Pháp thoại Hòa thượng Thích Thái Hòa giảng cho nhân viên văn phòng FDI Hà Nội vào ngày 31-3 năm 2015.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Mi Phật.
Hôm nay, ngày 31 tháng 3 năm 2015 tại văn phòng FDI Hà Nội, Tôi xin chia sẻ pháp thoại đến với nhân viên văn phòng FDI với đề tài: Con đường tự do và phát triển.
Thưa đại chúng!
Chúng ta muốn phát triển một sự việc gì thì phải có con đường tự do. Không có tự do không thể phát triển. Tự do ở đây không có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm. Nếu, tự do mà ai muốn làm gì thì làm, thì đó không phải là tự do. Mà, tự do ở đây có nghĩa là khi ta đến với tập thể, với một tổ chức thì chúng ta phải hy sinh sự tự do cá nhân của mình để đóng góp sự tự do ấy vào cho tập thể, thì chúng ta mới thật sự có tự do và sự tự do của chúng ta mới đủ khả năng bảo hộ sự phát triển. Nếu chúng ta đi đến với tập thể mà ta sống theo cách tự do cá nhân thì không những sự tự do của tập thể bị đánh mất mà sự tự do của cá nhân cũng bị đánh mất, khiến cả tập thể và cá nhân đều bị đánh mất tự do. Mỗi khi sự tự do cá nhân và tập thể bị đánh mất thì chúng ta không thể phát triển được. Cho nên, muốn phát triển thì phải có sự tự do. Tự do ở đây có nghĩa là mình phải hy sinh cái riêng của mình cho cái chung và chúng ta tha hồ bơi lội và phát triển ở trong cái chung đó, như vậy ta mới thật sự có tự do. Cái chung đó sẽ ôm ấp và yểm trợ cho khả năng của chúng ta phát triển. Đây là điều mà các anh chị em cần phải lưu ý!
Muốn thực hiện được con đường này, chúng ta phải thực tập năm chất liệu sau:
1- Bảo vệ và tôn trọng sự sống của nhau
Chúng ta đến với nhau mà không biết bảo vệ và tôn trọng sự sống của nhau cho nhau thì chúng ta không có ai đến với nhau làm gì. Chúng ta biết tôn trọng và bảo vệ sự sống cho nhau và nâng cao sự sống của nhau cho nhau, thì chính chúng ta có khả năng phát triển mọi việc trong chiều hướng tốt đẹp. Khi ta đến với nhau mà ta biết tôn trọng sự sống cho nhau, có nghĩa là ta đã nhìn được mặt tích cực của nhau. Bởi vì, nếu chúng ta không nhìn thấy điểm tích cực của nhau, thì chúng ta không biết tôn trọng và bảo vệ sự sống cho nhau. Khi ta nhìn thấy được mặt tích cực của nhau để tôn trọng, bảo vệ và phát triển sự sống của nhau cho nhau, thì chính bản thân chúng ta phát triển. Phát triển là phải phát triển đồng bộ với tổ chức của chúng ta và chúng ta phải phát triển trong cùng môi trường do các thành viên cùng tác nghiệp và tích cực đóng góp. Sự phát triển như vậy gọi là sự phát triển đồng bộ và trong sự phát triển đồng bộ ấy ta có sự tự do và ta có tự do của sự phát triển.
Trong sự sống, chúng ta có hai mặt: tiêu cực và tích cực. Chúng ta đến với nhau, chúng ta phải nhìn thấy mặt tích cực của nhau để học hỏi. Đó là một cách nhìn thấy và học hỏi thông minh. Thường thường, chúng ta hay nhìn thấy khuyết điểm của nhau hơn là ưu điểm. Chúng ta nhìn thấy cái xấu của nhau rõ hơn cái đẹp của nhau. Cho nên, chúng ta muốn có sự tự do và muốn phát triển sự nghiệp thì chúng ta phải biết nhìn nhận và chấp nhận sự tích cực của nhau trong đời sống. Chúng ta phải biết bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển sự nghiệp của chúng ta trên cơ sở ấy, thì chúng ta mới có cơ sở để phát triển và phát triển ở trong tự do.
2- Biết tôn trọng công bằng và lẽ phải
Công bằng, lẽ phải ở đây là công bằng, lẽ phải theo nhân duyên và nhân quả với nhau. Công bằng, lẽ phải ở đây có nghĩa là chúng ta làm công việc A, thì chúng ta sẽ có thành quả A, chứ không phải thành quả là Á. Chúng ta đóng góp cho công việc A, thì chúng ta có quyền thừa hưởng được công quả của A, chứ không phải thừa hưởng công quả từ sức lao động phi A. Cho nên, công bằng, lẽ phải là trong công việc nào có sự đóng góp công sức và tâm huyết của mình thì mình có quyền thừa hưởng thành quả của công sức đó.
Theo ngôn ngữ hiện đại, kinh tế có nghĩa là chúng ta đóng góp công sức lao động vào công việc gì thì chúng ta sẽ được thừa hưởng thành quả do công sức lao động của ta, chứ ta không lạm dụng công sức của người khác. Chúng ta không nên làm ít mà đòi hưởng lợi nhiều.
Nền kinh tế giữa cung và cầu không quân bình với nhau, thì nền kinh tế ấy như thế nào, có lẽ quý vị đã hiểu. Bởi vì, quý vị đã có học kinh tế và đều có kinh nghiệm làm kinh tế. Cung và cầu không tương xứng với nhau, thì nền kinh tế không thể phát triển. Cho nên, muốn phát triển bền vững thì giữa cung và cầu phải tương xứng với nhau. Cung và cầu ở đây có nghĩa là các anh làm bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu công sức thì các anh mới có khả năng thừa hưởng thành quả do công sức của các anh đầu tư. Đầu tư bằng cách nào? Đầu tư không phải chỉ có tài năng kinh tế mà còn phải biết đầu tư chân tâm vào kinh tế. Bằng chân tâm của các anh chị em, bằng tài năng, bằng nhiệt tâm của các anh chị em, các anh chị em sẽ phát triển kinh tế bền vững và các anh chị em sẽ có sự tự do thừa hưởng những thứ đúng như những gì mà các anh chị em đã đầu tư.Với sự thừa hưởng như vậy, khiến không sinh ra bất cứ sự sợ hãi, lo lắng nào cho các anh chị em.
Trái lại, chúng ta đầu tư công sức ít mà đòi hưởng lợi nhiều thì sinh ra cung và cầu khập khiễng. Sinh mệnh tồn tại của sự đầu tư ít mà thừa hưởng quyền lợi nhiều thì không được lâu bền. Như vậy, phát triển không có cơ sở. Khi điều kiện phát triển không có không gian, không có cơ sở, không có tự do phát triển tài năng của mình, phát triển cách thấy của mình cho những người chung quanh biết thì rõ ràng khả năng của mình càng ngày càng bị thui chột. Nếu, phát triển không có tự do nhận thức, không có tự do thao tác trong môi trường thích ứng thì khả năng phát triển bị sút kém và bị thoái chuyển.
Công bằng, lẽ phải là quy luật tự nhiên của sự phát triển, chúng ta không phải dùng bất cứ một thủ đoạn và một thủ thuật nào từ nơi tâm ý của mình. Sự thủ đoạn từ tâm ý ích kỷ có thể đánh lừa được những người chung quanh, nhưng không thể đánh lừa được nhân quả, nghiệp báo nơi chính tâm của mình. Điều này ai là bậc trí tuệ thì có thể thấy.
Ví dụ, anh Hoàng có tài năng, thủ thuật cao, anh có thể lừa được nhân viên qua nghệ thuật điều hành, nhưng anh không lừa được chính lương tâm của anh.
Nhân viên có kỹ thuật cao, có thể lừa gạt được giám đốc và tổng giám đốc, nhưng không thể lừa gạt được nhân quả nơi tâm mình. Bởi vì, nhân quả nơi tâm mình giống như một cái máy ảnh. Khi đối tượng cong thì máy ảnh ghi lại hình cong; khi đối tượng thẳng thì máy ảnh ghi lại hình ảnh thẳng; khi đối tượng xiên xẹo thì máy ảnh ghi lại hình ảnh xiên xẹo. Cũng vậy, tâm của chúng ta là một máy ảnh. Nó sẽ ghi lại hình ảnh do suy nghĩ của chúng ta rất chính xác. Điều này, những bậc trí tuệ trong đời đã chỉ dạy cho chúng ta bằng sự chứng nghiệm.
Cho nên, chúng ta phải luôn luôn tôn trọng và sống công bằng theo nhân quả tự nhiên và nhân quả là quy luật tự nhiên của mọi sự hiện hữu. Chúng ta phải nắm vững điều này để xây dựng công ty của mình hoặc xây dựng cuộc sống của mình. Phải biết xây dựng công ty qua cuộc sống của mình và phải biết xây dựng cuộc sống của mình qua nhân quả. Hai điều này như hạt và sóng, như sóng và hạt, ấy là nói theo ngôn ngữ khoa học vật lý hiện đại. Chúng ta nghĩ rằng hạt khác sóng, sóng khác hạt đó là nhận thức thiển cận của người kém hiểu biết khoa học. Sóng chính là hạt và hạt chính là sóng. Chúng ta phải biết nhận thức rõ điều này để tôn trọng công bằng, lẽ phải trong đời sống của chính mình, trong sự giao tiếp của mình đối với mọi người trong tình đồng nghiệp.
3-Chân thật
Chân thật ở đây là phải biết giữ khí tiết. Chúng ta nghèo, nhưng có khí tiết của người nghèo. Nghèo mà không có khí tiết thì không ai cứu nổi. Giàu mà không có khí tiết thì cái đẹp giống như cái đẹp của hoa nhựa không có hương và không có nhị hoa. Nghèo mà có khí tiết, dù hoa chưa nở, nhưng trong hoa đã có nhị hoa và có sẵn mầm của hương. Khi có đủ điều kiện thì nhị hoa và hương thơm đó sẽ tạo ra hoa đẹp và sẽ cho ta cái đẹp của cuộc sống. Nếu không, chúng ta sẽ đánh mất chính mình trong xã hội phát triển bất bình thường này. Một xã hội toàn sử dụng chất hóa học kích thích. Cuối cùng, làm hoa mắt con người. Họ chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng. Mặc dù, phần nhiều ai cũng ưa chất lượng, thế mà họ vẫn cứ lừa dối nhau bằng số lượng. Cho nên, con người càng ngày càng thất vọng và khổ đau. Sự phát triển trở nên dối trá và chính sự phát triển đó tự nó đã giết chết chính nó và chôn vùi những ai chạy bươn theo chúng nó. Quý vị có thấy sự nguy hiểm, vì sự phát triển chạy theo số lượng, thiếu phẩm chất không?
Cho nên, tôi muốn nói với quý vị về chất liệu nhiệt tình và chân thành ở nơi chính chúng ta sẽ giúp ta có tự do. Hễ có sự chân thành là có tự do; có sự nhiệt tình trong chân tình là có phát triển. Tôi làm việc bằng sự chân thành, tôi có tự do. Tự do, không có ai ban phát cho mình. Tự do đích thực là tự do của chính nó. Sự tự do ấy không có bản hiến pháp nào có thể ghi chép được. Mọi sự tự do được ghi ở trong các bản hiến pháp chỉ là những loại tự do của ngôn ngữ quy ước. Sự tự do sinh khởi từ nơi sự chân tình và từ sự chân tình sinh ra sự nhiệt tình. Nên, sự nhiệt tình là chất liệu xúc tác để cho chất liệu chân tình phát triển nuôi lớn chất liệu tự do.
Chúng ta muốn phát triển mà thiếu sự nhiệt tình là điều không thể được. Cho nên, phát triển thiết lập trên nền tảng của sự nhiệt tình. Sự nhiệt tình phát triển trên nền tảng của sự chân tình và sự chân tình nuôi lớn và phát triển sự tự do.
4-Tránh sự so sánh
Chúng ta khổ đau, chúng ta đi hỏng chân, chỉ vì chúng ta bị bệnh hay so sánh. Chúng ta so sánh hơn thua và bằng giữa công ty này với công ty khác.
Mỗi công ty có một hoàn cảnh khác nhau, chức năng khác nhau, nhân duyên khác nhau, nên nếu ta đem công ty này so sánh với công ty khác thì đó là sự so sánh sai. Nhận thức tạo thành nguyên nhân so sánh của chúng ta. Nguyên nhân nhận thức đã sai, thì làm gì có kết quả do từ nhận thức sai ấy mà trở thành đúng được? Khi ta so sánh sai thì sẽ cho ta hậu quả sai, có phải không? Nếu, chúng ta đem công ty này so sánh với công ty kia, chẳng khác nào chúng ta đem bò của vùng này so sánh với bò của vùng kia. Hay chúng ta đem trâu so sánh với bò. Một bài toán so sánh bò với trâu thì không có một nhà bác học nào có thể giải đáp được. Thường thường, chúng ta hay có tình trạng so sánh khập khiểng như vậy, nghĩa là chúng ta thường hay so sánh công ty này với công ty khác, nên chúng ta thường rơi vào tình trạng “đứng núi này trông núi khác”. Khiến tâm ta bị rơi vào điên đảo vọng tưởng. Vì vậy, chúng ta hãy buông bỏ sự so sánh không thể ấy đi.
Chúng ta có sự tự do và có khả năng phát triển mọi việc, vì chúng ta biết buông bỏ sự so sánh không thể ấy.
Chúng ta không thể đem Học viện Phật giáo Hà Nội so sánh với Học viện Phật giáo Sài Gòn, mặc dù cùng chung là Học viện Phật giáo Việt Nam. Bởi vì, hoàn cảnh của Học viện Phật giáo Hà Nội khác với hoàn cảnh của Học viện Phật giáo Sài Gòn. Chúng ta phải biết chấp nhận những điều kiện của Học viện Phật giáo Sài Gòn đang có để điều chỉnh và phát triển; chúng ta phải biết chấp nhận những điều kiện Học viện Phật giáo Hà Nội đang có để điều chỉnh và phát triển. Sự chấp nhận điều kiện thực tế để điều chỉnh và phát triển, đó là một sự chấp nhận của những người không hoang tưởng. Do không hoang tưởng trong điều kiện, nên chúng ta có thể vươn lên từ những gì mà chúng ta đang có thể. Nên, nó phát triển như chính nó đang phát triển. Nó không thể phát triển từ sự vay mượn. Nếu, nó phát triển từ sự vay mượn, nó sẽ bị khập khiễng và lai căn. Cho nên, phát triển như chính nó phát triển thì ngọn ngành, đầu đuôi và gốc rễ đều thống nhất với nhau, đều tạo ra tinh chất và cốt lõi. Nên, càng phát triển là càng có cốt lõi. Từ cốt lõi, ta có tự do đứng, tự do đi ra, đi vào và tự do ngồi. Cho nên, sự phát triển có cốt lõi là sự phát triển có sự vững chãi. Có vững chãi là có tự do. Phát triển từ vững chãi là sự phát triển có tự do. Nếu sự phát triển mà thiếu vững chãi thì càng phát triển càng rơi vào bẫy sập của nô lệ! Đây là điều mà các anh chị em cần phải thực tập để thấy!
Chúng ta hãy nhìn nhận những điều kiện ta đang có để phát triển, chứ đừng nhìn vào điều kiện của người khác. Nếu, chúng ta đem điều kiện của những quốc gia đang phát triển mà so sánh với điều kiện của một quốc gia chưa phát triển thì sự so sánh của chúng ta bị khập khiễng. Phát triển mà bị khập khiễng làm sao có tự do? Đó là điều mà quý vị cần phải lưu ý!
Ta chỉ có hạnh phúc và an lạc khi nào ta dẹp bỏ được hạt giống so sánh ở trong tâm ta. Nếu ta nhìn ta để so sánh với người khác và nhìn người khác để so sánh với ta, thì sự khổ đau sẽ sinh ra trong đời sống của ta. Vì sao? Vì mọi sự so sánh đều là hư ảo, không thực tế. Ta không cần phải so sánh với ai mà chỉ cần nhìn thẳng vào điều kiện của mình để điều chỉnh và phát triển.
Các anh chị em cũng vậy, ngoài đời sống của công ty, đời sống của gia đình mình và đời sống bản thân, hãy nhìn lại vào điều kiện của mình có thể để điều chính và phát triển. Đừng nhìn vào điều kiện của người khác.
Ví dụ, mình thấy ông trưởng phòng của một công ty nào đó có xe hơi, mỗi chiều đều chở vợ con đi chơi. Mình nhìn lại mình, tại sao mình cũng là trưởng phòng mà lại không có xe hơi để chở vợ con đi chơi. Từ đó, mình sẽ sinh ra suy nghĩ tiêu cực, chính sự suy nghĩ đó làm cho mình mất tự do. Chúng ta phải phát triển trong điều kiện của chính mình, nhờ vậy ta làm chủ được sự phát triển và ta có sự tự do ở trong sự phát triển. Cho nên, phát triển mất tự chủ, mất chủ quyền, thì không thể gọi là phát triển có tự do. Phát triển mất tự do là phát triển của sự nô lệ. Phát triển mà nô lệ thì càng phát triển là càng mất phương hướng. Phát triển có tự do và có tự do để phát triển, đây là sự phát triển mà các anh chị em cần phải nghiên cứu để hành hoạt.
Nói một cách khác, phát triển là chính mình phải vươn lên từ nơi tâm hồn và hoàn cảnh của mình.
Đừng có mượn mũi người khác để thở. Đừng vay mượn của người khác để làm cái riêng cho mình. Cuối cùng, chẳng có lợi gì, thành quả may lắm là chỉ đủ để trả nợ, mà đời người thì quá ngắn ngủi, cho nên làm chủ để trả nợ từ đời này qua đời khác cũng không hết, thì làm chủ để làm gì? Không ai cho rằng người mắc nợ mà có tự do và hạnh phúc bao giờ.
Ví dụ, mình thấy anh A có chiếc xe hơi, mình cũng muốn mua nhưng mình chỉ có 200 triệu. Mình đi vay của ngân hàng 300 triệu nữa để có chiếc xe hơi. Thế thì, làm sao có hạnh phúc ở người mang nợ. Thà rằng, mình đi chiếc xe máy còn hơn đi xe hơi mà mắc nợ. Nhưng, tại sao lại có tình trạng đó? Tại vì, chúng ta bị chất liệu so sánh đã tạo ra ảo tưởng về hào nhoáng danh giá cho mình. Cuối cùng, mình đi xe hơi mà không có tự do bằng đi chiếc xe máy. Bây giờ, phần nhiều người ta hay đánh bóng mình và đánh lừa thiên hạ bằng cách đi chiếc xe hơi mà không có tự do.
5-Trí tuệ
Các anh chị em phải biết lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chứ đừng lấy công danh quyền lợi làm sự nghiệp. Chúng ta đừng lấy cương vị giám đốc, hay trưởng phòng làm sự nghiệp. Giám đốc hay trưởng phòng không phải là của chúng ta, chúng không thể gắn liền với chúng ta suốt đời mà chỉ một thời gian thôi. Sự nghiệp trí tuệ gắn liền với chúng ta bất cứ lúc nào và ở đâu và chúng còn gắn liền với chúng ta từ đời này qua kiếp khác. Chúng ta hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp thì vai trò của chúng ta ở vị trí nào cũng có giá trị, có tự do và có khả năng phát triển. Chúng ta có trí tuệ, chúng ta có khả năng thật sự thì ở vị trí nào chúng ta cũng thấy thoải mái, ở vị trí nào chúng ta cũng làm được lợi ích. Nếu, chúng ta không có khả năng thật sự, tự đề cao mình hay tự đánh bóng mình thì từ đó sinh ra sự sợ hãi và khổ đau vô cùng và cũng từ đó sinh ra bệnh hoạn, mạng sống có thể tiêu vong bất cứ lúc nào. Cho nên, chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp để chúng ta có tự do trong mọi nhận thức và chúng ta có khả năng phát triển mọi nhận thức của chúng ta khắp mọi không gian và mọi thời gian. Vì vậy, ở không gian nào chúng ta cũng có tự do, bởi vì, chúng ta có trí tuệ, chúng ta không bị áp lực. Chúng ta có trí tuệ, cho nên chúng ta có tự do. Người nào có trí tuệ, người ấy có tự do. Trí tuệ là cha đẻ của tự do và ngu si là cha đẻ sinh ra mọi sự nô lệ.
Như vậy, chúng ta phải làm thế nào để cho ta nuôi dưỡng trí tuệ ở trong đời sống của chúng ta. Chúng ta không có trí tuệ, dù người ta có ban phát tài lộc thì chúng ta cũng không có khả năng sử dụng tài lộc đó cho mục tiêu của chúng ta. Chúng ta không có trí tuệ mà có tài lộc, thì tài lộc sẽ sinh ra tai họa cho chúng ta.
Các anh chị em thử nghĩ, con dao tự nó thiện hay ác, tốt hay xấu. Con dao tự nó không thiện, không ác, không tốt, không xấu. Nó rơi vào tay người có trí tuệ thì con dao trở thành vật có lợi ích. Nhưng, con dao rơi vào tay người ngu thì con dao trở thành dụng cụ giết người. Cũng vậy, máy vi tính tự nó cũng không tốt, không xấu. Nó vào tay người mê chơi game thì máy vi tính là dụng cụ hại người chơi game và tàn hại gia đình của người ấy. Nhưng, máy vi tính rơi vào tay những người biết học hỏi, biết nghiên cứu thì máy vi có hữu ích và giá trị vô cùng.
Có một câu chuyện mà đức Phật dạy ở trong kinh Bảo Tích: “Một hôm có người ném đá một con chó, con chó đau và chạy theo viên đá mà sủa. Người kia lại ném tiếp đá vào con chó. Con chó vẫn chạy theo viên đá mà sủa”. Tại sao như vậy? Bởi vì, con chó ngu, chỉ thấy việc xảy ra trước mắt. Nó thấy viên đá đụng nó đau thì nó cứ chạy theo viên đá để sủa. Nhưng, nếu nó có trí tuệ, thì nó sẽ không chạy theo viên đá mà sủa, nó sẽ sủa người dùng viên đá để ném nó, khiến người ném đá sẽ hoảng sợ, bỏ chạy thì nó không còn bị ném nữa.
Cũng vậy, nếu chúng ta là con người có trí tuệ thì chúng ta không phải chỉ thấy hậu quả xảy ra trước mắt mà còn phải thấy nguyên nhân sinh ra hậu quả, để thay đổi nguyên nhân xấu thành tốt, để chúng ta có cơ hội chuyển đổi hậu quả xấu thành tốt. Chúng ta thấy hậu quả xấu thì khắc phục nơi nguyên nhân và điều chỉnh nguyên nhân qua tác ý, tác nghiệp và tác duyên, nhằm hỗ trợ cho kết quả tốt đẹp sinh ra đúng như ý.
Nên, tôi cho rằng, muốn phát triển theo chiều hướng tốt đẹp thì phải có trí tuệ. Muốn có trí tuệ thì đừng cục bộ, đừng bao giờ cho rằng mình là số một. Phải biết lắng nghe, học hỏi và tiếp nhận ý kiến từ nhiều phía. Có những ý kiến hay, nhưng chưa thể sử dụng được, thì mình để đó khi nào có điều kiện tương xứng thì mình sẽ sử dụng. Ví dụ, khi chúng ta vừa đói, vừa khát thì chúng ta phải uống nước trước để giải quyết cái khát và phục hồi năng lượng sau đó mới ăn cơm. Cho nên, có những ý kiến hay, nhưng chưa đủ điều kiện để sử dụng, thì chúng ta phải để dành lại đợi đủ duyên là đem ra sử dụng. Có những ý kiến chưa hay, nhưng có thể sử dụng trong cấp thời thì chúng ta có thể tạm dùng. Cách sử dụng như vậy là cách sử dụng của người có vận dụng trí tuệ vào trong mọi ứng xử của đời sống.
Tôi nghĩ rằng, năm chất liệu tôi đã chia sẻ đến với quý vị hôm nay, nếu quý vị biết ứng dụng vào bản thân thì bản thân của quý vị sẽ trở nên có tự do và phát triển. Phát triển về mặt trí tuệ, tình thương và về mặt khả năng làm việc.
Nếu quý vị ứng dụng vào gia đình thì gia đình mình sẽ hạnh phúc. Quý vị ứng dụng vào công ty thì sẽ có tự do và có sự phát triển của công ty. Quý vị ứng dụng vào lãnh vực xã hội, thì sẽ giúp cho xã hội hoàn hảo và tốt đẹp.
Chúng ta hãy thực tập năm chất liệu này, vì lợi ích cho bản thân của chúng ta. Vì năm điều này chúng ta không thể xin ai và cũng không có một ai có thể ban phát năm chất liệu đó cho chúng ta. Chúng ta cần phải nhận ra được điều này để chúng ta thực tập sống cùng và sống với năm chất liệu ấy.
Cho nên, muốn có trí tuệ, chúng ta phải học. Học, học, học và hiểu, hiểu, hiểu, chúng ta sống cùng với sự học, sự hiểu đó và biến sự học, sự hiểu đó trở thành đời sống của chúng ta. Học, hiểu và sống, ba điều đó không còn là ba mà chúng chỉ là một. Khi ba trở thành một thì ta ở đâu, ta có tự do ở đó, ta làm công việc gì là ta có sự tự do ngay ở trong công việc ấy. Chúng ta sống ở đâu thì sự sống ở đó có phát triển. Chúng ta vui với sự tự do và sự phát triển. Nếu ta không biến sở học thành sở hành, thì mọi sở học chỉ là những mớ lý luận hư ảo. Hư ảo thì không có hạnh phúc.
Đời người thì quá ngắn ngủi. Bất ngờ đi khám bệnh thì biết bị ung thư, hoặc bất ngờ ra đường bị xe đụng chết. Mọi chuyện đến với mình rất bất ngờ, thế mà mình cứ chạy theo hư ảo mà quên đi sự thật. Ở trên đời này, không có gì quý bằng sự sống và không có bất cứ một cái gì có giá trị bằng sự thật. Tại sao chúng ta không sống mà chúng ta chỉ chuẩn bị cho cái sống thôi để đến khi già nua, bệnh hoạn hối tiếc thì quá muộn.
Bây giờ, chúng ta không sống với nhau thật đẹp, thật quý, thật chân tình trong công việc của mình với đồng sự, thì biết đến bao giờ chúng ta mới có cơ hội. Cho nên, chúng ta phải sống thật đẹp, thật quý, thật chân tình ngay trong hoàn cảnh của mình đang có, trong điều kiện và trong công việc của mình đang có. Chúng ta chỉ cần thực tập như vậy thôi thì chúng ta có tự do để phát triển và chúng ta sẽ phát triển trong tự do. Sự tự do này rất đơn giản và chính xác không cần phải ghi ở trong hiến pháp hoặc luật pháp.
Chúng ta có tự do và phát triển để đóng góp sự có mặt của chúng ta trong cuộc đời này, dù chúng ta chỉ là hiện hữu ba mươi năm, năm mươi năm hay bảy mươi năm. Đừng để khi chúng ta già yếu mới tiếc nuối thời tuổi trẻ; đừng để khi thân thể bệnh hoạn mới tiếc nuối những tháng ngày vô bệnh.
Chúng ta thực tập năm chất liệu: “Biết bảo vệ và tôn trọng sự sống của nhau; biết tôn trọng công bằng và lẽ phải; chân thật; tránh sự so sánh; trí tuệ”.Chính năm chất liệu này tạo ra tinh chất và cốt lõi của cuộc sống cho chúng ta. Nó làm nền tảng cho đời sống của chúng ta có tự do và phát triển. Chúng ta đừng đi tìm sự tự do ở bất cứ nơi nào mà hãy tìm tự do ngay nơi năm chất liệu này. Chúng ta thực tập năm chất liệu này thì chúng ta thật sự có tự do để phát triển và chúng ta phát triển ở trong tự do. Chúng ta có thể thừa hưởng được hoa trái tự do và phát triển ngay từ nơi năm sinh chất này.
Đó là thời pháp thoại mà sáng nay tôi xin chia sẻ đến với Ban giám đốc và các nhân viên của công ty FDI Hà Nội.
Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.
Đệ tử kính ghi
Liên Hà