Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bát Chánh Đạo

24/02/201722:17(Xem: 7969)
Bát Chánh Đạo
Bát Chánh Đạo
 
 GS Nguyễn Vĩnh Thượng

 

Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong các bậc cao minh lượng thứ và sẽ phủ chính cho những sai lầm. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả để bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
NVT

 

          Trong bài viết này tôi sẽ trình bày:

           I.-Dẩn nhập.
             II.-Nội dung của Bát Chánh Đạo.
             III.-Kết luận.

 

I.-Dẩn nhập:

   Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài đã giảng:
  
"Này các thầy Tỳ Kheo! đến khi Như Lai thấu triệt Bốn Diệu Đế/ Bốn Thánh Đế (insight and understanding of the Four Noble Truths/Four Holy Truths), về 3 phương diện (three stages) và đủ mười hai phương thức(twelve aspects) một cách hoàn toàn sáng tỏ thì đến lúc đó Như Lai mới xác nhận trước thế gian này gồm có cả chư Thiên (Gods), Ma vương (Maras), Phạm thiên (Brahmas), Đạo sĩ (Recluses), Giáo sĩ Bà-la-môn (Brahmans), Con người (Humans) và loài ngoài hạng con người nữa (Some-One) rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Và rằng lúc ấy tri kiến và nhãn kiến phát sanh thì tâm của Như Lai được giải thoát và không còn lay chuyển. Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai, Như Lai sẽ không bao giờ tái sanh nữa."
  (Kinh chuyển Pháp luân của Đức Phật, bản dịch và chú của NVT)

Để đạt được "chánh giác" (awakening), con người cần phải chấm dứt dukkha (những điều không bằng lòng, những sầu khổ . . .). Vô minh (ignorance, illusion) là điều đã che mờ sự thấu hiểu Tứ Diệu Đế. Như vậy cần phải dập tắt vô minh để đạt được chánh giác. Chánh giác chỉ có thể đạt được bằng con đường chấm dứt dukkha qua việc thực hành "Con đường có tám chi nhánh" Bát Chánh Đạo (Ariya atthangiko Maggo). Bát Chánh Đạo chính là trọng tâm lời Phật dạy trong Tứ Diệu Đế. Đức Phật gọi Bát Chánh Đạo là con đường ở giữa, vì nó loại bỏ những cực đoan.

 

II.-Nội dung của Bát Chánh Đạo:

 

      Trong bài thuyết pháp đầu tiên Đức Phật giảng:

"Này các thầy Tỳ Kheo! Phép tu hành theo con đường ở giữa mà Như Lai đã ngộ là sự tu hành để phát triển nhãn quan, tri kiến, đưa đến sự an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết-bàn là gì? – Đó là Bát Chánh Đạo (Hán-Việt. 八正道, Sa. Ārya 'ṣṭāṅga mārgaḥ, Pi. Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, Anh. Eightfold path).
Bát Chánh Đạo là con đường có 8 chi nhánh (eightfold) là: 1.-Chánh Kiến (
正見, Pa. Samma ditthi, Anh. Right view), 2.-Chánh Tư duy (正思唯, Pa. Samma sathkappa, Anh. Right intention), 3.-Chánh Ngữ ( 正語 , Pa. Samma vaca, Anh. Right speech), 4.-Chánh Nghiệp (. 正業 , Pa. Samma kammanta, Anh. Right action), 5.-Chánh Mạng (正命,  Pa. Samma ajiva, Anh. Right Livehood), 6.-Chánh Tinh Tấn (正精進, Pa.Samma Vayama, Anh. Right Effort), 7.-Chánh Niệm (正念, Pa. Samma sati, Anh. Right Mindfulness), 8.-Chánh Định (正定,  Pa. Samma Samadhi, Anh. Right Concentration)."

       Đức Phật dùng chữ Chánh (Samma, Av. right) với ý nghĩa là những gì đúng và thích hợp. Chữ Chánh có thể cùng nghĩa với chữ không ngoan (wise). Như vậy giải pháp chân chánh hay khôn ngoan là những trải nghiệm để biết rằng những hành động nào đem đến hạnh phúc, và những hành động nào đem đến "sự không hài lòng, khổ sở..."

    Bát Chánh Đạo có thể chia thành ba nhóm theo đặc tính thực nghiệm của mỗi chi nhánh:
               A.-Tuệ (Prajna, Av. Wisdom) gồm có:

                          1.-Chánh kiến.
                          2.-Chánh tư duy.
nhóm này nhằm trau dồi, vun trồng trí tuệ để đi đến con đường đạt giác ngộ (awakening).
Chánh kiến nhờ trợ lực của Chánh tư duy mà quan sát đối tượng để nhận định đâu là đúng, đâu là sai.

               B.-Giới/ luân lý (Sila, Av. Morality) gồm có:
                            3.-Chánh ngữ.
                            4.-Chánh nghiệp.
                            5.-Chánh mạng.

nhóm này nhằm trau dồi, vun trồng những hành vi đạo đức tốt như lòng thương người (compassionate heart), tâm từ bi (compassionate mind) qua những gì mình nói, qua những gì mình làm, và qua nghề nghiệp mình chọn lựa để sinh sống.

               C.-Định (Samadhi, Av. Concentration) gồm có:
                             6.-Chánh tinh tấn.
                             7.-Chánh niệm.
                             8.-Chánh định.

nhóm này giúp tập trung vào những đối tượng tốt, thanh tịnh để đạt đến niết-bàn, đến giải thoát.
Chánh tinh tấn là trợ duyên để Chánh định nỗ lực tập trung vào điếu tốt lành. Chánh niệm là trợ duyên để ngăn chặn những giao động giúp Chánh định tập trung vào đối tượng tốt lành.

    Tất cả tám chi của Bát Chánh Đạo đều có sự trợ lực hổ tương nhau, đều liên kết với nhau để làm con đường chấm dứt dukkha.

     Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của mỗi bước rồi cố gắng thực hành trong cuộc sống hằng ngày để bánh xe Phật Pháp luân chuyển và đưa chúng ta đến một đời sống tốt đẹp hơn. Sau đây là ý nghĩa mỗi chi nhánh của Bát Chánh Đạo:

1.Chánh kiến là thấy, nghe, nhận thức đứng đắn, ngay thẳng; hiểu sự vô thường trong cuộc đời, những điều kiện không bằng lòng, và những yếu tố tùy thuộc lẫn nhau của cuộc đời đã gây ra những điều không được bằng lòng, những điều bất mãn.
Chánh kiến là hiểu rõ những điều kiện đạo đức và tinh thần để trau dồi chất lượng của tư tưởng, của lời nói và hành động. Chánh kiến loại bỏ những thành kiến.
Chánh kiến là phát triển những điều Đức Phật dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân, là phát triển tri kiến và trí tuệ để biết "nhìn sự vật như là nó hiện có"; đây là những hạt giống của tuệ giác (wisdom) để diệt vô minh và đạt được "Giác ngộ" và "Niết-bàn".

2.-Chánh tư duy  suy nghĩ đúng đắn với lẽ phải, loại bỏ những ý tưởng tham lam, hảm hại, tàn bạo và ác độc đới với người khác; luôn luôn phát triển và trau dồi lòng vị tha, thương người, và có ý đối xử tốt với mọi người, luôn luôn phát khởi ý tốt đối với mọi chúng sanh, luôn nghĩ tới những người đang khổ sở để mang đến đều tốt lành cho họ, để giải thoát khổ đau cho họ.

3.-Chánh ngữ là lời nói phải chân thật, đúng với lẽ phải, bởi vì lời nói có một sức mạnh có thể gây nên điều tốt cũng có thể gây nên sự hảm hại cho người nghe. Con người thường nói những điều mình nghĩ nên Chánh ngữ phải theo sau Chánh tư duy; như vậy phải suy nghĩ cẩn thận trước khi nói ra: "Lời nói chẳng mất tiền mua /Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau."
Theo Đức Phật, muốn thực hành Chánh ngữ thì hành giả phải thực hiện các điều sau:

             -Không nói dối.
             -Không nói đâm thọc.
             -Không nói thêu dệt hai chiều để gây tình cảm thù hận người khác.
             -Không nói điều độc ác.
             -Không nên nói nhiều quá.
Đức Phật khuyên rằng nếu không thể nói điều gì có ích lợi trong một hoàn cảnh nào đó thì tốt hơn hết là "giữ im lặng", bởi vì "im lặng là vàng".

4.-Chánh nghiệp là hành động nào cũng phải phù hợp với lẽ phải, đừng hãm hại bất cứ loài vật nào, bất cứ một người nào, ngay cả đừng có một ý định làm hảm hại người nào.
Chánh tư duy cũng diễn tả, cũng suy nghĩ về chánh nghiệp. Nói khác người có chánh nghiệp là luôn luôn có hành vi đạo đức tốt, tránh gây tổn thương quyền lợi và danh dự của kẻ khác. Đức Phật khuyên rằng để thực hành chánh nghiệp thì cần phải làm những điều sau đây:
               -Không sát sanh, không hại sanh mạng của sinh vật.
               -Không trộm cắp, cướp của.
               -Không tà dâm.
               -Không uống rượu quá nhiều, và dùng ma túy để giải trí.

5.-Chánh mạng là làm một nghề để sinh sống phải tránh làm hảm hại kẻ khác. Phật giáo thường khuyến khích con người loại bớt các tài sản vì nó ràng buộc mình. Thực ra thì cũng không có điều nào cấm cản việc tích trử tiền bạc và sắm các nữ trang quý giá. Tất cả tùy thuộc vào sự liên hệ của tài sản này do đâu mà có. Theo truyền thống thông thường thì sự giàu sang có thể là dấu hiệu của một nghiệp tốt lành (good karma). Tài sản dồi dào cũng có thể giúp hành giả một cơ hội giúp đỡ người khác qua lòng từ bi của hành giả.
Nói khác, Chánh nghiệp đòi hỏi một sự chọn lựa một nghề để kiếm sống mà không gây hại cho mọi người, mọi vật. Chánh nghiệp còn có nghĩa là khuyến khích chúng ta làm một nghề nghiệp gì để giúp đỡ, để đem lợi ích cho người khác.
Đức Phật đã đưa ra các nghề phải tránh như:

                -Không bán vũ khí.
                -Không bán ma túy.
                -Không làm nghề đồ tể.
                 -Không sản xuất đồ uống có độc hại.
      Trong thế giới ngày nay, Chánh mạng có thể gây nhiều sự hiểu lầm khi nghĩ rằng một người muốn chọn một nghề để sinh sống mà không hảm hại và làm tổn thương đến người khác. Có nhiều câu hỏi như:

       -Người pha rượu (bartender) ở quán rượu có hành nghề theo chánh nghiệp hay không?
       -Người quân nhân có chọn nghề nghiệp theo đúng Chánh nghiệp hay không? Sự giết chết quân thù là hành động trái với lời Phật dạy.

       - v...v...

6.-Chánh tinh tấn là kỷ luật tinh thần nhằm chú tâm cố gắng, siêng năng, kiên nhẫn để sử dụng sự cố gắng thích hợp giữa hai cực đoan: một bên là lười biếng, một bên là làm quá sức. Chánh tinh tấn là loại bỏ những thái độ, những tư tưởng không đúng đắn. Chúng ta đã biết rằng Đức Phật đã cố gắng chống lại những trở lực để đi đến chỗ giác ngộ: Ngài đã bị thiếu nữ Mara cám dỗ, nhưng Ngài đã không bị lay chuyển để rồi đi đến chỗ đắc đạo.
    Đức Phật khuyên rằng để thực hành chánh tinh tấn, chúng ta phải làm các việc như sau:

       -Ngăn ngừa và đoạn trừ các điều ác.
       -Chuyên cần làm những điều thiện.

7.-Chánh niệm:

     Chữ Hán Việt "niệm  gồm ở trên có chữ kim 金 hay kim: 今 có nghĩa là hiện tại, bây giờ; và ở dưới là chữ tâm 心 có nghĩa  trái tim, trong lòng. Như vậy chữ niệm có nghĩa là nghĩ, nhớ, mong trong hiện tại. (tiếng Pali là Sati, tiếng Anh là mindfulness).
Niệm còn có nghĩa là chú tâm nghĩ ngợi. Trong Pháp Hoa Kinh  法 華 經  có câu: "Đãn nhất tâm niệm Phật" " 但一心念佛  , nghĩa là chỉ một lòng niệm Phật.
Niệm còn có một nghĩa nữa là đọc, tụng. Ví dụ: niệm kinh     nghĩa là đọc/tụng kinh; niệm thư    nghĩa là đọc sách; niệm Phật     là tưởng nhớ đến danh hiệu Phật.

Niệm (Hán, , Pa. Sati, Anh. mindfulness) là những gì đang gợi lại trong tâm thức ở từng giây phút hiện tại mà không có sự can thiệp của phê phán, tâm thức thấy "sự vật như là nó thật có", tức là không có sự phê phán hoặc tốt hoặc xấu, hoặc không tốt không xấu. Chánh niệm (Right mindfulness) là luôn nghĩ nhớ đến điều lành nên làm, điều ác nên tránh. 
Chánh niệm có nghĩa là phải làm cho đời sống của chúng ta gắn liền với những gì mà ta đang làm trong hiện tại. Ví dụ: khi ăn thì ta chú tâm ăn, khi đọc sách thì ta chú tâm đọc, khi đọc Kinh Phật thì ta chú tâm và kinh Phật, Khi đang lái xe thì chú tâm vào việc lái xe, khi rửa chén thì chú tâm vào việc rửa chén.

Chánh niệm khiến chúng ta gợi lại những điều trong quá khứ, nhất là để tâm vào những điều ta luyến tiếc. Chánh niệm khiến chúng ta nghĩ đến tương lai, nhất là những điều chúng ta đang lo lắng. Rồi Chánh niệm giúp ta trở lại giây phút hiện tại để chú ý vào những điều ta đang muốn và đang xảy ra trong hiện tại và tìm ra một giải pháp thích hợp.

Đức Phật đã thực hành chánh niệm khi Ngài quan sát lại tư tưởng của Ngài, những tình cảm của Ngài, tình trạng sức khỏe của thân xác Ngài và tâm thức của Ngài. Rồi sau đó Ngài tìm "con đường tu hành" thích hợp.

Như vậy, điểm chính của Chánh niệm là không phê phán những trải nghiệm tinh thần như là điều tốt hay như là điều xấu, như là điều muốn làm hay như là điều không muốn làm, như là một điều phải làm hay như là một điều không nên làm. Nói khác, Chánh niệm giúp ta nhận thức "sự vật như là nó có." Rồi nhờ Chánh tinh tấn trợ lực Chánh niệm để thúc đẩy những ý niệm tốt lành được hướng về con đường từ bi hơn.

Trong các tôn giáo khác cũng có những giờ phút suy niệm, nhưng cách thực hành thì khác chánh niệm của Phật giáo.

Ngày nay, Chánh niệm (Right Mindfulness) đã được khoa tâm lý trị liệu áp dụng. Các trường Đại học Y khoa ở Âu Mỹ đã dùng "con đường Chánh niệm" để trị các bệnh tâm thần như căng thẳng (stress), trầm cảm (depression), âu lo (anxiety) ...Chánh niệm đã giúp bịnh nhân nhìn thấy những gì ở quá khứ hiện ra trong hiện tại, hoặc  tưởng tượng những gì ở tương lai hiện ra trong hiện tại như là nó đã thật sự xảy ra một cách không phê phán, hay so sánh với cái khác. Rồi bịnh nhân lần lần không còn bám víu vào cái mình thích và không tránh né những cái mình không thích. Chánh niệm làm giảm dần, và làm biến mất lòng ham muốn, giận dữ, lo sợ, ảo tưởng ... của bịnh nhân, và cuối cùng đem đến một tâm bình an, một trạng thái tốt đẹp.

Chúng ta nên áp dụng Chánh niệm mỗi khi ta có sự giao động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta để thân tâm được an lạc.

8.-Chánh định:

     Định (定) có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì, vào một đối tượng gì, vào một điểm gì; lúc ấy tinh thần ở trong trạng thái thuần nhất và không giao động. Đạo Phật có phép tu khiến cho tâm tĩnh lặng, không vọng động, gọi là "định"; ví dụ:nhập định 入定, thiền định (禪 定).

Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì tốt lành như lòng từ bi, như  sự vô thường của cuộc đời. Tâm thần của chúng ta được coi như là một tấm gương dính bụi, Chánh định coi như lau chùi tấm gương để tấm gương được sáng tỏ. Nói khác, Chánh định giúp cho tâm thần được sáng sủa để nhìn sự vật như là nó hiện hữu trong thực tại.

Chánh định giúp chúng ta nhìn thấu triệt tính vô thường, tính duyên khởi của mọi sự vật, mọi hoàn cảnh ở đời để giúp chúng ta làm giảm những lo lắng, sợ sệt, nghi ngờ, tham luyến, giận dữ và ảo tưởng về một việc hay một vấn đề nào đó; và nhờ đó cuộc sống của chúng ta sẽ bình an hơn, sẽ khéo léo hơn, và sẽ từ bi hơn để đem lợi ích cho chính chúng ta và cho người khác.

Một kỷ thuật thường được dùng cho phương pháp chánh định một cách đơn giản là tập trung tư tưởng vào hơi thở. Hành giả có thể chú ý vào hơi thở của mình, theo dõi hơi thở ra và theo dõi hơi thở vào. Khi có một vọng động nào kéo đến tâm thức bởi các ý tưởng khác, bởi các hình ảnh khác, bởi các cảm xúc khác thì hành giả đem sự chú ý của mình trở lại sự theo dõi hơi thở mà mình đang thở. Hoặc khi có một ý nào hồi tưởng về quá khứ, hoặc một dự phóng về tương lai xuất hiện thì hành giả phải rời những kỷ niệm trong quá khứ, phải rời khỏi những mơ ước tương lai bằng cách đem sự chú ý, sự tập trung vào hơi thở của mình, theo dõi, tập trung vào hơi thở đang thở ra và thở vô. Cách thực hiện thiền định (禪 定) này gọi là "tập trung tinh thần vào một điểm"(one-pointed mental concentration). Do cách thực hành Chánh định sẽ giúp chúng ta thực hiện Chánh niệm ngay tức khắc.

 

III.-Kết luận:

 

   Việc thực hành Bát Chánh Đạo sẽ giúp chúng ta thấu hiểu một cách thâm sâu Tứ Diệu Dế để diệt trừ dukkha. Bát Chánh Đạo là một hành trình đưa đến sự thức tỉnh (awakening), và đạt được giải thoát (nirvana), thoát khỏi sự luân hồi (samsara).

Một sự thật là cả ngàn năm nay, trong đại đa số con người không có nhiều người được giác ngộ (awakened), nhưng điều chắc chắn rằng việc thực hành 8 chi của Bát Chánh Đạo theo lời Đức Phật đã dạy sẽ giúp chúng ta đem lại nhiều lợi ích. Khi chúng ta thấu hiểu và thực hành các phần khác nhau của Bát Chánh Đạo thì chúng ta cảm thấy rằng chúng ta bớt giận dữ, bớt tham luyến, đối xử với mọi người rộng lượng và khôn ngoan hơn, chúng ta phát huy được tình thương người nhiều hơn, trí tuệ chúng ta được phát triển tinh tế hơn, và nhất là chúng ta cảm thấy bình an trong cuộc sống. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì hành giả có thể thực hành “chi” nào trước cũng được, cần nhất là phải kiên nhẫn, việc thực hành đòi hỏi thời gian.


Toronto,  09 February 2017
Nguyễn Vĩnh Thượng
Cựu  Giáo sư Triết học (1969-1975) tại các trường Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước và trường Sư Phạm Saigon.

 

**Tài liệu tham khảo chính yếu:


-Đức Phật Thích-caKinh chuyển Pháp luân, dịch và chú bởi NVT, 2016.
-Bhikkhu Bodhi, edited & introduced, In the Buddha’s Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon, Foreword by The Dalai Lama, Boston: Wisdom Publications, 2005.
-Bhikkhu Bodhi, The Noble Eightfold Path: The way to the End of Suffering, 1999
                             Source: www.beyondthenet.net/dhamma/nobleeight.htm
-Gombrich, Richard, Theravada Buddhism, London: Routledge, First published 1988, Reprinted 1991, 1994, 1995.
-Kalupahana, David J., Buddhist Philosophy: A Historical Analysis, Honolulu: University of Hawai Press, 1976.
-Kimura Taiken, Nguyên Thủy Phật giáo Tư Tưởng Luận; nguyên văn chữ Nhật, Hán dịch: Âu Dương Hãn Tồn, Việt dịch: Thích Quảng Độ, Saigon: ĐHVH, 1969. Chùa Khánh Anh ở Paris in lại, Phật học Viện Quốc tế ở California phát hành.
-Kyabgon, Traleg, The Essence of BuddhismAn Introduction to its Philosophy and Practice, Boston & London: Shambhala, 2001.
-Mai Thọ Truyền, Phật học đại cương, bài cours cho Tín chỉ Phật học đại cương, Khóa mùa Xuân 1964, Viện Cao đẳng Phật học Saigon, in ronéo; bài cours (có bổ sung) cho chứng chỉ Lịch sử triết học Đông Phương, niên khóa 1967 - 1968, ĐHVK Saigon, in ronéo. 
-Narada, Mahathera, The Buddha and his Teachings, Kandy (Sri Lanka): Buddhist Publication Society, First enlarged edition: 1964, Second revised and enlarged edition: 1973.
-Rahula, Walpola, What the Buddha taught, New York: Grove Press, 1962.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2018(Xem: 4763)
Vách tường được kết hợp từ hồ vữa, gạch, sơn... có vô tri vô giác, vô hồn vô cảm hay không thì không dám khẳng định, phán bừa nói ẩu. Chỉ dám nói chắc nịch một điều là nó cũng có... Duyên.
12/07/2018(Xem: 7503)
Điềm đạm chính là đức hạnh của người có tấm lòng thiện lương và cũng là chìa khóa của chân hạnh phúc. Người điềm đạm là người làm chủ được mọi cảm xúc, tâm lý tiêu cực cũng như tích cực.
11/07/2018(Xem: 6649)
Thầy, một vị tăng không chỉ tài mà là đa tài, đã không ngại đường xa trên mười cây số, từ bi hoan hỷ hạ cố đến nhà của Phật tử để thiết trí gian phòng thờ, bắt hào quang sau tượng đức Phật Thích Ca "niêm hoa vi tiếu", và bắt thêm cả dàn đèn led sắc màu lung linh huyền diệu thật tỉ mỉ công phu.
10/07/2018(Xem: 6042)
Đản sinh, là nói chuyện Đức Phật đản sinh. Đặc khu, là nói chuyện thị trấn Lumbini, nơi Đức Phật ra đời, và cũng là nơi một giáo sư Bắc Kinh bỗng nhiên “khám phá” rằng Lumbini thời xa xưa là một đặc khu của triều đình Thục Vương của Trung Hoa cổ thời. Nghĩa là, lịch sử Phật giáo sẽ bị một vài giáo sư TQ viết lại... Lo ngại là gần đây, báo Global Times của nhà nước TQ đã nói về một “nghiên cứu mới” rằng chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang dòng máu người Hán, chớ không phải người Ấn Độ. Trong khi đó, cũng có thêm một nỗi lo khác cho Phật tử thế giới, là sức khỏe của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
09/07/2018(Xem: 6294)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
06/07/2018(Xem: 8438)
MC Lâm Ánh Ngọc về Phật Quang "Tung cánh yêu thương" PV: Trần Nga (PD Tâm Trụ) Hàng năm, khóa sinh tại khóa hè Thiền tôn Phật Quang thường được gặp gỡ những khách mời là nghệ sĩ nổi tiếng có đời sống lành mạnh, nhiều cống hiến cho xã hội. Năm nay, các em vừa có buổi giao lưu vui tươi cùng MC Lâm Ánh Ngọc, ca sĩ Đào Ngọc Sang, ca sĩ Thanh Long với chủ đề “Tung cánh yêu thương”. MC Lâm Ánh Ngọc chia sẻ, mong muốn của mình là giúp trẻ sống có trách nhiệm, từ bỏ thói quen xấu, dần hoàn thiện mình, trước là đền đáp công ơn cha mẹ, sau là góp sức dựng xây cuộc đời. Bản thân cô trước đây đã từng chông chênh trắc trở, nhưng rồi có duyên lành tham dự những khóa tu thế này, cô như chợt gặp được lẽ sống cho cuộc đời mình một hướng đi cao thượng hơn. Vì thế, cô mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ để các em vững vàng niềm tin mà sống thiện, dù đời nhiều cay đắng, thử thách thế nào cũng phải kiên định không thay đổi. Như thế, rồi các em sẽ cảm nhận được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
05/07/2018(Xem: 10354)
Đối diện & quan sát cơn nóng giận Này bạn! Khi bạn tức giận, hãy nhìn thẳng cái tâm đó. Cái tâm đó như một đứa trẻ con, đừng đánh nó! “Kể cho tôi xem tại sao bạn tức giận thế?”.
04/07/2018(Xem: 11692)
Đừng hiểu lầm câu: ''Phật Tại Tâm'' Nhiều người lấy cái lí "Phật tại tâm" nên không bao giờ đi chùa, lễ Phật, tụng kinh hay tìm hiểu giáo lý. Thật sự thì đây chỉ là lí do cho sự lười tu chứ chả phải Phật tại tâm nào ở đây cả ! - Câu "Phật tại tâm" không sai, bản thân câu này đã nói lên toàn bộ giáo lý kinh điển của nhà Phật. Tâm chúng ta vốn dĩ đã có Phật rồi hay còn gọi là Phật tánh. Đức Bổn Sư Thích Ca từng nói "ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" để chỉ cho việc mỗi người trong chúng ta đã là một vị Phật, chỉ cần tinh tấn tu hành rồi sẽ có ngày đạt đượ c Phật quả. Chính vì vậy nên thay vì đi tìm cầu một ông Phật bên ngoài thì hãy quay trở lại cái tâm của mình.
20/06/2018(Xem: 7344)
Chân lý không phải là điều cao xa mà nằm ngay trong đời thường, trong những điều giản đơn. Và chân lý giải thoát cũng vậy, cũng nằm ngay những hành động việc làm đời thường giản dị.
19/06/2018(Xem: 6364)
WESTMINSTER, Calif. (VB) – Một buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau đã thực hiện hôm Thứ Bảy ngày 2 tháng 6/2018 tại Viet Bao Gallery ở thành phố Westminster đã hoàn mãn với nhiều kết quả tốt đẹp. Buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề -- “để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung” -- đã gợi ra nhiều suy nghĩ cho có thể là những hướng đi hoạt động tương lai của những người quan tâm về hoạt động Phật pháp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]