Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phát nguyện Tịnh Khẩu

07/04/201508:00(Xem: 10736)
Phát nguyện Tịnh Khẩu

bai cua hoa lan (1)


Như một làn điện chớp sẹt ngang đầu khi thiên hạ nghe tin khó tưởng, cô Hoa Lan lắm lời vừa phát nguyện Tịnh Khẩu. Vâng, chuyện có thật các bạn ạ! Chẳng những Hoa Lan mà còn cả hơn 50 giới tử tham dự buổi Thọ Bát Quan Trai do thầy Hạnh Bảo hướng dẫn tại chùa Linh Thứu.

        Điểm đáng chú ý của buổi thọ giới này là thầy Hạnh Bảo đã thực hiện được tâm nguyện của các vị Thầy truyền giới từ xưa đến nay, biến cái “chợ chồm hổm“ thành một đạo tràng thanh tịnh trong một ngày một đêm bằng một tấm bảng nhỏ dán trên ve áo của mỗi giới tử, với hàng chữ viết thật rõ ràng: Ngày Thọ Bát Quan Trai Giới, phát nguyện TỊNH KHẨU.

Ai gặp các giới tử đi phất phơ trong sân chùa, định tới chào hỏi thăm sức khỏe, ta cứ việc cười mỉm chi rồi chỉ chỉ vào tấm bảng dán trên áo là thiên hạ sẽ cười lại đáp lễ rồi biến ngay tại chỗ, trả lại cho ta cái thanh tịnh có sẵn tự ngàn xưa.

Cách đây 2 năm trong buổi Thọ Bát tại chùa Linh Thứu thầy Hạnh Tấn đã đưa ra dự án “dán bảng Tịnh Khẩu“ với đầy đủ chi tiết, thế mà thủ tục hành chánh kéo dài đến bây giờ mới được chấp hành nghiêm chỉnh các bạn ạ!

Vì là báu vật nên thầy Hạnh Bảo phải cất chúng trong một túi gấm thêu chỉ vàng, trịnh trọng sau buổi lễ truyền giới Thầy cho người đem phát tận tay từng giới tử. Tuy nhiên đấy chỉ là hình thức, một tấm bảng vô tri, vô giác làm sao một sớm một chiều có thể thay đổi được cả một tập quán “ham nói“ của chúng sanh. Do đó Thầy chế mốt mới bắt từng giới tử phải học thuộc lòng một đoạn kinh hay một bài Sám Nguyện nào đó để ngày mai trước giờ xả giới sẽ khảo bài trước đại chúng. Ôi thôi! Cả chánh điện nhốn nháo, các bác bô lão đòi miễn dịch, viện cớ lớn tuổi không còn khả năng thu nhập. Nhưng cho dù ai kia có nói ngả nói nghiêng, thầy Hạnh Bảo vẫn đứng vững như kiềng ba chân.

Sau cùng có màn thương lượng giữa các giới tử và Thầy truyền giới cho hợp với khả năng của từng vị, ai ai cũng hài lòng. Cô Thiện Giới bị Thầy chiếu tướng hơi nhiều, trước tiên bắt đọc lời nguyện thứ sáu của Ngài Quán Âm.

Trời ạ! Ngày thường cô ấy vẫn ba hoa chích chòe khoe khoang đủ điều, nào là mỗi ngày đều lạy 12 Lời Nguyện của Quán Âm Như Lai. Mong học hạnh Từ Bi và Nhẫn Nhục của Ngài để chống trả với người chồng Bồ Tát nghịch duyên của mình. Thế sao hôm nay mặt ngẩn tò te trước đại nguyện từ bi hỷ xả của Ngài, may sao có bác Từ Lương nhắc tuồng: Nam Mô đại từ bi, hành hỷ xả, Quán Âm Như Lai, thường hành bình đẳng nguyện. Thế là cô Thiện Giới bị bắt học cho nhuyễn 12 Lời Nguyện, không còn thì giờ và tâm trí để đấu chuyện phiếm với thiên hạ.

Kể từ đó sân chùa trở nên khởi sắc, trong các giờ nghỉ các giới tử tay cầm quyển kinh “Thiền Môn Nhật Tụng“ loại bỏ túi, đi tới đi lui chăm chỉ học bài. Tà áo tràng phất phơ trước gió, dáng đi chậm rãi đoan trang, ánh mắt đăm chiêu thả hồn vào tiếng nhạc lời kinh. Giống như hình ảnh của Chúc Anh Đài trong phim bộ của Trung quốc thời xa xưa, hay các nàng nữ sinh Đồng Khánh của cố đô Huế ngày xưa. Có người mải lo học đến quên cả giờ Quá Đường để đại chúng chờ mong.

  
bai cua hoa lan (2)

Buổi chiều đến giờ thuyết giảng mới thật hào hứng, thầy Hạnh Bảo với tài ăn nói, như trong cung chiếu mệnh có sao “Tứ lợi khẩu“ làm lung lạc lòng người. Không ai có thể ngủ gật trong giờ Thầy đăng đàn truyền giới hay thuyết Pháp, chỉ lo ngồi nghiêm chỉnh để ôm bụng cười hoài.

Vì mải lo cười nên tôi không nhớ chủ đề bài giảng của Thầy một cách tổng quát, chỉ nhớ mang máng vài điểm trích đoạn để kể lại cho các bạn không được tham dự khỏi tiếc thầm mà thôi.

Để bài viết được mạch lạc, tôi chia bài giảng của Thầy ra làm truyện dài nhiều tập, gồm ba hồi bốn hiệp. Từ lúc ngày xưa còn bé chưa đi tu nghịch ngợm như thế nào, đến lúc tu được 10 năm trở về độ gia đình làm sao? Sẽ theo thứ tự lớp lang ngược xuôi kiểu nào cũng được, miễn sao các bạn hiểu được thì thôi.

Ngày Thầy về quê thăm gia đình sau 10 năm tu hành khổ hạnh, người ta áo gấm về làng phần Thầy chỉ có 3 Y một bình bát và một bình thủy đựng nước sôi để pha trà. Các anh chị lớn của Thầy sau bao năm lăn lộn với dòng đời, đã trải qua nhiều cuộc biển dâu từ đỉnh cao hạnh phúc đến vực thẳm của tình yêu.

Họ đang chờ đợi Thầy cho một bài Pháp cao siêu để soi đường chỉ lối cho họ thoát ra khỏi cơn bĩ cực của cuộc sống hiện thời.

Người anh lớn chỉ có một ước mơ sẽ trở thành đại gia, buôn may bán đắt, một vốn bốn lời, như bao nhiêu con người trên cái thế giới ta bà này. Nhưng cuộc đời có thịnh ắt có suy, người anh sau nhiều năm tháng gây dựng cơ ngơi, đã bắt được cơn sóng thần “phá sản“ làm dã tràng sóng cuốn trôi đi.

Người chị cả đang đau khổ vì tình, mặc dù chị đã lấy được người mình yêu. Cái người hào hoa phong nhã ấy đã có một thời theo đuổi chị ráo riết, đã chết mê chết mệt vì chị, đã nhờ Thầy làm chim nhạn trao thơ và nhờ đó Thầy có tài lộc để mua kẹo bánh giải sầu. Thế mà bây giờ tình đã bay xa theo một bóng hồng nào khác.

Thầy Hạnh Bảo chỉ tặng ông anh bà chị của Thầy câu Niệm Phật. Họ phản đối ào ào, tưởng Thầy tu lâu có thần thông biến hóa ra tiền hay sai khiến ông anh rể tung cánh chim tìm về tổ ấm, chứ ngồi không niệm Phật sao thụ động quá đi thôi! Thầy chỉ nhẹ nhàng bảo:

-        Người anh niệm Tiền sẽ được Tiền bạc (bạc đây là bạc bẽo, bạc trắng như vôi ấy). Người chị niệm Tình sẽ được Tình phụ. Còn Thầy niệm Phật sẽ được gặp Phật, chỉ đơn giản thế thôi.

Qua đến hiệp hai, chuyện Thầy về quê đi từ thiện với nghệ sĩ Kim Cương, người chỉ cần đọc qua kịch bản đã nhập vai khóc sướt mướt. Nhắc đến cô nghệ sĩ Kim Cương tôi phải nhớ ngay đến kẻ tình si nhà thơ “điên“ Bùi Giáng. Chữ điên phải được nằm trong nháy nháy, vì cái gì ta xử trí hơi khác người cho dù đúng hay sai đều được thiên hạ tặng cho chữ điên và tống vào nhà thương điên Biên Hòa. Ở trong môi trường đó người không điên cũng biến thành điên, do đó chuyện nhà thơ Bùi Giáng điên hay tỉnh chỉ có chính đương sự mới biết mà thôi.

        Theo lời kể của cô Kim Cương thì những người theo đuổi cô ráo riết chỉ thuộc diện “điên nặng“, kẻ tình si Bùi Giáng thuở ấy cứ chờ đến đêm ba mươi là trồng cây si hằng giờ trước cửa nhà cô, chờ sáng mùng một vào xông nhà chúc Tết với những bài thơ kiểu “Khi người điên biết yêu“:

        Cô Kim Cương ơi,

        Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không giỏ cho một giọt nước mắt.

        Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước... cũng được

        (Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)

        Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận.

        (Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)

 

Không biết Kim Cương Nương Tử của ông nghĩ gì về bài thơ không thể nào tưởng tượng nổi như thế này?

        Về nghệ thuật kể chuyện vui thầy Hạnh Bảo có sẵn từng bồ, kể hoài không hết. Câu chuyện một bà Phật tử ở bên Mỹ nhìn lầm thầy Hạnh Bảo ra sư phụ của Thầy vì tướng mạo hai người hơi giống nhau, rồi săn đón suýt xoa lễ bái cúng dường rất trân trọng. Đến khi nhận ra sự thật, bà ta quay lưng không ngó ngàng gì đến Thầy nữa, làm Thầy tủi thân biết mấy.

        Một câu chuyện thuộc loại Có cảm có ứng khi ta niệm Quán Âm do Thầy kể, làm tôi phải suy nghĩ không hiểu chuyện có thật hay là cổ tích.

        Ở một ngôi làng hẻo lánh nọ, có một bà cụ rất tin tưởng vào Bồ Tát Quán Âm, cụ niệm danh hiệu Ngài ngày đêm không nghỉ và với lòng tin kiên cố cụ nghĩ, bất cứ tình huống nào xảy đến, cụ chỉ cần gọi là Ngài sẽ đến cứu cụ ngay.

       Hôm đó trong làng bị một trận bão lớn, cỡ cơn bão số 9, nước ngập đến chân và có khuynh hướng dâng lên từ từ. Người hàng xóm sang tận nơi khuyên cụ nên di tản, nhưng cụ nhất định không đi vì nghĩ có chuyện gì xảy ra Quán Âm sẽ đến cứu cụ ngay không việc gì phải sợ. Ngày hôm sau nước ngập đến tận lưng, mọi người trong làng đã cao chạy xa bay từ lâu, chỉ còn bà cụ ngồi niệm Quán Âm một cách chí thành! Một chiếc thuyền chèo ngang đón cụ, dục dã liên hồi nhưng cụ vẫn bình chân như vại chờ Quán Âm tới rước mới chịu đi. Qua đến ngày thứ ba nước đã ngập đến đầu, cụ phải leo lên mái nhà để niệm Quán Âm, trên bầu trời xuất hiện một chiếc trực thăng với giây thang thòng xuống, yêu cầu cụ leo lên. Vì không thấy Quán Âm đến đón nên cụ vẫn kiên trì ở lại, dĩ nhiên cụ già bị nước cuốn đi hui nhị tỳ một cách ngon ơ.

        Xuống tới cửu tuyền, cụ làm đơn gửi Diêm Vương để kiện Bồ Tát Quán Âm với tội trạng, không giữ lời hứa đến cứu cụ, trong khi cụ đã hy sinh cả đời để niệm danh hiệu Ngài. Mặc dù rất bận rộn trong công việc cứu khổ, cứu nạn chúng sanh, Bồ Tát Quán Âm vẫn xuất hiện đúng giờ trước phiên tòa xét xử.

        Ngài phất nhẹ nhành dương liễu trước thinh không, rồi nhẹ nhàng cười bảo:

        - Ta có đến cứu ngươi 3 lần mà nhà ngươi cứng đầu không chịu theo, biết làm sao đây!

        Pháp của thầy Hạnh Bảo là như thế đó, pháp này rất dễ hiểu sẽ đi sâu vào quần chúng một cách dễ dàng.

        Nhờ tấm bảng phát nguyện Tịnh Khẩu đeo trên ve áo mỗi giới tử, cộng thêm trách nhiệm phải học thuộc bài để mai Thầy truyền giới khảo hạch, đạo tràng thọ bát lần này rất thanh tịnh, không có trò tụ năm tụ ba lại nói chuyện phiếm. Nhiều khi còn quá tích cực như đến giờ chỉ tịnh rồi, còn có người chong đèn trên giường để học cho nốt đoạn kinh Chú Đại Bi.

       
bai cua hoa lan (3)

Phần tôi cũng chẳng khá gì hơn, trong giấc mơ vẫn còn lẫn lộn lời nguyện nọ chập sang lời nguyện kia.

        Sáng hôm sau chương trình vẫn như thường lệ, công phu khuya xong đáng lẽ các giới tử phải ra sân để vận động tay chân, múa một vài màn Tài Chi cho khỏe. Nhưng hôm nay sân chùa lại vắng lặng, chỉ thấy các hình ảnh của Chúc Anh Đài hay các nữ sinh Đồng Khánh cầm quyển kinh đi phất phơ qua lại, mặt rất đăm chiêu vì sợ chưa thuộc hết bài.

        Cái gì đến sẽ đến, giờ khảo bài đã điểm. Ban giám khảo gồm các Ni Sư Linh Thứu, Ni Sư Hương Sơn và dĩ nhiên vị chánh chủ khảo là thầy Hạnh Bảo.

        Các bạn ơi! Thầy ghi sổ hết cả rồi, ai nhận học bài bản nào là trả bài ngay tại chỗ, không trốn tránh vào đâu được.

        Ai thuộc bài sẽ được một tràng pháo tay tán thưởng của đại chúng và một món quà nhỏ của các Ni Sư tận tay trao tặng, một xâu chuỗi hạt hay một tượng Phật để treo. Chắc là Phật độ hay sao mà ai cũng trả bài một cách lưu loát, nhiều hay ít tùy theo căn cơ  và sự dụng công của chính mình.

        Người được tán thưởng nhiều nhất là bác Từ Lương với 48 Lời nguyện của Phật A Di Đà, hỏi bất chợt lời nguyện nào từ dưới đi lên hay từ trên đi xuống bác vẫn đọc được một cách mạch lạc.

        Buổi lễ xả giới kết thúc khóa tu cho một lời phát nguyện Tịnh Khẩu, tuy chỉ có một ngày một đêm thôi, nhưng sẽ là những viên gạch khởi đầu xây dựng cho ngôi nhà Phật Pháp tương lai trong mỗi chúng ta.

        Chúc các bạn một ngày vui.

 

        Hoa Lan.

Mùa Thu 2009.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/05/2011(Xem: 7890)
Nhân quả đồng thời được nói một cách cô đọng trong kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm… và rải rác trong các kinh điển Đại thừa. Có lẽ người đầu tiên dùng thành ngữ “nhân quả đồng thời” là Đại sư Trí Khải (thế kỷ thứ 6) trong Pháp Hoa Huyền Nghĩavà trong các tác phẩm Thiên Thai tông của ngài, y cứ trên kinh Pháp Hoa. Thành ngữ này cũng là một giáo lý chính yếu của Hoa Nghiêm tông vào thế kỷ thứ 7. Nói một cách vắn tắt và đơn giản, nhân quả đồng thời là quả giác ngộ, quả Phật vốn đã nằm nơi nhân tu hành để đạt đến giác ngộ, để thành Phật. Nhân của thành Phật là “nhân địa pháp hạnh của Như Lai” được nói trong kinhViên Giác:
14/05/2011(Xem: 14541)
Xuất phát từ một nhận thức có tính thuyết phục về đạo Phật, quyển "Thuần Hóa Tâm Hồn" được viết với một văn phong hiện đại, trong sáng và tinh tế; nghiêm trang nhưng vẫn đan xen đôi nét hóm hỉnh.
14/05/2011(Xem: 7246)
Phật Đản lại về, cuối xuân đầu hạ, cây đủ lá xanh tràn trề sức sống, hoa sen rộ nở đóa đóa diệu hồng, trắng mát, tỏa hương khoe sắc, như đón bậc vĩ nhân...
12/05/2011(Xem: 6519)
Hầu hết mọi người Phật tử Việt Nam đều không những có nghe biết mà còn thường xuyên sử dụng từ ngữ “Phật sự” Nhưng chính vì được nghe biết và sử dụng quá thông thường, cho nên, đôi khi chúng ta lại không có cơ hội để suy nghiệm về ý nghĩa thâm diệu của nó để ứng xử một cách kiến hiệu trong đời sống thường nhật. Cũng vì lý do này đã dẫn đến việc đánh mất tinh thần cốt tủy trong các Phật sự mà chúng ta đã, đang và sẽ thực hiện.
11/05/2011(Xem: 5605)
Sống ở đời, chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau, dù ít hay nhiều. Bởi thân thể ta đau nhức là khổ, giận hờn là khổ, tiếc thương cũng khổ… Có rất nhiều yếu tố làm cho ta khổ, nhưng chung quy mọi khổ đau đều xuất phát từ chính mình.
09/05/2011(Xem: 14785)
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm (năm đó). Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."
09/05/2011(Xem: 20131)
Bài giảng cuối cùng, Câu chuyện xúc động về Giáo sư Randy --Cuốn sách mà bạn sắp đọc đây là 53 ngày sau đó nữa, là cách GS Randy Pausch tiếp tục những gì ông đã bắt đầu trên giảng đường hôm ấy, với sự giúp đỡ của nhà báo Jeffrey Zaslow. Hằng ngày vẫn đạp xe để tập luyện, trong 53 lần đạp xe như vậy ông đã trò chuyện với Jeffrey Zaslow qua điện thoại di động. Zaslow đã chuyển những câu chuyện thành cuốn sách này. Ngày 8-4-2008, sách được phát hành tại Mỹ. Hơn ba tháng sau, ngày 25-7-2008, gs Randy Pausch qua đời.
07/05/2011(Xem: 19483)
Tác giả Tâm Diệu, là cựu sinh viên của Viện Đại Học Vạn Hạnh, đã gửiđến cho tôi tập sách Quan Điểm Về Ăn Chay Của Đạo Phật.Nội dung chính xoáy quanh những điểm dị biệt trong vấn đề ănchay theo quan điểm của hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủyvà Đại thừa phát triển ngang qua một số kinh điển Phật giáo.Tác giả đã nêu bật được tính chất chung Từ bi và TríTuệ của Đạo Phật trong vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn mộtvài điểm trong đó chúng tôi nghĩ rằng cần phải có thờigian để làm sáng tỏ.
06/05/2011(Xem: 6775)
Như ai cũng biết, chúng ta sinh ra đời để sống và làm việc như bao nhiêu người trên thế gian này. Đó là ăn uống, ngủ nghỉ, rồi lớn lên lấy vợ lấy chồng, đi làm kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình và đóng góp lợi ích xã hội, đến khi lớn tuổi về hưu thì già bệnh rồi chết. Đó là nói những người làm việc nhà nước có chính sách chế độ lương hưu. Còn những người tự làm tự sống, không làm việc nhà nước thì họ phải bươn chải đến khi không còn khả năng làm việc nữa mới thôi. Ai có phước thì được con cái chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng khoảng đời còn lại.
04/05/2011(Xem: 7930)
Sống theo đúng năm giới thì sống thọ: Ðó là lời Ðức Phật dạy, mà cũng là một Chân lý được các bậc minh triết phương Ðông khẳng định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]