Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vẳng Tiếng Chuông Chùa

22/02/201620:19(Xem: 7166)
Vẳng Tiếng Chuông Chùa

vang-tieng-chuong-chua

VẲNG TIẾNG

CHUÔNG CHÙA

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

 

     Tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng trong không gian rồi tan loãng giữa xóm làng sau khi đã thâm nhập chốn dương trần và đưa nhân gian vào cõi tịch tĩnh hư không. Thời gian lắng đọng cùng hồn người. Cảnh vật như cộng hưởng cùng tiếng chuông. Tất cả đều trở nên lung linh trầm mặc. Tiếng chuông chùa thi vị và đầy sức cảm hóa làm nảy sinh ra biết bao cảm hứng về âm nhạc và thơ văn, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với mối sầu cảm ướp đầy tình tự quê hương. Tiếng chuông chùa quả thật có một năng lực hồi sinh rất lớn.

    Vì sự nhiệm mầu đó nên xưa nay đã có biết bao người phát nguyện đúc chuông, từ vua, quan cho đến muôn dân:

 

“Đúc chuông tạo tượng xây chùa
Trong ba phước ấy dân - vua đều làm
.”

 

CHUÔNG VANG TRONG ÂM NHẠC

 

     Tiếng chuông chùa đến trong dòng nhạc Việt khơi lại tâm tình riêng tư của con người. Nguyễn Văn Đông miêu tả quang cảnh hiu quạnh, cô đơn của lữ khách trong những “đêm đông” lạnh lẽo:

 

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống.
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông.
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.
Cùng mây xám về ngang lưng trời…”

 

     Hoàng Trọng thời tìm lại giây phút êm đềm lúc về lại mái nhà xưa khi đã “dừng bước giang hồ” sau một đời rong ruổi:

 

“Chiều nay sương gió

lữ khách dừng bên quán xưa.
Mơ màng nghe tiếng chuông chiều
vương về bên quán tiêu điều…”

    

     Tiếng chuông chùa vang vọng trong khúc “nhạc chiều” khiến Doãn Mẫn như quên hết đi đám bụi trần vương mắc:

 

…“Chuông chùa vương tiếng ngân.

Âm thầm trong chiều vắng.
Đường tơ lắng buông trong huy hoàng.
Ru hồn quên hết nỗi chứa chan niềm cay đắng…”
…“Vương sầu làm chi cho ngày thắm phai.
Mỗi khi tiếng chuông vẫn ngân dài…”

     Còn Y Vân và Nguyễn Hiền cảm nhận thấy mùa xuân đầy hương sắc và muốn trai gái trong làng cùng trao nhau câu ân tình “anh cho em mùa xuân” khi nghe tiếng chuông chùa vẳng trong ánh trăng thanh:

 

“Ngoài đê diều căng gió.

Thoảng câu hò đôi lứa.
Trong xóm vang chuông chùa.

Trăng sáng soi liếp dừa…”

 

     Tô Vũ nhờ “tiếng chuông chiều thu” mà nhớ lại bao kỷ niệm của thời niên thiếu:

 

…“Từ miền xa tiếng chuông ngân.
Hồi buông lớp lớp theo gió vàng”

…“Hồn ta chìm đắm tiếng chuông xa vời.

Hồi chuông ngân nga trong chiều thu ngợp gió”

… “Hồi chuông ngân nga ru hồn mơ.”

…”Ngày nào khi chiến chinh xong.

Hồi chuông vui reo như tiếng đồng.
Chuông ran lời ước cũ.

Tình ta đẹp bao nhiêu.

Hồn anh thầm lắng tiếng chuông ban chiều”

 

     Riêng với Hoàng Giác tiếng chuông gợi niềm nhung nhớ một bóng hình người đẹp trong giấc “mơ hoa” xa xưa với lời tâm sự: “tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường tôi đi học… Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”:

 

“Chuông chiều ngân tiếng vấn vương lòng trông theo cô hái hoa.

Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ bóng mờ mờ xa…”

 

     Trong khói sương buổi chiều cao nguyên Đà Lạt thời âm giai tiếng chuông chùa Linh Sơn khiến ưu phiền trầm lắng và tình thương lên ngôi. Minh Kỳ nở nụ cười khi lòng chợt dâng niềm nhớ “thương về miền đất lạnh” dấu yêu:

 

“Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều.

Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào.

Cho thế nhân thôi, ru hết u sầu.

Để lòng quay về bến yêu…”

 

CHUÔNG THỨC TỈNH LÒNG NGƯỜI

 

     Âm hưởng của tiếng chuông chùa cũng đã đi vào thi ca tạo nên một nét đẹp nhân văn rất đáng quý. Tiếng chuông là phương tiện thiện xảo của cửa thiền để mở đường nhập vào đời sống tâm linh, là âm thanh trầm hùng kêu gọi thế nhân quay về trong thực tại. Chuông ngân như một cuộc hành hương từ chốn phong ba về vùng tĩnh lặng an nhiên.


     Tiếng chuông thức tỉnh cả âm cảnh lẫn dương trần, thức tỉnh bao tâm hồn còn mãi đắm chìm trong cõi mộng, tuy sống trong cõi vô thường mà không ý thức về sự thật vô thường của vạn thể. Cuộc đời là một hơi thở rất nhẹ và mong manh, chỉ cần ngừng lại nửa phút là giũ bỏ tất cả.

 

     Tiếng chuông chùa như một thông điệp của trí tuệ và từ bi, như lời nhắn nhủ của Đức Phật: "tất cả những gì theo duyên khởi cũng đều theo duyên diệt."

 

     Trong “Nghi thức thỉnh đại hồng chung” mà các chùa thường đọc và thường được khắc lên chuông, có mấy câu đại ý rằng: “Xin nguyện tiếng chuông này lan toả trong pháp giới. Địa ngục dù có tối tăm, tất cả đều được nghe. Nghe âm thanh này tâm được thanh tịnh. Hết thảy chúng sinh thành bậc chánh giác.” Sư Trí Hải dịch:

 

“Giờ con xin đánh chuông này
 Tiếng vang thấu khắp mọi nơi xa gần
 Ai nghe thấy lòng trần nhẹ bỗng
 Đạo Bồ-Đề được chứng lên ngay.”

 

     Đỗ Phủ khi đến “chơi thăm chùa Phụng Tiên ở núi Long Môn”, trên núi cao ngửa mặt trông lên bầu trời sao, thân mình tưởng như nằm ngủ trong mây, gần sáng cảm tác rằng: “nghe tiếng chuông chùa khiến cho lòng người phải tỉnh ngộ sâu sắc”:

 

“Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.”

 

     Với người dân Việt thì tiếng “chày kình” gõ lên chuông chùa đã âm vang từ mấy nghìn năm lịch sử dân tộc vẫn còn lắng đọng trong tâm hồn, cả ngày nay tới mãi mãi ngàn sau.

  

        Chày kình là chiếc dùi thỉnh chuông có chạm hình con cá Kình. Tiếng chuông luôn dóng lên để thức tỉnh lòng người. Trong “truyện Kiều” khi tới đoạn miêu tả sự hạ thủ công phu của Thúy Kiều sau những năm lưu lạc với những chán chường đau khổ, phải tìm về nương náu nơi cửa Phật để mong thoát kiếp trần duyên, Nguyễn Du cũng đã có hai câu thơ:

 

“Sớm khuya lá bối phiến mây

Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương”

 

     Cũng nghe tiếng chày kình, nhưng giữa “Hương Sơn phong cảnh” Chu Mạnh Trinh không chỉ say sưa với cảnh đẹp mà đã giật mình tỉnh thức vì tiếng chuông. Tỉnh thức để thấy cho rõ sự thật vô thường của cuộc đời. Nhờ như vậy mà con người sống có ý thức hơn, minh triết hơn. Tiếng chuông ở đây vừa dẫn dắt con người hòa nhập với cảnh vừa thức tỉnh đưa con người rời cõi mộng ảo quay về với thực tại:

 

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lửng lơ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.”

 

“Muôn hồng nghìn tía tưng bừng

Suối khe hát nhạc, thông rừng dạo sênh

Chim cúng quả, cá nghe kinh

Then hoa cài nguyệt, chày kình nện sương.

 

     Sư Huyền Không khi “nhớ chùa” luôn nhớ đến mái ngói rêu phong ẩn mình trong hoa lá, hương hoa hòa quyện lan toả. Trong cảnh tịch mịch đó âm ba của tiếng chuông lại vang lên dịu dàng như lời vỗ về an ủi những cuộc đời hiền lành lam lũ:

 

“Mỗi tối dân quê đón gió lành,

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh.”

 

     Tiếng chuông chùa đối với Quách Tấn như một kỷ vật thiêng liêng nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non chùa chiền hay mỗi khi chợt tỉnh giấc nồng, tiếng chuông cũng hiện đến: 

 

…“Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng,

Đầm Ô sen nở gió thơm tho.”

…“Mây nước nhuốm phong trần

Nơi đâu tình cố nhân

Những đêm buồn tỉnh giấc

Chùa cũ tiếng chuông ngân.”

 

     Quách Tấn tâm sự: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục”… “Nếu không có tiếng chuông lay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh”:

 

…“Gió ru hồn mộng thiu thiu

Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầu non”.

 …“Mây tạnh non cao đọng nắng chiều

Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu.”

“Chùa ẩn non mây trắng

Bóng in hồ liễu xanh

Mai chiều chuông đã tạnh

Vòng sóng còn long lanh.”     

 

     Còn với Tuệ Nga thì “tiếng vọng hồng chung” quả thật đã khiến cho người cõi trần được tỉnh thức và riêng người tu thời thêm tinh tấn vô ngần:

 

…“Âm vang tiếng vọng hồng chung

Gọi người thức tỉnh thoát vòng u mê

Hồng chung ngát ý Bồ Đề

Chuông ngân thanh thoát đường về bến hoa”…

…“Đại Hồng Chung xóa sương mù

Giúp người tinh tiến đường tu viên thành”…

 

     Quả thật tiếng chuông chùa là pháp âm vi diệu, làm thức tỉnh khách hồng trần, quay về bờ giác ngộ, bỏ ác làm lành, hồi tâm hướng thiện.

 

CHUÔNG TIÊU TRỪ PHIỀN NÃO


     Trong “Nghi thức thỉnh đại hồng chung” cũng ghi mấy câu ngụ ý rằng: “Nghe tiếng chuông, phiền não vơi nhẹ, trí tuệ tăng trưởng, tâm bồ đề sinh, lìa chốn địa ngục, ra khỏi hầm lửa, nguyện thành Phật để cứu độ chúng sinh.”

 

     Bao khổ đau, ách nạn, chướng duyên phải đối diện trong đời chính là địa ngục, là hầm lửa, đốt bùng lên bao nhiêu muộn sầu. Tiếng chuông chùa chính là nhân duyên xúc tác để làm khởi sinh tâm bồ đề, hóa giải những xung đột, trái ngang, những dằn vặt khổ đau của con người trần tục, tiêu trừ các phiền não, vơi bớt đi bao nhiêu là ham hố dương trần, gieo thiết tha tình người vào lòng cuộc sống.

 

     Chính vì nghe tiếng chuông ngân mà khách hành hương trút hết mọi nỗi ưu phiền, như Chu Mạnh Trinh đã tả:

 

“Lạ cho vừa bén mùi thiền

Mà trăm não với ngàn phiền sạch không”.

 

     Sư Nhất Hạnh khi “nghe chuông” cũng đã cảm nhận thông điệp của chuông:

 

“Nghe chuông phiền não tan mây khói,

 Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười

 Hơi thở nương chuông về chánh niệm

 Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”.

 

TIẾNG CHUÔNG
CỦA LÀNG QUÊ NON NƯỚC

 

     Mái chùa và tiếng chuông là hình ảnh và hồn thiêng của đất nước đã thẩm thấu mặn mà trong tâm khảm của dân tộc Việt Nam và trở thành một bộ phận hữu cơ gắn liền với sinh hoạt làng xã, không thể tách rời. Cha ông ta có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa đã trở thành trái tim của làng quê và tiếng chuông là biểu tượng của tỉnh thức.

 

     Nhà nông nghe chuông công phu khuya mà trở dậy, nhóm bếp thổi cơm rồi chuẩn bị lùa trâu ra đồng. Buổi chiều họ nghe tiếng chuông thu không mà lùa trâu quay trở về chuồng. Đêm về tiếng chuông là tiếng canh gà nhẹ nhàng đánh thức dân làng trong những lúc ngủ say. Chuông chùa quả là cái “đồng hồ báo giờ” của làng xóm:

 

“Tiếng chuông vượt núi len sông
Vào làng thức tỉnh dân nông ra đồng.
Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi
Chuông không vì sông núi bể đèo ngăn
Tiếng của chuông là bản thể xa xăm
Đây vọng lại mấy ngàn năm âm hưởng.”

 

     Chúng sinh hãy lắng nghe tiếng chuông của Vương Duy đời Đường khi ông về vui thú cỏ cây ở Võng Xuyên (Cốc khẩu sơ chung động, Ngư tiều sảo dục hi): 

 

Nhẹ nhàng chuông ngân thung lũng 

Ngư tiều lác đác dời chân” 

 

     Với Sư Huyền Không, tiếng chuông và mái chùa đã sớm tối đồng hành với người dân quê Việt Nam, từng nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ, để cùng nhau xây dựng quê hương xứ sở:

 

“Vì vậy, làng tôi sống thái bình

 Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

 Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm

 Xây dựng tương lai xứ sở mình”.

 

     Với Nguyễn Bính thì trong khung cảnh thiên nhiên với nhịp sống hài hòa tinh tế, tiếng chuông chùa ấm áp đã hiện hữu và gắn liền với con người, với quê hương dân tộc. Tiếng chuông hiện hữu trong tâm thức mỗi người dân như những hiện tượng thiên nhiên bình thường nhất:

 

“Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

Chuông hôm, gió sớm, trăng Rằm

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi

Mai này tôi bỏ quê tôi,

Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa”.

 

     Nguyễn Bính đã phác họa nên một bức tranh thủy mặc làng quê thật đẹp đẽ nên đi xa ai cũng nhớ cũng thương về chốn cũ:

 

“Mấy chiều vắng bặt hơi chuông

Sư bà khuyên giáo thập phương chửa về”.

NHỚ TIẾNG CHUÔNG CHÙA

 

     Vua Trần Nhân Tông trong cảnh “chiều thu làng Vũ Lâm” với suối khe lồng bóng cầu treo, với ngấn nước long lanh cùng nắng chiều nghiêng soi đã để tiếng chuông ngân vang trong chốn thâm sơn tĩnh mịch đó lại trong tâm hồn và thi ca:

 

“Núi non quạnh quẽ lá rơi, 
Phôi pha sương khói mây trôi chuông rền”. 

 

     Và trong “cảnh chiều Lạng Châu” thời:

 

“Mây thu lạnh lẽo chùa xưa 
Thuyền ngư xao xác thoảng đưa chuông chiều” 

 

     Nguyễn Trãi trong thời gian lui về trí sĩ ở Côn Sơn, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương khi “nghe mưa” (“thính vũ”) cảm thấy tiếng chuông đi vào giấc mơ thật nhẹ nhàng. Ngâm thơ rồi nhưng vẫn không ngủ được. Chập chờn mãi đến lúc sáng trời:

 

“Cửa ngoài tre sột soạt
Nhập mộng chuông khua hoài
Thơ ngâm rồi khó ngủ
Dứt nối đến trời mai”.

 

     Sư Huyền Không với tâm hồn sâu nặng tình quê nên khi nghe tiếng chuông ngân lại “nhớ chùa”, mái chùa của dân tộc:

 

Chuông vẳng nơi nao, nhớ lạ lùng,

 Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung.

 Mái chùa che chở hồn dân tộc

 Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

 

     Hồ Dzếnh nhớ lại khi cùng chị nuôi đi lễ chùa đầy hớn hở vui tươi. Nhớ lại thời tuổi trẻ với nỗi u hoài. Nhớ cái tình, cái hồn tốt đẹp của thuần phong mỹ tục Việt Nam cái không khí vui tươi dân dã của tục đi lễ hội chùa "Rằm tháng Giêng" ngày xa xưa:

 

"Hàng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chị tôi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngày thơ
Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về". 

 

     Còn tiếng chuông chùa của Quách Tấn như một kỷ vật thiêng liêng nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non, bóng tịch dương đổ xuống, chùa chiền từ đâu trong tiềm thức trỗi dậy, cảnh thiên nhiên gợi nhớ:

 

…“Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng

Đầm Ô sen nở gió thơm tho”.

…“Mây tạnh non cao đọng nắng chiều

Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu”.

 

     Dù cho mỗi khi Quách Tấn tỉnh giấc nồng tiếng chuông cũng vẫn vọng đến:

 

Mây nước nhuốm phong trần

Nơi đâu tình cố nhân

Những đêm buồn tỉnh giấc

Chùa cũ tiếng chuông ngân”.

 

    Với Phạm Thiên Thư thời hình ảnh cái chuông chùa treo trên gác chuông gợi nhớ lại kỷ niệm hò hẹn tình cảm cũ:

 

“Ngày xưa anh đón em

Trên gác chuông chùa nọ

Bây giờ anh qua đó

Còn thấy chữ trong chuông”…

     Trước “động hoa vàng” tiếng chuông chùa đôi khi ngân vọng theo sóng nước đêm trăng rồi tan loãng vào nhau cùng hình ảnh một chiếc thuyền con buông lái:

 

“Thuyền ai buông lái đêm rằm 
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào” 

 

     Nghe tiếng chuông vang vọng chơi vơi dần dần thấm đẫm vào từng hạt bụi của thế giới này và có khả năng làm đảo lộn diện mục của vũ trụ, Phạm Thiên Thư tâm sự:

 

“Chuông ngân chiều lặng trầm tư 
Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng”…

 

     Riêng với Tâm Minh, kẻ tha hương, thời cõi lòng vẫn rộn ràng dù Xuân đất khách chẳng còn tràng pháo đỏ và thiếu cả bóng mai vàng. Giữa cái ồn ào náo nhiệt nơi xứ người, tiếng chuông êm ả thanh thoát của ngôi chùa xưa quê cũ hình như vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn như một kỷ niệm khó quên:

 

“Chúc Xuân lời vẫn ươm tình nghĩa
Mừng Tết thơ luôn đượm ánh quang
Thoang thoảng hương trầm khơi kỷ niệm
Vẳng chuông chùa cũ tiếng còn vang.”

 

TIẾNG CHUÔNG

THIÊN MỤ VÀ HÀN SƠN TỰ

    

     Và sau cùng, nói đến âm ba của những hồi chuông kim cổ cần phải nhắc tới tiếng chuông chùa Thiên Mụ và Hàn Sơn Tự.

 

     Lần đầu ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký “Mười ngày ở Huế” Phạm Quỳnh không cố ý "biên tập" thơ tiền nhân. Ông chỉ mượn nửa bài thơ cũ, thêm bớt đôi chỗ, nhằm "tức cảnh" khác. Có người lại cho rằng ông chỉ ghi lại nguyên văn mà thôi. Hai câu thơ đó như sau:

 

“Gió đưa cành trúc la đà, 
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

 

     Phạm Quỳnh viết thêm: “Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca".

 

     Có người phân tích kỹ cho rằng tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo của Phường Đúc-Huế, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền tự nhiên. Bên dòng Hương lững lờ thơ mộng, tiếng chuông cứ ngân dài lan tỏa trong không gian. Không gian càng rộng, càng yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng. Chỉ một tiếng chuông nhưng đã đọng bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Tiếng chuông sẽ tùy hạnh nguyện đánh chuông của thiền tăng mà âm sắc vang vọng thanh thoát và nhịp điệu của tiếng chuông sẽ khác hẳn nhau.

 

     Hàn Sơn Tự về sau được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường chùa lại được đổi tên là Hàn San Tự. Chùa nổi tiếng nhờ có bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế. Ông sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình. Trương Kế đã vẽ ra cái hình ảnh kẻ lữ thứ, đêm dài nằm trên thuyền bên bờ sông nghe quạ kêu sóng vỗ, ngắm đèn chài leo lét về khuya đắm chìm trong trăng tà sương lạnh với tiếng chuông chùa đang ngân nga. Quả là hình ảnh của sự thức tỉnh, giải thoát, bỏ lại thuyền ở bến mơ để vượt lên bờ giác.

 

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên 
Giang phong ngư hoả đối sầu miên 
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”


     Bản dịch của Tản Đà:

 

“Quạ kêu trăng lặn sương rơi

Lửa chài, cây bãi đối người nằm co

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”

 

     Tiếng chuông chùa quả thật đã làm nảy sinh ra nhạc và thơ, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với tình tự đất nước quê hương, nhất là với những kẻ phải sống kiếp tha phương!

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(Virginia, tháng 2 năm 2016

Mùa Xuân Bính Thân)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/04/2021(Xem: 5234)
Từ xa xưa, người Việt chúng ta đã ăn bí đỏ và xem bí đỏ là món quà thiên nhiên ban tặng giúp con người duy trì sức khỏe hằng ngày. Bí đỏ có vị ngọt, thơm ngon và tạo cảm giác no, giúp những gia đình nông dân nghèo cải thiện tình trạng thiếu lương thực trong những ngày giáp hạt. Bí đỏ là loại thực phẩm thường xuyên có mặt trong bữa cơm của người dân Việt Nam, nhất là ngươi Quảng Nam.
07/04/2021(Xem: 4333)
“Tướng” là cái gì?“Tướng” chính là tướng trạng của sự vật biểu hiện nơi ngoài và tưởng tượng ở nơi trong tâm chúng ta.Còn “Giả Tướng” là cái gì? Chúng ta không phải thường ngày đã thấy đến như: hình tướng vuông, tròn, dài, ngắn; sắc tướng đỏ, xanh, đen, trắng; biểu tướng nhanh, chậm, cười, khóc; cho đến vô biểu tướngkhổ, vui, mừng, lo màkể cả con mắt xem không thể thấy.Đây không phải là “Tướng” trạng tồn tại nổi bậtđó sao?. Tại sao bảo đây là “Giả Tướng”?Đáp rằng: Nên hỏi “Giả Tướng” là gì?Giả là giả tạo không thật.
07/04/2021(Xem: 4101)
Hơn ba thập niên về trước, khi những đoàn người Việt nam rủ nhau tìm đường thoát hiểm, thoát khỏi địa ngục bằng mọi cách như hồi hương, đi bộ, băng rừng lội suối hoặc trên những con thuyền mong manh bằng đường biển. Dù số người đến được bến bờ ước đoán chỉ vào khoảng một phần ba số người đã rời bỏ nhà cửa, quê hương ra đi, họ vẫn bất chấp mọi hiểm nguy đe dọa để đánh đổi lấy sự tự do. Họ là những đoàn người Việt Nam cô đơn, không có lấy một phương tiện tự vệ.
05/04/2021(Xem: 7662)
Lễ cúng dường tại Chùa Tích Lan, Nhật Bản
05/04/2021(Xem: 4938)
Việc quân đội đã nắm quyền kiểm soát quốc gia Đông Nam Á này, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và một số lãnh đạo dân cử khác từ ngày 1 tháng 2 vừa qua, không phải là lần đầu tiên các tướng lĩnh của xứ chùa tháp này can thiệp vào chính trị quốc gia. Quá khứ nhiều thập kỷ, quân đội Myanmar đã từng giữ một vị trí chính trị nổi bật trong nước. Trong gần nửa thế kỷ, từ thập niên 1962-2011, quốc gia Phật giáo này đã liên tiếp dưới quyền các chế độ độc tài quân sự Myanmar.
03/04/2021(Xem: 5030)
Sự tàn phá bi thảm của các tượng Phật khổng lồ trên vách đá vùng Bamiyan, Afghanistan, được bảo tồn hơn 15 thế kỷ, được phát sóng trên toàn cầu, đã dẫn đến sự công nhận toàn cầu về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản văn hóa đang bị đe dọa. Các hốc trống của các tượng Phật khổng lồ ở thung lũng Bamiyan, Afghanistan là lời nhắc nhở mãi mãi về nhiệm vụ của chúng ta trong việc bảo vệ di sản văn hóa, và những thế hệ tương lai sẽ mất đi nếu chúng ta không làm như thế. Ngày nay, những hốc đá này được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới như một phần của Di sản Thế giới “Cảnh quan văn hóa và các di tích khảo cổ học tại Thung lũng Bamiyan” (Cultural Landscape and Archaeological Remains of the Bamiyan Valley)
03/04/2021(Xem: 4367)
Hôm thứ Hai, ngày 29 tháng 3, tại Dharamsala, miền bắc Ấn Độ, lần Đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma Tham gia chia sẻ Pháp thoại với Sinh viên từ 5 trường Đại học Quốc gia Nga. Buổi Pháp thoại được tổ chức với chủ đề “Thế giới của chúng ta trong thời đại thay đổi; tiếng Anh: Our World in the Time of Change” và được phát trực tiếp bằng một số ngôn ngữ.
03/04/2021(Xem: 4610)
Vương quốc của người Java xưa - Mataram đã chứng minh được là có an ninh lương thực vững chắc, có thể duy trì nguồn lương thực sẵn có trong một thời gian dài. Điều này có thể được chứng minh từ các bức phù điêu được khắc ở Thánh địa Phật giáo Borobudur, cũng như phát hiện gần đây nhất về một kho thóc, khu vực chứa lương thực thời đó, ở khu vực Liyangan Site, Trung Java, Indonesia. Điều này đã được chuyển tải bởi Tiến sĩ Baskoro Daru Tjahjono, M.A, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ Bắc Sumatra, trong hội thảo khoa học do Trung tâm Khảo cổ học tổ chức tại Vùng đặc biệt Yogyakarta (Daerah Istimewa Yogyakarta, DIY) vào ngày 10/3/2021 với chủ đề “Ketahanan Pangan pada Masa Jawa Kuna” (An ninh lương thực trong thời kỳ người Java xưa). Các sự kiện được tổ chức trực tuyến và ngoại tuyến với số lượng người tham gia hạn chế.
31/03/2021(Xem: 16965)
Như bao đứa trẻ bình thường nhưng chúng được thừa nhận là tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng, ba ứng thân người Tây Phương chia sẻ với Andrea Miller về trải nghiệm khi lớn lên và cảm nghĩ hiện tại của họ về ngã rẽ thú vị của đời mình. Như những đứa trẻ Canada khác, Elijah Ary lớn lên tại Moreal với bố mẹ và hai người chị. Cậu bé thích chơi khúc côn cầu và lười học. Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, điều khiến Elijah khác với các đứa trẻ khác là Elijah là tái sanh của một vị Lạt Ma.
31/03/2021(Xem: 5108)
Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng, là một nhân vật quen thuộc của công chúng. Ngài nói chuyện với hàng nghìn người mỗi năm và đã viết hàng chục quyển sách bán chạy nhất về quê hương của ngài, cuộc sống của ngài, tôn giáo niềm tin của ngài, khí hậu thế giới, và các vấn đề thế giới. Ngài đã được cấp bằng danh dự từ nhiều trường đại học, và đức tướng của ngài đã được công nhận một cách rộng rãi. Tuy nhiên, “vị tu sĩ đơn giản” đã bắt đầu cuộc sống trong bóng tối như Lhamo Thondup, người con thứ tám được sanh ra trong những gia đình nông dân nghèo trong một làng quê nhỏ bé ở một vùng xa xôi hẻo lánh của Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]