Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 2: Các cách hiểu biết khác nhau

26/03/201615:05(Xem: 7160)
Bài 2: Các cách hiểu biết khác nhau

Các cách hiểu biết khác nhau
Upasika Kee Nanayon

co the con nguoiChúng ta phải làm thế nào để có thể quán thấy thật minh bạch năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) - tức là cả cái khối "thân-xác-tâm-thức" gây ra đủ mọi thứ khổ đau và căng thẳng - hầu giúp mình loại bỏ khỏi tâm thức mình mọi sự bám víu vào chúng? Tại sao các sinh viên y khoa hiểu biết thật rành rõi những gì bên trong cơ thể - chẳng hạn như ruột, gan, thận, v.v. - kể cả từng chi tiết một, thế nhưng không hề kinh tởm và tỉnh ngộ (disenchantment) (không suy nghĩ gì cả trước cái khối thịt, xương, máu, mủ đầy bệnh tật và khổ đau trước mặt mình)?  Tại sao lại như vậy?  Tại sao các người nhà quàn suốt ngày tẩm liệm xác chết nhưng không hề nhận biết được một chút gì khác sâu sắc hơn? Điều này chứng tỏ là có một thể loại hiểu biết sâu kín (insight) rất khó đạt được. Nếu nhìn vào các thứ ấy mà không phát huy được sự tỉnh thức (mindfulness/ tỉnh giác) và chú tâm sâu xa giúp mình quán thấy thật minh bạch những thứ ấy là gì, thì mình cũng chỉ sẽ trông thấy những gì bên ngoài. Sự hiểu biết hời hợt đó sẽ không thể thấm thật sâu vào nội tâm mình được, và tâm thức sẽ tiếp tục nắm bắt mọi thứ bám víu. 

          Trái lại, nếu tâm thức đạt được sự hiểu biết sâu sắc giúp mình buông bỏ những sự bám víu vào thân xác và tâm thức, thì nó sẽ đạt được con đường và quả đưa đến Nibbana (Niết-bàn). Điều này cho thấy là có nhiều thứ hiểu biết khác nhau. Chúng ta không cần phải biết rành rõi từng chi tiết một của cơ thể như một bác sĩ giải phẩu hiện đại ngày nay, mà chỉ cần hiểu thân xác mình gồm có bốn thành phần - đất, nước, lửa và khí - thêm vào đó là các thành phần không gian và tri thức. Nếu hiểu đúng được điều đó là cũng đủ, bấy nhiêu đó cũng thừa giúp chúng ta đạt được con đường và quả mang lại từ con đường. Trong khi đó nhiều người khác dù biết rành rõi từng chi tiết trên thân thể và thừa sức mổ xẻ một bệnh nhân, nhưng trên phương diện siêu nhiên thì họ lại chẳng đạt được một sự hiểu biết nào cả.

            Vậy chúng ta nên phân tích từng thành phần trên thân thể hầu giúp mình hiểu biết sâu xa hơn về những thứ ấy. Và nếu làm được như thế, thì mỗi khi có sự biến đổi trên thân xác (chẳng hạn như ốm đau, khỏe mạnh,bị tật nguyền, già nua,..) và trong tâm thần (buồn khổ, lo sợ, kể cả sung sướng, hạnh phúc...), thì mình cũng sẽ không quá bám víu vào những thứ ấy. Nếu không thì những sự bám víu của mình sẽ rất mạnh và dai dẳng, đưa mình đến các thể dạng hiện hữu khác trong quá trình của chu kỳ tái sinh.     

            Hiện tại là một dịp thuận lợi (được làm người và hiện đang khỏe mạnh), vậy chúng ta cũng nên quan sát thân thể mình và tìm hiểu nó thật chi tiết. Hãy sử dụng năm đối tượng thiền định căn bản: tóc, lông, móng (móng tay, móng chân), răng và da (đây là phép thiền định dựa vào sự chú tâm về 32 thành phần của cơ thể: thịt xương, máu, mủ, ruột gan,v.v, được phân chia thành 6 nhóm, và nhóm thứ nhất gồm: tóc, lông, móng, răng, da). Các bạn hãy quan sát chúng thật chăm chú, lần lượt từng thứ một. Không cần phải chú tâm vào cả năm thứ một lúc. Nếu tập trung sự chú tâm vào tóc thì các bạn sẽ nhận biết được là nó thuộc vào thành phần đất (thành phần cứng của cơ thể), chân tóc ngập trong máu và bạch huyết (lymph) bên dưới lớp da. Nó chẳng có gì hấp dẫn trên phương diện màu sắc, mùi và vị trí mà nó hiện đang có. Nếu phân tích và suy nghĩ theo cách đó thì chúng ta sẽ không bị chúng đánh lừa để mà xem đấy là là tóc "của tôi", móng "của tôi", răng "của tôi" và da của tôi (nếu diễn đạt xa hơn và nhìn thấy các sợi tóc ấy thật mượt mà, óng ả, chải khéo, vắt ngang vai..., thì lại càng bị chúng đánh lừa mình nhiều hơn nữa).

            Tất cả các thành phần của cơ thể đều được cấu tạo bởi đất hòa chung với nước, khí và lửa (thành phần nước gồm có: máu huyết, nước mắt,chất nhờn, nước miềng, nước tiểu...; khí: hơi thở, các chỗ trống trong cơ thể..; lửa: hơi ấm). Nếu chúng chỉ đơn thuần là đất thì không thể hiện hữu và tạo ra được gì cả (một hiện tượng chỉ có thể hiện hữu bằng cách liên kết với các hiện tượng khác), bởi vì mỗi thành phần của cơ thể phải gồm tất cả bốn thứ ấy (một thể dạng cấu hợp),thì chúng mới tạo ra được một thân thể (thân thể cũng là một sự cấu hợp nhưng ở một cấp bậc khác). Ngoài ra lại còn có thêm hiện tượng tâm thần, tức tâm thức, giữ vai trò chỉ huy. Chúng là những thứ hiện ra đúng với quy luật thiên nhiên - tức là các hiện tượng vật lý và tâm thần: hiện ra, đổi thay và biến mất - thế nhưng chúng ta thì cứ nắm bắt lấy chúng và xem thân xác là "của mình", các hiện tượng tâm thần (tư duy, xúc cảm) là "của mình". Chúng ta tin rằng tất cả là của mình, nhất thiết là của mình. Vậy nếu không biết suy nghĩ khi nhìn vào các thứ ấy hầu nhận thấy chúng đúng với bản chất của chúng là như thế, thì chúng ta sẽ khó tránh khỏi bám víu vào chúng.

            Tóm lại thiền định cũng chỉ là: nhìn thấy thật minh bạch mọi sự vật đúng với chúng là như thế, nhưng không có nghĩa là chuyển hết chủ đề này sang chủ đề khác, bởi vì đấy chỉ đơn giản là cách khiến mình chẳng học hỏi được gì cả. Thế nhưng bẩm tánh của mình, dưới sự chi phối của vô minh và ảo giác, thường khiến mình không chịu quán xét cẩn thận, mà chỉ tìm cách tạo ra thêm đủ mọi thứ vấn đề mang lại các khó khăn khác mà thôi, vì thế nên chúng ta liên tục suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia. Đấy là cách cho thấy tại sao chúng ta luôn sống trong tình trạng vô minh và đần độn.

            Vậy thì tại sao chúng ta lại cứ muốm tìm hiểu thật nhiều thứ? Chẳng qua là vì những thứ ấy phù hợp với các sự thèm muốn của mình. Khi nào trông thấy minh bạch được các sự vật đúng với chúng chỉ là như thế, thì khi đó mới mong buông bỏ được mọi sự thèm muốn (craving/nắm bắt, bám víu, thèm khát) của mình, bởi vì sự thèm muốn luôn tìm cách che đậy không cho mình trông thấy hiện thực là gì. Những sự thèm muốn ấy biến đổi không ngừng, liên tục mang lại sự mới mẻ, và mỗi lần như thế thì lại giăng ra thêm các bẫy mới, khiến mình liên tục bị đánh lừa, và cuối cùng thì chỉ biết tìm hiểu và suy nghĩ về những thứ mang lại thêm hoang mang và khổ đau cho tâm thức mà thôi. Và đấy cũng là những gì mà sự thèm muốn cố tình tạo ra cho mình. Do đó mọi nỗ lực loại bỏ hoang mang và khổ đau cho tâm thức luôn là một hình thức đi ngược lại với sự thèm muốn (tức gây ra chướng ngại và phiền toái cho sự thèm muốn khiến đưa đến một sự bất toai nguyện nào đó. Nói một cách khác là  tìm cách loại bỏ hoang mang và khổ đau trong tâm thức là một cách gián tiếp ngăn chận và đè nén sự thèm muốn. Sự nghịch lý hay mâu thuẫn kín đáo đó càng làm gia tăng thêm sự hoang mang và khổ đau cho tâm thức mà thôi. Sự thèm muốn bị đè nén sẽ biến dạng qua nhiều hình thức xúc cảm khác nhau mà mình không ý thức và chủ động được. Do đó nếu muốn loại bỏ khổ đau và hoang mang thì phải nhìn thẳng vào sự thèm muốn của mình để hóa giải các nguyên nhân sâu xa nhất tạo ra nó).

            Đấy là nguyên nhân tại sao tâm thức lại luôn tìm cách chuyển sang các thứ khác để tìm hiểu, để rồi bị đánh lừa, và đấy cũng là nguyên nhân cho thấy tại sao tâm thức lại cứ liên tục nắm bắt hết thứ này đến thứ khác. Vậy, khi nào tâm thức không còn hiểu được chính nó nữa, thì các bạn phải phát huy một sự cố gắng đúng thật hầu nhận thấy những gì bên trong tâm thức (các cảm nhận, tư duy, xúc cảm, các sự tạo tác tâm thần) không phải là "mình" và cũng không phải là "của mình" (ý nghĩa của câu này đáng để suy tư và thiền định, hầu ứng dụng vào cuộc sống thường nhật của mình. Mỗi khi hoang mang, lo sợ, giận dữ, thèm khát, mong cầu, hy vọng, kể cả hân hoan, hạnh phúc... bùng lên thì hãy nghĩ đến chúng không phải là "mình", cũng không phải là "của mình" và không để cho chúng sai khiến và chỉ huy mình. Chúng chỉ là những thứ tạo tác tâm thần phát sinh từ sự vận hành của vô minh trong tâm thức mình mà thôi). Không nên để cho tâm thức mù tịt về sự hiểu biết sự thật ấy, và phải xem sự thật đó như một quy luật bên trong chính mình (có nghĩa là phải luôn tự nhắc nhở mình là những gì xảy ra trong tâm thức - các cảm nhận, xúc cảm, cảm tính... - không phải là "mình" cũng không phải là "của mình", mà chỉ là các "hiện tượng" dù ở bên trong nội tâm mình nhưng cũng không khác gì các hiện tượng khác thuộc môi trường bên ngoài: tức là tất cả đều hiện ra, đổi thay và biến mất)! Nếu tâm thức không nắm vững được sự thật về vô thường, khổ đau và vô ngã bên trong chính nó (vô thường, khổ đau và vô ngã không phải là chỉ đối với các hiện tượng bên ngoài mà đối với cả tư duy, xúc cảm và các sự tạo tác tâm thần bên trong tâm thức mình), thì nó sẽ không sao loại bỏ được khổ đau cho chính nó. Sự hiểu biết của nó chỉ là sự hiểu biết thường tình, và nó cũng chỉ biết bước theo con đường thường tình đó của thế giới. Nó không trông thấy được con đường và quả mang lại từ con đường hầu giúp nó đạt được Nibbana(Niết-bàn).

            Chính đấy là chỗ khác biệt giữa những gì của thế giới thường tình và những gì thuộc thể dạng siêu nhiên (the transcendent). Nếu các bạn hiểu được vô thường, sự bất toại nguyện (khổ đau) và vô ngã (không có "cái tôi" hay "linh hồn") ở một cấp bậc sâu sắc nhất của chúng, thì đấy chính là thể dạng siêu nhiên. Nếu các bạn chưa thấu triệt được từng chi tiết thật tinh tế của chúng thì các bạn vẫn còn ở vào cấp bậc của thế giới thường tình.

            Đức Phật đưa ra rất nhiều bài thuyết giảng, thế nhưng Ngài luôn quay về những gì trên đây. Nguyên tắc căn bản nhất trong việc tu tập là bốn nền tảng của sự tỉnh giác (tức là ý thức được bốn thành phần tạo ra một cá thể gồm đất, nước, lửa và khí)  và Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế), thế nhưng tất cả cũng chỉ xoay quanh các đặc tính vô thường, bất toại nguyện (khổ đau) và vô ngã(không có "cái tôi").  Dù có ra sức tìm hiểu thật nhiều nguyên lý (các nguyên tắc, giáo lý...) thì cuối cùng mình cũng không thể hiểu minh bạch được "sự thật" đúng với nó. Tóm lại, thay vì cố gắng tìm hiểu thật nhiều thì chỉ nên chú tâm tìm hiểu thật ít, cuối cùng nhất định các bạn sẽ đạt được một sự quán thấy sâu sắc và đúng đắn. Chỉ vì muốn biết thật nhiều nên người ta bị đánh lừa (càng tham lam càng dễ bị lầm lẫn). Chúng ta chạy theo hết sự hiểu biết lầm lẫn này đến sự hiểu biết lầm lẫn khác, suy nghĩ đủ mọi thứ và dán lên cho chúng các nhãn hiệu (các dòng chữ) đủ loại, trong khi đó nếu đạt được sự hiểu biết tập trung và chuyên biệt, thì sự hiểu biết ấy tất sẽ mang tính cách tuyệt đối (absolute/hoàn hảo, toàn diện, trọn vẹn). Sự hiểu biết này là một sự hiểu biết thường xuyên hướng thẳng vào một thứ duy nhất. Không bắt buộc phải hiểu biết thật nhiều thứ, chỉ cần hiểu biết thật tường tận một thứ là cũng đủ, mọi thứ khác rồi cũng sẽ tập trung vào đấy (chằng hạn chỉ cần quán thấy được vô thường thật sâu sắc thì chúng ta cũng có thể quán thấy được toàn thể thế giới hiện tượng này).

Vài lời ghi chú của người dịch

            Mỗi khi nhìn vào bất cứ một sự vật hay một hiện tượng nào thì hành động ấy tất sẽ mang lại cho chúng ta một sự "hiểu biết". Sự "hiểu biết" đó thường xảy ra một cách tự động tương tự như một "phản ứng" theo "thói quen". Sự "hiểu biết" đó có vẻ rất tự nhiên và hợp lý, khiến mình không hề thắc mắc hay tìm hiểu xem "ý nghĩa" của nó là gì, từ đâu phát sinh ra nó?  Sự "hiểu biết" ấy thật ra được hình thành từ một quá trình vận hành rất phức tạp trong tâm thức mình. Dù rằng chúng ta nhìn vào một hiện tượng bên ngoài đơn giản bằng đôi mắt, thế nhưng trên thực tế tâm thức tiếp nhận hình ảnh của hiện tượng đó xuyên qua rất nhiều lăng kính khác nhau, tương tự như một chiếc máy chụp hình ghi nhận quang cảnh bên ngoài xuyên qua ống kính của nó gồm nhiều lăng kính ghép lại với nhau.

            Một trong các lăng kính ấy của tâm thức - và cũng có thể là quan trọng nhất - là lăng kính biểu trưng cho tổng thể nghiệp quá khứ của mình, sau đó là các lăng kính khác như giáo dục, các kinh nghiệm cảm nhận trong cuộc sống của mình, và sau hết là các lăng kính phản ảnh xung năng và xu hướng của các thứ bản năng. Hành động "nhìn" xuyên qua các lăng kính trên đây có thể mang lại cho mỗi cá thể nhiều sự hiểu biết khác nhau.

            Chẳng hạn như trong một cửa hàng ăn, người hầu bàn mang ra cho mình một đĩa thức ăn nóng hổi, khói và mùi thơm bốc lên, rau và thịt rất hấp dẫn, mình vớ ngay đôi đũa để gắp. Mùi thơm, các miếng rau vừa chín tới, các miếng thịt nhiều nạc cắt dầy, nước sốt thật sánh, v.v.... là những "sự hiểu biết thông thường" mang tính cách tự động và theo thói quen. Thức ăn ngon, mang lại thích thú, vừa miệng, sự bổ dưỡng...nói lên một sự "thỏa mãn" hay "sung sướng" nào đó là "sự hiểu biết phát sinh từ sự suy nghĩ".

            Thế nhưng tâm lý học Phật giáo còn nêu lên một thể loại hiểu biết nữa gọi là "trí tuệ", vậy trước đĩa thức ăn, chúng ta sẽ trông thấy và đạt được một sự hiểu biết như thế nào qua lăng kính của trí tuệ?  Trên nguyên tắc sự hiểu biết đó cũng không phải là khó để đạt được nó, thế nhưng các "sự hiểu biết thông thường" và "phát sinh từ sự suy nghĩ" chi phối bởi vô minh và bản năng, thường che khuất nó khiến chúng ta khó nhận biết được nó. Mùi thơm, khẩu vị và sự thỏa mãn của bản năng, che khuất máu mủ trong miếng thịt và hình ảnh của một lưỡi dao sắc cắt ngang từng thớ thịt của miếng thịt ấy, khiến chúng ta không trông thấy được sự khổ đau của một chúng sinh đang phơi bày trong đĩa thức ăn trước mặt mình. Nếu điều chỉnh ống kính trong tâm thức đúng đắn và ý thức thì chúng ta sẽ quán thấy được sự thật đó. Khi nào "sự hiểu biết của trí tuệ" hiện lên với mình thật minh bạch, thì hai thứ "hiểu biết thông thường" và "mang lại từ sự suy nghĩ" sẽ không còn che khuất hay đánh lừa được nó nữa.

            Trên đây là những gì mà Bà Upasika Kee Nanayon muốn nêu lên về các cách hiểu biết khác nhau trong bài thuyết giảng của Bà. Ngoải ra Bà cũng còn cho biết thêm là không cần phải biết thật nhiều mà chỉ cần biết thật ít cũng đủ để mang lại cho chúng ta những hiểu biết thâm sâu, hoàn hảo và hữu ích. Vậy câu này có nghĩa là gì?

            Ống kính của máy chụp hình gồm nhiều lăng kính kết hợp với nhau thành từng nhóm với các khoen điều chỉnh giúp chúng ta có thể chụp các quang cảnh thật rộng, thật xa hay thật gần, hặc chụp từng chi tiết thật nhỏ, chẳng hạn như một cánh hoa bé xíu, một con sâu, v.v. Tâm thức với khả năng chú tâm của nó cũng vậy, có thể giúp chúng ta tập trung vào một chi tiết, hay một khía cạnh nào đó của thế giới hiện tượng, chẳng hạn như hướng vào sự khổ đau của một chúng sinh qua một miếng thịt trong một đĩa thức ăn. Với mục đích làm sáng tỏ hơn sự kiện trên đây, chúng ta có thể nêu lên thêm một thí dụ khác mang tính cách mở rộng hơn.

            Chẳng hạn như khi thoáng thấy bóng dáng của một đứa bé trên hè phố, thì tự động tâm thức mình điều chỉnh "ống kính" bên trong nó hướng vào đứa bé giúp mình trông thấy đứa bé rõ ràng hơn. Thế nhưng "ống kính" trong tâm thức của mỗi cá thể đều khác nhau, do đó sự hiểu biết xuyên qua các ống kính ấy cũng sẽ viết lên các dòng chữ với ý nghĩa khác nhau trên dòng tri thức của mỗi cá thể. Thí dụ một người phụ nữ có thể nhìn thấy áo của đứa bé rách ở vai và tự hỏi sao mẹ nó không vá cho nó, tóc nó bẩn và bù xù, sao mẹ nó không gội và chải tóc cho nó. Một người khác đi ngang trông thấy đứa bé và sờ vào túi quần xem ví tiền của mình còn hay mất. Một người khác nữa trông thấy đôi mắt của nó cũng sáng sủa, miệng bé xíu và đôi gò má xinh xinh, và nghĩ rằng có thể dụ dỗ nó và tim cách giao du tính dục với nó, v.v.

            Thế nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy đứa bé như là một chúng sinh đáng thương, các thứ bệnh tật, già nua và cái chết đang chờ đợi nó. Sự hiểu biết đó tuy đơn giản thế nhưng nếu được phát huy một cách thật sâu sắc trong tâm thức mình thì nó cũng có thể viết lên những dòng chữ thật đậm nét trong lòng mình, khiến mình bước vào một cửa hiệu mua cho nó một chiếc kẹo hay một cái bánh, và không nghĩ rằng nó sẽ móc túi mình, hay là mình sẽ dụ dỗ và hãm hiếp nó.

            Những gì trên đây cho thấy trước một đối tượng duy nhất, cũng có thể có nhiều cách hiểu biết khác nhau, và cũng chỉ cần một sự hiểu biết "hướng vào một thứ duy nhất" - sự khổ đau của một chúng sinh chẳng hạn - cũng đủ mang lại cho mình một sự quán thấy thật bao la, mở rộng con tim và cả trí tuệ của mình, giúp mình vượt lên trên tất cả những sự hiểu biết khác.  

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 16.03.16

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/09/2023(Xem: 6556)
Lời nói đầu Bồ tát Quảng Đức, người con linh thiêng của “Non Nước Khánh Hòa” đã đi vào lịch sử như một huyền thoại với trái tim bất diệt. Hơn hai ngàn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, có lẽ Ngài Quảng Đức là trường hợp hy hữu được tôn xưng lên hàng Bồ tát, điều đó nói lên vị trí độc sáng của Ngài trong thiền sử.
26/08/2023(Xem: 2513)
Ngày lại qua ngày, bình minh lên rực rỡ, hoàng hôn xuống đìu hiu. Nước vẫn chảy về đông nhưng vòng tuần hoàn chưa bao giờ gián đoạn. Đời vẫn sanh diệt liên lỉ, dù có thô tháo bạo liệt hay dịu êm lặng lẽ. Ta vẫn còn nơi này nhưng đang trên đường đi đến điểm cuối của vòng đời. Đến để rồi đi, đi để mà đến, dòng sanh tử luân hồi chưa từng dừng dù chỉ một sát na.
26/08/2023(Xem: 2560)
Khí trời còn nóng lắm nhưng không khí mùa hội hiếu đã chớm sang, âm hưởng tháng bảy đã vọng trong hồn. Tự dưng y nghĩ đến chùa chiền mà lòng lay động, dường như trong tâm có lời thì thầm: “Thế là lại đến mùa báo hiếu!”. Y vốn nhiễu sự mà, lòng vừa nghĩ thế thì thằng Ý chọt liền: - Báo hiếu mọi ngày, ngày nào chẳng là ngày hiếu, hà cớ gì phải đợi đến tháng bảy mới báo hiếu?
23/08/2023(Xem: 1976)
Trong một xã hội tự do, văn minh, tiến bộ, sự khác biệt ý kiến, chính kiến là phản ảnh của một chế độ dân chủ và cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Hiến pháp của bất kỳ quốc gia văn minh nào cũng đều bảo vệ quyền phát biểu ý kiến trong hòa bình (bất bạo động) của tòan thể công dân. Còn đối với các dân biểu, thượng nghị sĩ, họ được quyền bất khả xâm phạm khi phát biểu mọi ý kiến, dù là chống đối lại đảng cầm quyền, tổng thống, thủ tướng đương nhiệm. Giả dụ ngày mai đây, một dân biểu hay một thượng nghị sĩ, một nhà nhà báo, một công dân nào bị bắt vì có ý kiến ngược lại tổng thống thì Hoa Kỳ đã biến thành một quốc gia độc tài và nền dân chủ Hoa Kỳ chết ngay từ lúc đó.
20/08/2023(Xem: 3921)
CHÙA PHẬT LINH 248A Quốc lộ 51, Xã Tân Hòa Thị xã Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Điện thoại: 0254 – 3891583 Email: [email protected] Website: WWW.chuaphatlinh.com Facebook: facebook.com/Chùa Phật Linh Youtube: Thích Hạnh Định Đường nối kết trang youtube https://www.youtube.com/channel/UCXkVoGAVPcN6tvFJyH2LnKg/videos Biên soạn Tỳ kheo Thích Hạnh Định
17/08/2023(Xem: 2703)
(Đèo Rọ Tượng nằm cách Thị trấn Ninh Hoà khoảng 10km, cách Đèo Rù Rì Nha Trang chừng 17km. Xưa, đèo này nằm giữa ranh giới của 2 huyện Ninh Hoà và Vĩnh Xương. Nay là giữa 2 xã Ninh Ích và Ninh Lộc đều thuộc huyện Ninh Hoà. Dưới chân đèo hướng Nha Trang thuộc về thôn Phú Hữu, còn chân đèo hướng Ninh Hoà thuộc về thôn Tân Thuỷ. Thuở xưa xa, vùng rừng đèo này còn thâm u hoang dã, nhiều muông thú, trong đó có nhiều đàn voi sinh sống, người dân thường làm rọ săn bắt bẫy voi, nên được gọi là Rọ Tượng.)
17/08/2023(Xem: 2390)
Kính chia sẻ hình ảnh Ngày Tu Học chủ đề: ''Nuôi Dưỡng Bồ Đê Tâm'' được tổ chức vào ngày thứ Bảy 12 Aug 2023 tại Chùa Dược Sư (gần Đàn Nam Giao) Đường Minh Mạng TP Huế. - Chân thành cảm niệm Công Đức chư Tôn đức tại Huế, đặc biệt là Ni Sư Thích nữ Thuần Châu, Phật tử Tâm Bảo, PT Quảng Duyên, PT Liên, Tiên, nhóm thiện nguyện & quý Phật tử trong ban hộ trì Tam Bảo chùa Dược Sư đã nhiệt tâm hỗ trợ, tạo duyên lành cho thầy Như Nhiên TTT & Tăng đoàn THEO DẤU NHƯ LAI có cơ hội chia sẻ giáo pháp, ngồi quây quần bên nhau trong những giây phút thân tình và thiền vị, ấm áp tình huynh đệ, tăng thân.. Chân thành cảm ơn toàn thể Phật tử, hành giả đã tham dự và hỗ trợ cho Khóa tu được thành tựu Thập phần viên mãn.. - Kính chúc tất cả luôn tinh tấn, an vui trong Chánh Pháp Như Lai.. Sadhu, sadhu, Lành thay!!
17/08/2023(Xem: 1840)
(Viêt từ cảm hứng “Cõi Phật Đâu Xa” của Đỗ Hồng Ngọc) Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh, Ngoài hư không có dấu chim bay? Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ, Thắp tâm tư thay ánh mặt trời.
17/08/2023(Xem: 3259)
Phong Điền và Quảng Điền là 2 vùng đất có nhiều người mù và tàn tật nhất của tỉnh thừa thiên Huế, chúng tôi không rõ nguyên nhân vì sao rất nhiều bà con ở đây rơi vào tình cảnh bi thương như thế. Có một vài chia sẻ của cư dân vùng này cho biết rằng phần nhiều họ là nạn nhân của loại chất độc màu Da Cam... Chiến tranh đã để lại những vết tích thật buồn trên thân phận con người.. - Xin tường trình một vài hình ảnh buổi từ thiện trao quà tặng những người Mù tại Hội người Mù Phong Điền và bà con nghèo Làng Phú Lễ- Thừa Thiên Huế (Thành phần quà tặng gồm có Gạo, thùng Mì, nhu yếu phẩm Dầu ăn, đường, bôt nêm vv.. trị giá 350ngàn VND VÀ một phong bao 150VND. Tổng trị giá mỗi phần quà là 500VND - Tặng cho hai nơi là 300 hộ.
14/08/2023(Xem: 3160)
Phật Giáo Lịch sử - Xã hội - Con người
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]