Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những bất ngờ trong ngày tu quán niệm tại Làng Mai, Pháp Quốc

05/11/201521:10(Xem: 8016)
Những bất ngờ trong ngày tu quán niệm tại Làng Mai, Pháp Quốc

lang-mai-1

Những bất ngờ trong 
NGÀY TU QUÁN NIỆM ĐẦU THÁNG TẠI LÀNG MAI 
MARTINEAU NƯỚC PHÁP 
Ký sự đường xa của Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng



1, Trước khóa tu:

Chuyến tàu chở chúng tôi từ Paris về ga Saint Foy La Grande đúng không sai một phút. Xuống tàu tìm mãi không thấy ai đón. Chúng tôi ra ngoài cửa ga đợi nửa tiếng vẫn không thấy ai. Thế là bắt đầu sốt ruột. Tìm lại trong người và hành lý thì hoàn toàn không có điện thoại của Làng Mai, không có địa chỉ. Nghĩ lại thấy mình thật là không cẩn thận, không chu đáo. Biết đi đâu bây giờ. Từ ngày rời Việt Nam tôi không hề dùng điện thoại, chỉ check email và vào facebook up tin một chút vào buổi tối mới mà thôi.

Giải pháp duy nhất lúc này là tìm ra một nơi có thể vào mạng được để nhắn tin qua facebook xin cầu cứu, hoặc tìm trên trang website ra địa chỉ để gọi  taxi. Tuy nhiên tất cả đều vô nghĩa vì ở đây không có bất cứ chỗ nào có thể vào internet. Cả nhà ga vắng tanh. Khách sạn kiêm nhà hàng duy nhất gần đó thì đóng cửa đến tận 17h chiều. Hỏi những ai lái xe đến và cả nhân viên nhà ga họ cũng không biết Village des Pruniers hay Plum Village ở đâu. Thật sự là bí bách và cần chuẩn bị sẵn phương án ngủ đêm ở nhà ga này.

Bỗng nhiên chợt thấy 1 xe hơi vào ga mà bên trong có 2 sư cô mặc áo nâu. Chắc mẩm đây chính là 2 sư cô ra đón mình theo kế hoạch. Nhưng không. Sư cô hỏi là người Việt Nam à và đi đâu, có phải về Làng Mai không… Chúng tôi trình bày hoàn cảnh và thế là được đồng ý đưa về tận nơi. Không có gì may mắn bằng. Thực ra chúng tôi mới ngồi ở đây có 1 tiếng thôi mà. Một sư cô người Việt và 1 sư cô người Pháp có pháp danh Chân Trăng Tịnh Độ lái xe. 2 sư cô bất ngờ ra ga có việc của quý sư cô và thành ra đi đón tôi. Không gì may hơn. Bất ngờ vô cùng!  Sư cô bảo tôi “Phước chú lớn quá. Sư cô không định ra ga đâu nhé” . Tôi nhẩm trong đầu “Cứ tu thật tốt, cứ sống thật tốt, tâm mở thật rộng thế nào trời Phật cũng thương và thu xếp cho hết”. Thật sự là vậy vì đã bao lần tôi rơi vào hoàn cảnh tương tự rồi.


Xe chở về Xóm Hạ - Lower Hamlet, bởi 2 sư cô đón chúng tôi ở Xóm Hạ. Nơi đây thanh bình và đẹp vô cùng. Về đến nơi quý sư cô bận việc nên ai chạy việc người đó. Chúng tôi được cơ hội ngàn vàng tự lang thang, tự khám phá và chụp ảnh nơi này. Đây là nơi Sư Ông Thích Nhất Hạnh mở Làng Mai mang dạo Phật Việt Nam sáng Pháp và phương tây đây.  Thật tuyệt vời. Tôi thấy 1 chiếc võng và leo lên nằm ngắm trời xanh, ngắm cây lá vàng tuyệt đẹp của miền nam nước Pháp. Tôi nhớ đến chùa Kiến Sơ bên Trung Quốc khi thầy Khương Tăng Hội mang đạo Phật từ nước ta sang phương bắc. Ôi 2 người thầy nước Nam tuyệt vời của chúng ta.

Tôi được ăn tối ở Xóm Hạ và có một sư cô lái xe đưa về nơi tôi sẽ cư trú. Người lái xe là sư cô Hội Nghiêm. Tôi biết sư cô qua những tác phẩm sư cô dịch của Sư Ông Thích Nhất Hạnh ra tiếng Việt mà Thái Hà Books chúng tôi đã từng may mắn có cơ hội được xuất bản. Sau này tôi mới phát hiện ra rằng sư cô Hội Nghiêm chính là trụ trì, là người “to nhất” của Xóm Hạ nơi có gần 100 quý sư cô đang tu tập. Thật vinh dự và bất ngờ! Sư cô sa lại ưu ái và đích thân lái xe chở tôi vậy nhỉ. 

Tôi ở Xóm Thượng – Upper Hamlet. Trên đường về xóm  mới biết ngày hôm sau sẽ diễn ra khóa tu quán niệm 1 ngày. Mừng muốn khóc vì may mắn quá. Thế là nhận cốc xong, thư giãn 1 chút, tôi đi ngủ sớm cho chương trình bất ngờ hôm sau, ngày mồng 1 đầu tháng 11 và là chủ nhật.

Đêm này là một đêm ngủ ngon hiếm có của tôi. Có lẽ bởi không khí nơi đây trong lành. Cũng có lẽ bởi năng lượng tu tập của hơn 200 quý sư thầy và sư cô ở Làng Mai Pháp rất nhiều. Có lẽ bởi sau gần 20 ngày liên tục đi bộ mỗi ngày ít nhất 10 đến 20 km, từ sáng đến tối ở Frankfurt, Cologne, Rome, Venice, Milan, Paris,…  tôi đã đủ thấm mệt. Nhưng có lẽ còn một nguyên nhân khác nữa mà tận trưa hôm sau tôi mới phát hiện ra – tôi may mắn và được ưu ái xếp phòng nghỉ ngay gần cốc của thầy Thích Nhất Hạnh, nơi Thầy vẫn sống và làm việc, sát cạnh cốc của thị giả của Sư Ông. Có lẽ năng lượng của một bậc chân tu rất nhiều ở nơi đây lan đến với tôi. Bất ngờ quá!

 

2, Khóa tu:


06h sáng là thời thiền buổi sáng. Thiền đường rộng, rất đơn giản và sạch đẹp. Ngồi thiền thích vô cùng. Nhập định rất nhanh. Tất cả những ai ngồi quanh tôi là người phương tây, không thấy các thiền sinh người Việt. Giật mình, tôi đang ở châu Âu, nước Pháp chứ đâu có phải Việt Nam hay Thái Lan mà có đồng hương. Giật mình, thấy ấm áp quá trong cái lạnh cuối thu trời Âu!

Bữa sáng lúc 07h rất giản đơn, đúng kiểu châu Âu làm tôi nhớ lại quãng thời gian quãng 16 năm sống ở nước ngoài. Tôi chọn cho mình món cơm lúa mỳ ăn với sữa đậu nành, thêm chút khoai tây, 1 miếng bánh mỳ  và khá nhiều rau sống. Rau ở đây rất thơm, rất bùi, có những vị rất lạ. Mấy loại rau sống tôi ăn hoàn toàn không có ở Việt Nam. Ăn sáng xong rồi, ra khu uống trà tôi mới phát hiện ra rằng toàn bộ rau mà tôi và các thiền sinh khác ăn đều do Happy Farm tức nông trại Hạnh phúc trồng và cung cấp. Happy Farm là rau sạch organic chuyên cung cấp cho tu viện Làng Mai. Ôi bất ngờ quá! Ôi hạnh phúc và may mắn quá. Tự nhiên muốn mở 1 ruộng rau organic ở Việt Nam cho mình, người thân và các học trò được thưởng thức. Nhất là rau sống.


Ăn sáng xong thì mặt trời mới mọc. Mọi thiền sinh đi bộ, ngắm cảnh,… Tôi thì quay về khu vực cốc của mình, thả hồn vào ánh mắt trời chào ngày mới. Mặt trời ngắm qua rừng cây đẹp vô cùng. Cây bây giờ lá vàng, lá đỏ, lá tím như một bảo tàng màu sắc rực rỡ. 7 năm nay tôi không quay lại châu Âu vào mùa thu rồi. Đẹp đến ngỡ ngàng. Đẹp quá bất ngờ.

09h sáng tất cả thiên sinh tập trung về thiền đường lớn để ngồi thiền. Đây là thời thiền thứ 2 của mọi thiền sinh chúng tôi trong ngày chủ nhật Quán niệm này. Thật tuyệt vời.

Tôi muốn nói đến buổi pháp thoại. Sáng nay thầy Pháp Trung cho pháp thoại bằng tiếng Việt. Như vậy là có 2 khu dành cho tiếng Anh và tiếng Pháp có phiên dịch dịch đuổi như bất cứ khóa tu nào của Làng Mai. Tôi chọn vào khu tiếng Pháp. Thưc ra vừa nghe tiếng Việt vừa muốn để nhớ lại vốn tiếng Pháp bị bỏ quên của tôi, hơn nữa cần học các từ Phật giáo bằng tiếng Pháp.

Hóa ra thầy Pháp Trung đến để đọc thơ. Phần lớn pháp thoại là thơ. Tôi chưa bao giờ nghe 1 bài pháp thoại nhiều thơ đến thế. Thầy Pháp Trung nói về kinh nghiệm của thầy trong quá trình tu tập, từ câu chuyện của 1 chú tiểu xuất gia quét lá, đến cảnh quét lá ở Làng Mai. Từ tiếng chim hót mỗi ngày thầy nghe được đến những chiếc lá rơi bốn mùa. Từ sự cảm thông và tình cảm dành cho dân tỵ nạn đang kéo đến châu ÂU hiện nay đến cuộc sống thường ngày của mỗi con người,…  Rất gần, rất thân quen. Thầy như dành bài pháp thoại này cho riêng tôi vậy. Nhưng thú vị nhất rằng tất cả là thơ. Tôi nhớ nhất và hiểu nhất rằng, dù có làm gì, ở đâu thì cũng cần quay về với ngôi nhà của chính mình, với hải đảo tự thân là chính mình. Tôi thì giât mình nghĩ thêm ra rằng, khi không biết làm gì, không biết đi đâu thì hãy về với Làng Mai (hay 1 ngôi chùa, 1 tu viện giản đơn ấm cũng mà mình yêu quý). Làng Mai, dù ở Pháp, Thái Lan, Mỹ, Hồng Kông, hay đâu đâu nữa cũng là nhà của ta. Chỉ cần về là cửa nhà tự mở. Như tôi đây này.

 Tôi khâm phục sư cô phiên dịch. Đã từng dịch ca bin nhiều chương trình với các thứ tiếng Anh, Pháp và Nga nhưng tôi vẫn thật sự thấy khó và ngại dịch thơ và những đoạn tiếu lâm, hài hước. Có được nghe dịch những buổi như thế này bạn mới ngạc nhiên và khâm phục trình độ và khả năng của các phiên dịch không chuyên của Làng Mai. Cá nhân tôi đã học được rất nhiều, nhiều lắm trong buổi sáng nay. Nhất là được thấy những nụ cười của các bạn tu châu Âu và quý thầy cô.

Tôi ấn tựong với thiền đường cả vài trăm người im phăng phắc nghe pháp thoại. Im đến mức tôi nghe rất rõ tiếng thở của tôi. Cả tiếng tim đâp nữa. Lạ thật. Như là mơ vậy. Tôi rất thích sáng nay khi cả hơn trăm quý thầy quý sư cô lên tụng bài “Đầu cành dương liễu” trước giờ pháp thoại. Nói thật rằng tôi đã nghe tụng bài này ít nhất vài chục lần rồi nhưng hôm nay thấy có 1 cảm xúc đặc biệt. Một dòng năng lượng chạy rần rần trong cơ thể tôi. Rất rõ. Rất lạ.

Sau pháp thoại lúc 11 giờ tất cả đi thiền hành. Chưa bao giờ tôi được tham gia vào 1 tăng thân mấy trăm người, đa phần và các quý thầy quý sư cô và Phật tử phương tây, cùng thiền hành vào rừng thu đẹp thế này. Đẹp đến ngỡ ngàng. Đẹp không thể tả thành văn. Đẹp hơn mơ. Tôi biết rằng không cần tìm cõi Tịnh Độ hay Niết Bàn nữa. Đây rồi. Đây thật rồi.

Tôi bước chậm từng bước, khác hẳn với những bước nhanh và vội trong những tháng ngày qua nhất là 20 ngày ở châu Âu.  Tôi ngắm lá rơi. Cây trút dần lá. Tôi trút dần âu lo, thiền muộn, sân hận của mình. Từng chút từng chút một. Tôi cám ơn tấm thảm lá vàng đẹp như cõi tiên và đất mẹ đang đón nhận những nết xấu, những tham sân sy của tôi. Mỗi bước đi tôi thấy mình thật nhẹ nhàng, thật thảnh thơi. Lạ kỳ.

Đi một đoạn tất cả dừng lại để ngắm trời, ngắm cây. Tất cả trong im lăng tuyệt đối. Không khí khá lạnh. Gió hôm nay cũng khá to. Tôi thở sâu, rất sâu như để rửa phổi, như để không khí trong làn của rừng thu thấm vào từng tế bào của mình. Không khí chảy qua mũi vào cơ thể đến 70 tỷ tế bào trong tôi đến đâu tôi cảm nhận rất rõ đến đó.

Rừng cây phía chúng tôi đang thiền hành ngay phía trước của cốc của thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi nhớ rằng Thầy hay nói về chiếc ti vi của Thầy. Chúng tôi đang đi thiền hành trên màn hình của chiếc ti vi ấy đây rồi. Ước gì thầy mau khỏe lại để cùng hành thiền với chúng con. Mà thôi, ước gì Thầy đang ở đây để ngồi trên khoảng sân nhỏ trước cốc của mình ngắm chúng con thiền hành trong yêu thương để yêu thương của vài trăm học trò lan tỏa đến Thầy gần nhất, mạnh nhất.

Đi thêm 1 đoạn nữa, tất cả ngồi xuống thiền trong rừng. Thời thiền tọa thứ 3 sáng nay. Ngồi thiền trên cỏ, trên thảm lá vàng tuyệt không chê nổi bạn ạ. Thích lắm. Mỗi người chọn cho mình một chỗ ngồi. Tôi thấy có bạn chọn 1 gốc cây để dựa vào. Một vài bạn thiền ôm cây. Lần đầu tiên tôi thấy nhiều bạn phương tây thiền ôm cây đến vậy. Có vài bạn thực tập thiền ôm trong thiên nhiên, giữa nắng thu nước Pháp. Đẹp đến ngỡ ngàng.

Trong lúc cuối của buổi thiền hành tôi phát hiện ra mấy bạn xách dày, dép trên tay để để đi chân trần. Để chân được tiếp xúc thật với đất mẹ, với rừng cây. Ôi đẹp quá. Ôi thú vị làm sao. 

Tôi muốn nói thêm rằng sau pháp thoại và trước giờ thiền hành còn khoảng 30 phút trống. Thế là chúng tôi lại có thêm một duyên lành hiếm có – được 2 sư cô Tại Nghiêm và Biểu Nghiêm dẫn đi tham quan Xóm Thượng. Sư cô Tại Nghiêm phụ trách trang nhà Làng Mai nên nhận ra tôi ngay. Sư cô động viên về những bài biết của tôi, kể cả bài mới nhất cách đây vài hôm về cảm xúc nhân dịp Sư Ông Thích Nhất Hạnh nhận giải thưởng lớn Hòa bình bên Mỹ. Chợt giật mình: Lớn tuổi thế này mà được khen vẫn vui. Lạ thật.

Tour này thật hay. 2 hướng dẫn viên nghiêp dư là sư cô Tại Nghiêm và Biểu Nghiêm rất nhiệt tình và chu đáo, rất chi tiết và sâu sắc. Tôi được đến thăm 4 cây tùng do thầy Thích Nhất Hạnh trồng từ ngày xưa. Nơi đây, ngày trước, người sáng lập ra Làng Mai thường xuyên cùng các học trò và thiền sinh ăn trưa vào mùa hè. Tôi đã từng ghe nói hay đọc được rằng, có khi cả ngàn người. Bất ngờ vô cùng vì được có mặt thật sự đúng nơi lịch sử này.

Tôi được thăm nơi Sư Ông Nhất Hạnh viết cuốn sách bất hủ “Đường xưa mây trắng”. Tôi được dẫn đi thăm tháp chuông và 2 hồ sen hồng và hồ sen trắng. Sư cô Tại Nghiêm còn tìm thấy cho tôi 1 bông sen trắng vẫn còn khi mùa đông sắp đến. Cô bảo rằng rất hiếm đó.

Tôi quá được ưu ái khi được đến thất riêng của Sư Ông Thích Nhất Hạnh. Chúng tôi ngồi chơi ở đó khá lâu. Chúng tôi ngắm những chậu cúc nơi đây, loại hoa mà thầy Nhất Hạnh rất thích. Tôi ngắm kỹ phòng ở đơn sơ, chiếc bếp ấm cũng của Thầy. Nơi đây Sư Ông Nhất Hạnh hay tiếp khách và trực tiép nấu ăn đãi các học trò. Cô Tại Nghiêm nói và nhắc lại nhiều lần rằng Sư Ông nấu ăn rất ngon và rất nhanh. Thêm 1 lần nữa tôi, kẻ lười biếng nấu ăn đến kỳ lạ, được nghe điều này về 1 người thầy vĩ đại. Giật mình: phải chăm nấu ăn thôi chứ! Tôi ngắm rất lâu chiếc ghế thiền sư Nhất hạnh vẫn ngồi. Đặc biệt hôm nay tôi được tận mắt chứng kiến mặt trăng mỗi đêm của Sư Ông, được ngắm chiếc “ti vi” của Thầy. Bạn có biết mặt trăng của Thầy là gì không? Là chiếc bóng điện ngoài sân trước cốc. Bạn có biết chiếc ti vi của Sư Ông là gì chưa? Là cảnh núi rừng và thiên nhiên từ cốc ngắm ra. Thật tuyêt vời và đáng yêu làm sao.

lang-mai-2

Ngồi chơi trên khoảng sân của cốc Sư Ông, tôi ngắm và biết thêm về ngôi thất của thầy Giác Thanh mang tên Linh Quy, người mà Sư Ông rất yêu quý, từng trụ trì thiền viện Lộc Uyển bên Mỹ. Hai ngôi thất gần nhau. Nhìn 2 ngôi thất tôi cảm nhận rất rõ tình huynh đệ của 2 người Thầy và tình yêu thương cũng như năng lượng chánh niệm vẫn đang hiện diện nơi đây.

Rồi chúng tôi rời cốc Sư Ông đi thăm cây hồ đào. Chúng tôi dừng chân chút xúi nơi cốc của thị giả. Đứng giữa 2 cốc tôi tưởng tượng ra tiếng gọi thân thương “cúc cu”của thầy Nhất Hạnh khi muốn gọi thị giả sang. Ôi thân thương, gần gũi và đáng yêu làm sao. Có lẽ từ nay tôi cũng nên học và bắt chước thầy dùng từ “cúc cu” khi muốn gọi ai đó thôi.

Dưới gốc cây hồ đào chúng tôi cùng nhắc về tác phẩm “Đập vỡ vỏ hồ đào” của Sư Ông Nhất Hạnh. Quả hồ đào có tên gọi khác là quả óc chó, loại cây mà ngay phía sau ký túc xá tại nước Nga hồi tôi học đại học có cả một rừng lớn. Cũng mùa thu như thế này của mấy chục năm về trước tôi hay ra rừng Pyatigorsk của nước Nga để nhặt quả hồ dào. Trái cây này ăn rất ngon và nghe nói rất bổ cho não. Tôi đã có cả chục năm được đập vỡ vỏ hồ đào và được ăn hồ đào ở thành phố Piatigorsk nước Nga đấy nhé.  Quả óc chó hay hồ đào này tôi cũng hay tặng và hướng dẫn mọi người dùng để lăn tay, lăn chân rất tốt cho sức khỏe.

Chúng tôi đến thăn cây đoàn mà tiếng Pháp gọi là tilleuil còn tiếng Anh là linden. Đặc biệt và không phải ai cũng biết rằng quanh gốc cây này, người sáng lập ra Làng Mai thường giảng phápngoài trời ở đây. Cảnh hôm nay đẹp lắm. Lá vàng mùa thu này đẹp lắm. Tiếc rằng vắng mặt Sư Ông Nhất Hạnh!

Sư cô Tại Nghiêm ưu ái tôi quá nên tìm bằng được thầy Pháp Cầu. Xóm Thượng, tức nơi tu học của gần 100 quý tăng do thầy Pháp Hữu trụ trì nhưng hiện nay thầy Pháp Hữu đang đi công tác xa và thầy Pháp Cầu coi như thay thế để trụ trì quản lý Xóm Thượng. Sư cô Tại Nghiêm nói và nhờ thầy Pháp cầu dẫn tôi đi chơi và “chăm sóc” tôi trong thời gian tôi lưu trú tại đây. Thật Pháp Cầu rất giản dị, hiền lành, cười rất đẹp. Tôi thật sự xúc động và bất ngờ về tấm lòng của những thầy những cô nơi đây. Sao mình lại may mắn và được quan tâm nhiều đến thế. Cứ như 1 em bé hay 1 vị khách quý của Làng Mai không bằng. Chà!

Trưa nay tăng thân ăn cơm quá đường, một nghi lễ truyền thống rất đẹp. Quý thầy và quý sư cô khất thực thức ăn trước, vào trai trường trước. Quý cư sỹ lần lượt vào sau. Tất cả đi theo 2 hàng, 1 hàng nam, 1 hàng nữ.  Đợi tất cả vào hết rồi mới thực hiện nghi lễ 5 quán. Đặc biệt của hôm nay là dùng đến tận 3 thứ ngôn ngữ là Anh, Pháp và Việt. Tôi chưa bao giờ được ngồi thiền ăn với nghi thức quá đường cùng nhiều thiền sinh phương Tây đến vậy. Tuyệt đối im lặng và trang nghiêm.

Sau ăn trưa quý thầy có mời cả tăng thân gửi năng lượng đến những người đang gặp chiến tranh ở Serie, Iraq và các nước trung đông. Tất cả cũng cùng gửi năng lượng yêu thương và chánh niệm đến 1 số người thân của tăng thân đang bị bệnh hay mới qua đời. Và tất cả không quên gửi năng lượng đến người thầy của chúng ta – Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang trị bệnh bên California nước Mỹ.

Sau ăn trưa, mỗi thiền sinh chọn cho mình một cách thư giãn riêng. Có bạn nằm trên cỏ, dưới nắng thu ngủ 1 giấc. Có nhóm ngồi chơi. Có những bạn nhẹ nhàng bước trên lối đi thân thương. Tôi thì rẽ vào book shop mua cho mình mấy cuốn sách của thầy Nhất Hạnh bằng tiếng Anh để đọc. Tôi cũng quyết định mua tặng cho hính mình 1 bộ quần áo nâu ấm áp và đẹp cùng chiếc áo khoác thu có “Love is every step” ngay trước ngực để nhắc tôi về 1 trong 3 nguyện mà tôi đã phát ra “yêu thương tất cả mọi người”. Tôi nhắc mình cân yêu thương trong mỗi bước đi như chính trên chiếc áo này.  Trên lưng chiếc áo ấm mới mua là chữ “Wake up” để nhắc tôi rời xa thất niệm, thực tập chánh niệm, tỉnh thức mỗi ngày, mỗi phút giây. Đột nhiên tôi nhìn thấy chiếc túi rất đẹp có in chữ thư pháp của Sư Ông “You have enough”. Đúng là tôi đã có quá nhiều, quá đủ rồi mà. Vậy mà đôi khi vẫn quên. Tôi xin thỉnh để luôn mang theo mình, để nhắc mình, nhắc tâm mình. Mình quá giàu có rồi mà vẫn tham, tham mãi! Ôi cái tôim cái bản ngã của tôi ơi, Hùng ơi! Hơn nữa trên người cậu đôi khi có mặc chiếc áo phông với dùng chữ “You are always what  you want”mà cậu không nhớ à! Chà!

Chiều nay là pháp đàm. Có đến 3 nhóm tiếng Anh, 3 nhóm tiếng Pháp và 2 nhóm tiếng Việt. Tôi chần chừ không biết chọn tiếng Anh hay Pháp. Cuối cùng quyết định vào nhóm tiếng Anh. Và quả là đã chọn đúng.

Nhóm chúng tôi có các thiền sinh đến từ Italy, Úc, Mỹ, Hồng Kông, Đức, Trung Quốc, Mexico, Arghentina, Tây Ban Nha, Úc, Nhật và vài nước khác nữa (Bạn có thể không tin nhưng ở Làng Mai Pháp này có thiền sinh của trên 60 quốc gia đã và đang tu tập đấy nhé). Thú vị nhất rằng thầy hướng dẫn là người Indonesia. Và giật mình hơn khi có 2 sư cô cũng người Indonesia mà tôi cứ ngỡ là người Việt.

Tôi vẫn nhớ như nguyên những chia sẻ của các bạn trong nhóm. Bạn người Hồng Kông nhớ về tuổi thơ của mình, khi bạn còn sống ở Trung Quốc,  được làm vườn,  trồng rau, được sống trong thiên nhiên. Bạn nói rằng đã chọn Xóm Mới vì bạn thấy ở đây nhiều đất và cây cỏ nhất. Bạn nhớ về mùi thơm của rơm rạ, cỏ cây, của đất. Tất cả rất tuyệt.  Một bạn người Mỹ là bác sỹ tâm lý trị liệu chia sẻ về công việc của bạn tại Hoa Kỳ và rằng những gì học ở Làng Mai rất tốt cho công việc của bạn ấy. Vài trường hợp trị bệnh của bạn rất hay mà có lẽ tôi sẽ mang theo vềViệt Nam để nay mai ứng dụng. Bạn người Italy thẳng thắn nói rằng trước khi sang đây thấy rất chán đời, muốn hủy hoại thậm chí nghĩ đến việc kết liễu đời mình. Nhưng đến dây rồi mới thấy cuộc đời rất đẹp và có quá nhiều việc cần làm. Thế là bạn đã tự thay đổi và thấy mình rất hạnh phúc.  Bạn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến thầy Nhất Hanh và tăng thân Làng Mai. Bạn người Mexico thì nói về quê hương mình với những khó khăn chồng chất và rằng bạn đến đây để được thay đổi chính mình, để thích ứng với mọi hoàn cảnh sống, để nay mai về nhà có bình an mỗi ngày. Nhiều chia sẻ lắm. Nếu viết hết ra chắc phải cả 1 bài báo với vài trang giấy.

Tôi cũng quyết định nói về may mắn của mình. Rằng tôi biết đến Sư Ông Nhất Hạnh cách đây đúng 10 năm và sau bao kế hoạch không thành nay mới về được Làng Mai gốc nơi  hơn 1 trăm cuốn sách được thầy Nhất Hạnh viết ra, nơi hàng ngàn khóa tu đã diễn ra, nơi sinh ra đến nay hơn 1 ngàn tu sỹ xuất gia và hàng trăm ngườ con Phật tại gia giữ 14 giới mà ở Làng Mai gọi là Tiếp Hiện. Tôi kể về hành trình từ Hà Nội đến đây trong 20 này qua của mình, về may mắn của người Việt Nam, về đất nước của tôi khi sinh ra được người Thầy rất giỏi, rất có tâm, đã và đang xuất khẩu được đạo Phật, mang Phật giáo từ Việt Nam sang tận trời tây. Chuyện lạ, chuyện hiếm, chuyện đẹp như cổ tích này đang có thật. Thầy Nhất Hạnh đã làm được điều không tưởng, không chỉ làm sống lại đạo Phật mà còn mang đến cho người dân của các quốc gia văn minh và giúp họ từng bước thóat khỏi khổ đau, phiền não.  

Tôi rất thích phần chia sẻ của thầy người Indonesia mà tôi chưa đủ may mắn nhớ tên. Thầy nói về cháy rừng làm ô nhiếm không khí ở nước của thầy. Thầy kể rằng mới gọi điện về nhà và biết bố thầy không ra khỏi nhà mấy hôm nay. Thầy hỏi tại sao thì được biết rằng do cháy rừng, rất ô nhiễm nên không thể ra được. Thầy nói về các vấn đề của đất nước Indonesia và tâm sự rằng nguyên nhân xuất gia của thầy cũng là ở đây. Thầy muốn tự thay đổi mình để nhiều người cùng thay đổi. Phải thay đổi mình trước mới hy vọng người khác đổi thay. Tôi giật mình nhớ lại chuyến đi đến đất nước Indonesia của thầy mấy tháng trước và thăm ngôi chùa lớn nhất Indonesia ở Jakarta, được các tăng thân nơi đây tiếp đón rất nhiệt tình, được đến ngôi chùa lớn nhất thế giới Borobudur rộng lớn và quá đẹp. Tôi vô cùng biết ơn thầy đã và đang góp phần lan tỏa đạo Phật đến khắp nơi trên thế giới trong đó có đất nước Indonesia của thầy vốn có đạo Phật đã từng rất phát triển và ngày nay có trên 80% dân số theo đạo Hồi.

Và bạn có biết không, những bức tượng Phật đang có tại Làng Mai Pháp, Thái Lan mà tôi (và có thể cả bạn nữa) được chiêm ngưỡng đều được làm từ Indonesia và do các Phât tử Indonesia cúng dường đó nhé. Trong mắt tôi tượng Phật của Indonesia và Myanmar (nhất là ở Bagan) là đẹp nhất thế giới. Thật mà!       

lang-mai-3

 

3, Sau ngày tu quán niệm

Khi kết thúc ngày tu quán niệm, có một quý thầy tìm tôi. Thầy hỏi có phải tôi là Hùng ở công ty sách Thái Hà không. Thầy hẹn tôi 17h15 đợi ở quầy trà để thầy dẫn đi chơi. Thì ra đó là thầy Pháp Tiến. Hóa ra thầy đưa tôi và 5 thiền sinh khác lên đỉnh đồi, nơi có một nhà thờ ở trên cao để ngắm mặt trời lặn.

Ngoài tôi ra còn có 1 bạn người Italy, 1 bạn người Úc, 1 bạn người Hàn Quốc và 2 bạn người Pháp  đuợc thầy dẫn đi chơi. Bạn người Úc cầm trên ta bình nước. Thầy Pháp Tiến thì xách túi. Tôi đoán sẽ đươc uống trà ngắm mặt trời lặn chiều nay thật rồi.

Con đường mà thầy Pháp Tiến dẫn chúng tôi đi chính là con đường “huyền thoại”. Trên con đường này, nhiều ngày Sư Ông Thích Nhất Hạnh hay đi bộ từ Sơn Thượng xuống Sơn Hạ (cùng trong Xóm Thượng) để làm việc và viết thư pháp. Con đường đẹp lắm. Vừa đi vừa được thầy Pháp Tiến kể chuyện. Đủ thứ chuyện. Rất bổ ích và rất hay.

7 thầy trò người 5 quốc tịch: Italy, người Úc, người Hàn quốc, người Pháp và Việt Nam chúng tôi lên đến đỉnh đồi và chọn một chỗ ngồi trên bãi cỏ để ngắm mặt trời lặn. Đẹp đến kỳ lạ. Ngay cả khi mặt trời đã lặn hết thì đường chân trờu vẫn rất đẹp, rất đẹp. Thầy Pháp Tiến trực tiếp pha trà ô - long mời chúng tôi. Chúng tôi uống được 3 tuần trà thì phải về. Trời đang tối dần.

Lúc về chúng tôi đi qua Sơn Hạ lên Sơn Thượng. Đi từng bước tôi cảm nhận rất rõ mùa thu châu Âu và năng lượng của Làng Mai ở nơi đất Pháp này. Ánh đèn dã bắt đầu bật. Đi trong rừng lúc nửa sáng nửa tối mà tiếng Pháp gọi là “entre le loup et le chien” tức là nửa chó sói nửa chó thế này rất là thú vị nhé. Ít nhất là tôi rất thích.

Chưa xong bữa tối tôi được thầy Pháp Sự phát hiện ra. Thế là sau bữa ăn chúng tôi nói chuyện. Vẫn là chuyện tu tập, chuyện thay đổi thân và tâm. Vẫn là cách tu và con đường mà mỗi chúng ta đang đi. Vẫn là yêu thương và hiểu biết. Tôi chưa ăn xong đã thấy tiếng đàn piano vang lên. Hóa ra cứ tối chủ nhật là các bạn phương tây tụ tập để ca hát, biểu diễn. Thế này tôi lại có cơ hội được thưởng thức 1 đêm âm nhạc thật rồi. Thế này thì tôi có lẽ lại sẽ có cơ hội cúng dường tiết mục rất Việt Nam cho các bạn phương tây thật rồi. Ôi may mắn làm sao.    

Thêm một chi tiết nữa rằng hôm sau, tức thứ hai, vào lúc 16h ngày mai có Happy sharing. Thông tin này tôi được bạn người Úc chia sẻ trên đường từ đỉnh đồi về nhà ăn. Thấy tôi ngạc nhiên, bạn giải thích rằng cũng giống như sẻ chia thôi nhưng cái khác là chỉ nói về những niềm hạnh phúc của mình. Hay quá và may quá. Ngày mai, thứ 2 là lazy day tức ngày lười biếng , ngày mà các thiền sinh muốn làm gì thì làm không có thời khóa chính thức, tôi lại được mời vào một chương trình quá lý thú. Hơn nữa thầy Pháp Tiến có thông báo rằng  17h30 có tiệc trà đặc biệt nữa và nhất định tôi phải đến dự. Chỉ có khoảng 15 thành viên được tham gia thôi vì diện tích phòng trà không đủ lớn. Vui vui vui.

Tôi về nhà viết lại những dòng này kẻo lại quên. Sáng mai, sau ăn sáng, hai quý sư cô Tại Nghiêm và Biểu Nghiêm đã hẹn đến đưa tôi đi thăm cả 3 xóm: xóm Thượng, xóm Hạ và xóm Mới. Tôi sẽ có một ngày nữa thật tuyệt vời đây rồi.

Một thông tin cuối cùng mà tôi mới được biết: ngày 1/12, Làng Mai sẽ làm lễ xuất gia cho 20 thành viên mới, trong đó có 9 vị nam tại Xóm Thượng và 1 nữ ở Xóm Hạ cùng 10 quý vi ở Thái Lan (gồm 5 nam và 5 nữ). Bạn cũng có thể biết thêm rằng hiện nay tại Xóm Thượng nơi các quý thầy đang tu học có 19 bạn người phương tây đang  tu thực tập trong đó có 9 bạn đã thực tập 1 năm nay rồi và chỉ sau đúng 1 tháng nữa sẽ được làm sa di. Tôi giật mình trong hạnh phúc bởi tất cả 5 bạn đi cùng tôi và được thầy Pháp Tiến dẫn lên đồi ngắm hoàng hôn đều là tập sự xuất gia. Trời ơi, lần sau mà gặp lại, các bạn tôi đã thành quý thầy rồi. Hạnh phúc tràn dâng.

Tôi đã có trọn vẹn 24 giờ ở Làng Mai nước Pháp. Tôi đã có 1 ngày tu quán niệm lần đầu tiên ở câu Âu rất bất ngờ và ấn tượng. Tôi đang  mỉm cười rất đẹp cho bạn và tặng bạn đây này. Bạn hãy mỉm cười ngay cùng tôi đi. Tôi cũng đang thở nhẹ và êm cho bạn đây này. Bạn hãy thở cùng tôi đi.

Mà thôi. Ta cùng nhẩm hát nhé “Để Bụt thở, để Bụt đi. Mình khỏi thở, mình khỏi đi. Bụt đang thở, Bụt đang đi. Mình được thở, được đi. Chỉ có thở, chỉ có đi. Mình là thở, là đi”.

Cám ơn bạn đã đang cười rất đẹp, rất tươi. Nụ cười của bạn đẹp lắm, thánh thiện lắm, đáng yêu vô cùng. Tôi biết mà.  Thật mà.

Và đây nữa, món quà tặng bạn hôm nay đây ạ. Đây là câu nói mà tôi rất tâm đắc, rất thấm thía, rất đúng qua trải nghiệm nhiều năm nay :”Cứ yêu thương mọi người, cứ phụng sự hết mình, đi đâu cũng được thương yêu, đến đâu cũng gặp may mắn”. It is true. Thật mà!


TS Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2024(Xem: 1702)
Nhân mùa chư Tăng An Cư Kiết Hạ & Đại lễ Dâng Y tắm mưa trong tháng 7 tại Bồ Đề Đạo Tràng. Với tâm niệm hộ trì chư Tôn đức Tăng già, (Maha Sangha) và các bậc tu hành nơi đất Phật trong lúc An cư, đầu tuần lễ này (7-18-24) Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi cúng dường đến Đại Tăng với sự phát tâm lành của chư Phật tử hữu duyên đã gửi gắm cho con trên con đường Hoằng Pháp đó đây trên các tiểu bang xứ Cờ Hoa. Trong niềm hoan hỷ khi thiện sự viên thành mỹ mãn, xin gửi quý vị số hình ảnh tường trình...
18/07/2024(Xem: 1681)
Dù tại gia hay xuất gia, chúng ta đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, không chịu tìm hiểu xem Đức Phật dạy những gì để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu xem đâu là chánh pháp, điều gì là Chánh kiến thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ, theo đạo Phật như thế thì không lợi lạc gì bao nhiêu và.. có khác chi bao người không biết đến Phật Pháp?
18/07/2024(Xem: 1614)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Với tâm niệm: ''Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật'', vào ngày hôm qua, các thành viên hội từ thiện chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện một buổi thiện sự chia sẻ cho dân nghèo khúc ruột miền Trung. Kính mời Đại chúng xe bản tường trình từ Cố Đô Huế.
04/07/2024(Xem: 2081)
Trong tâm niệm:''Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật'', hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề vừa thực hiện hoàn mãn thiện pháp tại quê nhà, chia sẻ chút Phước lành đến những người mù lòa, khuyết tật, khó khăn.. Xin gửi chư vị vài hình ảnh buổi Từ thiện tại chùa Thiện Thệ do Ni Sư Thích nữ Huệ Lạc, thành viên của Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề tại VN tường trình ! (June 27 2024)
27/06/2024(Xem: 1544)
Trong nhiều bài pháp tôi đã viết, thì thường đề cập đến vấn đề làm phước, tích phước, tích đức, hay tu thiện... Và trong cuộc sống hàng ngày nếu gặp ai có duyên tu hành tôi cũng khuyên họ làm như thế. Tuy nhiên, không phải ai chúng ta nói họ cũng nghe, vì họ không tin có kiếp trước kiếp sau, không tin hoàn toàn nhân quả tội phước...
18/06/2024(Xem: 1657)
Phần này bàn về các cách dùng cái đồng, kính, gương - chiếu kính, soi đồng, soi gương từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời.
06/06/2024(Xem: 1869)
Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu (Kinh Pháp cú phẩm Phật Đà 194) Trước khi Đức Phật ra đời, Ngài đã mang một hoài vọng lớn cho cuộc đời này rồi. Cho nên trong Trường Bộ Kinh có ghi: Ta ra đời vì lợi ích, an lạc cho số đông, vì lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người. Đây là hoài vọng của chư Phật nói chung hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng.
12/05/2024(Xem: 8392)
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
08/03/2024(Xem: 2935)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Bát cháo sữa của nàng thôn nữ Sujata tuy giá trị rất nhỏ, nhưng mang lại lợi ích cho nhân loại và quả địa cầu này là rất lớn, vì nhờ đó mà Sa-môn Gautama không chết do kiệt sức trong giai đoạn cần khổ tu hành. Cũng vậy, những giúp đỡ nho nhỏ, từ thiện nho nhỏ, đôi lúc có giá trị lớn & ý nghĩa lớn đối với những mảnh đời khốn khó..
29/02/2024(Xem: 4417)
Một trong những Phúc Lành cao thượng! Bạn biết chăng? May mắn lớn nhất của cuộc đời, chẳng phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là bạn gặp được những người có thể dẫn bạn đi đến 1 nền tảng cao hơn. Thật ra hạn chế sự phát triển của bạn, không phải là trí thông minh hay học lực, mà là các mối quan hệ trong cuộc sống, mối quan hệ trong công việc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]