Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

“Chấp nhận để chuyển hóa chứ không phải bỏ cuộc”

14/05/201506:35(Xem: 10107)
“Chấp nhận để chuyển hóa chứ không phải bỏ cuộc”
Thich Minh Niem“Chấp nhận để chuyển hóa chứ không phải bỏ cuộc”
 
TRÒ CHUYỆN VỚI TÁC GIẢ “HIỂU VỀ TRÁI TIM”  
ĐĐ.THÍCH MINH NIỆM
Lưu Đình Long thực hiện
 
“Để có hạnh phúc chân thật, bạn phải chuyển hóa những năng lượng tiêu cực do chính bản năng của bạn tạo ra, phải tìm lại bản chất chân thật của hợp thể con người bạn mà đất trời đã trao tặng”, thầy Minh Niệm, tác giả cuốn Hiểu về trái tim, cộng tác viên của Giác Ngộ từ nhiều năm nay, mở đầu cuộc trò chuyện với Giác Ngộ khi phóng viên hỏi về “hạnh phúc chân thật” mà thầy đề cập trong sách. Tiếp tục cuộc trò chuyện, ĐĐ.Thích Minh Niệm cắt nghĩa thêm:

- Khi bạn đặt ra mong muốn và đạt được, dù đó là những mong muốn nhỏ nhặt, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, sung sướng. Bạn gọi đó là hạnh phúc. Theo cách này, mỗi ngày bạn trải qua rất nhiều cảm giác hạnh phúc vì những điều như ý xảy ra (nhưng chưa chắc là bạn cảm nhận được hoặc biết cách duy trì); ngược lại, bạn cũng sẽ đối mặt rất nhiều điều bất như ý và bạn sẽ không hạnh phúc. 
 
Đó là chưa nói, cái hạnh phúc mà bạn có được khi thành công, khi được yêu quý và ngưỡng mộ, khi mua sắm được món đồ ưa thích… tan biến rất nhanh. Nó chỉ để lại trong bạn khoảng trống rất lớn, cảm giác tiếc nuối thật kinh khủng. Bạn phải sống trong tâm trạng khó chịu để tìm kiếm cái cảm giác hạnh phúc kế tiếp.

Có một thứ hạnh phúc khác đến từ thái độ “không mong cầu”. Đó là khi bạn chấp nhận tất cả những gì bạn đang có trong giờ phút hiện tại. Tâm bạn không còn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm bất cứ cảm giác dễ chịu nào nữa. Lòng đã bằng lòng. Bạn cảm nhận sâu sắc tất cả những gì đang tiếp xúc bằng tâm trạng thoải mái, thư giãn, bình an, thanh thản. Và khi những vọng động trong tâm bạn lắng xuống, ngủ yên, thuần phục, bạn sẽ thấy cái gì xảy ra quanh bạn cũng ổn, cũng được, cũng dễ chịu, cũng hạnh phúc.

Hạnh phúc đến từ sự bình an trong tâm hồn chính là thứ hạnh phúc chân thật, không bị điều kiện hóa. Nó là của bạn và bạn có thể chế tác ra nó bất cứ lúc nào bạn muốn. Tất nhiên, phải có phương pháp luyện tập thực tiễn thì thói quen ham muốn và chống đối vô lý và vô độ mới có thể chuyển hóa.

Như vậy, để có hạnh phúc chân thật, bạn phải chuyển hóa những năng lượng tiêu cực do chính bản năng của bạn tạo ra, phải tìm lại bản chất chân thật của hợp thể con người bạn mà đất trời đã trao tặng.

Vậy khổ đau là không có thật? Thế nhưng, trong giáo lý Tứ diệu đế lại đưa ra Khổ đế - Khổ đau là một sự thật?

- Khổ đau đúng là một sự thật. Khi bạn đam mê vào tiền bạc, quyền lực, sắc dục… thì thế nào bạn cũng chuốc lấy khổ đau thôi, dù bạn cũng có trải qua những cảm giác ngọt ngào, bay bổng. Cái mà bạn gọi là hạnh phúc thì Đức Phật lại thấy là khổ đau. Tức là có hạnh phúc nhưng rất ngắn, còn khổ đau liền sau đó thì dai dẳng.

Thực ra, bản chất của những đối tượng bên ngoài như tiền bạc, quyền lực, sắc dục không phải là khổ đau, chỉ vì kẻ chạm tới nó có mang theo tham, sân, si nên nó bị biến thành thứ gây ra khổ đau. Đức Phật tuy nói cuộc đời này có khổ đau nhưng nó có nguyên nhân của nó (Tập đế). Nếu biết cách chuyển hóa được năng lượng tham, sân, si (Đạo đế) thì cuộc đời này sẽ chấm dứt khổ đau (Diệt đế).

Nên phải khẳng định lại rằng, cuộc đời này chỉ có những điều bất như ý hay bất toại nguyện chứ không có khổ đau. Bất như ý hay bất toại nguyện mà chấp nhận được, không kháng cự hay loại trừ, thì đâu có xung lực nào tạo ra cảm giác khổ đau? Vấn đề còn lại là làm sao có được trái tim lớn để dung chứa tất cả.

Thưa thầy, hạnh phúc - khổ đau là cặp phạm trù thường đi cùng với nhau. Vậy theo thầy, để có hạnh phúc thì mình phải tách khổ đau ra?

- Khi bạn trúng một phi vụ lớn, tất nhiên, bạn sẽ rất hạnh phúc. Nhưng pha trộn vào đó là những cảm giác hồi hộp, căng thẳng, lo sợ, nghi ngờ, tưởng tượng thái quá… và đó chính là những cảm giác của khổ đau. Khi thỏa mãn nhục dục cũng vậy, cảm giác dễ chịu hay khó chịu luôn dắt tay đi chung với nhau. Hiếm khi bạn đang tận hưởng một loại hạnh phúc nào mà bạn không lo sợ hạnh phúc ấy sẽ tan biến đi. Bạn sợ nó tan biến đi là vì nó đến từ bên ngoài, nó bị điều kiện hóa, nó không hoàn toàn thuộc về bạn.

Một lý do nữa mà bạn thấy hạnh phúc thường đi chung với khổ đau, đó là nhờ có khổ đau mà bạn biết được cái gì là hạnh phúc. Nhờ có trải qua một trận mùa đông lạnh thấu xương bạn mới biết quý cái nắng về, nhờ có cơ duyên phải chịu đói nhiều ngày bạn mới thấy hết cái giá trị của một bữa ăn, nhờ có những ngày tháng chia lìa bạn mới nhận ra trọn vẹn cái hạnh phúc được sống chung với những người thân yêu.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có hạnh phúc mà không cần có sự tham dự của khổ đau. Đó là hạnh phúc đến từ sự tỉnh thức. Nếu bạn có khả năng sống trong tỉnh thức, luôn nhận ra những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có, luôn phát hiện kịp thời thói quen ham muốn và chống đối dư thừa để buông bỏ, thì khổ đau không cách nào có mặt được cùng với cái hạnh phúc ấy. 
 
Nhưng vì bạn chưa thể tỉnh thức trọn vẹn trong mỗi giây phút, bạn vẫn còn mất kiểm soát, nên bạn sẽ vẫn còn khổ đau. Mà như đã nói, khổ đau phải cần có mặt để nhắc nhở những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta đang có. Và, như đã nói, không có gì là khổ đau cả, chỉ có cái bất như ý đeo bám theo hạnh phúc (những điều như ý) mà thôi.

Vậy, làm thế nào để chấp nhận được những sự thật mà đối với nhiều người nó hoàn toàn không dễ chịu như bệnh tật, thất bại hay cái chết..., thưa thầy?

- Trước khi chấp nhận được những cái lớn hay quá lớn thì phải tập chấp nhận những cái nhỏ trước.

Nhưng trước hết, bạn phải có ý thức chấp nhận trước đã, chấp nhận càng nhiều càng tốt. Đó là một thứ chánh kiến. Bởi vì bạn nhận thức rằng mọi thứ trong cuộc đời này xảy ra theo lẽ tự nhiên, theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh. Thế nên, dù cho bạn có tài năng đến đâu hay chuẩn bị kỹ lưỡng tới mức nào thì những điều bất như ý vẫn xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Làm sao chúng ta bắt mọi thứ phải xảy ra theo ý mình để có được hạnh phúc, trong khi nhận thức của chúng ta còn mắc phải rất nhiều sai lầm hay thay đổi liên tục. Chấp nhận là điều kiện bắt buộc để sinh tồn.

Chấp nhận tức là không chống lại, không loại trừ, dung chứa hết. Chấp nhận những điều bất như ý như là thái độ biết thuận theo quy luật tự nhiên, như khi ta chấp nhận những điều như ý. Chấp nhận để thấu hiểu và chuyển hóa chứ không phải là bỏ cuộc. Chấp nhận để đó rồi từ từ đủ duyên mới tính tiếp. Do đó, phải là người có trái tim rộng lớn lắm mới có thể chấp nhận được nhiều hoàn cảnh khó khăn hay những đối tượng khó chịu.

Khi có ý thức sẵn sàng chấp nhận mọi điều bất như ý xảy ra rồi, bạn phải bắt tay thực hành. Bạn không thể chỉ dặn lòng là có thể làm được. Đầu tiên, bạn phải xây dựng cho mình thói quen chánh niệm, luôn tỉnh giác để nhận ra những phản ứng chống trả trong bạn mỗi khi gặp phải một điều trái ý. Bạn phải cố gắng duy trì quan sát chính phiền não của mình, một cảm giác không dễ chịu chút nào, thay vì bạn có khuynh hướng đi tìm những đối tượng dễ chịu khác để bám víu. Từ từ, bạn sẽ học được cách chấp nhận những cảm giác khó chịu. Bạn sẽ thấy nó không còn quá khó khăn như trước nữa.

Quá trình quay vào bên trong để khám phá, thấu hiểu, và chuyển hóa sẽ giúp cho bạn phát sinh ra nội lực và những cái thấy rất sâu sắc, gần với sự thật. Cũng từ công phu đó, bạn sẽ thấy rõ bản chất của sự thành bại, được mất, hay sống chết để rồi bạn chấp nhận nó một cách không khó khăn như bạn đang ở trình độ này nhìn về nó. Thấy được mà cũng chấp nhận được tức là bạn đang trên tiến trình giác ngộ.

Bây giờ mà kêu bạn chấp nhận những sự thật ấy thì tất nhiên là quá khó, vì bạn vẫn chưa thực sự bắt tay vào con đường khám phá nội tâm, khám phá bản chất cuộc sống. Bạn vẫn còn dạo chơi và mơ mộng.

Như vậy muốn thoát khổ, đạt được hạnh phúc, không phải là mình sẽ chạy thoát khỏi hoàn cảnh sống không dễ chịu, đi tìm những sự dễ chịu hơn từ bên ngoài phải không, thưa thầy?

- Như đã chia sẻ phần trên, khổ đau là do chính phiền não trong tâm, do tham-sân-si, chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ đóng vai trò tác nhân, vai trò phụ mà thôi. Vì vậy, thay vì đổi cảnh thì ta hãy đổi tâm, đổi năng lượng tiêu cực thành tích cực, đổi năng lượng bất an thành bình an. Đức Phật cũng đã từng nhắc, “Vạn pháp duy tâm tạo”, những gì chúng ta cảm nhận được trên cuộc đời này đều do chính trình độ tâm thức của chúng ta chứ không phải bản chất cuộc đời là như vậy.

Khi ta bị ràng buộc vào những ham muốn, đòi hỏi hay sự tức giận thì ta sẽ nhìn lên mọi thứ chung quanh không còn chính xác nữa. Ngay cả những kiến thức và kinh nghiệm của ta tuy rất hay, rất đúng, nhưng nếu đem so với thực tại thì cũng không hoàn toàn đúng. Cho nên, cũng khung cảnh ấy, cũng con người ấy, mà khi tâm ta đã thực sự thư giãn, buông xả, bình an, tự tại, ta sẽ không còn thấy nó đáng chán hay đáng bỏ đi. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Thiền sư Trần Nhân Tông), bất động trước mọi biến động, chính là cái đích đến của sự thực tập đạo Phật. 
 
Bạn sẽ yêu quá cuộc đời này khi bạn đã thực sự trở về với chính mình, làm chủ đời mình. Bạn muốn bỏ đi chỉ vì bạn đồng nhất mình với những cảm xúc khổ đau nhất thời, đồng nhất mình với một hiện tượng tâm lý mà quên mất bản chất chân thật. 
 
Người trẻ ngày nay có ít khả năng chịu đựng và vượt qua những khó khăn dù đó không phải là những khó khăn quá lớn. Thậm chí họ còn hay than van. Thầy sẽ khuyên họ như thế nào?

- Kinh tế phát triển làm cho người ta sống thoải mái hơn, hưởng thụ nhiều hơn. Nhưng người ta không biết rằng càng hưởng thụ thì sẽ càng yếu đuối. Trong khi bản chất của cuộc sống là luôn có biến động, luôn có những đợt sóng ngầm, rình rập, để sẵn sàng lôi con thuyền của chúng ta ra xa và nhấn chìm. Nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn một nội lực vững vàng thì chúng ta sẽ gục ngã. Do vậy, điều đầu tiên tôi muốn khuyên các bạn trẻ là hãy bớt hưởng thụ. Bớt cái này để thêm cái khác. Cái thêm vào chính là cái giá trị tiên quyết tạo nên sự thành công, vì không có sự thành công vững chắc nào đến từ sự dễ dàng cả.

Kế đến, các bạn phải nên tự tạo cho mình cơ hội sống với những điều kiện khó khăn đến khắc nghiệt để trui rèn nghị lực và ý chí. Phải từ chối bớt cơ hội thăng tiến. Phải quay về chính mình để đào luyện, thậm chí là khổ luyện, nếu các bạn muốn có sự nghiệp lớn. Một chuyến “tu bụi” - đưa mình vào miền hoang dã để thấu hiểu và chuyển hóa những yếu kém lâu đời của bản thân là một sự chọn lựa thiết thực.

Còn đối người trẻ đang sống trong sự bận rộn mà muốn mưu cầu hạnh phúc chân thật thì thầy sẽ khuyên họ nên thực tập như thế nào?

- Khó đấy! Vì muốn đạt được những giá trị sâu sắc và chân thật thì bạn không thể nào không đầu tư hết lòng cho nó được. Bạn không thể vừa đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền hay tranh đua quyền lực mà cũng vừa mong có được hạnh phúc chân thật, lâu bền. Khi bạn có ý niệm về hạnh phúc chân thật thì tức là bạn đã muốn quay vào khám phá và làm chủ nội tâm, thay vì cứ hướng ra bên ngoài như trước đây.

Vậy thì, với người bận rộn vì chưa thể buông bỏ bớt được những ham muốn hay trách nhiệm, thì cần phải có một ý chí vững mạnh để có thể tự sắp đặt chương trình thực tập thiền ngay giữa sự bận rộn. Thiền chính là con đường quay vào khám phá và làm chủ bản thân. Tuy vậy, các bạn ấy phải có ít nhất trải qua một hoặc vài khóa thiền dài 3 đến 7 ngày để từ đó thiết kế lối sinh hoạt của mình sao cho giữ được tinh thần thiền. 
 
Nên có thêm một nhóm bạn, đoàn thể cùng đi chung đường với mình, để cùng chia sẻ, nhắc nhở và nâng đỡ, nhất là trong giai đoạn ban đầu rất dễ bị thói quen cũ kéo trở lại. Tuy nhiên, các bạn muốn hành thiền, muốn quay vào khám phá nội tâm bao nhiêu phần trăm? Nếu bạn chỉ muốn có vài chục phần trăm thôi, thậm chí dưới 50%, thì không thể nào thực hiện được. Có thực hiện thì cũng sẽ dễ bỏ cuộc. 
 
Các bạn trẻ thường khi thất bại thì mới chịu nghe, chịu quay về tìm kiếm. Các bạn háo thắng lắm. Cứ tưởng có tài năng hay quyền lực là sẽ có tất cả, kể cả hạnh phúc chân thật. Hãy để các bạn trải nghiệm. Khi nào thấm thía được mùi vị vinh nhục thì tự khắc các bạn sẽ quay về thôi.

Cảm ơn thầy đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

ĐĐ.Thích Minh Niệm, tác giả cuốn Hiểu về trái tim, sách do NXB Trẻ ấn hành, là cuốn sách bán chạy nhất hiện nay tại Việt Nam. Thầy quê ở Châu Thành (Tiền Giang), xuất gia tại chùa Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân, TP.HCM). 

Thầy từng thọ giáo Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Sau đó, thầy thọ giáo với Thiền sư Sao Tejaniya ở Mỹ. Cả hai vị Thiền sư ấy đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và đời sống của thầy. 

ĐĐ.Thích Minh Niệm cũng từng là CTV của Giác Ngộ, chuyên trang Phật học và Tư vấn trong một thời gian dài với bút danh Hư Trúc. Thời gian tu học ở nước ngoài, thầy vẫn thường xuyên cộng tác với báo.

Nhìn vào bên trong là cuốn sách thứ hai mà thầy sắp cho ra đời. Cuốn sách này chú trọng vào phần thực hành thiền, tức là mời độc giả cùng bước lên con đường chuyển hóa thực sự như một hành giả.

thien tap.jpg

Bạn không thể vừa đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền hay tranh đua quyền lực mà cũng vừa mong có được hạnh phúc chân thật, lâu bền Ảnh minh họa
 

thay MN2.jpg

ĐĐ.Thích Minh Niệm - Ảnh: Như Danh

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/07/2018(Xem: 6354)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
06/07/2018(Xem: 8506)
MC Lâm Ánh Ngọc về Phật Quang "Tung cánh yêu thương" PV: Trần Nga (PD Tâm Trụ) Hàng năm, khóa sinh tại khóa hè Thiền tôn Phật Quang thường được gặp gỡ những khách mời là nghệ sĩ nổi tiếng có đời sống lành mạnh, nhiều cống hiến cho xã hội. Năm nay, các em vừa có buổi giao lưu vui tươi cùng MC Lâm Ánh Ngọc, ca sĩ Đào Ngọc Sang, ca sĩ Thanh Long với chủ đề “Tung cánh yêu thương”. MC Lâm Ánh Ngọc chia sẻ, mong muốn của mình là giúp trẻ sống có trách nhiệm, từ bỏ thói quen xấu, dần hoàn thiện mình, trước là đền đáp công ơn cha mẹ, sau là góp sức dựng xây cuộc đời. Bản thân cô trước đây đã từng chông chênh trắc trở, nhưng rồi có duyên lành tham dự những khóa tu thế này, cô như chợt gặp được lẽ sống cho cuộc đời mình một hướng đi cao thượng hơn. Vì thế, cô mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ để các em vững vàng niềm tin mà sống thiện, dù đời nhiều cay đắng, thử thách thế nào cũng phải kiên định không thay đổi. Như thế, rồi các em sẽ cảm nhận được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
05/07/2018(Xem: 10407)
Đối diện & quan sát cơn nóng giận Này bạn! Khi bạn tức giận, hãy nhìn thẳng cái tâm đó. Cái tâm đó như một đứa trẻ con, đừng đánh nó! “Kể cho tôi xem tại sao bạn tức giận thế?”.
04/07/2018(Xem: 11749)
Đừng hiểu lầm câu: ''Phật Tại Tâm'' Nhiều người lấy cái lí "Phật tại tâm" nên không bao giờ đi chùa, lễ Phật, tụng kinh hay tìm hiểu giáo lý. Thật sự thì đây chỉ là lí do cho sự lười tu chứ chả phải Phật tại tâm nào ở đây cả ! - Câu "Phật tại tâm" không sai, bản thân câu này đã nói lên toàn bộ giáo lý kinh điển của nhà Phật. Tâm chúng ta vốn dĩ đã có Phật rồi hay còn gọi là Phật tánh. Đức Bổn Sư Thích Ca từng nói "ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" để chỉ cho việc mỗi người trong chúng ta đã là một vị Phật, chỉ cần tinh tấn tu hành rồi sẽ có ngày đạt đượ c Phật quả. Chính vì vậy nên thay vì đi tìm cầu một ông Phật bên ngoài thì hãy quay trở lại cái tâm của mình.
20/06/2018(Xem: 7398)
Chân lý không phải là điều cao xa mà nằm ngay trong đời thường, trong những điều giản đơn. Và chân lý giải thoát cũng vậy, cũng nằm ngay những hành động việc làm đời thường giản dị.
19/06/2018(Xem: 6425)
WESTMINSTER, Calif. (VB) – Một buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau đã thực hiện hôm Thứ Bảy ngày 2 tháng 6/2018 tại Viet Bao Gallery ở thành phố Westminster đã hoàn mãn với nhiều kết quả tốt đẹp. Buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề -- “để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung” -- đã gợi ra nhiều suy nghĩ cho có thể là những hướng đi hoạt động tương lai của những người quan tâm về hoạt động Phật pháp.
17/06/2018(Xem: 6013)
Thế giới đang sôi nổi với các trận bóng đá World Cup 2018. Những người say mê bóng đá đang nhìn về các đội tuyển đang thi tài ở nước Nga, dán mắt vào các màn hình TV hay máy điện toán, đọc các lời bình luận và quan sát xem bóng đang vào chân ai và sẽ đá về hướng nào. Người Phật tử nghĩ gì về bóng đá? Các ngôi chùa tại Việt Nam có nên tụ tập các em lại để dạy đá banh và để lập các đội bóng đá khi các em nghỉ hè, hay vào những giờ nghỉ sau lớp, hay những ngày nghỉ cuối tuần hay không? Có phải giúp các em tập luyện bóng đá cũng còn tốt hơn để các em chơi game điện tử, vừa hại sức khỏe, vừa mất thì giờ và tiền bạc?
17/06/2018(Xem: 7462)
Thông thường phải có việc gì vui thì người ta mới cười, nhưng có những lúc vì nể nhau mà cười, vì lấy lòng người khác mà gượng cười, có khi vì khinh người mà cười cho là người dở, có lúc thấy mình tài giỏi mà cười cứ cho mình hay...Cái cười có muôn màu muôn vẻ, nhưng ngẫm lại cũng chỉ có hai dạng là tự vui với chính mình và vui với niềm vui cùng người khác mà thôi.
15/06/2018(Xem: 5698)
Người ta thường nghĩ – muốn có hạnh phúc cần có tiền; nhưng đôi khi có nhiều tiền đưa đến tan vỡ hạnh phúc với nhiều lý do – ông bà thường nói –“giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Người lãng mạn họ nghĩ chỉ cần “một túp lều tranh 2 quả tim vàng”, thực ra túp lều tranh của thời đại cày sâu cuốc bẩm không còn thích hợp với thời đại @ ngày nay. Cái nghèo đôi khi cũng tạo sự đổ vỡ nhiều cho gia đình.
15/06/2018(Xem: 8165)
Đó là danh hiệu đồng đội tặng cho Anh mỗi khi tập trung cùng Đội Tuyển Quốc Gia Ý thi đấu quốc tế ,đặc biệt ở những kỳ World Cup ,và Anh thường được tín nhiệm giao đeo băng đội trưởng . Người có “tóc đuôi ngựa thần thánh”,vào những thời kỳ đỉnh cao phong độ ,Anh được người hâm mộ và báo giới ca ngợi và so sánh bằng một công thức :Pele+Maradona=Baggio . Vâng ! Người đó chính là ROBERTO BAGGIO . 56 lần khoát áo đội tuyển quốc gia Ý, với 27 bàn thắng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]