Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguyện Lực

18/12/201509:02(Xem: 7812)
Nguyện Lực

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Nguyện Lực
(Adhiṭṭhāna)

 

“Nguyện lực” hay “quyết định lực” là 01 trong 10 ba-la-mật (pāramī) (1) theo kinh điển truyền thống. Nó là năng lực hữu vi của ý chí tiếp sức cho tư tác (cetanā) hoàn thành tâm nguyện của người học Phật và tu Phật.

Chư Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Thinh Văn Giác đều có nguyện lực và đều có ba giai đoạn: Nguyện trong tâm (ý), nguyện thành lời (khẩu) và nguyện bằng hành động (thân) ba-la-mật. Như đức Phật Sakyā Gotama đã phát nguyện ở trong tâm suốt 7 A-tăng-kỳ, nguyện thành lời suốt 9 A-tăng-kỳ, và nguyện bằng hành động ba-la-mật suốt 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp (2). Như vậy là đức Phật Sakyā Gotama phải thực hành ba-la-mật trải qua 24 vị Phật tổ, kể từ Phật Dīpaṅkāra (Nhiên Đăng) cho đến Phật Kassapa (Ca Diếp).

Trong các kiếp trầm luân sinh tử, thỉnh thoảng chư Bồ-tát cũng “quên”  hay “lơ là” nguyện lực cũ của mình mà tạo tác sai lầm, bị đoạ, nhưng rồi, qua thác, qua ghềnh, chiếc thuyền vẫn tìm được hướng đi chơn chánh. Chúng ta, dù tu sĩ hay cư sĩ, cũng tương tự vậy, không ai có khả năng biết rõ nguyện lực của mình thuộc giai đoạn nào. Tôi biết có một vị trưởng lão Nam tông, cuối bổn dịch của một bộ kinh, có ghi lời phát nguyện thành bậc Chánh Đẳng Giác. Tôi biết một vị trưởng lão khác, trong ngày nhậm chức Tăng Thống có phát nguyện thành lời bố-thí ba-la-mật như thái tử Vessantara để thành bậc Chánh Đẳng Giác. Và còn nhiều vị khác nữa. Cách đây nhiều năm, có người thân quen hỏi nhỏ tôi là đã phát nguyện Chánh Đẳng Giác chưa? Tôi cười cười nói, chưa, chưa phát nguyện thành lời, nhưng có khởi ý nghĩ lặng lẽ trong tâm là thành bậc Độc Giác thôi, một mình khoẻ hơn! Chứ thành Chánh Đẳng Giác mệt lắm, đeo níu nhân duyên nhiều đời kiếp với chúng sanh, phiền lắm; rồi lại còn sinh tử trầm luân dài dằng dặc nữa, ớn lắm!

Thật là lạ lùng! Dù mới khởi nguyện lặng lẽ Độc Giác ở trong tâm mà đời sống của tôi nó cứ có khuynh hướng đồng quy về chỗ “một mình” mới kỳ. Hiện tại, tôi không vào bất cứ một hội nào, ngoài Phật. Không đi họp đi hành ở bất cứ đâu, ngoài hành lễ bố-tát. Đi kỵ giỗ tưởng niệm một vài bậc cố trưởng lão tôn túc là chuyện chẳng đặng đừng, chứ thật ra “không có mợ thì chợ cũng đông”! Có tham dự một vài cuộc hội thảo xét ra là quan trọng và cần thiết; còn thấy vô ích, vô bổ, “phong trào” hoặc bên sau có này có kia thì cứ “viện cớ già lão” mà từ chối! Chuyện thuyết pháp hay đi giảng nói đây đó thì tuỳ duyên chút ít – vì tôi biết rõ “nói nhiều thì lỗi nhiều”; và vì tôi đã học rất thuộc câu kinh Lời Vàng “Im lặng như cái mõ bể là đã gần kề Niết-bàn” không thống khoái hơn sao! (Nơi bàn chỗ tôi ở có ba tượng khỉ bằng gỗ, con bịt mắt, con bịt tai và con bịt mồm – tôi nhìn và cố tu tập như vậy hằng ngày). Thấy đám đông hay khi có lễ lượt nhiều người là tôi cảm giác mệt mỏi, thiếu không khí để thở, muốn vào nơi lặng lẽ một mình! Tết, xuân - tôi thường trốn 20 ngày hay một tháng thấy khoẻ vô cùng; và càng già càng thích cô liêu, tịch mịch để viết cái gì đó, nghiên cứu, học hỏi cái gì đó... Duy nhất tôi có hướng dẫn một lớp thiền, 3,4 năm nhưng giờ thì cho nghỉ rồi; và tôi bảo, đời là một trường thiền rộng lớn, hãy nắm “nguyên lý thiền”, linh động, biến hoá để áp dụng đa dạng và phong phú khi giao tiếp, ứng xử với thế gian đa phức: Phải học bài học giác ngộ ở đó chứ không phải ở đây! “Pháp thực thuyết” là ở trong thế giới duyên sinh khổ, lạc mà chư vị đang sống! “Một tiếng chửi là pháp đang đến đó!” “Một chiếc lá vàng rơi là pháp đang đến đó!” Giữa chợ, giữa đời ngày nay tha hồ là pháp!

Ôi! Mới có “nguyện lực trong tâm” thôi mà nó đã “chuyển” sinh hoạt tâm linh của tôi đi về cõi cô liêu, cô độc như vậy đó! Chưa rõ nó là tốt hay xấu, mà có lẽ cả tốt, cả xấu. Tốt là ít duyên sanh phiền não và tốt nữa là có nhiều thì giờ để đọc, để viết! Xấu do bản ngã ẩn mình đóng vai trò cao thượng và xấu nữa là do có bóng dáng của tư kỷ, ích kỷ! Nhưng hiện tại, tôi-đang-là-vậy thì tôi nói thật, sống thật vậy thôi!

Ai cũng phải có nguyện lực, quyết định tâm, nhất là sinh hoạt của tu sĩ và cư sĩ. Tôi xin kể một chuyện xưa nhé.

“Vào thời đức Phật Ca-diếp (Kassapa), có đức vua tên là Vijjitāvī trị vì một vương quốc giàu mạnh, kinh đô đặt tại xứ Sāgala xinh đẹp. Đức vua là một cư sĩ có giới và có trí, cai trị quốc độ bằng mười vương pháp, sống với thần dân bằng bốn pháp tế độ.

Tại kinh đô ven sông, đức vua cho xây dựng một ngôi chùa lớn rồi dâng cúng đến các vị trưởng lão đạo cao đức trọng, suốt thông Pháp và Luật. Ngài hộ độ chư Tăng đầy đủ về tứ sự, hết tuổi thọ, hóa sanh làm Thiên chủ cõi Đao-lợi, gọi là Đế thích Thiên vương.

Ở ngôi chùa do đức vua bảo trợ này, chư tỳ-khưu Tăng rất đông đúc, duy trì pháp học và pháp hành một cách nghiêm túc và không gián đoạn. Trong chúng, có vị tỳ-khưu giới hạnh trong sạch, hằng ngày tu tập thiền quán. Mỗi sáng, ngài thường thức dậy sớm, lễ bái Tam Bảo, quán tưởng ân đức Tam Bảo, tọa thiền, kinh hành rồi đi quét dọn xung quanh chùa. Công việc ấy ngài làm một cách lặng lẽ và chuyên cần.

Hôm kia, vị tỳ-khưu quét lá quanh Bảo tháp, gom lại thành đống rồi gọi sư sa-di phụ việc hốt đem đổ đi. Sư sa-di ngày thường rất ngoan ngoãn, nhưng hôm ấy lại sanh tâm lười biếng, giả vờ không nghe. Gọi đến lần thứ ba, thấy sư sa-di vẫn cứng đầu, vị tỳ-khưu bèn bước tới, đánh cho chú mấy cán chổi khá đau. Thế là sư sa-di vừa khóc vừa hốt rác, ấm ức vô cùng. Công việc xong xuôi, sư sa-di phát lời nguyện rằng:

‘- Với phước báu đổ rác này, nếu chưa đắc Niết-bàn, dù sanh vào cảnh giới nào, cũng xin cho tôi có đầy đủ quyền cao, chức trọng mà oai lực của tôi sẽ thù thắng hơn tất cả mọi người, như mặt trời vĩ đại ở giữa hư không kia vậy’.

Nguyện xong, hể hả và vui sướng, sư sa-di đi xuống sông tắm. Khi bơi lội nhởn nhơ trong nước, thân tâm mát mẻ, sư sa-di cảm thấy hối hận, tự nghĩ:

-‘Thầy tỳ-khưu bảo ta hốt rác, đấy chẳng phải là phận sự bắt buộc, chẳng phải là việc riêng của ngài; cũng chẳng phải là lợi ích cho các thầy A-xà-lê, cũng không phải nhằm phục vụ cho các vị thượng tọa, hòa thượng của ngài. Vậy đích thị ngài đánh ta là muốn tế độ ta, muốn đánh vào cái tính lười biếng và cứng đầu của ta! Ôi! Vì u mê mà ta tự làm hại ta rồi’.

Vẫn còn ngâm mình dưới sông, nhìn những lượn sóng như vô tận đuổi nhau đến tận bờ xa, sư sa-di tâm cơ máy động, phát lời đại nguyện:

‘- Vì thiếu trí tuệ mới sinh lười biếng, cứng đầu, sinh những nhận thức sai lầm, nông nổi. Vậy thì với tất cả những phước đức tu tập của tôi, phước đức đổ rác bấy lâu nay, phước đức thấy mình lầm lỗi, xin nguyện rằng: Nếu chưa đắc quả Niết-bàn, hãy cho tôi có được trí tuệ nhiều vô biên vô lượng như những làn sóng vô tận của con sông này’.

Đang trên bến, cũng định xuống sông tắm, vị tỳ-khưu nghe được lời phát nguyện đầy quyết tâm vững chắc của sư sa-di, chột dạ, nghĩ thầm: ‘Không kể chút lầm lỗi sáng nay, sư sa-di này từ lâu tu tập rất tốt, có hạnh kiểm và có trí. Vậy với lời nguyện sắt đá này, chú sa di hẳn sẽ thành tựu dễ dàng’. Trầm ngâm hồi lâu, vị tỳ-khưu nghĩ tiếp: ‘Trong lời nguyện của sư sa-di, vừa có cái gì đó như phục thiện mà cũng vừa có cái gì đó như đối chọi lại với ta? Nhưng bản chất của sư sa-di này ngủ ngầm sự cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn. Vậy nếu lời nguyện kia mà thành tựu thì trên thế gian này có ai đủ khả năng trí tuệ để kềm bớt trí tuệ của y?’.

Vì thế, vị tỳ-khưu cũng chấp tay lên đầu, hướng giữa thinh không, phát lời đại nguyện:

‘- Với tất cả mọi công đức tu tập của tôi, công đức quét rác bao nhiêu năm, nếu tôi chưa đắc quả Niết-bàn, xin cho tôi được thành tựu trí tuệ bất khả tư nghì. Trí tuệ ấy phải đầy đủ năm tính chất sau đây:

  Nhiều như sóng của con sông đại Hằng.

  Vững chắc và kiên định như hai bờ của con sông này.

  Thấy rõ gốc ngọn tất cả các pháp.

  Quang minh, sáng sủa.

  Quảng bác, thâm sâu, sắc bén.

Mong nhờ trí tuệ bất khả tư nghì ấy, có thể kiềm chế, phá nghi, soi rọi, dẫn dắt sư sa-di đi đến nơi giác ngộ, giải thoát’.

Cả hai vị tỳ-khưu và sa-di, với lời nguyện ấy, sau khi tan rã ngũ uẩn, họ đều được sanh làm người, làm trời trọn thời gian giữa hai vị Phật. Đến lúc Phật Thích-ca Niết-bàn gần năm trăm năm, vị tỳ-khưu thuở xưa từ cõi trời giáng hạ làm Na-tiên tỳ-khưu; vị sa-di sanh làm vua Mi-lan-đà ở kinh thành Sāgala đúng với lời nguyện của họ”.

Nội dung câu chuyện chỉ nói về quét rác và đổ rác thôi, nhưng do nguyện lực của hai vị mà hiện nay ta có được bộ sách Mi Tiên vấn đáp (hay Na-tiên tỷ kheo), hàm tàng tư tưởng Phật học thâm sâu có giá trị nhiều đời cho hàng hậu tấn nghiên cứu, học hỏi.

Nguyện lực, theo truyền thống, muốn đầy đủ sức mạnh thì phải trọn vẹn cả tam nghiệp thân, khẩu, ý như ba giai đoạn dẫn lược ở trên. Tuy nhiên, người tu học thường không biết mình đang ở trong giai đoạn nào – nên cứ tuỳ duyên, thuận pháp mà “làm”. Khi thấy cần ở trong tâm (ý) thì cứ ở tâm mà “quyết định với ý chí sắt đá”. Khi thấy cần ở lời nói (khẩu) thì cứ nơi lời nói mà “bày tỏ nguyện lực một cách nhất như”. Khi thấy cần bổ túc một ba-la-mật nào đó trong 10 ba-la-mật thì cứ ba-la-mật ấy mà “thực hành một cách triệt để” (thân). Nếu làm được vậy thì sự tu học sẽ bất thối chuyển, và chắc chắc sớm muộn, trước sau cũng thành tựu mục đích rốt ráo phạm hạnh, giải quyết trọn vẹn “đại sự tử sinh” của đời mình!

Mong lắm cho tất cả chúng ta vậy thay!

Ghi chú:  

(1) Bố thí (dāna), trì giới (sīla), xuất gia (nekkhamma), trí tuệ (paññā), tinh tấn (viriya), nhẫn nại (khantī), chân thật (sacca), quyết định (athiṭṭhāna), tâm từ (mettā), tâm xả (upekkhā).

(2) Tổng cộng là 20 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp dành cho Bồ-tát căn cơ Trí tuệ. Bồ-tát căn cơ Đức tin với thời gian gấp đôi, là 40 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Bồ-tát căn cơ Tinh tấn (phục vụ chúng sanh) thì thời gian gấp đôi căn cơ Đức tin là 80 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/10/2014(Xem: 7585)
Có những gì cần phải sửa trong Kinh Phật hay không? Có những gì cần phải cắt bớt khỏi Kinh Phật, hay cần phải bổ túc thêm cho Kinh Phật hay không? Câu trả lời tất nhiên không dễ. Vì người xưa đã nói, nếu chấp vào nghĩa từng chữ một, có thể sẽ hiểu nhầm ý của Phật; nhưng nếu rời kinh một chữ, lại hệt như lời ma nói. Nguyên văn: Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết.
26/10/2014(Xem: 9087)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này. Nhưng đâu đó trên hành tinh, mưa thu lất phất bay, và gió thu se sắt gợi buồn; cũng có nơi mưa ngập cả các con lộ chính của thành phố lớn để người và xe cộ phải lội bì bõm trong giòng nước ngầu đục. Và chỗ nọ, chỗ kia, làn gió dân chủ, hòa bình, khơi niềm hứng cảm cho sự vươn dậy của ý thức tự do, khai phóng.
24/10/2014(Xem: 14244)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
24/10/2014(Xem: 8187)
Chuyện kinh Phật kể rằng, tự ngàn xửa ngàn xưa, hằng hà sa kiếp trước, có con thỏ ngọc nọ thấy bầy đàn đang lúc giá rét cuối đông, chẳng kiếm được chút rau cỏ gì cho nguôi cơn đói bụng ; thỏ nọ liền “hưng khởi đại bi tâm” nhảy vào đám lửa đang cháy rực hồng, tự biến thân mình thành thịt nướng cho bầy đàn ăn đỡ đói. Khi bầy đàn thỏ no nê thì cũng là khi thân thỏ nọ chỉ còn sót lại mấy miểng xương đen. Phật biết đại bi tâm của thỏ từ đầu, bèn nhặt xương thỏ đem về cung quảng, phục sinh và đặt tên cho thỏ là NGỌC THỐ - có nghĩa là Thỏ Ngọc, một sinh thể có đại bi tâm quý như ngọc; thứ ngọc Phật từng nói đến trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bấy giờ, cuộc đời thỏ ngọc ngày đêm yên ả nơi cung trăng, tự thân sớm hôm trau dồi công dung ngôn hạnh khiến biết bao người chung quanh nâng niu, thương yêu chiều chuộng.
23/10/2014(Xem: 12836)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại. Dầu được viết trong nhiều thời điểm khác nhau cho nhiều đối tượng độc giả, tác giả chú trọng đến việc giới thiệu về hình thái đạo Phật nguyên chất, xây dựng niềm tin bằng lý trí, giới thiệu đạo Phật từ góc độ ứng dụng trong đời sống, so sánh những điểm dị biệt và sự vượt trội của đạo Phật đối với các truyền thống và tín ngưỡng khác.
23/10/2014(Xem: 8463)
Bằng cách này hay cách khác, Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện, tránh mọi khổ đau và để thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Trong bài kinh Nghèo khổ thuộc Tăng Chi Bộ, Ngài đơn cử câu chuyện một người nghèo túng về của cải vật chất nhưng không biết cách nỗ lực khắc phục tình trạng nghèo khó của mình nên phải liên tiếp rơi vào các cảnh ngộ khó khăn để nhắc nhở chúng ta về các tai họa khổ đau mà chúng ta sẽ phải đối diện, nếu không biết nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất đạo đức và trí tuệ của mình.
23/10/2014(Xem: 10036)
Tục lệ, hay những lễ nghi đã trở thành thói quen, là văn hóa được ước định của một dân tộc. Sự hình thành tục lệ thường chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán trong dân gian, hoặc do sự thực hành các tín ngưỡng tôn giáo lâu ngày của một cộng đồng. Sau khi truyền vào Trung Quốc, Phật giáo không chỉ đi sâu vào dân gian, hòa nhập với đời sống, từng bước hình thành nên một bộ quy phạm lễ nghi về “hôn táng hỷ khánh” (dựng vợ gả chồng, chôn cất người chết, thể hiện niềm vui, bày tỏ việc mừng); mà còn có tác dụng thay đổi phong tục đối với các thói quen dân gian mang đậm màu sắc mê tín trong các việc như: tổ chức hôn lễ rườm rà; đoán số mệnh dựa trên bát tự(1); miễn cưỡng tổ chức việc vui trong lúc gia đạo đang gặp rắc rối với mong muốn giải trừ vận xui, tà khí, chuyển nguy thành an, gọi là xung hỷ; thực hành tục minh hôn(2); duy trì lối khóc mộ; xem phong thủy…
23/10/2014(Xem: 9365)
Từ Thiện chỉ là Tu Phước, đó là cành lá hoa trái, nhưng Tu Huệ là gốc rễ , có chăm sóc cội gốc thì cây Bồ-Đề mới xanh tươi, đó là Phước Huệ song tu, là Tâm Hạnh của một vị Bồ-Tát, Một vị Phật tương lai, hiện tại phải Hành Bồ-Tát Đạo, Phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật, Bồ-Tát Giới thì cũng có Xuất gia và Tại Gia, Người con Phật phải luôn tưởng nhớ đến Tánh Phật vốn sẵn nơi chính Thân Tâm Ngũ Uẩn nầy, Người Tu Phật phải luôn nhìn lại chính mình, nếu hiểu được chính Thân Tâm mình, thì sẽ hiểu được người khác, (Tức Quán một Pháp thông, thì tất cả các Pháp đều thông) Người Giác Ngộ đối với Thân Tâm này, chỉ thấy là như hạt bụi, rời hơi thở rồi thì thiêu đốt thành tro, Muốn giải thoát Luân Hồi Sanh Tử, thì sống chấp nhận trả Nghiệp quá khứ, mà không tạo thêm Nghiệp tương lai, Bằng cách, nếu có người phiền não Ta, hay tức giận Ta, thì liền xin lỗi, đó là chấp nhận trả Nghiệp cũ, mà không tạo thêm nghiệp mới,
22/10/2014(Xem: 8348)
Tôi thường đeo một xâu chuỗi nhỏ ở tay, cũng nhiều năm rồi, như một sở thích, như một thói quen. Nhiều người thấy lạ thường hỏi, mang xâu chuỗi chi vậy? Tu hả? Cầu xin gì hả? Thường thì tôi chỉ cười thay câu trả lời vì cũng hơi rắc rối để giải thích.
21/10/2014(Xem: 8718)
Tôi may mắn có mặt trong buổi tối quý giá mà đông đảo Phật tử và thanh niên Hà Nội đã được học hỏi từ Sư bà Thích Nữ Giác Liên, một vị ni sư có 2 dòng máu Ấn – Việt, và là tác giả của cuốn “Đường về xứ Ấn”, tại nhà sách Thái Hà (119 C5 phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Sư bà Thích Nữ Giác Liên sống ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ đã 7 năm, đã đi giảng Pháp tại nhiều nước trên thế giới. Sư bà cũng là tác giả của nhiều bản đạo ca nổi tiếng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]