Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Câu Thi Na [Kushinagar]

18/07/201509:23(Xem: 4903)
Câu Thi Na [Kushinagar]
XỨ PHẬT TÌNH QUÊ
Thích Hạnh Nguyện - Thích Hạnh Tấn

Câu Thi Na [Kushinagar]

 Lần đầu tiên chúng tôi đến Câu Thi Na là cách đây khoảng 4 năm về trước. Hồi ấy Câu Thi Na chưa sầm uất và đầy các công trình xây cất chùa chiền như bây giờ, hồi ấy Câu Thi Na đầy vẻ hoang vắng và thiếu nhiều phương tiện giao thông đi lại. Nhớ lần ấy đến Gorakhpur chúng tôi loai hoay tìm cách đi Câu Thi Na bằng một phương tiện rẻ nhất. Và như tôi kể ở các chương trước là sau một thời gian chờ đợi mõi mòn đến phải ngủ đêm lại trong một căn khách sạn đầy chuột và dán, chúng tôi mới đón được chiếc xe buýt đầy ắp người xình xịch chạy rề rề lúc ngừng lúc đổ và mãi đến gần 3 tiếng sau mới đến được Câu Thi Na. Lần thứ hai chúng tôi đi chung với một vài người phật tử nên phương cách tiện nhất là đón một chiếc Taxi. Lần mướn taxi này cũng là một lần đáng nhớ. Vì hình như cả một đám tài xế Taxi ở trạm đó đều ăn rơ với nhau nên họ nói giá với chúng tôi thật cao. Tuy nhiên chúng tôi cũng chẳng vừa nên đi dạo một vòng quanh phố và khám phá ra một trạm taxi khác cách đó không xa với một giá rẻ hơn nhiều. Rồi cũng làm bộ trả giá lên xuống và sau cùng chúng tôi mướn được xe với giá 350 Rs cho đoạn đường 52 km đến Câu Thi Na.

Nói là Taxi cho oai chứ thật ra chiếc xe chúng tôi đi chẳng có nghĩa gì là Taxi cả theo một nhận thức thông thường của người bên Âu Mỹ. Chiếc xe hơi loại kiểu Anh vào thập niên 40-50 gì đó vậy mà vẫn còn có giá trị trong những tuyến đường dài này. Nhìn xe chúng tôi cũng đủ biết nó quá già nua, mang đầy tật bệnh và quả thật trên đoạn đường đi chiếc xe đã phải dừng lại nghỉ nhiều lần cho máy nguội, đó là chưa kể xe bị hư hai ba lần dọc đường. Tuy nhiên tiền nào của nấy hoặc có thể nói ngược lại là của nào tiền nấy nên dọc đường chúng tôi chẳng mấy than van và thông cảm lắm với nổi khổ của chiếc xe. Đúng ra thì chẳng có nơi trên thế giới mà người ta có thể đón xe thuộc loại Taxi này đi đoạn đường dài 52 km với một giá rẻ mạt là 15 US. Dù là xe Taxi hay xe thồ, xe cóc gì đi nữa thì chúng tôi cũng cảm thấy rất hài lòng với giá cả này vì nếu phải đem so với giá Taxi ở Đan Mạch, ở Đức thì chắc chúng tôi phải lắc đầu le lưỡi, lẽ dĩ nhiên là xe Taxi đó cũng êm hơn, thoải mái và sướng hơn nhưng với chúng tôi thì thật tình chẳng mấy quan tâm lắm về những cái xa xí phẩm ấy.

Khi xe buýt đưa chúng tôi đến Câu Thi Na thì trời đã xế trưa. Sau khi rời khỏi bến xe chúng tôi loay hoay đi tìm nơi ở trước và không hiểu sao thật là kỳ lạ lúc ấy chúng tôi không có một ý nghĩ tìm đến chùa Linh Sơn Việt Nam để xin trú lại. Thế nên đi vòng vòng mãi chúng tôi mới kiếm được một khách sạn Ấn Độ cũ mèm, thiếu cả phần vệ sinh căn bản tối thiểu. Tuy nhiên chúng tôi không quan tâm lắm về nơi ăn chốn ở của mình, có lẽ phải nói chúng tôi thuộc loại dân lì nên cái gì cũng dễ chấp nhận. Ấn Độ mà nếu người ta không chấp nhận thì gần như là chối bỏ và còn bài xích nữa là khác. Có người lần đầu đến Ấn gặp các cảnh tượng sống và sinh hoạt ở đây đã bị một cơn “Sốc” ghê gớm và một hai đòi đáp máy bay trở về nước; rồi lại có người sau khi viếng thăm, ở lại một thời gian lại đâm ra mê tít xứ này một cách lạ lùng; ví dụ như chúng tôi đây và xin nhớ một điều là không phải riêng chúng tôi đâu nhé, có hàng bao nhiêu người tây phương, Á đông khác đã nói với chúng tôi như vậy kìa.

Hình như tôi thấy mình đang có được một chút gì đó trong thời gian sống ở đây. Có lẽ là một chút chịu đựng nho nhỏ trong cái đời sống đa dạng đầy màu sắc này. Dĩ nhiên là phải trải qua thời gian để rồi tôi có được cái nhận xét chín chắn hơn, trưởng thành hơn trong việc nhận xét và đánh giá sự vật chứ không như ban đầu thời gian tôi mới đến. Tập chịu đựng chính mình và đừng thấy cái xấu bên ngoài là những gì tôi vẫn đang còn cố gắng thực tập dầu rằng đôi khi tôi vẫn quên mình và thấy đầy dẫy những cái xấu khác ở một vài xứ xở nào đó. Thầy tôi thì luôn luôn khuyên nhắc tôi rằng, “con phải cố tập chịu đựng dù là một sự chịu đựng nho nhỏ nào đó. Còn không thì tất cả các vấn đề và khổ đau sẽ đè ập lên con. Một món ăn khó nuốt, một tiếng ồn nhỏ làm con mất ngủ ban đêm, một vài điều không đúng ý, tất cả đều có thể làm con khó chịu đến phát loạn”.

Nhớ lại lần đầu tiên đến Ấn vào năm 1992, tôi than thở chê bai Ấn Độ mọi điều, nào là dơ quá, bụi quá, đông người quá, lộn xộn quá, mất trật tự quá và một dọc dài của những từ ngữ “quá và rất”. Đôi khi tôi nghĩ rằng xứ xở tây phương làm tôi hư vì đã cho tôi một cuộc sống quá đầy đủ về vật chất mà không giúp cho tôi có một cái nhìn và hiểu biết về thực trạng của đời sống. Thứ đời sống mà tôi từng hưởng đó chỉ là một mặt của xã hội con người và thường đưa con người đi sâu vào những giấc mơ đẹp giả tạo để rồi quên bẵng cái thế giới và con người khổ đau chung quanh. Và hình như các thế giới tây phương đang có đủ khả năng và phương tiện để giúp con người ta tiếp tục có được những giấc mơ đẹp ấy.

Mang những cái nhìn và hiểu biết giới hạn như vậy tôi bay về xứ Ấn Độ để được học và tìm đạo. Mục tiêu của tôi đến đây là mục tiêu của một người đang trên đường đi cầu tìm và học đạo thế mà rõ thật là cạn cợt và hạn hẹp khi nhìn và đánh giá một xứ xở tâm linh văn hiến này chỉ với đầy những từ ngữ “quá và rất”. Nhưng lúc ấy thật tình tôi không thể nào thấy được gì hay và đẹp khác ngoài những nổi chịu đựng nhọc nhằn. Chuỗi ngày theo sau quả là những chuỗi ngày của đau khổ và chịu đựng. Chịu đựng những bản nhạc Ấn Độ dựt dựt nhảy nhảythe thé như muốn làm long tai điên óc con người trên các chuyến xe buýt, chịu đựng buộc phải xem những băng Video chỉ toàn có hát và nhảy múa muốn điên dại trên những chuyến xe đường dài, chịu đựng những bữa cơm nặng mùi cà ri cay xé miệng, chịu đựng những mùi hôi của lớp dân nghèo lam lũ, chịu đựng sự dơ nhớp, mánh mun ma quái của lớp dân buôn bán chuyên tìm cách gạ gẫm lường gạt người ngoại quốc và chịu đựng bao nhiêu là thứ khác nữa v.v... Nhưng hiện sau gần bốn năm ở đây tôi mới biết mình học được một chút gì chịu đựng nho nhỏ và thấy được những gì không cần phải chịu đựng, nghĩa là thấy được trăm ngàn những cái hay đẹp khác ở xứ này và dĩ nhiên cuộc sống của chúng tôi hiện tại là biết hưởng những gì hay và đẹp trên một đất nước có chiều sâu tâm linh đáng kính trọng như xứ này.

 Nghĩ lại những nhận định và suy nghĩ lúc ban đầu, tôi thấy mình lúc ấy quả thật là nông cạn và ngây thơ. Giờ đây tôi đã hiểu Ấn Độ là Ấn Độ và các nước Âu Mỹ là các nước Âu Mỹ, hai nơi sẽ không bao giờ có thể giống nhau và cũng không nên giống nhau. Tôi giờ đây thích Ấn Độ giữ được những nét như nó đang là và phải là một xứ xở tâm linh như vậy thì Ấn Độ mới có thể là nơi phát sinh ra những bậc thánh nhân vĩ đại trong quá khứ, hiện tại cũng như ở tương lai. 

Có một số người đến Ấn Độ một lần rồi sau đó kết luận đánh giá Ấn Độ là như vầy thế kia. Nhưng rõ thật là lầm lẫn vì không thể đánh giá xứ này từ một lăng kính nào đó trong một sớm một chiều được. Ấn Độ có thể ví như bản tâm của mình vì nó vô cùng phức tạp và khó thể đánh giá một sớm một chiều tâm mình ra sao. Ta không thể kết luận tâm mình thiện hay ác trong một lúc nhất thời nào đó mà cần phải có thời gian nghiệm xét, tư duy thiền định hoặc khi phải chạm mặt với thực tế của đời sống. Đối với xứ xở này cũng vậy, thật là khó đánh giá và kết luận trong một chuyến đi hoặc qua những cái mắt thấy tai nghe. Đất nước Ấn Độ có muôn vàn màu sắc với những nơi đẹp tựa trong tranh, có những chốn xa hoa sang trọng đẹp đẽ không thua gì các nước Âu tây nhưng cũng có nơi dơ bẩn nghèo hàn và đói rách. Thiên đường và địa ngục đều hiện hữu nơi xứ này, ngạ quỷ và A Tu La cũng có. Tất cả đều có nơi đây trong cùng một nơi nhưng chỉ khác bên này và bên kia đường mà thôi. Đời sống và sinh hoạt của dân Ấn là vậy còn về tính tình thì cũng khó hiểu vô cùng mặc dù phải nói rằng người dân đây vô cùng hiền hậu và dễ chịu. Nhưng để hiểu về con người họ, về dân tộc họ thì chính những người bạn Ấn của tôi cũng phải buộc miệng than rằng: “Chính tôi là người Ấn mà cũng không hiểu được họ huống là bạn”. Tôi thì cố tập lắng nghe và tìm hiểu thêm về xứ sở, người dân ở đây bằng cách đọc thêm nhiều sách về Ấn Độ. Càng tìm hiểu sâu về con người và xứ này tôi càng thấy đặc biệt và lạ lùng; khó thể diễn tả được hết với mọi người. Đôi khi tôi nói chơi với thầy Hạnh Tấn rằng, sao những người làm phim Hồng Kông không sang đây để làm cuốn phim n Độ cái gì cũng có” như họ đã từng làm ở Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan v.v... Phim được làm ở đây sẽ là một cuốn phim trung thực nhất hơn ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, tôi cho là vậy.

Buổi chiều chúng tôi ra thăm viếng đại tháp và chùa Niết Bàn. Cảnh tượng nơi đây thật yên tĩnh đến độ trầm lặng. Không khí thoáng độ u buồn và hình như phảng phát dư âm hình bóng của người xưa, của bậc thầy cao vòi vọi trên tất cả hàng trời người. Hòa mình vào dư âm đó chúng tôi tụng một thời kinh và quỳ im lặng xúc động hàng giờ bên pho tượng Phật nhập Niết bàn được an trí trong ngôi chùa. 
Quang cảnh ở Câu Thi Na này quanh năm đều có một không khí tĩnh mịch và toát vẻ u buồn. Nổi u buồn nào đó phảng phất đâu đây còn sót lại một chút hồn mà những khách hành hương khi đến nơi này đều không khỏi cảm thấy xót xa và rung động tự đáy lòng. Trong chuyến hành hương năm 1993, có em Phạm Anh Dũng một phật tử thuần thành nhưng chẳng may đôi mắt em lại bị mất đi ánh sáng ngay từ thuở nhỏ. Thật tội nghiệp là trong suốt đoạn đường hành hương em chẳng thấy được gì mà chỉ cảm nhận bởi một tấm lòng thành. Tấm lòng của một con người tuy mất đi ánh sáng nhưng lại luôn luôn khao khát tìm về con đường sống thật của nội tâm. Có lẽ em không có dịp may để được sinh vào thời Phật và được ngài cứu chữa như ngài đã cứu chữa sáng mắt cho 500 người mù tại thành Xá Vệ; nhưng em đã may mắn hơn trăm ngàn người đồng cảnh ngộ khác là em đã đến tận nơi đức Phật đã từng sống, từng đi giáo hóa cứu độ chúng sanh. Với tôi điều đó cũng là tất cả, là điều quý báu hơn hết vì em đã đến đây và cảm nhận được tất cả với một tấm lòng thành mà cho dù những người giàu sang và đầy đủ nhãn quang khác cũng không thể có được cơ duyên sang đất Phật chiêm bái như vậy.

Ba em đã đưa em đi chiêm bái các di tích của đức Phật tại Ấn Độ trong thời gian này. Đến Câu Thi Na và khi được hỏi về cảm tưởng của em khi đến đây, em đã nói thật là cảm động: “Cháu có nhớ trong kinh là khi đức Phật nhập diệt, tiếng khóc đã vang xa ba ngàn thế giới; đức Phật là con mắt của thế gian mà khi ngài mất đi thì thế gian không còn nơi nương tựa nữa. Cháu còn nhớ nổi buồn của mình khi đọc đến đoạn đó. Chỉ còn có mấy ngày nữa là cháu rời khỏi Ấn Độ rồi mà cháu cảm thấy lưu luyến như đây là quê hương của cháu trong muôn ngàn kiếp xưa vậy. Phải chăng chỉ một con người như em Dũng, một người đã mất đi cái ánh sáng thiêng liêng nhất của con người, lúc ấy mới thốt lên được những lời chân thật đầy ý nghĩa xuất phát tự đáy lòng. Còn tôi tuy là một tu sĩ nhưng nếu có ai hỏi về cảm nghĩ của tôi lúc ấy thì có lẽ tôi chỉ có thể trả lời một cách máy móc mà thiếu sự rung động thật sự từ con tim. So với em Dũng tôi thấy mình thật đáng hổ thẹn. 
Sau khi chiêm bái nơi chùa Niết Bàn xong chúng tôi đến nền tháp nơi hỏa thiêu nhục thân đức Phật. Tại đây chúng tôi đảnh lễ ngôi tháp và ngồi thiền mãi đến khi trời sập tối. Cuộc thăm viếng lần đầu của chúng tôi là vậy, đơn giản, ngắn ngủi nhưng có nhiều ý nghĩa và xúc động. Những lần thăm viếng chiêm bái về sau, chúng tôi thường đi với các phái đoàn nên ít có được thời gian với những giây phút êm đềm, ý vị như vậy. Và thường là những lúc sau này, chúng tôi còn bị quấy rầy bởi những người tăng sĩ Ấn Độ kỳ lạ thuộc Nam tông, chuyên môn gạ chuyện chúng tôi để rồi muốn cúng dường các bộ y Nam tông. Và kỳ lạ thay là lần nào đến lại Câu Thi Na chúng tôi cũng gặp những vị thầy ấy và được các thầy đó đi kèm theo to nhỏ đòi cúng dường các bộ y như trên. Vui nhất là kỳ hành hương vừa qua với phái đoàn của T.T Khánh Anh, chúng tôi còn gặp cảnh họ tranh cãi, giành nhau đòi cúng dường các bộ y cho T.T nữa. Chuyện lạ thật và mãi cho đến nay chúng tôi cũng vẫn chưa hiểu được mục đích đằng sau của sự việc cúng dường này là gì? 

Đường Về Tịch mặc

 Tin đức Thế tôn ba tháng nữa nhập diệt đã loan đi khắp bốn phương trời, các chúng sanh hàng trời người đều rúng động và không ngăn nổi cảm xúc bi ai khi nghe được tin này. Ôi! rồi mai đây thế gian sẽ trống rỗng, chúng sanh nơi các cõi sẽ chìm trong khổ đau của mê tối, trôi lăn với luân hồi và không thể tìm đâu ra con đường giải thoát. Ngọn đèn tuệ soi đường của hàng trời người sẽ mất. Khổ thay, khổ thay. 
Khi bậc toàn giác ra đi, hình bóng người sẽ mãi mãi xa vắng với các đệ tử. Các thầy Tỳ kheo trưởng lão nghĩ đến đó mà không cầm được cơn đau xót, các thầy không nỡ nhìn đức Phật ra đi nên xin ngài cho phép họ được nhập diệt trước. Những hàng đệ tử chưa đạt thánh quả thì ta thán lên rằng, Thế tôn sẽ ra đi, có còn ai đâu mà dìu dắt chúng ta trên bước đường tu học. Họ đồng bi than tự trách sao sinh nhằm vào thời Phật nhập diệt, để không có cơ duyên tu học và giác ngộ khi đức Thế tôn còn tại thế. Vua quan dân chúng thành Vaishali cũng không tránh khỏi cảm xúc rơi lệ, bịn rịn đưa tiễn theo ngài mãi trên con đường xa mà chưa muốn quay trở lại. 
Tình thương nào mà chẳng một mai phải chia ly, sự luyến ái nào mà chẳng đến hồi chung cuộc. Cái vô thường của kiếp người đang dần dần hủy diệt những cái gì mà con người thương yêu triều mến nhất và chân lý chắc thật ấy như giờ đây thấy rõ hơn qua buổi tiễn biệt đức Phật ra đi khỏi thành Vaishali để về nơi nhập diệt. Thôi các ngươi hãy ở lại đây, ta cùng chúng tăng sẽ ra đi về hướng Pava nơi thành Câu Thi Na để nhập diệt. Cả đoàn người vua quan dân chúng đều khóc than sầu não chẳng thể dứt rời và đức Thế tôn khi ấy đã làm hiện ra một dòng sông nước chảy xiết để ngăn đôi đoạn đường đưa mọi trở lại chốn cũ.

Bình thản và hùng dũng như con voi chúa, ngài lại ra đi cùng với chúng đệ tử của mình hướng về Pava. Xuyên qua làng Amragama, làng Jambugama, làng Bhandagama và sau cùng ngài đến làng Bhoga-nagara dừng lại ở khu vườn Cincapa nằm về hướng Bắc của làng này. Vì muốn độ chúng sanh mà đức Phật thị hiện thân sanh tử, vì muốn độ chúng sanh mà ngài thị hiện cảnh bệnh hoạn, già nua và nhập diệt. Này A Nan, ta muốn dừng lại nghỉ một chốc nơi đây vì ta đang cảm thấy mệt. Biết đức Thế tôn không được khỏe và muốn nghỉ, cả đại chúng cùng nhau lo lắng và ngài A Nan run sợ tìm chỗ trước sau cho ngài an nghỉ. Ôi! đức Thế tôn nếu có mệnh hệ gì thì các đệ tử của người sẽ ra sao. Cả chúng sanh trong cõi này sẽ mất đi ánh sáng và đêm đen của si ám vô minh sẽ trùm khắp nhân loại. 

Tuy nhiên sau một khoảng thời gian ngắn nghỉ lại nơi đây, biết các hàng đệ tử đang lo lắng cho mình, đức Phật nhẹ mỉm cười bảo ngài A Nan sửa soạn đi tiếp về Pava. Con đường có còn xa đâu và dường như thôn xóm Pava đang ẩn hiện phía trước đoàn người. Nhân duyên còn lại ở đời chẳng còn bao lâu và ngài biết rõ điều ấy để giờ đây mỗi một lời ngài dạy, mỗi bước chân ngài đi là mỗi một tấm lòng trìu mến mà ngài muốn chia sớt cho các đệ tử của mình. 

Buổi chiều ở Pava thật đẹp khi ánh thái dương đang chìm dần từ một chân trời xa. Cả một không gian mênh mông đỏ ửng hồng bởi những tia sáng còn sót lại từ ánh mặt trời chiều tà chiếu lươn lướt lên những tà y vàng của một đoàn người đang thầm lặng dõi theo bước chân của đấng Toàn giác. Chỉ khi đặt chân đến thôn làng Pava nhỏ bé này mới thấy cái vĩ đại của đoàn khất sĩ. Biết tin có tăng đoàn của đức Phật đến thôn Pava, dân làng đủ mọi lớp người đổ ra xem kẻ đứng đứng coi ngó chỉ trỏ người cúng kính lễ bái cúng dường và trong số đó; một người thợ sắt già run run bước đến trước Phật chậm rãi ôm bàn chân ngài rơi lệ đảnh lễ, xúc động mà không thể nói lên được một câu. 

Mãi lâu sau ông mới có thể thưa lên với đức Phật như vầy: “Bạch đức Thế tôn! ngài sắp nhập Niết bàn, chúng con thấy buồn đau quá và thưa ngài tuy chúng con nghèo cùng khốn khổ nhưng duyên gặp ngài khó được, cúng dường ngài lại khó hơn nên mong ngài từ bi nhận lễ cúng dường trai phạn nơi con ngày mai để con được những phước lộc ở kiếp vị lai. Ngửa mong ngài xót thương nhận lãnh, cúng phẩm của con tuy kém mọn nhưng cũng sẽ dâng lên ngài và chư tăng được dùng đầy đủ”. 
Này Chunda! Lành thay, lành thay ông nay phát tâm muốn cúng dường Như Lai cùng tăng chúng và ta vì muốn ban sự hy hữu đến cho ông mà nhận lãnh. 
Chunda lúc ấy hoan hỷ vui mừng chưa từng có và lạy tạ lui ra. Sau đó ông về nhà loan tin cho gia đình biết và chuẩn bị các món ăn đặc biệt để ngày mai này dâng lên đức Phật cùng tăng chúng. Ông đi hái các loại nấm ngon chưa từng có, loại cứng, loại mềm đủ loại và ông cẩn thận làm suốt buổi chiều ngày hôm ấy hầu kịp cho buổi lễ cúng dường vào trưa ngày hôm sau.

Trưa hôm sau đức Phật cùng tăng chúng đến nhà ông Chunda để thọ thực. Bữa ăn được bày biện thịnh soạn và tốt đẹp đầy đủ các loại nấm thơm, các mùi hương ngào ngạt. Ngài cùng chúng tăng vì ông mà thọ sự cúng dường và sau đó ra về. 
Vì tâm đại từ bi muốn làm ruộng phước điền lớn cho Chunda mà Thế tôn thọ nhận lễ cúng dường của ông tuy ngài biết rằng bữa cơm mà ngài thọ kia sẽ là bữa cơm cuối cùng và ngài sẽ sớm ra đi. Và cũng để an ủi Chunda rằng không phải do nơi thức ăn ông cúng dường mà Thế tôn phải mang bệnh ra đi nên đức Phật ân cần dặn dò ngài A Nan nói lại với ông Chunda rằng:

Này A Nan rất có thể sau này Chunda sẽ hối hận vì nghĩ rằng đức Như Lai do thọ bữa cơm nơi ông mà nhập diệt. Này A Nan cần phải đánh tan sự hối hận ấy của Chunda mà nói với ông ta như vầy: Này Hiền giả, Thật là có công đức cho bạn vì được Như Lai dùng bữa ăn cúng dường cuối cùng từ bạn. Này hiền giả, tôi nghe đức Thế tôn dạy rằng: có hai vật thực cúng dường đến Như Lai mà phước báu bằng nhau, có quả bằng nhau và phước báu lớn hơn tất cả. Đó là vật thực cúng dường đến Bồ tát ngay trước khi người chứng đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và vật thực cúng dường đến bậc giác ngộ trước khi người nhập Niết bàn. Hai vật thực cúng dường ấy đem lại phước báu bằng nhau, quả bằng nhau và vô cùng quý báu hơn tất cả các sự cúng dường khác. Do thiện nghiệp này mà người phát tâm tịnh tín cúng dường sẽ được phước báu, sau khi mất sẽ được tái sanh vào các cõi trời, vào cảnh vua chúa, quyền quý cao sang, được nhiều may mắn và danh vọng”.

Sau khi về đức Phật cảm thấy rất mệt và đau đớn, và ngài đã nhập định chịu đựng cơn đau và dạy ngài dạy A Nan trải một tấm y dưới một gốc cây cho ngài nghỉ. Này A Nan hãy đi lấy cho ta một ít nước để uống, đức Phật bảo và lạ thay là ngài A Nan ba lần thảy đều từ chối vì cho rằng nước vẫn đục do nơi 500 cỗ xe vừa mới đi qua. Nhưng do thần lực của đức Phật mà sau cùng khi ngài A Nan đến bên dòng suối để lấy nước, ngài đã phải rất ngạc nhiên và hớn hở về bạch cùng đức Phật như sau: 
Bạch Thế tôn, thật là kỳ diệu và hy hữu. Bạch Thế tôn, con sông nhỏ này đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục, vậy mà khi con đến liền trở thành trong trẻo, sáng lạng và không vẫn đục. Con kính xin thỉnh Thế tôn dùng nước. 
Cùng trong ngày ấy đức Phật cùng tăng chúng đi đến làng của bộ tộc người Malla cách đó không xa và an nghỉ trong khu rừng Sala. Khu rừng rừng rộng lớn và đầy những cây Sala nở bông tỏa hương thơm ngào ngạt. Chim muông ca hót vang rừng dầy những âm điệu líu lo trầm bỗng như chào đón, như tán thán cúng dường đến Phật. Chư thiên từ các cõi trời cũng đến hầu và chờ đợi những bài giảng pháp cuối cùng nơi ngài. Không gian khi ấy như ngưng đọng trầm lắng, chỉ còn lại tiếng kêu của chim muông thú vật trong rừng.

Lúc bấy giờ trong làng Malla có một người giàu có tên là Pushkasa nhân đi ngang qua đó thấy cảnh tượng của khu rừng khác thường và phong cách siêu thoát của đức Phật nên rất lấy làm lạ lùng, đến gần nơi ngài tìm hiểu và tỏ vẻ thán phục về sự trầm lặng tôn nghiêm của ngài nên đảnh lễ và cung kính ngồi sang một bên cầu được hầu chuyện với đức Phật. 
Pushkasa là một đệ tử của Alara Kalama và thường hay tán thán về các hạnh trầm tỉnh của thầy mình. Đi đâu ông cũng khen ngợi thầy mình là có hạnh trầm tỉnh siêu xuất của một bậc thánh mà không ai bì kịp. Thế nên nhân gặp đức Phật nơi đây ông cũng muốn lại thưa chuyện và ca ngợi về hạnh trầm tĩnh của thầy mình. Ông kể cho ngài nghe như sau:

 Bạch Thế tôn, thầy con đạo sư Alara Kalama một hôm trên đường đi ngồi nghỉ dưới một gốc cây thì lúc bấy giờ có 500 cỗ xe đi ngang qua. Bạch Thế tôn, lúc ấy có một người đi ngang qua thấy lạ bèn đến hỏi: Tôn giả có nghe tiếng không? Thầy con đáp, này hiền giả ta không nghe tiếng. Tôn giả có thấy 500 cỗ xe đi ngang qua không? Này hiền giả ta không thấy. Có phải Tôn giả đang ngủ không? Không phải ta đang ngủ đâu. Vậy tôn giả đang thức tỉnh. Phải, này hiền giả ta đang thức tỉnh”.

Bạch đức Thế tôn, đó có phải là sự kỳ diệu hy hữu của thầy con chăng? Ngài ấy thật là có sự trầm tỉnh, siêu xuất và hơn hết tất cả mọi người; ngài ấy là người cao thượng, là bậc đáng được tôn kính bậc nhất. 
Thấy Pushsaka có cơ duyên đức Phật bèn thuyết một bài pháp về sự trầm tĩnh của người xuất gia để độ ông ta. Ngài nói: 
Này Pushsaka như có người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy 500 cỗ xe đi ngang qua, cũng không nghe tiếng thì điều ấy khó hay như có người đang giác tỉnh, còn thức trong khi trời đang mưa, mưa tầm tả ào ào, sấm chớp chói lòa vang động, điều nào khó hơn”.

Bạch Thế tôn, nói gì đến 500 cỗ xe mà cho đến 600, 700 hoặc 1000 cỗ xe cũng không thể sánh được người đang giác tỉnh, còn thức khi trời đang mưa, mưa tầm tả ào ào, sấm chớp chói lòa vang động. Điều này thật khó hơn. 
Khi Pushsaka nói xong đức Phật liền kể cho ông nghe một chuyện, có lần ta đang ngồi ở nơi một nhà đập lúa và lúc bấy giờ trời mưa tầm tả ào ào, sấm sét vang động và có 2 anh em nông phu cùng bốn con bò đực bị sét đánh chết. Tiếng la ó vang dậy và mọi người dân làng bủa đi tìm hiểu vấn đề. Khi họ thấy ta đang ngồi nơi nhà đập lúa thì liền hỏi: Này ngài Cồ Đàm, ngài có thấy người nông phu và mấy con bò bị sét đánh chết chăng? Ta đáp họ rằng, ta chẳng thấy. Ngài có nghe tiếng gì bên ngoài chăng? Ta chẳng nghe. Vậy có phải ngài đang ngủ? Không ta chẳng phải ngủ. Vậy ngài đang còn thức. Phải ta đang còn thức, đang giác tỉnh. Đó Pushsaka, người dân làng nơi ấy biết đến ta như vậy và họ sau đó truyền tụng, đảnh lễ và phát lòng tin nơi ta.Ạ

Nghe đức Phật kể xong Pushsaka phát tâm tịnh tín và xin đức Phật cho phép ông được quy y, xin được làm đệ tử từ nay cho đến khi thân hoại mạng chung. Sau đó Pushsaka đem đến cúng dường ngài hai bộ y màu kim sắc, vàng chói. 
Khi Pushsaka đi khỏi đức Thế tôn vì lòng thương xót đại chúng nên mới dùng phương tiện chỉ bày sự hy hữu và điềm lạ nơi ngài trước khi ngài xả bỏ báo thân và nhập diệt. Ngài dạy ngài A Nan đắp chiếc y ấy lên mình ngài và lúc ấy do thần lực của đức Phật nên khi y được đắp lên, thân ngài bỗng trở nên rực sáng. Rất lấy làm ngạc nhiên ngài A Nan thưa rằng:

Bạch đức Thế tôn, Con đã hầu ngài trong hai mươi năm mà chưa từng bao giờ thấy thân ngài có màu sắc sáng chói, kỳ diệu như hôm nay. Đó là nhân duyên gì xin ngài giải thích cho chúng con được rõ? 
Nhơn đó đức Phật giải thích cho ngài A Nan và đại chúng nghe rằng: này A Nan, có hai trường hợp mà màu da của đức Thế tôn sáng chói, rực rỡ lạ thường. Đó là trong lúc Thế tôn sắp đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và lúc Thế tôn sắp nhập Niết bàn.Ạ

 Tiếp đó đức Phật dạy ngài A Nan và chúng Tỳ kheo rằng, chính vào cuối canh đêm nay nơi rừng Sala này, ta sẽ diệt độ. Này A nan, hãy trải chỗ nằm cho ta, đầu hướng về phương Bắc, giữa hai cây Sala. Ta đã mệt mõi lắm rồi và muốn nghỉ. Nằm xuống trên chiếc võng giữa hai cây Sala, đức Phật nằm nghĩ và khi ấy bỗng nhiên các loài hoa Sala rơi rụng rãi đầy khắp trên thân ngài. Trên hư không lúc ấy cũng có các điềm lạ xuất hiện; những mùi hương thơm ngào ngạt xông khắp khu rừng và các loài hoa Chiên đàn, hoa Mạn đà la từ nơi không trung rơi xuống trải đầy những màu sắc lộng lẫy phủ kín cả một khu rừng, nhạc trời đâu đây cũng reo vang trổi dậy như cúng dường đức Thế tôn lần sau cùng. Thật là điềm lạ hy hữu chưa từng có. Nhân dịp này đức Phật dạy cho chư tăng như sau:

 Này các Tỳ kheo, các cây Sala tự nhiên trổ hoa trái, những hoa này rơi rụng, gieo rắc vơi vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Rồi các hoa trời Mạn đà la, hoa Chiên đàn, các loại hương trầm, hương bột reo rắc rải trên thân Như Lai để cúng dường. Các loại nhạc trời cũng réo rắc trên hư không vang lên để cúng dường và dầu vậy này các Tỳ kheo, không phải như vậy là tôn kính, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai đâu. Bất luận vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nào hay các thiện nam thiện nữ nào thực hành đúng theo lời dạy, đúng theo giới pháp và trang nghiêm đời sống của chính mình theo con đường chơn chánh, thì đó chính là người tôn kính, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai một cách cao thượng nhất. Vậy nên này các chư Tỳ kheo, hãy gắng công tu tập, y theo giới pháp và sống đời phạm hạnh.

Các thầy Tỳ kheo và hàng phật tử lúc ấy vâng dạ lãnh thọ lời Phật dạy, tuy nhiên thấy đức Thế tôn đã yếu đi nhiều và sắp sửa nhập diệt, ai nấy buồn thương sầu khóc rơi lệ. Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi lại rằng, chư thiên lúc ấy trên các cõi trời cũng khóc than, đầu tóc bù rối, lăn lộn qua lại và than lên rằng: Thế tôn nhập diệt quá sớm, con mắt pháp của thế gian đã biết mất.

Các chim muông ngừng hót, cầm thú cũng sầu đau quanh quẩn nơi xa mà nhòm ngó bi ai. Đức Phật, bậc thầy của trời người nay sắp ra đi, tiếng kêu của ai đó vang vọng trong không gian như muốn kêu gọi người đến đảnh lễ, chiêm ngưỡng ngài lần cuối cùng. Thấy nghe cảnh tượng như vậy, ngài A Nan không khỏi buồn thương ra đứng bên rừng buồn tủi khóc lóc thảm thiết. Đức Phật thấy vậy mới kêu lại khuyên lơn: 
Này A Nan! ngươi đã hầu hạ Như Lai bằng tất cả tình thương, sự tôn kính và cả một tấm lòng, thì nay cớ chi lại buồn thương. Ví như một vị vua có đủ bốn tánh chất cao quý, thì ngươi người thị giả của ta cũng có đủ bốn tính chất cao quý đó. Đối với Như Lai ngươi đã khéo săn sóc, tâm đầy lòng từ ái, an ổn và lợi ích trong từng cử chỉ của thân, lời nói và ý nghĩ, như vậy thật đáng khen thay, đáng tán thán thay. Ngươi đừng buồn và sầu khóc nữa”.

Lại nữa A nan, chớ có phiền muồn và khóc than. Như Lai đã từng dạy rằng, tất cả chúng ta đều phải phân ly, cách biệt và xa lìa những gì chúng ta quý mến và ưa thích nhất. Này A Nan, con đã tạo nhiều phước báu, con sẽ sớm thanh lọc mọi ô nhiễm. 
Lúc bấy giờ có một ông già tên là Subhadda (Tu Bạt Đà La) đã 120 tuổi tu theo ngoại đạo Ni Kiền Tử cũng nghe tin đồn là vào đêm nay đức Cồ đàm sẽ nhập diệt nên nghĩ rằng:

Ta có nghe những vị thầy đứng tuổi và các bậc trưởng lão nói rằng: thật hiếm hoi lắm, thật hy hữu lắm mới có một đấng Thế tôn, đấng Toàn giác xuất hiện trên thế gian này. Đêm nay vào canh chót đức Cồ Đàm sẽ nhập Vô dư Niết bàn. Ta có một điều hoài nghi và ta tin tưởng nơi đức Cồ đàm. Đức Cồ đàm sẽ giảng dạy giáo pháp và phá tan mối hoài nghi của taϮ Nghĩ như vậy xong ông Sudhadda đến nơi rừng Sa La để mong gặp đức Phật, nhưng ba lần không được ngài A Nan cho vào vì ngài sợ làm quấy nhiễu đức Thế tôn. Biết được cơ duyên đã chín mùi cho người ngoại đạo Subhadda, nên đức Phật nói ngài A Nan cho ông ta vào. 
Trong dịp này đức Phật thuyết giảng cho ông Subhadda nghe về cái vi diệu, tối thượng của pháp Bát chánh đạo và chỉ có pháp này bậc Sa môn mới chứng được các quả thánh từ Dự lưu đến A La Hán, bậc vô học thoát khỏi mọi khổ đau của kiếp luân hồi. 

Nghe pháp xong Subhadda đắc được pháp nhãn và đạt được tầng thánh cao nhất. Ông xin Phật xuất gia rồi sau đó xin phép ngài nhập diệt vì không muốn đau lòng khi trông thấy đức Phật nhập Niết Bàn. Sudhadda lần cuối cùng đứng trước Phật chiêm ngưỡng tôn nhan của ngài rồi đầu mặt đảnh lễ chân Phật buồn khóc rơi lệ bạch rằng: 
Bạch đức Thế tôn, con vì vô minh tà kiến nên bị trôi đắm mãi theo các giáo pháp của người ngoại đạo và nay nhờ được duyên lành thọ ân ngài mà tâm được sáng tỏ, bước vào con đường chơn chánh của giáo pháp. Trí tuệ của đức Thế tôn như biển cả, lòng từ bi của ngài thật vô cùng. Con tự xét dầu nhiều kiếp nát thân cũng chưa báo được ân đức này. 

 Bạch cùng đức Thế tôn xong, ông lại ngẹn ngào khóc lóc và không nói thêm được một lời. Mãi một lúc lâu ông mới kềm được cơn xúc động và cuối lễ Phật lần nữa rồi đến một bên rừng ngồi ngay thẳng an lành mà diệt độ. Chúng Tỳ kheo khi trông thấy toàn cảnh như vậy bỗng trở nên nức nở, than khóc, người đấm ngực té xỉu xúc động, người ngã quyất tỉnh hôn mê. Tiếng ồn náo khóc than vang dội khắp cả một khu rừng.

 Đức Phật trông thấy cảnh như vậy mới ôn tồn bảo các chư Tỳ kheo rằng: 
Này các Tỳ kheo, các ngươi đừng có buồn thương sầu đau như những người phàm tình. Đừng để mất chánh niệm và hãy thường giữ tâm thanh tịnh, mong cầu thoát ra khỏi luân hồi. Luân hồi là cõi khổ vô cùng tận do vô minh sai sử tác động không ngừng. Vô minh ấy là chủ, ân ái là ma vương sai khiến đày đọa thân tâm này như tôi tớ. Cũng lại do tâm ấy duyên theo trần cảnh mà chúng sanh tạo tác nghiệp sanh tử, niệm niệm tham sân si tự hại và trong vô lượng kiếp họ phải chịu thọ lấy đầy các khổ não. Ai là người có trí tuệ lại không xa lánh và nhờm gớm cảnh khổ sanh tử này. 
Lại này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ các ngươi nên lấy gì mà làm thầy hướng đạo. Phải hiểu chính là giới pháp. Vì giới là con thuyền lớn mang chở người qua khỏi biển khổ sanh tử; giới pháp giống như một ngọn đèn sáng soi tỏ trong bóng đêm; giới như của báu mang lại sự giàu có hy hữu cho người nghèo khó; Vì thế các ngươi hãy nên tôn trọng giới pháp vì giới pháp còn là ta còn chẳng khác. Lại này nữa các Tỳ kheo, tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, thế nên hãy tinh tấn tu hành sớm cầu giải thoát.

Sau lời dạy trên đức Thế tôn liền nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, ngài nhập Tam thiền. Xuất Tam thiền, ngài nhập Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, ngài nhập định Không vô biên xứ. Xuất Không vô biên xứ, ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ, ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô sở hữu xứ, ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngài nhập Diệt thọ tưởng định. 
Kế đó đức Thế tôn lại xuất Diệt thọ tưởng định, ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngài nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở hữu xứ, ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất Thức vô biên xứ, ngài nhập Không vô biên xứ định. Xuất Không vô biên xứ, ngài nhập Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, ngài nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền ngài liền diệt độϮ

Lúc bấy giờ ngay khi đức Phật diệt độ, đất đai chấn động khủng khiếp, sấm trời vang động ở mười phương. Tất cả biển lớn đều dậy sóng lên cuồn cuộn đục ngầu. Giếng ao sông rạch suối mương thảy đều nghiêng ngửa khô cạn. Khắp cả tam giới đều vắng lặng tối tăm và ở cõi này lúc ấy trời đất mờ tối, giông bão khởi lên gió thổi cát bay và cây cối ngã đầy trên mặt đất. Chư thiên trên các cõi trời lúc ấy đồng hiện xuống đầy cả hư không và rải trăm ngàn hoa hương trời để cúng dường đức Như lai. Họ đồng thanh kêu to lên rằng: “Khổ thay, khổ thay! đức Phật đã nhập Niết bàn, thế gian này trống rỗng, con mắt tuệ thế gian không còn nữa, các phiền não ma quái giờ đây tràn khắp, những khổ đau rồi đây sẽ quay cuồng chẳng dứt đoạnẠ”. 
Bên dưới các hàng đệ tử của đức Phật bốn chúng đồng nhau buồn khóc rơi lệ. Họ có kẻ tỉnh người mê, kẻ đau đớn mất trí người ngây dại ngất xỉu, lại có người thân tâm run rẩy ngẹn ngào nước mắt tuôn rơi, có người đấm ngực kêu to có người cào đầu bức tóc nằm lăn trên đất khóc than chưa từng có. Các hàng Tỳ kheo đã đắc thánh quả thì liền ngay đó nhập diệt theo Phật, người chưa đắc còn nhiều tham ái thì khóc than thảm thiết, có vị té ngửa thân nằm nhoài trên đất lăn lộn qua lại: ©! Thế tôn sao nhập diệt quá sớm, Đấng Thiện thệ sao nhập diệt quá sớm, pháp nhãn đã biến mất trên đời chẳng còn gì nữa. Một số vị Tỳ kheo đã diệt trừ tham ái thì họ an trú trong chánh niệm, tỉnh giác và nhẫn nại suy tư rằng: “Các hành ở thế gian là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy?

Nghe theo lời chỉ dẫn của ngài A Nan, các người trong bộ tộc Malla đã đem nhục thân đức Phật đến một nơi gần đó để hỏa thiêu. Đầu tiên họ vấn tròn thân Thế tôn với một loại vải mới, kế đến là một lớp vải gai bện và lại một lớp vải mới, cho đến năm trăm lớp vải như vậy. Sau khi quấn các loại vải xong, họ đặt thân Như Lai vào trong một hòm dầu bằng sắt, đậy hòm sắt này vào một hòm sắt khác rồi đặt chiếc hòm sắt ấy trên một giàn hỏa gồm các loại cây hương thơm. 
Tuy mọi sự đã sẳn sàng nhưng kỳ lạ thay khi họ bắt đầu phóng hỏa lửa lại không bắt cháy và mọi người đều âu sầu chẳng rõ duyên cớ. Nhưng đột nhiên có âm vang đâu đó lồng lộng khắp cả không gian. “Này các người kia, các ngưoi không thể đốt cháy được nhục thân của Như lai đâu dầu là một ngàn, một trăm ngàn bó đuốc. Hãy chờ đợi ngài Ma Ha Ca Diếp trở về đảnh lễ Phật lần cuối”. Thì ra đó là tiếng của vua trời Đế Thích, người cũng thị hiện xuống nơi này để đảnh lễ nhục thân đức Phật và chiêm ngưỡng lần cuối lễ hỏa táng của ngài.

Trong khi ấy ngài Ca Diếp đang ở tại núi Kỳ Xà Quật, cùng các chúng Tỳ kheo nhập định và bỗng nhiên ngài thấy thân thể rún động, tim đập mạnh, bên ngoài núi rừng cây cối đều chấn động nên biết rằng đức Như lai đã nhập diệt. Thật khổ thay, khổ thay, này các thầy Tỳ kheo chúng ta phải mau đến nơi đức Như lai mới có thể kịp trông thấy sắc thân chơn tịnh của ngài. Hãy đi mau, đi mau. 
Ngay hôm đó ngài cùng chúng Tỳ kheo đi bộ chẳng ngừng nghỉ hướng về thành Câu Thi Na. Trải qua bảy ngày đêm ngài mới đến được nơi này và khi dừng chân tại bên ngoài rừng ngài đã nghe thấy tiếng kêu khóc của bốn chúng đệ tử đức Phật và vua quan dân làng bộ tộc Malla. Khi thấy ngài đến, ai ai cũng nhường chỗ cho vào và ngài Ca Diếp dẫn đồ chúng đi vòng quanh kim quan của đức Phật mà đảnh lễ than thở khóc lóc, tủi phận không thể trông thấy được thân của đức Như lai lần cuối cùng. 

Lúc ấy do lòng từ bi vô lượng của đức Phật, phép lạ xuất hiện khi nắp của kim quan ngài tự nhiên mở ra hiển bày trọn vẹn sắc thân ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của đức Như Lai. Ngay khi thấy cảnh này, các thầy Tỳ kheo đồng khóc than, nghẹn ngào, có vị ngất xỉu té xuống đất; sau một hồi các ngài dùng các loại hoa hương rải lên thân Phật cúng dường rồi đảnh lễ mà lui. Nắp kim quan khi ấy liền tự đóng lại.

Buổi trà tì lại bắt đầu với bốn người lực sĩ trang sức nghiêm thân tay cầm những bó đuốc lớn đến bên dàn hỏa để đốt nhưng cả thảy đều bị tắt. Rồi một đám đông lực sĩ đem những bó đuốc lớn để đốt nhưng cũng đều không thể đốt được. Họ lại buồn rầu ngơ ngác và chẳng hiểu duyên cớ gì. Lúc bấy giờ ngài Ca Diếp bèn nói to cho đại chúng hay rằng, kim quan của đức Phật chẳng thể dùng lửa thường mà đốt cháy được và dù có lửa trời cũng chẳng thể chạm vào được. Chỉ có sức thần của đức Như lai mới có thể tự đốt được. 
Lời ngài vừa xong thì lúc ấy do thần lực của đức Thế tôn, từ nơi ngực ngài một ngọn lửa phóng ra thiêu đốt cả kim quan, cháy sáng cả một vùng rộng lớn và ánh lửa ấy cháy mãi đến bảy ngày mới tàn rụi. Khi lửa vừa cháy lên bốn chúng đệ tử của đức Phật cùng nhân dân trong thành cũng buồn than khóc lóc trọn bảy ngày không dứt, tiếng vang ra tận những phương xa và người người đều đến đây chiêm bái đảnh lễ và cúng dường.

Khi nhục thân đức Phật bốc cháy, thì từ bên da ngoài da thịt mỏng cho đến bên trong gân cốt khớp xương thảy đều cháy sạch, các tro tàn và than cũng chẳng còn lại, chỉ có xương Xá lợi nhiều màu sắc sáng chói là còn lại. 
Khi buổi trà tì vừa xong thì lúc bấy giờ lại có điềm lạ xuất hiện. Từ nơi hư không bỗng nhiên có một dòng nước tuôn xuống dập tắt giàn hỏa Thế tôn, và bên dưới dất cũng có một giòng nước phun lên tưới tắt những vật còn cháy dở xung quanh. Những người dân làng thuộc bộ tộc Malla ở Câu Thi Na cũng phụ mang các loại nước thơm đến để dập tắt giàn hỏa Thế tôn.

Sau lễ hỏa thiêu, để tránh sự xung đột của tám vương quốc lân cận trong việc tranh dành Xá lợi của đức Phật, dân làng người Malla thu nhặt những Xá lợi đức Phật và đem chia đều cho 8 vương quốc ấy. Ai nấy đều hoan hỷ đem về và xây tháp cúng dường.

Câu thi na, theo dấu người xưa

 Vào thời Phật còn tại thế Câu Thi Na là một thị trấn nhỏ bé, nơi có ít dân cư sinh sống và đa phần thuộc bộ tộc Malla. Tuy nhiên đây là một giống dân hiền lành và tin mộ đạo. Các người trong bộ tộc này hoặc tin theo các thầy thuộc Bà la môn giáo hoặc tin theo Phật giáo mà lúc bấy giờ khi nghe tin đức Phật sắp nhập diệt, họ kéo nhau đi đến chiêm bái, đảnh lễ và khóc than sầu não. 
Tuy nhiên theo lời đức Phật Thích ca kể cho ngài A Nan thì trong vô số kiếp về trước Câu Thi Na này từng là kinh đô của nước Kusavati dưới sự trị vì của vua Mahasudassana (vua Đại Thiện Kiến). Kinh đô lúc ấy phía Bắc rộng đến mười hai do tuần và phía nam rộng đến bảy do tuần, dân cư sống đông đúc và phồn thịnh; người dân sống sung mãn và thực phẩm phong phú. Trong hàm ý nói lên sự thịnh vượng giàu có của thành phố này, đức Phật đề cập đến những sinh hoạt tại đây qua các âm thanh của chín loại tiếng: 
Này A Nan, tại kinh đô này ngày đêm vang dậy chín loại tiếng, tức là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng Tỳ bà, tiếng hát, tiếng xập xỏa, tiếng chuông.

Đức Phật một con người rất bình dị nên sự ra đi của ngài cũng mang tính chất bình dị như cuộc đời của ngài. Tuy nhiên sự ra đi và nơi chốn ra đi của ngài không phải là không mang một ý nghĩa to lớn qua lời giảng cho ngài A Nan nghe về nguồn gốc của Câu Thi Na, một nơi mà ngài A Nan coi thường vì tánh cách nhỏ bé, nghèo nàn xa lánh phố thị của nơi này. 
Sau khi đức Phật nhập diệt chẳng bao lâu thì vùng đất Câu Thi Na thuộc bộ tộc Malla bị sát nhập vào vương quốc Ma Kiệt Đà và sau đó đến thời đại vua A Dục thế kỷ thứ III trước Tl thì Câu Thi Na đã thành một phần của một vương quốc rộng lớn do vua A Dục thống lãnh.

 Sau khi quay trở về với Phật giáo vua A Dục cũng đến viếng Câu Thi Na trong một lượt chiêm bái các thánh tích của đức Phật. Đến Câu Thi Na vua cũng cho xây các trụ đá và những ngôi tháp để đánh dấu và tưởng niệm đến đức Phật. 
Trải qua mấy thế kỷ sau và đến thời ngài Pháp Hiển, một cao tăng Trung Hoa sang chiêm bái các thánh tích tại đây vào khoảng thời gian giữa năm 399 và năm 414 sau Tl, thì ngài có ghi nhận về Câu Thi Na với nhiều tháp, tự viện và lúc bấy giờ nơi đây đang là một trung tâm tu học phồn thịnh. Trong các triều đại Gupta, Phật giáo lại càng phát triển mạnh và các ngành về nghệ thuật, mỹ thuật Phật giáo cũng đã đạt đến điểm cao nhất trong thời gian này.

Đến triều đại Kumargupta (413-455), có nhà nghệ thuật gia tên là Haribhadra tạc một bức tượng Phật theo tư thế nhập Niết bàn rất tuyệt đẹp và sau khi tạc xong ông ta đã cho an vị vào ngôi chùa Đại Niết Bàn, ông ta cũng cho trùng tu một số các tháp và chùa viện tại đây. Bức tượng độc đáo của nhà nghệ thuật gia Haribhadra sau một thời gian dài đã bị tan vở và vùi lấp đuới đống gạch vụn nhưng ngày nay qua các cuộc khai quật người ta đã tìm thấy được và ráp lại, cũng như đưa trở về vị trí cũ trong ngôi chùa Đại Niết Bàn.

Vào khoảng năm 620-644, tức là thời ngài Huyền Trang đến Ấn Độ và thăm viếng Câu Thi Na thì lúc bấy giờ nơi đây đã điêu tàn và gần như hoang phế. Ngài đề cập đến Câu Thi Na này một cách khá chi tiết như sau: 
Thủ đô của nước này đã bị tàn phá và các làng xóm bị bỏ rơi trong hoang tàn đổ nát. Những nền móng gạch của dãy tường thành thủ đô xưa kia có chu vi rộng khoảng 10 lý. Có ít dân cư sống ở đây và những con đường phố bị hư nát. Về hướng đông bắc của cổng thành phố có một trụ đá do vua A Dục cho xây dựng. Đây là nơi ngôi nhà xưa của người thợ sắt Chunda. Giữa khu vực này có một giếng nước được đào vào thời gian ông ta cúng dường đến đức Phật. Mặc dù giếng nước này đã trải qua nhiều năm tháng, nước nơi ấy vẫn còn rất trong và ngọt.

Về phía tây bắc của thành phố khoảng ba hoặc bốn dặm, ngang qua dòng sông Ajitavati, không xa từ mạn tây ngạn dòng sông này, chúng tôi (ngài Huyền Trang) đến khu rừng Sala. Cây Sala hơi giống cây Huh với vỏ cây màu lục nhạt và những chiếc lá có màu sắc sáng loáng và mịn. Nơi đây có bốn 
thân cây với chiều cao lạ thường, đánh dấu nơi đức Phật đã nhập diệt. 
Nơi đây có một ngôi tịnh xá bằng gạch to lớn, trong có một hình tượng Phật mang hình dạng nhập Niết bàn. Ngài nằm trong tư thế đầu hướng về phương bắc. Cạnh bên tịnh xá này có một trụ đá do vua A Dục xây dựng và mặc dù trong 
tình trạng sập đổ nó vẫn còn có chiều cao là 200 feet. Trước đó là một trụ đá ghi khắc những dữ kiện về sự nhập diệt của đức Phật. Mặc dù các ghi chú còn đó nhưng người ta không thấy đề cập ngày, năm hoặc tháng.

Đây đó quanh Câu Thi Na cũng có bao nhiêu là đền tháp đánh dấu nhưng sự tích xa xưa thời đức Phật cũng như những kiếp sống hành hạnh Bồ tát trong quá khứ của ngài. Đây là tháp đánh dấu trong tiền kiếp Bồ tát đã mang thân chim và khi thấy khu rừng ấy đang bị hỏa tai, chim đã bay đến dòng suối gần bên để lấy nước và rẩy lên đám cháy mong dập tắt để cứu sống sinh mạng cho nhiều muông thú. 
Kia là tháp đánh dấu nơi Bồ tát mang thân nai hy sinh mạng sống của mình ngăn chận một dòng suối để cứu thoát những sinh vật đang bị chết đuối nơi ấy. Rồi những ngôi tháp khác đánh dấu nơi nhập diệt của Subhadda (Tu Bạt Đà La), người đệ tử 120 tuổi xuất gia lần cuối cùng với đức Phật, đã đắc quả A La Hán và nhập diệt trước ngài. Cạnh bên tháp này là một tháp khác đánh dấu nơi ngài Kim Cang Thủ ngã xuống ngất xỉu trên mặt đất khi trông thấy đức Phật nhập Niết bàn.

Từ thời đại của ngài Huyền Trang trở đi thì tại Câu Thi Na những ảnh hưởng tôn giáo càng mất dần hơn. Vua chúa không còn ủng hộ và nơi này trở thành nơi hoang vắng như thuở nào. Các sử liệu gần như không đề cập gì đến nơi này kể từ thế kỷ thứ VII đến XII. Phải chăng do vì địa thế quá xa xôi và hẻo lánh mà trong những thời gian sau đó Phật giáo đã không đủ sức phát triển và hoạt động mạnh tại nơi này. 
Tuy nhiên Câu Thi Na thật sự rơi vào quên lãng từ sau thế kỷ thứ XIII do vì chiến tranh loạn lạc khắp nơi xảy ra tại Ấn Độ lúc bấy giờ và cũng do vì người Hồi giáo đã chẳng nhân nhượng trong các công việc đập phá hầu hết các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ vào thời điểm ấy. Sơ lược qua các thời điểm tang thương và đen tối nhất cho Phật giáo tại các thánh tích thường là khoảng giữa thế kỷ XII và XIII, khi quân đội Hồi giáo từ các nước Trung đông tràn xuống đánh chiếm và vơ vét của cải ở khắp Ấn Độ. Mãi đến thế kỷ thứ XIX, tính cách lịch sử của Câu Thi Na mới được tình cờ khai phá do nhà khảo cổ Wilson (1854) và một vài năm sau đó các cuộc nghiên cứu, khai quật có tính cách khảo cổ mới được chính thức thực hiện do nhà khảo cổ học Cunningham và người phụ tá của ông là Carlleyle. Trong các cuộc khai quật này người ta tìm thấy một mô gạch rất lớn chung nền với một ngôi chùa và nền này có độ dày khoảng 7 feet; ngôi chùa từng được xây dựng trên nền này có lẽ được xây dựng giữa thế kỷ XI và XII trên nền một ngôi chùa xưa hơn và có lẽ đây là ngôi chùa nguyên thủy. Những sự kiện này chứng tỏ rằng địa điểm nơi đây đã bị đốt cháy và cướp phá đến khoảng thế kỷ XIII.

 Dựa vào những lời miêu tả của ngài Huyền Trang trong tập Tây Du Ký, các cuộc khai quật đã tìm ra thêm nhiều các nền móng tự viện, tịnh xá và những tháp thờ. Cunningham cũng tìm thấy một pho tượng Phật nhập Niết bàn nằm bể nát bên trong một mô gạch cao. Mặc dầu bị vỡ khi được tìm thấy nhưng sau đó người ta đã cho phục hồi lại pho tượng. Pho tượng nguyên thủy này xưa kia dài 6m và hiện nay cũng được đặt lại y nơi vị trí xưa của nó, đầu hướng về hướng bắc theo tư thế đức Phật khi nhập Niết bàn. 

Đầu thế kỷ XX vào khoảng giữa các năm 1904-1907 và 1910-1912, các cuộc khảo cứu khác được thực hiện bởi nhà khảo cổ Vogell đã minh định thêm các di tích Phật giáo ở ngôi làng Câu Thi Na này. Năm 1956 công cuộc tái thiết ngôi chùa Niết Bàn được hoàn thành và kiến trúc ấy ngày nay vẫn hiện hữu với mái hình vòm, có các cửa sổ lớn thông ra bốn bên và sau ngôi chùa này là ngôi tháp Đại Niết Bàn to lớn hùng vĩ. 
Hiện nay nơi chốn này đã được các nhà nghiên cứu, các người phật tử ở nhiều nơi trên thế giới thừa nhận như là một trong bốn nơi chốn linh thiêng và quan trọng nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ. 
Câu Thi Na ngày nay cũng là một ngôi làng bé nhỏ nằm cách phố Kasia khoảng 3,2 km về hướng tây nam và cách Gorakhpur thị trấn lớn gần nhất là 52 km. Khu vực này tọa lạc trong tiểu bang Uttar Pradesh thuộc miền đông bắc Ấn Độ.

Những di tích lịch sử

Đại tháp chính:  
Có chiều cao là 45,72m tọa lạc ngay phía sau chùa Niết Bàn. Đại tháp này có cùng chung nền với chùa Niết bàn với độ cao 2,74m từ mặt đất. Trong các cuộc khai quật trước đó, người ta đã tìm ra tàn tích của ngôi tháp này và tháp bắt đầu được trùng tu lại vào năm 1927 do sự đóng góp cúng dường của Miến Điện. Lần trùng tu sau cùng là vào năm 1972 cũng do sự đóng góp cúng dường của các phật tử Miến Điện. 
Chùa Niết bàn: Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1876 do nhà khảo cổ học Carlleyle. Theo sự nghiên cứu cho biết thì nền móng ngôi chùa được tìm thấy có thể không phải là nền móng nguyên thủy như ngài Huyền Trang đã miêu tả trong tập sách Tây Du Ký, mà nền móng này có thể là nền móng thứ hai được xây dựng trên nền cũ vào khoảng thế kỷ XI-XII sau Tl.

Trong cuộc đào xới năm đó người ta tìm thấy một pho tượng Phật bị bể theo tư thế nhập Niết bàn, sau này người ta đem ráp lại và đặt nguyên lại vị trí cũ. 
Tượng được biết là làm vào thời đại Gupta, khoảng giữa năm 415 và 456 sau Tl, do một vị tăng tên là Haribhadra. Ngày nay tượng được đặt nằm theo vị trí cũ trong ngôi chùa Đại Niết Bàn này. Tượng Phật nhập diệt dài khoảng 6m, và trên thân ngài thường được choàng lên các tấm y do các phật tử cúng dường. Nơi lòng bàn tay ngài và chân ngài đều có những nét biểu hiện tướng tốt và vẻ đẹp nơi ngài. 
Cuộc khai quật gần đây nhất vào năm 1976 đã tìm ra nhiều mảnh xương, mẫu than, cũi và những miếng sọ người cho thấy nơi này bị người Hồi giáo đốt phá nhiều lần trước khi vùng này hoàn toàn rơi hẳn vào quên lãng trong 6 thế kỷ sau đó. 
Năm 1956 một cuộc trùng tu đại quy mô ngôi chùa này và kiến trúc ngôi chùa Niết bàn hiện nay là bắt đầu từ năm ấy. Đường đi kinh hành trước đây chỉ rộng độ 0.60 m nay đã được mở rộng ra thêm nhiều.

Tháp hỏa thiêu:  
Hơn một km về hướng Bắc của ngôi chùa Đại Niết Bàn là nơi hỏa thiêu nhục thân của đức Phật khi xưa. Nơi đây được đánh dấu bằng một ngôi tháp to lớn nhưng trải qua thời gian ngày nay chỉ còn lại một mô gạch vĩ đại tọa lạc giữa một công viên có vườn hoa xinh đẹp được bảo quản và coi ngó cẩn thận. Nơi này cũng được chính phủ Ấn Độ quan tâm và xếp vào hạng những di tích lịch sử quốc gia. 
Theo như đường kính của ngôi tháp này người ta có thể ước tính nó lớn gấp đôi ngôi chùa Niết bàn. Xung quanh mô tháp này cũng có một số các nền móng chùa viện hoặc tháp.

Khu vực khảo cổ:  
Chung quanh đại tháp và ngôi chùa Đại Niết Bàn là một khu vực khảo cổ rộng lớn gồm rất nhiều nền móng của các tự viện và đền tháp khi xưa. Đa phần các nền móng của chùa tháp này được biết có từ khoảng thế kỷ thứ I sau Tl, và cũng trong các cuộc khai quật này người ta tìm thấy nhiều đồng tiền, các mẫu đá điêu khắc nghệ thuật ghi dẫn những sự tích và sự nhập diệt của đức Phật tại Câu Thi Na này. Một số những nền tháp nhỏ khác thì được ghi nhận là do sự kiến tạo của những người hành hương đến đây chiêm bái và cho xây cất để cúng dường và tưởng niệm đức Phật. Nhìn chung các di tích này đã một thời đánh dấu những hoạt động Phật giáo tại nơi đây cho đến khoảng thế kỷ thứ XI.

Nền Matha-Kuar:  
Trên con đường chính ngay ngả rẻ đi về hướng tháp nơi hỏa thiêu nhục thân đức Phật là một khu vực khảo cổ khác, nơi được ghi nhận là một đền thờ kỷ niệm “thái tử mất” tại đây. Đối với người phật tử và chư tăng thì đức Phật là một bậc thầy vĩ đại và đã nhập Niết bàn tại đây, nhưng có lẽ đối với dòng họ Thích thì ngài vẫn được xem là một thái tử thuộc dòng họ Thích, nên để kỷ niệm sự ra đi của ngài dòng họ hoàng tộc đã cho lập đền thờ tại đây và mang một tên đặc biệt (thái tử mất) trên là vậy. Trong ngôi đền thờ này người ta còn tìm thấy một pho tượng Phật cao 3.05m trong tư thế “xúc địa ấn”. Mặt ngoài pho tượng có những ghi chú mà người ta tin rằng tượng này được làm vào khoảng thế kỷ X hay XI sau Tl. Khi tượng được tìm thấy thì lúc ấy tượng đã bị vỡ ra hai mảnh nhưng ngày nay tượng đã được ráp lại và đưa về vị trí cũ trong ngôi đền.

Viện bảo tàng:  
Tọa lạc phía bên trái trên con đường trở về từ tháp hỏa thiêu. Nơi viện bảo tàng này cũng sưu tập được rất nhiều các di tích Phật giáo qua các hình tượng, mẫu vật bằng đất, đồng từ nhiều triều đại khác nhau vào khoảng thời gian trước và sau Tl.

Chùa Phật giáo quanh vùng.

Chùa Linh Sơn:  
Đầu tiên có thể kể về chùa này vì ít nhiều ngôi chùa này cũng dính liền với người Việt của chúng ta. Chùa này nguyên trước kia thuợc về người Hoa có tên là Song Lâm tự, được những người phật tử người Hoa cúng dường xây cất vào năm 1948-1950. Tuy nhiên vào thời gian gần đây khi vị Ni sư viên tịch, chùa này được bàn giao lại cho H.T Huyền Vi, viện chủ chùa Linh Sơn Pháp quốc. Cách đây ba năm H.T có cử sư cô Trí Thuận sang đây điều hành và lo các công việc Phật sự. Qua sự năng động và khéo léo của cô mà giờ đây ngôi chùa đã được trùng tu và tái tạo lại rất tốt đẹp. Một dãy khách xá mới hai tầng đầy đủ tiện nghi cũng vừa được hoàn thành trong năm qua, mang lại một nơi chốn trú ngụ tốt đẹp cho người phật tử Việt Nam mỗi khi họ có dịp hành hương đến Câu Thi Na này.

Chùa Miến Điện:  
Tọa lạc sát bên chùa Linh Sơn với một khu đất thật rộng lớn. Chùa được xây cất vào khoảng năm 1945 bởi những người phật tử Miến Điện. Hiện chùa cũng đang có những dự án xây cất và mở rộng thêm các hoạt động sinh hoạt phật giáo tại đây.

Chùa Nhật:  
Nằm trên đường đi đến tháp hỏa thiêu nhục thân đức Phật. Chùa này là một kiến trúc hài hòa giữa Tích Lan và Nhật Bản với ngôi chánh điện được xây theo hình vòm tròn, có lẽ lấy kiểu từ tháp đại Niết bàn. Trong chánh điện có một tượng Phật Nhật bản và hai bên là các bức tranh Phật, Bồ tát được họa theo lối Nhật.

Chùa Tây Tạng: Gần bên chùa đại Niết Bàn và đường cái hướng về tháp hỏa thiêu nhục thân Phật. Chùa không lớn lắm và kiến trúc khá đơn giản. Nhiều dãy tăng phòng được xây tại đây nhằm đáp ứng nơi ở cho chư tăng Tây Tạng đến đây vào mỗi dịp hành hương.

Để đến Câu Thi Na.

Máy bay.  
Trước đây khi muốn đến Câu Thi Na thì người ta phải đáp máy bay đến Gorakhpur, thành phố gần nhất. Nhưng theo tin chúng tôi được biết thì trong năm nay 96, sẽ có đường bay trực tiếp đến Câu Thi Na. Thời gian và chuyến bay chi tiết xin liên lạc với các văn phòng du lịch.

Xe lửa.  
Xe lửa cũng chỉ đến Gorakhpur và tại đây du khách có thể đón tiếp xe buýt hoặc taxi để đi tiếp đến Câu Thi Na.

Xe buýt.  
Khách hành hương có thể đi xe buýt trong hầu hết mọi tuyết đường ở Ấn Độ. Tuy nhiên đây là một vấn đề tốn rất nhiều thời gian và năng lực. Riêng Câu Thi Na người ta cũng có thể đến đây bằng xe buýt từ ngã Ba La Nại (Varanasi) đến Gorakhpur và từ đây phương tiện tốt và tiện lợi hơn hết là thuê Taxi từ Gorakhpur đi Câu Thi Na (52km) với giá từ 400-500 Rs trở lại.

Ngủ lại đâu? Ngủ lại Chùa.

 Tại Câu Thi Na không có nhiều khách sạn như các nơi mà chỉ có các chùa với các phòng ốc cho khách hành hương thuê. Hầu hết các chùa như: Chùa Miến Điện, chùa Tây Tạng, chùa Linh Sơn.v.v... đều có phòng cho thuê, riêng chùa Việt thì chắc mọi người cũng biết là “Tùy hỷ cúng dường”. Theo thiển ý của chúng tôi thì nơi trú ngụ tốt nhất cho khách hành hương tại Câu Thi Na này là chùa Linh Sơn, hiện nay do sư cô Trí Thuận trụ trì. Nơi đây hiện đã hoàn tất một dãy khách xá gồm hai tầng, rất tiện nghi, sạch sẽ và phải nói là hơn hẳn các khách sạn Ấn Độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/07/2010(Xem: 15958)
Ở làng quê Việt Nam ngày xưa, khi làm mùa vụ, người nông dân có thể nhờ vài người trong thôn xóm đến phụ giúp mà không phải trả tiền. Chỉ cần đến phiên bên kia làm mùa vụ, hay sửa sang nhà cửa, hoặc bất cứ công việc nặng nhọc nào đó, thì bên này sẽ qua phụ giúp lại. Cái đó gọi là vần công. Cách thức này thật hay.
25/06/2010(Xem: 9616)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
17/06/2010(Xem: 8908)
Gần90 phần trăm dân tộc Miến đều theo Phật Giáo. Giữa khung cảnh xanh tươicủa đất Miến, người ta thấy vươn lên từ các đỉnh đồi dọc theo bờ sông hay trên thung lũng những ngôi chùa màu trắng. Ðời sống xã hội Miến hoàntoàn xây dựng trên nền tảng Phật Giáo. Tinh thần từ bi của đạo Phật đã thấm nhuần sâu xa khắp mọi tâm hồn dân Miến. Trong xã hội tăng già hay Phongyis chiếm một địa vị cao quý, quan trọng. Ảnh hưởng của họ chi phốikhắp các từng lớp dân chúng. Họ tham dự vào hết thảy mọi công tác từ thiện. Mỗi thôn xóm đều có một ngôi chùa gọi là Phong yikyaung để giúp đỡ, phát triển Phật sự trong vùng.
02/06/2010(Xem: 8819)
Một người bề ngoài trông có vẽ khỏe mạnh với vóc dáng hấp dẫn , diện mạo phương phi nhưng nếu trong lòng có điều phiền muộn , bất ổn về tâm lý thì không thể xem là có sức khỏe toàn diện . Và yếu tố tâm lý luôn luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì , bảo vệ sức khỏe .
01/06/2010(Xem: 6896)
Phóng sinh bắt nguồn từ kinh Phật Đại Thừa, thịnh hành ở Trung Hoa, Tây Tạng, truyền sang Nhật Bản và các nước láng giềng Triều Tiên, Việt Nam. Hoạt động phóng sinh dựa trên tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh, và quan niệm nhân quả của sinh tử luân hồi. Nếu vừa giữ giới sát, lại vừa phóng sinh thì công đức gấp bội.Những tỷ dụ kinh nghiệm cảm ứng về phóng sinh, sách sử nói đến rất nhiều.
27/05/2010(Xem: 10706)
Có người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khỏai để làm việc, năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc!
15/05/2010(Xem: 7993)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương - Thích Thanh Cát, Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Ngài tự nghĩ : “Xa lìa mọi ham muốn, tâm được yên vui bình tĩnh. Tâm yên vui bình tĩnh là điều cao quý nhất. Chính Tâm ấy mới ở trong Đại-định để hàng phục mọi ma chướng.” Suy nghĩ xong, Đức Phật đến vườn Lộc-Giả nói pháp Tứ-đế, độ anh em ông Kiều Trần Như, năm người đều chứng đạo quả. Tiếp đó có vị Tỳ-khưu lại muốn hỏi những điều còn nghi ngờ, xin Phật chỉ bảo cho các điều phải trái. Vì vậy, Đức Thế-Tôn lại cặn kẽ dạy bảo khiến các vị Tỳ-khưu, ai nấy đều lĩnh hiểu rành mạch, và chắp tay kính cẩn đón nghe những lời Phật dạy.
09/05/2010(Xem: 13251)
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò", có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ", đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
26/04/2010(Xem: 9186)
Phép Lạ Trong Câu Nói Của Vị Bác Sĩ Sau Đại lễ Phật Đản, tôi đến Chùa thăm Sư Phụ và Chư Tôn Đức. Lúc chờ ở ngoài sân Chùa, phía sau hiên nhà bếp, tôi gặp rất đông anh em làm công quả đang đứng ngồi giải lao. Họ hỏi tôi: - "A Di Đà Phật, lúc này anh Thị Chơn có khám phá ra điều gì lạ không? Nói cho tụi em biết với". - "A Di Đà Phật. Lạ thì chẳng có gì lạ cả". Tôi trả lờirồi tiếp:
10/03/2010(Xem: 12013)
ĐẠO TỪ CỦAHOÀ THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ VIỆN TRƯỞNGVIỆN HOÁ ĐẠO
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]