Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngũ Uẩn Giai Không

18/12/201509:13(Xem: 6602)
Ngũ Uẩn Giai Không

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Ngũ Uẩn Giai Không

 

I- Dẫn Luận Về Uẩn (khandha).

Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn (1). Đây là những yếu tố vật chất và tinh thần được kết hợp lại mà có cái gọi là con người, là chúng sanh.

Khi không gọi là ngũ uẩn mà gọi là danh và sắc thì ta cũng phải hiểu: Sắc là sắc thân vật lý, và danh là gọi chung của phần tâm và tâm sở gồm có thọ, tưởng, hành và thức.

Muốn thấy rõ, biết rõ (tuệ tri) (2) ngũ uẩn này như thế nào ta phải tìm hiểu ngữ nghĩa cho chính xác. Tại sao vậy? Vì theo kinh văn “Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh” thì soi chiếu, thấy rõ 5 uẩn nầy đều là không (chiếu kiến ngũ uẩn giai không) thì chấm dứt tất cả mọi khổ ách (độ nhất thiết khổ ách).

Khandha (uẩn) là gì?

- Khandha được ngài Huyền Tráng dịch là “uẩn” có nghĩa là tụ tập, tích tập theo từng loại, từng nhóm cùng một tính chất giống nhau. Ví dụ: Sắc, có nhiều sắc tích tụ lại, kết hợp lại. Thọ, có nhiều loại thọ tích tụ lại, kết hợp lại... Do uẩn với nghĩa này, nên đôi chỗ trong kinh, đức Phật hoặc các vị kết tập sư còn gọi giới, định, tuệ là giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn.

- Khandha được ngài Cưu Ma La Thập dịch là “ấm”, có nghĩa là ngăn che, ngăn lại, che đậy cái thực, cái sự thực. Dịch như thế có nghĩa là năm cái “ấm” ấy ngăn che, che đậy làm cho chúng sanh không thấy rõ thực tánh của pháp.

Với nghĩa nào cũng đúng. Tuy nhiên, theo Nikāya, đức Phật dạy: "Sắc tập khởi là sắc uẩn, thọ tập khởi là thọ uẩn, tưởng tập khởi là tưởng uẩn, hành tập khởi là hành uẩn, thức tập khởi là thức uẩn". Rồi đức Phật còn dạy như sau: "Hãy như thật liễu tri (3) sắc tập khởi và sắc đoạn diệt. Hãy như thật liễu tri thọ tập khởi và thọ đoạn diệt... thức tập khởi và thức đoạn diệt".

Do thế, rõ ràng có một loại sắc chưa được gọi là uẩn, có một loại sắc khi tập khởi được gọi là sắc uẩn. Có một loại thọ chưa được gọi là uẩn, có một loại thọ khi tập khởi được gọi là thọ uẩn... Nói cách khác, nếu sắc được như thật liễu tri thì sắc ấy là sắc như thật, sắc của thế giới chân đế, như chơn như thực (paramattha). Đây chính là sắc khi chưa tập khởi, là thọ khi chưa tập khởi, là tưởng khi chưa tập khởi, là hành khi chưa tập khởi, là thức khi chưa tập khởi vì “có tập khởi mới có uẩn”. Sắc tập khởi là sắc được nhìn bởi thế giới khái niệm (paññatti), tức là đã được chế biến qua tư tưởng, tình cảm chủ quan của người nhìn ngắm (thuật ngữ Duy Thức gọi là biến kế sở chấp) thì chính sắc này chồng chất lên sắc kia mà tạo nên uẩn: Cái tập khởi, cái ngăn che, cái rối ren, cái rối loạn, phức tạp. Rồi, càng tập khởi, càng chồng chất chừng nào thì bản ngã càng được củng cố, càng dày sâu thêm chừng ấy; và theo đó, sai lầm chồng chất sai lầm, che mờ cái thực mà thuật ngữ thiền tông gọi là “đầu thượng trước đầu” hay “tuyết thượng gia sương”.

Như vậy sắc tập khởi chính là sắc sanh, sắc đoạn diệt chính là sắc diệt; thọ tập khởi là thọ sanh, thọ đoạn diệt chính là thọ diệt... Cái sắc bình thường của xác thân ta nó sinh diệt theo định luật tự nhiên của thế giới sinh vật lý; cái thọ bình thường của cảm giác chúng ta nó sinh diệt theo định luật tự nhiên của tâm sinh lý... Sắc và thọ bình thường ấy vốn vô thường, không có tự tính, là vô ngã theo định luật tự nhiên của trời đất nên không phải là vấn đề, vì không đưa đến khổ. Chính cái sắc tập khởi do ta tự chồng chất lên, tự chế biến, tự đẻ ra, sắc ấy mới bị hành (saṅkhāra) chi phối, mới tạo ra bản ngã, cái ấy mới đưa đến khổ. Do thế, người tu tuệ quán phải thấy rõ cái uẩn ấy, uẩn ấy có sanh thì uẩn ấy có diệt. Uẩn, theo nghĩa này, chúng ta phải thấy rõ, hiện quán và thực chứng mới mong giải thoát sinh tử khổ đau.

1- Rūpa (Sắc)

1.1- Sắc như thực sắc, chơn thực (paramattha)

Hiểu sắc là yếu tố thuần vật chất, là sắc thân tứ đại thì sắc thân ấy là tổng hợp của những đặc tính luôn luôn biến động, thay đổi.

Cái thân sắc của mỗi chúng sanh từ lúc sinh ra đến lúc già yếu, tử vong nó thay đổi, biến động từng giây khắc một. Rồi những tế bào cơ thể, máu huyết nó sinh diệt trùng trùng; nhờ vậy tế bào mới thay thế tế bào cũ, máu mới thay thế máu cũ. Cái đứng yên, cái không thay đổi không bao giờ tìm thấy.

Cô đọng về sắc này, ta có:

- 5 sắc thuộc thân, ngũ căn: Nhãn căn (mắt), nhĩ căn (tai), tỷ căn (mũi), thiệt căn (lưỡi), thân căn (thân).

Mỗi căn như vậy đều có phù trần căn và tịnh sắc căn. Phù trần căn là phần sắc thô tháo bên ngoài; tịnh sắc căn là phần sắc vi tế ở bên trong, tức là phần thần kinh nhạy bén, nó có chức năng mang thông tin truyền báo lên trung khu thần kinh, tức não bộ.

- 7 sắc đối tượng: Đây là những sắc làm đối tượng cho ngũ căn mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

- Mắt thấy mọi vật (mọi sắc tướng, mọi cảnh quan, vũ trụ vạn hữu - sắc đối tượng).

- Tai nghe mọi âm thanh (âm thanh cũng là vật chất nên gọi là sắc đối tượng).

- Mũi ngửi hương (hương cũng là vật chất - sắc đối tượng).

- Lưỡi nếm vị (vị cũng là vật chất - sắc đối tượng).

- Thân xúc chạm đất, lửa, gió - sắc đối tượng).

Thân chỉ xúc chạm, sờ đụng được cái gì thô ráp, cứng (đất), cái gì nóng, lạnh (lửa), cái gì rung động, chuyển động (gió). Còn nước có tính chất làm liên kết, dính liền thì thân không xúc chạm được.

Do vậy, thân xúc có ba đối tượng: Đất, lửa, gió thuộc thô sắc, còn nước thuộc tế sắc. Như vậy ngũ căn có bảy sắc đối tượng: Sắc, thanh, hương, vị, đất, lửa, gió.

Khảo sát 12 sắc ấy thì sắc nào cũng thay đổi, dịch biến, vô thường, vô tự tính, không, vô ngã. Dù đức Phật, chư vị thánh nhân hay phàm phu đều có 12 sắc ấy, giống nhau, không sai, không khác. Cho nên đấy là sắc như thực sắc, sắc chư chưa tập khởi, sắc của thế giới chưa bị khái niệm, những nhận thức, lý trí hay tình cảm chủ quan của con người xen vào.

1.2- Sắc uẩn:

Trong 12 sắc ấy thì chúng luôn là sắc như thực, nhưng nếu 5 sắc căn bị chấp thủ là “ta”; và 7 sắc đối tượng bị chấp thủ là “của ta” thì đã biến chúng thành sắc uẩn rồi! Một số ví dụ cụ thể:

- Khi mắt ta nhìn một bông hoa, ta không bao giờ nhìn bông hoa như là bông hoa (sắc như thực), mà luôn chất chồng vào cái hoa ấy không biết bao nhiêu là khái niệm: Hoa đỏ, hoa vàng, hoa này đẹp, hoa kia xấu, hoa này có giá trị, hoa kia không có giá trị. Chính những khái niệm đỏ, vàng, đẹp, xấu, có giá trị, không có giá trị đã phủ chụp, đã chồng chất lên cái hoa thực nên gọi là sắc tập khởi. Cái phủ chụp, chồng chất ấy chính là uẩn, tạo thành sắc uẩn.

- Khi tai nghe âm thanh, ta không bao giờ nghe âm thanh như chỉ là âm thanh (sắc như thực – âm thanh là vật chất, là sắc) mà luôn chất chồng lên cái âm thanh ấy, nào cao, nào thấp, nào trầm, nào bổng, nào réo rắc, nào thê lương. Chính những khái niệm chủ quan, do tình cảm hay lý trí này chế biến, đẻ ra nó đã phủ chụp, chồng chất lên cái âm thanh thực nên được gọi là sắc tập khởi. Cái phủ chụp, chồng chất ấy chính là uẩn, tạo thành sắc (thanh) uẩn.

- Mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm đều tương tự như trên; nghĩa là nếu ta không được thấy rõ như thực mà để cho tình cảm, lý trí của mình xen vào thì đều bị biến thành sắc uẩn, nói theo thuật ngữ Duy Thức là do “biến kế sở chấp” mà thành uẩn.

1.3- Sắc uẩn có thể đoạn tận:

- Sắc uẩn ấy nó không có trong thế giới tự nhiên, mà chỉ có trong tình cảm và lý trí chủ quan của người mê, khởi sanh chấp trước mà thôi.

Ví dụ. Hôm qua tôi cãi nhau với một người nên đưa đến giận tức nhau. Sáng nay, người ấy muốn đến gặp tôi để xin lỗi. Nhưng vừa nhìn thấy người ấy thì hình ảnh, khuôn mặt của người ấy từ ngày hôm qua hiện ra nên tôi đùng đùng nổi giận. Ồ, hóa ra, là mình đã lấy cái khuôn mặt (sắc) của anh ta từ ngày hôm qua để chồng lên khuôn mặt của anh ta sáng hôm nay (sắc uẩn) nên đâm ra giận ghét. Vậy thì rõ ràng mình giận ghét cái không thật có, vì hôm qua đã qua rồi, còn hôm nay, con người anh ta, khuôn mặt (sắc) anh ta đang mới mẻ hiện tiền thì mình không thấy! Như vậy, nếu hiện quán, minh sát, trở lại với “thực tại đang là” thì uẩn kia liền chấm dứt, chấm dứt luôn cả giận tức.

2- Vedanā (Thọ)

Thọ là nhận lãnh, là thu nạp, là cảm giác.

- Khi nói 2 thọ là thọ khổ, thọ lạc.

- Khi nói 3 thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ xả.

- Khi nói 5 thọ là thọ khổ, lạc, xả, ưu, hỷ.

- Khi nói 6 thọ là 6 thọ đi ngang qua 6 căn nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ...

Tuy rất nhiều thọ nhưng chúng ta chỉ cần khảo sát 3 thọ khổ, lạc, xả vì ưu chỉ là khổ trong tâm, và hỷ chính là lạc trong tâm, có tính chất tương tợ nhau.

2.1- Thọ như thực thọ:

2.1.1- Khổ thọ (dukkhavedanā).

Là những cảm giác thực xấy ra nơi thân, được gọi là thọ bình thường, thuần túy; nghĩa là cảm giác thực khi chịu sự tác động từ thế giới ngoại trần sắc thanh hương vị xúc hay các định luật của vạn hữu. Ta có thể quan sát:

- Khi nhìn ánh nắng chói chang thì cảm thấy nhức mắt; khi nghe âm thanh quá lớn thì lùng bùng lỗ tai; khi trời rét quá thì da nghe buốt lạnh. Bậc giải thoát không phải là diệt cái khổ thọ bình thường, thuần túy này. Đây chính là cảm giác thực. Những cảm thọ như đau, nhức, ngứa, nóng, khó chịu, bực bội, điếc tai, tê, lạnh đều là cảm thọ bình thường, thuần túy, chưa qua sự chế biến của sở thích, thói quen hoặc tình cảm chủ quan của ta (paramattha chưa bị chế biến bởi paññatti) nên nó chỉ là thọ khổ như thực, chưa biến thành thọ khổ uẩn.

2.1.2- Lạc thọ (sukhavedanā).

Những cảm giác dễ chịu, vừa lòng, thích thú, khoan khoái đều được gọi là lạc thọ, đều là những cảm giác thực, bình thường, thuần túy. Ta hãy quan sát.

- Ăn một món ăn hợp khẩu vị, cảm thấy ngon. Ngửi mùi thơm của trầm cảm thấy dễ chịu. Phàm phu hay thánh nhân đều có chung một lạc thọ giống nhau như thế. Tuy nhiên, là phàm phu, là chúng sanh thường không sống được với cảm thọ như thực ấy mà biến chúng thành một loại đau khổ khác.

2.1.3- Xả thọ (upekkhāvedanā).

Xả thọ là lúc không có khổ thọ và lạc thọ; nó cũng là một cảm giác thực, bình thường, thuần túy.

Trong đời sống thường nhật, ai cũng có trạng thái tâm với xả thọ này. Đấy là lúc thân không có cảm giác đau nhức, khó chịu hoặc thích thú, dễ chịu. Tuy nhiên, lúc có xả thọ, ta không chịu đựng được lâu, sẽ cảm thấy buồn chán, trống không, vô vị. Thế rồi, ta muốn đi tìm cảm giác khác, chạy tìm các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc khác; rồi lại rơi vào tròng khổ, lạc khác nữa.

Vậy, cả ba cảm thọ khổ, lạc, xả trên, nếu chưa bị tình cảm hoặc lý trí chủ quan của chúng ta xen vào thì nó chưa biến thành uẩn.

2.2- Thọ uẩn (khandhavedanā)

2.2.1- Khổ thọ uẩn hay khổ khổ (dukkhadukkhavedanā).

Từ khổ thọ bình thường, thuần túy ở trên, phát sanh tâm lý chủ quan làm gia tăng cảm giác khổ thêm một tầng nữa gọi là khổ khổ.

Chính tâm sân (phi hữu ái - vibhavataṇhā) tác động (là do ta bực bội, không chịu đựng nổi nên phát sanh tâm sân) nên khổ thọ thuần túy bị biến đổi, bị tư và hành chi phối, phải nhận chịu cái khổ thâm sâu hơn. Nói cách khác, khổ thuần túy chỉ ở nơi thân, khổ do sân chi phối là khổ ở nơi tâm. Khổ ở nơi thân là do sự tác động tự nhiên của căn trần thức. Khổ ở nơi tâm là do hành chi phối. Nó chỉ là ảo giác, không thực, nhưng có khả năng bóp méo toàn bộ tâm sinh lý của con người. Đây chính là khổ khổ, là thọ khổ uẩn.

2.2.2- Lạc thọ uẩn hay lạc hoại khổ (vipariṇāma-dukkha)

Khi lạc thọ thuần túy phát sanh như 2.1.2, do tâm tham (hữu ái – bhavataṇhā) xen vào làm cho lạc thọ thuần túy bị biến đổi mà thành uẩn:

- Khi lạc đang tồn tại thì sợ lạc biến mất.

- Khi lạc tồn tại quá lâu thì sinh chán nản, chán chường.

- Khi lạc biến mất thì sinh ra nuối tiếc, sầu muộn.

Sợ hãi, nuối tiếc, chán chường chính là nỗi khổ mới, tức là sự khổ do lạc biến đổi, đổi khác; đây mới chính là hoại khổ hay lạc thọ uẩn.

2.2.3- Xả thọ (upekkhāvedanā).

Lúc không có khổ thọ và lạc thọ tức là xả thọ, chúng ta thường không giữ nó được lâu, chạy đi tìm kiếm những đối tượng ưa thích khác. Chính trạng thái tâm lăng xăng tìm kiếm, lăng xăng tạo tác này tạo nên cái khổ gọi là hành khổ (saṅkhāradukkha). Sự thúc động ấy là do tâm si hay dục ái chi phối, chạy đi tìm kiếm những đối tượng ưa thích, rồi lại rơi vào trường hợp của khổ, lạc ở trên để tạo nên uẩn khác.

2.3- Thọ uẩn có thể đoạn tận:

Quan sát tất cả các thọ khổ, lạc, xả, hỷ, ưu ở trên, ta thấy chúng đều có những cảm thọ bình thường, thuần túy nhưng khi chúng có sự tham dự của bãn ngã, ví như tôi đau, tôi nhức, tôi vui, tôi buồn thì tất thảy chúng đều biến thành thọ uẩn. Lấy tuệ minh sát nhìn ngắm thì chúng vốn là không, không thực có, chỉ do ta tự chế biến đẻ ra mà thôi.

Khi ta thương một người thì vẻ mặt hay tiếng nói, cười cả sự đi, đứng gì của người ấy cũng dịu dàng, thân thương cả. Trái lại, đấy là người mà ta ghét thì vẻ mặt hay tiếng nói, cười, đi, đứng gì của người ấy cũng khiến ta khó chịu, bực bội cả. Như vậy, chính tình cảm chủ quan của ta, đã biến cảm thọ như thực thành dịu dàng, thân thương (lạc) hay khó chịu, bực bội (khổ).

Vậy, cái mà ta tự chồng lên cảm thọ thực ấy để biến chúng thành lạc hay khổ chính là uẩn, là thọ uẩn. Có câu ngạn ngữ: “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”; hoặc của Tiên Điền: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” giúp ta thấy rõ cái uẩn ấy, nó phủ chụp lên thực tại khách quan như thế nào!

3- Tưởng (Saññā)

Saññā được hiểu là tri giác, tức là nhận biết tổng quát hình tướng, hình ảnh, âm thanh, mùi vị (ngũ trần - sắc đối tượng) và xác định được nó là cái gì (nhận thức ban đầu).

Ví dụ:

- Đi vào một khu vườn, nhìn thoáng qua là đã biết đây là cây cam, cây mít; đây là lá ổi, lá chanh...

- Thoáng mùi chiên, xào, kho từ nhà bếp bay ra; ta biết đó là tương kho, mùi dầu cháy...

- Vào khu rừng rất nhiều tiếng chim; ta phân biệt được đó là tiếng chim sâu, kia là tiếng chim cà cưỡng...

Tuy nhiên, không phải lúc nào tri giác ấy cũng đúng; chúng có thể bị ký ức, hồi tưởng, tưởng tượng của chúng ta xen vào làm cho tri giác ấy sai lệch đi.

3.1-Tưởng như thực, hiện tưởng

Nếu saññā được lái bởi như lý tác ý (yoniso-manasikāra) thì tri giác ấy là đúng, là hiện tưởng, tức là tưởng đúng đối tượng như-nó-đang-là, đang xảy ra, đang vận hành, đang diễn tiến. Ví dụ: Khi nghe tiếng chim, ta lắng nghe trọn vẹn tiếng chim ấy đừng để cho bất cứ "tưởng" gì xen vào cả. Đấy được gọi là hiện tưởng được dẫn dắt bởi như lý tác ý.

3.2- Tưởng uẩn (khandhasaññā)

Nếu saññā được lái bởi phi như lý tác ý (ayoniso-manasikāra) thì tri giác này bị biến đổi và trở nên sai lầm.

* Bị ký ức, hồi tưởng xen vào, để cho hình ảnh, âm thanh, mùi vị... quá khứ chồng lên hình ảnh, âm thanh, mùi vị hiện tại làm cho “tri giác đang là” bị biến đổi.

* Bị tưởng tượng xen vào làm sai lạc đối tượng, biến đối tượng như thực thành đối tượng khác. Ví dụ:

- Thấy sợi dây tưởng là con rắn rồi sợ hãi con rắn do mình tưởng tượng ra. Thế là tưởng, hành, thức uẩn đồng phát sanh

- Thấy bóng cây lay động tưởng là con ma, sợ hãi bỏ chạy.  Thế là tưởng, hành, thức uẩn đồng phát sanh.

- Nghe tiếng súng nổ tưởng là tiếng pháo rồi nghĩ đến một đám cưới đông vui. Thế là tưởng, hành, thức uẩn đồng phát sanh.

Như vậy chỉ có hiện tưởng là đúng, là thực khi được lái bởi như lý tác ý. Còn các tưởng (saññā) khác đều sai lạc, đều do ta chế biến, đẻ ra; các tưởng chồng chất ấy mới gọi là tưởng uẩn.

3.3- Tưởng uẩn có thể đoạn tận:

Quan sát những chồng chất (uẩn), che đậy (ấm) ở trên, ta thấy con rắn, bóng ma, tiếng pháo nổ, chúng đều không thực có trong thế giới tự-nhiên-đang-là. Chúng vốn là không, không có, nhưng chính uẩn đã biến chúng thành có để sinh ra vui, buồn, khổ, lạc!

Vậy muốn đoạn tận tưởng uẩn, ta chỉ cần trở lại với hiện tưởng, tức là tưởng như thực.

4- Hành (Saṅkhāra)

Có ba nghĩa chính:

Saṅkhāra (hành) được hiểu là tạo tác các nghiệp thiện, nghiệp bất thiện và nghiệp bất động làm nên thức tái sanh vào tứ ác đạo, người bất hạnh, người hữu phúc, trời Dục giới, trời Sắc giới và trời Vô sắc giới. Saṅkhāra này được dùng trong thập nhị duyên khởi: Vô minh, hành, thức...

Saṅkhāra được dịch là hữu vi, hàm chỉ các pháp được kết hợp, được cấu tạo, được làm nên. Saṅkhāra này cũng có nhiều dạng: Một, thế giới vật chất từ hạt cát đến sơn hà nhật nguyệt, sum la vạn tượng được kết hợp bởi các yếu tố, đơn vị vật chất đều được gọi là hữu vi. Hai, thế giới tinh thần được kết hợp bởi các yếu tố tâm lý, các trạng thái tâm lý cũng được gọi là hữu vi.

Cả hai loại hữu vi trên đều bị chi phối bởi những định luật tự nhiên của vũ trụ nên những hữu vi ấy đều vô thường, vô ngã (không có khổ).

Có một loại hữu vi thứ ba nữa, là loại hữu vi do mình chế biến, đẻ ra; loại hữu vi do tâm lý, tình cảm, sở thích, quan niệm chủ quan của mình tự tạo, hữu vi ấy mới đưa đến khổ (dukkha). Hữu vi này thường được dịch là hành, hành uẩn; và chính saṅkhāra này mới vô thường, mới khổ. Nó biến đổi từ thương ra ghét, từ ghét ra hận rồi tạo ra các nghiệp.

Sabbe saṅkhāra aniccāti (tất cả hành là vô thường).

Sabbe saṅkhārādukkhāti (tất cả hành là khổ).

Còn: Sabbe dhammāanattāti (tất cả pháp đều vô ngã). Pháp hữu vi, pháp vô vi đều vô ngã. Pháp vô vi không phải là pháp cấu tạo, kết hợp; cũng không phải là pháp do mình đẻ ra, chế biến ra - nên pháp vô vi là vô ngã nhưng không vô thường và không khổ. Ví dụ Niết-bàn là pháp vô vi.

4.1- Saṅkhāra là hành. Hành này là gọi chung cả 50 tâm sở, là hành trong ngũ uẩn.

  Sắc

(rūpa)

Thọ

(vedanā)

Tưởng

(saññā)

Hành

(saṅkhāra)

Thức

(viññāṇa)

 

1 tâm sở

  1 tâm sở

 50 tâm sở

¯

               52 tâm sở

89 tâm

Hành là 50 trạng thái tâm lý do "tư" điều động, dẫn dắt.

- Nếu tâm thiện, "tư" quy tụ các tâm sở thiện như tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si...

- Nếu tâm bất thiện, "tư" quy tụ các tâm sở bất thiện như si, vô tàm, vô quý, trạo cử...

- Nếu ý nghiệp bất động, "tư" quy tụ các thiền chi như tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.

- Đến đạo,quả, Niết-bàn, "tư" dần dần mất tác dụng, được “tuệ” thay thế.

Do tư tâm sở chi phối mà hành biến thành hành uẩn. Được tuệ thay thế thì tất cả đều thanh lương, trong sáng; các trạng thái tâm lý đều trở thành cái dụng của tâm và trí để sống cao đẹp, thanh bình và giải thoát giữa cuộc đời. Ví dụ: tín, niệm, từ, bi, hỷ, xả...

4.2- Hành uẩn (khandhasaṅkhāra):

- Nếu sắc, thọ, tưởng đều nguyên sơ, trong sáng thì saṅkhāra chỉ là định luật hữu vi cấu tạo, kết hợp tự nhiên dù vật chất hay tinh thần; nhưng khi chúng bị biến thành sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn thì hành uẩn đồng thời khởi sanh do tư chi phối, điều động.

- Nói cách khác, do tư chủ động điều hành, tập hợp các tâm sở tương ưng để tạo tác nên được gọi là “tập hợp tạo tác” (saṅkhāra), thiện hay ác, ba cõi sáu đường đều do nó cả.

4.3- Hành uẩn có thể đoạn tận:

- Khi hành uẩn biểu hiện ra ngoài qua thân, khẩu thì ta dùng ngữ, nghiệp mạng để đối trị. Khi hành uẩn khởi động trong tâm thì đối trị bằng tấn, niệm, định. Khi hành uẩn đã lắng dịu, hoạt động vi tế hơn qua thân tâm, lúc đó cần phải có trí tuệ (paññā) chánh kiến (sammā diṭṭhi), chánh tư duy (sammā saṅkappa) mới hóa giải và đoạn tận được sự tạo tác của hành uẩn .

5- Thức (Viññāṇa)

Là nhận thức, nhận biết đối tượng. Thức (viññāṇa) là tên gọi khác của tâm (citta) hay ý (mana).

5.1- Thức như thực:

- Lúc sự nhận biết ấy còn trong sáng, chưa bị kinh nghiệm, thành kiến, bản ngã xen vào thì thức ấy là thức như thực. Nó nắm bắt đối tượng nguyên trạng do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trao qua mà chưa xử lý.

- Thức bao hàm tất cả tâm sở, nó đóng vai trò quán xuyến tất cả tâm sở, chi phối sắc, thọ, tưởng, hành.

- Ngũ căn tiêp nhận đối tượng là một biểu hiện đơn giản nhất của thức.

- Thức còn thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng đó là sao chép kinh nghiệm để lưu trữ ở kho tiềm thức.

5.2- Thức uẩn:

- Nếu thức bị sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn chi phối thì thức ấy sẽ biến thành thức uẩn.

5.3- Thức uẩn có thể đoạn tận:

- Thật ra chỉ cần trả thức lại cho thức là đoạn trừ được thức uẩn, nói đúng hơn là đoạn tận uẩn của thức (rối ren, chất chồng của thức) chứ không phải đoạn tận thức.

- Nếu thức không bị các uẩn chi phối nghĩa là do như lý tác ý dẫn dắt thì thức ấy biến thành kiến, văn, giác, tri như thực; là thành chánh tri kiến, là như thực tri kiến (yathābhūta ñāṇadassana).

II- Ngũ Uẩn Giai Không

1- Từ bài kinh Bāhiya:

Đến đây, chúng ta đã có cơ sở để xác định rằng, có sắc, thọ, tưởng, hành, thức như thực, là thế giới đang còn trong sáng, Abhidhamma gọi là pháp thực tánh (paramatha-dhamma), Duy Thức gọi là Viên thành thực. Và có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là do bị tham sân si chi phối, lý trí, tình cảm chủ quan chen vào nên bóp méo cái thực ở trên để biến chúng thành uẩn; Abhidhamma gọi chúng là pháp khái niệm (paññatti-dhamma), còn Duy Thức gọi là biến kể sở chấp.

Thời Phật, người nào thấy cái thực nguyên sơ, trong sáng ban đầu ấy, chưa bị vấy nhiễm bởi biến kế sở chấp thì người ấy, ngay tại chỗ ấy liền được giải thóat, đắc quả A-la-hán. Tiêu biểu nhất là bài kinh trong Tiểu bộ kinh, Bāhiya sutta; tôi tóm tắt như sau:

Lúc ấy, đức Phật rời khỏi tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) đi trì bình khất thực tại Xá Vệ (Sāvatthi) thì có một vị bà-la-môn đã già, tên là Bāhiya Dāraciriva, đi tìm kiếm ngài để hỏi pháp. Khi ấy, đức Phật đang ôm bát đi vào giữa các xóm nhà thì Bāhiya Dāraciriva đến gần bên, cúi đầu xuống chân ngài:

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.

- Nay là không phải thời, này Bāhiya! Ông không thấy là Như Lai đang đi trì bình khất thực đó sao?

- Con thấy, bạch Thế Tôn! Nhưng mạng sống của đức Thiện Thệ và mạng sống của chính con không biết là nó sẽ xảy ra lúc nào. Bởi vậy, mong Thế Tôn thuyết pháp cho con nghe.

Như thế, đức Phật đã từ chối lần hai, lần ba, sau đó, ngài đã thuyết ngắn gọn tinh yếu của giáo lý thoát khổ như sau:

“- Vậy này Bāhiya! Ông cần phải học tập như sau: Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri.

Như vậy, này Bāhiya! Nếu trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri thì không có ông ở trong ấy, ông không là chỗ ấy. Do vậy, này Bāhiya! Ông không là đời này, ông không là đời sau, ông không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.

Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của đức Phật, tâm của Bāhiya Dāruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Đức Phật rời chân không bao lâu thì nghe tin một con bò điên đã húc chết lão bà-la-môn, ngài bảo với chư vị tỳ-khưu:

- Này các thầy tỳ-khưu! Hãy đến đấy, lấy thân xác Bāhiya Dāruciriya, đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Lão bà-la-môn kia là một vị đồng phạm hạnh với các thầy đã qua đời!

Thế là đức Phật tuyên bố Bāhiya Dāruciriya đã Niết-bàn!

Đọc đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy rằng:

- Trong cái thấy, chỉ là cái thấy. Đây là cái thấy nguyên sơ, trong sáng (sắc như thực, paramattha), không có uẩn. Là thấy như thực thấy (diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati).

- Trong cái nghe, chỉ là cái nghe. Đây là cái nghe nguyên sơ, trong sáng, không có uẩn. Là nghe như thực nghe (sute sutamattaṃ bhavissati).

Và các cảm quan kia cũng đều như vậy, đều không có uẩn, năm uẩn đều không, chúng là tên gọi khác của chánh kiến. Đây là chánh kiến vô lậu, không có sanh y, tên gọi khác của chánh trí, giải thoát, giác ngộ, Niết-bàn.

2- Từ bài kinh Bát Nhã Ba-la-mật-đa:

“Quán-Tự-Tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”.

Theo tôi, bát-nhã tâm kinh quan trọng nhất là ở đoạn kinh văn ấy; phần còn lại là sự phủ định triệt để của tánh không, phá bỏ mọi chế định ước lệ của các phạm trù khái niệm.

Đầu tiên là Quán Tự Tại Bồ Tát mà ai cũng hiểu là Bồ Tát Quán Tự Tại (tên gọi khác của Bồ Tát Quán Thế Âm), nhưng tôi lại hiểu khác. Bồ Tát, chữ Nam phạn là Bodhisatta; satta là hữu tình, là chúng sanh; bodhi là giác hay trí tuệ. Vậy có thể có hai nghĩa, một, chúng sanh có trí tuệ, hai, là hữu tình giác! (nếu dịch là giác hữu tình lại mang nghĩa khác, là giác ngộ cho chúng sanh).

Quán là nhìn ngắm, soi chiếu, quán chiếu. Tự tại là ở ngay bây giờ đây, thân tâm của mình đây. Vậy, nghĩa cả nhóm từ “Quán tự tại bồ tát” có nghĩa là: Chúng sanh có trí tuệ, soi chiếu trọn vẹn thân tâm của mình ngay bây giờ đây.

Khảo sát tiếp theo: Hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời.

Hành thâm có nhiều người dịch là đi sâu. Không phải vậy, hành là thực hành, còn chữ thâm, nguyên văn chữ phạn là gaṃbhirā có nghĩa là sâu thẳm, sâu xa; vậy gaṃbhirā paññāpāramitā (pāḷi) là thực hành trí tuệ sâu mầu của bờ kia.

Vậy cả đoạn, như sau: Chúng sanh có trí tuệ, quán chiếu thân tâm ngay bây giờ đây, lúc sử dụng trí tuệ sâu mầu của bờ kia, soi thấy năm uẩn đều là không nên chấm dứt (vượt qua) tất thảy mọi khổ ách.

Đến đây, vấn đề tụ lại nơi “năm uẩn đều là không” tương tự bài kinh Bāhiya ở trên.

Nếu ai có cơ duyên, có thì giờ đọc thêm kinh Tiểu Không, Đại Không, Đại Duyên của Nikāya thì còn thấy rõ thêm tánh không rốt ráo, cuối cùng là giải thoát tham sân si, phiền não, giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn.

Hóa ra, tất cả đều là tu quán minh sát tuệ (vipassanā) để thấy rõ vô thường, vô ngã của tâm và pháp nhưng cách nói khác nhau, diễn đạt khác nhau mà thôi. Hy vọng những hành giả tu Phật hãy Thấy Như Thực Thấy – mà kinh Pháp Hoa gọi là Phật Tri Kiến chớ có gì lạ đâu!

Ghi chú:

(1) Sắc là sắc thân vật lý; thọ là cảm giác; tưởng là tri giác, hành là các trạng thái tâm lý; thức là ý thức, nhận thức – có chức năng thu gom hoặc xử lý các tình huống, các đối tượng.

(2) Tuệ (paññā), tuệ tri là cái biết của tuệ (pajānāti).

(3) Liễu tri ( ājānāti) là cái thấy biết rốt ráo, bằng giác trí (bodhiñāṇa) hay bằng tuệ giác của bậc đã giác ngộ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/07/2021(Xem: 15957)
Vào thời đại khủng hoảng niềm tin của tất cả tôn giáo, lòng người càng lúc hồi hộp bất an, giáo lý đức Thích Ca Mâu Ni như mặt trời chiều xuống bóng hoàng hôn ,Mật Tông Kim Cang Thừa như ngọn đèn sắp tắt, chỉ còn lại những bộ đại tạng kinh phủ đầy bụi trên những kệ kinh, nằm bất tỉnh không ai hỏi thăm trong những tu viên,viện bảo tàng cô đơn thiếu bóng người. Cuốn sách Mật Tông Kim Cang Thừa Chú Giải Toàn Thư Tập Hai, là sự trình bày và phô diễn mật nghĩa thậm thâm của Đại Phật Đảnh Lăng Nghiêm đà la ni , Bát Đại Kim Cang Thần Kinh và các phụ bản vô thượng du già. Là sự trợ duyên cho những ai, đã có gieo hạt giống pháp môn này, có thể khai hoa kết trái thành tựu sự tu tập giải thoát. Linh Quang từ nhỏ xuất gia tu học , tầm sư học đạo, và đi du học nhiều nước, nên trong đầu nhiều ngôn ngữ lộn qua lộn lại, bây giờ Tiếng Việt cũng quên dần,chính tả viết sai nhiều lắm, nên quý vị thông cảm bỏ qua những lỗi lầm về câu văn từ ngữ.
01/07/2021(Xem: 3676)
Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, đã được chính Đức Thế Tôn tuyên dương là Bổn Kinh Thượng Thừa, bao gồm những bí yếu cực kỳ nhiệm mầu, vi diệu mà Chư Phật trao truyền lại cho những ai đủ tín tâm thọ nhận. Pháp-bảo được lưu truyền đến nay, vẫn sáng ngời toả rạng lưu ly qua bao thăng trầm của thế sự vô thường, với tâm nguyện hoằng truyền Chánh Pháp của các bậc minh sư, tuỳ căn cơ chúng sanh mỗi thời mà soạn dịch. Một, trong những bổn kinh Diệu Pháp Liên Hoa thường được trì tụng tại các tự viện là bổn cố đại lão Hoà Thượng Thích Trí Tịnh biên soạn, hoàn tất với 557 trang, gồm 7 quyển, chia thành 28 phẩm , mỗi phẩm đầy đủ văn kinh và thi kệ. Cũng do nhu cầu và phương tiện tu học của Phật tử mà Hoà Thượng Thích Trí Quảng cũng đã lược soạn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh thành Bổn Môn Pháp Hoa Kinh để Phật tử tại các Đạo Tràng Pháp Hoa có thể hàng ngày trì tụng mà không bị gián đoạn vì không đủ thời gian. Bổn Môn Pháp Hoa Kinh được Hoà Thượng trân trọng biên soạn, cô đ
29/06/2021(Xem: 6009)
Kính Pháp Sư Sướng Hoài, tôi tu sĩ Thích Thắng Hoan đọc qua tác phẩm PHẬT HỌC VĂN TẬP của ngài viết nhận thấy ngài một nhà bác học uyên thâm Phật giáo nắm vững mọi tư tưởng cao siêu của cácphái, các tông giáo cả trong đạo lẫn ngoài đời. Toàn bộ tác phẩm của ngài đều xây dựng vững chắc trên lãnh vực biện chứng pháp của Nhân Minh Luận. Nội dung tác phẩm trong đó, mỗi một chủ đề ngài biện chứng bằng những lãnh vực mặt phải mặt trái, chiều sâu chiều cạn, mặt phủ định, mặt xác định,cuối cùng để làm sáng tỏ vấn đề bằng kết luận. Tôi vô cùng kính nể kiến thức của ngài.
29/06/2021(Xem: 6198)
Phật giáo dùng từ bi làm căn bản, xem trọng giới sát nên thực hành phóngs anh.Từ nghĩa là trao cho khoái lạc; Bi nghĩa là san bằng khổ não. Người đời rất quý mến thân mạng, chồng vợ con cháu, tiền của, nhưng từ chối mỗi người không thể che chở bao gồm chung cả. Giả như nếu bất hạnh gặp gian nguy, vì cứu thân mình, thà bỏ tất cả vật ngoài thân, để cầu được sinh tồn riêng mình.Con người đã tham sống sợ chết, sanh mạng con vật nhỏ bé như con muỗi, con ve, sâu bọ, kiến mối, còn biết tránh chạy cái chết cầu mong được sống, thì các động vật khác chúng nó sao lại không như thế?
28/06/2021(Xem: 3944)
Trước khi nói đến tinh thần Trung đạo của Phật giáo, thiết nghĩ cần phân biệt sự khác nhau giữa tinh thần “Trung dung” và “Trung đạo.” “Trung dung” là những thiên trong Kinh Lễ. Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra Mục đích của sách Trung Dung là giúp con người hiểu được đạo “Trung dung” để đạt đến một trình độ đạo đức cao hơn. Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử. Cũng theo tinh thần “Trung dung” như thế, không thể có một thái độ “Trung dung” cố định; tùy thời tùy thế mà linh hoạt. “Trung dung” với ý nghĩa trên là dung hợp, quân bình giữa thái quá và bất cập. Ví dụ : thuyết Duy Vật chủ trương tranh đấu; thuyết Duy Tâm của Đức Khổng Tử, chủ trương điều hòa hai yếu tố cực đoan bằng lẽ Trung Dung.
27/06/2021(Xem: 8207)
Pháp Học và Pháp Hành Khi đề cập đến những người tu trong Phật Giáo, thì chúng ta thấy có phân ra hai khuynh hướng tu học, một số vị thì nghiêng về pháp học, còn số vị khác lại chuyên về pháp hành. Vậy pháp học là gì ? Là cả đời tu chỉ chuyên về việc nghiên cứu, học tập kinh điển, xem các luận bản... để biết được hết Tam tạng kinh điển ( Kinh, Luật, Luận ), nhiều vị còn phiên dịch kinh điển, hay viết ra nhiều bộ luận dựa trên kiến thức, sự hiểu biết đã tích lũy. Nhưng tâm thật sự chứng ngộ, hay đạt đạo thì có thể chưa, chỉ hiểu, chứ chưa thực chứng. ( Còn số vị mà chuyên về pháp học nhưng tâm đã giác ngộ thì rất hiếm có, thời nay càng vô cùng hiếm ).
27/06/2021(Xem: 5572)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Với tâm niệm hộ trì chư Tôn đức Tăng già, các bậc tu hành nơi đất Phật trong lúc nhiều khó khăn do Dịch covid đang nhiễu nhương, chúng con, chúng tôi đã thực hiện hai buổi cúng dường tịnh tài, tịnh vật và một ít nhu yếu phẩm đến chư Tăng Ni thuộc truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa Tibet tại Dharamsala, các vị Ẩn sỹ trên đỉnh Triund Himachal, cũng như các vị Tăng Ni VN hiện đang theo học PG Mật Tông tại Dharamsala India (19 vị). Sư cô Thích nữ Huệ Thảo đã thừa hành Phật sự này và đã cúng dường tất cả là 245 vị tu sỹ, trong đó có 19 vị tránh tiếp xúc đám đông nên đã nhận chuyển vào tài khoản cá nhân từ Sư cô Huệ Thảo, một số vị vì bịnh trạng đã nhờ bạn đồng tu nhận dùm, mỗi vị thọ nhận 1500INR kèm với một số tịnh vật cúng dường.
26/06/2021(Xem: 15512)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
26/06/2021(Xem: 10747)
LỜI NÓI ĐẦU Tác phẩm “Thế giới Cực Lạc” là tuyển tập các bài giảng của thầy Nhật Từ về nội dung của kinh A-di-đà. Với cách diễn tả và phân tích đơn giản và đi thẳng vào mọi vấn đề, thầy Nhật Từ đã giới thiệu về bản chất Tịnh độ Tây phương gắn liền với xã hội con người. Để có được kết quả vãng sanh Tây phương, mỗi hành giả cần hội đủ năm điều kiện tiên quyết.
25/06/2021(Xem: 7867)
Lời Nói Đầu Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni, Kính thưa quý Phật tử, Trong thời gian cả thế giới đang bị dịch Covid-19, Sa di Thông Đạo đã dày công nghiên cứu Ngũ Bách Danh - Quán Thế Âm Bồ Tát. Đến nay đã hoàn thành bằng ba ngôn ngữ khác nhau: chữ Việt Nam, chữ Anh, chữ Hán. Bất cứ nơi nào có đạo Phật, chắc chắn có tu sĩ, có Phật tử sinh hoạt chung với nhau. Theo truyền thống Bắc tông, hằng năm các chùa đều tổ chức lễ tưởng niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ba lần vào những ngày 19 tháng Hai, 19 tháng Sáu, và 19 tháng Chín Âm lịch.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]