Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tu học và những nỗi sợ

10/01/201509:52(Xem: 5601)
Tu học và những nỗi sợ
nguyengiacphantanhai

 

Tôi vẫn có nỗi lo, đúng ra, đây là nỗi sợ. Nỗi sợ đó thế này: sẽ có một lúc tôi chết bất ngờ, và rồi tức khắc dòng nghiệp thức sẽ bị kéo trở lại Việt Nam cho một kiếp kế tiếp. Bởi vì, không một ngày nào trong đời, tôi không nghĩ về Việt Nam. Không phải nghĩ về một lần hay một buổi, đôi khi suốt ngày không rời ý nghĩ về quê nhà.

Tôi từng có nỗi lo đó về một số bằng hữu, nhưng ở hoàn cảnh khác. Như trường hợp một nhạc sĩ bạn thân, từng nói rằng từ buổi sáng thức dậy cho tới thật khuya, kể cả khi nằm chờ giấc ngủ, những dòng nhạc  cứ âm vang mãi trong đầu anh. Tôi nghĩ, thế rồi làm sao giaỉ thoát nhỉ. Bởi vì, nhỡ khi anh đứng tim chết bất ngờ, anh có thể thác sinh tức khắc vào một gia đình có truyền thống âm nhạc nào đó.  Vì tâm dẫn theo các pháp. Và do vậy, những dòng nhạc sẽ dẫn anh đi. Tôi đoán như thế, theo kiểu suy luận phổ biến.

Trường hợp sức mạnh thơ, văn cũng thế. Tôi làm thơ, viết văn… nhưng thực sự không mê. Luôn luôn biết làm biếng, và thường thì làm biếng. Có khi, một năm mới viết một truyện cho báo xuân; và đó cũng là bị hối thúc, bị níu kéo, thường khi cũng hiểu là trách nhiệm. Nhưng tôi biết nhiều bạn văn, bạn thơ… rất thường khi trong tâm họ ngày đêm khi khởi lên những dòng thơ, dòng văn. Tôi lo sợ cho các bạn văn, vậy rồi không lẽ để thơ văn kéo mình trôi mãi sang kiếp sau…

Tôi biết mình không rời khỏi ý nghĩ về quê nhà. Nhưng cao điểm là khoảng gần giữa năm ngoái, khi giàn khoan HD-981 của Trung Quốc kéo vào Biển Đông, và rồi vài chục tàu Hải giám của Việt Nam ra vây hàng ngày. Tôi đọc đủ thứ tin, theo dõi diễn tiến Biển Đông, thường khi quên ăn, quên ngủ. Hễ  về nhà là mở TV, dò đủ thứ kênh. Và rồi, tôi khám phá ra ba đài nói tiếng Anh lúc đó thường xuyên nói về Biển Đông, có thể bắt sóng được qua antenna ở vùng Quận Cam, California. Cả ba đài đều phát sóng 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần, và là các đaì quốc doanh của ba chính phủ, do vậy không hề có quảng cáo chen vào, hoặc khi có thì rất ngắn.

Đài tôi thích xem nhất là Đài Nhật Bản NHK 28.4, bênh Việt Nam ra mặt, tin loan đều mỗi giờ, hoàn toàn không quảng cáo. Thứ nhì là Đải CCTV 31.9 của Trung Quốc, hễ xem có khi bực mình vì các thầy bàn trên đài này thường khi hung hăng sỉ vả Việt Nam vô ơn và vân vân. Đài tôi ưa xem khác là Đài Arirang 44.5 của Nam Hàn, cũng tập trung nói về Biển Đông thời gian đó, nhưng phiền là chương trình ca nhạc nhiều quá.

Nhiều khi đang ngủ, đột nhiên chồm dậy, tôi lại ra mở NHK để xem, hay bật máy tính lên dò tin… vì lo sợ quê nhà đang nguy biến. Những giây phút đó, tôi lo sợ suy nghĩ, nếu lúc này mình đứng tim chết, hẳn là sẽ tức khắc tái sinh ở Việt Nam. Mới biết, giải thoát là chuyện cực kỳ khó, bởi vì cho dù trước giờ tự đánh giá mình là người mê tu 24 giờ/ngày, tôi vẫn không thoát nỗi những biến động ở Biển Đông, và rất nhiều khi đọc tin quê nhà mà không ngăn được nước mắt.

Tôi cũng có một số nỗi lo khác, nhưng không mạnh bằng chuyện giàn khoan. Tôi sợ những đam mê của mình sẽ dẫn mình sang kiếp sau, nếu bây giờ không tu tập giải thoát nổi. Trước tiên là mê đọc. Tôi có thói quen từ nhỏ là mê đọc sách, và hễ có cơ hội là đọc ngày, đọc đêm. Nỗi lo là: nhỡ mình không giải thoát được, rồi cứ nửa đêm lại về bàn vong nhà chùa bật đèn để tìm kinh sách đọc. Nỗi lo này mơ hồ thôi, vì thực ra thói quen đọc đã kiểm soát được nhiều rồi.

Nhiều thập niên trước, có một lần tôi thưa với Thầy Tịch Chiếu, Chùa Tây Tạng Bình Dương, rằng có phải tông chỉ Thiền chỉ đơn giản là vô niệm, cũng gọi là vô tâm. Đó là một buổi chiều, chỉ có hai thầy trò ngồi uống trà. Thầy nhìn vào mắt tôi, cười rồi nói, không phải, nhưng con đừng đọc sách nữa.

Đọc là một hành vi tuyệt vời của nhân loại. Hẳn nhiên, không có nghĩa Thầy bảo đừng đọc. Bởi vì, thời chưa có chữ là phải nghe, do vậy thời có chữ tất phải đọc. Ngài A Nan được ca ngợi là đa văn, là người nghe nhiều; thời này, nên hiểu việc tu học là nên đọc nhiều. Vì nếu không đọc, làm sao biết Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo là gì.

Tôi lo sợ khi nghe một số vị sư khuyên là nên ngồi thiền thật nhiều, đừng nên đọc. Một số thầy khác nói, chỉ cần niệm Phật cho nhiều, và chớ nên đọc vì sẽ loạn tâm. Nếu cứ mãi như thế, Phật Tử sẽ có lúc bị kẻ lạ chiêu dụ đi mất, vì không đọc, tất sẽ không biết gì là Đạo Phật để ở lại trong ánh sáng Phật Pháp.

Để nói về việc đọc. Khi chê việc đọc là hành vi của con vẹt, nghĩa là sợ vướng vào bẫy của ngôn ngữ viết, sao không sợ rơi vào ngôn ngữ nói. Vì đọc hay nghe cũng là qua ngôn ngữ, không hiểu đạo sẽ dễ té vì nơi nào cũng là cạm bẫy. Khi Thầy tôi nói chớ đọc sách nữa, chỉ có nghĩa là chớ đọc chữ nữa, mà hãy đọc tâm của mình, vì đây mới là việc nên đọc.

Khi nhìn vào tâm mình, chúng ta thấy gì? Trước tiên, bạn sẽ thấy chữ biến mất. Bạn hãy thử nhìn vào tâm xem, sẽ thấy tất cả chữ đều biến mất. Chính ở nơi đây, ý nghĩa Thiền Tông mới hiển lộ. Đó mới là ý nghĩa đọc kinh vô tự, kinh không chữ. Ngay khi lặng lẽ và tỉnh thức tự nhìn tâm mình, bạn sẽ thấy ngay trước mắt đó là pháp môn không có cửa vào, đây là Vô Môn Quan, đây là con đường không có lối đi.

Hãy lặng lẽ và tỉnh thức tự nhìn tâm mình, khi tất cả những rừng chữ nghĩa biến mất, khi tất cả những ngày hôm qua và ngaỳ mai biến mất, khi hoàn toàn không thấy còn gì để buông và nắm nữa, chính ngay khi đó chính là cái rất mực tươi mới, cái chưa từng được biết, đây là cái hiện tiền, đây là dòng sống, trước mắt bạn giây phút đó là cái hạnh phúc vô cùng vô tận, cái không thăm dò nổi, và vì là cái chưa từng được biết nên còn gọi là cái khoảnh khắc vô ngã, cũng là cái Không Rỗng Rang như Đức Phật đã giải thích. 

Gọi cái bạn đang nhìn vào tâm đó là cái chưa từng được biết bởi vì (trong dòng sống vô thường này) ngay khi cái bạn vừa biết là lập tức biến dạng vào quá khứ, ngay khi cái bạn đang thấy đã lập tức biến thành cái đã thấy, ngay khi cái bạn vừa mới đã nghe là lập tức biến thành cái đã nghe. Cái  bạn đã thấy, đã nghe, đã biết có thể lưu được vào chữ. Nhưng cái bạn đang thấy, đang nghe, đang biết sẽ luôn luôn là cái sinh động của đời sống -- trước mắt, bên tai, quanh bạn và hiện ra trước khi có chữ. Đó chính là như Đức Phật dạy, trong cái thấy chỉ là cái được thấy, trong cái nghe chỉ là cái được nghe. 

Đứng trước cái nhìn vào tâm như thế, chúng ta sẽ thấy như chư tổ nói rằng đây là chỗ ngôn ngữ vắng bặt. Vì không hề có chữ nào diễn tả được cái Không Rỗng Rang trước mắt như thế được. Ai cũng có thể tự nhìn tâm như thế.

Chúng ta có thể nhớ ra  một chuyện xa xưa về Thiền Tông. Nếu chỗ này nhớ sai, hãy nên xem như là chuyện mang máng như thế. Một nhà sư sau mấy năm tu trong chùa, vẫn hoang mang, chưa biết cách an tâm, nên tới gặp Thiền sư trụ trì và trình, xin Thầy chỉ cho con tỏ ngộ bản tâm. Thiền sư liền lấy gậy đánh lên vai một cái đau điếng. Nhà sư học trò chính giây phút đó mới hiểu, thấy rằng cái làm cho mình đau điếng đó chính là cái bản tâm hiển lộ ra, và cái cảm thọ đau điếng đó xa lìa tất cả chữ nghĩa. Nó chính là dòng sống, là cái chưa từng được biết. 

 

Và ngay khi sư nhận ra cái đau đó, cái cảm thọ đó không phảỉ là cái chụp bắt được, nó chính là dòng sông trôi tuột trên tâm và biến đổi không ngừng. Nó chính là cái Vô Thường, cái không chụp bắt được vì nó là cái hiện nay và bây giờ. Và vì là Vô Thường, ngay khi cảm thọ, nó cũng là cái toàn thể, cái lìa cả ý nghĩa vô thường và thường, cái không có chữ nào mô tả được. Sống với những giây phút đó chính là Thiền Tông. Cũng là tức khắc đang tắm gội trong pháp tứ niệm xứ.

Để nói thêm về chữ. Có một lúc, tôi muốn trình bày về niệm Phật, khi một bà cụ chận tôi trước cổng một ngôi chùa và hỏi về cách niệm “Nam Mô A Mi Đà Phật.”  Tôi không biết nên nói sao cho trọn ý, nên trả lời rằng bác hãy cứ niệm đơn giản là “Nam Mô A Di Đà Phật.” Lúc đó tôi sợ sẽ có ông sư nào khó tính, cứ đòi Phật Tử niệm theo giọng Quảng Nam hay giọng Nghệ An, giọng Sài Gòn hay giọng Hà Nội… Thế hệ trẻ đâu còn nghe giỏi tiếng Việt nữa, bảo niệm làm sao cũng sẽ vất vả vậy.

Có lẽ nên nói như thế này: Rằng ngay khi người niệm nhìn vào tâm mình khi niệm chữ Nam, nếu lúc này là nhất tâm bất loạn, tất sẽ thấy ngay lúc đó là đang nhìn vào một cõi tâm chưa từng được biết tới; và rồi ngay khi niệm tiếp chữ Mô, tương tự với chữ A, chữ Di, chữ Đà, chữ Phật -- tất cả những biến đổi của dòng sống đang trôi chảy trước mắt, của dòng âm thanh trôi chảy qua tai… khi chữ Nam âm vang, rồi chữ Mô âm vang… thực ra đó là cõi tâm rất mực thanh tịnh.

Chính nơi các chữ đó, nơi các khoảng giữa các chữ, nơi âm vang và nơi lặng lẽ giưã các âm… đó chính là tâm thanh tịnh vô lường. Hãy nhìn vào tâm, sẽ thấy đó là cái vô cùng vô tận, cái không hề có chữ nào thực sự hiện hữu hết…Đó là chuyện chớ đọc chữ, mà hãy đọc tâm. Đúng ra, không có gì ở tâm để đọc, đó mới thật sự là đọc. Ai cũng có thể nhìn như thế được, không có gì bí ẩn cả.


Cũng để nói thêm về đọc. Hồi thời học thi Tú Tài, tôi chơi với một nhóm bạn ưa tới Chùa Xá Lợi để ngồi học thi. Có một cuốn sách, truyện dịch, được bọn học trò chúng tôi, hầu hết là Chu Văn An, mê kinh khủng. Cuốn này, bản Việt ngữ, tôi còn nhớ tên là “Chân Dung Nàng Thơ” của tác giả Robert Nathan. Không nhớ ai dịch. Nhưng vẫn nhớ bản gốc Anh ngữ là  “The Portrait of Jennie.”

Theo tôi nhớ mang máng, cốt truyện thế này. Cuốn tiểu thuyết mỏng này kể về một họa sĩ Hoa Kỳ, thuộc loại nghệ sĩ đói kinh khủng, ra một công viên trong mùa tuyết để vẽ, hy vọng sẽ có một tấm tranh phong cảnh có thể bán được. Chàng họa sĩ này gặp một cô thiếu nữ ngồi giữa công viên tuyết. Chàng hỏi cô bé tên gì, cô bé nói là Jennie.

Khi chàng hỏi cô bé từ đâu tới, cô đọc mấy câu thơ, nội dung là chẳng từ đâu tới và sẽ chẳng đi về đâu. Ngôn ngữ cô bé bí hiểm như kiểu văn học thiền. Thế rồi, thay vì vẽ phong cảnh, anh họa sĩ vẽ cô bé. Mấy hôm sau ra công viên, lại thấy cô bé, nên vẽ tiếp, nhưng chàng kinh ngạc thấy cô như già đi vaì năm. Làm sao chỉ trong vài ngày lại già đi vài năm? Cuối truyện, chàng khám phá ra cô bé là một phụ nữ chết chìm tàu. Truyện như mơ, như không có thật. Nhưng tấm tranh vẫn là có thật. Truyện này bản dịch Việt ngữ hay kinh khủng lắm.

Lúc đó, tôi ước mơ phải chi sau này giỏi tiếng Anh, tôi sẽ tìm bản gốc để xem cái hay của văn chương Hoa Kỳ. Đó là lý do lúc đó, tôi học thuộc lòng tựa sách và tên tác giả. Cùng lúc, cũng là mê một vài tác giả khác. Nhưng khi sang Mỹ, hoàn toàn không còn thì giờ để tìm cuốn sách đó nữa. Thêm nữa, phải đọc Kinh Phật (bằng tiếng Anh), và dĩ nhiên, Kinh Phật hay vô cùng vô tận; chẳng còn gì khác để bận tâm nữa.

Cách nay khoảng hơn một thập niên, một tên bạn trong nhóm bạn Chùa Xá Lợi từ Texas sang Quận Cam chơi. Tên này giỏi tiếng Anh từ thời trung học, sang Mỹ học xong y khoa và trở thành một bác sĩ nổi tiếng về nghiên cứu; đó là bác sĩ Trương Đình Luận. Tôi chở Luận xuống thành phố Laguna Beach chơi, dẫn đi xem các phòng triển lãm cả buổi chiều.  Đi lang thang qua các phòng tranh, Luận hỏi tôi có nhớ cuốn “Chân Dung Nàng Thơ” không. Tôi nói nhớ chớ, hình ảnh anh họa sĩ cũng là một lý do làm cho mình khi nào trong đầu đầy chữ, đọc mệt quá, là lấy giấy mực ra vẽ.

Luận nói, sang đây đọc bản nguyên tác Anh ngữ, thấy không hay bằng bản tiếng Việt. Tôi thú thực với hắn, rằng tiếng Anh của tôi lúc đó chưa đủ giỏi để thưởng thức cái hay văn chương của ngôn ngữ Anh, và cũng không có thì giờ, nên  chưa tìm đọc hết những gì mình muốn…Điều khám phá tuyệt vời nhờ tên bạn này là: có khi, bản dịch hấp dẫn hơn bản gốc.

Để xem, thay vì đọc và viết là Đức Phật Thích Ca, rồi sẽ có thầy nào dạy là phải đọc và viết là Đức Fật Thích Ka mới đúng. Đây cũng là một nỗi sợ lớn của tôi vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/11/2023(Xem: 1039)
Ôn cố tri tân tức ôn lại chuyện cũ để hiểu chuyện mới. Chuyện cũ là kho tàng kinh nghiệm cho đời sau. Tất cả mọi hưng-phế của đất nước đều do người chứ không phải do Trời. Vào năm 2018, đất nước Venezuela hỗn loạn, có tới hai chính phủ và ngoại bang xâu xé, chưa biết tương lai đi về đâu, rồi tới nước Pháp.
15/11/2023(Xem: 1004)
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy là câu lưu truyền để nói lên công ơn của những người Thầy đã dành cho chúng ta, dù nhiều hay ít, cũng là những nền tảng để mỗi người có được sự hiểu biết và phát triển theo hướng tích cực. Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống cao đẹp, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, trải qua bao đời, truyền thống này vẫn luôn được giữ gìn như một gốc rễ tạo nên nhân cách, đạo đức và kiến thức cho mỗi con người, bởi không ai lớn lên mà không cần đến người dẫn dắt, hướng dẫn, không ai tự nhiên tài giỏi, hiểu biết mà không có một người Thầy.
02/11/2023(Xem: 1522)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Năm nào xứ Huế cũng lụt lội, dường như bão lụt đã trở thành .. ''đặc sản'' không thể thiếu của miền Trung. Được sự quan tâm chia sẻ của quý vị Phật tử và các vị hảo tâm, Hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề (Bodhgaya Heart Foundation) chúng tôi vừa thực hiện một buổi phát quà từ thiện dành cho những người dân nghèo, những người hoàn cảnh khó khăn.. thuộc huyện Phong Điền- Thừa Thiên Huế.. Chư Ni chùa Siêu Quần đã đại diện Hội từ thiện trao tặng cho người dần 500 phần quà, mỗi phần trị giá 400k gồm 10 ký gạo, thùng mì, dầu ăn, đường, bột ngọt, nước tương, sữa và bì thư 100k.
15/10/2023(Xem: 1178)
Mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Ngày Doanh Nhân Việt Nam, Thái Hà Books chính thức phát hành cuốn sách quý, rất ý nghĩa “Trái tim của Bụt” với 02 phiên bản đặc biệt và phổ thông. Sách được thực hiện và gia công trang trọng, công phu, nội dung có bổ sung hình minh họa dễ hiểu cho các doanh nhân và độc giả cảm nhận rõ hơn những thông điệp của sách, để chúng ta nhắc nhau thực hành lối sống phụng sự trong hạnh phúc, để cùng nhau đi đứng nằm ngồi, nói cười và tiếp xử với nhau trong hỷ lạc và an vui, để mỗi chúng ta cùng tiếp nối sự nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
13/10/2023(Xem: 1058)
Người đời, từ khi sinh ra đến khi lớn lên, luôn có một mong cầu, đó là “sống và tận hưởng”, quan niệm đó hình thành và tồn tại cho đến khi con người mất đi, bởi lạc thú và những vật chất xa hoa là thứ khiến cho người ta hướng đến, chinh phục và khao khát có được, bởi khi có được những điều đó, người ta mới thấy cuộc đời là đáng sống.
13/10/2023(Xem: 2063)
Tứ Niệm Xứ là pháp hành (phương pháp thực hành Giáo Pháp) do Đức Phật khám phá và truyền dạy, bao gồm sự thực hành bốn loại Chánh Niệm (Trí nhớ Chánh) về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Mục đích là để Thấy Biết như thật về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Vậy những lợi ích cụ thể khi thực hành Tứ Niệm Xứ là gì?
07/10/2023(Xem: 1322)
Thân đau yếu là để dạy cho Tâm biết Vô Thường!! - Thân thể đau yếu, bệnh tật là để tâm khởi lên sự chán ghét thế gian và có tác dụng làm sụp đổ các hy vọng . Tâm điên đảo, vọng tưởng chạy theo đủ thứ suy nghĩ là để giúp cho chúng ta thấy rõ cái đam mê, cái tham ái vào bản ngã.
03/10/2023(Xem: 791)
Khó- Dễ trong đời DỄ là nói chẳng nghĩ suy KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra. DỄ làm đau đớn người ta KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương!
22/09/2023(Xem: 870)
BẠN CÓ BIẾT, VÌ SAO BHUTAN LÀ ĐẤT NƯỚC HẠNH PHÚC? Hạnh phúc của Bhutan đến từ những điều bình dị nhất: ▪️BÌNH DỊ QUA MÓN ĂN: Ăn là nhu cầu cơ bản để nuôi cơ thể sinh học, nhưng không phải sống để ăn, vì vậy thức ăn là quà tặng của tự nhiên, là tình thương của người gieo trồng, là sự ấm áp và chân thành của người chế biến, nên khi ăn họ cảm thấy hạnh phúc.
22/09/2023(Xem: 1422)
Mỗi người trong cuộc sống này luôn có một thử thách để chinh phục và vượt qua, đó là gì? Phải chăng là một vị trí cao trong xã hội? Một gia tài đồ sộ? Một danh tiếng lẫy lừng? Là vượt qua tất cả người khác để chiếm giữ vị trí độc tôn?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567