Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền và Thở

07/10/201506:30(Xem: 9653)
Thiền và Thở
Buddha_14

Thiền và Thở

BS. Đỗ Hồng Ngọc


Câu hỏi đặt ra là vì sao bệnh viện mở ra ngày càng nhiều mà lúc nào cũng “quá tải”? Vì sao con người bây giờ tiện nghi dồi dào mà đau ốm triền miên? Vì sao bệnh nhiễm gia tăng và bệnh do hành vi lối sống ngày một phát triển trong khi khoa học y học tiến như vũ bão? Rõ ràng sức khỏe không phải là chuyện của y tế. Sức khỏe là chuyện của mỗi người, của mọi người. Đời sống càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng được thõa mãn thì con người càng xa lạ với tự nhiên, với chính mình. Stress chính là nguyên nhân của 60-90% bệnh lý đưa người ta đến bác sĩ. Mà bác sĩ thì chỉ chữa được cái đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh, chứ không chữa được cái hoạn.

Thiền có thể góp phần giải quyết căn cơ. Nhưng thiền là gì? Cách nào? Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, một nhà minh triết – Đức Phật- bảo đừng vội tin, cứ đến nếm thử đi rồi biết. Đến và nếm thử. Đến là thực hành. Làm đi, đừng nói nữa. Đừng “hí luận” nữa. Nếm thử là cảm nhận. Phải tự mình cảm nhận, tự mình thể nghiệm để cảm nhận, không thể nhờ ai khác.
Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất: Đó là Thở. Và là Thở bụng. Ô hay, thở phải bằng ngực chứ, phổi nằm ở ngực kia mà? Phổi nằm ở ngực, nhưng thở nằm ở… bụng. Cứ nhìn một em bé đang ngủ say mà xem! Cứ nhìn một người bình thường đang ngủ yên mà xem! Chỉ có cái bụng là phình lên xẹp xuống, còn cái ngực thì… im re. Thật vậy, khi cái ngực mà khò khè, cò cử thì đã bị bệnh rồi. Nói khác đi, cách thở sinh lý, thở thiên nhiên, thở bình thường nhất chính là thở bụng. Người khỏe thì luôn thở bụng nên thở bụng làm cho ta khỏe. “Bí quyết” nằm ở chỗ đơn giản nhất đó. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền… đều bắt đầu bằng tập thở bụng. Tại sao phải tập? Bởi không biết tự lúc nào con người lại xa rời cái nguồn gốc tự nhiên của mình, bày ra thở ngực, cũng như thay vì ăn những thức ăn lành mạnh sẵn có trong thiên nhiên thì bày đặt chế biến đủ kiểu cho nó hư đi! Do vậy, thở phải được rèn tập trở lại. Về sinh lý, cơ hô hấp chính của ta là cơ hoành, cơ vắt ngang giữa bụng và ngực chớ không phải cơ gian sườn hay cơ cổ. Khi các cơ gian sườn, cơ cổ mà ráng sức phì phò thì đã bệnh rồi!
Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm ( Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là THỞ. Kinh viết “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn…”. Tóm lại, là luôn quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Nhưng khi đọc câu “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây nhầm lẫn, bởi ai mà chả biết thở cơ chứ! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận được (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra kia kìa. Đó mới là điều cốt lõi! Nhận thức, ý thức, cảm nhận, ấy chính là niệm (nhớ), là quán ( quan sát, suy tưởng) về sự thở, về hơi thở. Nhờ đó mà một mặt, ta giải thoát tâm ta khỏi những vướng mắc lăng xăng, một mặt ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống và từ đó, buông bỏ bao nỗi lo toan, sợ hãi của kiếp nhân sinh để có cuộc sống có sức khỏe và hạnh phúc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Quán sát hơi thở thì có gì hay? Sao lại không chọn các đối tượng khác để quán sát? Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là pháp- nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp- nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy “ngũ uẩn giai không” hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở là tốt nhất, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó theo dõi, hoàn toàn ngoài ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm vịệc âm thầm, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta mệt “bỡ hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”! Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt.
Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thấy nó phập phều kỳ cục, tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều hoà trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng cách quán sát hơi thở để tự kiểm sóat cảm xúc và hành vi của mình. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc- không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai. Bởi vì thở là thở trong hiện tại. Ở đây và bây giờ.
Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc!Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khóai đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, phải chăng đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt?).
Phổi ta như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0=zéro), thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “Prana”. Pra có nghĩa là trước và Ana là thở vào ( trước thì thở vào cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga, khí công, cũng như y học Đông phương nói chung đã nói đến Prana từ thời cổ đại. Trong yoga có “pranayama” là kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở sẽ tự kiểm soát! Đến một lúc nào đó, khi vào sâu trong thiền định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa. Hơi thở nhẹ gần như ngưng bặt. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền tập- tạm gọi là “Pranasati” chăng?- tức đặt “niệm” vào quãng lặng, và thực chất cũng không còn cả niệm, một sự “vô niệm” hoàn toàn chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người… Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra, sâu trong các tế bào, nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cầu sản xuất năng lượng không còn đòi hỏi nữa, các tế bào ở trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, “nghỉ ngơi”!
Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi: ngồi thiền. Rồi nào kiết già, bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó. Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải kiết già, bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được. Người Nhật, người Tây Tạng có cách “ngồi” thiền riêng của họ, người Tây phương có cách khác hơn, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi ích hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho hoạt động các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi rất nhanh. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để trị liệu rất có hiệu quả sự mỏi mệt, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy đáng kể!
Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền. Ta dễ có khuynh hướng chiều theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực- và nhất là do tuổi tác- dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi hoàn toàn và uống thuốc theo toa bác sĩ chừng mươi ngày sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Bởi nguồn gốc sâu xa hơn của đau cột sống, đau thắt lưng lại là do stress, nếp sống căng thẳng phải chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”! Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay tivi thì sớm muộn cũng bị những hội chứng về cột sống. Một người đi chùa lạy Phật mà tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau. Do vậy, giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dụng bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa.
Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai thành phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lỏng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó- mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là “xả hơi”! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì ta cần “xả hơi”! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ ( tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn, giúp chữa nhiều thứ bệnh hoạn một cách hiệu quả.
Cơ thể ta có khoảng trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy ( để kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt-hóa) nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nhưng oxyt-hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, mau già nua! Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt-hóa thành rỉ sét ngay. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn (bột, đạm, dầu mỡ)… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu hơn và trẻ lâu hơn!
Các nghiên cứu y sinh học cho thấy các nhà sư có thể làm giảm nhu cầu oxygen đến 40% trong lúc thiền. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ thiền chắc cũng giống như ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng thật ra khác hẳn! Thiền khoảng 30-40 phút thì mức lactate trong động mạch giảm, phenylalanine tăng 20%, giảm các họat động hệ giao cảm trên bề mặt da, giảm nhịp tim và hô hấp đáng kể.
Cortisol và ACTH cũng giảm, do đó, không bị stress; trong khi Arginine và Vasopressin, được coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ gia tăng đáng kể. Nhiều nghiên cứu ngày càng sâu hơn về beta-endorphin, corticotropin, melatonin, DHEA… hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt… trong tương lai.
Những năm gần đây, nhờ có các phương tiện như PET (positron emission tomography) hay SPECT (single photon emission tomography) và fMRI (functional magnetic resonance imaging) để đo hoạt động tưới máu não, cho thấy một số vùng được tưới nhiều hơn vùng khác, chứng minh thiền khác với giấc ngủ, mà đó là một trạng thái tỉnh giác an tịnh (state of restful alertness). Kỹ thuật fMRI cho thấy hoạt động tưới máu não gia tăng ở vùng liên quan đến sự chú ý (vùng lateral prefrontal và parietal), cũng như gia tăng ở vùng kiểm soát tự động, tỉnh thức (pregenual anterior angulate, amygdala, midbrain và hypothalamus). Nhưng nói chung, tưới máu não trong thời gian thiền rõ ràng là giảm một cách đáng kể, chỉ tập trung vào một số vùng nhất định như đã nêu trên. Điều này cho thấy thiền giả không tiêu hao nhiều năng lựơng cho các hoạt động vỏ não.
Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp tục nhưng rõ ràng thiền có khả năng làm giảm stress, giảm huyết áp và tạo sự sảng khoái, là yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống. Thiền ngày càng trở nên một kỹ thuật trị liệu hiệu quả trong y sinh học, nhất là lĩnh vực tâm lý trị liệu, nên đã có nhiều ứng dụng thực tiễn trong y khoa.
Nghiên cứu về lâm sàng cho thấy thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, giảm lo âu, trầm cảm, giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung. Người hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác. Học sinh cấp 2 có thực tập thiền trên 2 tháng, có kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, thói quen làm việc, cải thiện hành vi (giảm xung đột, hung hăng), tự tin hơn, có khả năng hợp tác và quan hệ tốt hơn với người khác. Thiền giúp làm giảm cân, giảm béo phì, giảm nghiện thuốc lá, rượu, các chất ma túy nói chung.
Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm – tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- thì cũng chẳng khác biệt! Với người anh em đơn bào đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa! Các sinh vật cùng chia sẻ một cách…bình đẳng, không phân biệt và theo nhu cầu như vậy. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… cũng phình ra xẹp vào như ta vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng chính con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này!
Hãy nương tựa chính mình. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?
Bs Đỗ Hồng Ngọc
(Tủ sách Phật học TỪ QUANG, Chùa Xá Lợi, Tập 1-2012)
 

BS Do Hong Ngoc


THỞ và THIỀN
Bs Đỗ Hồng Ngọc


Tôi đến với Thiền rất trễ. Trước đó, những năm hai mươi tuổi tôi cũng có đọc  thiền, biết thiền qua sách vở, qua Krishnamurti, Suzuki, thầy Minh Châu, thầy Nhất Hạnh… nhưng đọc để biết, để có kiến thức thế thôi. Tôi cảm thấy thiền là cái gì đó huyền bí xa vời, có phần như mê tín dị đoan nên chỉ “kính nhi viễn chi”. Tôi là một bác sĩ, hơn 12 năm làm ở Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Saigon, rồi hơn 20 năm phụ trách Trung tâm truyền thông và Giáo dục sức khỏe, thực hiện các chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary He alth Care), tham gia giảng dạy ở đại học Y, viết sách báo v.v… làm việc như điên, cho đến một hôm người ta phải đưa tôi đi bệnh viện để mổ sọ não cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Từ lúc lơ mơ đến lúc tỉnh dậy ở phòng hồi sức… hình như tôi đã trải qua một cuộc… phiêu lưu kỳ thú! Khi bước đi được trên nền đất những bước đầu tiên lẩm đẩm như một em bé, tôi thấy quả là một phép lạ. Tôi nhìn tôi trong gương với cái đầu trọc lóc mà thấy tức cười. Bạn bè trong ngành ai cũng thương cho thật nhiều thuốc. Tôi chọn dùng một thứ duy nhất bởi biết bệnh mình không thể chữa bằng thuốc mà phải thay đổi cách sống, cách nghĩ, cách làm. Phải tìm một con đường khác thôi. Rồi tình cờ tôi đọc lại Tâm Kinh “ Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẫn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”. Những câu kinh xưa mịt mờ bây giờ bỗng sáng rõ lạ lùng với tôi. Phải rồi. Phải tự tại thôi. Phải dựa vào chính mình thôi. Tôi vừa tìm hiểu kinh thư vừa lục toang đống sách y khoa đã học từ mấy chục năm trước để tìm kiếm con đường mới mẻ này. Thì ra đã sẵn có một con đường mà bấy lâu tôi mãi xa lạ. “Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết Bàn…” (Satipatthana, Tứ Niệm Xứ).
Con đường độc nhất ư? Có thể dẫn tới thanh tịnh ư? Còn mong gì hơn khi ta đang sống trong một thời đại đầy “điên đảo mộng tưởng”.  Có thể diệt trừ khổ ưu ư? Còn mong gì hơn khi ta đang sống một nếp sống đầy khổ đau và phiền muộn. Rồi còn thành tựu chánh trí nữa ư?… Thì ra cái “trí” của ta bấy lâu chỉ là cái trí tích cóp, cái “thức” của ta bấy lâu chỉ là cái thức phân biệt, thị phi…
Thầy thuốc chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chỉ chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Do vậy mà dù khoa học y học ngày càng phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng cũng chỉ là manh mún và thiếu sót, lệch lạc, tình trạng tâm thần, tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, tiểu đường, béo phì… cứ ngày càng phát triển! Thiền, phải chăng là một lối thoát?
“… Và này các Tỳ-kheo, như thế nào là tu tập nhập tức xuất tức niệm?  Ở đây vị Tỳ- kheo đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng và trú niệm trước mặt. Chánh niệm vị ấy thở vô; chánh niệm vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài” hay thở ra dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra dài” Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngán” Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”… (Anapanasatisutta, Thích Minh Châu dịch).
 
Với “kỹ thuật” thiền Anapanasati – Nhập tức xuất tức niệm, An-ban thủ ý hay “Quán niệm hơi thở”-  được dạy trong kinh Tứ niệm xứ (Satipathana): “con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí…”, một phương pháp thiền căn bản, có cơ sở khoa học, sinh y học, mang lại sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống vừa là con đường tâm linh, giúp “thấy biết” Vô thường, Vô ngã, Không, Duyên sinh, Thực tướng vô tướng…  đưa tới “giải thoát và giải thoát tri kiến” … chẳng phải tuyệt vời sao?
Tôi vừa tìm hiểu Anapanasati trong kinh sách vừa lục lọi lại toàn bộ kiến thức y khoa của mình về cơ thể học, sinh lý học, sinh lý bệnh học và cả mối quan hệ giữa thân và tâm, cơ chế hoạt động của não bộ v.v… rồi có kế hoạch đi vào thiền tập, thực hành, sau khi tham vấn một vài vị sư, thầy mà tôi tin tưởng, quý mến.
Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm (Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là THỞ. Kinh viết “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn…”. Tóm lại, là luôn quán sát hơi thở, đặt niệm (Sati, nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Mà vô vàn. Mà “bất khả tư nghì”!
Nhưng khi đọc câu “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây hiểu lầm ở đây, bởi ai mà chẳng biết thở cơ chứ! Mới sinh ra thì đã phải thở rồi kia mà! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận được (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra. Đó mới là điều cốt lõi! Nhận thức, ý thức, cảm nhận, ấy chính là niệm (nhớ), là quán (quan sát, suy tưởng) về sự thở, về hơi thở. Nhờ đó mà một mặt, ta giải thoát tâm ta khỏi những vướng mắc lăng xăng, một mặt ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống và từ đó, buông bỏ bao nỗi lo toan, sợ hãi của kiếp nhân sinh để có sức khỏe và hạnh phúc.
Dù gọi là Thiền (Việt) hay Chan (Hoa), Zen ( Nhật)… thì cũng đều có nguồn gốc từ Dhyana (Sanskrit) hay Jhanas (Pali). Theo ngữ nguyên thì Jha là nhìn, là quán sát, là theo dõi và Ana là thở, hơi thở, là khí. Vậy, jhanas hay dhyana chính là “quán sát hơi thở”, “nhận thức hơi thở”.  Vấn đề là tại sao và cách nào để chỉ từ một việc có vẻ rất giản đơn là quán sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giác, một sự chuyển hóa từ “khí” mà thành “trí”?
Âu Mỹ mới đi sâu nghiên cứu về thiền chừng khoảng hơn nửa thế kỷ nay nhưng ngày nay thiền đã được coi là một phương pháp trị liệu hiệu quả trong y học. Trong thiền định, hành giả có thể giảm hơn 40% nhu cầu Oxy và giảm 50% nhịp thở. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ rằng thiền cũng giống như giấc ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng qua các nghiên cứu cho thấy thiền khác hẳn, thực sự là một trạng thái tỉnh giác, ở mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất tùy trình độ hành giả! Ở những hành giả thực hành thiền dài khoảng 30-40 phút thấy mức lactate trong động mạch giảm, phenylalanine tăng 20%, hoạt động hệ giao cảm giảm trên bề mặt da và nhịp tim cũng giảm đáng kể. Về nội tiết, thấy giảm cortisol (hormone chủ yếu của stress) và ACTH; TSH cũng giảm, trong khi đó arginine vasopressin, được coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ lại gia tăng đáng kể. Hiện ngày càng có nhiều nghiên cứu về beta-endorphin, corticotropin, melatonin, DHEA, hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt về y sinh học…  Hoạt động điện não đồ EEG cho thấy thiền có sự khác biệt với nghỉ và ngủ. Nhờ những tiến bộ về kỹ thuật thăm dò chức năng não bộ như PET (Positron Emission Tomography) và nhất là fMRI (functional Magnetic Resonance Imaging) đo lượng tưới máu não, cho thấy ở thiền giả một số vùng não được tưới nhiều hơn vùng khác, chứng tỏ thiền không phải là giấc ngủ, trái lại là một trạng thái an tịnh tỉnh giác (state of restful alertness). Điều này cho thấy thiền giả không phải tiêu hao nhiều năng lượng cho các hoạt động của vỏ não. Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp diễn, thế nhưng đã chứng minh được thiền có khả năng làm giảm stress, giảm huyết áp, tạo sự sảng khoái… là yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống.
Thống kê của cơ quan bảo hiểm y tế cho thấy thiền  giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân và giảm số lần đi khám bệnh.
Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm, thiền làm giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung và giảm 70% triệu chứng lo âu.
Một nghiên cứu  trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền, cho thấy kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, có thói quen làm việc, cải thiện hành vi (xung đột, hung hãn), tăng lòng tự tín, khả năng hợp tác và quan hệ với người khác.
Thiền cũng giúp làm giảm cân, giảm béo phì, nghiện thuốc lá, rượu và các chất ma túy nói chung. Đặc biệt, một nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh viện cho thấy thiền đã giúp làm giảm sai sót chuyên môn y khoa đến 50%, đồng thời cũng làm giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối với bệnh viện.
Trở lại với thiền Anapanasati, câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Sao lại không chọn các đối tượng khác để quán sát? Thật ra “quán sát” gì cũng được, từ hòn đá, cục sỏi, tới làn sóng, tiếng gió, hạt sương, ánh nắng  … nhưng quán sát hơi thở thì tiện lợi hơn, hiệu quả hơn mà không sợ những tai biến có thể có trong quá trình “hành thiền”. Ngay cả trong cơ thể, tim đập khó theo dõi, hoàn toàn ngoài ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm việc âm thầm, cũng khó mà quan sát. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở lại gắn mật thiết với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta mệt “bở hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Hơi thở chính là sợi dây nhạy cảm nối kết thân với tâm. Thở vừa ý thức, vừa vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Ở đó, một trạng thái vô ngã, không thời gian, không không gian. Thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống còn thở, chết hết thở, tắt thở, ngừng thở. Đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”! Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy được sự sinh diệt trong từng sát-na.
Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng, chuyển hóa cảm xúc, hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thì thấy tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều hòa trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng cách quán sát hơi thở để tự kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại  – không còn đắm mình vào dĩ vãng hay tương lai. Bởi vì thở là thở trong hiện tại. Ở đây và bây giờ.
Phổi ta như một cái máy bơm, lồng ngực như cái xy-lanh (cylindre), cơ hoành là cơ hô hấp chính, như một cái pit-tông (piston) thụt lên thụt xuống ( giống bễ lò rèn). Cơ hoành có thể nhích lên xuống khoảng 7 cm, mà mỗi 1 cm đã hút vào hoặc đẩy ra 250 ml không khí. Thực tế cơ hoành chỉ cần nhích lên xuống chừng một vài cm là đủ… sống. Cũng cần nhớ rằng phổi “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0 = zéro), thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Tôi cho đó chính là giai đoạn “Prana”. Pra có nghĩa là trước và Ana là thở vào (trước thì thở vào cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga, khí công, cũng như y học Đông phương đã nói đến Prana từ thời cổ đại. Trong yoga có “pranayama” là kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở sẽ tự kiểm soát! Đến một lúc nào đó, khi vào sâu trong thiền định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa (tứ thiền). Hơi thở nhẹ gần như ngưng bặt. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền – tạm gọi là “Pranasati” ở đây chăng? – tức đặt “niệm” vào quãng lặng. Và thực chất cũng không còn cả niệm, một trạng thái “vô niệm” hoàn toàn chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người…
Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Người lao động nặng cần năng lượng gấp ba bốn lần người bình thường, trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm gần một nửa.  Riêng não bộ, với trọng lượng rất nhỏ bé, chỉ khoảng 2% thể trọng mà đã tiêu dùng đến 25% năng lượng của cơ thể. Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc! Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khoái đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt).
Cơ thể ta có khoảng trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ Oxy (để kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là Oxyt-hóa) nhằm tạo ra năng lượng. Nhưng Oxyt-hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, mau già nua! Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị Oxyt-hóa thành rỉ sét. Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy không cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn (bột, đạm, dầu mỡ)… nữa. Ăn ít mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu hơn và trẻ lâu hơn! Hành giả thực hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác.
Ai có thể ‘thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?

BS. Đỗ Hồng Ngọc
(Tập san LIỄU QUÁN, Huế, tháng 5-2015)
 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2022(Xem: 5330)
Có bạn nêu thắc mắc: người viết đã nhiều lần nhắc tới câu nói của Thiền Tông rằng “Ba cõi là tâm” – vậy thì, có liên hệ gì tới Duy Thức Học? Và tâm có phải là thức? Và tại sao Thiền sư Việt Nam thường nói “vô tâm thị đạo”? Trước tiên, xin chân thành trả lời ngắn gọn, rằng, “Không dám nói là biết chính xác. Cũng không dám nói ý riêng. Nơi đây sẽ đọc lại kinh để trả lời.” Bài này sẽ tìm cách trả lời khác đi, theo một cách thực dụng, để khảo sát về tâm, về ý, về thức, và về vài cách có thể tương ưng trên đường tu giải thoát.
10/08/2022(Xem: 7545)
Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát Kính gửi chư Tôn Đức, chư Pháp hữu & quý vị hảo tâm Từ thiện. Được sự thương tưởng và hỗ trợ của chư Tôn đức và quí vị thiện hữu hảo tâm, chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 9 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận vùng núi Khổ Hạnh Lâm & vùng Kê Túc Sơn tiểu bang Bihar India đang trong tình trang khan hiếm nguồn nước sạch giữa mà Hạ oi nồng..
04/08/2022(Xem: 5204)
Thoạt đọc qua, có vẻ như có gì hơi sai sai khi đặt nhan đề bài này là “Vô thường cũng là Niết bàn tịch diệt”… Bởi vì, vô thường được hiểu là sinh diệt tương tục, sinh diệt bất tận. Trong khi đó, tịch diệt là Niết bàn với thể tánh không tịch, vắng lặng – được hiểu như dường nghịch nhau, vì trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dạy: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” (sinh diệt diệt rồi, [Niết bàn] tịch diệt là vui). Bài viết này sẽ dò tìm một vài cách thực dụng để nhìn thẳng vào vô thường và nhận ra Niết Bàn. Với các sai sót có thể có, xin được trọn lòng sám hối.
14/07/2022(Xem: 3941)
Trong cuộc tranh quyền về một thung lũng màu mỡ hai lãnh chúa lân bang với nhau đồng ý không gây chiến tranh mà thay vào đó chỉ giải quyết vấn đề này bằng một cuộc đấu cá nhân. Mỗi vị chúa tể sẽ đưa kiếm sĩ giỏi nhất của mình ra để đấu với tay kiếm của vị chúa tể kia. Quyền làm chủ mảnh đất sẽ trao cho bên chiến thắng.
11/07/2022(Xem: 5096)
Thiền sư dẫn lớp học trong khóa an cư kiết hạ của thầy vào miền núi. Nhiều người trẻ từ thành thị hoặc các nông trại tới nên không có kinh nghiệm gì về chốn hoang dã. “Thưa trong những ngọn núi này có thú vật không?” một người hỏi. “Thưa phòng tắm ở chỗ nào?” một người khác hỏi. “Chúng ta tới đây để tiếp xúc cùng thiên nhiên và với chính chúng ta,” thầy hướng dẫn lên tiếng. Thầy giúp những chàng trẻ tuổi dựng lều trại và nhóm lên một đám lửa. Suốt đêm gió thổi mạnh dữ dội và một cơn mưa lạnh lẽo trút xuống đám người cắm trại không được vui thú chi.
20/06/2022(Xem: 10566)
Authors (Tác giả): Jing Yin, Ken Hudson & W.Y. Ho Illustrations (Minh họa): Yanfeng Liu Dharma for Youth Phật pháp cho Tuổi trẻ Biên soạn và chuyển ngữ:
19/06/2022(Xem: 4848)
Nam Mô Hiểu Và Thương Bồ Tát - Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm niệm:''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ'', vào hôm qua (June 15 2022) hội từ thiện Trái tim Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thiện sự chia sẻ thực phẩm, y phục và tịnh tài cho những mảnh đời bất hạnh, những người dân nghèo khó nơi xứ Phật tại tiểu bang Bihar India. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
18/06/2022(Xem: 5652)
Xin tường trình cùng quý vị hình ảnh 10 giếng nước do quý vị phát tâm bố thí cho dân nghèo xứ Phật vừa được hoàn mãn hôm nay, hiện chúng tôi vẫn tiếp tục số giếng còn lại do quý vị Donated . - Như quý vị nhìn thấy trong hình, tiến trình khoan giếng của những người thợ Ấn Độ hoàn toàn bằng thủ công, không phải khoan bằng máy, khoan sâu đến 60, 90 chục mét mới có nước, vì vậy mà rất lâu mới hoàn tất được 1 giếng. Mong quý vị liễu trì và cảm thông cho nếu chúng tôi chậm trễ tường trình..
13/06/2022(Xem: 3470)
Duyên khởi bài viết này vì, mấy hôm đầu tháng 5/2022, được một người em họ từ Nebraska sang thăm, nghe vài chuyện Phật sự nơi miền Trung Tây Hoa Kỳ, lòng vui mừng được biết em mình vẫn tin sâu Tam Bảo cho dù đang ở một nơi rất vắng người Việt. Cũng không có nhiều thì giờ để nói chuyện tu học. Phần vì, người từ miền xa lần đầu tới Quận Cam, chỉ có vài ngày chủ yếu là để đi chơi, chụp hình lưu niệm. Do vậy, thư này được viết để trình bày một vài suy nghĩ về tu học và hộ trì Chánh pháp. Mặt khác, để tránh bầu không khí gia trưởng, và để bài viết thích hợp với nhiều bạn cư sĩ trẻ sơ cơ, bài này sẽ dùng cách xưng hô là “tôi” và “bạn” --- hy vọng có vài gợi ý khả dụng cho nhiều độc giả trẻ trong và ngoài nước. Bài viết sẽ trích dẫn kinh điển, tập trung về vai trò người cư sĩ, về khuyến tấn tu chứng quả Dự lưu để bảo đảm sẽ không bao giờ rơi về ác đạo nữa. Các sai sót nếu có, xin được sám hối cùng Tam Bảo.
13/06/2022(Xem: 6425)
Lời Nói Đầu Người có lòng thành kính tin vào Đức Phật và theo Đạo Phật không phải chỉ hàng ngày thắp nhang đảnh lễ trước bàn thờ Phật, niệm Phật hoặc đọc dăm ba câu kinh, thỉnh vài hồi chuông, gõ đôi tiếng mõ hay lâu lâu rủ nhau đến chùa lễ bái là đủ. Chúng ta cần tìm hiểu rõ những lời dạy của Đức Phật vì Đức Phật đã từng nói rằng: “Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta.”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]