Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nỗ lực hướng thiện trong hoàn cảnh hiện tại

14/09/201615:49(Xem: 8696)
Nỗ lực hướng thiện trong hoàn cảnh hiện tại
phat phap ung dung

Bạn V.Ng. thân mến,


Sở dĩ tôi không trả lời những câu hỏi của bạn lần này bằng thư riêng, là vì những điều bạn nêu ra cũng là nghi vấn chung của rất nhiều người. Vì thế, tôi trình bày nội dung giải đáp những vấn đề của bạn trong chuyên mục "Phật pháp ứng dụng" kỳ này, hy vọng có thể giúp bạn cũng như nhiều người khác giải tỏa được những vướng mắc trong sự tu tập.

Trong thư bạn nêu câu hỏi rằng: 

"Phật có dạy về ngũ giới, trong đó giới không sát sanh là không giết hại đến cả côn trùng. Em là một nông dân trồng lúa, trong quá trình canh tác lâu nay hể có sâu rầy cắn phá là em phun thuốc để diệt trừ, bây giờ xem Kinh em thấy hoang mang không biết làm thế nào cho đúng. Theo anh, một nông dân đã quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới như em thì phải làm thế nào để hằng ngày vừa không phạm giới vừa làm kinh tế đáp ứng nhu cầu của gia đình?"

Vấn đề bạn nêu ra là một mâu thuẫn nảy sinh từ ngay trong cuộc sống, vì thế không chỉ riêng bạn gặp phải. Trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật có đề cập đến Chánh mạng và Chánh nghiệp, có thể xem là liên quan đến câu hỏi của bạn. Khi tu tập Chánh nghiệp, chúng ta giữ cho cả ba nghiệp thân, khẩu và ý đều hiền thiện, không tạo nghiệp xấu ác, và khi tu tập Chánh mạng, chúng ta phải lựa chọn nghề nghiệp chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình, không vì sự mưu sinh mà gây tổn hại đến mọi loài chúng sinh khác. 

Về mặt giáo lý, nói chung là như vậy. Nhưng nếu nói rằng việc trồng lúa không phải là Chánh nghiệp vì giết hại sâu rầy, thì trong thực tế chúng ta biết phải chọn nghề nghiệp nào? Hơn thế nữa, trong một đất nước nông nghiệp, chính việc trồng trọt đã mang lại nguồn lương thực chính cho mọi người dân, chúng ta làm sao có thể từ bỏ hẳn công việc này? Mặt khác, việc giải quyết rốt ráo vấn đề này cũng không dễ dàng gì, bởi nếu xét đến cùng thì hầu hết các nghề nghiệp mưu sinh trong cuộc sống này đều có ít nhất một khía cạnh nào đó gây tổn hại đến chúng sinh.

Khi đọc lịch sử cuộc đời đức Phật Thích-ca, hẳn chúng ta đều nhớ câu chuyện trong buổi lễ Hạ điền, ngài đã quan sát thấy muôn loài phải tranh giành nhau sự sống. Người nông dân cày xới giết hại côn trùng, chim chóc tranh nhau bắt lấy giun dế, người thợ săn bắn giết chim... cho đến các loài thú ăn thịt cũng luôn rình rập bắt lấy những con mồi bé nhỏ...

Sự sống trong thế giới này vốn đang tồn tại theo cách đó, nghĩa là muôn loài phải tranh nhau sự sống, bằng sự giết chóc, tranh giành và gây tổn hại cho nhau. Các loài thú ăn thịt không thể sống còn nếu không cướp đi sự sống của những con mồi, nhưng cho đến các loài vật chỉ ăn cỏ cây, thực vật cũng không phải bao giờ cũng sống chung hòa bình, bởi một khi nguồn thực phẩm bị cạn kiệt, khan hiếm thì chúng cũng vẫn phải tranh chấp, giành giật lẫn nhau.

Và trong xã hội loài người cũng không hề thiếu vắng sự cạnh tranh sinh tồn. Ngay trong những đất nước văn minh và giàu mạnh nhất thì nguồn lợi nhuận của một số người vẫn thường là sự mất mát, tổn hại của một số người khác. Khi tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, chỉ cần bạn xin được một việc làm nào đó thì cũng có nghĩa là bạn đã dập tắt niềm hy vọng của một người khác. 

Trong kinh Phật gọi thế giới này là cõi Ta-bà, Hán dịch là "nhẫn độ" hay "kham nhẫn", nghĩa là thế giới của sự nhẫn chịu, chịu đựng. Sở dĩ như thế là vì tất cả chúng sinh cõi này đều do nghiệp lực tương đồng mà tái sinh vào, để cùng nhận chịu những nghiệp quả không tốt đã gây tạo từ trong quá khứ. Do nghiệp quả như thế nên muốn có được một hoàn cảnh tốt đẹp, thuận lợi cho sự tu tập dễ dàng thì e rằng không thể nào có được.

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác thì chính vì cõi thế giới này là uế trược, là khổ đau nên đức Phật mới ra đời, để chỉ bày con đường cho chúng sinh thoát khổ. Nếu như cõi thế giới này là thanh tịnh, hoàn toàn an vui, hẳn đức Phật đã không cần phải nhọc công thị hiện thuyết pháp!

Ngay cả đối với những người xuất gia, dù đã buông bỏ hết mọi ràng buộc thế tục, cũng không phải không rơi vào những hoàn cảnh tạo nghiệp. Vị tỳ-kheo khi uống một chén nước cũng là giết hại vô số chúng sinh trong đó, nên Phật dạy phải chú nguyện trước khi uống và đọc bài kệ rằng:

Phật quán nhất bát thủy,
Bát vạn tứ thiên trùng.
Nhược bất trì thử chú,
Như thực chúng sinh nhục.

Tạm dịch nghĩa:

Đức Phật quán xét thấy trong một chén nước,
Có tám vạn bốn ngàn con trùng nhỏ.
Nếu không trì chú này [trước khi uống],
Thì [uống nước vào cũng] giống như ăn thịt chúng sinh.
 

Dù biết rằng uống nước vào là giết hại chúng sinh, nhưng vị tỳ-kheo cũng chỉ có thể chú nguyện trước khi uống chứ không thể không uống nước, bởi đó là lẽ sống, là điều không thể tránh được. Việc chú nguyện ở đây hàm ý là vị tỳ-kheo ý thức đầy đủ về hành vi của mình và khởi tâm thương xót, cầu nguyện cho tất cả những chúng sinh đang bị tổn hại vì việc duy trì sự sống của bản thân vị ấy.

Đừng nói chi đến những công việc vì sinh kế, ngay cả việc cất bước chân đi trên mặt đất này cũng đã có thể là hành vi gây tổn hại đến chúng sinh. Cho nên, Phật dạy rằng vị tỳ-kheo khi ngủ dậy bước chân xuống giường phải đọc thầm bài kệ chú nguyện:

Tùng triêu dần đán trực chí mộ,
Nhất thiết chúng sinh tự hồi hộ.
Nhược ư túc hạ ngộ thương thời,
Nguyện nhữ tức thời sinh Tịnh độ.

Tạm dịch:

Sáng sớm đến chiều tối, 
nguyện muôn loài chúng sinh, 
Thảy thảy tự phòng hộ. 
Chúng sinh nào vô tình, 
Bị giẫm đạp mất mạng, 
Xin nguyện cho tất cả, 
Đều sinh về Tịnh độ. 

Chính vì thế, trong bài văn Khuyên phát tâm Bồ-đề, ngài Thật Hiền viết rằng:

"Chúng ta ngày nay trong sinh hoạt thường ngày, mỗi hành vi, động tác thường phạm giới hạnh; mỗi miếng cơm, ngụm nước luôn trái luật nghi. Mỗi một ngày qua đã phạm vô số tội, huống chi trong suốt một đời, trải qua nhiều kiếp, tội lỗi sinh khởi chắc chắn là không thể nói hết!" 

Một Phật tử ở Đức viết thư cho tôi, kể về những lần anh lái xe hơi đi qua những quãng đường có nhiều côn trùng. Khi xe chạy trên đường, anh biết là có vô số côn trùng bị nghiền nát, nhưng anh không thể nào tránh né chúng hoặc dừng xe lại... Anh cảm thấy bất an về điều đó nhưng không có lựa chọn nào khác. 

Tương tự như thế, trong đời sống của mỗi chúng ta luôn có những trường hợp mà ta không có lựa chọn nào khác, dù biết rằng việc làm của mình đang có nguy cơ gây tổn hại cho ai đó hoặc cho các loài chúng sinh khác.

Những người sống bằng nghề đánh cá, săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt... tùy theo mức độ khác nhau, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, đều đang gây hại cho những chúng sinh khác. Tuy nhiên, vì sự mưu sinh cho bản thân và gia đình, không phải lúc nào họ cũng có thể đủ điều kiện để thay đổi, tìm kiếm một sinh kế khác. Trường hợp mà bạn V. Ng. nêu ra trong thư cũng là như thế.

Nhưng ngay cả những người kinh doanh, buôn bán, tưởng chừng như có thể không gây hại đến ai thì thật ra vẫn đang tranh giành sự sống cùng biết bao người khác. Sự thành công của một doanh nghiệp thường là một trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại hay phá sản của một hoặc nhiều doanh nghiệp khác. Cho dù vô tình hay cố ý thì sự vận hành chung của nền kinh tế xã hội vẫn luôn là như vậy.

Vì thế, Phật pháp không được truyền dạy để áp dụng trong những hoàn cảnh tốt đẹp, thuận lợi và vắng mặt khổ đau. Ngược lại, Phật pháp chính là để vận dụng, tu tập và vươn lên hướng thiện ngay trong những nghịch cảnh, những hoàn cảnh bất như ý và thậm chí là đang xô đẩy chúng ta đi về hướng bất thiện. 

Trong những hoàn cảnh thực tế như vậy, việc vận dụng Phật pháp chính là để nhận biết, ý thức đầy đủ về việc mình đang làm, và từ đó khởi tâm từ bi thương xót tất cả chúng sinh bị hại, phát khởi tâm nguyện cứu vớt chúng sinh, và do đó tự mình sẽ nỗ lực hết sức để hạn chế đến mức tối thiểu những tổn hại có thể gây ra cho chúng sinh hoặc cho người khác. 


Khi chúng ta tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi trong cuộc sống, trong mỗi hành vi và trong nghề nghiệp của mình, điều này sẽ dẫn dắt việc làm của ta theo hướng tích cực hơn, và lâu dần có thể chuyển hóa, thay đổi hoàn cảnh sống trở nên tốt đẹp hơn. Nghề nghiệp có thể thay đổi, nhưng điều đó không phải nhất thời có thể thực hiện được ngay mà còn tùy thuộc vào các nhân duyên, điều kiện quanh ta. Việc tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi chính là gieo cấy những hạt nhân tốt lành để làm chuyển hóa dần dần, tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi tích cực, tốt đẹp.

Trở lại trường hợp như bạn V. Ng. nêu ra, người nông dân không thể không diệt sâu rầy, nhưng nếu không có sự nhận thức đúng về việc đang làm, không khởi tâm từ bi thương xót chúng sinh bị hại, thì hệ quả tất yếu sẽ là sự lạm dụng thái quá các biện pháp diệt trừ sâu rầy. Ngược lại, nếu chúng ta khởi tâm từ bi thương xót và nỗ lực hết sức để hạn chế việc này thì kết quả sẽ khác hơn, bởi chúng ta có thể nghĩ đến nhiều giải pháp khác nữa để hỗ trợ cho việc bảo vệ cây trồng, thay vì chỉ biết lạm dụng các loại thuốc diệt sâu rầy.

Thực tế cho thấy việc nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu đã và đang dẫn đến tình trạng kháng thuốc của sâu rầy tăng nhanh và tác hại đến môi trường ngày càng nghiêm trọng, kể cả việc gây nhiễm độc thực phẩm. Vì thế, tuy rằng không thể tránh được việc làm gây hại cho chúng sinh trong trường hợp này, nhưng việc tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi vẫn có thể giúp ta chuyển đổi hoàn cảnh trở nên tốt đẹp hơn.

Mặt khác, nếu chúng ta quán xét theo chiều hướng tích cực thì những hoàn cảnh bất lợi và khắc nghiệt lại chính là những điều kiện tốt nhất giúp ta tu dưỡng một cách hiệu quả nhất. Khi bạn ngồi xuống trong một căn phòng ấm áp để quán niệm hay sinh khởi tâm từ bi, bạn chỉ có thể đạt được những kết quả hết sức trừu tượng, mơ hồ. Nhưng khi mỗi ngày phải tiếp xúc, nhìn thấy và cảm nhận trực tiếp những khổ đau của người khác, của những chúng sinh bị hại, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, cũng như sẽ có được những lời nói, việc làm cụ thể để hiện thực hóa tâm từ bi của mình. Chính trong những môi trường, hoàn cảnh có nhiều chúng sinh khổ đau, bị hại, bạn mới có được những điều kiện tốt nhất để tu dưỡng tâm ý, để thực hiện những hành vi hiền thiện, cũng như để nói ra những lời từ ái, lợi lạc. Thật khó để chúng ta có thể hình dung được một cuộc sống tu dưỡng khi quanh ta chỉ toàn là sự an vui hạnh phúc và chẳng có một chúng sinh nào phải gánh chịu khổ đau. Sự thật là, trong hoàn cảnh như thế thì lòng từ bi chắc chắn sẽ chỉ là một khái niệm hoa mỹ mà không có bất kỳ ý nghĩa thực tiễn nào.

Nói tóm lại, những điều kiện bất toàn hay hoàn cảnh không thuận lợi tuy có thể gây ra cho ta nhiều khó khăn, bất ổn, nhưng nếu đó chính là những gì ta phải chấp nhận mà không có lựa chọn nào khác, thì chúng ta phải biết nỗ lực vươn lên hướng thiện ngay trong những hoàn cảnh thực tế đó. Nếu hiểu được như thế, sự tu tập sẽ dần dần giúp ta biết cách điều khiển mọi hành vi, lời nói cũng như ý nghĩ của mình, sao cho có thể giảm nhẹ đến mức thấp nhất những tổn hại gây ra cho người và vật cũng như môi trường sống quanh ta.

Lục tổ Huệ Năng trước khi ra hoằng pháp ở Tào Khê đã phải trải qua hơn 15 năm sống chung với một nhóm thợ săn trong rừng, hằng ngày phải chứng kiến việc họ săn bắt và giết thịt thú rừng. Chính bản thân ngài cũng bị họ giao cho nhiệm vụ canh giữ lưới bắt thú. Mỗi khi có được cơ hội, ngài lại mở lưới thả hết thú rừng đi. Ngay cả trong việc ăn uống mỗi ngày, ngài phải luộc rau rừng chung trong nồi thịt của họ rồi chọn ăn rau thay vì ăn thịt. Đối với một người đã thấu triệt giáo pháp từ bi của đức Phật, hẳn không ai mong muốn một cuộc sống như thế cả. Thế nhưng Lục tổ vẫn phải chấp nhận cuộc sống ấy, và ngài đã làm tất cả những gì có thể để giảm nhẹ đi sự tổn hại cho chúng sinh. Đó chính là lựa chọn tốt nhất cho hoàn cảnh ấy.

Trở lại với những trăn trở, băn khoăn của bạn V. Ng. Khi bạn cảm thấy bất an trước những tổn hại gây ra cho chúng sinh thì đó chính là dấu hiệu của sự cảm thông, của lòng từ bi đang được nuôi dưỡng. Chỉ khi nào bạn vô cảm, lạnh lùng trước những khổ đau, tổn hại của muôn loài, đó mới là điều đáng sợ. Sự cảm nhận và cảm thông với khổ đau của muôn loài chính là chất liệu tốt nhất để nuôi dưỡng lòng từ bi trong bạn, và chính sự nuôi dưỡng này sẽ dần dần chuyển hóa cuộc đời, chuyển hóa hoàn cảnh sống của bạn ngày càng hoàn thiện hơn. Vì thế, bạn hãy nỗ lực hết sức mình để làm những điều tốt đẹp nhất, lợi lạc nhất cho tha nhân trong hoàn cảnh hiện tại của mình, nhưng bạn không cần thiết phải luôn ray rứt tự trách mình. Bởi như tôi đã nói trên, trong hoàn cảnh sống tương đối của cõi Ta-bà này, nếu bạn cố sức đi tìm một điều kiện sống cho thật hoàn hảo, thật toàn thiện thì chắc chắn sẽ không bao giờ có được.

Cũng tương tự như thế, đối với việc bạn đang cân nhắc chuyển đổi môi trường làm việc, hãy dựa trên tiêu chí có thể làm lợi lạc cho tha nhân để quyết định sự chọn lựa. Cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh sống hay điều kiện làm việc nào, người Phật tử luôn hướng đến một cuộc sống lợi lạc cho mọi người, hướng đến sự cứu vớt khổ đau và mang lại niềm vui cho những người quanh mình. Và đó cũng chính là ý nghĩa của hai chữ từ bi mà chúng ta luôn nhắc đến, bởi lòng từ là mang đến niềm vui và lòng bi là làm giảm nhẹ khổ đau cho người khác.

Trong thư bạn có hỏi: "Học Phật là để có sự an lạc, nhưng em càng tu thì càng thấy bất an. Có lẽ em tu sai phải không anh?"Thật ra không hẳn như bạn nghĩ, vì như trên đã nói, khi bạn rung động và bất an trước sự tổn hại của chúng sinh, đó là tâm từ bi của bạn đang trỗi dậy. Chỉ có điều là khi bạn nhận thức đúng được về hoàn cảnh, sự việc cũng như những gì bạn có thể làm được tốt nhất trong hoàn cảnh ấy, thì sự bất an kia sẽ dần dần được chuyển hóa thành quyết tâm cứu khổ, ban vui cho muôn loài, thay vì chỉ là sự buồn phiền lo âu vì nghĩ rằng mình đang có lỗi.

Bạn cũng nên tìm đọc thêm những sách Phật giáo nói về giáo lý duyên khởi và phát tâm Bồ-đề để có một nhận thức sâu xa và đầy đủ hơn về bản chất thực sự của đời sống. Điều đó sẽ giúp bạn có được sự vững chãi và tự tin hơn khi đưa ra các quyết định quan trọng trong đời sống. Những sách như thế có rất nhiều trên chính website này và bạn có thể tìm đọc hoàn toàn miễn phí. 

Việc chọn lựa giữa môi trường làm việc bận rộn hơn so với nơi làm việc hiện nay của bạn cũng cần quyết định theo hướng như đã nói trên. Điều quan trọng để cân nhắc ở đây là sự "rất bận rộn" mà bạn nói đó có thực sự mang đến lợi lạc cho nhiều người hay không? Nếu có, thì đó sẽ là một điều kiện rất tốt để bạn ra sức phụng sự tha nhân; nhưng nếu không được vậy thì sự chuyển đổi của bạn sẽ không có ý nghĩa tích cực lắm. 

Tất nhiên, những điều trình bày trên cũng chỉ mang tính định hướng chung chung mà thôi. Chính sự thực hành tu tập mỗi ngày của bạn mới quyết định việc bạn nhận hiểu và áp dụng được những gì vào cuộc sống. Tuy nhiên, bạn có thể tin chắc điều này: Phật pháp sẽ mang đến cho bạn sự an ổn thực sự trong tâm hồn, chứ không phải là ngày càng bất an như bạn tưởng. Một khi bạn nhận hiểu đúng và thực hành đúng, tôi tin chắc rằng bạn sẽ sớm cảm nhận được những lợi lạc và niềm vui trong sự tu tập.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/05/2020(Xem: 9603)
Theo báo The Australian, vào ngày thứ hai 18/5/2020 trong Hội Nghị của Hội Đồng Y tế Thế giới (WHA), Úc cùng 136 nước khác trong số 194 các nước thành viên cùng đệ trình một Bản Dự Thảo Nghị Quyết mở cuộc điều tra. Bản Dự Thảo đã không bị bất cứ quốc gia nào phủ quyết, một việc chưa từng xảy ra trong bang giao quốc tế, nó nói lên sự chính đáng để có một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra đại dịch, cách giải quyết của từng quốc gia và rút ra bài học tránh thảm họa cho nhân loại. So với ý tưởng ban đầu của Thủ Tướng Scott Morrision, Bản Dự Thảo có đôi chỗ thay đổi. Úc đề nghị tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), còn Liên Minh Châu Âu đề nghị cuộc điều tra sẽ do WHO chịu trách nhiệm, nhưng việc đầu tiên là phải điều tra cách giải quyết đại dịch của chính cơ quan WHO. Mặc dù Chủ Tịch Trung cộng Tập Cận Bình đồng ý tiến hành cuộc điều tra, nhưng Đại sứ Trung cộng tại Úc, ông Thành Cảnh Nghiệp tuyên bố cuộc điều tra “hoàn toàn khác” với
21/05/2020(Xem: 9174)
Sáng thứ sáu, ngày 10 tháng 4 năm 2020 một phi hành đoàn gồm các phi hành gia của Hoa Kỳ và Nga từ trạm không gian quốc tế ISS đã hạ cánh xuống bãi đáp ở Kazakhstan, sau 200 ngày thi hành phi vụ. Thông thường, nhiệm vụ của họ là thám hiểm những hành tinh xa xôi, tìm hiểu những gì mà người dưới trái đất chưa được biết, chưa được thấy. Nhưng trở lại trái đất lần này, họ sửng sốt, ngạc nhiên vì dường như trái đất không còn giống như khi họ ra đi, 200 ngày trước.
21/05/2020(Xem: 6704)
Tổng Hiệp hội Tông phái Phật giáo Hàn Quốc đã tổ chức buổi họp báo hôm thứ Ba, ngày 19/5 vừa qua, nhằm công bố hủy một số sự kiện Kỷ niệm Quốc lễ Phật đản PL. 2564 và nhiễu hành xe hoa, Lantern Festival 2020, dự kiến diễn ra vào tháng 5 dương lịch này tại trung tâm thủ đô Seoul.
21/05/2020(Xem: 6739)
Những người theo đạo Phật ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ, đã lên tiếng việc lo ngại về việc cung cấp chỗ ở tạm thời cho người Ấn Độ đang đáp bay, đến từ các khu vực trên thế giới bị đại dịch Virus corona tấn công. Hội đồng Phật giáo Quốc tế (The International Buddhist Council), cơ quan đại diện cho hơn 50 cơ sở tự viện Phật giáo tại Bồ đề Đạo tràng và khu vực lân cận, đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu đề xuất các địa điểm kiểm dịch, trong đó bao gồm các cơ sở tự viện Phật giáo, không được sử dụng và người Ấn Độ trở về từ nước ngoài.
17/05/2020(Xem: 7081)
Trong đời sống tâm linh, có hai bước ngoặt nổi bật và cực kỳ quan trọng đã làm thay đổi cả một cuộc đời của tôi, và tôi chắc sẽ còn ảnh hưởng sâu đậm đến tận những hơi thở cuối cùng của kiếp người mà tôi đã và đang khiêng mang vác gánh.
16/05/2020(Xem: 6554)
Một CEO 9x rất nổi tiếng trong thương trường mới đây tuyên bố rằng “ 1- Xã hội hiện nay là của kẻ Thắng . Chỉ có Thắng bại mới luận anh hùng ! 2- Người thành công là kẻ Dũng cảm và quyết đoán . Cầm lên được thì cũng bỏ xuống được ! 3- Xã hội cạnh tranh rất khốc liệt nếu bạn không học , bạn sẽ bị đào thải ... Học, họa gì và học mãi đủ mọi vấn đề ! “ Đây là một trí tuệ của thế hệ trẻ hiện nay ?
16/05/2020(Xem: 6795)
Cứ mỗi lần chúng ta chứng kiến người thân qua đời là mỗi lần chúng ta đau xót, buồn rầu, vì từ nay chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ được nhìn thấy người thân yêu đó trên cõi đời này nữa. Tình cảm sâu đậm mấy mươi năm do thói quen sống gần gũi, do những yêu thương chăm sóc lẫn nhau, do những thành công hay thất bại đều có người đó bên cạnh chung vai chia xẻ
16/05/2020(Xem: 8959)
Chăm sóc bệnh nhân: tối thượng thí, không bao giờ còn đọa vào ác đạo, được sanh thiên, vãng sanh Tịnh Độ, rốt ráo sẽ thành Phật đạo Từ thời Tiểu thừa (thời A Hàm) cho đến đại thừa thời Phương Đẳng, Niết Bàn, kinh văn đều cho thấy từ tâm chăm sóc bệnh là hạnh rất lành, là tối thượng thí như trong những đoạn kinh sau: Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta.Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh.
16/05/2020(Xem: 7470)
Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi". Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự lạc hỷ, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.
16/05/2020(Xem: 6603)
Thành phần quà tặng cho mỗi hộ gồm có: 10 ký Gạo và bột Chapati, 3 ký khoai tây, đường, dầu ăn và bánh ngọt cho trẻ em, kèm với 200Rupees tiền mặt. (Bên cạnh đó là những phần phụ phí như mướn xe chở hàng, tiền công đóng gói và công thợ khuân vác, tiền quà cho cảnh bảo hộ và sắp xếp trật tự tại nơi phát chẩn.)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]