Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 1: Làm thế nào để phát huy sự nhận định

26/03/201614:48(Xem: 6472)
Bài 1: Làm thế nào để phát huy sự nhận định
Bài 1
 
Làm thế nào để phát huy sự nhận định
            Thật hết sức quan trọng là chúng ta phải bàn bạc với nhau về việc luyện tập tâm thức tuần tự theo từng bước một, bởi vì tâm thức mình biết đủ mọi cách lắc léo để tự lừa dối nó. Nếu thiếu cảnh giác, không kịp thời nhận biết được những sự lừa lọc đó, thì quả hết sức khó cho các bạn tránh khỏi cái bẫy do chúng giăng ra, dù cho các bạn luôn giữ được tâm thức mình thật tỉnh giác đi nữa. Các bạn cần phải cố gắng thật nhiều hầu giúp mình thường xuyên hướng sự chú tâm vào những thứ lắc léo ấy. Sự tỉnh giác (mindfulness/tỉnh thức) đơn thuần không đủ sức làm hiện lên sự hiểu biết đích thật; khá lắm là nó chỉ có thể mang lại cho các bạn một chút bảo vệ nào đó trước các tác động dồn dập gây ra bởi các sự tiếp xúc của giác cảm. Nếu các bạn không phát huy được một sự suy tư sâu sắc thì tâm thức sẽ không sao có đủ khả năng làm hiện lên bên trong nó bất cứ một sự hiểu biết nào.
            Đấy chính là lý do tại sao các bạn phải luyện tập giúp mình luôn tỉnh thức (cảnh giác/present/aware) trước những gì xảy ra chung quanh mình. Do đó mỗi khi các bạn hiểu được một thứ gì đó đúng thật với chính nó, thì khi đó các bạn cũng sẽ hiểu rằng chỉ còn cách là buông bỏ nó, buông bỏ nó thế thôi. Bước đầu tiên, chuyện đó cũng chỉ có nghĩa là tâm thức không để cho một ý nghĩ dại dột hay vô ích nào dấy lên. Tâm thức chỉ cần đơn giản dừng lại để quan sát, hầu giúp nó ý thức được về chính nó một cách minh bạch và thường xuyên. Tuy nhiên nếu các bạn bắt buộc phải suy nghĩ về một chuyện gì đó, thì hãy hướng sự suy nghĩ ấy vào các chủ đề vô thường (inconstancy/phù du, bất định), bất toại nguyện (stress/khổ đau) và vô thực thể (not-self/ảo giác). Thật hết sức quan trọng là chỉ để cho tâm thức nêu lên những gì liên quan duy nhất đến các thể loại chủ đề trên đây (vô thường, khổ đau, ảo giác), nếu cách suy nghĩ và các dòng chữ do tâm thức viết ra mang tính cách đúng đắn thì các bạn cũng sẽ trông thấy mọi sự vật một cách đúng đắn. Nếu các bạn hướng theo chiều ngược lại, thì tư duy các bạn sẽ rơi vào sự sai lầm, và cũng có nghĩa là các bạn trông thấy mọi sự vật một cách sai lầm. Đấy là cách mà tâm thức bị che lấp bởi chính nó.       
            Trái lại, mỗi khi tư duy và các thứ nhãn hiệu (các dòng chữ, tiếng nói) hiện lên trong tâm thức và nếu các bạn biết tập trung sự chú tâm của mình hầu quan sát chúng, thì các bạn sẽ nhận thấy ngay chúng chỉ là các sự cảm nhận - tức là các giác cảm hay cảm tính - hiện ra và tan biến đi, và chúng cũng chỉ là những thứ gì đó luôn ở trong tình trạng biến đổi, phù du và ảo giác. Nếu không chăm chú quan sát chúng và tập trung tất cả sự chú tâm của mình vào chúng thì các bạn sẽ rơi vào cái bẫy do các tư duy giăng ra (khi quan sát và theo dõi thật chú tâm thì mình sẽ nhận ra các cảm tính - cảm nhận hay cảm biết - không phải là thành phần của tâm thức mình, cũng không phải là mình, do đó nếu xao lãng và nghĩ rằng đấy là mình, thì tức khắc các cảm tính hay cảm nhận ấy sẽ sai khiến mình, đày đọa mình và không khỏi mang lại khổ đau cho mình: đó là cái bẫy do tư duy giăng ra). Nói một cách khác, tâm thức sẽ làm phát sinh ra (làm dấy lên) các kỷ niệm của quá khứ (tức là các nghiệp phù hợp với các cảm nhận và các cảm tính đang hiện lên trong tâm thức mình) và gây cho mình mọi chuyện khó khăn liên hệ với quá khứ, thế nhưng nếu ý thức kịp thời những gì đang xảy ra, thì các bạn cũng sẽ hiểu rằng những thứ ấy cũng chỉ là ảo giác. Chẳng có gì là thật một cách tuyệt đối bên trong các tư duy ấy cả. Điều này cũng đúng đối với các sự diễn đạt - thích thú hay khó chịu - mà tâm thức tạo ra mỗi khi có sự tiếp xúc của các cơ quan giác cảm đối với các đối tượng của chúng: nếu quan sát thật cẩn thận và thật chú tâm thì các bạn sẽ thấy ngay rằng chúng chỉ mang tính cách lừa đảo (không thật, không đúng là như thế). Bên trong chúng chẳng có gì là thật cả. Thế nhưng vô minh và sự hiểu biết sai lầm thì lại cứ bám vào chúng ­(xem chúng là của mình) khiến cho tâm thức cứ thế mà chạy quanh (không thật, thế nhưng tâm thức thì lại cho là thật, khiến nó cứ thế mà chạy theo để đuổi bắt, để rồi rước lấy hết thất vọng nọ đến thất vọng kia), nói một cách khác là khiến cho tâm thức chẳng còn hiểu đầu đuôi gì nữa cả. Nó không hiểu được tại sao các thứ ấy lại hiện ra, hiện hữu được một lúc, rồi biết mất đi - khiến nó chỉ biết ra sức nắm bắt các thứ ấy, để rồi không ngừng bị chúng lừa phỉnh. Nếu không biết dừng lại để quan sát mọi sự vật thật cẩn thận bằng cách tập trung tất cả sự chú tâm của mình, thì các bạn sẽ không sao có thể quán thấy được sự thật bên trong tất cả các hiện tượng đó (vô thực thể, ảo giác và phù du).
            Thế nhưng nếu tâm thức duy trì được một thể dạng thăng bằng, hoặc dừng lại trong tư thế đó để quan sát và tìm hiểu sự vận hành của chính nó, thì nó sẽ quán nhận được các thứ ấy (các hiện tượng tâm thần) thật sự là gì. Khi tâm thức đã quán thấy được chúng một cách minh bạch, thì tự động nó có thể buông bỏ chúng một cách dễ dàng, không một chút thương tiếc. Đấy chính là sự hiểu biết phát sinh từ sự chú tâm đích thật (mindfulness/sự tỉnh giác hay tỉnh thức) và sự nhận định: có nghĩa là tâm thức đã hiểu biết và buông bỏ, nó không còn nắm bắt bất cứ một thứ gì. Dù cho bất cứ gì xảy đến, tốt hay xấu - thích thú hay đớn đau - nhưng một khi tâm thức đã đạt được sự hiểu biết đó, thì nó sẽ không nắm bắt bất cứ gì nữa cả. Khi tâm thức không còn bám víu vào bất cứ gì, thì cũng sẽ không còn xảy ra một sự căng thẳng hay khổ đau nào nữa. Phải ghi khắc trong tâm điều này: khi nào không còn nắm bắt bất cứ gì thì tâm thức sẽ giữ được thể dạng "bình thường" của nó, tức là trống không, không xao động, thanh thản và im lặng. Thế nhưng nếu tâm thức không hiểu được chính nó (không đọc được các dòng chữ hiện lên bên trong nó), không nhận biết được cách thức mà nó phải làm, thì nó sẽ bị đánh lừa bởi các sự bám víu và thèm khát (tức là các độc tố tâm thần) của chính nó. Nếu không hiểu biết đúng đắn được chính nó - tức không hiểu được tại sao các thể dạng tâm thần lại dấy lên và tan biến, và tại sao nó lại bám víu vào các đối tượng tâm thần của chính nó -  thì sẽ khiến nó mất hết định hướng trước vô số những gì mà nó đang bám víu (có nghĩa là phải buông bỏ những gì hiện lên trong tâm thức vì đấy chỉ là các tạo tác tâm thần, và không nên bám víu vào các cảm nhận và các cảm tính mang lại từ các giác cảm) .
            Thật vậy không có gì khó hơn là việc canh chừng tâm thức, chẳng qua vì nó rất sở trường trong việc làm dấy những ý nghĩ và quan điểm sai lầm. Đấy cũng là những gì ngăn chận không cho tâm thức tự tìm hiểu được nó. Thế nhưng nhờ giáo huấn của Đức Phật chúng ta có thể lột trần được sự vận hành của tâm thức, hiểu biết được tri thức với tất cả chiều sâu và những sự khúc mắc của nó, và khi nào đã nhận biết được chúng một cách thật sâu sắc, thì khi đó các bạn cũng sẽ nhận thấy chúng chỉ là rỗng tuếch, hoàn toàn không mang một ý nghĩa nào cả.
            Đấy là Tánh Không hiện ra thật minh bạch trên dòng tri thức. Dù nó có sâu kín đến đâu đi nữa, nhưng nếu biết quay nhìn vào nội tâm mình với tất cả sự tĩnh lặng và bình thản (tức không để cho một xúc cảm hay tác ý nào dấy lên), thì chúng ta cũng sẽ chọc thủng được sự sâu kín đó của nó. Tâm thức chỉ cần dừng lại để quan sát, và tìm hiểu những gì bên trong nó. Tâm thức khi đó sẽ không còn để tâm đến các sự tiếp xúc giác cảm - các đối tượng thị giác, thính giác, vị giác, v.v. - bởi vì tất cả sự chú tâm của nó đã được hướng vào thể dạng tri thức tinh khiết và đơn sơ để tìm hiểu những gì đang hiện ra bên trong nó, và nó thì tạo ra các khó khăn (khổ đau) như thế nào. Các giác cảm, tư duy và các dòng chữ nói lên sự thích thú, đớn đau, v.v..., tất cả cũng chỉ là các hiện tượng thiên nhiên, và ngay vào lúc vừa cảm nhận được chúng thì chúng cũng đã bắt đầu biến đổi khác đi - quả chúng hết sức là tinh tế. Nếu xem chúng là quan trọng, liên hệ đến cảnh huống này hay cảnh huống khác, thì nhất định các bạn sẽ không sao hiểu được bản chất đích thật của chúng là gì. Nếu càng gán cho chúng một ý nghĩa phức tạp, thì các bạn càng bị lạc hướng xa hơn - có nghĩa là rơi vào vòng lẩn quẩn của sự tái sinh.
            Chu kỳ tái sinh và quá trình hình thành của tư duy cũng chỉ là một thứ (câu này vô cùng quan trọng: các tư duy xô đẩy và tiếp nối nhau hiện ra trong tâm thức cũng chính là chu kỳ tái sinh của một cá thể trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức mình: một đơn vị tri thức "chết đi" sẽ làm "phát sinh" ra một đơn vị tri thức mới, thừa hưởng các vết hằn của nghiệp từ đơn vị trước nó). Do đó chúng ta tiếp tục chạy quanh bất tận, không phải chỉ là bên trong một thể dạng tạo dựng tâm thần (formation mentale/thought formation) duy nhất, mà là trùng trùng điệp điệp các thể dạng tạo dựng tâm thần khác nhau (sự tạo dựng tâm thần này làm phát sinh ra sự tạo dựng tâm thần khác, chạy theo các sự tạo dựng đó phản ảnh sự tái sinh liên tục của mình, tương tự như sự chấm dứt của đơn vị tri thức này sẽ làm nguyên nhân đưa đến sự hình thành của một đơn vị tri thức khác, và cứ tiếp tục như vậy cho đến vô tận). Sự quán thấy giúp mình hiểu được con tim và tâm thức mình không sao có thể phát hiện được, bởi vì nó bị vướng mắc và quay tròn bên trong cơn lốc của những thứ tạo dựng tâm thần, nó chỉ biết tìm cách gán một ý nghĩa nào đó cho chúng để mà nắm bắt chúng thế thôi. Nếu nó cho rằng ý nghĩa của các sự tạo dựng tâm thần nào đó là tốt thì nó sẽ bám víu vào chúng và cho rằng đấy là các tư duy tốt; nếu nó quyết định đấy là những gì đau đớn thì nó cũng cứ bám víu vào đấy và xem đấy là các tư duy đau đớn. Chính vì thế  nên tâm thức lúc nào cũng vướng vào vòng xoay vần của sự tái sinh, tức là chu kỳ tiếp nối của tư duy (xin lưu ý đây cũng là tư tưởng của nhà sư Buddhadasa Bhikkhu và sau đó là của vài học giả Phật giáo Tây Phương, trong số này có Stephen Batchelor thiền sư người Anh: luân hồi và sự tái sinh xảy ra trong từng giây phút một bên trong tâm thức của chính mình).
            Nếu muốn trông thấy các điều này thật minh bạch thì phải cố gắng dừng lại và quan sát, dừng lại để hiểu biết mọi sự vật đúng đắn hơn, chính xác hơn (dừng lại ở đây có nghĩa là không chạy theo các tư duy và các sự diễn đạt của nó dưới hình thức các xúc cảm đủ loại, quan sát ở đây có nghĩa là tìm hiểu sự vận hành của quá trình tư duy làm phát sinh ra xúc cảm, tức là "đọc" các dòng chữ do tư duy "viết" ra trên dòng tri thức của mình). Đồng thời cũng phải tận dụng khả năng quan sát của mình. Đó là cách giúp các bạn đọc được các dòng chữ bên trong tri thức mình theo một đường hướng nhất định. Nếu chỉ biết nắm bắt các thứ khó khăn bùng lên từ tư duy và các dòng chữ, thì chúng sẽ khiến các bạn xoay vần bất tận với chúng. Do đó các bạn phải dừng lại để quan sát, dừng lại để ý thức thật minh bạch những gì đang là như thế, bằng cách tập trung thật mạnh vào tri thức đang đứng ra chi phối tất cả mọi thứ. Đấy là cách giúp cho sự hiểu biết trở nên đúng đắn và ngay thẳng (trên đây tác giả cho biết là tâm thức mình rất lắc léo và luôn tìm cách đánh lừa chính nó, khi đã trông thấy được nguyên nhân chi phối mọi thứ trong tâm thức mình thì sự hiểu biết của mình cũng sẽ trở nên đúng đắn và ngay thẳng hơn, không còn tự đánh lừa nó nữa).
            Cuối cùng, các bạn sẽ thấy rằng chẳng có một thứ gì cả - tất cả cũng chỉ là những hiện tượng, hiện ra và tan biến trong từng khoảnh khắc một trong sự trống không. Nếu không có sự bám víu nào thì cũng sẽ không xảy ra một vấn đề khó khăn nào. Chỉ toàn là những hiện tượng thiên nhiên hiện ra và biến mất. Chỉ vì chúng ta không nhìn vào các thứ ấy đơn giản như là các hiện tượng thiên nhiên (mà cứ cho rằng chúng ở bên trong tâm thức mình thì chúng phải là của mình), nên chúng ta cho rằng chúng là thật và cứ thế mà bám vào chúng và xem như là "cái tôi" của mình, hoặc là những thứ tốt đẹp hay xấu xa, hoặc những thứ phức tạp khác. Cách nhìn sai lầm đó sẽ khiến chúng ta rơi vào vòng xoay vần bất tận - khiến mình chẳng còn biết đầu đuôi là gì nữa (nếu nhận thấy được sự hoang mang và lầm lẫn trong tâm thức mình thì đấy cũng là cách giúp mình ý thức được tình trạng u mê trước đây trong sự vận hành của tâm thức, và qua sự ý thức đó chúng ta sẽ hé thấy được nguyên nhân thúc đẩy làm chuyển động sự xoay vần của cả chu kỳ tái sinh hay luân hồi của chính mình ngay bên trong tâm thức mình), và cũng không biết là mình phải làm thế nào để mà ra thoát. Một khi không còn hiểu được gì cả, thì cũng chẳng khác gì như đi lạc trong rừng, lẩn quẩn loanh quanh, chẳng biết phải làm thế nào để tìm thấy lối ra.
            Thế nhưng thật ra thì những gì phải buông bỏ đang sờ sờ trước mặt mình: tức là nơi mà tâm thức đang tạo ra tư duy, dán cho chúng các nhãn hiệu (các dòng chữ) giúp chúng mang một ý nghĩa nào đó, và đồng thời cũng khiến tâm thức mình quên mất là những thứ ấy cũng chỉ là các hiện tượng thiên nhiên, hiện ra và biến mất một cách thật đơn sơ và giản dị. Nếu các bạn biết đơn giản dừng lại và quan sát, không cần tìm hiểu, suy tư hay tưởng tượng gì cả - chỉ đơn giản quan sát quá trình vận hành của những thứ ấy từ bên trong tâm thức mình - thì sẽ không có vấn đề khó khăn nào xảy ra cả. Đấy cũng chỉ đơn giản là những gì thuộc vào khoảnh khắc của hiện thực: hiện ra, tồn tại và tan biến, rồi lại hiện ra, tồn tại, và tan biến... Chẳng có gì khác thường trong đó cả, chỉ cần dừng lại và quan sát, các bạn phải dừng lại và nhận biết những gì đang xảy ra với mình trong từng khoảnh khắc một (nhưng luôn nên nhớ là không bao giờ nên chạy theo chúng). Không nên để cho sự chú tâm của mình bị thất thoát và hướng vào các mối bận tâm bên ngoài, mà hãy tập trung sự chú tâm vào bên trong hầu giúp nó tìm hiểu được chính nó một cách minh bạch hơn, đấy cũng là cách giúp nó nhận thấy chẳng có gì đáng để mà nắm bắt cả. Tất cả cũng chỉ là các thứ bẫy liên tục giăng ra để đánh lừa nó mà thôi.
            Hiểu được điều trên đây thật hết sức hữu ích hầu giúp các bạn quán thấy được sự thật bên trong chính mình. Các bạn sẽ thấy rằng tri thức trống rỗng về "cái tôi" và hoàn toàn vô thực thể. Mỗi khi nhìn vào các hiện tượng vật lý bên ngoài. thì các bạn sẽ thấy rằng chúng cũng chỉ là các thành phần trống không về cái "ngã" (các hiện tượng bên ngoài cũng mang tính cách vô thực thể, chẳng khác gì bản chất của chính mình. Tự chúng các hiện tượng vật lý cũng không hề mang một "cái tôi" nào cả, không có gì thật sự là "của chúng", mà chỉ là một sự "cấu hợp" tạm thời, liên tục biến động và đổi thay). Cũng vậy, bên trong tâm thức các bạn cũng sẽ thấy rằng các hiện tượng tâm thần cũng trống không về cái "ngã", và cũng chỉ là các thành phần cấu hợp của tri thức. Và các bạn cũng sẽ thấy rằng nếu không bám víu vào các hiện tượng vật lý và tâm thần ấy, và không nắm bắt chúng và xem đấy là "chính mình", thì sẽ không có một sự căng thẳng hay khổ đau nào xảy ra.
            Vì thế, ngay cả trường hợp khi tư duy ngự trị trong tâm thức, thì cũng cứ đơn giản quan sát chúng, thản nhiên để chúng trôi qua và các chu kỳ hiện  ra và biến mất của chúng cũng sẽ chậm lại (chúng ta sẽ dần dần cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn, không còn bị các quá trình hiển hiện và biến mất của tư duy dồn dập tiếp nối nhau khuấy động tâm thức mình nữa). Dần dần các sự tạo dựng tâm thần cũng giảm xuống. Dù rằng tâm thức không thể hoàn toàn dừng lại, thế nhưng nó cũng sẽ dần dần ít tác tạo ra tư duy hơn. Nhờ đó các bạn sẽ có thể dừng lại và quan sát, dừng lại để hiểu biết các hiện tượng tâm thần càng lúc càng minh bạch hơn. Và cũng nhờ đó các bạn sẽ khám phá ra những thứ bẫy do các tạo tác tâm thần dương ra để đánh lừa các bạn, đó là các thứ nhãn hiệu (các dòng chữ) trong tâm thức, các sự thích thú và đớn đau,v.v. Các bạn cũng sẽ hiểu được rằng bên trong các thứ ấy chỉ là trống không - và nguyên nhân khiến mình bị đánh lừa và bám víu vào các thứ ấy chính là vô minh - và đồng thời cũng nhận thấy được đấy chính là cách mà mình tự làm cho mình phải khổ đau từ bên trong thể dạng vô minh (u mê) của chính mình. 
                Vậy các bạn hãy tập trung vào một điểm thật chính xác, vào một thứ duy nhất nào đó.  Nếu tập trung vào nhiều thứ một lúc thì sẽ không mang lại hiệu quả nào. Giữ cho sự chú tâm (tức là sự tỉnh thức/mindfulness) thật vững vàng: có nghĩa là dừng lại, ý thức được những gì đang là như thế, và nhìn vào đó. Không nên để cho sự chú tâm phân tán chạy theo tư duy và các dòng chữ. Nếu muốn làm được như thế thì phải cố gắng giữ sự tập trung, thế nhưng không phải là chỉ tập trung vào thể dạng bình lặng trong tâm thức, mà phải tập trung vào sự quán thấy sâu xa về mọi sự vật (có thể hiểu đây là sự chuyển tìếp từ thể dạng bình lặng/samatha sang thể dạng bén nhạy và linh hoạt/samadhi, vipassana, tức là sự quán thấy sâu xa vể bản chất của mọi sự vật). Các bạn hãy tập trung vào sự quán thấy sâu xa (vipassana). Hãy quay nhìn vào bên trong nội tâm phát huy một sự quán thấy thật sâu, hầu giúp mình biết buông bỏ. Tâm thức nhờ đó sẽ trở nên trống không, phù hợp với bản chất tự nhiên của nó, và các bạn cũng chỉ có thể cảm nhận được điều đó từ bên trong nội tâm của các bạn mà thôi (điều này cũng nói lên cốt lõi của Phật giáo: chỉ có mình mới có thể giải thoát được cho mình)
 
 
Vài lời ghi chú của người dịch
 
            Tâm thức luôn tìm cách đánh lừa chúng ta, khiến chúng ta thường xuyên rơi vào tình trạng hoang mang (đủ mọi thứ tư duy dấy lên trong tâm thức, thế nhưng mình không hiểu được nguyên nhân và bản chất của chúng là gì và do đâu), mất định hướng trong cuộc sống (không biết phải làm gì và cứ mặc cho bản năng sai khiến mình) và không sao tìm được lối thoát (chỉ biết cầu khẩn, lo sợ, hy vọng, đức tin, chờ đợi). Sự kiện trên đây cho thấy là mình đang sống với một tâm thức trong tình trạng u mê (vô minh).
 
            Ngược lại với tình trạng u mê trên đây là sự "Giác Ngộ".  Như đã được nói đến trong phần giới thiệu trên đây, "Giác Ngộ" là một sự "Quán Thấy", nói lên một sự "hiểu biết" nào đó bên trong tâm thức mình. Vậy sự "hiểu biết" là gì?
 
            Theo triết học Phật giáo sự "hiểu biết" gồm có ba thể loại:
sự hiểu biết thông thường hay thường tình, là sự hiểu biết tự nhiên (knowledge), đôi khi chỉ là những "phản ứng" hay "thói quen", mang tính cách nhị nguyên (dualistic thought) mang lại từ giáo dục và các kinh nghiệm cảm nhận trong cuộc sống. Sự hiểu biết này tiếng Pa-li gọi là nana, tiếng Phạn là jnana, Hán dịch là "trí", trong chữ jnana, có chữ jna là một động từ có nghĩa là "hiểu" (know). Sự hiểu biết này hoàn toàn mang tính cách quy ước, công thức, có thể hiểu như là một sự hiểu biết "tự động" và "máy móc", luôn phản ảnh kín đáo phía sau nó tính cách nhị nguyên (chủ thể/đối tượng) và sự đối nghịch (trắng đen, tốt xấu, hạnh phúc, khổ đau...).
 
sự hiểu biết phát sinh từ sự suy nghĩ: tiếng Pa-li là vinnana tiếng Phạn là vijnana, là một sự hiểu biết nhờ vào sự lý luận và phân tích mà có, và được gọi là "tri thức"  (consciouness, awareness), Hán dịch là "thức".  Đó là một sự hiểu biết đòi hỏi một sự vận hành nào đó của tâm thần hay tâm thức (mental process, spirit), nói một cách khác là một hình thức hiểu biết mang tính cách "phân biệt" (a discriminative form of knowing). Sự hiểu biết này được xem là thành phần thứ năm trong số năm thành phần cấu hợp tạo ra một cá thể (ngũ uẩn). Tri thức nhìn qua khái niệm này sẽ gồm có sáu thể loại: tri thức thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và tâm thần. Sáu thể loại tri thức này cũng góp phần tạo ra sự hiểu biết thông thường trên đây, thế nhưng tính các nhị nguyên và đối nghịch trở nên lộ liễu, rõ rệt và phức tạp hơn, đưa đến các hình thức xúc cảm khác nhau, nói lên một sự diễn đạt nào đó của tâm thức. Theo bà Upasika Kee Nanayon thì các sự phân biệt, diễn đạt mang lại các xúc cảm đủ loại trên đây là các "dòng chữ" các thứ "nhãn hiệu", các tiếng "réo gọi" hiện lên trên dòng tri thức của một cá thể.
 
sự hiểu biết đúng đắn còn gọi là trí tuệ: tiếng Pa-li là panna, tiếng Phạn là prajna, là một sự hiểu biết thâm sâu, bao quát mang tính cách trực nhận hay "trực giác", một hình thức "thông minh" giúp mang lại một sự quán thấy trung thực và chính xác về mọi hiện tượng, phù hợp với bản thể của hiện thực. Sự quán thấy đó còn gọi là sự "Giác Ngộ" và được xem là cứu cánh của việc tu tập Phật giáo.
            Vậy, thật hết sức rõ ràng sự "Giác Ngộ" là một thứ gí đó ở bên trong tâm thức của mỗi cá thể. Thế nhưng chúng ta cũng nghe nói đến khái niệm về Niết-bàn, cũng là mục đích tu tập của Phật giáo. Vậy Niết-bàn là gì và ở đâu? Đạt được Giác Ngộ và hòa nhập vào Niết-bàn có phải là hai thứ khác nhau hay không, có phải là một sự nghịch lý hay không?
            Niết-bàn tiếng Pa-li là Nibbana, tiếng Phạn là Nirvana. Trong chữ Nibbana có động từ nibbuti, có nghĩ là "tắt" tương tự như một ngọn lửa "tắt ngúm", không còn cháy nữa khi đã hết nhiên liệu. Chữ Parinibbana (tiếng Phạn Parinirvana) Hán dịch là Đại-bát Niết-bàn, là một từ ghép, chữ pari trong chữ parinibbana có nghĩ là "hoàn toàn", và trong chữ parinibbana có động từ parinibbuti có nghĩa là một sự tắt nghỉ hoàn toàn (ngọn lửa hoàn toàn không còn cháy nữa).
 
            Nếu "Giác Ngộ" là một thể dạng hiểu biết siêu nhiên thuộc bên trong tâm thức, thì "Niết-bàn", một sự tắt nghỉ, một sự dừng lại (nirodha), cũng ở bên trong tâm thức. Những gì trên đây cũng chỉ xoay quanh các thuật ngữ, thế nhưng cũng có thể mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó trong việc tu tập Phật giáo. Việc tu tập đó nhất thiết hướng vào bên trong chính mình, nhìn vào tâm thức mình hầu biến cải nó, và đấy cũng là những gì mà bà Upasika Kee Nanayon đã nêu lên trong bài thuyết giảng trên đây của bà.
 
            Bà khuyên chúng ta dừng lại và quan sát, dừng lại để lắng nghe tiếng nói của các xúc cảm và đọc các dòng chữ hiện lên trên dòng tri thức của mình, quan sát chúng để nhận thấy sự trống không của chúng. Nếu một ngọn lửa không còn nhiên liệu nuôi dưỡng nó thì nó sẽ tắt, nếu trên dòng dòng tri thức không có một xúc cảm nào dấy lên, không có một tiếng réo gọi nào vang lên, không có một dòng chữ nào hiện ra, thì nó sẽ tìm thấy thể dạng nguyên sinh, vắng lặng, êm ả và thanh tịnh của chính nó.  
            Bà Upasika Kee Nanayon không phải là khoa học gia hay nhà tâm lý học, cũng khộng phải là triết gia, một vị đại sư hay một vị giáo chủ nào cả, bà xuất thân từ một người con gáí ít học, giúp cha trông coi một cửa hàng tạp hóa. Vậy tất cả chúng ta nhất định đều có thể làm được như bà. Thế nhưng chúng ta cũng có thể tự hỏi: nếu chỉ biết quay vào bên trong tâm thức mình thì đấy có phải là một sự chủ quan, khép kín và là cách tự tách rời mình ra khỏi hiện thực hay không? 
             Đạo Nguyên (1200-1253) thiền sư và tư tưởng gia lớn nhất của Nhật Bản, định nghĩa "Giác Ngộ" qua bốn câu thơ như sau:
            Giác ngộ có nghĩa là trở thành
            Hơi ẩm của mưa sa và sương mù,
            Là hòa nhập bản thể mình với núi non,
            Sông ngòi và hoa lá.
 
            Vậy "Giác Ngộ" không phải đơn giản là một thể dạng nội quán (introspection) mà là một sự hiểu biết siêu việt mang lại cho người tu tập một tầm nhìn khác hơn, chính xác và trung thực hơn về chính mình, tâm thức mình và cả thế giới, giúp mình trở thành một với thiên nhiên và vũ trụ. Sự "thành đạt" tuyệt vời đó của người tu tập bắt đầu bằng cách đọc những dòng chữ hiện ra trong tâm thức mình, và cũng chỉ có thế thôi.
 
                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 14.03.16
                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/12/2012(Xem: 7198)
Một hôm, một Thiền sư phải qua sông. Sư bước lên một chiếc đò của một cô lái đò xinh đẹp. Sau khi thuyền cặp bến, cô lái thu tiền từng ngườì như bình thường, chỉ trừ nhà sư bị cô lái đò đòi tiền gấp đôi.
02/12/2012(Xem: 6564)
Sáu ba-la-mật là Bồ-tát hạnh. Bồ-tát hạnh gồm có hai sự tích tập: tích tập phước đức là làm lợi lạc cho người khác và tích tập trí huệ là xóa tan bóng tối vô minh để đi đến sự sáng tỏ hoàn toàn của tâm thức.
01/12/2012(Xem: 7918)
Lời giới thiệu — Đây là một trong bốn tiểu luận của Tỳ kheo Bodhi trong cuốn “Facing the Future” viết năm 2000 tại Tích Lan. Tỳ kheo Bodhi, thế danh là Jeffrey Block, người Hoa Kỳ, sinh năm1944. Đại sư đã đến với Phật giáo năm 1965, khi lần đầu tiên gặp Hòa thượng Thích Minh Châu tại khuôn viên trường Đại học Madison, tiểu bang Wisconsin, trước khi đến học cao học tại Claremont, California. Đại sư đã thuật lại cuộc gặp gỡ này trong bài viết “LẦN ĐẦU TIÊN TÔI GẶP MỘT NHÀ SƯ“→ đã được đăng tải trong Vườn Đào.
27/11/2012(Xem: 7668)
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo: - Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng không phải Thánh và hội chúng bậc Thánh.
23/11/2012(Xem: 9358)
Đó là chuyến đi Tây Tạng của tôi và nhà thơ Văn Cầm Hải từ ngày 17/9 đến 25/9. Có nhiều cách đến Tây Tạng. Chúng tôi chọn con đường từ Hà Nội đi Nam Ninh, từ Nam Ninh bay sang Thành Đô, rồi từ Thành Đô bay lên Lhasa.
22/11/2012(Xem: 7707)
Haibạn thân mến, Trước hết tôi xin mạn phép được gọi hai người là những người bạn của tôi. Thiết nghĩđã là con người thì tất cả chúng ta đều là bạn hữu với nhau, có phải thế haychăng? Tin các bạn vừa quyết định tạm thời chia tay để sống xa nhau khiến tôi bànghoàng và lòng buồn vô hạn. Dù chỉ là một người bạn thế nhưng tôi cũng cảm thấyđau lòng, huống chi con cái và những người thân chung quanh thì chắc là họ sẽcòn đau lòng hơn nhiều lắm !
21/11/2012(Xem: 7454)
Gần đây, tòa soạn nhận được rất nhiều thông tin từ bạn đọc trong nước và hải ngoại gửi về, với yêu cầu tha thiết cần có sự kiểm chứng trước một số thông tin mang tính quy chụp, tự dựng vô căn cứ, hoặc những phát biểu – thông điệp tiếm xưng đụng chạm đến lòng tự trọng dân tộc của người Việt… Câu chuyện trong tuần kỳ này xin giới thiệu cùng bạn đọc những ý kiến của CTV. Minh Thạnh, về khía cạnh văn hóa ứng xử trong một thông điệp ẩn chứa nhiều nội dung khác của một chức sắc tôn giáo nước ngoài tại nước ta, được nhiều diễn đàn quan tâm.
17/11/2012(Xem: 9982)
Trong thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng phương pháp thực hành AN TRÚ TRONG HIỆN TẠI hay còn gọi là HIỆN PHÁP LẠC TRÚ mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là không phù hợp với tinh thần Phật dạyhoặc không trích dẫn đầy đủ lời Phật dạy trong kinh.
15/11/2012(Xem: 19764)
theo báo New York Times cho biết cơ quan cứu hộ Arizona đã tìm thấy một người phụ nữ, Christie McNally 39 tuổi trong tình trạng hôn mê do nhiễm nắng và thiếu nước và chồng, Ian Thorson, chết thê thảm trong một hang núi ở cao độ 7000 bộ giữa những ngọn núi vùng sa mạc thuộc bang Arizona vào ngày Chủ Nhật 22 tháng 4 năm 2012.
14/11/2012(Xem: 12619)
Ai cũng phải chết nên chết là điều đáng sợ. Tuy nhiên không phải ai cũng được trải qua tuổi già, nên dầu tuổi già còn đáng sợ hơn cái chết, người ta vẫn chúc tụng nhau sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long. Vì không phải ai cũng thấy được những cái khổ của tuổi già.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]