Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

64 giờ Tổng thống Mỹ ở Việt Nam

26/05/201607:58(Xem: 9496)
64 giờ Tổng thống Mỹ ở Việt Nam

tong thong Obama-2
64 giờ Tổng thống Mỹ ở Việt Nam

Ngoài các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, phát biểu, nói chuyện với doanh nhân, sinh viên..., Tổng thống Barack Obama còn lên phố ăn bún chả, uống bia hơi, ghé quán trà đá, thăm hỏi, bắt tay người dân trong một chiều mưa.

21h30 ngày 22/5, chuyên cơ Air Force One chở ông Barack Obama cùng đoàn tùy tùng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày. Tổng thống Obama và các lãnh đạo Việt Nam đã tập trung thảo luận về tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới. Sau hơn 20 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, Barack Obama là tổng thống thứ ba tới Việt Nam sau các cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush. Trong bộ vest đen, sơ mi trắng, người đàn ông quyền lực bậc nhất thế giới tươi cười bước xuống. Ảnh: Giang Huy.

 

Trong ngày 23/5, Tổng thống Mỹ lần lượt có hội đàm, gặp gỡ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc họp báo chung lúc 12h50 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Tổng thống Mỹ đã thông báo chính thức về việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Ông Obama cho biết đây là một tiến trình tương đối gian nan giữa Washington và Hà Nội, với các cuộc đối thoại khó khăn từ nhiều năm trước. Để có kết quả trên phải kể đến nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thượng nghị sĩ John McCain cùng rất nhiều người khác từ cả hai phía. "Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm không phụ thuộc vào nhân tố Trung Quốc hay các cân nhắc khác, mà dựa trên mong muốn của chúng tôi trong việc hoàn tất những điểm kết nối trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam", ông Obama trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Reuters.

 

Tổng thống Mỹ gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Nhà sàn Hồ Chủ tịch. Ông cho cá ở hồ nước trước nhà sàn ăn. "Mong rằng quan hệ nồng ấm giữa nhân dân chúng ta tiếp tục phát triển", ông Obama đã viết trong sổ ghi cảm tưởng tại nhà sàn. Ảnh: Giang Huy.

 

Hơn 20h tối cùng ngày, Tổng thống Mỹ bất ngờ xuất hiện tại phố Lê Văn Hưu (Hai Bà Trưng) để đi ăn bún chả Hà Nội cùng đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, ghi hình cho chương trình "Anthony Bourdain Parts Unknown" mùa thứ 8 của vị đầu bếp này, dự kiến phát sóng vào tháng 9. Hai người ăn hết hai suất bún chả, nem cùng hai chai bia. Trên trang Twitter của mình, đầu bếp Bourdain cho hay bữa ăn của ông với Tổng thống Mỹ Obama giá 6 USD và ông là người nhận trả tiền. Chủ quán cho biết Tổng thống Mỹ còn gọi thêm 4 suất bún chả mang về trước khi rời đi. Ảnh: Pete Souza.

 

Sau khi ăn bún chả, Tổng thống Barack Obama chưa vội dời đi ngay mà nán lại khoảng 5 phút bắt tay và để người dân chụp hình. Ông liên tục nói cảm ơn và bắt tay người dân Hà Nội. Sau đó, ông rời đi trên chiếc Cadillac hướng về phố cổ Hà Nội. Ảnh: Bá Đô.

 

12h trưa 24/5, Tổng thống Mỹ có buổi nói chuyện trước 2.000 trí thức, doanh nhân, sinh viên Việt Nam, đại diện một số bộ ngành tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Khi xuất hiện, ông nói bằng tiếng Việt "Xin chào. Xin chào Việt Nam". Trong bài phát biểu dài 30 phút, ông Obama dành để nói về tiến trình quan hệ Việt - Mỹ. Mối quan hệ ấy từng có thời kỳ "đóng băng" sau chiến tranh, song với nỗ lực suốt nhiều năm của cả hai phía, cuối cùng mối quan hệ ấy tiến tới bình thường hóa hoàn toàn bằng thông báo hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam ngày 23/5. Ông Obama khẳng định thế hệ trước của người Mỹ tới Việt Nam để chiến đấu, nhưng thế hệ sau đến đây để dạy học, tẩy độc dioxin, hợp tác, giúp đỡ toàn diện và làm cho mối quan hệ hai nước sâu sắc hơn. "Mai này, khi người Mỹ và người Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn, như Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi", ông Obama nói. Ảnh: Giang Huy.

 

12h40 ngày 24/5, đoàn xe đưa Tổng thống Obama rời Trung tâm Hội nghị quốc gia ra sân bay Nội Bài. Dọc đường, đoàn ghé thăm làng Mễ Trì Hạ vốn nổi tiếng bởi đặc sản cốm. Bắt tay người dân, chụp ảnh lưu niệm với chủ quán trà đá, đứng trú mưa dưới chiếc lán tạm... ở làng Mễ Trì Hạ là những hình ảnh cuối cùng của Tổng thống Mỹ trước khi rời thủ đô. 14h15 cùng ngày, chuyên cơ Air Force One cất cánh rời Hà Nội, đưa ông Barack Obama vào TP HCM, muộn hơn so với dự kiến ban đầu khoảng một tiếng. Ảnh: Reuters.

 

Gần 16h ngày 24/5, Tổng thống Mỹ có mặt tại TP HCM. Lịch trình đầu tiên của ông là tới thăm chùa Ngọc Hoàng ở quận 1. Ngôi chùa hơn 100 năm tuổi được nhiều người dân và du khách quốc tế biết đến là nơi cầu cúng cho việc làm ăn thuận lợi, bình an, phước đức và đặc biệt là cầu tự. Trong lúc tham quan, một nhà sư tại chùa đề nghị ông Obama cầu nguyện trước một bức tượng nếu muốn có con trai. Tổng thống Mỹ đã từ tốn trả lời "Tôi thích con gái". Ảnh: Gia Khanh.

 

Sáng 25/5, Tổng thống Mỹ có buổi trò chuyện hơn một giờ cùng với nhóm thủ lĩnh trẻ YSEALI - hoạt động cuối cùng trong chuyến công du ở Việt Nam. Cởi áo vest, xắn tay áo sơ mi, Tổng thống Mỹ giữ vai trò dẫn dắt cuộc trò chuyện, trực tiếp trả lời câu hỏi của các thanh niên về nhiều vấn đề. Ông cũng chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, từ một cậu bé nổi loạn trở thành Tổng thống Mỹ. Ảnh: Thoại Hà.

 

Sau đó,Tổng thống Mỹ gặp gỡ 100 doanh nhân, doanh nghiệp tại tầng 14 của Dreamplex, tòa nhà Miss Áo Dài. Trong hơn một giờ giao lưu, Tổng thống Mỹ cùng với các doanh nhân đã nói về những trở ngại khi lập nghiệp, những mong muốn hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam, Mỹ hay các nhà đầu tư, vấn đề vốn, tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Ảnh: Ben Rhodes.

 

12h40 ngày 25/5, ông Obama tới sân bay Tân Sơn Nhất, vẫy tay chào mọi người trước khi vào trong chuyên cơ. Rời Việt Nam, Tổng thống Obama tiếp tục đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo, ông có hơn 50 chuyến công du các nước. Trả lời một phóng viên trong cuộc họp báo chung ngày 23/5, ông đã nói "Tôi hy vọng khi về hưu có thể cùng gia đình đến Việt Nam. Tôi có thể dành thời gian tham quan Việt Nam, hiểu biết thêm về con người, thưởng thức ẩm thực và có lịch trình thoải mái hơn"Ảnh: Hồng Phúc.

 

Nhóm phóng viên
vnexpress.net

Nghệ thuật thuyết trình lôi cuốn của Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama được coi là một bậc thầy về thuyết trình bởi ông biết cách lặp có chủ đích, dừng đúng thời điểm, kết hợp vận dụng ngôn từ cụ thể, chắc chắn.
nghe-thuat-thuyet-trinh-loi-cuon-cua-obama

Ông Obama nói "xin chào" bằng tiếng Việt trong bài phát biểu trước 2.000 trí thức và doanh nhân tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào sáng qua. Ảnh: Giang Huy

Tổng thống Mỹ Obama sáng qua có bài phát biểu trước 2.000 trí thức và doanh nhân Việt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Sau 30 phút nghe ông nói chuyện, tất cả mọi người trong khán phòng đều đồng loạt đứng lên, vỗ tay không ngớt, thể hiện niềm thích thú, ngưỡng mộ đối với vốn kiến thức cũng như khả năng thuyết trình tuyệt vời của ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ đã vận dụng triệt để thi ca Việt Nam trong các phát biểu về quan hệ song phương, từ câu tục ngữ, vần thơ được sáng tác hàng trăm năm trước, đến bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay Văn Cao.

Ông dẫn câu thơ đầy hào hùng từ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt để nói về chủ quyền Việt Nam trong lịch sử, dẫn Truyện Kiều của Nguyễn Du nhân lúc bàn về quan hệ hai nước. Mỗi lần Tổng thống Mỹ Obama dẫn thơ ca, khán giả Việt Nam và nước ngoài vỗ tay không dứt.

Trần Khánh, sinh viên K10, Quản trị kinh doanh, Đại học FPT, cho biết điều cậu cảm phục nhất ở ông Obama là sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam khi nhắc nhiều đến các nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, các danh nhân như Nguyễn Du, tướng Võ Nguyên Giáp trong khi thế hệ trẻ như cậu không phải ai cũng làm được.

Bạn Mai Thu Hằng, sinh viên Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, thì đặc biệt ấn tượng với vẻ thân thiện và giọng nói trầm ấm của Tổng thống Mỹ.

Rõ ràng, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama đã tạo được tiếng vang và ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí rất nhiều người dân Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông Obama lâu nay đã nổi tiếng là một nhà diễn thuyết xuất sắc. 

Những vần thơ câu hát Việt được ông Obama trích dẫn

Diễn giả xuất sắc

Cây bút Alan Tovey từ Telegraph đánh giá việc sở hữu những phẩm chất của một diễn giả xuất chúng không phải lý do duy nhất đưa ông Obama tới chiếc ghế tổng thống nhưng là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Theo Carmine Gallo, tác giả hàng loạt cuốn sách bán chạy về nghệ thuật diễn thuyết, sở dĩ những bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama dễ đi vào lòng người là bởi ông đã khéo léo vận dụng ba kỹ năng nói chuyện trước công chúng.

"Bằng cách dùng ngôn từ cụ thể và hữu hình, Tổng thống Barack Obama có thể đưa chúng ta đến một thế giới khác, đồng thời vẽ nên một bức tranh nơi tâm trí ta", ông Gallo bình luận.

Trong bài diễn văn chiến thắng ngày 7/11/2012, ông đề cập đến những người ủng hộ và vận động tranh cử cho mình một cách rất cụ thể.

"Bạn sẽ thấy sự quyết tâm trong giọng nói của anh chàng tổ chức hậu trường trẻ tuổi, người luôn nỗ lực hết mình từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học và mong muốn mọi đứa trẻ đều có cơ hội như nhau. Bạn sẽ thấy niềm tự hào trong giọng nói của cô gái tình nguyện viên, người thường xuyên đi gõ cửa từng nhà, vì em trai cô ấy cuối cùng cũng có một công việc bởi nhà máy sản xuất ôtô địa phương vừa bổ sung ca làm mới. Bạn sẽ cảm thấy lòng yêu nước sâu đậm trong giọng nói của người lính đêm nào cũng thức rất khuya trên điện thoại để chắc chắn rằng không một ai từng quên mình chiến đấu vì tổ quốc phải lo lắng về một công việc hay một mái nhà khi họ trở về từ chiến trường", Tổng thống Obama lúc bấy giờ nói, giọng đầy xúc động.

Theo Gallo, lý do mà nhiều người diễn thuyết ngày nay không thể chạm tới suy tư của khán giả là bởi họ không có đủ sự cụ thể trong câu chữ. "Chẳng ai quan tâm khi bạn tuyên bố sẽ mang đến 'giải pháp tốt nhất cho một hệ sinh thái dựa trên công nghệ điện toán đám mây'. Khán giả cần sự cụ thể, những ví dụ gần gũi và câu trả lời giải đáp cho thắc mắc một cách trực diện nhất", ông nhấn mạnh. Và Tổng thống Obama làm tốt điều đó.

Hành động nhắc lại có chủ đích một câu hay cụm từ để gây chú ý cũng là một kỹ năng nổi bật mà Tổng thống Obama sử dụng tương đối linh hoạt, ông Gallo nhận xét.

Ông Obama từng sử dụng kỹ thuật "lặp lại" rất hiệu quả với bài phát biểu tại hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ hồi năm 2004.

"Chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Nhiều việc phải làm cho những người công nhân tôi gặp ở Galesburg, Illinois", ông nói. "Nhiều việc phải làm cho người cha..." hay "Nhiều việc phải làm cho người phụ nữ...".

"Tôi tin chúng ta có thể hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu", "Tôi tin chúng ta có thể cung cấp việc làm", "Tôi tin chúng ta có một ngọn gió ngay thẳng chống lưng...".

Các ví dụ kể trên cũng cho thấy Tổng thống Obama là người rất thích gộp những dẫn chứng cho một ý tưởng thành bộ ba. Theo Gallo, ba là "con số quyền lực và vừa đủ để nhớ".

Giáo sư David McNeill từ Đại học Michigan, Mỹ, người nghiên cứu về cử chỉ tay, nhận thấy rằng những diễn giả tự tin, có kỷ luật và chặt chẽ thường dùng đến tay nhiều hơn bình thường khi phát biểu.

Cử chỉ tay dứt khoát phản ánh tính mạch lạc về suy nghĩ của người phát biểu đồng thời khiến khán giả cảm thấy tin tưởng hơn vào sự dẫn dắt của họ. Tổng thống Obama, như bao người diễn thuyết xuất sắc khác, sử dụng cử chỉ để nhấn mạnh gần như trong từng câu nói, Gallo nhận định.

Cách ông thay đổi giọng nói cũng rất hiệu quả. Tổng thống Mỹ biết nên nói chậm ở đâu, hạ giọng ở đâu và ngừng lại khi nào để gây ấn tượng tối đa. Nhưng cũng có lúc, ông đẩy nhanh tốc độ diễn thuyết và gia tăng âm lượng để làm bật lên một câu quan trọng.

Theo Richard Newman, chuyên gia đào tạo kỹ năng diễn thuyết từ công ty UK Body Talk, ông Obama là một bậc thầy biết cách sử dụng "điểm dừng".

Tổng thống Mỹ dừng để khán giả bắt kịp mình. Ông dừng để lời nói của mình gây được tiếng vang. Ông dừng, một mặt nào đó, cũng là để người nghe có chút thời gian nghỉ ngơi. Dừng đúng chỗ còn là cách để Tổng thống Mỹ cho khán giả thấy sự điềm tĩnh và thận trọng của ông, chuyên gia tư vấn về diễn thuyết Sims Wyeth viết trên CBS News.

Một nhân tố khác làm nên thành công cho những bài diễn thuyết của Tổng thống Obama là việc ông biết cách đặt người nghe vào trung tâm của câu chuyện. Như trong lần phát biểu đầu tiên tại một phiên họp chung của quốc hội Mỹ, ông Obama nhắc tới câu chuyện "của chúng ta" trước khi nói về câu chuyện "của riêng mình", Wyeth cho hay.

Với bài diễn thuyết hôm qua tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã khiến người nghe cảm nhận rõ ràng Việt Nam chính là trung tâm trong những câu chuyện, vấn đề ông chia sẻ suốt nửa tiếng đồng hồ. Kết thúc bài phát biểu bằng câu thơ "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tổng thống Obama vừa khiến người nghe ấn tượng xen lẫn bồi hồi, xúc động, vừa cho thấy rằng ông rất quan tâm cũng như tôn trọng văn hóa, lịch sử của người dân Việt, giới quan sát đánh giá.

Vũ Hoàng
vnexpress





Người Hướng Dẫn Ông Obama Ở Chùa Ngọc Hoàng Kể Gì ?

Sưu tầm của Kevin Trần

http://sachhiem.net/TONGIAO/tgK/Kelvin_25may16.php


Gần đây, trên mạng xã hội, đã có một số phần tử hoặc ngộ nhận hoặc cố tình xuyên tạc chuyến viếng thăm chùa Ngọc Hoàng của Tổng thống Obama tại Sài Gòn ngày 24/5/2016. Họ tung tin rằng: (1) Đây là chùa Tàu thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế chứ KHÔNG thờ Phật Thích Ca và các Bồ Tát; (2) Vị sư trụ trì không biết nói gì ngoài hỏi một câu “vô văn hóa” (“Tổng thống có muốn sinh con trai không?”) và đã bị Tổng thống “sửa lưng”.

Hai thông tin nói trên hoàn toàn SAI: Chùa có thờ Phật và Bồ Tát, và vị Sư Trụ trì KHÔNG nói câu đó, chính vị giáo sư trách nhiệm giới thiệu chùa đã nói câu nầy.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama với những thành tựu về kinh tế và an ninh cho cả hai quốc gia, và những điểm xuyết văn hóa của người đứng đầu Tòa Bạch Cung, đã làm cho một số thế lực xốn xang (đặc biệt là Trung Quốc). Do đó, trên mạng, có những xuyên tạc đánh phá của số thế lực nầy là chuyện đương nhiên. Nhưng từ đó mà tung tin thất thiệt về một ngôi chùa và một nhà sư Phật giáo thì quả thật không chấp nhận được!

Xin giới thiệu bài phỏng vấn và Video “Người giới thiệu TT Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng” dưới đây để biết sự thật về sự cố nầy.

Giáo sư tôn giáo học Dương Ngọc Dũng chia sẻ với Zing.vn hành trình trở thành người giới thiệu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng.

- Theo ông, tại sao chùa Ngọc Hoàng lại được chọn để trở thành điểm đến của Tổng thống Mỹ?

- Tôi đánh giá sự chọn lựa đó là hoàn toàn đúng đắn. Điều thứ nhất, chùa Ngọc Hoàng nhỏ, việc bảo vệ tổng thống khá dễ dàng. Nếu chọn ngôi chùa quá to như Vĩnh Nghiêm thì lực lượng đặc vụ không đủ để để bao phủ toàn bộ từ bên trong bên ngoài. Ở chùa Ngọc Hoàng thì rất gọn, tổng thống đứng ở giữa, xung quanh là đặc vụ, hai bên là nhà báo quốc tế và Việt Nam. Trước mặt là bàn thờ, không ai có thể ẩn nấp ở những chỗ như vậy.

Tôi và đặc vụ Mỹ đã làm việc suốt ba tuần trước chuyến viếng thăm của tổng thống Obama. Họ vào kiểm tra kỹ đến tận thùng rác. Thấy thùng cao, họ bỏ luôn vì sợ có người nấp được bên trong. Thùng phước sương, thùng công đức cũng được mở ra xem. Họ làm việc rất kỹ. Việc đó cho thấy sự lựa chọn ngôi chùa là đúng. Vì ngôi chùa rất bé, bảo vệ dễ hơn. Chùa không có chỗ ẩn nấp.



Điểm thứ hai, xung quanh chùa chỉ có mấy hộ dân, việc nhờ người ta di dời tạm thời buổi chiều, đóng cửa lại rất dễ. Đường Mai Thị Lựu cũng khá nhỏ, nối Bùi Hữu Nghĩa và Điện Biên Phủ, lực lượng an ninh khoá hai đầu rất đơn giản. Tôi cho rằng, đó là lựa chọn khôn ngoan của phía Mỹ. Sư thầy Thích Minh Thông trụ trì của Ngọc Hoàng cũng là một Việt kiều, có thời gian sống ở Mỹ. Tôi cũng học ở Mỹ về, chừng đó lý do để ráp lại thành một lựa chọn hoàn chỉnh.

- Ông đã phải chuẩn bị những gì trước giờ Tổng thống Obama ghé thăm chùa Ngọc Hoàng?

- Trong suốt ba tuần làm việc trước đó, họ đều nói với tôi là: “Giáo sư, ông đừng nên hi vọng quá nhiều về việc này. Mọi thứ có thể thay đổi. Ông không được nói với ai hết trừ vợ ông. Chúng tôi vẫn thường thay đổi vào giờ chót”.

16h Tổng thống Obama ghé chùa thì đến 10h30 họ mới thông báo chắc chắn tôi là người được chọn làm hướng dẫn viên. Ngay lập tức, tôi phải chạy tới họp ngay với an ninh và mật vụ, họp xong lại đến chùa để kiểm tra lần cuối cùng. Họ làm việc nghiêm ngặt từng giờ từng phút một.

Đến 14h45, tôi phải có mặt ở chùa Ngọc Hoàng để đón Tống thống.

Thực tế, họ đã bố trí phương án dự phòng. Trong trường hợp tôi không thể thực hiện tốt hoặc có vấn đề về tâm lý, họ sẽ thay thế tôi bằng một chuyên gia Phật học người Mỹ, hiện đang giảng dạy và làm việc tại Đài Loan.

Trợ lý đặc biệt của ông Obama nói với tôi: Dũng, ông là người duy nhất ở đất nước này tiếp cận Tổng thống gần như vậy, trong thời gian lâu như vậy trong khi ông không phải là quan chức gì hết.

- Vậy, người hướng dẫn của Tổng thống Obama đã làm việc như thế nào trong khoảng 10 phút ông ghé thăm chùa?

- Theo kế hoạch của bên an ninh, tôi đứng đợi gần tượng hộ pháp ở sân chùa. Họ lấy băng nhựa đánh dấu chỗ, dặn kỹ không được vươn người nhìn ra hay có hành động nào tương tự. Tôi đứng đó, khi tiếng reo hò như trong một trận bóng đá từ bên ngoài vọng vào, tôi biết tổng thống đã đến. Năm phút sau, tôi thấy Tổng thống Obama đã đứng bên cạnh.

Tôi cũng căng thẳng, xúc động. Ấn tượng ban đầu là ông ấy quá cao lớn. Tôi đứng sững sờ mất mấy giây. Tổng thống quá khác với hình ảnh tôi đã nhìn trên phương tiện truyền thông.

GS Dương Ngọc Dũng và sư trụ trì Thích Minh Thông bên cạnh TT Obama tại chùa Ngọc HoàngẢnh: Hải An.

Tổng thống bắt tay nói: "xin chào, vui được gặp ông." Tôi nói: "chào mừng tổng thống đến Việt Nam và đến thăm chùa Ngọc Hoàng." Trợ lý của tổng thống cũng tới giới thiệu tôi là giáo sư tôn giáo học và sư trụ trì Thích Minh Thông của Chùa Ngọc Hoàng.

Khi trợ lý nheo mắt ra hiệu, tôi bắt đầu giới thiệu: Đây là ngôi chùa theo phái Hoa tông được xây vào cuối thế kỷ 19. Ông Obama hỏi một câu ngắn gọn: “when?” (khi nào?). Tôi nói: năm 1894.

Khi tôi giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, Tổng thống Obama lắng nghe và bày tỏ ông thấy rất thú vị.

Khi bước vào chính điện của chùa, ý của sư thầy Thích Minh Thông là Tổng thống Obama có thể đi vào bằng cửa chính. Nhưng ông Obama nói rằng mọi người đi như thế nào, ông sẽ đi đúng như vậy. Tổng thống đi từ cửa bên trái, đi qua bàn thờ Phật Thích ca đến thằng bàn thờ Ngọc Hoàng.

- Có kỷ niệm nào thú vị trong buổi hướng dẫn đó?

- Theo quy định của trợ lý, khi tổng thống bước đi, tôi phải đếm từ 1 đến 8 giây mới bước theo.

Tôi có hỏi lý do thì người trợ lý giải thích rằng: về nguyên tắc, phải giữ khoảng cách, tuyệt đối không đụng vào người tổng thống, không được trao quà, tặng quà, hay gợi ý chụp hình trong bất cứ trường hợp nào. Khi ra đến cổng, tổng thống đột ngột đứng lại, xoay qua nhìn ông thổ địa.

Ông chỉ hình thổ địa hỏi, tôi nói đó là ông thổ địa, là thần tài. Sau đó chỉ sang môn thần, tôi nói đó là người canh cửa, để ma quỷ không vào nhà.

blank

Chùa Ngọc Hoàng là nơi đầu tiên TT Obama ghé thăm khi đến Sài Gòn. Ảnh: Hải An.

- Trở thành người hướng dẫn cho Tổng thống Mỹ Obama có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Khi gặp, tôi giới thiệu mình là Dũng, ông nói: "Ồ Professor Dũng, ông đọc đúng tên với đúng dấu ngã và bắt tay tôi rất chặt." Ông hiểu công việc người khác làm cho mình rất nặng nề, căng thẳng. Khi tổng thống đứng trong chùa, tôi lùi ra sau một chút thì tổng thống gọi tôi đứng gần.

Ông hiểu đây là vinh dự của mình chứ không phải của ông.

Trên đường đi ra khỏi tam quan, cô trợ lý trượt chân lảo đảo. Ông Obama nhanh chóng đỡ cô ấy và nói những lời động viên. Hành động an ủi động viên đó thì cô ấy có làm việc cả đời với ông ấy cũng vui lòng. Tổng thống Obama là người có khả năng kết nối nhanh bằng chính sự rộng lượng, hào phóng như vậy, ông chinh phục người khác ngay lập tức. Không phải sự ngẫu nhiên khi ông Obama vươn từ địa vị xã hội thấp như vậy lên làm tổng thống, tôi cho rằng một phần là thiên bẩm nhưng một phần là học tập và rèn luyện.

Tổng thống Obama: "Tôi thích con gái"

Khi tôi đang giải thích về Quan Âm, Tổng thống Obama hỏi tôi: "Hầu hết mọi người đến đây cầu xin điều gì?" Tôi nói chùa này nổi tiếng cầu con. Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ hay xin con trai vì tâm lý người Việt Nam thích con trai hơn. Đôi khi có con gái rồi, họ đến đây để cầu xin con trai nữa. Ông Obama bật cười nói: "I like daughters" (Tôi thích con gái). Tôi nói: "Me too" (Tôi cũng vậy).

Có tờ báo đăng trụ trì Thích Minh Thông gợi ý với Tổng thống Obama rằng ông hãy cầu xin một đứa con trai đi. Thông tin đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi là người trong cuộc và sư thầy Thích Minh Thông không nói câu gì trong suốt hôm đó. Tôi là người giới thiệu về toàn bộ ngôi chùa từ đầu đến cuối, cũng hiểu rất rõ bối cảnh tại sao Tổng thống Obama nói câu đó. Tôi cảm thấy cần phải giải thích rõ để mọi người hiểu và không trách lầm thầy Thích Minh Thông. 

Ông Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007.blank


Sưu tầm của Kevin Trần

20:19 25/05/2016

Nguồn (với VIDEO Clip): http://news.zing.vn/nguoi-huong-dan-ong-obama-o-chua-ngoc-hoang-ke-gi-post652496.html

 







Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama

Trưa 24/5, Tổng thống Mỹ Obama có bài phát biểu 30 phút trước 2.000 trí thức và doanh nhân Việt Nam. Ông đã trích dẫn nhiều câu văn, thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Văn Cao...


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


Giáo viên tiếng Anh Smartcom Việt Nam
vnexpress.net


Thứ năm, 26/5/2016 | 19:18 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Người chắp bút cho các bài diễn văn của Obama

Ông Obama miêu tả Cody Keenan là một "cây bút xuất sắc", một cố vấn thân cận giúp ông "kể những câu chuyện của nước Mỹ".
nguoi-chap-but-cho-cac-bai-dien-van-cua-obama

Cody Keenan. Ảnh: New York Times

Cody Keenan, 35 tuổi, bắt đầu sự nghiệp chính trị tại một căn phòng không có cửa sổ ở Washington. 13 năm sau, phòng làm việc của ông vẫn kín như bưng không khác trước là bao. Chỉ có điều, lúc này, nó nằm trong khuôn viên Nhà Trắng. Keenan hiện là người viết diễn văn chính của Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo NBC News.

Tối ngày 12/1, ông Obama đọc Thông điệp Liên bang lần thứ 7, cũng là lần cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Nhưng đến tận sáng hôm đó, Keenan vẫn đang cặm cụi trong góc làm việc nơi căn phòng dưới tầng hầm để chỉnh sửa "điên cuồng" cho bài diễn văn mà tổng tư lệnh nước Mỹ sẽ phát biểu trước người dân cả nước.

Ông Keenan nhận chức vụ trưởng nhóm viết diễn văn của Tổng thống Mỹ từ năm 2012. Thực tế, nhằm cho ra đời một bài diễn văn hoàn chỉnh, ông Obama cũng phải tham gia vào quá trình viết. Theo các quan chức chính quyền Mỹ, ông Obama nhiều lúc chỉnh sửa và lên dàn ý cho các bài phát biểu của mình rất cẩn thận. Dù vậy, để một bài diễn văn phát huy tối đa hiệu quả, vai trò của những người như Keenan không kém phần quan trọng. Họ bắt buộc phải hiểu sâu sắc về quan điểm cũng như giọng điệu của tổng thống.

Keenan sinh ra tại Chicago. Cha mẹ ông đều làm giám đốc quảng cáo. Ông từng là sinh viên Y khoa dự bị tại Đại học Northwestern với ước mơ trở thành bác sĩ chỉnh hình. Sau đó, ông chuyển sang chuyên ngành tiếng Trung Quốc, nghiên cứu quốc tế và cuối cùng là khoa học chính trị. Keenan tốt nghiệp năm 2002.

Keenan chập chững đi những bước đầu tiên trên chính trường với tư cách một thực tập sinh làm việc tại phòng văn thư của cố thượng nghị sĩ Ted Kennedy vào năm 2003 trước khi trở thành phụ tá pháp lý cho ông này. Sau một quãng thời gian làm thư ký cho Ủy ban Sức khỏe, Giáo dục, Lao động và Hưu trí, ông rời bỏ công việc trên để theo học thạc sĩ về chính sách công tại Trường Chính phủ F. Kennedy.

Mùa hè năm 2007, Keenan làm thực tập sinh dưới quyền quản lý của người viết diễn văn chính cho ông Obama khi đó là Jon Favreau trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của vị thượng nghị sĩ da màu thuộc đảng Dân chủ. Ông Keenan tiếp tục tham gia sau khi tốt nghiệp.

Tháng 6/2008, ông trở thành nhân viên chính thức phục vụ cho chiến dịch tranh cử của ông Obama. Có thể nói, Keenan chính là người sát cánh cùng Tổng thống Obama ngay từ những ngày đầu tiên, cây bút Colleen McCain Nelson từ Wall Street Journal bình luận.

Chia sẻ cảm nghĩ khi trở thành người chắp bút cho Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama, Keenan cho biết ông không thấy áp lực mà thay vào đó là một cảm giác "xen lẫn giữa hy vọng và sợ hãi". Ông đã chiến đấu với những cảm xúc này từ đầu đến cuối hành trình. Ông cũng thường xuyên phải nộp bản nháp cập nhật cho tổng thống, một biên tập viên chu đáo nhưng đòi hỏi rất cao, theo như lời Keenan miêu tả.

"Tổng thống đã viết hai cuốn sách trước khi tôi đến đây. Về khoản này thì ông ấy giỏi hơn tôi, vậy nên các góp ý luôn luôn hữu ích", Keenan, với bộ râu rậm, nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC News.

Trong khi người tiền nhiệm Favreau nổi tiếng với khả năng triển khai những diễn văn có đề tài lớn và sâu rộng cho Tổng thống Obama thì ông Keenan lại tiếp cận theo hướng gần gũi và cá nhân hơn.

"Nguyên tắc chung của tôi là nếu anh không nói được điều gì đó với bạn bè trong quán bar thì cũng đừng bắt tôi phải đưa nó vào một bài phát biểu", Keenan nói.

nguoi-chap-but-cho-cac-bai-dien-van-cua-obama-1

Keenan (trái) và Tổng thống Mỹ Obama ngày 23/7/2013 trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: White House

Tổng thống Obama từng nhận xét Keenan không chỉ "có chung tầm nhìn" với ông mà còn giúp ông "kể câu chuyện của nước Mỹ"."Cậu ấy là một cây bút xuất sắc", ông Obama nhấn mạnh.

Dù vậy, phải đến tháng 1/2013 công chúng mới chú ý tới Keenan. Khi ấy, ông được chỉ định giúp Tổng thống Mỹ Obama viết một bài phát biểu về vụ xả súng hàng loạt ở Tuscon, Arizona. Những chia sẻ đầy xúc động của ông chủ Nhà Trắng lúc đó khiến nhiều người thắc mắc ai đứng sau bài diễn văn gây ấn tượng này.

Keenan cho rằng bất cứ bài diễn văn lớn nào, nhất là Thông điệp Liên bang, đều ra đời từ sự hợp tác chặt chẽ giữa một nhóm lớn nhân viên Nhà Trắng, trong đó có cố vấn chính sách, chuyên gia nghiên cứu cùng những cây bút khác. Và người "nêm nếm" cuối cùng bao giờ cũng là tổng thống.

"Thời điểm đáng sợ nhất là lúc bạn nhấn nút gửi cho tổng thống", Keenan nói và thêm rằng ông chỉ có thể "thở phào nhẹ nhõm" khi Tổng thống Obama bước lên bục phát biểu.

Vũ Hoàng

vnexpress.net


Nữ cố vấn gốc Việt cho chính sách xoay trục của Obama

Bà Elizabeth Phú, 40 tuổi, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho Tổng thống Barack Obama thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. 
ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng

Ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng Elizabeth Phú. Ảnh: LA Times

Theo LA Times, bà Elizabeth Phú rời Việt Nam cùng gia đình đến Mỹ định cư khi mới gần 4 tuổi. Gia đình bà Phú có hai chị em gái. Mẹ bà là y tá đã nghỉ hưu, còn bố bà vẫn làm việc trong công ty tài chính đầu tiên mà ông được nhận vào từ khi sang Mỹ. 

Năm 1997, bà Phú tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành khoa học chính trị ở đại học California Berkeley, sau đó lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế Thái Bình Dương tại đại học California ở San Diego.

Bà cũng từng tu nghiệp trong vòng một năm tại học viện quân sự cấp cao Dwight D. Eisenhower.

Bà Phú là một chuyên gia về an ninh quốc gia với 15 năm kinh nghiệm phục vụ tại Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ qua hai chính quyền của cựu tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama. 

Bà phát triển và đàm phán các thỏa thuận quốc tế có tác động đến an ninh quốc gia về lâu dài. Bà chứng tỏ được khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, xử lý các tình huống khủng hoảng và điều hành nhiều chương trình lớn. 

Từ năm 2002 đến 2007, bà Phú nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trong Bộ Quốc phòng Mỹ như trợ lý chính sách NATO về Nga và Ukraine, giám đốc Các Vấn đề Đông Nam Á phụ trách phát triển chính sách quân sự của Mỹ với Singapore, Philippines, Australia, trợ lý chính sách chống phổ biến vũ khí. 

Trong gần 10 năm qua, bà là ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Á. 

Người phụ nữ gốc Việt này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ ông Obama định hình chính sách ở Đông Nam Á, một khu vực quan trọng về thương mại và liên minh chiến lược.

"Đây là ngôi nhà của lòng nhân đạo, nơi có một số nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. Và đó là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của tôi", ông Obama từng phát biểu tại Malaysia trong chuyến công du 3 nước dài 10 ngày hồi tháng 11 năm ngoái mà bà Phú là một trong số những quan chức Nhà Trắng tháp tùng. 

Với những đóng góp trên, bà nhiều lần được chính phủ Mỹ vinh danh và khen thưởng như huy chương dành cho cá nhân xuất sắc của Bộ Quốc phòng, giải thưởng cống hiến xuất sắc cho Hội đồng An ninh Quốc gia, giải thưởng ưu tú về kiểm soát tài sản nước ngoài.



Anh Ngọc

vnexpress.net

 

Nghe Tổng thống Mỹ Obama

nói chuyện nhớ về thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh


tong thong Obama

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/08/2016(Xem: 12243)
Bài thứ nhất, tôi xin ghi nhớ - Việc thị phi xin chớ móc moi- Bao nhiêu công chuyện người ngoài- Xin đừng gánh vác cho đời nặng thêm
23/08/2016(Xem: 8709)
Khí hậu mùa hè cực nóng và khô dễ gây hỏa hoạn tại nhiều tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ. Cả miền Nam và Bắc California năm nay bị cháy rừng liên tục mấy vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, thiêu rụi nhiều ngàn mẫu rừng và hàng trăm ngôi nhà. Đã có nhiều gia đình bị buộc phải di tản trước khi lửa cháy đến khu gia cư của họ. Điều khó tin là một trong các vụ cháy rừng ở miền Bắc California lại do một người đàn ông cố ý phóng hỏa. Trong khi các tin tức về Thế vận hội Olympic tại Rio, Brazil, cũng như chuyện bầu cử ở nước nọ nước kia, hay chuyện Pokémon Go… được đưa lên đầu trang các báo và đài, thì chuyện hỏa hoạn phá hoại môi sinh trong một tiểu bang bị hạn hán kéo dài, dường như chỉ là tin tức thông thường ít người quan tâm, trừ khi cơn lửa cháy đến gần khu vực của họ.
10/08/2016(Xem: 9162)
"Tự do" là một thuật ngữ ngày nay thường nghe nói đến trong mọi lãnh vực: xã hội, chính trị, luật pháp, tín ngưỡng, ngôn luận, truyền thông và cả nghệ thuật. Thế nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể tự hỏi tự do là gì, ý niệm về sự tự do phát sinh từ lúc nào trong lịch sử tiến hóa của nhân loại? Dường như trong các xã hội ngày nay ngày càng có khuynh hướng biến nó trở thành một lý tưởng, một quyền hạn thiêng liêng, như vậy thì tự do thật sự là gì, phải chăng là một thứ gì có thật?
10/08/2016(Xem: 11582)
Khổ đau là trạng thái hoặc tâm mình buồn rầu, tuyệt vọng hoặc thân mình bệnh tật không khỏe. Từ khổ tiếng Anh dịch là suffering hoặc là illbeing.
07/08/2016(Xem: 10979)
Trước đây, nhớ mùa Vu lan 2548, khi nhận lời viết bài cho một tạp chí Phật giáo, vị thầy tổng biên tập có yêu cầu tôi là làm sao đừng nói những điều người khác đã thường hay nói hoặc những việc quá cũ để tránh bị trùng lắp, được nhắc đi nhắc lại nhiểu lần , đã trở thành điệp khúc muôn thưở.
02/08/2016(Xem: 8813)
Thành công đến sớm, sự trải nghiệm còn non kém đã phần nào thay đổi một con người vốn hiền lành, dễ thương của Lâm Ánh Ngọc. Sự ngã mạn của người mang bệnh ngôi sao, bệnh thành tích, bệnh tài năng… đã khiến chị nhiều lần vấp ngã và thất bại ngay trên đỉnh vinh quang của mình. Đỉnh điểm tuyệt vọng là chị bị lừa dối tình cảm khiến niềm tin tan vỡ và gục ngã. Thế nhưng, chị rất may mắn khi có một người mẹ là Phật tử thuần thành. Từ trong vũng bùn bế tắc, tuyệt vọng, chị đã nương vào Phật pháp qua các bài giảng từ quý thầy cô và chính đạo Phật đã vực chị dậy tìm lại nguồn sống cho chính mình và những người thân, người thương.
01/08/2016(Xem: 12504)
Thư mời tham dự Đại Trai đàn cầu siêu, giải oan bạt độ, Chẩn Tế âm linh, cô hồn tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose Lễ Vu Lan 2016
01/08/2016(Xem: 6560)
Lời dạy của Đức Phật, được ghi chép lại dưới dạng Kinh, Luật, Luận. Hai ngàn sáu trăm năm đã trôi qua, bánh xe Đạo Pháp chuyển động không ngừng, dạy con người cách sống an lạc.
30/07/2016(Xem: 11261)
Quê tôi nước Việt mến yêu- Giữa mùa mưa bão cũng nhiều đau thương - Biển đông sóng cuộn từng cơn- Hoàng Sa đâu thể tách rời Trường Sa…
30/07/2016(Xem: 10582)
Mùa Vu Lan có muôn ngàn loài hoa nở, mà đẹp nhất là hoa hồng. Bởi đó là màu của tình thương yêu và hiếu hạnh. Đóa hoa nói về sự hiếu hạnh của một vị Bồ Tát là đại đệ tử của Đức Phật - Bồ Tát Mục Kiền Liên. Sự hiếu hạnh đó đã được lưu truyền cho đến hôm nay và mai sau.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]