Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thở Thuộc Về Thân

18/12/201508:55(Xem: 7664)
Thở Thuộc Về Thân

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Thở Thuộc Về Thân

 Có 4 cách thở thuộc về thân.

Kinh văn như sau:

1- Khi thở vô dài (dīgha), tuệ tri (pajānāti) đang thở vô dài. Khi thở ra dài, tuệ tri đang thở ra dài.

2- Khi thở vô ngắn (rassa), tuệ tri (pajānāti) đang thở vô ngắn. Khi thở ra ngắn, tuệ tri đang thở ra ngắn.

Muốn hiểu cách thở này, chúng ta phải nắm bắt cho rõ nghĩa hai chữ tuệ tri. Tuệ tri nó khác với tưởng tri và thức tri. Tưởng tri (sañjānāti) là cái biết của tưởng (saññā), biết khái quát qua dấu hiệu, hình dáng, màu sắc... Thức tri (vijānāti) là cái biết của thức (viññāṇa), biết qua kiến thức, nhận thức, kinh nghiệm và lý trí chủ quan. Tưởng tri và thức tri thường bị giới hạn, sai lầm do vô minh và nghiệp chi phối. Tuệ tri (pajānāti), là cái biết của tuệ (paññā), là thấy rõ, biết rõ đúng bản chất, đúng như thực tánh. Vậy, khi thở vô thở ra dài, ta kinh nghiệm trực tiếp, cảm nhận trọn vẹn hơi thở vô, hơi thở ra dài ấy, đừng diễn dịch, đừng liên tưởng, tưởng tượng gì cả. Nó như thế nào thì cảm nhận nó như thế ấy, thấy rõ, biết rõ nó đúng như nó là - được gọi là tuệ tri.

- Rất khó hiểu, thưa thầy! Thầy có ví dụ nào có hình tượng để dễ nắm bắt ngữ nghĩa của tuệ tri ấy không?

- Có chứ, rất dễ nữa là đằng khác. Giống như bạn sử dụng cái máy chụp hình. Đóa hoa, bụi trúc, ngọn núi... đối tượng cảnh như thế nào thì bạn chụp như thế ấy! Như khi bạn đi trong đêm với cây đèn pin trên tay, bạn rọi sáng con đường rồi xem có bụi bờ gai gốc hầm hố gì không. Bạn chỉ việc nhìn, quan sát mà thôi. Cũng vậy, tuệ tri là lắng nghe, quan sát trực tiếp, kinh nghiệm trực tiếp hơi thở dài ngắn, vào ra một cách trọn vẹn, khách quan như thế - đúng như mà nó là!

- Nghĩa là đừng cố gắng thở sâu, thở dài gì cả - hơi thở của mình như thế nào thì ghi nhận, quan sát nó như thế ấy, đừng có dùng lực để phình bụng, nén hơi xuống đan điền - khác với cách thở của khí công hoặc Yoga - phải thế không thưa thầy?

- Đúng vậy! Ngoài ra, ở đây chúng ta còn để ý chữ dài (dīgha) và ngắn (rassa). Thường thì dài đi đôi với sâu, cũng có trường hợp dài mà thô tháo chứ không nhẹ và sâu; còn ngắn thì đi liền với cạn, nhưng cũng có trường hợp ngắn nhưng nhẹ nhàng, thanh mảnh... Điều này, sự thực này muốn được biết rõ, thấy rõ một cách chính xác thì còn cần sự thực nghiệm nơi bản thân của mỗi người. Trong số thiền sinh ở đây, có nhiều vị tu tập thiền định đã nhiều năm, có thế san sẻ kinh nghiệm ấy cho hội chúng nghe, được không?

- Xin vâng! Một người nói - Tùy theo cơ địa mà có người có hơi thở dài, sâu; có người có hơi thở ngắn, cạn. Điều đó không quan trọng. Dài, sâu cứ ghi nhận dài, sâu; ngắn, cạn thì cứ ghi nhận ngắn, cạn. Nhưng, thật ra, khi mới vào ngồi, hơi thở của ta nó thô tháo, đôi khi dồn dập và ngắn, cạn. Lát sau, khi bắt được hơi thở rồi, điều thân đã yên rồi thì hơi thở bắt đầu nhẹ nhàng, thanh mãnh, tế vi hơn. Nói tóm lại, theo con, hơi thở ngắn dài, cạn sâu gì đó, nó như thế nào thì nhìn ngắm, quan sát nó như thế ấy, một cách thanh thản và tự nhiên!

- Ừ, thế là đúng!

Có người hỏi.

- Con có đọc nhiều sách thiền. Ở chỗ này, con nhớ không lầm, thì các vị ấy đều viết như sau:“Chánh niệm, vị ấy thở vào; chánh niệm, vị ấy thở ra”. Vậy thì giữa tuệ tri và chánh niệm có gì giống nhau, có gì khác nhau - hay chỉ khác ở chỗ diễn đạt?

- Câu hỏi này rất chính xác. Nhưng đầu tiên, trong hội chúng này, ai là người hiểu đúng thực nghĩa chánh niệm là gì, xin cho biết?

Một người đáp:

- Thưa, có người bảo chánh niệm là niệm tưởng chơn chánh, ghi nhớ chơn chánh, niệm tưởng đúng đắn, ghi nhớ đúng đắn. Có người quả quyết là trí nhớ, chú tâm vào cái gì đó đang xẩy ra - có đúng không thầy?

Người khác:

- Có vị thiền sư rất nổi tiếng, khi viết một quyển sách về cuộc đời đức Phật, có một chương nói về chánh niệm - nhưng đọc xong chương ấy, và con đã đọc rất kỹ, nhưng không hề thấy một chữ chánh niệm nào, thay vào đó là từ tỉnh thức - có tối thiểu trên ba mươi lần chữ tỉnh thức được lập đi lập lại trong chương chánh niệm nầy. Rõ ràng, theo vị này, chánh niệm đồng nghĩa với tỉnh thức không hơn không kém. Còn nữa, cũng từ quyển sách này, lúc nói về tỉnh thức, đại lược như, lúc ăn trái cam trong tỉnh thức có thể thấy được cây cam nở hoa, thấy ánh nắng và giọt mưa...; thấy được muôn vật trong vũ trụ đang tiếp tay nhau để làm cho trái cam có mặt... Điều ấy là đúng trong giáo pháp trùng trùng duyên khởi. Tuy nhiên, cũng chính điều ấy làm con không hiểu chánh niệm là gì nữa. Nó có đồng nghĩa với tỉnh thức không? Đồng nghĩa với tuệ tri - tri như thực - không?

- Từ từ đã, nội hàm của vấn đề, của những câu hỏi ấy cần những bài học riêng về chánh niệm, chánh kiến và chánh tư duy... Có niệm để đi đến định. Có niệm trợ giúp cho tư duy và kiến. Và ngay chánh kiến đôi nơi đồng nghĩa với tỉnh thức, tỉnh giác, tuệ tri, tri như thực... Rồi còn chánh kiến hữu lậu, chánh kiến vô lâu khá phức tạp. Đừng quá tin vào sách. Và có điểm này, quý vị nên lưu ý cho. Là phải phân biệt cho thật rõ, thật kỹ, những quyển sách do nhà văn viết, học giả viết; nó có khác với sách do người ta dịch từ các bản tiếng Anh nói về sự tu tập, về thiền định hay thiền tuệ. Lại càng khác xa với những lời dạy trực tiếp giữa thiền sư và môn sinh. Nhà văn thì người ta thường cố gắng viết cho hay, cho bay bổng... nhưng đấy không phải là tư liệu chính xác, đáng tin cậy để tu tập. Nó chỉ là một tác phẩm văn học thôi. Quyển sách mà bạn đọc và trích dẫn ở trên thuộc loại này. Các nhà văn thường cung cấp cho chúng ta những khái niệm đôi khi mông lung chứ chưa bao giờ cung cấp những khái niệm gần với sự thực hoặc chuyên chở sự thực - như sự yêu cầu nghiêm túc, cốt lõi, tinh yếu của thiền quán vipassanā. Bạn đã nghĩ đúng, ăn trái cam như thế không phải là chánh niệm, mà chính là tư duy hoặc liên tưởng, đã có sự tham dự của lý trí chủ quan - nói chính xác, đó là tưởng tri và thức tri. Cái lang bang nghĩ tưởng, suy tưởng ấy cũng là một hình thái khác của thất niệm đấy! Do vậy, tỉnh thức ở đấy thường lẫn lộn với thức tri và tưởng tri chứ không phải tuệ tri! Tỉnh thức rốt ráo nó khác kìa! Rồi bạn sẽ hiểu điều đó hơn về những bài thực tập khác, sau này. Thứ đến, các nhà học giả viết sách, thường họ chỉ cung cấp cho chúng ta những tư liệu cố gắng gần với sự thực, cố gắng khách quan, khoa học. Những bài viết của họ có chứng lý, có sử liệu, có tài liệu tham khảo công phu - nhưng chắc chắn họ không phải là những hành giả tu tập đáng tin cậy. Ngay chính những sách dịch về thiền, tu tập thiền - chúng ta cũng nên dè dặt, thận trọng. Tại sao vậy? Thiền quán minh sát vipassanā - Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) là kinh nghiệm tự thân của mỗi người, là cảm nhận, là kinh nghiệm trực tiếp trên mỗi hơi thở, mỗi cảm thọ... Cảm nhận, kinh nghiệm trực tiếp ấy vốn là như thực tánh, là Paramattha - nhưng khi diễn đạt lại, mô tả lại - thì phải sử dụng ngôn ngữ khái niệm. Sự ly cách nó nằm ở đây. Vị thiền sư dạy bằng tiếng Miến, trực tiếp cho học trò. Vị thầy không viết lại mà thường là học trò viết lại - có thể là qua băng giảng. Thường thì viết lại bằng tiếng Miến sau đó dịch sang tiếng Anh. Và khi qua một ngôn ngữ khác thì khái niệm đã bị chuyển đổi hoặc cố gắng tìm từ tương đương. Có phải thế không? Mỗi ngôn ngữ thường có linh hồn và sự sống của nó trong dòng chảy văn hóa, tâm linh của dân tộc đó - khi dịch qua một ngôn ngữ khác thì thường đánh mất cái linh hồn và sự sống của nó rồi. Cái Sự Thực, do vậy đã đi xa rồi. Thế nhưng, thời đại này không dừng lại ở đó, bảng tiếng Anh lại được dịch sang tiếng Việt nữa thì chuyện gì xẩy ra? Và nếu dịch giả không phải là hành giả thì quả thật là một đại họa! Không nói thì quý vị đã hiểu. Các dịch giả cẩn trọng, làm việc nghiêm túc, có văn hóa trí thức và văn hóa tâm linh - họ đã chịu khó giữ nguyên từ Pāḷi, đôi khi so sánh, đối chiếu với nguyên cả câu kệ Pāḷi lúc gặp những ý nghĩa đòi hỏi sự chính xác tối đa. Việc làm đó rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, càng quý hơn nữa, nếu dịch giả ấy là một hành giả - còn nếu là nhà văn hoặc học giả làm việc ấy thì sẽ không còn đáng tin cậy nữa! Có nhiều sai lầm khá trầm trọng trong một số sách dịch ấy. Đối chỗ thiếu chính xác, đôi chỗ lẫn lộn giữa chánh niệm và chánh kiến, đôi chỗ lẫn lộn chánh kiến và chánh tư duy; rồi còn lẫn lộn giữa tuệ tri, tưởng tri và thức tri như chúng ta đã hiểu. Hy vọng rằng, ở những bài sau, chúng ta sẽ tuần tự đi lại một số ngữ nghĩa cho chân xác kẻo nguy hiểm quá... Ồ, quá xa rồi, lạc đề rồi. Hãy trở lại bài thực tập hôm nay. Chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ?

Chánh niệm, thưa thầy! Chánh niệm, vị ấy thở vào, chánh niệm vị ấy thở ra!

- Ồ, vậy quý vị hãy nghe đây! Chánh niệm như người đứng canh cửa. Nó đứng canh cái cửa thân tâm. Có cái gì đi vào căn nhà thân tâm là cái anh chánh niệm phải biết, phải thấy. Tôi tạm dùng chữ biết và thấy nhưng nghe ra đã không chính xác rồi, đã trật rồi. Vì biết là thuộc về tri; và thấy là thuộc về kiến – nói gọn là tri kiến. Chánh niệm không phải là tri kiến rồi! Tôi sẽ diễn đạt cách khác. Thế giới bên ngoài có sắc thanh hương vị xúc pháp thường tìm cách đi vào mắt tai mũi lưỡi thân ý. Anh chánh niệm đứng canh cửa, phải chú tâm, phải cảnh giác ở tại chỗ đó, thế thôi. Nhưng thấy rõ nó, sáng suốt thấy rõ nó, nó như thế nào thì thấy rõ, sáng suốt thấy rõ nó như thế ấy - thì lại là chức năng của anh chánh kiến. Rồi, cái đối tượng ấy, người khách ấy tốt xấu, trắng đen như thế nào là bổn phận của anh chánh tư duy. Nó phức tạp vậy đấy. Như vậy, chánh niệm chưa thấy, chưa biết gì cả. Chứ ai đời chánh niệm lại biết nắng mưa sương gió! Anh chỉ việc canh cửa, chú tâm. Nói cách khác, chánh niệm là trở lại với thân tâm mình, là trở lại trọn vẹn với mình, thế thôi. Chánh niệm, vị ấy thở ra, chánh niệm, vị ấy thở vô; có nghĩa là chú tâm, trọn vẹn với hơi thở, vị ấy thở vô; chú tâm, trọn vẹn với hơi thở, vị ấy thở ra. Đơn giản như vậy đấy. Quý vị thực tập thử xem.

Có người hỏi.

- Con chưa thở được vì con còn thắc mắc. Vì khi thở tự nhiên như thế, thầy dùng chữ chú tâm - vậy thì chú tâm ở đâu?

Phải có cái chỗ để tâm chú vào đấy chứ? Có sách nói, có ba giai đoạn, có ba chỗ để chú tâm. Chỗ thứ nhất là chót mũi khi hơi thở hít vào. Chỗ thứ hai ở vùng ngực và chỗ thứ ba là ở đan điền. Và khi thở ra lại từ đan điền, qua ngực, qua mũi như vậy - có đúng không thầy?

- Có ai trả lời cho thầy câu hỏi đó không?

- Có, con sẽ trả lời. Cũng có thể chú tâm như vậy trong giai đoạn mình tu tập định. Do tu tập định là cần cột cái tâm. Ban đầu khi tập thiền, cái tâm ta nó cứ buông lung, như khỉ vượn, chạy nhảy leo trèo chỗ này, chỗ kia lung tung - nên cái tâm ấy phải được cột chặt ở ba chỗ, ba giai đoạn như ông bạn vừa nói. Như một bó củi, cột một chỗ thì lỏng lẻo, nhưng cột ba nơi thì nó rất chắc chắn. Nếu cứ cột mãi như thế thì cái tâm sẽ tạm yên, nhưng nó sẽ không đưa đến an tĩnh; chỉ đưa đến sự căng thẳng, bị tiêu hao năng lượng, có thể toát mồ hôi, có thể cơ thể sẽ mệt mỏi, rã rời. Tôi đã từng kinh nghiệm về điều ấy. Sau giai đoạn cột chặt ba chỗ, khi tâm đã có vẻ yên rồi thì ta phải thả nó ra. Như trong “Thập mục ngưu đồ”, qua hết giai đoạn giàm mũi, buộc cổ con trâu lôi nó về chuồng, lúc nó đã thuần thục rồi, ta chỉ buông hờ, sau đó chỉ cần đi một bên trông chừng là đủ. Cũng vậy là hơi thở. Bạn sẽ đến giai đoạn theo dõi, rà soát hơi thở. Nhưng đấy là thở của định, chứ không phải thở của tuệ, của thiền quán vipassanā có phải thế không thưa thầy?

- Ông bạn đã có kinh nghiệm định, san sẻ cho mọi người kinh nghiệm ấy thì thật là bổ ích. Đúng vậy, thở của thiền định là như vậy - nên trong kinh văn, đức Phật dùng từ anussati -tùy niệm, có nghĩa là theo dõi, rà soát, đi theo luôn, chú tâm liên tục, niệm ghi nhớ liên tục. Còn niệm trong thiền tuệ chú trọng sự tự nhiên, thanh thản, nhẹ nhàng. Niệm ở tuệ là sati - như satipaṭṭhāna (Tứ niệm xứ) là chú tâm, là canh cửa, đừng lơ là, đừng thất niệm, đừng quên mình, đừng dể duôi... Nếu hơi thở vào ở mũi thì chú tâm ở nơi chót mũi là được rồi, vì hơi thở dẫu đi ra hoặc đi vào thì nó cũng phải đi qua mũi. Cứ đứng canh ở đó thôi. “Thanh tịnh đạo” có ví dụ rất hay về điều ấy. Là như người thợ cưa, khi cưa một khúc cây, chỉ cần chú tâm nơi chỗ lưỡi cưa tiếp giáp với khúc cây - chứ không cần phải chạy qua chạy về theo lưỡi cưa, làm như vậy sẽ mệt lắm, có phải thế không quý vị?

- Đúng vậy rồi! Nhưng mà thưa thầy - một người nói - Nếu chú tâm ở nơi chót mũi, một điểm nơi chót mũi, vậy là đã có khuynh hướng định rồi, đâu được gọi là tuệ?

- Đứng ở đấy nhưng phải canh cửa, chứ không phải đứng ở đấy rồi định luôn!

- Thế là sao ạ?

- Phải canh cửa chứ sao?

- Thì canh rồi! Hơi thở vào ra như thế nào cũng phải đi qua cái chót mũi mà!

- Rất đúng - mà chưa thật sự đúng! Hơi thở thuộc về thân. Ông bạn chỉ đứng canh ở đấy, nhưng nếu có người khách lạ nào đi qua cảm giác (thọ), đi qua tri giác (tưởng), đi qua các trạng thái tâm lý (hành), đi qua ý thức (thức) thì ông bạn không cần biết hay sao? Hay là cứ đứng định ở đấy mà không thèm biết? Định thì không cần biết, nhưng tuệ thì phải biết đấy, nhưng phải là cái biết của tuệ tri!

Hội trường im lặng.

- Vậy thì từ từ đã nhé! Hồi nãy giờ chúng ta mới đề cập hai cách thở thuộc về thân. Quý vị hãy lắng nghe, còn hai cách thở cũng thuộc về thân nữa, kinh văn như sau:

3- Cảm giác toàn thân (sabbakāya-paṭisaṃvedī) khi thở vô, vị ấy học (sikkhati). Cảm giác toàn thân khi thở ra, vị ấy học.

4- An tịnh thân hành (kāyasaṅkhāra-passambhaya) khi thở vô, vị ấy học. An tịnh thân hành khi thở ra, vị ấy học.

Quý vị thấy là bắt đầu phải chú tâm lắng nghe rồi đấy. Thế nào là cảm giác toàn thân? Thế nào là an tịnh thân hành? Thế nào là vị ấy học? Và học là học cái gì?

Cảm giác toàn thân (sabbakāya paṭisaṃvedī) này hiện có nhiều cách giải thích khác nhau:

- Thân chính là thân hơi thở, toàn thân chính là toàn thân hơi thở. Bạn phải cảm giác toàn vẹn cái thân hơi thở ấy.

- Thân cũng là thân hơi thở - nhưng toàn thân phải được bắt đầu cảm nhận ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn giữa và cả giai đoạn cuối.

- Cảm giác toàn thân trong một hơi thở từ đầu đến chân và từ chân đến đầu lúc thở ra, vào.

Theo tôi, chúng ta không cần phân tích phức tạp đến như thế. Vị thiền sư nào cũng nói rằng kinh nghiệm của mình đúng, và họ đã dạy đúng, nhưng ngại lúc phiên dịch bị tam sao thất bổn. Tập thiền, một sự chứng nghiệm cụ thể, chỉ cần một chữ sai, một khái niệm thiếu chính xác thì sự thật đã bị lệch lạc mất rồi. Nếu rà soát toàn thân hơi thở hoặc cảm giác cả ba giai đoạn thì cũng nhằm để cột tâm - nó sẽ nghiêng về định, có sự xen dự của thức tri. Còn cảm giác toàn thân mà tưởng tượng hơi thở đi từ đầu đến chân, từ chân đến đầu thì nó thuộc về tưởng tri. Chúng ta lưu ý đây là lãnh vực của tuệ tri đang quan sát hơi thở, nó chỉ có chức năng thấy rõ, biết rõ, cảm nhận trọn vẹn. Nói cách khác, toàn thân phải được cảm giác, và cảm giác thì cảm giác như thế nào?

Sau khi tuệ tri hơi thở vào ra ngắn dài rất tự nhiên, rất thanh thản một thời gian, hơi thở của chúng ta sẽ không còn thô tháo nữa mà trở nên nhẹ, thanh rất là vi tế, đôi khi không cảm nhận được. Theo đó, cái thân cũng trở nên dễ chịu. Cảm giác toàn thân là cảm giác toàn bộ cái đó đang hiện tồn ở nơi thân - chứ không phải cảm giác cục bộ, khu biệt ở nơi thân hơi thở hoặc ở nơi thân vật chất! Và an tịnh thân hành (kāyasaṅkh āra passambhaya) cũng phải được tuệ tri như thế! Cái thân đến lúc này không còn thô cứng, nhúc nhích, tê đau nữa mà nó đã an ổn rồi. Vị ấy thế là đã điều phục cái thân được rồi! Có nhiều người đi hơi xa khi phân tích các cảm thọ, lại còn giải thích những sinh và diệt của các cảm thọ nữa! Có người lại giải thích saṅkhāra-hành, trong thân hành là pháp hữu vi làm cho vấn đề càng thêm phức tạp, rối rắm thêm! Xin thưa, đây chỉ mới niệm thân, quan sát hơi thở kia mà!

Bây giờ, còn chữ học nữa, học-sikkhati là thực tập, là thực hành. Vị ấy phải lắng nghe, thực tập, thực hành... sự quan sát hơi thở ấy, cho dù nó có vi tế cách mấy cũng phải cảm nhận cho bằng được. Cảm giác toàn thân và an tịnh thân hành nó cũng sẽ đi đến chỗ vi tế hơn cũng phải được tuệ tri như thế.

Có ai hỏi gì nữa không? Không à! Vậy thì hãy tập thở đi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2010(Xem: 10867)
Có người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khỏai để làm việc, năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc!
15/05/2010(Xem: 8150)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương - Thích Thanh Cát, Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Ngài tự nghĩ : “Xa lìa mọi ham muốn, tâm được yên vui bình tĩnh. Tâm yên vui bình tĩnh là điều cao quý nhất. Chính Tâm ấy mới ở trong Đại-định để hàng phục mọi ma chướng.” Suy nghĩ xong, Đức Phật đến vườn Lộc-Giả nói pháp Tứ-đế, độ anh em ông Kiều Trần Như, năm người đều chứng đạo quả. Tiếp đó có vị Tỳ-khưu lại muốn hỏi những điều còn nghi ngờ, xin Phật chỉ bảo cho các điều phải trái. Vì vậy, Đức Thế-Tôn lại cặn kẽ dạy bảo khiến các vị Tỳ-khưu, ai nấy đều lĩnh hiểu rành mạch, và chắp tay kính cẩn đón nghe những lời Phật dạy.
09/05/2010(Xem: 13742)
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò", có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ", đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
26/04/2010(Xem: 9620)
Phép Lạ Trong Câu Nói Của Vị Bác Sĩ Sau Đại lễ Phật Đản, tôi đến Chùa thăm Sư Phụ và Chư Tôn Đức. Lúc chờ ở ngoài sân Chùa, phía sau hiên nhà bếp, tôi gặp rất đông anh em làm công quả đang đứng ngồi giải lao. Họ hỏi tôi: - "A Di Đà Phật, lúc này anh Thị Chơn có khám phá ra điều gì lạ không? Nói cho tụi em biết với". - "A Di Đà Phật. Lạ thì chẳng có gì lạ cả". Tôi trả lờirồi tiếp:
10/03/2010(Xem: 12125)
ĐẠO TỪ CỦAHOÀ THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ VIỆN TRƯỞNGVIỆN HOÁ ĐẠO
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]