Đức Phật dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo” tất cả đều do tâm tạo, “...Duy ngã độc tôn” “cái ta” là tối cao và quan trọng nhất, quyết định tất cả, thành Thánh thành Phật, hay thành ma thành quỷ, lên thiên đàng vào địa ngục cũng do “cái ta”. Đối với “chân tâm” không có “cái ta” là “nhất minh tinh, lục sanh hòa hợp” tức lục căn: thấy, nghe, biết...rõ ràng, mà không phân biệt, dính mắc với lục trần, đó là “tâm” của người chân tu, giải thoát. Nhưng đối với “vọng tâm” “tâm lỗi lầm” của thế gian thì trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật dạy có 4 hạng người:
1. Hạng người thứ nhất: Không ai hỏi về cái tốt của mình mà cứ nói, huống là có hỏi.
2. Hạng người thứ hai: Có ai hỏi đến cái tốt của người cũng chỉ nói bập bẹ, nói ngập ngừng, huống là không hỏi (tức chẳng nói).
3. Hạng người thứ ba: Không ai hỏi đến cái xấu của người mà cứ nói, huống là có hỏi.
4. Hạng người thứ tư: Có ai hỏi đến cái xấu của mình thì che giấu, huống là không hỏi (tức chẳng bao giờ nói).
Bốn hạng người trên là do “vọng tâm” với người lớn “bản ngã” sinh ra, đó là tâm không biết tu, “tâm lỗi lầm”, “thấy lỗi người, che giấu lỗi mình, khoe khoang cái hay của mình, che giấu cái hay của người...”
Muốn là người “chân tu” phải “quán chiếu nội tâm” soi sáng lại chính tâm mình, để sửa lại cái “tâm tội lỗi” nầy vậy, đó là “tu theo chánh đạo”, “ẩn ác dương thiện”, “chỉ thấy điều hay, không tìm điều dở”, thường hành pháp lạy Phật sám hối, là đang tu chuyển ba nghiệp thân, khẩu, ý một cách tuyêt hảo, vừa rèn luyện thân tâm, hạ được ngã chấp, vừa chuyển hóa được nghiệp lực, xem mọi người là Phật sẽ thành, để luôn sống thân thiện, khiêm cung, nghĩ mình còn yếu, không kiêu mạn, tự hào, để cố gắng tu tập hoàn thiện vươn lên, như vậy sẽ không còn nằm trong “bốn hạng người” nói trên. Còn nếu “hướng ngoại tìm cầu” là “tu theo ngoại đạo” lúc đó “tâm lỗi lầm” của “bốn hạng người” trên, sẽ dễ dàng phạm tội, đi “rêu rao lỗi tứ chúng”, cao ngạo, ‘mục hạ vô nhân’, nghĩ ta là Thánh, mọi suy nghĩ, lời nói việc làm hoàn toàn đều đúng, bắt mọi người phải thần phục, ai bất phục không nghe theo liền bị “chụp mũ”, “phủ đầu”, “quy tội” tha hồ kiêu mạn, tạo nghiệp, gây oan trái, gieo khổ đau. Lục Tổ dạy: “Người đời nếu thật tu hành, đừng thấy lỗi thế gian. Các việc muốn không ngại, thường phải thấy lỗi mình, như thế mới hợp với đạo”.
Người “lớn cái ta” sẽ luôn luôn sống bất an, vì phải thường lo toan, tính toán, để đối phó với tất cả, hầu chứng tỏ “ta là quan trọng nhất”, “ta hoàn toàn đúng” mọi người phải phục tùng ta, sống không thật, nên sợ người lật tẩy, sẵn sàng triệt hạ người để bảo vệ ta, đưa lỗi lầm, cái xấu của người ra để hòng che giấu lỗi lầm, cái xấu của ta, tạo ra vô vàn hệ lụy, đọa đày trong muôn kiếp nhân sinh.
Người thật tâm tu hành, thì phải luôn “quán chiếu tự tâm” thấy lỗi lầm của mình mà tự sửa, để mà ăn năn sám hối, thì lỗi lầm cũ sẽ hóa giải, lỗi lầm mới không có cơ hội gieo tạo, phát triển, thường xét nét lỗi lầm của mình như thế, đâu còn thời gian để mà dòm ngó lỗi lầm của người, từ đó ta sẽ dễ dàng sửa chữa hoàn thiện được chính ta và không bị phiền não thế gian chi phối, đúng với tinh thần của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đã dạy “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” có nghĩa xem xét lại chính mình là phận sự chính, không phải từ nơi khác mà được, Tìm lại mình, biết rõ được mình là trên hết, như vậy không phải là ta đang sống với “chân tâm” và “tu tâm” đúng hướng, để có được an lạc, giải thoát đấy ư! Đâu cần phải tốn công hao sức, hằng ngày phải mãi miết chạy theo bên ngoài để tìm cầu những cái không thật, vô thường, tạm bợ, với “tâm lỗi lầm” nếu có chăng, cũng chỉ là “ma nghiệp” rốt cuộc trắng tay, khổ lụy mà thôi, để phải mãi chịu trầm luân trong sinh tử luân hồi.
Tu là phải biết sống lại với “chân tâm” không phân biệt và đắm nhiễm với lục trần, tuệ tri rõ ràng mọi vật, làm việc trong an tịnh và sáng suốt mới là Phật sự, trở về với “niết bàn tịch tịch”, muốn được như vậy, trước tiên ta phải diệt “bản ngã” để hết “tâm lỗi lầm”, không có “ngã chấp” chi phối, thì lúc đó làm việc gì cũng có kết quả tốt, ta mới sống an lạc tu tập, tạo nhiều công đức, thoải mái trên lộ trình, giác ngộ, giải thoát, lợi ích quần sanh.
“Tâm chơn” mọi cảnh đều chơn
“Lỗi lầm tâm” ấy oán hờn lụy đau
An Lạc thất, Adelaide Nam Úc những ngày tịnh dưỡng
Thích Viên Thành
(Hạnh Trung)