Chấp ngã là từ nhà Phật. Chữ Ngã, từ Hán我 thuộc bộ qua戈. Qua戈có nghĩa là cái mác; dụng cụ của người lính lúc xưa. Ngã 我 gồm chữ qua戈 bên phải và chữ thiên bên trái 千. Ta là tất cả, trong ta luôn có nghìn con dao, cái mác. Cái ngã là ghê vậy đó. Chiến tranh thù hận cũng vì cái ngã. Chữ chấp 執 thuộc bộ thổ. Thổ 土 là bất di bất dịch. Chữ chấp bên trái gồm có chữ thổ 土ở trên, chữ dương 羊ở dưới. Chữ dương 羊nghĩa là vẻ đẹp. Bên phải của chữ chấp là chữ hoàn丸. Chữ hoàn có nghĩa là vo tròn, vo viên lại. Vẻ đẹp đó là bất di bất dịch, không thể bàn cãi nữa, là chấp.
Chấp ngã là bám vào cái ta. Cái gì ta cũng đúng, cái gì ta cũng nhất, và cái gì cũng thuộc về ta. Nếu ai làm gì không phải thì ta sừng cổ lên mà cãi. Con dao, các mác trong người ta sẽ xuất hiện. Sân si lắm.
Theo nhà Phật thì không có cái ta, cái ngã riêng biệt mà mọi sự vật đều có mối liên hệ tương tức với nhau. Để có cuộc sống an lạc; tức là cuộc sống vui khỏe thì mọi thứ trên đời phải nhìn bởi con mắt vô ngã.
Người Phật tử mà nắm được tuệ giác vô ngã thì không thấy cha với con là hai người riêng biệt, mà hiểu trong cha có con, trong con có cha, con là sự tiếp nối của cha. Nếu cha đau khổ thì con đau khổ, con hạnh phúc thì cha hạnh phúc, thấy được đau khổ của cha là đau khổ của chính mình, hạnh phúc của con là hạnh phúc của chính mình.
Người tu chứng thực được vô ngã thì không dèm pha, chỉ trích những người khác, không cho mình là nhất. Người tu vô ngã, khi có ai đó vô giẫm đạp lên chân mình đau điếng. Thì dù mình có đau đi mấy cũng ráng bỏ suy nghĩ, người đó đạp mình là do họ ghét mình. Mà mình phải suy nghĩ, ờ có thể, ông ta vô ý hoặc cô ta đang vội.
Tu là vậy. Bỏ cái ngã, bỏ chấp để khỏi trược, rồi thong dong đi vào cõi tịnh độ.
2/11/2016
Hoàng Phước Đại – Đồng An.