Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghĩ Về Truyền Thông Và Phật Giáo

21/06/201511:14(Xem: 9433)
Nghĩ Về Truyền Thông Và Phật Giáo

Truyen Thong Dai Chung

Nghĩ Về Truyền Thông Và Phật Giáo

 

Huỳnh Kim Quang

 


Trong đạo Phật có câu nói rất phổ biến là “Nhất niệm thông tam giới,” một niệm biến khắp ba cõi – cõi dục, sắc, và vô sắc. Một niệm tức là một móng tâm, một ý nghĩ khởi sinh từ tâm. Điều này cho thấy hai ý nghĩa: làn sóng vi ba khởi sinh từ tâm dù vô hình vô tướng vẫn có thể lan xa khắp ba cõi, và qua đó, ảnh hưởng của một niệm có thể bao trùm cả cõi không gian rộng lớn vô cùng.

Quan điểm này có thể nhìn thấy rõ nhất trong thế giới truyền thông ngày nay. Chỉ trong chớp mắt, trong một cái nhấp tay hay cái bấm tay trên máy điện toán hay điện thoại cầm tay thì một bản tin, một sự kiện, một hình ảnh có thể đi khắp thế giới và ảnh hưởng đến hàng tỉ người trong “ngôi làng toàn cầu.”[1]

Những chữ và hình ảnh mà chúng ta đọc hay nhìn thấy được trên các máy điện toán, các máy truyền hình, các điện thoại di động đều được cấu thành bởi những ký hiệu mã hóa hay những điểm phân giải vi tế. Khi chúng ta đọc được chữ hay nhìn được hình ảnh trên màn ảnh của máy điện toán, máy truyền hình, hay điện thoại cầm tay, chúng ta chỉ nhìn thấy chữ và hình sau khi được tập thành hoàn chỉnh, nếu không thì chúng ta không thể đọc được chữ hay nhìn thấy được hình gì cả. Thực tế, chữ và hình đó chỉ là phần được biến thái của mã số hay điểm phân giải do nhà lập trình máy tạo ra, giống như Duy Thức Học nhà Phật gọi là “thức biến” từ dạng nguyên bản của các chủng tử nằm trong A Lại Da Thức thành thiên hình vạn trạng của năng tri và sở tri. Chúng là kết quả của một quá trình chuyển biến thần tốc và vi tế đến mức mắt thường của chúng ta không thể thấy. Chúng thực sự không phải là cái mà chúng ta gọi là hiện thực như thực của sự kiện, hay của một pháp đang diễn ra dù là trước mắt của chúng ta. Đó là thế giới ảo, thế giới mà chúng ta có thể nhìn thấy hay nghe những biến tướng của chúng nhưng không thể bước vào đó để cảm nhận như cuộc sống hiện thực.

Điều kỳ lạ đến không thể tưởng tượng được là chính thế giới ảo của truyền thông đó đã ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 21, mà trong đó có Phật Giáo.

Nhờ kỹ thuật tin học hiện đại, truyền thông đã đi một bước dài chưa từng thấy trong lịch sử từ lãnh vực thông tin đại chúng với truyền hình, báo chí, truyền thanh vào sâu và xa trong thế giới thầm kín của từng cá nhân con người qua các dạng trang mạng xã hội,  Facebook, Twitter, blog, Friendster, hi5, Tagged, Flixster, Classmates, Bebo, Orkut, Netlog, Google+, Linkedln, Tumblr, v.v… Nói là mạng xã hội vì qua những trang mạng cá nhân này, con người có thể tự mở cửa nhìn vào xã hội và ngược lại xã hội cũng có thể nhìn vào sinh hoạt của từng cá nhân con người một cách tương đối dễ dàng và thuận lợi. Ở đây, thế giới tư ẩn của mỗi cá nhân đã được phô bày ra trước xã hội có thể là tự nguyện và cũng có thể là không tự nguyện. Từ đó nhiều nhà xã hội học như Brian Jung, từ University Hospitals tại Cleveland tiểu bang Ohio, quan tâm đến quyền tư ẩn bị xâm phạm.[2]

Theo thăm dò của Trường Cao Đẳng Tiểu Bang Georgia có chủ đề “Những Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Truyền Thông Xã Hội Đối Với Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên” được công bố trong năm nay, nói rằng giới trẻ Mỹ tuổi từ 8 tới 18 đã vào các trang mạng xã hội từ 45 phút tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. 51 phần trăm trẻ em cho biết họ đã bị trang mạng bắt nạt, ngược lại 49 phần trăm trẻ em cho biết họ đã quấy rầy người khác trên mạng. Trong khi đó cũng theo thăm dò nói trên thì 72 phần trăm những người làm cha mẹ lo ngại con em họ phát hiện ra những thông tin không chính đáng trên mạng.[3]

Trong khi đó, thăm dò của Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu Pew có chủ đề “Trang Mạng Toàn Cầu Ảnh Hưởng Tốt Về Mặt Giáo Dục Nhưng Cũng Ảnh Hưởng Xấu Về Mặt Đạo Đức Tại Các Nước Đang Trỗi Dậy Và Phát Triển,” được công bố hôm 19 tháng 3 năm 2015 cho thấy rằng 64 phần trăm người sử dụng internet tại 32 quốc gia đang trỗi dậy và phát triển cho rằng trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng tốt về mặt giáo dục, với ít nhất một nửa nói rằng rằng nó có ảnh hưởng tốt về mặt quan hệ cá nhân (53%) và kinh tế (52%). Cũng theo thăm dò của PEW nói trên, 42% số người trả lời cho biết trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức, ngược lại chỉ có 29% cho là có ảnh hưởng tốt. Thăm dò của PEW nhấn mạnh rằng không một quốc gia nào được thăm dò có đại đa số người cho là internet có ảnh hưởng tốt về mặt đạo đức.[4]

Tất nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng như internet, truyền hình, báo chí, và các trang mạng xã hội đã và đang đem đến cho con người nhiều điều bổ ích và tiện lợi. Chẳng hạn, nhờ truyền thông đại chúng và mạng xã hội, chúng ta có được vô số tin tức cập nhật từng phút từng giờ trên khắp thế giới. Bao nhiêu kiến thức phổ thông và chuyên môn về nhiều lãnh vực từ giáo dục, sức khỏe đến mọi nhu cầu của cuộc sống, cũng như hàng khối dữ liệu, sách báo, phim ảnh quý báu mà nếu không có internet, truyền thông và mạng xã hội hiện đại thì một đời người chắc chắn không thể nào sưu tìm ra được.

Đối với Phật Giáo, thế giới tục đế là tương đối và vì vậy luôn luôn có tốt và xấu, có thiện và ác cùng hiện hữu. Tự bản chất, thế giới truyền thông được hình thành và phát triển trong mối tương quan tương duyên của nhiều điều kiện và không có tự tính cố định. Chúng cũng luôn luôn biến đổi và vô thường trong từng sát na chứ không phải chỉ trong giờ phút. Nó là thế giới ảo luân diễn trong ba cõi không thật. Nhìn sâu vào bản chất cả truyền thông và con người dưới tuệ nhãn của nhà Phật đều là không thật, chỉ như những ảo ảnh chợt hiện chợt tắt trên màn hình kỹ thuật số. Cả hai đều đang đóng vai của những diễn viên trên sân khấu cuộc đời mà đạo diễn chính là tâm thức con người. Tâm thức ấy có khi thiện và cũng có lúc ác. Nhưng kỳ thật cái tâm chủ nhân ông tạm thời đó cũng chỉ là trạng huống biến thể của một thế lực vô hình vô tướng nhưng năng lực thì thật là kỳ diệu vô song mà mắt người không thấy được, giống như luồng điện kích động cho những mã số và điểm phân giải hoạt động trên máy điện toán và màn ảnh truyền hình.

Nhưng làm sao con người có thể thoát được tác động của thế giới truyền thông, dù nó cũng là sản phẩm do chính con người tạo ra, trong cuộc sống tương đối và nhiều hệ lụy này? Đây có lẽ cũng là điều mà nhiều người đang quan tâm.

Đức Phật đã nói từ lâu rằng con người là kẻ thừa tự những gì do chính họ tạo ra. Chiêm nghiệm lời Phật dạy và nhìn vào thực tế chúng ta thấy con người tạo ra máy điện toán, điện thoại cầm tay, trang mạng toàn cầu, truyền hình, báo chí, v.v… Rồi cũng chính con người ở một bình diện nào đó là nạn nhân của những sản phẩm kia. Điều mà đức Phật gọi là do con người tạo ra chính là hành động tạo tác của thân, miệng và ý, hay nói theo thuật ngữ nhà Phật là ba nghiệp. Trong 3 nghiệp này thì chủ chốt nhất là tâm. Vì vậy, để giải nghiệp thì phải bắt đầu từ tâm. Tâm nghĩ điều lành thì miệng sẽ nói điều lành và thân sẽ làm điều lành. Nhờ đó mà cuộc sống cá nhân và cộng đồng xã hội sẽ được nhờ, sẽ được an ổn, hòa bình. Đây là điều kiện chính yếu và quan trọng nhất để xây dựng và phát triển truyền thông theo chiều hướng cải thiện và xây dựng con người và xã hội.

Trong ý nghĩa này, nhà làm truyền thông cần nên có cái tâm. Cái tâm mà thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều gọi là, “Thiện căn ở tại lòng ta…” Đó là cái tâm lành mà nhà truyền thông nên nghĩ đến khi viết hay đưa một bài viết, một bản tin, một hình ảnh lên các phương tiện truyền thông để phổ biến đến đại chúng. Nghĩ cho người khác là tâm vị tha của nhà Phật. Nó phát xuất từ tấm lòng biết nghĩ cho tha nhân, biết cảm thông và thương tưởng đến đồng loại, cũng như biết điều mình sắp làm sẽ có tác dụng như thế nào đến cá nhân con người và xã hội chung quanh. Trong thế giới tương đối này, chúng ta sống được là nhờ tất cả những điều kiện, những duyên từ bản thân đến gia đình và cộng đồng xã hội gộp lại, tuyệt nhiên trong đó không có một điều kiện nào đóng vai trò độc lập duy nhất làm cho chúng ta tồn tại. Do đó, nhà truyền thông thực hiện quyền tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì, muốn viết gì cũng được, mà phải biết nghĩ đến người khác, biết tôn trọng các quyền cơ bản của người khác, theo khuôn khổ luật pháp của quốc gia mà mình đang sống, và không làm hại đến tha nhân và cộng đồng xã hội. Chính vì thế, ngoài cái tâm ra, nhà truyền thông còn cần có cái trí để biết cách hành xử quyền tự do ngôn luận của mình sao cho hợp tình hợp lý. Cái tâm là từ bi. Cái trí là trí tuệ. Đó là hai cái bánh của cỗ xe Đạo Phật mà nhà truyền thông Phật Giáo đang lái trên đường trung đạo đưa mình và người ra khỏi sự trói buộc của nghiệp lực bủa vây để vươn đến cuộc sống an lạc, giải thoát và phát triển toàn diện.

Khi đức Phật sắp nhập niết bàn, Thầy A Nan hỏi đức Phật sau này ghi lại những lời dạy của Phật thì lấy gì làm bằng cho người khác tin, đức Phật dạy Thầy A Nan nên bắt đầu mỗi bài kinh bằng câu: “Như thị ngã văn,” tức là “Tôi nghe như vầy.” Tôi là Thầy A Nan. Nghe như vầy là nghe đức Phật giảng như thế nào thì tụng lại, ghi lại như thế đó, không thêm không bớt. Nguyên tắc này có thể ứng dụng thích đáng cho lãnh vực truyền thông. Nghe như thế nào, thấy như thế nào thì kể và viết lại như thế đó, tức là tôn trọng sự thật. Không tôn trọng sự thật, nhà truyền thông tự mình phá đổ niềm tin của khán thính độc giả, của quần chúng. Nhà truyền thông không còn được tin tưởng nữa thì vai trò và chức năng truyền thông của người đó cũng tự động mất hiệu năng.

Tuy nhiên, tôn trọng sự thật và phương cách trình bày sự thật để quần chúng chấp nhận đòi hỏi đến kỹ thuật chuyên môn và kinh nghiệm đầy đủ. Vì thế, nhà truyền thông cũng cần phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dồi dào để hoàn tất nghiệp vụ một cách tốt đẹp và nâng cao thành quả của công tác truyền thông.

Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân con người đến cộng đồng xã hội, những Phật tử, tăng, ni và nam nữ cư sĩ, không thể không sử dụng đến truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội. Tất nhiên, cho đến thời điểm này đã có nhiều thành quả rất đáng khích lệ trong việc dùng truyền thông để hoằng pháp với hàng ngàn trang mạng toàn cầu, trang mạng xã hội, đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tạp chí, sách vở, tài liệu, v.v… do cá nhân, chùa viện hay tổ chức Phật Giáo của nhiều nước thực hiện.

Dù vậy, dường như đối với Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước đều chưa thật sự vận dụng đúng mức vai trò và chức năng của truyền thông cho công cuộc hoằng pháp có hiệu quả rộng lớn không những trong giới Phật Giáo mà còn đối với quần chúng và xã hội bên ngoài. Chẳng hạn, có rất nhiều chùa và tổ chức Phật Giáo làm nhiều Phật sự ý nghĩa, nhưng vì không có người viết tin, viết bài có nội dung thuyết phục để phổ biến trên các phương tiện truyền thông nên, đã không đánh động được sự tham gia đông đảo hơn nữa của quần chúng Phật tử các giới. Qua việc này có thể hiểu thêm một điều nữa là nếu các vị trú trì một ngôi chùa có khả năng viết bản tin, viết bài Phật pháp có chất lượng để phổ biến trên các cơ quan truyền thông thì sẽ giúp ích nhiều hơn nữa sự hiểu biết Phật Pháp và xây dựng vững chắc hơn niềm tin của Phật tử.

Khi các phương tiện truyền thông tin học, kỹ thuật điện toán, kỹ thuật số phổ biến rộng rãi thì giới Phật tử, xuất gia và tại gia, cũng cần phải cảnh giác cao độ đối với việc lạm dụng hay bị lạm dụng quá đáng để gây ảnh hưởng không tốt cho uy tín của Phật Giáo.

Tóm lại, truyền thông Phật Giáo gánh vác một sứ mệnh thật khó khăn, nhất là trong thời đại tin học bùng nổ hiện nay với tình trạng ngày càng phức tạp của thế giới ảo.  Sứ mệnh khó khăn đó là vừa chu toàn chức năng truyền thông hiện đại với việc bắt kịp những tiến bộ và đổi thay nhanh chóng từng ngày, vừa giữ gìn được truyền thống phẩm chất giải thoát và giác ngộ của Phật Giáo. Nhưng, có làm được như thế, truyền thông Phật Giáo mới có thể xứng đáng góp phần vào việc xiển dương Chánh Pháp của đức Phật giữa thời đại tin học, điện tử, kỹ thuật số biến đổi và tiến bộ phi mã.

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/12/2021(Xem: 6248)
Today before you think of saying an unkind word - Think of someone who can't speak. Before you complain about the taste of your food – Think of someone who has nothing to eat.
07/12/2021(Xem: 6446)
Triết học Phật giáo và Cơ học Lượng tử luôn có sự hỗ tương cho nhau. * Sự kỳ lạ của Cơ học Lượng tử đến mức thách thức các nhà khoa học và triết học tìm hiểu một số nhận thức sâu sắc hơn về bản chất của thực tế. * Một nỗ lực để tìm cách diễn giải Copenhagen, và một số người tin rằng cách lý giải này dựa vào Thế giới quan Phật giáo. * Mặc dù tôi là một Phật tử nhưng tôi phản bác quan điểm vật lý học chứng minh Thế giới quan Phật giáo.
05/12/2021(Xem: 6184)
Khi đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu, chúng ta thiết lập các kết nối sâu sắc, và giúp những người xung quanh tránh bị kiệt sức.
05/12/2021(Xem: 4271)
Mọi người bảo bạn hãy "Giữ bình tĩnh", không ai nói cho bạn biết cách làm. Những cuốn sách về thế giới của nhà văn Terry Pratchett, tác giả của loạt tiểu thuyết giả tưởng Discworld nổi tiếng, đang trở thành một bộ phim truyền hình, một trong những nhân vật kể chuyện cho người khác nghe: "Bạn có thể trực tiếp sống trong thời đại thú vị." (May you live in interesting times)
04/12/2021(Xem: 6777)
Một con gà chết oan Bên vệ đường cuộc thế Nhân sinh tùy vô ngại Nhặt nó về nấu ăn
03/12/2021(Xem: 4316)
Hằng ngày theo thông lệ kiểm mail, tôi bất chợt nhận thư mời tham dự Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) qua Zoom do Hòa Thượng Thích Như Điển thông báo. Gần ngày Đại Hội, lại nhận mail của anh Phù Vân Chủ Bút báo Viên Giác giao nhiệm vụ cho tôi và cô bạn văn Hoa Lan tường thuật buổi Đại Hội. Thế là có động lực thôi thúc tôi quyết định ghi danh tham dự. Đại Hội bắt đầu lúc 4 giờ Âu Châu, thì phải lo dậy từ 3 giờ sáng mới có thể chuẩn bị cho kịp vào Zoom vì trước 15 phút Zoom khóa cửa. Chẳng những thế, từ chiều, còn phải chuẩn bị sạc pin cho đủ 100%, ăn cơm sớm, ngủ sớm lấy sức và không quên vặn đồng hồ báo thức... Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ nhất quy tụ rất nhiều Chư Tôn Đức Tăng, Ni, Phật Tử khắp nơi trên thế giới từ Âu, Mỹ, Á, Úc... cùng nhau vào Zoom bàn chuyện phiên dịch Đại Tạng Kinh tiếp nối con đường tiền nhân để lại.
01/12/2021(Xem: 5164)
Vào tối hôm thứ Năm, ngày 25 tháng 11 vừa qua, các chi hội thứ nhất, nhì, ba Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn Toronto, Canada đồng phối hợp tổ chức một nhóm tọa đàm "Đối thoại về Tâm" (與心對話). Pháp sư Dương Phái Hân (楊沛欣法師), người tổng triệu tập Tổng hội đọc sách Phật giáo Nhân gian Toronto, dùng Pháp ngữ Trí tuệ của Đại sư Tinh Vân, Tông trưởng khai sơn Phật Quang Sơn Đài Loan, các hội viên đồng nghiên cứu thảo luận "Hướng Tuyệt diệu Sống Tự do Tự tại" (自由自在的生活妙方).
01/12/2021(Xem: 7173)
Ngẫm lại, điều gì ta xem trọng nhất trong đời. - Một người phụ nữ bất hạnh tìm đến lão Thiền sư nơi thâm sơn mong được Ngài chỉ dạy cho bí quyết nhân sinh hạnh phúc. Lão thiền sư trang nghiêm trong tư thế kiết già, khung cảnh tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng lá khô xào xạc. Thiền sư hỏi: “Xin hỏi đạo hữu, điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất là gì?”.
29/11/2021(Xem: 5872)
Mấy hôm nay đọc báo trên các mạng lưới trực tuyến xã hội tiếng Việt, người Việt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, được nghe một nguồn dư luận mới xôn xao về việc nên giữ hay bỏ một câu khẩu hiệu đã trở thành quá quen thuộc trong tất cả các hệ thống trường học Việt Nam từ xưa tới nay. Đó là câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” thường được dán ngay trên tường trước mặt học sinh trong lớp học. Vì đã quá quen thuộc và mặc nhiên được coi đây là một đạo lý đương nhiên kết hợp giữa tinh thần tôn sư trọng đạo và rèn luyện nhân cách nên qua nhiều thế hệ, câu khẩu hiệu này đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm cẩn chuyên chở giá trị nhân văn đào tạo thế hệ trẻ. Đây không phải là một câu khẩu hiệu thời trang để trang trí lớp học mà là một châm ngôn rèn luyện nhân cách trong đời sống học trò. Bởi vậy, chẳng có thầy giáo hay học sinh nào còn bận tâm đặt câu hỏi là nên hay không nên treo câu khẩu hiệu mang nội dung “nguyên lý giáo dục” hay đạo lý trồng người nầy. (Chữ L
27/11/2021(Xem: 6355)
Phật thời còn tại thế gian Có ông vua nọ ngọc vàng đầy kho Chất cao như ngọn núi to Một ngày vua muốn phát cho mọi người Đem ra bố thí khắp nơi Cái tâm phước thiện tuyệt vời biết bao!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]