nhất là thời đại ngày nay. Phụ nữ có kém ai.

Cô Kim Anh mỉm cười, lặng thinh không nói nữa.

Một lát sau, cô xòe ba chiếc lá bồ đề khoe với tôi:

-         Con lượm ở dưới đất đấy, thầy ạ! Vừa nói cô vừa ngắm nghía ba chiếc lá bồ đề như bắt gặp một niềm an lạc thật vô biên nào đó.  

Cô Kim Anh tiếp:

-         Lá đã rời cành, khô rồi, nhưng trông vẫn vững chãi bền bỉ. Đẹp quá thầy nhỉ? Con đem về chưng trong tủ kiếng để làm kỷ niệm.

Cô nói với nét mặt hồn nhiên an lạc. Tôi đưa mắt ngắm ba chiếc lá bồ đề được cô nâng niu trong lòng bàn tay. Ba chiếc lá có ba cỡ khác nhau nhưng cấu trúc đều rất giống, thẳng tắp và đẹp. Dù lá đã khô mà vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Ba cuốn lá cứng cõi. Ba đỉnh lá với cái đuôi dài mềm mại nhưng cũng thật vững chắc. Cô vừa đi vừa mân mê ngắm nghía với vẻ trân trọng. Rồi cô nắm ba cuống lá, xòe ba chiếc lá thành cánh quạt, cô nói:

vuon-dai-uyen-0004

-         Con thích lá bồ đề lắm, thầy ạ. Hồi nhỏ, con thường hái lá tươi về ngâm nước lâu ngày cho “thịt” rã ra, chỉ còn “xương” của lá. Con đóng khung làm tranh treo tường hay ép vào vở học. Con trân quí lắm! Con yêu lá bồ đề vì nó còn là hình ảnh của...con!

Cô vừa đi vừa nói với vẻ hồn nhiên trẻ trung như mang tâm tư tình cảm của một đời người nối lại nhịp cầu quá khứ, tiếp nối vô cùng xuyên suốt với thời gian. Nhưng bỗng nhiên đang say sưa, cô ngưng bặt. Dường như cô bắt gặp đâu đó hình ảnh cô hiện ra trên từng xớ lá bồ đề, nét mặt cô sa sầm…cô đi chậm lại rồi lẫn khuất trong khách hành hương.

 

vuon-dai-uyen-0005

 

Còn tôi, tôi vẫn nhẹ bước theo đoàn người trước mặt. Thế nhưng không rõ bằng cách nào, cho đến lúc mọi người trở về xe đang lần lượt bước lên xe, tôi lại chợt thấy cô, một tay cô đang vịn vào thân bồ đề, tay kia cầm giấy chậm lau nước mắt. Cử chỉ nhỏ nhặt ấy vô tình chạm vào mắt tôi. Nhưng tôi tảng lờ làm như không thấy và tôi bước lên xe; sau đó, cô cũng bước lên xe.

Đoàn hành hương trở về lối cũ ra khỏi khu vườn thiêng liêng. Ánh nắng ửng hồng đã dần lên cao. Bầu trời hoàn toàn quang đãng một màu xanh. Xa xa những áng mây ngàn lơ lửng giữa không gian vô tận. Chim vẫn ríu rít, gió vẫn hây hây đu đưa cành lá, thầm tiễn những bước chân hành hương ra về. Ngồi trong xe, tôi lướt nhìn những nét mặt rạng rỡ của đoàn với những nụ cười hiền hòa, hé mở một niềm an lạc thật vô biên.

 

* * * *

 

Khách sạn nằm cạnh bãi biển. Sau buổi cơm chiều, mọi người tản mác. Kẻ thong dong dạo bước ven bờ, người đi ra phố. Riêng tôi vẫn ngồi đây, dưới tiền sảnh của khách sạn, lặng lẽ ngắm biển khơi.

 vuon-dai-uyen-0006

 

Biển hôm nay thật hiền hòa, êm dịu. Từng làn sóng nối tiếp nhau nhè nhẹ vỗ vào bờ, êm ái trườn trên mặt cát rồi theo dòng rút lui. Cứ thế, lớp này thay lớp khác như từng thế hệ của kiếp nhân sinh. Tôi ngồi đây giữa khoảng không, đón gió chiều lồng lộng. Gió ru qua từng khe lá, đưa hàng dừa xào xạc tiếng reo. Thỉnh thoảng lẫn trong tiếng leng keng của phong linh có tiếng quạ kêu oăn oắc gọi đàn về tổ. Tất cả hòa nhịp tạo nên một thứ âm thanh mơ hồ, một điệp khúc ngân vang muôn thuở. Tôi cảm với biển. Tôi thích biển. Đứng trước biển, lòng tôi như mở ra để đón lấy cái bao la của đất trời…Tôi cảm thấy yêu đời và yêu người...

Có tiếng chân đến bên tôi. Tôi quay lại, thì ra vẫn là Cô Kim Anh:

-         Bạch Thầy, sao thầy ngồi một mình mà không đi dạo?

Thay vì trả lời, tôi hỏi lại:

-         Còn cô thì sao?

-         Con lên phòng đánh răng, chạy xuống thì chả thấy ai cả. Chỉ gặp thầy ngồi một mình ở đây.

Nói xong, cô tự kéo ghế và ngồi xuống, đối diện cùng tôi, qua chiếc bàn tròn bằng đá. Tôi nói:

-         Cô nhìn thấy biển bao la không? Biển thật đẹp, hiền hòa và êm dịu.

Cô gật đầu:

-Vâng, bản chất biển vốn là nước. Nước thì mềm mại và êm dịu. Nhưng khi bị đời…chọc nó, phá nó, nó vẫn giận dữ gào thét, nổi trận lôi đình biến thành Tsunami, tàn phá tất cả. Lúc đó không còn đẹp nữa.

 

vuon-dai-uyen-0007

   

Tôi cười:

-         Cô nói chuyện triết lý ghê nhỉ. Nếu chọc mà không giận thì mới hay chứ.

-         Chọc không giận thì chỉ có Phật. Chúng ta và biển chưa thành Phật mà. Con người tàn phá thiên nhiên, phá môi trường, phá biển nên biển giận và chúng ta chịu cái quả ấy.

-         Cô là Phật tử thuần thành. Tôi là tu sĩ. Chúng ta đều hiểu nhân quả và đang trên đường vượt “thành” tìm về “Bảo sở” (cõi Phật) để giải thoát luân hồi.

-         Muốn mà không dễ đâu thầy ạ. Con cảm thấy xa quá… “Bảo sở tìm về xa tận kiếp. Thương dòng hoa lệ mắt ai mong”.

-         Thế cho nên chúng ta cần nỗ lực tu tập hơn.

Nghe thấm ý, cô Kim Anh lại cười. Cô đưa mắt nhìn ra biển, rồi nói:

-         Đứng trước biển bao la, bất diệt con thấy con người thật nhỏ nhoi và hữu hạn làm sao. Thế nhưng, nếu ai ai tấm lòng cũng mở rộng như biển thì tình người mãi mãi thăng hoa. Con luôn ao ước như thế để cho đời đẹp hơn. Đẹp như biển vốn đẹp!

          Ngưng một lát, cô lại tiếp:

-         Nhưng thầy ạ, đó chỉ là ước mơ. Thực tế, không bao giờ được thế nên đời mới khổ đau. Cái khổ của trần thế cũng bao la không thua gì biển, nên thi sĩ Đoàn Như Khuê đã phải thốt lên:

 

“ Biển khổ mênh mông sóng ngập trời.

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi,

Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,

Chung cuộc rồi trong bể khổ thôi.”

 

Và khi khổ đau con người tìm đến Phật mong được giải thoát.

Tôi nói:

-         Đạo Phật là đạo diệt khổ ban vui mà. Nhưng cái khổ ở đây không phải là cái khổ bên ngoài mà là diệt cái khổ bên trong. Mình phải thấy cái khổ gốc từ trong chính mình.

-         Tứ Diệu Đế: Khổ - Tập - Diệt - Đạo đó hả thầy.

-         Vâng, chính thế. Đó là bài Pháp đầu tiên được Đức Phật nói tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như.

Cô Kim Anh vẫn miên man:

-         Mỗi khi nhìn biển, thấy biển đẹp thật. Nhưng biển gợi cho con nhớ lại một quãng đời đã qua, rồi hay chạnh lòng nghĩ kiếp trôi nổi lưu lạc của mình. Như cánh bèo dạt lênh đênh giữa dòng đời, cuối cùng không biết tấp vào đâu. Bao năm qua, con mon men tìm đến đạo, mong tìm một hướng đi, để giải đáp câu hỏi của chính mình. Và con đã tìm được sự thanh thản trong tâm hồn như tìm thấy Niết bàn trong cõi đời này, tất cả đều do mình tự tạo. Con nhận thấy cái bến của bèo dạt là mong được người vớt lên đưa về Bến giác, là cõi Phật A Di Đà, để thoát vòng sinh tử luân hồi. Do đó, con ao ước đạo Phật mãi trường tồn.

Một cơn gió mạnh thổi đến, đánh “rầm” một bạt dừa khô rơi xuống đất. Cô Kim Anh giựt mình quay lại. Chiếc lá dừa to khô khốc, nằm chỏng chơ dưới gốc cây dừa.

-         Thầy xem, có vô thường không. Một bạt dừa to lớn như thế vẫn chịu chung số phận như những chiếc lá bồ đề nhỏ nhoi trong Vườn Đại Uyển sáng nay. Tất cả đều không thoát luân hồi sanh tử. Con người cũng vậy thôi. Hiểu được như thế và muốn giải thoát, chỉ có đạo Phật mới giải quyết được nan đề.

Tôi nhìn lại cô, như nhìn thấu suốt tâm tư cô. Tuy cô không nói hay tâm sự, nhưng tôi vẫn nhận ra nỗi đau khổ trong cuộc đời cô từng trải nghiệm để có cái nhìn thông suốt về đạo Phật. Tôi chưa kịp nói gì thêm, cô lại tiếp:

-         Con hay ví con là chiếc lá bồ đề, thầy ạ. Vì qua nó, con cảm nhận sự kham nhẫn chịu đựng trước bao sức ép của cuộc sống, như đời con vậy. Lắm ê chề và đắng cay. Đôi khi nhìn chiếc lá bồ đề con không khỏi mủi lòng. Trông yếu đuối mềm mại, nhưng tiềm ẩn một nghị lực phi thường đương đầu với phong ba bão tố để tồn tại. Bây giờ thì con đã thấm thía lắm rồi, chán cảnh ta bà, và mong mỏi hết kiếp này được về cõi Tịnh Độ.

Nghe cô nói, tôi lại liên tưởng đến cuộc hành trình giải thoát có liên quan đến hai chữ Đạo và Đời. Giữa đạo và đời là một nhịp cầu nối liền muôn thuở, luôn được bổ sung cho nhau. Lấy đời để làm đối tượng giúp ta tìm lối giải thoát. Ta giúp đời đôi lúc lâm nguy. Đời ở đâu thì đạo ở đó; Đạo ở đâu đời chẳng xa lìa. Tuy hai mà một. Tuy một mà hai. Cũng giống như cây bồ đề cổ thụ thiêng liêng nơi Vườn Đại Uyển, lá chi chít xung quanh quyện thành một khối vững chắc luôn đứng ngạo nghễ giữa nắng mưa, bão tố. Phải chăng, giữa tu sĩ và cư sĩ giống như thân và lá bồ đề. Lá có sum sê cũng do từ thân vững chắc. Thân có sống còn đều cần hơi thở hấp thụ khí trời từ những chiếc lá chi chít kia. Cô Kim Anh ví cô như một trong những chiếc lá bồ đề là xác nhận trách nhiệm của một Phật tử, có lòng hướng đạo và đóng vai trò hỗ trợ đạo; thì tu sĩ như tôi, tôi cũng nên tự biết mình phải làm gì để Phật giáo trường tồn, vững mạnh như thánh thụ bồ đề thiêng liêng trong Vườn Đại Uyển, đã và đang vững chắc từ mấy ngàn năm qua.

Có tiếng lao xao của mọi người vừa đi dạo về. Cô Kim Anh đứng dậy từ biệt tôi, sau khi buông một câu, tôi nghe thật thấm thía:

-         Thưa thầy, Phật tử như chúng con sống ở ngoài đời “tu tại gia” tứ bề thọ địch, phải làm sao đem an lạc cho mình, cho người và cố vượt qua bao gian khổ để tồn tại, có khác chi như lá bồ đề chịu bao gió sương để sống còn. Thế thì, ‘‘tu tại gia’’và “tu ở chùa” như quý thầy, có giống nhau không?!

 

Thích Như Tú và Trần Thị Nhật Hưng

 



[1] Gunapala Piyasena Malalasekera. ‘Mahāmeghavana’. In Dictionary of Pāli Proper Names: Vol. 2. N-H. Delhi: Motila Banarsidass Publishers Private Limited. 2007, pp. 540 – 451. http://mahavamsa.org/2008/05/19-coming-bodhi-tree/

[2] Robin Coningham. Anuradhapura: the British-Sri Lanka excavations at Anuradhapura Salgaha Watta 2, Issue 824. Vol. 1. The Site. Oxford: Archaeopress. 1999, pp. 3 – 5.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2020(Xem: 7484)
Người Phật tử tu hạnh Bồ Tát ngoài mười điều thiện, phải tu tập pháp “Lục Độ Ba La Mật”. Lục là sáu. Độ là vượt qua. Ba la mật nguyên âm tiếng Phạn là Paramita, người Trung hoa dịch nghĩa là “bỉ ngạn đáo”, nói theo tiếng Việt là “đến bờ bên kia”. Đây là sáu món tu tập có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình từ bờ bên này, bờ vô minh của thế gian, vượt sang bờ bên kia, bờ giác ngộ của chư Phật. Kẻ tu hành muốn đến bờ giải thoát hoàn toàn, cần phải tu cả phước lẫn tuệ. Tu phước gồm có: “bố thí, trì giới, tinh tấn và nhẫn nhục”. Tu tuệ là “thiền định và trí tuệ”.
26/05/2020(Xem: 7079)
Nhà lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng, cùng hòa điệu với các nhà khoa học nổi tiếng trong một bộ phim tài liệu với chủ đề tuyệt diệu đầy quyến rũ.
26/05/2020(Xem: 7996)
Nước ta ở vào địa thế phía Đông là biển cả bao la, phía Tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, còn phương Bắc thì tiếp giáp với Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn, hùng mạnh đã biết bao phen xâm chiếm nước ta, vì vậy dân tộc ta không còn sự chọn lựa nào khác hơn là phải nỗ lực tiến về Nam để tồn tại và phát triển. Trong các đợt mang gươm đi mở cõi, tộc Phạm có nhiều vị tướng tài giỏi, những nhà cai trị lỗi lạc đã giúp các vương triều hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại này.
26/05/2020(Xem: 9662)
Đàn chim bay ngang phố. Xao xác tiếng cánh vỗ. Con quạ già trên nhánh cây hè phố ngước nhìn một lúc, rồi im lặng sà xuống đất, nhảy lò cò vài bước với một chân bị què, tiếp tục kiếm ăn. Phố im lạ thường. Những con đường vắng xe đã vơi mùi khói xăng từ những ngày trước. Lan tỏa đâu đây hương bạch đàn hòa lẫn với mùi nước cống vẫn ngày đêm chảy ngầm dưới lòng đất. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ của xe cứu thương băng ngang góc phố xa. Khách bộ hành mang khẩu trang chỉ chừa lại hai mắt ngầu đục sau gọng kiếng râm, không sao nhìn ra được vẻ đẹp tráng lệ của một bình minh tràn ngập nắng tàn xuân. Gió mai lành lạnh trong công viên thành phố. Ông già ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gấp mang theo từ nhà. Hai vợ chồng trẻ khoác áo gió dắt chó đi bộ quanh bãi cỏ xanh. Một cơn gió mạnh thổi qua làm cho những hàng cây rùng mình buông lá úa. Giờ không phải mùa thu, cũng chưa vào hạ, mà lá vàng vẫn rơi lác đác, trông như những cánh bướm cải nhởn nhơ trong gió. Nhưng không, chỉ trong thoáng chốc, n
25/05/2020(Xem: 12514)
Trưởng lão Cư sĩ David Robert Loy (sinh năm 1947), vị học giả người Mỹ, Giáo sư, tác gia, Giáo thọ Thiền Phật giáo thuộc Tam Bảo giáo (Sanbō Kyōdan, 三寶教), truyền thống Phật giáo Nhật Bản. Trưởng lão Cư sĩ David Robert chào đời tại Panama, khu vực kênh đào, (Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Phương Nam của quân đội Mỹ). Thân phụ của ông trong đơn vị Hải Quân Hoa Kỳ nên gia đình được đi du lịch rất nhiều. Thuở nhỏ, ông học trường Carleton College, Minnesota, một tiểu bang vùng Trung Tây của Hoa Kỳ, và sau đó du học khoa triết học tại trường King's College London (informally King's or KCL), Vương quốc Anh.
23/05/2020(Xem: 7100)
Con người ta, kể cả Đức Phật, Bồ Tát, La Hán hay thánh tăng khi còn sống thì vẫn phải đi đây đi đó, tiếp xúc, gặp gỡ, giao tiếp với người này người kia trừ khi sống ẩn tu trong hang động, núi rừng. Trong khi tiếp xúc, gặp gỡ như thế có thể “đối cảnh sanh tâm”. Thí dụ, khi bước vào một nhà giàu, có thể thể nảy sinh lòng ham muốn. Khi thấy người ta đeo nữ trang quý giá có thể sanh tâm thèm muốn hay đua đòi. Khi gặp cô gái, anh chàng đẹp trai có thể sanh tâm yêu mến. Từ yêu mến có thể sanh tâm chiếm đoạt.
22/05/2020(Xem: 9113)
Theo báo The Australian, vào ngày thứ hai 18/5/2020 trong Hội Nghị của Hội Đồng Y tế Thế giới (WHA), Úc cùng 136 nước khác trong số 194 các nước thành viên cùng đệ trình một Bản Dự Thảo Nghị Quyết mở cuộc điều tra. Bản Dự Thảo đã không bị bất cứ quốc gia nào phủ quyết, một việc chưa từng xảy ra trong bang giao quốc tế, nó nói lên sự chính đáng để có một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra đại dịch, cách giải quyết của từng quốc gia và rút ra bài học tránh thảm họa cho nhân loại. So với ý tưởng ban đầu của Thủ Tướng Scott Morrision, Bản Dự Thảo có đôi chỗ thay đổi. Úc đề nghị tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), còn Liên Minh Châu Âu đề nghị cuộc điều tra sẽ do WHO chịu trách nhiệm, nhưng việc đầu tiên là phải điều tra cách giải quyết đại dịch của chính cơ quan WHO. Mặc dù Chủ Tịch Trung cộng Tập Cận Bình đồng ý tiến hành cuộc điều tra, nhưng Đại sứ Trung cộng tại Úc, ông Thành Cảnh Nghiệp tuyên bố cuộc điều tra “hoàn toàn khác” với
21/05/2020(Xem: 8405)
Sáng thứ sáu, ngày 10 tháng 4 năm 2020 một phi hành đoàn gồm các phi hành gia của Hoa Kỳ và Nga từ trạm không gian quốc tế ISS đã hạ cánh xuống bãi đáp ở Kazakhstan, sau 200 ngày thi hành phi vụ. Thông thường, nhiệm vụ của họ là thám hiểm những hành tinh xa xôi, tìm hiểu những gì mà người dưới trái đất chưa được biết, chưa được thấy. Nhưng trở lại trái đất lần này, họ sửng sốt, ngạc nhiên vì dường như trái đất không còn giống như khi họ ra đi, 200 ngày trước.
21/05/2020(Xem: 6177)
Tổng Hiệp hội Tông phái Phật giáo Hàn Quốc đã tổ chức buổi họp báo hôm thứ Ba, ngày 19/5 vừa qua, nhằm công bố hủy một số sự kiện Kỷ niệm Quốc lễ Phật đản PL. 2564 và nhiễu hành xe hoa, Lantern Festival 2020, dự kiến diễn ra vào tháng 5 dương lịch này tại trung tâm thủ đô Seoul.
21/05/2020(Xem: 6079)
Những người theo đạo Phật ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ, đã lên tiếng việc lo ngại về việc cung cấp chỗ ở tạm thời cho người Ấn Độ đang đáp bay, đến từ các khu vực trên thế giới bị đại dịch Virus corona tấn công. Hội đồng Phật giáo Quốc tế (The International Buddhist Council), cơ quan đại diện cho hơn 50 cơ sở tự viện Phật giáo tại Bồ đề Đạo tràng và khu vực lân cận, đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu đề xuất các địa điểm kiểm dịch, trong đó bao gồm các cơ sở tự viện Phật giáo, không được sử dụng và người Ấn Độ trở về từ nước ngoài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]