Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về thăm Chốn Tổ

08/06/201616:49(Xem: 6738)
Về thăm Chốn Tổ
VỀ THĂM CHỐN TỔ
Như Hùng

 

Chuyến đi Việt Nam lần này, ngoài việc làm lễ giỗ cho Mẹ, chúng tôi về Tổ Đình Long Tuyền đảnh lễ Sư Phụ, lễ Giác Linh sư huynh Giải Trọng và thăm quý thầy, ghé Tổ Đình Phước Lâm lễ Phật, đến chùa Bảo Thắng thăm chư Tôn Đức Ni, cũng như đi thăm một vài ngôi chùa quen biết. Như đã dự trù, tôi còn đi miền Bắc để thăm viếng ngôi chùa mà vị Thầy thân quen của tôi T.T Hạnh Bình mới vừa nhận chức Trụ Trì. Khi nghe Thầy báo tin nhận chùa ở ngoài Bắc, tôi có nói: Thầy nhận chi mà xa xôi thế? Nói thì nói vậy, chứ thật ra tôi rất mừng cho Thầy, ngoài tâm nguyện hoằng pháp độ sanh mà hàng trưởng tử Như Lai phải lo chu toàn, Thầy còn có nỗi thao thức đào tạo những lớp phiên dịch cho chư vị Tăng Ni từ Hán ngữ sang Việt Ngữ.

 

Từ Đà Nẳng tôi bay vào Sài Gòn trước ngày đi miền Bắc một hôm, thăm Thầy và ở lại Tuệ Chủng Tăng Viên. Chiều hôm ấy, Thầy đãi tôi với ba vị khách quen Thầy bửa cơm chiều thật ngon miệng, nơi khu vườn đẹp và thơ mộng, có hoa cảnh với nắng chiều điểm tô, với hàng cây kiểng được bàn tay khéo léo chăm sóc tỉ mỉ soi bóng trên lối đi, có ngôi nhà gỗ còn in dấu của một thời quá khứ. Chúng tôi mãi mê hàn huyên tâm sự đến tận khuya mới chịu đi ngủ, để rồi sáng sớm hôm sau còn phải ra phi trường để bay đi miền Bắc.

 

Ve tham chon to (1)

                                 Tuệ Chủng Tăng Viên

 

Chuyến bay cất cánh từ Sài Gòn đi Hà Nội vào buổi sáng đẹp trời, bỏ lại sau lưng những ồn ào náo nhiệt của một thành phố năng động và tràn đầy sức sống. Đây là lần thứ hai tôi có dịp trở lại miền Bắc, lần đầu cách đây mười bốn năm, chúng tôi đi du ngoạn, thăm cho biết xứ sở kinh kỳ ngàn năm văn vật, lần này điểm đến là tỉnh Hưng Yên.

 

Rời phi trường Nội Bài lên xe đi về Hưng Yên một nơi chốn hoàn toàn mới lạ, trong tôi có nhiều cảm xúc đợi chờ trông ngóng, nơi cảnh nơi người. Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự thanh bình yên ả, bao trùm lên mọi thứ. Đường sá đi lại ở đây rộng rãi thông thoáng và sạch sẽ hơn ở trong Nam, nhà cửa hầu hết được xây cất khang trang, mái lợp ngói đỏ ẩn hiện dưới những tàn cây xanh rợp bóng mát, như một bức tranh thơ mộng. Dù phần nhiều dân chúng sinh sống bằng nông nghiệp, nhưng trông họ vẫn thong thả theo tháng ngày.

 

Trên đường đi chúng tôi ghé chùa thăm và đảnh lễ T.T. Thích Thanh Hiện, Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Hưng Yên, chúng tôi dùng cơm trưa tại đây. Khi hầu chuyện với Ngài tôi được biết, Ngài thường nhận những ngôi chùa xuống cấp hư hại, rồi đích thân đi vận động trùng tu, xong Ngài giao lại cho những vị có tâm nguyện hoằng dương Đạo Pháp, ngôi chùa chúng tôi sắp đến thăm là một trong những nơi như vậy. Đây là một công hạnh phi thường, chỉ có những bậc Bồ Tát vì hạnh nguyện và lý tưởng cao cả, mới dấn thân phụng sự như thế. Có lần Ngài tâm sự “Khi tôi về tỉnh Hưng Yên để nhận trách nhiệm, toàn tỉnh chỉ có ba trăm ngôi chùa, nay đã được năm trăm. Bản thân tôi là một tu sĩ, không có gì cả, chùa là của bá tánh thập phương, tôi lo vận động tu bổ xây cất, rồi tìm người hữu duyên có tâm đạo có tấm lòng lo cho Phật Pháp là tôi giao lại.”

 

Chiều hôm đó Ngài đích thân lấy xe chở chúng tôi về chùa Cổ Am nơi Thầy Hạnh Bình nhận trụ trì, Ngài lái xe còn phong độ lắm, nhanh gọn và lẹ, khoảng nầy thì tôi đành chịu thua, vì ở Việt Nam biết lái xe vẫn chưa đủ mà còn phải biết lách nữa “lái và lách” nếu không có đủ can đảm lách, vượt qua thì chỉ có nước đứng im một chổ mà thôi.

 

 

 

 

 

 Ve tham chon to (2)


                                          Chùa Cổ Am


 

Chúng tôi đến chùa Cổ Am lúc chiều dần buông xuống, nắng vàng còn vươn nhẹ trên cây, con đường rộng dẫn vào chùa đang được thi công. Chùa nằm giữa cánh đồng thông thoáng mát mẽ, bên tay trái và ở phía sau lưng chùa có một nghĩa địa nhỏ, chùa không xa phố thị lắm, khoảng 10 phút đi xe nên rất tiện lợi. Khuôn viên của chùa rộng khoảng cả hai ngàn mét vuông, có hai hồ nước ở hai bên, Thầy Hạnh Bình đang cho xây mười bục cao, mỗi bên năm bục, sau nầy sẽ tôn trí tượng Phật A Di Dà. Sau một vòng đi tham quan, Thầy hỏi tôi: Thấy nơi nầy thế nào? Tôi thưa với Thầy đẹp quá tốt lắm, chùa hầu như xây cất xong, từ chánh điện cho đến giảng đường rộng rãi mênh mông, trai đường, nhà đông tây, phòng ở sinh hoạt đủ đầy, chỉ có dãy nhà trước đó là hợp tác xã may mặc, giờ chỉ còn bốn bức tường, cần phải sửa chửa lại để làm Tăng Ni xá mà thôi, hơn nữa chùa gần Hà Nội và phi trường nên việc đi lại rất thuận tiện dễ dàng.

 

Tôi vào chánh điện lễ Phật, chùa ở ngoài nầy có lối kiến trúc chánh điện hình chữ T (chữ Hán là chữ Đinh), chánh điện trung bình, chiều  cao tương đối, chứ không rộng và cao như ở trong miền Trung và Nam. Phần trước chánh điện thờ hai vị Hộ Pháp ở hai bên, nhìn thẳng ra phía trước, phần chánh giữa ở sau và trên cao nhất thì thờ Phật, kế đến theo thứ lớp để thờ, đặc biệt chùa thờ rất nhiều tôn tượng, tôi không thể đoán được vị nào là vị nào. Có lẽ, cách thờ ở miền Bắc, ngoài Phật ra, còn có thánh thần, thần hoàng thổ địa, những vị có công với chùa với dân với làng xã nữa. Bởi ngôi chùa ngoài việc thờ Phật, còn là nơi hội tụ nền văn hoá dân tộc và tín ngưỡng dân gian, làng xã nào cũng đều có chùa, do dân làng lập nên, vì thế mang đậm nét văn hóa của từng địa phương.

 

Hôm sau chúng tôi được T.T Trưởng Ban Trị Sự đưa đi thăm một ngôi chùa gần đó, chùa nầy hư hại hoàn toàn không còn chánh điện, chỉ có phần bê tông và những trụ thép xi măng dang dở, chùa nằm trong kế hoạch trùng tu của Ngài. Tôi thầm tính, sắp đến Ngài có tới hai ngôi chùa cần phải trùng tu lại. Thăm viếng xong Ngài đưa chúng tôi về thăm văn phòng Ban Trị Sự tỉnh hội, Ngài nghĩ lại đây và sau đó sẽ về lại ngôi chùa chúng tôi đã ghé lại hôm trước. Chúng tôi chào giã từ Ngài để về lại chùa Cổ Am, sáng hôm sau sẽ đi Hà Nội.

 

Tôi ở chùa Cổ Am được mấy hôm sáng nay về Hà Nội, trên đường đi chúng tôi ghé thăm làng gốm Bát Tràng, một làng gốm nổi tiếng. Đến nơi mới có tám giờ sáng, chỉ có một số cửa hàng mở cửa, phần nhiều đến chín giờ họ mới mở cửa, dù vậy tôi cũng chọn cho mình được một bộ tách trà ưng ý để mang về Mỹ làm quà kỷ niệm chuyến đi. Chúng tôi ghé thăm một gian hàng trông khá đơn sơ, nhưng khi tiếp xúc với người nghệ nhân mới biết được nơi đây đã từng phục chế lại chiếc độc bình xa xưa do làng gốm sản xuất, chỉ còn sót lại có một chiếc. Với tay nghề mười sáu năm cộng với sự tỉ mỉ và lòng quyết tâm, bác đã phục chế thành công chiếc độc bình ngày xưa đó. Bác chỉ cho chúng tôi xem kiểu dáng, hoa văn, họa tiết, phải công nhận đường nét tinh xảo độc đáo, và hoàn toàn thuần Việt.

 

Chúng tôi tiếp tục đi tham quan những gian hàng khác, đứng từ bên ngoài cửa kính nhìn vào bên trong, có rất nhiều kiểu dáng mẫu mã, tôi thích những chiếc độc bình cao lớn đứng hiên ngang, được những nghệ nhân vẽ tỉ mỉ với từng họa tiết, có những cảnh trông bắt mắt. Tôi hỏi chuyện người chủ gian hàng về giá cả và thời gian hoàn thiện sản phẩm, nói chung giá cả phải chăng, tùy thuộc vào thời gian và công sức bỏ ra để hoàn thiện sản phẩm giá cả có chênh lệch.

 

Sau một vòng tham quan, chúng tôi lên xe thẳng về Hà Nội, đến ngôi chùa do Sư thầy Diệu Liên trụ trì vốn là học trò của Thầy Hạnh Bình, được Sư thầy đãi cho bửa cơm trưa có món tương đen xứ Bắc, chấm với rau luộc ngon ơi là ngon. Chiều hôm đó, Sư thầy hướng dẫn chúng tôi đi Bắc Ninh, tham quan làng nghề sản xuất đồ gỗ và để cho Thầy Hạnh Bình tìm mua một số vật dụng cho chùa. Nơi đây cửa hàng nào cũng chứa đầy sản phẩm gỗ, mẫu mã đa dạng và rất đẹp, từ ghế ngồi đến hương án, bàn thờ, sập gụ, chạm trổ rất tinh vi và công phu. Phải công nhận thợ ở ngoài nầy rất chuyên nghiệp và khéo tay, tôi rất thích đồ gỗ nên tha hồ ngắm nghía, hỏi thăm giá cả từng món. Nói chung, tùy vào chất lượng của gỗ, độ dày mỏng và thời gian hoàn thiện, cũng như hoa văn chạm trổ nhiều hay ít mà giá cả khác nhau.

 

 

 

Ve tham chon to (3)
Chù
a Dâu

 

Sau khi tham quan đồ gỗ xong, Sư thầy hướng dẫn chúng tôi đến thăm chùa Dâu, một ngôi chùa có từ lâu đời, tôi hằng mong ước có dịp đến viếng. Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia, Chùa Dâu còn có tên Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu nằm ở xã Thanh Khương huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật Giáo Việt Nam. Chùa nằm ở vùng Dâu thời Hán gọi là Luy Lâu. Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: Chùa Dâu thờ Pháp Vân (thần mây) chùa Đậu thờ Pháp Vũ (thần mưa) Chùa Tướng thờ Pháp Lôi (thần sấm) chùa Dàn thờ Pháp Điện (thần chớp) và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp, năm ngôi chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ Thần.

Chùa được xây dựng vào đầu Công Nguyên năm 187 và hoàn thành năm 226, vào cuối thế kỷ thứ 6 Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã từng đến đây cư ngụ và lập nên thiền phái mang tên Tỳ Ni Đa Lư Chi. Chùa được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần sau đó. Vua Trần Anh Tông đã sai Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay ở tòa thượng điện chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời nhà Trần và thời nhà Lê.

Giữa sân chùa có xây tháp Hòa Phong cao chín tầng, xây vuông vức có bốn cửa vòm nhưng do sự tàn phá của thời gian hiện tại chỉ còn có ba tầng. Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và chiếc khánh đúc năm 1817. Trước tháp có tấm bia dựng năm 1738. Năm 1962 chùa được nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Có mấy câu thơ lưu truyền trong nhân gian:

Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”.

 

Chúng tôi vào chùa lễ Phật, lễ chư Tổ, chư vị Thánh Thần, chư vị tiền bối hữu công, đã chung sức đồng lòng, tạo nên bề dày lịch sử cho ngôi chùa để con cháu đáng mặt tự hào. Từ nơi đây, một thiền phái mang tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuất hiện, và đã sản sinh ra chư Thiền Sư mà công nghiệp dấn thân vì đạo đời hãy còn lẫy lừng vang vọng, đến tận hôm nay và ngàn sau. Tiếng gọi hồn thiêng sông núi đâu đó vẫn thi nhau vọng về, những lời nhắn bảo, những pháp âm vẫn đêm ngày vang vọng, những đóng góp những để lại đã từng một thời soi bóng vẽ nên những trang sử hào hùng, vẫn in dấu khắp nơi. Thời gian dù có làm mờ đi đường nét, nhưng sức sống của quá khứ và tương lai vẫn hùng vĩ hiên ngang, tỏa sáng theo từng bước đi tới của dân tộc. Những lời giáo huấn dạy bảo của người xưa như điệp khúc thiết tha nhắc nhở cháu con, đạo đời, dân tộc, cùng nhịp bước song hành, ghi dấu trên từng dấu xưa chốn củ, hiên ngang vững vàng tiến bước cùng con cháu hôm nay và ngàn sau. Nghe cõi lòng mình chùng lại, nghe con tim rộn ràng, đâu đó trong tôi trong chúng ta, âm vang những lời nhắn bảo vẫn thênh thang lồng lộng, hãy lên đường cùng nhau làm cuộc viễn du về nơi chốn Tổ, để được nghe, được sống, được thở, được nhìn lại chốn xưa nẻo về đã từng một thời in
dấu khắc ghi. 

Rời chùa Dâu chúng tôi đến viếng chùa Bút Tháp, theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự) nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống thôn Bút Tháp xã Đình Tổ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, Nhân dân trong vùng còn gọi là chùa Nhạn Tháp, trong chùa có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng.

Theo sách Địa Chí Hà Bắc (1982) thì chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) Thiền Sư Huyền Quang đổ Trạng nguyên đã từng trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn tháp đá cao chín tầng trang trí hình hoa sen, nay không còn nữa. Đến thế kỷ thứ 17 chùa trở nên nổi tiếng với sự trụ trì của Hòa Thượng Chuyết Chuyết (1590-1644) người tỉnh Phúc Kiến Trung Hoa sang Việt Nam năm 1633. Hòa Thượng viên tịch năm 1644 được vua Lê phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thìền Sư”. Người kế thế trụ trì là Thiền Sư Minh Hạnh học trò xuất sắc của Hòa Thượng Chuyết Chuyết. Vào thời gian này Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diệu Viên) đã rời bỏ cung thất về đây tu hành, thấy chùa bị hư hại bà cùng với con gái là Công Chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ) xin phép Chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa, đến năm 1647 chùa mới làm xong kiến trúc theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”.

Đời vua Tự Đức năm 1876 khi vua đi qua đây có một cây tháp hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp, nhưng trên đỉnh vẫn ghi là tháp Bảo Nghiêm.

Với những giá tị tiêu bìểu về lịch sử và nghệ thuật, chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn Hoá Thông Tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Đây là một trong số không nhiều ngôi chùa cổ, có quy mô kiến trúc lớn của đồng bằng Bắc Bộ còn tồn tại đến ngày hôm nay.

 

Chúng tôi vào lễ Phật lễ Tỗ kính lễ chư vị tiền bối hữu công với tất cả tâm thành biết ơn người xưa đã dựng xây nên chốn già lam nầy. Điều đặc biệt, tôi có dịp đảnh lễ và chiêm ngưỡng tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, khi chiêm ngưỡng bức tượng trong lòng tôi chợt nhớ về Thầy Hạnh Tuấn, nhớ về người bạn thân từ thuở thiếu thời đã vội ra đi về miền lạc cảnh. Khi còn sanh tiền cố Hòa Thượng đã từng tặng tôi bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, được những nghệ nhân ngoài nầy, tạc từ nguyên mẫu đang thờ tại chùa Bút Tháp, bức tượng tôi đang thờ ở Tịnh Thất Trúc Viên, như một kỷ vật chứa đầy kỷ niệm giữa tôi với Thầy.

 

Trãi qua ngần ấy thời gian, qua bao cuộc bể dâu, qua bao nhiêu thành trụ hoại diệt, dù cho rêu phong phủ bám, dù hình bóng người xưa có phai mờ theo năm tháng, nhưng đâu đó trên từng đường nét vẫn còn tô đậm in sâu nỗi lòng tấc dạ, nhắc nhở con cháu bao đời. Những réo gọi từ quá khứ, thâm ân pháp nhũ vẫn thi nhau trỗi về, làm chổ dựa mong chỉ lối đưa đường cho ngàn sau tiếp bước. Ông bà tổ tiên, thầy tổ công ơn, vận nước lòng dân, quá khứ tương lai, ngàn đời vẫn là những điểm son rực rỡ chói sáng, tô vẽ nên những trang sử huy hoàng để lại cho hậu thế, vượt bao chướng ngại nguy nan vươn lên thẳng tiến về phía trước. Chốn xưa nẻo về, nơi cha ông thầy tổ, đã tốn bao công sức gầy dựng nên, từng vỗ về ấp ủ dưỡng nuôi bao thế hệ, làm rực rỡ thêm cho nền văn hóa dân tộc những sắc màu tươi đẹp. Những đường nét nghệ thuật, những kiến trúc điêu khắc, những lời vàng ngọc, tất cả đều được bàn tay tinh xảo diệu kỳ tạo nên, khắc ghi tấm lòng kỳ vọng cho những thế hệ mai sau tiếp nối. Công trình đó, tâm huyết đó, tấm lòng đó, cứ thế soi đường dẫn bước cho chúng ta hằng bao thế kỷ, còn đó vẫn còn đó những dấu ấn khắc ghi, những thâm ân vi diệu nghìn năm trước để lại cho nghìn sau.

 

Dù chùa được nâng thành di tích cấp quốc gia cần phải bảo vệ, nhưng đâu đó sự xuống cấp hư hại chưa được quan tâm đúng mức, việc trùng tu bảo quản còn rời rạc. Những gian hàng bày bán đồ kỷ niệm trước cổng chùa, che chắn tạm bợ vẫn làm cho ánh mắt ta nhói đau. Nghe đâu chùa chỉ có hai thầy trò, mà phải thi nhau trông coi chừng ấy cổ vật, giá trị lịch sử gần cả nghìn năm, nhưng không có sự hổ trợ của những thiết bị chống kẻ gian nào. Đây là tim óc, tâm huyết của cha ông thầy tổ để lại, chúng ta phải có nhiệm vụ giữ gìn bảo quản, để không có tội với tiền nhân, không hổ thẹn với con cháu sau nầy.

 

 

Rời chùa Bút Tháp mà lòng còn vương vấn, tiếng vọng hồn xưa lối củ vẫn bao phủ trên từng đi về, chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm Học Viện Phật Giáo Việt Nam ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ngay từ đầu tôi đã giao phó thân mạng nầy cho Thầy Hạnh Bình, nên thầy đâu tôi đó, đi đâu đến đâu, mọi việc Thầy đều chu đáo sắp xếp hết cả, tôi chỉ việc xách gói đi theo. Đến Học Viện khi nắng chiều còn vươn nhẹ trên cây, hoàng hôn chưa chịu bước vắt vẻo cuối chân trời, Học Viện nằm trên ngọn đồi rộng khoảng mười một mẫu, kiến trúc ba tầng đầy đủ tiện nghi, ngoài những dãy phòng học, bảo tàng, còn có Tăng xá, Ni xá, nhà ăn, dãy phòng dành riêng cho giáo sư. Thầy Hạnh Bình là giáo sư giảng dạy tại đây, nên tôi được ở ké chung phòng với Thầy. Đứng trên ban công nhìn ra sân, gặp dịp quý thầy cô chơi vũ cầu, nhìn hình ảnh đó khiến tôi nhớ lại khoảng 45 năm về trước. Ở vào lứa tuổi trẻ trung đầy sức sống như thế, cũng màu áo nâu ấy, cũng sân chùa với bao lý tưởng và ước vọng, sau giờ cơm chiều chúng tôi cùng nhau chơi bóng chuyền, một thú vui giải trí nơi chốn thiền môn. Bây giờ nhìn lại, tóc đã điểm sương bạc màu gió bụi, mới đó sắp bước vào tuổi 60, ôi! Thời gian đi nhanh thật, nghe vô thường dạo bước, một chút tiếc thương tìm về.

 

Tôi có dịp chuyện trò với vài vị sư cô đang lo công tác dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, được biết Học Viện có gần năm trăm Tăng Ni sinh đang theo hoc, một con số rất ấn tượng. Bửa cơm chiều hôm đó, tôi được Hòa Thượng viện trưởng cho phép ngồi ăn chung với một số chư vị giáo sư, vừa ăn vừa hàn huyên tâm sự, đầy ắp tấm đạo tình dành cho người từ phương xa vừa tình cờ ghé lại. Bửa cơm được hai sư cô lo phần ẩm thực chăm sóc chu đáo, nhìn cung cách của hai vị, tôi nghĩ quý cô được quý Ngài chỉ bảo nghiêm túc, oai nghi tế hạnh đủ đầy.

 

 Sáng sớm ngày 13/4/2016 rời học viện, chúng tôi khởi hành đến thăm Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, hai giờ chiều hôm đó chúng tôi còn có chuyến bay vào lại Sài Gòn. Thiền viện nằm tại xã Đại Đình huyện Tam Đảo cách Hà Nội khoảng 85km, khởi công xây dựng vào ngày 4/4/2004 và khánh thành vào ngày 25/11/2005. Thiền viện được xây dựng ngay bên cạnh khu danh thắng Tây Thiên cổ tự quần thể gồm có: Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc.

 

 


                Ve tham chon to (4)

Ve tham chon to (5)Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

 

 

Từ Học viện đi Thiền viện, chặng đường đi về cả trăm cây số, vì nằm ở độ cao xe phải vượt qua những con dốc ngoằn ngèo, hai bên đường cây cối vươn cao mọc um tùm, có những đoạn không thấy ánh nắng mặt trời, có nơi vách đá nằm cheo leo ở hai bên đường trông thật ấn tượng. Xe đến bến đổ nhìn xuống xa xa là những cánh đồng rộng mênh mông, nhà cửa xen kẻ, đúng là non nước hữu tình.

 

Chúng tôi đi qua rất nhiều bậc thang cấp rộng dài cao mới đến được cổng tam quan, từ đó lại phải vượt tiếp hàng bao nhiêu bậc thang cấp nữa mới đến được chánh điện. Thang cấp rộng, cao, dài, nhiều, nhưng lại không thấy thiết kế có tay vịn cầm để đi lên xuống, nhất là vào mùa mưa rất dễ bị trơn trợt gây nguy hiểm. Với khoảng cách rộng và cao như thế, ít ra phải có tới vài hàng tay vịn mới đủ để cho du khách đi lại, nhằm bảo vệ tính mạng và đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn cần phải có ở nơi công cộng.

 

Sau khi lễ Phật lễ Tổ xong tôi đi một vòng tham quan, Thiền viện xây cất rất hoành tráng, như một quần thể, có cổng tam quan, chánh điện, tổ đường, lầu chuông trống, nơi nào cũng cao to nguy nga tráng lệ, còn có Tăng xá, những dãy nhà ở xa ẩn hiện dưới những tàn cây im lìm toả bóng, không gian tĩnh mịch thật an lành. Tôi thấy có phòng phát hành kinh sách và pháp khí nên vào xem, nơi đây tôi được cô bán hàng trao cho một “công án” khiến tôi giật mình sững sốt choáng váng. Số là sau khi mua vài cuốn sách về Thiền, tôi dự định sẽ mua môt chiếc áo tràng màu nâu để lễ Phật, nhưng khi mở áo ra xem, tôi thấy có thêu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, vào nơi miếng vải may bên trái áo. Tôi hỏi cô bé bán hàng, đây là Thiền Viện sao lại bán áo có thêu chữ Nam Mô A Di Đà Phật như thế? Cô bé lập tức trả lời: “Phật nào cũng là Phật” tôi nghe mà lắc đầu, bủn rủn cả tay chân, chỉ kịp thốt lên mấy chữ No No rồi á khẩu. Ừ nhỉ! Chắc tại tôi còn chấp, còn phân biệt, còn tác ý móng tâm, còn động đậy, nhưng nếu Phật nào cũng là Phật thì cớ chi lại không thêu danh hiệu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật?

 

Rời Hà Nội lòng còn bâng khuâng lưu luyến, chân bước đi mà lòng thì không nỡ rời xa, đành hẹn cho một ngày trở lại, máy bay cất cánh sau khoảng hai giờ bay, chúng tôi về đến phi trường Tân Sơn Nhất, lên xe Taxi trở về lại ngôi nhà xưa, nơi khu vườn quen thuộc hôm nào. Chào từ giã Thầy Hạnh Bình, chúc nhau an lành và mong ngày gặp lại, ngày mai tôi lại khăn gói lên đường đi tiếp chặng khác.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

Campuchia xứ sở của đền chùa

 

Chúng tôi có mặt ở công ty du lịch Top Ten Travel, lúc 4giờ 45 phút sáng, chờ xe đến đón để đi du lịch Campuchia. Theo lịch trình có hai địa điểm để đón khách: môt ở khu vực trung tâm bưu điện thành phố và hai ở địa chỉ của công ty. Khi ghi danh mua vé, công ty tính thứ tự ai mua vé trước thì ngồi trước, số ghế ngồi cũng đã có sẵn không phải lo cảnh chen lấn. Nếu khách nào có nhu cầu ăn chay thì điền vào ô trống dành sẵn, để báo cho công ty biết trước tiện việc sắp xếp. Khoảng 5 giờ sáng xe đến đón, lộ trình đi của chúng tôi là Siêm Riệp- PhnômPênh 4 ngày 3 đêm với đoạn đường dài 470 cây số. Xe chạy đến Trảng Bàng thì dừng lại ăn sáng, sau khi dùng sáng xong, đoàn chúng tôi lên đường đi tiếp đến cửa khẩu Mộc Bài, trình giấy tờ để nhập cảnh vào Campuchia, từ đây đoàn của chúng tôi có thêm một hướng dẫn viên người địa phương.

 

Anh là người Khmer hình như tên là Sam có mẹ là người Việt, nên anh nói tiếng Việt trôi chảy, chỉ trừ nước da ngăm ngăm. Nhờ có anh mà chúng tôi hiểu rõ hơn về đất nước và con người Campuchia, có lẽ con người của anh đã được nuôi dưỡng trong môi trường hiền hòa chất phát, từ giọng nói cho đến phong cách đều khiến cho chúng tôi có cảm tình, anh nói như từ trong tim gan nói ra, thật lòng không rào đón khách sáo.

 

Trong nếp suy nghĩ của chúng ta thì Campuchia là quốc gia nhỏ bé nghèo nàn, nhưng khi nghe anh kể về đất nước của mình, quả thật đất nước đó, con người đó, dân tộc đó, có nhiều điều để tự hào, và có nhiều thứ để chúng ta học hỏi. Hầu hết người Campuchia theo Phật Giáo Nam Tông, nhờ ảnh hưởng từ lời dạy của Đức Phật, cũng như triết lý và quan niệm sống trong đạo Phật, đã thấm nhuần trong tâm thức của họ, nên họ sống đơn giản, có được niềm vui trong hiện tại, làm đủ ăn chứ không tích lũy của cải để làm giàu. Ngoài ra, ngôi chùa còn là mái ấm tâm linh, đại gia đình và là nơi để khi sống họ đến sinh hoạt và tu tập, lúc qua đời được thờ phụng ở chùa, vì thế khi còn sống người dân hết lòng gắn bó đem cả tâm lực lo cho ngôi chùa.

 

Khi đoàn của chúng tôi đến đây, vào dịp Tết của người Campuchia, đường sá vắng vẻ ít người qua lại, nhà cửa đóng im lìm không thấy bóng người. Người hướng dẫn cho chúng tôi hay, giờ nầy họ không đón Tết ở nhà mà vào trong chùa để đón Tết và sinh hoạt ở trong ấy. Hầu hết mọi việc quan trọng đều tổ chức ở chùa, họ có một ngày trong năm, làm lễ giổ cho tất cả mọi người đã quá vãng đang thờ ở chùa, chứ không làm lễ giỗ theo ngày mất như ở chúng ta, con cháu đem phẩm vật lên chùa để dâng cúng người thân, cúng Phật và cúng dường đến chư Tăng.

 

Lúc sống, người Campuchia lo bòn mót công đức để sau nầy được sanh về cảnh giới tốt lành, nên mọi sự đóng góp lo cho chùa họ đều hổ trợ hết mình. Đó cũng là lý do tại sao các chùa đều rộng lớn đẹp đẽ, còn nhà ở của dân thì nhỏ và xây cất đơn giản. Có lẽ, họ quan niệm chốn đi về của họ bây giờ và mai sau không ở nơi nhà mà là ở chùa, nơi đã có người thân ông bà cha mẹ của họ dù sống hay quá vãng đã gắn bó bao đời. Cuộc sống của họ nhẹ nhàng, ít bon chen, làm đủ ăn đủ mặc, ngày nào kiếm đủ tiền cho ngày đó, thì họ ung dung về nhà nghĩ ngơi sum họp với gia đình.


Ve tham chon to (6)

Khoảng ba giờ chiều chúng tôi đến điểm tham quan đầu tiên, đó là chiếc cầu cổ bằng đá ong được xây dựng vào thế kỷ thứ 12. Có tượng thần rắn chín đầu ở hai bên đầu cầu, vào mùa khô nên chúng tôi nhìn thấy rõ được chân cầu, cầu xây bằng đá ong có nhiều nhịp. Phải thừa nhận một điều là kỷ thuật xây cất của người xưa đạt đến mức tinh tế và diệu kỳ, với chừng ấy thời gian, chiếc cầu vẫn hiên ngang kiên cố đứng vững với nắng mưa, trơ gan cùng năm tháng. Trên cầu xe cộ và bộ hành qua lại thường xuyên, có điều khiến tôi ngạc nhiên là cha ông của họ hình như đã dự đoán được tương lai của con cháu khi thiết kế nên cây cầu này. Con cháu họ rồi đây sẽ sử dụng phương tiện đi lại to lớn, nên khi xây cầu họ xây rộng lớn. Chúng tôi thầm cảm phục trình độ tư duy và sự sáng suốt của cha ông họ đã đi trước hàng ngàn năm, chúng ta không khỏi ngưỡng mộ và bái phục.

 

Những bửa ăn tối Buffet ở Siem Reap, chúng tôi vừa ăn vừa thưởng thức văn nghệ, những điệu múa của người Campuchia dịu dàng và rất đẹp, mang nét văn hóa của riêng dân tộc họ, không lẫn vào đâu được. Dùng tối xong chúng tôi về khách sạn, thành phố về đêm đẹp và nên thơ, những tòa nhà kiến trúc với nhiều mái cong ẩn hiện, ánh đèn điện thi nhau chạy nhảy, trông đẹp mắt như cảnh giới thần tiên được kéo xuống cõi nhân gian. Về đến khách sạn lấy phòng nghĩ ngơi, người hướng dẫn thông báo lịch trình cho ngày mai, chúng tôi thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, 6 giờ phòng ăn tại khách sạn mở cửa, 7 giờ xe sẽ khởi hành đưa đoàn đi thăm viếng.

 Ve tham chon to (7)

Chúng tôi đi thăm Angkor Wat, Angkor Thom (Đế Thiên Đế Thích) vị nào trong đoàn cũng háo hức ngóng trông, xe đưa chúng tôi vào nơi bán vé, tất cả đều phải sắp hàng chụp hình từng người một, vé vào cửa in hình của mình vào trong đó, thủ tục này tốn hơn cả tiếng đồng hồ thời gian của du khách. Nghe đâu để ngăn ngừa trình trạng vé sang qua tay người khác, đây không phải là giải pháp lâu dài, tiện lợi cho họ nhưng lại tốn thời gian của du khách. Điều đặc biệt, người Campuchia khi vào tham quan không cần phải mua vé, vì đây là công trình do cha ông để lại, con cháu được quyền thừa hưởng mà không cần phải trả tiền, có lẽ chúng ta cũng nên suy gẫm.

 

Phải công nhận Angkor Wat hết sức vĩ đại và vô cùng độc đáo, chỉ với đôi tay và khối óc tinh vi diệu kỳ mà họ đã xây dựng nên những công trình to lớn bề thế, tồn tại với thời gian. Một quần thể đền đài thờ Ấn Độ Giáo được xây vào đầu thế kỷ thứ 12, đến cuối thế kỷ thứ 12 mới chuyển sang Phật Giáo. Phải công nhận tay nghề của những nghệ nhân thời đó đạt đến mức tinh vi đẳng cấp, số lượng nghệ nhân tham gia những công trình nầy chắc phải đông lắm, từ kiến trúc đến hoa văn, hình điêu khắc, tượng Phật, tượng nữ thần tất cả đều vô cùng tinh xảo, có những tảng đá to lớn nặng đến nhiều tấn, được ráp lại liền với nhau không kẻ hở, để xếp được những tảng đá nầy lên cao với nhau, cũng đã là kỳ công rồi.

 

Chúng tôi ghé thăm một ngôi đền, có những thân cây cổ thụ cao lớn vươn lên tận trời cao, rễ cây bám vào từng kiến trúc như những con rắn từ trên cao thòng xuống trông thật kỳ bí và ấn tượng, nơi đây cũng đã được những nhà làm phim ở Hollywood chọn làm nơi để đóng phim. Đế Thiên Đế Thích trông thật nguy nga đồ sộ, là niềm tự hào cho cả một dân tộc, nhưng ở mặc khác nếu tính vào thời điểm xây cất, thì đã có không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, sinh mạng của người dân đã đổ xuống nơi đây. Niềm tự hào cho một thời vàng son, đôi khi cũng nhuốm màu xót xa, lịch sử bao giờ cũng có những khúc quanh và cũng có những giai đoạn huy hoàng, tất cả đều tùy vào sự sáng suốt và có hết lòng lo cho dân cho nước hay không. Vẽ đẹp hiên ngang hùng vĩ của Đế Thiên Đế Thích đã để lại trong lòng chúng tôi những dấu ấn khó phai.

 

Chúng tôi ở Siem Reap hai ngày một đêm, sáng hôm sau lên đường đi thủ đô Phnom Penh, chiều hôm đó chúng tôi đến thăm chùa bạc chùa vàng, nằm trong quần thể Hoàng Cung, theo tiếng gọi chúng tôi tưởng có đến hai ngôi chùa nhưng thật ra là một. Chùa gọi là chùa bạc vì có đính hơn năm ngàn tấm bạc lát trên nền, chùa Bạc còn là nơi lưu trữ nhiều bảo vật có giá trị. Có tượng Phật Di Lặc đứng, đúc bằng 90 ký vàng, trên trán có gắn viên kim cương to lớn. Ngoài ra còn có tượng Phật bằng ngọc xanh quí hiếm, ngồi trong bảo tháp được đúc bằng bạc và vàng. Dưới thời Pol Pot dù được bảo tồn, nhưng có tới 60% cổ vật bị mất.

 

Đi về phía Nam chùa, có cây hoa Vô Ưu đang ra trái, có tượng Phật đản sinh và tượng thân mẫu của Ngài là hoàng hậu Ma Da, đi tiếp có gian hàng bán đồ lưu niệm, phòng trưng bày hình ảnh ngoại giao của hoàng gia, có hình của vua Sihanouk.

 

Tối hôm đó xe đưa chúng tôi ghé đến một sòng bài để tham quan khoảng 15 phút. Trước khi ghé vào đó, người hướng dẫn có kể một số việc cho chúng tôi nghe mà lòng chua xót, ở Campuchia có rất nhiều sòng bài, số lượng khách người Việt vào đó chiếm đến 95%. Có những người vì mãi mê trò đen đỏ mà phải bán nhà bán cửa, cầm sổ đỏ để trả nợ, thế là bao nhiêu tháng năm khổ cực tích cóp, chỉ trong phút chốc tan tành, làm khổ bản thân đã đành, còn  làm khổ gia đình người thân. Thậm chí có một số người bị những chủ nợ đánh đập, bắt buộc phải gọi điện thoại về Việt Nam kêu cứu người nhà đem tiền qua chuộc, nếu không nhiều khi không còn mạng để trở về, chúng tôi nghe mà đau lòng xót dạ. Những vị lớn tuổi thường nói, cờ bạc nó có con ma bám vào, tôi nghĩ con ma đó cũng khôn thiệt, nó chỉ làm lợi cho chủ sòng bài mà thôi. Có người còn nói Campuchia “đi dễ khó về” chắc là ý nầy. Tối hôm đó đoàn chúng tôi ghé vào một nhà hàng do người Việt làm chủ, ở nơi xứ người mà có cơ hội thưởng thức những món ăn với hương vị quê nhà, âu cũng là điều đáng trân trọng vậy. Dùng tối xong vị nào muốn đi tham quan thành phố về đêm thì thuê xe đưa đi, còn chúng tôi thì về khách sạn nghĩ ngơi, để sáng hôm sau về lại Sài Gòn.

 

Sáng ra trước khi về lại Sài Gòn chúng tôi ghé thăm chợ Vòm, nhưng vì còn dịp tết nên chợ đóng cửa, chỉ có một số ít gian hàng mở cửa, chúng tôi đi dạo quanh, chờ giờ lên xe đi tiếp. Trên đường về xe ghé lại vài nơi để du khách mua thêm quà về làm kỷ niệm, duyên may chúng tôi thỉnh được bức tượng Phật Thích Ca bằng gỗ đang tọa thiền, chung quanh Ngài có chín rắn thần bao quanh bảo vệ. 

 

Chuyến du lịch ở Campuchia để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên, có hai việc theo lời người hướng dẫn kể: Vào thời kỳ Khmer Đỏ dân số Campuchia có khoảng 3 triệu người, nhưng Khmer Đỏ đã giết chết 1 triệu, sau nhờ Việt Nam đưa quân qua đánh đuổi ra khỏi họ phải lui về một chổ, về sau họ được chính phủ bảo vệ cho ở một nơi an toàn. Dù tàn ác như thế, nhưng người dân Campuchia vẫn không dành bản án tử hình cho những người nầy. Có lẽ họ quan niệm đây là nghiệp quả mà dân tộc phải gánh chịu. Trong thời kỳ huy hoàng hùng mạnh, cha ông của họ đã từng xua quân đánh chiếm các quốc gia khác, gây nên thảm cảnh chết chóc, giết hại người dân vô tội, luật nhân quả không bao giờ sai chạy.

 

Khi đi ngang qua cầu dây văng, trước khi vào thủ đô Nam Vang, người hướng dẫn còn cho chúng tôi hay, trước đây khi chưa có cầu phải đi bằng phà qua sông, nếu chẳng may đến trể, phải ở lại qua đêm chờ đến ngày mai vậy. Thủ tướng của Campuchia bây giờ là ông Hun Sen, đi xin ngân khoản các nước để xây nên chiếc cầu đó, quốc gia tài trợ chính là Nhật Bản. Ông tự hào là “người đi xin đẳng cấp”, đi xin mà để lo cho dân cho nước, kể ra cũng xứng đáng.

 

Đoàn chúng tôi về đến cửa khẩu Việt Nam trình giấy tờ nhập cảnh, hành lý đều phải đưa qua máy dò xét kiểm tra, xe đưa chúng tôi về đến thành phố khoảng 5 giờ chiều, kết thúc chuyến đi với nhiều ấn tượng đẹp và khó quên.

 

Chúng tôi ở lại Sài Gòn thêm mấy hôm nữa đi thăm viếng người thân, sau đó mới bay về lại Đà Nẵng. Chúng tôi mua vé máy bay đi buổi tối cho thong thả và mát mẽ, theo lịch bay thì khoảng chiều tối, nhưng bị (delay) tới ba lần, hãng nhắn tin vào điện thoại kèm theo lời xin lỗi vậy là xong. Cuối cùng chúng tôi cũng về được Đà Nẵng vào lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau, nghe nói máy bay đi trể là chuyện thường, đi đúng giờ là một sự ân huệ, hành khách riết rồi cũng quen không có gì để than vãn, chắc tôi phải học cách âm thầm chịu đựng.

 

Đi Cù Lao Chàm viếng thăm chùa Hải Tạng

 

Nghĩ ngơi đâu được tuần, đôi chân lại muốn lên đường đi tiếp, kỳ nầy đi gần chứ không xa, chúng tôi đi Cù Lao Chàm. Tôi còn nhớ năm mười ba tuổi lúc mới làm điệu ở Tổ Đình Phước Lâm Hội An, tôi đã từng đi đến nơi đây, cùng với một Dì ở chùa đem nhang ra đây bán. Thấm thoát mà đã bốn mươi lăm năm trôi qua, tôi mới có dịp trở lại thăm nơi chốn nầy, lần đầu tôi đi nhằm vào mùa biển động, sóng nước nhấp nhô lên xuống, cứ lo sợ ghe bị chìm. Phương tiện đi biển lúc bấy giờ, chỉ là những con tàu đánh cá thô sơ, khi sóng biển trồi lên tụt xuống là mỗi lần con tim tôi thót lại, trong lòng lo sợ sóng biển nhận chìm con tàu, tôi niệm Phật niệm Bồ Tát Quan Thế Âm, cầu ngài gia hộ cho tai qua nạn khỏi, giờ nghĩ lại cũng còn giật mình. Những lần về trước đó, chúng tôi cứ khất hẹn mãi, kỳ nầy nhất định phải đi.

 

Công ty du lịch đưa xe đến đón chúng tôi từ những khách sạn ở Đà Nẳng, sau khi đón hết lượng khách ghi danh xong, xe đưa chúng tôi vào đến Hội An. Nơi đây có bến tàu để đi, sau khi hành khách lên đồn biên phòng để trình diện, chủ tàu xin lệnh xuất phát xong, chúng tôi lên ca nô để đi Cù Lao Chàm, theo quy định tất cả hành khách đều phải mặc áo phao,  thời gian đi chỉ có 30 phút nhanh và lẹ thật.

 

Cù Lao Chàm vẫn đẹp và hoang sơ như lần đầu tôi đến, vẫn sóng nước nhấp nhô chạm vào những tảng đá tung bọt trắng xóa như những đóa hoa vô thường, bờ biển đẹp trãi dài bên những hàng dừa in bóng. Ngoài một vài nơi cần phải xây dựng, như dãy hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng phục vụ du khách, còn có chổ cho thuyền bè trú ngụ khi mùa giông bão đến, những con đường được đổ bê tông, có phi trường nhỏ cho máy bay trực thăng lên xuống, ngoài ra vẫn y nguyên như trước.

 

Điểm ghé thăm, khiến tôi đợi chờ và nôn nao nhất đó là chùa Hải Tạng, lần đầu tôi đã đến đây lễ Phật, nay muốn xem lại có gì thay đổi không? Kỳ này, khung cảnh cổ xưa ngày nào im vắng, giờ nhộn nhịp bước chân du khách, thời gian có điểm tô thêm nét rêu phong cổ kính, nghe đau đây tiếng chuông huyền diệu xa xưa vẫn vọng về. Một vài nơi xuống cấp đã được sửa chửa, chùa còn xây thêm hai căn nhà ở hai bên để cho khách hành hương Phật Tử có nơi trú ngụ. Gần chùa còn có một Tịnh Xá của quý Sư mới xây cất sau nầy trông bề thế, tiếc là chúng tôi không đủ thời gian để đến viếng.

 

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, chùa Hải Tạng là một ngôi cổ tự trên đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 năm 1758. Chùa thờ Phật và thánh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trong vùng, và cũng là nơi thương thuyền các nước có tín ngưỡng Phật Giáo ghé vào hành lễ và cầu nguyện. Chùa xây tường thành bằng đá bao bọc chung quanh để ngăn trăn và rắn độc, cổng tam quan chùa cao 5m rộng 1m5 dài 6m. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ quả đại hồng chung, trên chuông có con rồng mang phong cách những năm đầu nhà Lê sơ, như vậy quả chuông nầy có niên đại trước cả thời điểm xây chùa?

 

Thiền sư Hương Hải (1628-1715) tác giả của bài thi kệ nổi tiếng:

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch:

“Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý lưu giữ bóng hình.”
 

 

Ngài đã từng lập am cự ngụ tại đây, thời đó gọi là đảo Tiêm Bút La, sau nầy gọi là Cù Lao Chàm. Chùa Hải Tạng hiện giờ không có Tăng Ni cư trú, chỉ có một vị cư sỹ trông lo nhang khói, thỉnh chuông, kinh kệ. Những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán, mới có chư Tăng Ni từ đất liền đến. Dù cách Hội An không xa lắm, nếu Giáo Hội phân công hoặc các chùa chia phiên cử người đến để hướng dẫn Phật Tử tu học, thì thật là quý hóa.

 

Tour du lịch nầy còn có chương trình lặn biển để ngắm san hô, chúng tôi được trang bị kính đeo mắt để lặn, mới xuống nước thì hơi lạnh, bơi một hồi cái lạnh mới bớt. Tôi cố dương to đôi mắt để tìm san hô, nhưng chỉ thấy những mảng màu trắng ẩn hiện xa xa, chắc đó là san hô, thôi thì cứ cho là vậy đi.

Thăm viếng ở Cù Lao Chàm nầy, chỉ có hai cách, đi bộ và đi xe ôm, nếu đi bộ thì đi được có ba địa điểm vì hết thời gian, thứ hai thuê người chở đi bằng xe gắn máy, sẽ thăm được bảy địa điểm, với giá 100 ngàn tiền VND. Chúng tôi chọn đi xe máy để xem được nhiều địa điểm, và bớt nhọc nhằn cho đôi chân. Người lái xe gắn máy đưa chúng tôi đi thăm một cái giếng cổ do người Chăm xây dựng từ lâu đời, đến nay vẫn còn xử dụng,  thăm nơi cụ bà đang ngồi đan những chiếc võng bán cho du khách, võng được làm bằng vỏ cây ngô đồng chỉ mọc ở Cù Lao Chàm mà thôi. Nghe nói, thời gian và công sức bỏ ra đến mấy tháng mới xong một chiếc võng, giá bán khoảng sáu triệu VND. Tôi nghĩ với giá thành như thế, chiếc võng lại tương đối cồng kềnh khi đang du lịch, chắc rất ít người muốn mua ngay, không biết trong bao lâu cụ mới bán được một chiếc? Hơn nữa người mua nếu không có nhu cầu thì sẽ không mua vì giá cả, tại sao ở đó không làm ra những sản phẩm gọn nhẹ, giá cả hợp lý, cũng từ những vỏ cây ấy làm nên. Chẳng hạn những vòng đeo tay, đeo cổ, những sản phẩm bằng những con vật như: con bướm, con rắn, con rít, cào cào, châu chấu, những thứ tiện lợi để làm quà kỷ niệm cho chuyến đi. Tôi nghĩ nếu bán với số nhiều thì doanh thu sẽ tăng cao, có cơ hội tạo thêm nhiều việc làm. Những gian hàng hiện đang bán đồ ở đó, cũng giống như ở biển Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, chỉ là những vỏ ốc vỏ sò, những dây chuổi được kết bằng vỏ sò vẫn chưa có gì đặc biệt.

 

Dùng cơm trưa xong, nghĩ ngơi một lát đến 1 giờ 30, chúng tôi lên ca nô giã từ Cù Lao Chàm trở về lại Hội An, ca nô chạy nhanh như đùa giởn với sóng nước, từng đợt sóng tung nhẹ tạo thành những đóa hoa biển. Về đến bến tàu, xe đưa chúng tôi đi một vòng thăm phố hội, sau đó đưa về lại Đà Nẵng khách được trả lại từng khách sạn, kết thúc chuyến đi, có dịp ôn lại vài kỷ niệm, trong lòng dạt dào niềm vui.

Kỳ nầy về Việt Nam chúng tôi còn có thêm một niềm hoan hỷ nữa, số là ngôi nhà thờ Tam Bảo và Từ Đường do phụ mẫu của chúng tôi lập nên, nay tất cả anh chị em trong gia đình đồng lòng cúng cho Tam Bảo. Tôi nhớ năm 1968 ngôi chùa Mỹ An ở trên đồi, chính quyền sở tại trưng dụng để làm cơ sở quân sự, không cho dân chúng lai vãng. Thân phụ của chúng tôi lúc bấy giờ là Hội Trưởng khuôn hội Phật Giáo chùa Mỹ An, đã cho chùa mượn ngôi nhà của chúng tôi để làm Niệm Phật Đường Mỹ An. Năm 1969 tại nơi đây có tổ chức lễ Quy Y Tam Bảo, cá nhân tôi và rất đông Phật Tử lúc bấy giờ đã từng làm lễ quy y tại đây, trong phái quy y tôi còn giữ có ghi Thầy Bổn Sư của chúng tôi  Hòa Thượng Thích Chơn Phát, trụ trì chùa Long Tuyền, Hội An.

 

Duyên may gia đình chúng tôi có người chị thứ tám xuất gia từ những năm 1966, được Sư hoan hỷ nhận lời chúng tôi rất đổi vui mừng, bằng vào đức độ và sự tu hành nghiêm mật của Sư hy vọng nơi đây sẽ được phát huy. Người chị đầu của chúng tôi cũng đã xuất gia được vài năm, do Sư hướng dẫn xuống chùa Bảo Thắng ở Hội An để xin tu. Chùa Long Tuyền và Bảo Thắng, hai nơi đều là chùa Thầy Tổ của gia đình chị em chúng tôi.

 

Chuyến đi về Việt Nam lần nầy, để lại trong lòng chúng tôi nhiều niềm vui, những kỷ niệm đẹp khó mai mờ. Mùa Phật Đản lại về, nguyện cầu Đức Phật soi đường cho tất cả chúng ta.

 

Như Hùng

Mùa Phật Đản 2640 (2016)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2016(Xem: 8352)
Điểm đặc biệt của Chương Trình Khuyến Học Tỉnh Thức Sau Giờ Học Bodhi Academy mà ít có trung tâm dạy kèm học sinh sau giờ học nào có là ngoài việc dạy thêm cho các em kiến thức nhà trường, còn dạy cho các em cách giải tỏa căng thẳng và cân bằng đời sống giúp nâng cao sự chú tâm và năng khiếu cho các em, theo Thượng Tọa Thích Pháp Tánh, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Trung Tâm Bodhi Academy, và cô Mỹ Hạnh, Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm Bodhi Academy, cho biết trong buổi tiệc trà giới thiệu thành quả 4 tháng qua của Trường Bodhi Academy, tại cơ sở của Trung Tâm trên đường Garden Grove, Thành Phố Garden Grove, vào chiều Chủ Nhật, ngày 6 tháng 3 năm 2016, với sự tham dự của nhiều phụ huynh học sinh, các nhà bảo trợ, giới truyền thông báo chí Việt ngữ, và thầy cô giáo của Trung Tâm.
06/03/2016(Xem: 7905)
Nhân kỷ niệm 30 năm khai sơn Thiền Viện Phước Hoa và mừng xuân Di Lặc PL 2560 – DL 2016, chư tăng Thiền Viện có in thiệp chúc xuân, lấy bốn câu thơ đề tặng lúc trước của nghệ sĩ Đoàn Yên Linh làm chủ đề chính, đã tạo hiệu ứng cảm xúc lung linh trước hết về công ơn kiến lập của cố Hòa Thượng Viện Chủ Thích Thông Quả, trong giới xuất gia và tại gia; đặc biệt với anh chi em văn nghệ sĩ vốn từng có gắn bó, chia ngọt xẻ bùi theo từng giọt mồ hôi lo toan trăn trở của cố Hòa thượng cùng chư tăng trong suốt chiều dài 30 năm cơ nhọc đã qua.
06/03/2016(Xem: 10766)
Cách đây khoảng 5 năm, tôi đã có dịp trình bầy một bài về " Khoa học thần kinh (neurosciences) và đạo Phật ", trong đó có nói nhiều đến thiền định: Từ đó đến nay đã có nhiều tiến bộ về nghiên cứu khoa học về phương pháp này, được gọi là " thiền tỉnh thức " (mindfulness).
05/03/2016(Xem: 9391)
Các bài phát biểu trong Bàn tròn về :« Đạo Phật dấn thân » đã được tổ chức tại Trúc Lâm Thiền viện ngày 10/01/2016
03/03/2016(Xem: 10111)
Chỉ trong buổi sáng, 150 ổ bánh mì miễn phí trên vỉa hè ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hết sạch. Từ ngại ngần ban đầu, thùng mì dần trở nên quen thuộc với nhiều lao động nghèo.
29/02/2016(Xem: 9848)
Con quy y Phật, Pháp, Tăng - Cho đến ngày đạt được giác ngộ - Nhờ công đức của hạnh thí và các ba la mật khác, - Nguyện thành tựu Phật quả để phổ độ chúng sinh.
29/02/2016(Xem: 12778)
Trong quá khứ, con đã lang thang trên những con đường dài, đơn độc, Nhưng giờ đây, hỡi Đấng Bảo Hộ, nhờ tưởng nhớ đến ngài, Khi tia sáng đời con sắp tàn lụi, Nguyện cho chiếc móc bi mẫn của ngài giữ lấy tâm con.
29/02/2016(Xem: 8544)
"Để phát tâm bi đối với tất cả chúng sanh, chúng ta cần phải thấu hiểu mọi nỗi khổ của tất cả các loài chúng sanh trong luân hồi, và những nỗi khổ khác nhau của họ." Lama Zopa Rinpoche đã thuyết trong bài pháp "Không Có Một Khó Khăn Nào Khi Làm Việc Vì Chúng Sanh", ấn tống trong bản thư điện tử tháng Giêng 2016 của Lama Yeshe Wisdom Archives.
27/02/2016(Xem: 7118)
Không có ai sửa cho con! Ngày xưa, có một ông họa sĩ và ông muốn truyền nghề cho học trò của mình. Người học trò rất sung sướng nhận lời thầy.- Ông nói : - - Con hãy vẽ một bức tranh đẹp nhất mang đến đây . -
26/02/2016(Xem: 15965)
Gần đây một số báo chí ở Việt Nam có loan tin việc nhà Sư Nhật Bản kết hôn. Thật ra bản tin Sư Nhật Bản lấy vợ lập gia đình là tin rất cũ và chuyện này cũng rất cũ. Có thể lâu lâu báo chí ở Việt Nam làm tin mới lại cho hấp dẫn độc giả và có thể mang ẩn ý chê bai Phật Giáo Nhật Bản nói riêng và Phật Giáo nói chung. Xin quý cơ quan báo chí truyền thông Phật Giáo lưu tâm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]