Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6 - Thăm Lại Bản Chất Con Người

11/10/201520:15(Xem: 10169)
Chương 6 - Thăm Lại Bản Chất Con Người

NGHỆ THUẬT HẠNH PHÚC TRONG THẾ GIỚI PHIỀN NÃO
Nguyên tác: The Art of Happiness in a Troubled World

Nhà xuất bản:  Hodder & Stoughton - 2009
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma và Howard C. Cutler

PHẦN HAI

BẠO ĐỘNG CHỐNG LẠI ĐỐI THOẠI

 

Chương 6

 

THĂM LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI

Vào buổi sáng ngày 11 tháng Chín năm 2001, những sự kiện hiện ra đã thay đổi thế giới.  Khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới sụp đổ ở New York, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngũ yên bình trong phòng ngũ bình dị của ngài trên ngọn đồi của núi non vùng Bắc Ấn.  Buổi sáng ấy, ngài đã dậy vào giờ giấc thường lệ của ngài lúc 3:30 sáng, nhẹ nhàng rũ bỏ giấc ngủ trong tâm tư của ngài, và lúc 4 giờ sáng bắt đầu nghi thức hàng ngày như một thầy tu Phật Giáo, với bốn giờ liền cho cầu nguyện và thiền quán.  Vì vậy khi lời kêu gọi oang oang cho một cuộc chiến tranh mới đang vang động ở Hoa Kỳ, thì Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thiền tọa sâu lắng, âm thinh duy nhất là tiếng lộp độp của cơn mưa mùa nhẹ nhàng rơi trên mái thiếc trong khu tịnh thất của ngài, trong khi bên ngoài một không khí hòa bình và tĩnh lặng bao phủ khắp ngôi làng miền núi xa xôi này, vẫn trùm trong bóng đêm của thời khắc ấy.

Không lâu sau ngày 11/9, tôi đã trở lại Dharmasala để tái tục những thảo luận của chúng tôi.  Gần một năm từ khi chúng tôi gặp gở nhau trong phòng này, và dường như không có gì thay đổi trong thời gian qua.  Trong thực tế, không có gì dường như thay đổi trong hai thập niên qua mà tôi đã và đang viếng ở đấy:  nó có cùng cảm giác rộng rãi và hòa bình, cùng phẩm chất của cởi mở được tạo nên bởi những cánh cửa sổ rộng lớn, một phía đối diện những ngọn núi phủ tuyết, phía kia giáp mặt Thung Lũng Kanga sum suê mở rộng phía xa bên dưới.  Cùng những bức tranh Thangka, những cuốn thư họa Phật Giáo về bồ tát Tara, trong khung thêu kim tuyến, treo trên những bức tường màu vàng vây quanh.  Cùng bức bản đồ Tây Tạng từ sàn lên tới trần nhà bao phủ trên tường, và cùng điện Phật trang hoàng với những biểu tượng, Phật tượng, bát cúng đẹp đẻ, và đèn bơ, duy trì nơi đây luôn luôn là như thế.  Ngay cả chiếc ghế bọc nhung giản dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma và chiếc ghế dài đối xứng mà tôi ngồi trên đấy, cả hai được bố trí chung quanh một chiếc bàn cà phê dài, rộng sơn đỏ, hiện hữu cũng giống như bấy lâu nay.

Không, không có thay đổi gì nhiều ở đây, tôi nghĩ, khi tôi nhìn chung quanh căn phòng.  Trong thực tế, khi những thập niên trôi qua, như mà tôi có thể nói, những thay đổi duy nhất có thể thấy đã xảy ra trong phòng kế bên, phòng dành riêng cho những vị khách chờ đợi để diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma – khi năm tháng trôi qua, những bức tường đã được phủ đầy ngày càng nhiều với những phần thưởng, bằng đại học danh dự, bằng danh dự, huy chương và thẻ bài.

Nhưng thế giới bên ngoài đã thay đổi.  Những tháng từ cuộc gặp gở sau cùng của tôi với Đức Đạt Lai Lạt Ma, cuộc tấn công khủng bố 11 tháng Chín đã xảy ra – và một lần nữa những sự kiện thế giới đã nhắc nhở chúng ta về những thứ ác độc dữ đội và kinh khủng mà con người có thể thực hiện thứ này đến thứ khác cho nhau.

Chúng tôi bắt tay vào buổi sáng ấy trong một khảo sát về phía đen tối của thái độ con người, những hành vi bạo động, sự thù hận, sự tàn bạo mà con người có thể giáng xuống cho nhau.  Trong loạt thảo luận sau cùng, chúng tôi đã khảo sát về nguồn gốc của cung cách suy nghĩ nhị nguyên Chúng Ta chống lại Họ mà có thể đem đến việc phát sinh thành kiến và xung đột.  Bây  giờ chúng tôi trở lại sự chú ý của chúng tôi về những nguyên nhân của bạo động.  Trong cố gắng để truy tìm nguyên nhân của những hành động xấu ác này đến cội nguồn của chúng, chúng tôi đã bắt đầu với câu hỏi nền tảng:  Có phải bạo động và kích động chỉ là một bộ phận tự nhiên cơ bản của con người hay không?

Có Phải Căn Bản Tự Nhiên của Chúng Ta là Bạo Động hay không?

“Buổi sáng ấy,”  Đức Đạt Lai Lạt Ma thuật lại chi tiết, nói về sự kiện 11 tháng Chín, “sau buổi thiền quán của tôi, người thị giả, Lobsang Gawa, đến phòng và báo cho tôi biết rằng Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York đã bị tấn công.  Ông nói với tôi rằng tòa nhà đã hoàn toàn bị sụp đổ!”

“Phản ứng đầu tiên của ngài là gì?”  tôi hỏi.

“Không tin.  Tôi đã nghĩ như thế.  Điều này không thể là sự thật!  Tôi nghĩ ai đấy đang kể cho tôi một câu chuyện.  Vì thế, tôi mở đài truyền thanh BBC và nghe khi họ thông tin về điều này.   Rồi tôi mở sang đài truyền hình BBC và xem những máy bay đâm vào tòa nhà và tòa nhà sụp đổ trong lửa.  Sau đó tôi biết đấy là sự thật.  Tôi đã thấy người ta cố gắng tuyệt  vọng để tránh bị thiêu sống, nhảy từ cửa sổ.  Thật là đau buồn! Một sự tàn phá kinh khiếp như vậy!  Thật là không thể nghĩ nổi.  Không thể nghĩ nổi.”

“Thế thì phản ứng thứ đến của ngài là gì, sau khi ngài vượt qua khỏi sự không tin của ngài?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu một cách buồn bả.  “Nó tạo nên một sự nhắc nhở đầy uy lực về khả năng tàn phá của con người.  Một sự thù hận kinh khủng như thế!  Gần như vượt khỏi sự tướng tượng của con người.  Sau đó tôi cầu nguyện cho tất cả những nạn nhân vô tội và gia đình của họ.”

Nghĩ lại phản ứng của Hoa Kỳ đến cuộc tấn công ngày ấy – một sự giận dữ, một quyết định nhanh chóng, năng động để đem thủ phạm ra công lý – tôi hỏi, “A! Khi người ta lưu tâm đến những khổ đau mà những kẻ khủng bố đó và những người như bin Laden đã đem đến cho hàng nghìn người vô tội, rằng con người có thể làm điều này đến những người khác, đôi khi nó có xói mòn niềm tin căn bản của ngài về tính tốt đẹp của con người, về bản chất tự nhiên của nhân loại không?

“Không,”  Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại, không mất một giây nào, “hoàn toàn  không.  Bởi vì mặc dù những hành vi kinh khiếp như vậy được thực hiện bởi một nhúm người, tôi vẫn tin tưởng vững chắc trên căn bản thánh thiện của con người, và ở cấp độ nền tảng, bản chất tự  nhiên của chúng ta là tế nhị và không bạo động.”

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nói về bản chất tự nhiên của con người.  Tôi nghĩ lại ngay lần đầu tiên mà chúng tôi đã thảo luận về chủ đề này, hơn một thập niên trước đây[1].  Tôi nhớ lại cái nhìn trực tiếp, sắc sảo và giọng nói nhất quán rõ rệt khi ngài nói, “Niềm tin vững chắc của tôi là bản chất tự nhiên của con người là yêu thương, tế nhị một cách thực chất.  Đấy là đặc trưng ưu thế của bản chất con người.”  Quan điểm của ngài về đề tài này rõ ràng không thay đổi.

Mặc dù tôi dã cảnh giác trước về quan điểm lạc quan một cách căn bản của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất của con người, tôi vẫn hơi ngạc nhiên bởi âm điệu kiên định của một niềm tin vững chắc khi ngài nói về những sự kiện 11 tháng Chín, vẫn còn quá mới mẽ, đã không khuấy động lòng tin của ngài trong nền tảng thánh thiện của con người.  Ngay cả đối diện một cách trực tiếp với vụ giết hại tàn bạo và vô cảm hàng nghìn người vô tội đã không làm cho ngài dừng lại chút nào dù trong khoảnh khắc, và trong sự thực niềm tin của ngài dường như mạnh mẽ hơn bao giờ hết.  Muốn thấu hiểu sức mạnh tự tin của ngài đến từ chốn nào, tôi hỏi, “A, khi chúng ta thấy những sự tàn bạo kinh khủng mà người ta thực hiện cho nhau, tại sao điều ấy không có bất cứ tác động nào trong niềm tin của ngài về nền tảng thánh thiện của bản chất loài người, của con người, mà điều ấy ngay cả bao gồm những thủ phạm hung ác như vụ 11 tháng Chín?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ trong giây lát.  “Có lẽ, một điều là tôi nhìn những sự kiện từ một viễn tượng rộng lớn hơn.  Khi những thứ như vậy xảy ra, chúng ta thường có khuynh hướng tìm kiếm một người hay một nhóm người để quy tội.  Nhưng tôi nghĩ thật là sai lầm nếu chỉ nhìn vào một cá nhân hay một nhóm người và cô lập  họ như một nguyên nhân duy nhất.  Nếu ông tiếp nhận một quan điểm rộng rãi hơn, ông sẽ thấy rằng có thể có nhiều nguyên nhân của bạo động.  Và có thể có nhiều nhân tố góp phần cho những sự kiện như thế.  Rất nhiều nhân tố.  Trong trường hợp này, thí dụ, tôi nghĩ niềm tin tôn giáo cũng liên hệ.

“Vì vậy, nếu ông phản chiếu trên sự kiện này một cách sâu sắc hơn, “ngài giải thích, “ông sẽ nhận ra rằng có nhiều nhân tố góp phần cho thảm kịch đó.  Đối với tôi, điều này củng cố một sự kiện căn bản:  Nó cho tôi thấy rằng kỷ thuật hiện đại phối hợp với sự thông minh của con người và được hướng dẫn bởi những cảm xúc tiêu cực – đây là những thảm họa không thể nghĩ đến như vậy đã xảy ra như thế nào.”

“Ngài có thể nói thêm chi tiết về những gì ngài muốn nói qua điều ấy không?”

Ngài trả lời, “Ông thấy rằng những kẻ khủng bố này phải có một sự quyết tâm gần như không thể tưởng tượng được để hy sinh mạng sống của họ để thực hiện một hành vi như vậy.  Điều đó không thể xảy ra mà không có những cảm xúc mạnh mẽ, những cảm xúc tiêu cực.  Điều ấy cung ứng động cơ.  Nhưng rồi thì chỉ động cơ mà thôi, cảm xúc tiêu cực bởi chính họ mà thôi, không thể phát sinh ra những sự kiện như vậy.  Nếu ông nghĩ về nó, ông nhận ra rằng nhiều dự tính phải được hoàn tất cho vụ tấn công này, hàng tháng nếu không phải là hàng năm của những chương trình tỉ mỉ.  Thí dụ, nó được tính toán vì thế những chiếc máy bay chứa đầy nhiên liệu.  Những chương trình chính xác này đòi hỏi việc sử dụng trí thông minh của con người.  Và rồi họ cần những phương tiện đề hoàn thành một hành động như vậy.  Trong trường hợp này, máy bay được sử dụng, một kết quả của kỷ thuật hiện đại.  Đấy, điều này là những gì tôi muốn nói.

“Ông biết không, ” ngài tiếp tục, với một tiếng thở dài, “trong thực tế, thật nhiều nhân tố góp phần cho những hành động kinh khiếp như vậy.  Thí dụ, những cá nhân này bị thúc đẩy bởi thù hận.  Trong thực tế, khi tôi lần đầu tiên thấy những tòa nhà sụp đổ vào ngày 11 tháng Chín, tôi đã nghĩ, Thù Hận – đó là thủ phạm chính!”

“Thưa Đức Thánh Thiện, tôi có thể hiểu quan điểm của ngài về vấn đề có thể có tất cả những nhân tố này góp phần cho những hành vi kinh khiếp ấy như thế nào.  Nhưng sự kiện là một cách căn bản nó đi đến khiến một cá nhân hay một nhóm người hạ thủ những hành vi bạo động và khổ đau trên những người khác.  Vậy thì ngài không nghĩ là có thể rằng, nếu đặt qua một bên tất cả những nhân tố phức tạp và nguyên nhân này mà ngài đã đề cập, thì một số người nào đấy đúng thật sự là xấu xa, rằng bản chất của họ là độc ác hay không?”

Lắc đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, “Khái niệm xấu ác, ngay cả chữ ‘xấu ác’, có thể là có vấn đề.  Như chúng ta đã thảo luận trước đây, dường như ở phương Tây, đôi khi có một khuynh hướng để thấy mọi thứ trong những dạng thức tuyệt đối, để thấy những thứ như trắng hay đen, tất cả hay không có gì.  Trên tất cả những thứ ấy, đưới ảnh hưởng của những thể trạng tinh thần như sân hận, khuynh hướng này thậm chí trở nên mạnh mẽ  hơn.  Một loại bóp méo tư duy của người ta, nhận thức của con người, chiếm lĩnh vị trí.  Do thế, như tôi đã đề cập, khi chúng ta nghĩ về những sự kiện như vậy, chúng ta lập tức tìm một mục tiêu, kiếm một cá nhân hay một nhóm người để quy trách nhiệm, điều gì đấy cụ thể mà chúng ta có thể hướng trực tiếp tất cả những sự sân  hận và giận dữ của chúng ta.  Và trong tình trạng ấy, chúng ta thấy mọi thứ trong dạng thức của tất cả xấu hay hoàn toàn tốt, thấy mọi người là hiền lương hay bất lương.  Thế  nên, từ nhận thức ấy, chúng ta có thể thấy một người như thuần xấu ác.

“Nhưng theo quan điểm của Đạo Phật, chúng tôi không có khái niệm xấu ác tuyệt đối, trong ý nghĩa xấu ác như điều gì đấy tồn tại một cách độc lập – điều gì đấy không được làm ra bởi những nhân tố khác, điều đó không thể bị tác động bởi những nhân tố khác, và không thể được thay đổi hay điều chỉnh bởi những điều kiện khác.  ‘Tuyệt đối’ xấu ác có một cảm nhận thường hằng.  Do vậy, chúng tôi không chấp nhận ý tưởng ‘con người xấu ác, trong ý nghĩa rằng bản chất tự nhiên của một người đặc thù nào đó là một trăm phần trăm xấu ác, và họ sẽ vẫn duy trì cung cách ấy bởi vì nó là tính chất căn bản không thay đổi của họ.

“Bây giờ, trong nhận thức của Đạo Phật chúng ta thật sự có khái niệm về một con người hành động trong một cung cách xấu ác, làm những việc xấu ác, dưới sự ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực và động cơ bất thiện, v.v… – nhưng chúng ta thấy thái độ xấu ác này sinh khởi như một kết quả của những nguyên nhân và điều kiện nào đấy.  Chúng ta cảm thấy những sự kiện như vậy có thể được giải thích mà không diện dẫn một năng lực siêu hình như xấu ác.

“Thế nên, một cách căn bản,” ngài tóm tắt, “nếu một người thực hiện một hành vi vô cùng tàn phá, chúng ta có thể nói hành vi ấy là xấu ác.  Không thắc mắc gì.  Và chúng ta nên luôn luôn đối kháng hành vi ấy, như một hành vi xấu ác.  Chúng ta phải có một vị thế vô cùng mạnh mẽ.  Và hãy nói rằng động cơ của con người cho hành động là thù hận.  Rồi thì chúng ta có thể nói rằng cả động cơ, và hành động đưa tới là xấu ác, do bởi bản chất tàn phá của chúng.  Nhưng chúng ta vẫn không thể xem cá nhân ấy như ‘một con người xấu ác’, một sự xấu ác bản chất và thường hằng, bởi vì luôn luôn có tiềm lực hay khả năng mà một loạt những điều kiện  mới sẽ hình thành hiển hiện và chính cùng con người ấy có thể không còn dấn thân trong thái độ xấu ác nữa.”

“A, tôi có thể hiểu những gì ngài đang nói,” tôi nói, “nhưng nếu ngài nhìn vào hành vi ấy như sinh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện đa dạng, và nhìn thủ phạm như chỉ ở dưới sự khống chế của tất cả những nhân tố khác này, và rằng những nhân tố này là những gì thật sự làm nên thái độ, không có một  hiểm họa của việc dường như để tha thứ hay bào chửa cho thái độ của con người, giống như nó không phải là lỗi lầm của họ chứ? Dường như rằng ngài càng nhìn vào những nguyên nhân và điều kiện đa dạng đưa đến hành động, ngài dường như càng để những thủ phạm ra khỏi lưỡi hái [trách nhiệm].

“Này nhé,” ngài nói, “nói rằng không có ai xấu ác bản chất, sự xấu ác là một tình trạng tương đối tùy thuộc trên những nhân tố khác, nhưng không cho ai đấy một sự tha thứ để thực hiện những hành vi xấu ác ấy.  Chỉ bởi vì ông cho phép cho khả năng của những động cơ và thái độ của người ta có cơ hội thay đổi trong tương lai, điều này không có nghĩa là ông thế nào đấy tha thứ hay bỏ qua hành vi ấy, hay rằng ông không bắt họ chịu trách nhiệm giống như họ không có làm gì với điều ấy.”

“À,” tôi cướp lời, “bất chấp hoặc là những hành vi kinh khiếp này của bạo động là kết quả của những nguyên nhân và điều kiện có thể nhận ra, hay họ đã bị quy cho là những người xấu ác, sự thực vẫn là con người có khả năng để thực hiện những hành vi này; chúng ta đã rình rập và giáng khổ đau xuống cho nhau suốt khắp lịch sử nhân loại.  Tôi muốn nói là ngay cả ngài đề cập rằng phản ứng thứ hai của ngài khi nghe về sự kiện 11/9, sau khi ngài nhận ra rằng nó là sự thật, là nó là một ‘sự nhắc nhở đầy năng lực về khả năng tàn phá của con người.’  Và có quá nhiều nhắc nhở… những hành vi tàn phá như sự Diệt Chủng  Người Do Thái, quá kinh khiếp  quá khó để mà tưởng tượng!  Tôi không biết, nhưng dường như rằng những sự nhắc nhở khắc nghiệt ấy về khả năng tàn phá, tiềm năng giáng xuống những sự tổn thương và làm cho những người khác khổ đau, có lẽ ít nhất làm cho người ta phải dừng lại để quán sát phía đen tối của bản chất loài người.”

Với một cái gật đầu nghiêm nghị ngài đáp lời một cách chậm rãi, “Vâng, khi chúng ta đối diện với những những nổi kinh hoàng như sự Diệt Chủng Người Do Thái, nó có thể làm giao động niềm tin của chúng ta đối với chính loài người.  Ông biết không, tôi sẽ không bao giờ quên lần viếng thăm đầu tiên của tôi đến Auschwitz[2].  Có vài thứ mà tôi thấy ở đấy đã gây ấn tượng cho tôi rất mạnh, và một trong những thứ ấy là một sự thu góp khổng lồ về giày.  Giày của những nạn nhân.  Và điều đã làm cho tôi chú ý với một sự khiếp đảm hoàn toàn và đau buồn sâu sắc khi tôi thấy nhiều đôi giày nhỏ bé, những đôi giày của con nít!  Tôi cảm nhận một cách mạnh mẽ về những thiếu niên vô tội này.  Chúng thậm chí không biết những gì đang xảy ra.  Tôi thật sự cảm thấy, “Ai có thể làm một việc kinh khủng như vậy?”  Và tôi đã cầu nguyện ở đấy.”

Những từ  ngữ sau cùng này được nói một cách mềm dịu, và những lời của ngài đi vào im lặng, nhưng lời tuyên bố u buồn của ngài làm tôi phải chờ đợi một lúc trước khi tiếp tục.  Đức Đạt Lai Lạt Ma không tin tường khái niệm tuyệt đối xấu ác.  Ngài dường như không có sự ép buộc để cô lập Hitler và những tay chân ác độc của ông ta như nguyên nhân duy nhất của vụ Tàn Sát Người Do Thái (Holocaust), để hướng toàn lực nổi sân hận và ý thức của ngài trong việc làm tổn thương họ.  Tuy nhiên, khi nói về những trải nghiệm như cuộc viếng thăm Auschwitz, người ta có thể thấy trong âm điệu giọng  nói và thái độ của ngài bị tác động sâu sắc như thế nào và người ta không cảm thấy vắng bóng một sự tổn thương đạo đức.  Điều này không phải là vấn đề ngài quên lãng nổi kinh khiếp của những thảm họa như vậy, cũng không phải ngài không cảnh giác về những thứ xấu ác mà con người có thể thực hiện đối với nhau.  Tuy vậy, với sự tỉnh thức trọn vẹn trong khả năng của con người đối với sự xấu ác, niềm tin của ngài trong nền tảng tốt đẹp của con người vẫn không lay chuyển.

Tiếp tục cuộc đàm luận của chúng tôi, tôi nói, “Thưa Đức Thánh Thiện, tôi cho rằng vấn đề của tôi là bất cứ khi nào người ta quan tâm đến vụ Tàn Sát Người Do Thái, hay những sự kiện tương tự như vậy trên một mức độ nhỏ hơn, dường như không chỉ là một sự thừa  nhận rằng có sự xấu ác trên thế gian, nhưng dường như để thử thách quan điểm nhân ái tự nhiên của loài người.”

“Vả chăng,” ngài nói, “tôi nghĩ, sẽ là một sai lầm để nhìn vào những sự kiện như vậy và kết luận rằng những thứ này đại biểu cho bản chất tự nhiên của loài người, giống như không biết làm sao chúng ta bị bắt buộc phải hành động như thế đó.  Chúng ta phải nhớ rằng những hoàn cảnh loại này không phải là tiêu chuẩn, không đại diện cho đời sống bình thường hằng ngày của chúng ta.  Thí dụ, trong đạo đức nhà Phật, chúng tôi có một danh sách của những gì chúng tôi gọi là “các tội ác ghê gớm[3]” .  Những điều này bao gồm việc giết hại cha và mẹ của mình, tạo sự bất  hòa trong cộng đồng, v.v…  Nhưng không phải chỉ vì những thứ này hiện hữu thì có nghĩa là con người không thể tiếp nhận một lối sống đạo đức.”

“Vâng, điều ấy có thể đúng, nhưng…”

“Howard,” ngài tiếp tục, “tôi nghĩ chúng ta nên nhớ rằng những gì chúng ta đang đề xuất là một kiểu thái độ được đặt nền tảng trên nhận thức về sự tốt đẹp căn bản tự nhiên của con  người.  Và với sự tỉnh thức trọn vẹn đó, tiếp nhận cẩn trọng một lối sống để biểu lộ điều này.  Đấy là mục tiêu của chúng ta, ý định của chúng ta.  Đó là tại sao chúng ta đang cố gắng để rèn luyện, giáo hóa  nhân loại.  Chúng ta đang cố gắng để thúc đẩy ý tưởng rằng căn bản tự nhiên của con người là tích cực, nên đó là khả năng để khuyến khích ý thức cộng đồng của chúng ta, ý thức quan tâm của chúng ta.  Và đây không phải là một vấn đề tôn giáo tín ngưỡng.   Điều này cũng không chỉ đơn giản là vấn đề triết lý.  Đó là tương lai của chúng ta…”

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, có một loại từ bi vô biên trong giọng nói của ngài, giống như ngài thấy với sự trong sáng hoàn toàn và một nổi buồn mênh mông với nổi khổ đau vô hạn của con người giáng xuống cho nhau như một kết quả của vô minh – u mê về bản chất chân thật của chính chúng ta, một sự si ám che mờ cái thấy của chúng ta, chướng ngại sự thấu hiểu về bản chất thánh thiện và khả năng rộng lớn cho ân cần tử tế của chúng ta, làm cho chúng ta sống trong bóng tối và .   hãi, với nghi ngờ và thù hận với nhau.

Cùng một lúc, lòng từ bi của Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như không bao giờ ủy mị hay triết lý.  Trong thực tế, dường như nó tương đồng với tính chất của cương quyết, một quyết tâm sâu sắc để giáo hóa con người trong khả năng tuyệt hảo nhất của ngài, để giúp con người thấy chính họ là ai và những gì họ thật sự là, để thấy họ như ngài thấy họ, như thánh thiện và tử tế từ bản chất.  Bây  giờ, một lần nữa, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến tóm tắt lại một số tranh luận then chốt như ngài đã làm những năm trước đây, trình bày những biện luận cẩn thận, hợp lý ủng hộ cho quan điểm của ngài về bản chất tự nhiên của con người, căn cứ không chỉ trên luận điểm Phật Tính[4] của Đạo Phật, nhưng chính yếu trên sinh học.   Đầu tiên, ngài đã chỉ đến những lợi ích của sức khỏe thân thể và cảm xúc phát xuất từ bi mẫn và ân cần cũng như nhiều ảnh hưởng tàn phá của sự thù địch và gây hấn, đem lại như chứng tim mạch – sau đó ngài trở lại với lý do và ý nghĩa thông thường, và hỏi:  “Bản chất tự nhiên” nào là thích hợp hơn cho tâm thức và thân thể của con người, để tô điểm cho cuộc sống loài người – hung bạo hay hiền lành?

Tôi chú ý rằng ngài đã thêm vào những thí dụ phức tạp hơn và đưa ra những kiến thức sâu rộng hơn từ một quan điểm khoa học hơn so với những cuộc đàm luận đầu tiên về đề tài này những năm trước, bây giờ bao gồm những tranh luận như, “Theo y khoa, một trong những nhân tố quan yếu cho việc mở rộng não bộ vật lý trải qua vài tuần ngay sau khi sinh là một sự tiếp xúc thân thể giản dị bởi bà mẹ, hay một người nuôi nấng nào đấy.”  Mặc dù bản chất hợp lý của luận điểm, nhưng cung cách của ngài vượt xa một nhà nhân chủng học phân tích hay một nhà sinh học lạnh lùng và vô cảm; trong thực tế, ngài nói với một lòng nồng nàn và quan tâm ấm áp, giống như sự sống bị đe dọa ngay tại giờ phút này.

Mặc dù quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất con người là sâu sắc và lạc quan, nhưng nó không phải là một loại lạc quan mù quáng, và vì vậy  luôn luôn như thế, ngài làm dịu quan điểm của ngài với ý nghĩa và lý trí thông thường, ngài kết luận, “Dĩ nhiên, căn bản thánh thiện của con người không loại trừ rằng sẽ có những hành vi tàn phá như chúng ta đã thấy vào ngày 9/11.  Chúng ta không tiên liệu rằng mỗi con người sẽ sống phù hợp với những nguyên tắc phản chiếu bản chất tự nhiên của loài người.   Rốt cuộc, tất cả những vị thầy tâm linh đã thất bại trong việc biến toàn bộ nhân loại thành điều gì đấy thánh thiện.  Đức Phật thất bại, Chúa Giê-su thất bại.  Nhưng sau đó sẽ đi đến nói rằng vì tất cả những bậc thầy vĩ đại của quá khứ đã thất bại, nên chúng ta cũng phải thất bại, à thế thì, tại sao phải bận lòng?  Sự tiếp cận thế đó cũng là ngớ ngẫn.  Chúng ta phải làm những gì chúng ta có thể làm.”

Đánh Giá Lại Bản Chất Tự Nhiên của Chúng Ta

Qua vài thập niên gần đây, dường như có một cuộc cách mạng đang diễn ra trong cộng đồng khoa học trong việc khảo sát  đề tài trường tồn của bản chất con người:  Có phải bản chất con người chủ yếu là gây hấn và bạo động, hay tử tế và hiền lành?  Trong vài thế kỷ qua, đúng hơn là một quan điểm đen tối, bi quan về bản chất con người – như gây hấn, ích kỷ, và địa phương một cách bẩm sinh – đã bén rể một cách sâu rộng trong văn hóa Tây phương, được gieo rắc bời một loạt những nhà tư tưởng, từ các triết gia như Thomas Hobbes và George Santayana đến những nhà phong tục học như Robert Ardrey và Konrad Lorenze.  Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một con số lớn mạnh theo cấp số nhân của những nhà khoa học chủ đạo đã từ bỏ nhận thức bi quan về bản chất con người.  Hình ảnh từ phía đối kháng của một quan điểm truyền thống cứng nhắc hơn về bản chất con người như gây hấn và bạo động, là quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất con người – một trong những điều ấy được đặc trưng một cách nổi bật bởi những thể trạng tích cực của tử tế, ân cần, từ bi, thậm chí hiền lành.

Sự thay đổi lập trường phát triển đối với quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa hầu hết những nhà tư tưởng và nghiên cứu một nơi nào đó ở giữa hai thái cực này:  Càng ngày càng nhiều người đi đến kết luận rằng trong khi chúng ta có bộ máy thần kinh cho chúng ta khả năng để hành động một cách bạo động, thì không có thứ gì trong sinh học thần kinh hay bản chất tự nhiên của con người thúc ép chúng ta làm như thế.  Như một kết quả, đại đa số nghiên cứu khoa học những năm gần đây, ngày càng nhiều chứng cứ đã và đang thu thập, bàn cải về bản chất bẩm sinh bạo động của con người và khuyến nghị rằng trong khi chúng ta có thể có khả năng cho việc biểu lộ những nét tích cực hay tiêu cực, thì một điều căn yếu được biểu lộ qua thái độ của chúng ta – cho dù chúng ta hành động thân ái hay bạo động – tùy thuộc phần lớn trong việc rèn luyện, điều kiện tác động, và những tình huống hoàn cảnh của chúng ta.

Dĩ nhiên, trong khi nhiều người đang di chuyển gần hơn với quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất loài người, thì vấn đề vượt khỏi những tư tưởng trong những nhà khoa học hiện đại, và trong quan điểm công cộng về  bản chất hung hăng của loài người vẫn tiếp tục bám chặc một cách sâu đậm.  Vậy thì, sự thật là thế nào?

Trong trường hợp này, năng động tìm kiếm sự thật về bản chất loài người có thể khơi dậy một bức tranh ảm đảm, có lẽ hầu  như vô vọng.  Những sự kiện là khó khăn để tranh cải:  Chỉ trong thế kỷ trước mà thôi, hai cuộc thế chiến mà gần như cả hành tinh đều liên hệ; trong nửa đầu thế kỷ, vụ Diệt Chủng Người Do Thái (Holocaust); vào cuối thế kỷ những sự kiện như sự diệt chủng ở Rwanda.[5]  Rõ ràng chúng ta đã học quá ít.  Và bạo động đến trong nhiều hình thức, không chỉ là tai họa của chiến tranh.  Bạo động gia đình là loại đơn độc thông thường  nhất làm tổn thương phụ  nữ.  Hàng triệu người ở khắp thế giới là nạn nhân của hãm hiếp, ám sát, và hành hung.  Những tội ác như thế lan truyền như bệnh dịch trong nhiều quốc gia, đặc biệt ở Hoa Kỳ.  Chỉ trong vòng hai mươi năm sau Thế Chiến thứ I, “Cuộc Chiến để Chấm Dứt tất cả Những Cuộc Chiến”, hành tinh chúng ta lại một lần nữa lao vào một cuộc chiến toàn cầu.  Số người bị chết trong Thế Chiến thứ II: bảy mươi hai triệu người, binh sĩ và thường dân.

Sau cuộc thất bại cuối cùng của sức mạnh Phe Trục[6], đã có một tâm linh lạc quan chân thành.   Thế giới đã có một cơ hội để bắt đầu một lần nữa, một cơ hội để giải quyết những cuộc tranh chấp qua những khối liên minh và những tổ chức như Liên Hiệp Quốc.  Đó là hy vọng.  Nhưng thực tế?  Năm mươi năm sau Thế Chiến thứ II, một nghiên cứu công bố trên trang mạng của NATO[7] báo cáo rằng trong khoảng năm mươi năm ấy, đã có 150 vụ xung đột quân sự, với khoảng 25 đến 30 triệu người chết, chưa kể những cái chết qua nạn đói hay dịch bệnh hay những ảnh hưởng gián tiếp của những cuộc xung đột.  Và có bao nhiêu ngày không có chiến tranh trong thời gian năm mươi năm ấy?  Bao nhiêu ngày có hòa bình trên trái đất?  HAI MƯƠI SÁU NGÀY!!!

Với những “sự thật” như thế này, không phải là bắt buộc cốt yếu để kết luận rằng bản chất của loài người  là hung hăng một cách nền tảng chứ?

May mắn thay câu trả lời cho điều đó là, Không!

Nếu chúng ta theo dõi đề nghị thông thường của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến sự khảo sát một cách thận trọng thái độ con người từ một quan điểm rộng rãi hơn và bao hàm toàn diện, nhìn vào tác động lẫn nhau của những sự kiện có thể góp phần cho bất cứ hoàn cảnh nào đấy, và thẩm tra tỉ lệ của thái độ hung hăng, bạo động của chủng loại chúng ta, từ một nhận thức lâu dài, một chiều hướng rất khác biệt của những sự kiện nổi bật, trình bày một bức tranh hoàn toàn khác biệt của nhân loại.  Theo những nhà nghiên cứu, trong thời kỳ của những xã hội săn bắt – hái lượm, 30 phần trăm dân số nam giới  bị chết  bởi những biện pháp bạo động, vì bàn tay của những người khác.  Số phần trăm ra sao trong thế kỷ hai mươi đẫm máu, thậm chí với những cuộc chiến, các vụ diệt chủng, những vụ xung đột liên tục?  Ít hơn một phần trăm!  Và khi thể kỷ mới và thiên niên kỷ mới ló dạng, tỉ lệ này tiếp tục sụt giảm một cách đáng kể.  Trong việc tìm kiếm cho một chứng cứ bổ sung của khuynh hướng này.  Nhà tâm lý và tác giả của Đại học Harvard, Steven Pinker, đã lưu ý rằng thậm chí trong những khu vực tệ hại nhất tỉ lệ giết chóc ngày nay là thấp hơn hai mươi lần so với những xã hội bản địa.

Trải qua những thiên niên kỷ, luôn luôn có sự lên, xuống và chu kỳ trong tỉ lệ của sự hung hăng và bạo động của con người; nhưng phương hướng rõ ràng một cách chắc chắn:  khuynh hướng đối với bạo động và giết chóc giảm thiểu một cách chậm chạp, để ngỏ cho hy vọng chân thành mà sau cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể hiệu chỉnh về bản chất con người.

Chúng ta không cần so sánh hạnh kiểm của những người sống trong xã hội hiện đại ở phương Tây với những tổ tiên tiền sử của chúng ta nhằm để tìm ra những thống kê có sức thuyết phục cho thấy ưu thế thân ái đối với sự hung bạo của loài người.  Thí dụ, trong năm 2004, một cuộc thăm dò rộng rãi được Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Ý Tưởng tiến hành đã thấy rằng nhưng người Mỹ trưởng thành thực hiện trung bình 109 hành động vị tha một năm.  Nhân con số này với dân số trưởng thành vào thời điểm tiết lộ  rằng đã có 23.980.000.000 hành vi vị tha được thực hiện ở Hoa Kỳ năm ấy!  Cùng năm ấy, cơ quan FBI[8] báo cáo phỏng đoán có 1.376.009 hành động tội phạm đủ loại, toàn quốc.  Thực hiện một chút tính toán biểu lộ một thống kê lạc quan:  Đối với mỗi hành vi bạo động ở Hoa Kỳ năm ấy, thì có khoảng 17.540 (mười bảy nghìn năm trăm bốn mươi) hành động vị tha!

So sánh thống kê tuyệt vời tích cực này với quan điểm vị kỷ và hung hăng của bản chất con người được thúc đẩy một cách rộng rãi trong xã hội chúng ta, thật không ngạc nhiên chút nào rằng hầu hết  mọi người chúng ta có một quan kiến thiên lệch thế nào ấy về bản chất con  người.  Thí dụ, theo FBI, từ 1990 đến 1998, tỉ lệ giết người toàn quốc Hoa Kỳ giảm 32,9 phần trăm.  Cùng thời gian ấy, hành động giết người trên các mạng lưới truyền thông tăng 473 phần trăm!  Điều  này không phải tình cờ.  Theo một quan điểm tiến hóa, có những lý do tại sao chúng ta thích thú trong việc xem những hành vi bạo động trên truyền hình nhiều hơn những hành động thân ái ân cần hằng ngày.  Chúng tôi đã để cập phía trước rằng não bộ của chúng ta chuyển động để kiểm tra cẩn thận môi trường của chúng ta về những hiểm họa hay đe dọa đến sự sống còn của chúng ta, cho phép chúng ta với những gì mà một số  người gọi là những thay đổi bất ngờ hay thảm họa của não bộ, những điều khiến nó nắm bắt tuyệt vời những thứ sai lạc trong môi trường – nhưng quá lõng lẻo trong việc lưu ý khi mọi việc diễn tiến đúng đắn.  Với sự chú  ý và thích thú của chúng ta bị lôi cuốn đến những hành vi bạo động hơn là những hành vi tốt đẹp, những tin tức trên mạng lưới truyền thông không hứa hẹn sẽ đột nhiên áp dụng một chính sách chương trình mới, miêu tả bản chất con người một cách chính xác, bằng việc phổ biến 17.540 câu chuyện vị tha cho mỗi câu chuyện bạo động.

Tùy thuộc chúng ta thực hiện một nổ lực đặc biệt, khảo sát và quán chiếu một cách năng động thế giới chúng ta, tìm kiếm những chứng cứ về lòng ân cần của con người và phía tích cực của loài người.  Một trong những mãng năng lực và thúc ép nhất của chứng cứ là một sự nghiên cứu làm sửng sốt nổi lên trong hậu quả của Thế Chiến Thứ II.  Một hình thái làm choáng váng của bảy mươi hai triệu người bị giết trong cuộc chiến ấy là kết quả của nhiều phương pháp giết người: bom rơi trên trời xuống, ngư lôi dưới nước, mìn trên đất, những trại tàn sát, và những phản ảnh của chiến tranh như nạn đói.  Nhưng trong tất cả những phương pháp giết người này, có lẽ chỉ dẫn gần nhất về sự hung hăng bẩm sinh của con người là sự sốt sắng của những cá nhân chiến binh trên mặt trận để giết những đồng loại, binh sĩ thù địch.  Ở đây là một trong vài thí dụ về sự giết  hại được sự phê chuẩn hợp pháp, nơi mà thái độ bạo động thù địch không chỉ là dung túng, thậm chí là khuyến khích, dưới những điều kiện dự kiến để miễn trách cho binh sĩ khỏi tội lỗi – và trên tất cả, trong nhiều trường hợp là sự sống còn của chiến binh đang lâm nguy.

Sau Thế Chiến Thứ II, Sử gia quân đội Hoa Kỳ, Chuẩn Tướng S.L.A. Marshall đã điều khiển một cuộc nghiên cứu có ảnh hưởng sâu xa.  Lần đầu tiên trong lịch sử, ông đã khảo sát một cách có hệ thống tỉ lệ bắn súng của binh sĩ ở chiến trận.  Những kết quả không phải là điều gì đấy có ấn tượng ngắn hạn.  Ông thấy rằng chỉ có mười lăm đến  hai mươi phần trăm binh sĩ muốn nổ súng của họ vào kẻ thù trong trận địa!  Đặc trưng này xác nhận và tái xác nhận, với những kết quả phù hợp nhất quán.  Điều này không phải qua những hành vi hèn nhát, khi những chiến binh hiện diện tại chiến địa và thường muốn liều mạng sống của họ để cứu những người khác.  Không phải thiếu sự dũng cảm.  Đấy là hoang mang.  Sau sự khảo sát rộng rãi hiện tượng này, kết luận rõ ràng: Loài người đơn giản có bẩm tính không thích thú đối với việc giết hại người khác, ngay cả khi ở dưới sự đe dọa cho chính họ.  Buồn thay, sự khám phá này đưa quân đội nhìn vào các cung cách để quy định những chiến sĩ giết hại kẻ thù, và tỉ lệ nổ súng trong cuộc chiến Đại Hàn và Việt Nam leo thang một cách nhanh chóng.  Nhưng những khám phá ban đầu có giá trị như một chứng cứ cho quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về một loài người nhân từ, nơi mà sự ân cần thắng thế đối với giết hại, và hiền lương chiếm ưu thế so với hung hăng.

Trong việc tìm kiếm sự thật về bản chất loài người, có thể đáng để nhìn vào những quan điểm của một cá nhân, người mà dư luận rộng rãi xem như là một nhân vật duy nhất có ảnh hưởng nhất trong việc quyết định nhận thức hiện đại về bản chất loài người, ít ra trong ấn tượng phổ quát:  Charles Darwin, những lý thuyết của ông về tiến  hóa, chọn lọc thiên nhiên, và “sự tồn tại thích hợp nhất” (đấu tranh sinh tồn)  đã cách mạng hóa vấn đề chúng ta nghĩ về chính mình như thế nào.  Nhiều người trong xã hội ngày nay chỉ có những thấu hiểu mơ hồ về những quan niệm của Darwin.  Khái niệm về sự chọn lọc tự nhiên và sự tồn tại thích hợp nhất đã đưa nhiều người củng cố một ý thức rằng những năng lực tiến hóa được chọn lọc một cách tự nhiên những con người hung hăng, mạnh mẽ, địa phương, bạo động, vì đây là những đặc trưng có thể cho phép người ta chiến đấu vì những tài nguyên khan hiếm và tồn tại để trao truyền lại những gene của họ.

Khái niệm này là vượt xa sự thật.  Trong tác phẩm viết về con người và sự tiến hóa trong Nguồn Gốc Loài Người, Darwin nói rằng tình cảm mạnh mẽ nhất của chúng ta, những cống hiến chính cốt lõi bản chất của con người, kể cả những năng khiếu xã  hội, lòng trắc ẩn, ân cần đối với người khác, và hoan hỉ với lợi ích của người khác, là giống với những đặc trưng nền tảng được tranh luận bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma!  Quan điểm của Charles Darwin về bản chất của con người đến từ những nghiên cứu cẩn thận của ông về những chủng loại khác, những quán sát phong phú và chi tiết của ông về con  người, và ngay cả nghiên cứu về mười đứa con của ông ta.  Trong những năm gần đây, những những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư tưởng tiến hóa đang trở lại một số những điều quan sát ban đầu của Darwin, và thực hiện một cái nhìn mới mẻ vào những đặc trưng nào đấy của con người, chẳng hạn như tầm quan trọng lớn lao của việc ân cần liên  hệ trong vấn đề nuôi dưỡng con cháu.  Như một kết quả, những nhà khoa học này đang làm mới quan điểm của họ về bản chất con người để trở nên song hành gần gũi nhiều hơn với quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Có lẽ, có thể là vào cuối ngày, một quan điểm về bản chất con người của một cá nhân nào đấy không phải tích cực cũng không tiêu cực có thể là một vấn đề chọn lựa – tùy thuộc trên hoặc là người ấy chọn để tập trung trên lịch sử loài người của chúng ta bạo động và thù địch, hay tập trung trên chứng cứ của lòng tử tế và nhân từ của con người.  Sự lựa chọn này không đơn giản như một bài tập không thực tế, một vấn đề triết lý; mà nó có tầm quan trọng thiết yếu, với những liên can và tác động sâu xa trên cả những cấp độ cá nhân và xã hội.  Trên cấp độ xã hội, thí dụ, vấn đề bản chất con người tiếp cận ngay chính trung tâm sự thảo luận trước đây  về ý nghĩa của cộng đồng, săn sóc, và quan tâm cho người khác – sự tin tưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong khả năng của việc hình thành và chứng minh những mối ràng buộc đầy đủ ý nghĩa giữa cá nhân với nhau và những mối quan hệ xã hội là căn cứ trên niềm tin của ngài rằng bản chất con người là tích cực một cách nền tảng.

Nhận thức của chúng ta về bản chất con người cũng có những liên hệ quan trọng và những ảnh hưởng sâu sắc một cách bình đẳng trên cấp độ cá nhân.  Căn bản, mục tiêu của chúng ta là để tìm ra hạnh phúc trong thế giới phiền toái của chúng ta.  Và có những chứng cứ bắt buộc cho thấy chúng ta nhận thức thế giới chung quanh có thể tác động đến hạnh phúc của chúng ta như thế nào.  Một cuộc nghiên cứu rộng rãi hơn mười một nghìn người Mỹ dưới sự điều khiển của giáo sư xã hội học Abbott Ferris tại Đại học Emory thừa nhận những gì mà chúng ta có thể phỏng đoán một cách trực giác: Nhận thức về thế giới chúng ta, và bằng việc mở rộng bản chất con người, không phải tốt cũng không phải xấu có thể tác động trực tiếp đến những mức độ hạnh phúc của chúng ta.  Ferris thấy rằng những người có khuynh hướng nhận thức xấu xa nhiều hơn trong thế giới thì ít hạnh phúc một cách nổi bật hơn những ai thấy thế giới, và loài người căn bản vốn là tốt lành.

Trong việc nối kết những liên hệ sâu xa này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích, “Những sự khác biệt trong cái nhìn của một người về bản chất nhân loại có thể muốn nói lên sự khác biệt giữa sự sống trong một thế giới đầy dẫy những con người được nhận định như thù địch, bạo động và nguy hiểm, hay như một cách chủ yếu là ân cần, hổ trợ, và hiền lành.  Một sự tỉnh thức sâu sắc về bản chất tốt đẹp của loài người có thể cho chúng ta lòng can đảm và hy vọng.  Trên cấp độ cá nhân cũng thế, một cái nhìn về bản chất loài người có thể giúp thúc đẩy một cảm nhận to lớn hơn về cát tường và mối liên hệ với những người khác.

“Ngay cả những sự kiện khách quan, lịch sử và khoa học, không hổ trợ bất cứ quan điểm nào một cách quyết định nó vẫn do sự quan tâm tuyệt hảo nhất của chúng ta để nắm lấy một quan điểm tích cực hơn về bản chất của loài người.  Rốt cuộc, những con người chúng ta có một khuynh hướng để làm thành hiện thực những gì chúng ta chọn lựa để tin tưởng, một phần nào trong thái độ của một đáp ứng tự tiên liệu.”


[1] Nghệ thuật tạo hạnh phúc (New York, Riverhead Bookds, 1998), quyển sách đã được Tỳ kheo Tâm Quang dịch ,chùa Tam Bảo Fresno ấn hành, có đăng trong Thư Viện Hoa Sen.

[2] Môt thành phố kỷ nghệ ở miền Nam Ba Lan, Đức Quốc xã đã dựng một trại tập trung ở đấy trong Thế Chiến Thứ Hai, tên Ba Lan là Oświȩcim.

[3] Ngũ nghịch tội: năm ngũ nghịch đại tội, tức là giết cha, giết mẹ, giết A-La-Hán, làm thân Phật chảy máu và chia rẻ Tăng

[4]  Trong triết lý Phật Giáo, Phật Tính liên hệ đến bản chất tự nhiên nền tảng căn bản, vi tế nhất của tâm.  Thể trạng này của tâm hiện hữu trong mỗi chúng sinh, mỗi con người, hoàn toàn không bị nhiễm ô bởi những cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực.  Phật Tính, đôi khi gọi là “Linh Quang nguyên sơ của tâm”,  là điều ban cho mỗi chúng sinh khả năng để giác ngộ.

[5] Và vụ diệt chủng của Campuchia Dân Chủ do tập đoàn Ponpot chủ trương từ 1975-1979.

[6] Phe phát xít Ý,

[7] Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

[8] Cục Điều tra Liên bang (Tên gốc: Federal Bureau of Investigation) (FBI) cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực hiện điều tra tội phạm ở cấp độ liên bang và tình báo nội địa. FBI có quyền hạn điều tra về các vi phạm trong hơn 200 danh mục về tội ác liên bang.[1] Khẩu hiệu của Cục là ‘’Trung thành, Quả cảm, Liêm chính’’.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/09/2020(Xem: 11228)
Ngũ uẩn vô ngã là tập tài liệu giáo khoa do Hòa thượng Thích Thiện Siêu, phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trương ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởương Học viện
18/09/2020(Xem: 7664)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm tình:''Lắng nghe để Hiểu, nhìn lại để Thương'', vào ngày hôm qua thứ năm (17 Sept 2020) chúng con, chúng tôi đã tiếp tục lên đường cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo xứ Phật trong khi mùa dịch còn dai dẳng.. Buổi phát chẩn đã thực hiện cho 278 hộ tại 2 ngôi làng nghèo tên là Mauriya & Santi Anus Village cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 34 cây số. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
18/09/2020(Xem: 6200)
Charles “Chuck” Feeney, đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS), là nhà hảo tâm lớn nhất và ẩn dật nhất thế giới, theo Observer. Cho đi mọi cái mình có Không như Elon Musks hay Mark Zuckerberg – hai tỷ phú công nghệ cam kết sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản trước khi qua đời, Feeney nổi tiếng với lời hứa cho đi mọi số tiền mình có và sẽ chết như một người đàn ông không có đồng xu nào dính túi.
18/09/2020(Xem: 7085)
Trong thời gian qua có đôi lần, thiền sinh yêu cầu chúng tôi giải thích cụm từ “Tam Tự Quy Y Là Gì? ”. Nay thuận duyên chúng tôi gửi đến các bạn bài viết về đề tài quy y nầy. Muốn hiểu ý nghĩa của “Tam Tự Quy Y ” trước hết chúng ta cần biết rõ “Tam Quy Y ” là gì? I. “TAM QUY Y” HAY “QUY Y TAM BẢO” LÀ GÌ? Quy nghĩa là “quay về, trở về” hay “hồi chuyển (tâm ý)”. Y là “nương tựa”. Quy Y cũng có nghĩa là “Kính vâng” hay “Phục tùng”. Tam là chỉ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. “Tam Quy Y ” hay “Quy Y Tam bảo” nghĩa là quy kính, nương tựa nơi ba ngôi quý báu đó là Phật, Pháp và Tăng.
18/09/2020(Xem: 6212)
Lửa. Lửa lại bùng cháy trên những cánh rừng bạt ngàn miền tây. Khói cuồn cuộn, lan xa hàng nghìn dặm, kéo qua tận miền đông. Tro bụi mịt mù, bao phủ hết bầu trời, làm cho nền trời lúc giữa trưa mà ửng lên màu vàng cam, có khi đỏ ối như ráng chiều hoàng hôn. Hai vầng nhật nguyệt dường như bị che khuất suốt những ngày cuối hạ. Tro tàn theo gió cuốn đi thật xa, rời bỏ núi rừng, rồi rơi lả tả trên những cánh đồng, sông suối, cỏ cây, nhà cửa, xe cộ... khắp các vùng. Không khí như bị đặc quánh lại với mùi khét lẹt của khói. Lệnh giãn cách xã hội và mang khẩu trang chưa được cởi mở hoàn toàn, lại càng cần thiết hơn trong lúc này, khi con người mong tìm nơi trú ẩn an toàn để thở được không khí trong lành.
16/09/2020(Xem: 6340)
Ni Sư Thích Nữ Diệu Hiếu, là vị Tiến Sĩ đầu tiên tốt nghiệp Thiền Vipassana tại Myanmar vào năm 2016. Đầu năm 2017 Ni Sư về Việt Nam, là giảng viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM đến nay. Hội đủ duyên lành, được quý Phật tử phát tâm cúng dường mảnh đất cách Học Viện Phật Giáo VN tại TP. HCM 3km. (Thuộc Xã Lê Minh Xuân - Huyện Bình Chánh - TP. HCM). Với tâm nguyện hoằng Pháp lợi sanh, Ni Sư muốn xây dựng Thiền Viện để có chỗ Ni Sư cùng 10 vị đệ tử an tâm tu học. Là nơi thực tập Pháp hành cho quý Tăng Ni sinh tại Học Viện Phật Giáo VN. Và là Thiền Viện nơi chúng sanh thập phương về tu học và thực hành lời dạy của Đức Phật.
16/09/2020(Xem: 8153)
Hiệp Hội Tương Trợ Người Đông Dương Springvale (SICMAA) được sự tài trợ của chính phủ tiểu bang Victoria có chương trình đặc biệt để trợ giúp quý vị gặp khó khăn trong giai đoạn COVID-19. Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm: - Cung cấp các thông tin về COVID-19 - Giúp đỡ các gia đình neo đơn, thăm hỏi, cung cấp các thông tin cũng như hướng dẫn để kết nối các dịch vụ hỗ trợ bao gồm “Gói cứu trợ khẩn cấp” dành cho những trường hợp đặc biệt, giúp đỡ khi bị bạo hành trong gia đình, dịch vụ gia cư, và sức khỏe v.v… - Điền đơn xin các hỗ trợ từ chính phủ, Dịch vụ tìm việc, Centrelink, hỗ trợ tiền điện
15/09/2020(Xem: 12933)
Tranh Minh Họa Kinh Phổ Môn Nghĩa Kinh Dịch: HT. Thích Trí Tịnh Tranh minh họa: Sư Cô Thích Nữ Huyền Linh
15/09/2020(Xem: 6555)
Vào một ngày sinh nhật của tuổi thu đông nào đó trong không gian vắng lặng của những tuần lễ phong tỏa , cô đơn không một bóng thân nhân nghe hạnh phúc đùi hiu và tự bao giờ lệ đã thấm môi ... Thì bạn ơi xin mời bạn hãy nghe một bài hát của Trịnh công Sơn “ Ru Ta Ngậm Ngùi “ hoặc có thể ngâm một bài thơ vừa nghĩ được hầu tự tặng cho mình như an ủi cho những ngày được hạnh phúc làm người ...
15/09/2020(Xem: 6149)
"Phi thời": không hợp thời. Trong thực tế, có trường hợp người thiện gặp ác báo, và ngược lại người ác lại gặp thiện báo - điều nầy làm cho một số người sanh ra nghi ngờ sự công bình của luật nhơn quả. Thật ra, họ phải hiểu rằng luật nhơn quả hoạt động xuyên qua nhiều kiếp người, nên đôi khi thấy có vẻ nghịch lý. Đó là vì việc thiện đời nầy có khi không đủ để bù trừ việc ác trong quá khứ, nên quả ác vẫn tới, nhưng nhẹ hơn - ngược lại việc ác đời nầy không đủ để triệt tiêu việc lành trong quá khứ nên quả thiện vẫn hiện ra, tuy bị suy giảm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]