Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hương đàm - Siêu xuất tự tại - Câu chuyện giòng sông

11/02/201722:05(Xem: 5390)
Hương đàm - Siêu xuất tự tại - Câu chuyện giòng sông

HƯƠNG ĐÀM

 

Kính tiễn Giác linh Ni sư Thích Nữ Trí Hải

 

Chuyến xe đời vụt qua

Vầng trăng tròn chợt khuyết

Cánh hoa Đàm vừa rơi

Hương Đàm bay. Tưởng tiếc.

 

Người đến không ai hay

Đi chẳng chờ ai tiễn

Tứ đại sẽ về đâu

Trong trùng trùng hư huyễn.

 

Như gió thổi qua song

Như mây bay qua núi

Như nắng tắt đầu sông

Như nước hòa biển lớn.

 

Nhưng nước vẫn có nguồn

Lá rơi còn có cội

Trong dòng suối tình thương

Biết ơn lần tắm gội.

 

Tiếng gọi của Từ Bi

Vọng hai ngàn năm trước

Đường Trí Tuệ hôm nay

Biết ơn người đã bước.

 

Xin im lặng cúi đầu

Trong tâm thành chánh niệm

Ngưỡng vọng về Tây phương

Kính dâng lời khấn nguyện:

 

Nam Mô A Di Đà

 

Đệ tử Trần Trung Đạo

Boston, Hoa Kỳ ngày 11 tháng 12 năm 2003

 

 

 

 

 

SIÊU XUẤT TỰ TẠI

 

Biển trí mênh mông rạng ngời Tuệ giác Văn Thù

Mắt Từ vời vợi chan rưới Bi nguyện Quan Âm

Vào ra tự tại hề chi lữa hừng ba cõi

Long nữ hiện thân trời người cung kính nghiêng mình

Bút son chấm phá đường bay hạc trắng

Vườn Tuệ thơm hương đàm hoa mở cách chơn thường

Chớp mắt phủi tay - trần gian huyễn mộng hiển lộ Như Lai thực tướng

Vẫn đi vẫn về - con đường siêu việt Bát Nhã ba-la

 

Kính dâng Ni sư Thích Nữ Trí Hải

Hậu học Tâm Quang – Vĩnh Hảo khấp đề

 

 

 

 

 

 

Như sương như điển chớp

Câu Chuyện Giòng Sông

 

Tưởng niệm Sư cô Thích Nữ Trí Hải

      

       “Không còn biết nữa thời gian có hiện hữu hay không, cảnh trước mắt đã hiện ra trong một giây hay đã tròn một thế kỷ, không còn biết nữa đây là Tất Đạt Đa hay đức Thế Tôn, một tiểu ngã hay cái gì khác. Thiện Hữu như vừa nhận mũi tên thần diệu đâm sâu vào trong chàng đem lại cho chàng niềm hân hoan. Vô cùng mừng rỡ, Thiện Hữu vẫn đứng một lúc, nghiêng mình trên nét mắt bình an của Tất Đạt mà chnàg vừa hôn lên, nét mặt đã là sân khấu cho tất cả những hình hài hiện tại, vị lai. Vẻ mặt chàng không đổi sau khi làn gương của muôn nghìn hình thái đã biến mất. Tất Đạt mỉm cười bình an, hiền từ, nụ cười có vẻ đầy ơn huệ, cũng có vẻ châm biếm, hệt như đấng Giác Ngộ đã cười. Thiện Hữu cúi thấp. Những giọt nước mắt không ngăn rỉ xuống khuôn mặt già nua. Chàng thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương lớn rộng, ngập tràn niềm kính cẩn. Chàng phủ phục quỳ trước con người đang ngồi bất động, mà nụ cười nhắc chàng nhớ đến mọi sự chàng đã từng yêu thương trong cuộc sống, mọi giá trị và thánh thiện trong đời chàng”.

       (H. Hesse, Siddharta, Câu chuyện giòng sông, Phùng Khánh dịch, trang 165, tái bản song ngữ trong Tuyển tập Văn học Đức Việt, tập 3, Giao lưu Việt Đức 2002)

 

       Những giòng chữ này đã đến với chúng tôi trong thập niên 60, trong những ngày tháng của tuổi trẻ bồng bột và hăng say, nơi đó khát vọng và đam mê còn đầy như giờ thủy triều đang lên, tình yêu và ảo vọng còn căng ứ như những cánh diều lộng gió, và mọi hứa hẹn còn là những thúc dục lên đường viễn khơi mạo hiểm. Giữa những ngổn ngang đam mê dại khờ đầy vọng tưởng cao xa và vọng ngoại như thế, “Câu chuyện giòng sông” bỗng hé mở một thứ ánh sáng lạ lùng đến từ góc nhìn của một người nơi hành tinh khác, phản ánh như một tấm gương để nhìn lại mình, và bỗng thấy nhân vật chủ thể là mình đang vong thân xa lạ với chính mình. Mơ hồ câu hỏi tự vấn bỗng dấy lên ở một ngõ ngách nào đó trong dòng ý thức sống mà chính mình trong vô minh và ham muốn chưa nhận được chân tướng bản lai. Một câu hỏi từ đó đi theo cả suốt đời người, như một tìm kiếm, không phải hòng mong tìm được một vật thể ở ngoài để sở hữu trong tay. Trực giác của tuổi trẻ chỉ báo tin rằng, đây là một hành trình ngược chiều, trên con đường tìm về nột tâm, để gặp điều mà Thái tử Tất Đạt mấy nghìn năm trước đã chứng ngộ.

            Tôi đã gặp chị Phùng Khánh lần đầu tiên như thế, không bằng hình hài, mà qua “Câu chuyện giòng sông” hay “Siddharta” của H. Hesse, qua ngọn bút dịch thuật tài hoa của chị. Như một kẻ đầu đàn trong giới nữ lưu tiếp cận với văn hóa tây phương, Phùng Khánh đã khám phá “Siddharta” như một của báu và trao lại cho chúng tôi. Từ đó không thể nào quên những giây phút lạ lùng giữa những cuốn hút của giòng văn, con mắt của chính mình đã hơn một lần choàng tỉnh nhận ra “của báu trong nhà tìm kiếm mãi” đang được một người ngoại cuộc nâng niu, rồi có một người chung cuộc trang trọng trao lại cho mình. Bỗng như liên cảm, tuy chỉ văn kỳ thanh mà đã thấy tri ân chị Phùng Khánh xa lạ chưa quen.

            Khi tôi gặp chị trong phong trào Phật giáo giữa năm 1964-1965 thì chị đã là sư cô Trí Hải trong chiếc khăn bịt đầu và tấm áo nâu đơn giản, đã là một cánh tay đắc lực cho quý ôn và quý thầy trong công việc Phật sự văn hóa. Trong một giây tôi đã nghĩ rằng: chị đã lên đường rồi đây, cương quyết hơn tất cả những người cùng thế hệ, giả từ cuộc chơi phiêu lưu ảo tưởng là cuộc đời nhiều hứa hẹn cám dỗ. Chị đang cất bước trên “đường về nội tâm”, làm cuộc thể nghiệm đích thực theo dấu vết của nhật vật siêu nhiên Tất Đạt Đa. Bỗng thấy có một chút kính nể và sợ hãi nơi dáng điệu khắc khổ và nghiêm trang của vị nữ tu trẻ tuổi này. Gương mặt và đôi mắt sáng ngời tỏa ra nghị lực nội tâm không có gì có thể lay chuyển trong chí nguyện tu học, Sư cô Trí Hải đã không ngừng thể hiện tri và hành trong thế nhất quán Bi Trí Dũng của lời dạy Đức Phật và của các bậc Đạo sư. Đôi khi quá nghiêm khắc và nghiêm minh đến nỗi làm e dè những kẻ hay dễ dãi với chính mình trong việc tu tâm. Ni cô đã nổi tiếng trí tuệ nhất mực, chuyên cần nhất mực, giữ giới nghiêm túc không ai bằng, nhưng không bao giờ tự mãn. Có lần Sư cô đã tâm sự sau khi Sư bà Diệu Không, Hòa thượng Thiện Siêu viên tịch rằng “sự học nơi những vị tôn sư không bao giờ cạn, luôn luôn ta có thể khám phá nơi người đi trước những NÉT ĐẠO tuyệt đẹp mà chỉ những giờ phút gần gũi ta mới thụ nhận được”. Không cần một chút son phấn phù hoa, người nghe bỗng thấy được tham dự trong một vùng ánh sáng rực rỡ của vẻ đẹp tinh thần đến từ đức hạnh cao quý của vị nữ tu.

            Chính vẻ đẹp cao quý tổng hợp được những nét của con người Phật tử Việt Nam bằng trí tuệ và tình thương này đã có sức mạnh thuyết phục những người xa lạ. Có lần, một sinh viên Đức làm luận án cao học về so sánh các tôn giáo hỏi tôi về Phật giáo Việt Nam và những vị trong hàng tu sĩ. Tôi đã giới thiệu các vị tôn túc ở Việt Nam. Sau chuyến đi tham khảo, sinh viên ấy trở lại Đức, gặp tôi để cám ơn đã cho anh ta cơ hội gặp, tìm ra và hiểu được Phật giáo Việt Nam qua một vị nữ tu sĩ. Người sinh viên đã tả hình dáng và gương mặt của vị mà từ đó anh ngưỡng mộ là vị Thầy Việt Nam. Tôi nghe và biết đó là Sư cô Trí Hải. Hôm ấy, tôi đã vui và hạnh phúc như chính mình được gặp cố nhân.

            Một người Đức khác, xúc động nghe tin Ni sư viên tịch, gặp Ni sư trong công tác từ thiện hơn 10 năm, Tiến sĩ W. Boehme của Hội W.P. Schmits – Stiftung, đã nhận chân được ý nghĩa sâu xa đạo Phật nằm trong từ bi và trí tuệ qua hành sự của Ni sư. Ông đã từng nói: “chương trình cứu trợ từ thiện nào ở Việt Nam có sự đỡ đầu của Ni sư Trí Hải đều nên được bảo trợ”.

            Không gặp Sư cô, những lúc như thế tôi cảm nhận được thọ ơn đầy an lành!

            Trong những năm sau, có thể nói mỗi lần gặp Ni sư Trí Hải là mỗi lần vui pha lẫn kính trọng. Vui trong niềm an lạc, vì nhận ra bước chân của Sư cô càng lúc càng thanh thoát nhẹ nhàng, mọi chiến đấu nội tâm trong thuở ban đầu không để lại dấu vết, tâm hồn nghệ sĩ thoáng mát trên gương mặt sáng rỡ nụ cười rộng lượng. Không chỉ còn một con đường nội tâm hạn hẹp mà nụ cười ấy là muôn nẻo vào cửa Giác Ngộ: “Bạn có thể vào Thiền bằng bất cứ ngõ nào, vì toàn thể đời sống là một thiền định sâu xa: núi đồi, trăng sao, hoa lá, cây cỏ, toàn trái đất đều đang nhập định. Bởi thế, bất cứ gì cũng có thể trở thành ngõ vào Thiền”. (Thích Nữ Trí Hải, Cảm hứng từ những Pháp thoại Osho, viết theo lời thỉnh nguyện của TKL, www.Khuongviet.com).

       Từ nơi xa, đọc những lời của Sư cô, thấy như tâm được chỉ nơi an trú và biết rằng Ni sư Trí Hải đang cười khi nghe những kẻ còn vướng tục lụy như tôi đang làm chay, hát bội trong cõi ta bà, rằng Ni sư cũng muốn có một tấm vé đi xem hát như một người mê hát, chỉ khác chúng tôi một điều: nơi Sư cô “mê ngộ” đã trong suốt như tiếng cười pha lê. Và tôi đã đinh ninh an tâm như thế ở nơi phương trời xa: biết rằng nơi quê nhà, thảng lúc tôi có dịp quay về, ở đó có một giòng sông đang chảy, và có một cô lái đò với nụ cười đang thong dong chờ những kẻ biết quay về muốn qua sông mà bơ vơ không có người chỉ nẻo.

            Tin Sư cô liễu sinh đã đến với em trong một tâm thức như thế, thưa Sư cô! Chắc chắn Sư cô đang cười và đưa một ngón tay lên trong thế hoa sen và bảo rằng: “chị Kim Lan thấy chưa, chị đang chấp vào một hình ảnh! Chị còn mê mờ lắm! Chị chưa thiền!” Cô đã nói: “Khi thiền định, ta thấy mình chỉ như một làn sóng trên đại dương cuộc đời. Nói cho cùng thì chỉ có biểu hiện sự hiện hữu mà thôi. Không thể có những làn sóng mà không có biển. Sóng chỉ là hiện tượng mà biển thì là thực chất”. (đã dẫn trên)

            Quả thật như thế, thưa Sư cô, tin Sư cô và cùng với hai thị giả là cô Tuệ Nhã và Phước Tịnh đã như một tiếng sét, như ánh chớp vụt đến làm rụng rời. Nhưng ngay sau giây phút bàng hoàng, không hiểu sao từ lúc ấy hình ảnh Sư cô hiển hiện trong tâm không dứt: thong dong, tự tại, hoan hỉ, cô đang cầm tay hai người đệ tử cùng đoàn lữ nhân du hành trên biển cả. Vũ trụ đang quay cuồng trong pháp hữu vi “mộng huyền bào ảnh”, cô đang cùng đệ tử vượt cơn sóng dữ trong nụ cười:

            “Chúng ta cũng chỉ là những làn sóng trên đại dương và vũ trụ. Hơi thở vào của mỗi người là hơi thở ra của người khác và của cây cối, mọi sinh vật khác. Trong ta có toàn thể mọi người, mọi sự”. (TNNH, đã trích dẫn)

            Có phải không cô Tuệ Nhã và Phước Tịnh, và những người lâm chung? Có phải hai vị đang cùng với Ni sư đang vượt giòng tố để đến vùng ánh sáng móng trời? Cô Tuệ Nhã ơi, em đã giật mình khi nhận ra cô trên di ảnh, Sư cô có cặp mắt đen như hai hạt nhãn, nét mặt sáng như sao, người ốm nhỏ như sóc. Mỗi lần gặp cô ra mở cửa, là mỗi lần kính phục Ni sư Trí Hải thâu dạy đệ tử nghiêm minh mà hòa ái, tao nhã mà ân cần, là mỗi lần thương quý các Sư cô vô hạn. Biết rằng quí cô thương yêu và quí trọng vị thầy của mình bất diệt. Hai Sư cô đang bỏ giòng sông như sương như điển chớp theo Thầy trên đại dương bao la. Có phải hai Sư cô là ngôi sao, hay cánh bướm, hay hoa ngâu trong vườn ưu đàm, rơi trên vạt áo Ni sư trưởng đang chỉ nẻo và cõi vô sanh?

            Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

            Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.

 

Saigon 11.12.2003

Phật tử Thái Thị Kim Lan cẩn bái

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/09/2017(Xem: 10171)
Có thể nói trào lưu trong những năm gần đây về sự ra đời của nhiều quyển sách viết riêng cho người trẻ đã chiếm được lòng của đông đảo bạn đọc là những thế hệ 8X và 9X trong thị trường xuất bản sách tại Việt Nam.
15/09/2017(Xem: 6721)
Tôi, hơn mười năm trở lại, Nha Trang lớn dậy bề thế về mọi mặt, nhất là du lịch. Tôi là người ăn chay, được các chị tổ bếp lo cho những bữa cơm chay đầy đủ ngon miệng, tiếp lửa cho những trang viết mới toanh. Có lẽ đây là một duyên lành tôi nhận được. Tôi đã ở Nha Trang hơn bốn mươi năm trước, thường nghe câu ca dao của người dân:
15/09/2017(Xem: 12122)
Đôi Giòng Tâm Sự Mỗi bộ óc con người đều có một câu chuyện và sau đây là câu chuyện của bộ óc tôi… Hơn mười năm trước đây, tôi là giáo sư Đại học Y Khoa Harvard, chuyên nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên về bộ óc của con người. Nhưng vào ngày 10 tháng 12 năm 1996, tôi đã học được bài học về não bộ từ chính bộ óc của mình.
15/09/2017(Xem: 8717)
Ngày xưa tôi rất thích đi phóng sinh. Có khi cả nhóm đặt mua khá nhiều cá, tôm cua, ốc, chim,… để phóng sinh. Thật là hạnh phúc khi làm lễ phóng sinh và phóng sinh để cứu mạng các loài động vật đáng thương này.
14/09/2017(Xem: 7820)
Dưới đây là phần chuyển ngữ một quyển sách nhỏ của Phật giáo Đài Loan được phổ biến khá rộng rãi. Tác giả là Hòa thượng Hsing Yun (星雲/Tinh Vân), vị đại sư viện chủ ngôi chùa nổi tiếng Fo Guang Shan (佛光山/Phật Quang Sơn) tại Kaohsung (高雄/Cao Hùng) thành phố lớn thứ hai tại Đài Loan. Theo lời giới thiệu trong quyển sách này thì Hòa thượng Tinh Vân sinh năm 1927, thụ phong tỳ kheo năm 1941, là một nhà sư thuộc Thiền Tông, học phái Lâm Tế (Linji). Sau khi thụ phong, Ngài tham gia tích cực vào các chương trình ấn hành kinh sách, cộng tác với các tạp chí Phật giáo và đồng thời thành lập các tổ chức canh tân Phật giáo, chẳng hạn như mở các "Lớp học giảng dạy giáo lý Phật giáo ngày Chủ nhật" tạo cơ hội cho thành phần thanh thiếu niên Phật tử gặp gỡ nhau, hoặc tổ chức các buổi tụng niệm tập thể dành cho các Phật tử tại gia.
14/09/2017(Xem: 5479)
Hạnh là điều chúng ta phát nguyện làm, là đường lối chúng ta muốn thực hiện, là cách sống của chúng ta. Phúc là kết quả của những điều thiện lành mà ta đã thực hiện mang niềm vui đến cho người và cho mình. Sống hạnh phúc là sống một cách vui vẻ thoải mái, mọi thứ luôn được như ý của mình. Nhưng muốn được hạnh phúc thì trước hết chúng ta phải đạt được sự bình an. Bình an cả vật chất lẫn tinh thần. Đối với con người thì vật chất chính là cơ thể của chúng ta. Cha mẹ sinh ta ra với một thân thể đầy đủ và hằng ngày thân không bệnh hoạn đau đớn thì đó là phước báu của chúng ta có được thân thể tốt đẹp khoẻ mạnh. Còn tinh thần là tâm. Tâm không bị ô nhiễm bởi những ham muốn xấu xa, không có ý nghĩ tham lam, hận thù, ghen ghét, hại người, tâm không phiền não, âu lo thì đó mới thật là tâm bình an.
09/09/2017(Xem: 9146)
Trong cuộc sống này, có lẽ thứ đem đến cho chúng ta nhiều hạnh phúc nhất cũng như nhiều đau khổ nhất là gia đình. Gia đình bình yên thì chúng ta sẽ có đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời. Gia đình hỗn loạn thì dù cuộc đời có thuận lợi bao nhiêu, sự nghiệp có thăng tiến thế nào, tiền tài có dồi dào đến đâu, thì chúng ta vẫn cảm thấy mọi thứ thật vô nghĩa. Có người cam chịu hoàn cảnh gia đình và phản ứng trong vô minh để rồi chỉ vì cố giải quyết mà lại khiến mọi thứ trở nên tệ hơn. Thật may là, vẫn có nhiều người khác, sáng suốt hơn, tìm đến nơi chốn bình yên nơi cửa Phật để được nhận những lời khuyên tìm lại bình yên nơi gia đình mình.
07/09/2017(Xem: 11803)
Điều biết về chuyến thăm VN năm 2017 của Thầy Nhất Hạnh
31/08/2017(Xem: 7295)
Năm 2016 lần đầu tiên Tết Chay An Lạc đã được tổ chức thành công tại Việt Nam. 44 đơn vị đã được lựa chọn đến tham gia Tết Chay đầy ý nghĩa và sôi động này tại chùa Tứ Kỳ, Thủ đô Hà Nội ngay trước thềm Tết Nguyên đán.
31/08/2017(Xem: 7024)
Con đang ngồi và rất hạnh phúc gõ những dòng chữ này. Đêm qua con ngủ muộn và mơ màng. Thầy đã về với đất nước và dân tộc Việt Nam thật rồi. Không chỉ con mà hàng triệu người con Phật trên khắp đất nước Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc khi biết Thầy đã về đến Việt Nam an toàn. Những ai may mắn có mặt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng để đón Thầy hạ cánh lúc 12 giờ 35 ngày 29 tháng 8 năm 2017 đã vô cùng hạnh phúc. Chuyến về Việt Nam của Thầy được chờ đợi từ bao nhiêu năm rồi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]