Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thấy Ngay Lập Tức

18/12/201509:01(Xem: 7370)
Thấy Ngay Lập Tức

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Thấy Ngay Lập Tức
(Con Đường Duy Nhất: Ekayāna)
 

Có một bài kinh nằm trong hai thời khóa công phu, tụng mãi, tụng hoài mấy chục năm trường mà tôi vẫn hiểu mơ mơ, hồ hồ. Cho đến khi tu tập thiền minh sát thì tôi mới thật sự hiểu, không phải hiểu nữa mà là bắt đầu “thấy” ra!

Đó là đoạn kinh nói về 5 đặc tính của Pháp, như sau:

“Svākkhāto Bhagavatā Dhammo  Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opanayiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhī ’ti” (1).

Nghĩa: Pháp đã được đức Thế Tôn khéo khai thị là Pháp thiết thực hiện tiền, không bị hạn chế bởi thời gian, là Pháp đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, bậc trí tự mình chứng nghiệm (trong lòng mình).

Trước đây tôi đã chuyển sang văn vần đoạn kinh ấy:

“Pháp Bất Diệt: Cha Lành khéo dạy

Lìa danh ngôn hý luận, nghĩ bàn

Vượt thời gian, vượt không gian

Thiết thực hiện tại, hóat nhiên tỏ tường

Pháp hướng thượng. Đến rồi thấy rõ

Lìa si mê, xả bỏ vọng trần

Trí nhân ngộ tánh chân nhân

Tự mình chứng ngộ pháp thân diệu thường”.

Bây giờ, ta thử đi vào từng “tính chất một” của Pháp.

1- Sandiṭṭhiko:

Ở đâu cũng dịch là thiết thực hiện tại hay thực tại hiện tiền, đều đúng cả. Thiết thực hiện tại là cái gì sát với thực tế đang xảy ra trong hiện tại. Nhưng cái hiện tại này không phải là cái trơ trơ bất động. Cái gì cũng đang vô thường, dịch hóa, chảy trôi, duyên khởi... chứ làm gì có cái “cục hiện tại” với nghĩa tĩnh? Vậy, thực tại hiện tiền có lẽ là cụm từ nói được cái thực tại đang trôi chảy, đang duyên khởi.

Khi tu thiền minh sát thì ta sẽ có kinh nghiệm cụ thể và trực tiếp hơn. Một cảnh chướng tai gai mắt đang tác động, duyên khởi. Một sắc tướng đẹp đang tác động, duyên khởi. Một mớ châu báu tiền đang tác động, đang duyên khởi. Một lời khen đang tác động, đang duyên khởi. Một món ăn ngon đang tác động, đang duyên khởi. Một lời phỉ báng đang tác động, đang duyên khởi... Nói khái quát, và rộng nghĩa hơn một chút, là bất kỳ sắc thanh hương, vị xúc nào đang đi qua, đang tác động qua mắt tai mũi lưỡi thân, là cái cần phải hiện quán, vì chỉ cái đó là thực, cái thực đang vận hành, đang duyên khởi! Cái đó là Pháp đấy, Pháp đang đến đấy! Nhờ minh sát duyên khởi ấy ta còn biết thêm tâm tham khởi, tâm sân khởi kéo thêm thương ghét, vui buồn, lạc khổ. Mà đúng như đức Phật đã từng chỉ dạy: “Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm, diết thắng khổ ưu, thành tựu chánh trí, đưa đến giác ngộ, giải thóat, Niết-bàn” (2).

Khi tôi đang gõ những dòng này thì dòng chữ màu đen, tiếng động bàn phím, ngọn đèn sáng, thỏi trầm thơm, ly cà-phê bên cạnh... đều là sandiṭṭhiko, thực tại hiện tiền cả, chỉ có những đối vật, duyên sanh ấy cùng nhận thức của tôi là thực trong giây phút đang là này. Tuy nhiên, Abhidhamma bảo, cái thực ấy không đưa đến tham sân, thương ghét vì nó thuộc đối tượng “rất nhỏ” nên tư tác (cetanā) không thú vị, không thích khoái; do vậy, sự vận hành, lộ trình tâm ngang qua tác hành tâm (javana) bị đứt đoạn.

Từ sự thực sandiṭṭhiko, khi tu tập, hiện quán, sống giữa cuộc đời thì đi đứng năm ngồi, mặc áo, ăn cơm, lái xe, gõ phím, quét nhà, nấu ăn, giặt giũ, tập thể dục, đọc sách... đều là sandiṭṭhiko cả, đều là thiền cả... với điều kiện là phải nhìn ngắm, hiện quán “thực tại đang là” ấy; và nó sẽ còn duyên khởi, duyên khởi nữa...

2- Akāliko:

Là vượt qua thời gian, phi thời gian! Khi hiện quán, cái gì cũng đang là, đang chảy trôi, một sát-na, một tiểu sát-na cũng sanh, trụ, và diệt. Nói quá khứ, hiện tại, vị lai là nói ước lệ cho vui chứ ba kỳ gian ấy không có khoảng cách, chúng trôi, chúng liên lỉ, chúng liên tục dịch hóa, thay đổi.

Nói rõ hơn chút nữa. Pháp đang vận hành, đang duyên khởi, thực tại hiện tiền (sandiṭṭhiko) nó ở ngoài ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai; nó ở ngoài giới hạn của thời gian, nó là phi thời gian. Nếu mà có quá khứ thật, hiện tại thật, vị lai thật thì cả vũ trụ đều tĩnh chỉ, bất động, đồng nghĩa với sự chết.

Nếu quan sát minh triết như thế thì tất cả cái gì từ thế giới ngũ trần bên ngoài đi qua ngũ căn của chúng ta, chúng đều chảy trôi, thóang tụ, thoáng tan. Cái gì cũng đang trở thành, không dừng lại; không có cái gì có thể nắm bắt được, không có cái gì có thể dính mắc được, chúng đang sinh diệt trùng trùng; tất cả chúng là vô thường, vô tự tính, vô ngã, tánh không. Và đấy chính là sự thực, là chân lý; và ai sống sai với sự thật, với chân lý ấy thì tham sân si khởi động, phiền não và đau khổ kéo theo là cái gì tất yếu vậy!

Có một câu chuyện thiền, tương hợp với cái akāliko này, tôi đọc đã lâu, quên xuất xứ, chỉ nhớ cái nội dung:

- Có một vị pháp sư hay kinh, giỏi chữ, bao năm miệt mài viết được bộ chú giải kinh Kim Cương. Do rất tự hào công trình công phu, bác lãm của mình nên đi đâu cũng quảy cái giỏ có đựng bộ chú giải Kim Cương ấy trên vai.

Hôm nọ, nghe tại một ngọn núi, có một phái thiền “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” vị pháp sư nghe cái bụng mình rất giận, coi như đấy là bọn ngoại đạo, tà giáo, nên ông quyết một phen đến đấy để dạy cho chúng một bài học!

Sáng sớm kia, đến chân núi, đang đói bụng, thấy một hàng quán, pháp sư bèn ghé vào. Thấy bà lão chủ quán, ông nói:

- Cho tôi một món gì đó để “điểm tâm”, thưa bà!

Quan sát vị khách, dáng là một lão tăng phong trần, trên vai đeo một giỏ sách – mà bà vốn là đệ tử tục gia tu thiền ở trên núi, bèn hỏi:

- Lão sư đeo cái gì trên vai vậy?

- À, à... là bộ sách Kim Cương chú giải đó mà... thế bà hỏi làm gì?

Bà lão lễ phép thưa:

- Đệ tử có nghe trong bộ Kim Cương ấy có chỗ nói: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” thì cho kẻ độn căn này được hỏi, lão sư bảo “điểm tâm” là “điểm cái tâm nào” ạ?

Vị pháp sư nghẹn họng. Nghe nói sau đó, ông đốt bộ chú giải Kim Cương rồi lên núi học thiền!

Không biết hư thực chuyện này ra sao, có lẽ là hư cấu của thiền tông nhưng nó hay quá, nói được cái không có thời gian, ở ngoài thời gian (akāliko).

3- Ehipassiko:

Gồm ehi+passika; ehi là lại đây, là một mệnh lệnh cách, hãy lại đây! Ví dụ, ehi-bhikkhu: Hãy lại đây, này tỳ-khưu! Passika là thấy; ehi-passika là hãy lại đây mà thấy!

“Hãy lại đây mà thấy!” Là tiếng gọi “thống thiết” muôn đời của Pháp. Có thể nó có ba nghĩa. Một, kêu gọi các bậc trí, những người có ít bụi cát trong mắt, hãy trở lại đây, giáo pháp này, mà tu học, mà hành trì để thành tựu chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn (tự chứng). Hai, là Pháp kêu gọi: Đừng tìm kiếm Đông Tây Nam Bắc nữa, hãy trở lại đây! Pháp luôn luôn vận hành, duyên sinh, duyên khởi tại đây và bây giờ! Đừng có vọng móng tìm kiếm thế giới nào khác nữa! Hồi đầu thị ngạn - quay đầu là bờ! Hãy dừng lại, hãy trở lại, hãy quay đầu mới thấy Pháp được. Ba, hãy dừng lại cái tâm, dừng lại tội ác, dừng lại tất thảy mọi mục đích hư huyễn trên đời.

Để minh hoạ cho nghĩa “dừng lại”, tôi nhớ một câu chuyện trong đời đức Phật.

Thuở Phật tại tiền, có tên tướng cướp Aṅgulimāla do muốn luyện được phép mầu nên y phải giết cho đủ 1000 người rồi cắt lấy ngón tay làm bằng chứng. Khi giết đến con số 999, còn một người nữa thì bà mẹ vì thương con nên tìm đến tận nơi. Đức Phật biết nên xuất hiện để cảm hóa Aṅgulimāla. Sử dụng thần thông, ngài bước đi thong dong, nhàn nhã nhưng Aṅgulimāla chạy bở hơi tai cũng không bắt kịp.  

Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đầu váng mắt hoa, hơi thở dồn dập, tim đập như trống trận, Aṅgulimāla đã đuối sức, dừng chân lại, cất tiếng gọi lớn rằng:

- Này ông sa-môn kia, dừng lại! Hãy dừng lại!

Đức Phật biết cơ duyên điểm hóa đã đến, nên chân ngài vẫn khoan thai bước đi, cất giọng phạm âm, nói vọng lại:

- Này Aṅgulimāla! Như Lai đã dừng lại lâu rồi! Chính ông! Chính ông mới là người chưa chịu dừng lại!

Nghe vậy, Aṅgulimāla rất ngạc nhiên, nói:

- Này ông sa-môn! Tại sao rõ ràng ông đang đi mà ông lại nói “Như Lai đã dừng lại rồi”; còn tôi thì đang dừng lại, nhưng ông lại nói “chưa chịu dừng”?

- Này Aṅgulimāla! Quả vậy, Như Lai là người đã dừng lại lâu rồi. Như Lai đã dừng lại đao, dừng lại trượng, dừng lại và từ bỏ tất cả mọi sự giết hại đối với chúng sanh; dừng lại con đường tội ác! Còn ông, chính ông mới là người chưa chịu dừng đao, trượng, chưa chịu dừng lại sự sát hại chúng sanh, chưa chịu dừng lại con đường tội ác! Này Aṅgulimāla! Hãy dừng lại đi!

Thế rồi, sau đó, Aṅgulimāla đã dừng lại, xin xuất gia và đắc quả A-la-hán!

4- Opanayiko:

Do ghép từ upa+nayika mà thành. Upa là trên, ở trên; còn nayika đồng nghĩa với động từ neti là dẫn, dẫn dắt, hướng dẫn – nên ai cũng dịch: Có khả năng dẫn dắt lên cao, có khả năng hướng thượng. Quả đúng vậy! Hành giả nào minh sát thấy được sandiṭṭhiko và akāliko thì họ không còn chấp thủ gì, bám víu gì, luôn sống tỉnh thức với pháp hiện tiền thì tham sân, thương ghét càng ngày càng nhẹ nhàng, không tách bước cao thăng lên các cảnh giới sáng trong, vô nhiễm là gì?

Tuy nhiên, bây giờ ta thử đặt câu hỏi: Cái gì có khả năng dẫn dắt lên cao, có khả năng hướng thượng? Tôi sẽ trả lời: Pháp! Rồi tôi lại hỏi tiếp: Pháp ấy là pháp nào? Và tôi trả lời: Pháp ấy là cái đang sandiṭṭhiko và akāliko ở đây và bây giờ!

Từ giải đáp ấy, ta có thể ứng dụng opanayiko trong sinh hoạt tu tập thường nhật. Tôi có thể có ví dụ để minh hoạ cho điều vừa nói.

“ Hôm nọ, thấy ngoài sân một loại phong lan mới vừa nở hoa, tôi bước ra xem. Vừa bước xuống bậc cấp, một viên sỏi nhọn đâm phía dưới bàn chân, đau điếng. Viên sỏi, đâm chân, đau điếng là một duyên khởi pháp. Bình tĩnh và lặng lẽ ngồi xuống, tôi thư giãn, buông xả cả thân tâm để lắng nghe cái đau. Cái đau đang tồn tại. Cái đau đang tan dần. Cái đau diệt mất. Đấy là sự thực của sandiṭṭhiko và akāliko! Tôi đã giải thóat cái đau mà không có một nỗ lực hữu vi nào cả. Chỉ có lắng nghe, quan sát cái thực thôi!”

Tới đây tôi muốn đề cập từ upa – là trên, ở trên. Trên, ở trên cái gì? Phải là trên, ở trên (upa) “cái thực”– cái đang diễn ra, đang vận hành, đang duyên khởi. Muốn được vậy thì tôi đừng bước tới nữa mà phải “dừng lại, chú tâm và quan sát” cái đang là ấy. Chỉ có vậy thôi, rất khách quan.

Người tu minh sát phải học cho thuần thục “pháp môn khách quan” ấy! Khi vui buồn, khổ lạc thì đừng đồng hóa mình với chúng để nói tôi đau, tôi buồn, tôi khổ, tôi lạc. Không đồng hóa với bản ngã của mình và cũng đừng để chúng cuốn phăng, nhận chìm rồi bị nô lệ bởi chúng cả nhiều đời, nhiều kiếp!

Nói rộng ra một tí nữa, có nhiều người thường hy sinh hay bỏ quên “cái thực hiện tiền đang là” với cha, với mẹ, với vợ chồng, con cái, với bè bạn, với nước mây cây lá thanh bình - để lao vọt về phía trước, để chạy đuổi theo một mục đích, một danh vọng, một tham vọng nào đó. Đối với họ, hạnh phúc luôn ở thì tương lai, không phải là cái bây giờ! Những người ấy mà nói dừng lại, chú tâm, quan sát “cái thực hiện tiền đang là” thì thật là uổng phí “chân lý” vậy!

Từ điểm tựa cái thực ấy, Thiền tông nói mạnh mẽ hơn: Phải đạp trên đất thực mà đi hoặc gót chân phải dính trên đất thực (cước căn điểm địa) - nó có chung một trường nghĩa vậy.

5- Paccattaṃ veditabbo viññūhī:

Pháp này dành cho mỗi cá nhân, mỗi người, là bậc trí tự mình giác liễu hay tự chứng nghiệm trong lòng mình, ví như uống nước, nóng lạnh tự biết.

Quả thật vậy! Chính dưới cội Bồ-đề, sau khi chứng ngộ, đức Phật thấy Pháp ấy sâu kín, vi diệu, khó thấy, khó biết, khó thuyết giảng cho ai nghe được nên ngần ngại chưa chịu Chuyển Pháp Luân.

Điều ấy là đúng. Ngay trên thế gian này, sở tri, sở hành, kinh nghiệm, sự thấy biết cũng đa dạng, đa chiều, đa diện, đa trình độ, đa cảnh giới. Người trong lãnh vực chuyên môn nào thì biết trong lãnh vực ấy. Tâm nào thì cảnh nấy. Khó san sẻ, khó nói cho người khác trình độ, khác tôn giáo, tín ngưỡng, khác quan điểm, nhận thức. Huống nữa là tâm linh. Cõi sắc giới không thể nói cho cõi dục giới hiểu và thấy. Cõi vô sắc giới khó nói cho cõi sắc giới hiểu và thấy. Cái mà đức Phật chứng nghiệm, siêu xuất ba cõi thì làm sao nói cho thế gian bụi bặm, đang sống trong các dục, các tham - hiểu và thấy? Bài toán ở trên đại học siêu xuất ba cõi, làm sao dạy cho lớp mẫu giáo, lớp một, lớp hai? Nói đến chỗ này, tôi liên tưởng đến các vị sư sống hạnh đầu-đà trong rừng sâu, hiện nay vẫn còn, ở nơi cái chỗ thiếu thốn vật chất tận cùng ấy, các vị vui gì, hạnh phúc gì mà sống được? Phàm phu không hiểu đâu.

Đến đây tôi chợt nhớ một câu chuyện:

- Có một vị cao tăng trưởng lão đang sống tại Mandalay. Ngài là người có công đức vô cùng lớn khi xây dựng trường đại học Phật giáo, miệt mài giảng dạy nơi này nơi kia không mệt mỏi, thiết lập bệnh viện miễn phí cho chư tăng và người nghèo, làm một công trình nước sạch cung cấp cho một vùng dân cư 10 ngàn người. Mỗi năm, trưởng lão vào núi sâu để đánh lễ, thăm viếng, vấn an sức khoẻ vị thầy vô danh của mình (Ngài đã gần 100 tuổi, hiện sống ở rừng sâu, không bao giờ xuống làng mạc, thị thành – nghe kể vậy).

Rồi có một đoạn đối thoại thú vị:

Vị thầy:

- Thế ông hiện đang làm cái gì dưới đó?

Vị cao tăng, học trò, bèn kể lại tất cả mọi “công đức” mà mính đã làm trong thời gian vừa qua.

Vị thầy nghe xong, bèn quở:

- Thế ra, bao nhiêu năm nay, ông vẫn đang còn loay hoay tìm cách ‘đổ nước vào những cái bình rỗng’ hay sao?

Câu chuyện trên là vị cao tăng kể lại với tăng ni sinh. Và một trong những tăng ni sinh ấy kể lại cho tôi nghe.

Vậy đấy! Không biết ông sư già trăm tuổi chứng ngộ cái gì trong lòng mình mà ở miết trong rừng sâu không thèm tất thảy mọi tiện nghi vật chất, kể cả xe đón, lọng đưa? Rồi còn chê những nỗ lực hữu vi của học trò cao tăng trưởng lão của mình là làm những việc vô ích: Là cố gắng đổ nước vào trong những cái bình rỗng?

Tóm lại, cả năm đặc tính của Pháp ở trên, tuy năm nhưng chỉ là một đối với những hành giả đang tu tập minh sát.

- Khi đang ăn cơm, đang nhai cơm – ta có tấn, niệm và giác – là có đủ thực tại hiện tiền, ngoài thời gian, ở đây và bây giờ, và chỉ có mình mới kinh nghiệm sự nhai nuốt ấy ra sao.

- Khi đang nóng giận – ta có tấn, niệm và giác – là có đủ thực tại hiện tiền, ngoài thời gian, ở đây và bây giờ, và chỉ có mình mới kinh nghiệm cái sự nóng giận đó ra làm sao!

Khái quát hơn, trọn vẹn cả đời sống, trọn vẹn cả căn trần thức, khi duyên khởi thì chỉ có một cái, một pháp, một nhân khởi từ một tâm (do hai tâm không thể cùng hiện hữu). Và tâm ấy có thể là một trong các tâm tham sân si, vô tham, vô sân vô si hay vô tạo tác!

Đến đây tôi nhớ câu chuyện ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) đắc quả Tu-đà-hoàn chỉ nhờ câu kệ của tôn giả Assaji:

“Các pháp phát sanh do bởi một nhân,

Nhân ấy, đức Như Lai đã chỉ rõ;

Và ngài cũng đã chỉ dạy phương pháp để diệt tắt nhân ấy

Chính đó là lời giáo huấn của bậc Đại Sa-môn!”  (3) 

Không cần cả 4 câu, chỉ mới 2 câu đầu là ngài Sāriputta đã đắc quả Tu-đà-hoàn rồi. Còn ngài Moggallāna thì nghe ngài Sāriputta đọc hết cả 4 câu mới vào dòng giải thoát được (Nhập Lưu). Sự thực là, khi minh sát sự duyên khởi của căn trần thức, chỉ có một cái tâm tư tác, quyết định để tạo nên sầu bi ưu não. Nó chỉ có một nhân, chính là taṅhā (ái dục-tham sân, thương ghét). Diệt tắt nhân ấy là cứu cánh của sa-môn hạnh.

Bốn câu kệ tóm tắt toàn bộ giáo pháp của đức Tôn Sư thật giản dị mà vô cùng cao siêu. Có lẽ trí tuệ của ngài Sāriputta lúc bấy giờ đã thuần thục nên lập tức thấu triệt chân lý ấy. Đấy là cách giảng nói Tứ Diệu Đế rất cô đọng, chắt lọc như chỉ còn cái tinh tủy. Các pháp phát sanh chính là định luật duyên khởi của mọi hữu vi, của mọi hiện tồn đưa đến sanh lão bệnh tử sầu bi khổ ưu não: Đấy là sự thật về dukkha. Do bởi một nhân: Taṅhā, đấy là sự thật về nguyên nhân của dukkha. Và phương pháp diệt tắt nhân ấy chính là Đạo Đế, Bát Chánh Đạo!

Do vậy, hành giả minh sát chỉ cần hiện quán Pháp ấy là trọn vẹn Bát Chánh Đạo, trọn vẹn Tứ Niệm Xứ, trọn vẹn Tứ Diệu Đế vậy.

Ai có trí tuệ, có đức tin và thực hành theo sẽ thấy Pháp ấy. “Thấy” là đốn ngộ, “chứng” thì phải tiệm tu. Người căn cơ thượng trí thì “thấy và chứng là một”, ngay lập tức, không chờ ngày giờ!

 Ghi chú:

(1) Svākhāta (su+akkhāta): Đã khéo tuyên thuyết; Akkhati: Giảng giải, khai thị, tuyên thuyết;Sandiṭṭhika: Thiết thực hiện tại, thực tại hiện tiền;Akālika (a+kālika): Vượt qua thời gian, phi thời gian;Ehi-passika (ehi+passika): Hãy đến mà thấy (tự chứng); Passati: Thấy; Opanayika (upa+nayika): Hướng thượng, dẫn đến Niết-bàn; Paccattaṃ: Mỗi người, từng cá nhân - veditabbo (vedeti): Nhận thức, liễu giải, giác liễu - viññū: Người biết, người trí.

(2) Ekayāna: Con đường duy nhất, độc nhất – đây là nghĩa nguyên thuỷ trong kinh Niệm Xứ và Đại Niệm Xứ ( Xem Trung bộ kinh 10, Trường bộ kinh 22). Nhưng khoảng sáu bảy trăm năm sau Phật Nhập Diệt, ekayāna bị biến nghĩa thành “Nhất thừa” và phát sinh thêm Mahāyāna (Đại thừa) và Hīnayāna (Tiểu thừa). Lưu ý: Trong kinh Pháp Cú số 274 cũng có nói “Con đường duy nhất” nhưng lại chỉ Bát Chánh Đạo; tuy nhiên, con đường ở đó là dùng tù “magga” (Eso va maggo natthañño) chứ không phải“yāna”.

(3) Ye dhammā hetuppabhavā, Tesaṃ hetuṃ Tathāgato; Āha tesaṃ ca yo nirodho, Evaṃ vādī Mahā Samano!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/02/2023(Xem: 3467)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Các nhà tâm lý học ngày nay mô tả hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của con người được thể hiện bởi cảm giác vui vẻ, thích thú, hài lòng trước những đầy đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần. Nó khiến bản thân người ta cảm thấy yêu đời hơn.
16/02/2023(Xem: 4884)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư vị thiện tâm, pháp hữu ... Trong tâm niệm: ''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ''. Nhận được sự thương tưởng của chư Tôn đưc và Phật tử cùng các thiện hữu hảo tâm, tuần lễ vừa qua chúng con, chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi thăm trại cùi Gaya-(cách Bồ Đề Đạo Tràng 14 cây số) để trợ giúp ít nhiều cho những người cùi bất hạnh nơi này.. - Thành phần quà tặng cho 268 bịnh nhân, một nửa là người đã phát bịnh cùi , một nửa là người chưa phát bịnh. Quà cho mỗi bịnh nhân gồm có: 12 ký Gạo và bột Chapati, 1 bộ áo Sari (cho nữ giới), đường, dầu ăn, bánh ngọt, và tặng thêm 30.00Rupees tiền mặt cho Hội người cùi Gaya để mua gạo và như yếu phẩm cho những bịnh nhân không có khả năng lao động.
12/02/2023(Xem: 5363)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn Đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Mùa Xuân Quý Mão năm nay, những ngày đầu năm cũng là thời điểm Pháp hội Ninh Mã (Nyingmapa) khai hội tu tập & cầu nguyện cho: ''Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc'' tại Bồ Đề Đạo Tràng. Nhân cơ duyên này (chúng con) chúng tôi đã được quí vị pháp hữu, thiện hữu phát tâm lành cúng dường gieo duyên cùng Pháp hội và chư Đại tăng trong thời gian 10 ngày pháp hội diễn ra.
01/02/2023(Xem: 3584)
Kính thưa chư Tôn đức, chư vị thiện tâm và pháp hữu . Với tâm nguyện san sẻ và kết duyên lành với chúng sanh đầu Xuân mới, vào sáng ngày 28 Jan 23 (mùng 7 tết) chúng con, chúng tôi đã đến thăm & phát quà tại làng Rajsapur Gaya gần núi Khổ Hạnh Lâm (Bihar India), đây là thiện sự đầu tiên trong mùa Xuân Quý Mão, chúng tôi thật hoan hỉ khi thấy dân nghèo nơi đây vô cùng mừng rỡ và hạnh phúc khi được nhận quà. Nhờ vào sự hộ trì của chư Thiên, Hộ Pháp, mặc dù dân chúng đến rất đông nhưng buổi phát quà đã diễn ra trong trật tự và viên mãn .
27/01/2023(Xem: 10719)
Lời mở đầu của người chuyển ngữ Phương pháp phát triển cá nhân mà nhà sư Sangharakshita nói đến trong bài này là phép thiền định của Phật giáo, một phép luyện tập nhằm biến cải một con người bình dị trở thành một con người đạo đức, sáng suốt và cao quý hơn, và ở một cấp bậc sâu xa hơn nữa còn có thể giúp con người đạo đức, sáng suốt và cao quý ấy thoát ra khỏi thế giới hiện tượng luôn trong tình trạng chuyển động và khổ đau này.
27/01/2023(Xem: 2579)
Phần này bàn về cách dùng đặc biệt "vợ lẻ" từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Cụm danh từ này - cũng như một nhóm từ vựng liên hệ như vợ chính, chính thê, vợ cả, vợ lớn, thiếp, vợ bé, vợ mọn - vợ nhỏ phản ánh truyền thống đa thê của các nước Á Châu từ xa xưa. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Không phải ngẫu nhiên mà các giáo sĩ đều ghi nhận quan sát cá nhân và nhận xét của mình về truyền thống này khi sang Á Đông,
26/01/2023(Xem: 5542)
Lời mở đầu của người chuyển ngữ Chúng ta có thói quen nhìn vào Phật giáo xuyên qua các phương tiện thiện xảo cùng các ảnh hưởng văn hóa, phong tục, và cả các phương pháp tu tập đại chúng của Trung quốc, thế nhưng dường như chúng ta không mấy khi ý thức được đúng mức về điều đó. Chúng ta cứ nghĩ rằng Phật giáo là như vậy. Thế nhưng Giáo huấn của Đức Phật sau khi được đưa vào Trung quốc qua các con đường tơ lụa, đã bị biến đổi rất nhiều qua hàng ngàn năm thích ứng với nền văn minh của đế quốc này, một nền văn minh hoàn toàn khác biệt với nền văn minh trong thung lũng sông Hằng, nhất là trên phương diện tư tưởng, ngôn ngữ và chữ viết.
16/12/2022(Xem: 3705)
Được sự thương tưởng và hỗ trợ của chư Tôn đức và quí vị thiện hữu hảo tâm, chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 9 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận vùng núi Khổ Hạnh Lâm & các làng ven quốc lộ từ Bodhgaya đi Varanasi, tiểu bang Bihar India .
10/12/2022(Xem: 6623)
Kính chia sẻ cùng chư Tôn Đức, chư pháp lữ, và quí thiện hữu một số hình ảnh trong mùa Tipitaka (Đại Tạng Kinh PaLi) khai hội tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đây là lần thứ 17 trùng tụng Tipitaka theo thông lệ hàng năm. Lễ hội quan trọng năm 2022 này do Phật Giáo Việt Nam đăng cai tổ chức nên tất cả mọi trần thiết, trang hoàng đều do Ban tổ chức Hội trùng tụng Kinh tạng Pali VN thực hiện, nổi bật nhất là cổng chào với hình ảnh hoa tươi rực rỡ “Lưỡng Long chầu Pháp Luân” rất đẹp mắt, khiến ai ai cũng trầm trồ ngợi khen và tán dương công đức. Lễ hội trùng tụng Tipitaka năm nay có các nước Phật Giáo tham gia trùng tụng Đại Tạng như: Nepal, Sri-Lanka, Lao, Campuchia, ThaiLand, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh, India, International...Chương trình được khai mạc trang trọng vào ngày 2 tháng 12 cho đến ngày 12/12/2022 là bế mạc, với gần 5000 người tham dự . Nguyện cầu tiếng kinh này vang vọng đến ba ngàn thế giới khiến chúng sanh vạn loài thảy đều nghe ba nghiệp từ đó được thanh tịnh. Và xin nguyện
03/12/2022(Xem: 3185)
Loạt bài "Tiếng Việt từ TK 17" đã đề cập đến một số cách dùng Hán Việt đặc biệt như sinh thì (~qua đời, chết), Kinh Tại Thiên, Kinh Tin Kính, Kinh Thiên Chúa, lịch sự, thượng hoà hạ mục, thượng phụ, trung phụ, hạ phụ, thượng đế, thiên chủ/chúa2 ...v.v…Phần 37 này bàn thêm về cách dùng một số từ Hán Việt thời LM de Rhodes đến truyền đạo: sự (~thờ) 事, thửa (~ sở) 所, kì 其, giao cảm 交感, tinh thần 星晨, đang/đương thì 當時, củ thủ 糾手, thiểu ngữ 少語. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]