Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chút Ân Tình Cũ

23/11/201412:03(Xem: 9747)
Chút Ân Tình Cũ


chay-tay

Chút Ân Tình Cũ

Trần Thị Nhật Hưng

 

 

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.

( Chinh Phụ Ngâm Khúc)

 

   Trong cuộc sống có những ân tình, nhưng vì hoàn cảnh, hay vì lý do nào đó không trả được, tôi ghi mãi trong lòng, ấp ủ sâu thẳm tận trái tim như báu vật để rồi một lúc nào đó chợt nhớ lại, trân trọng với lòng tri ân vô bờ bến.

Câu chuyện tôi muốn kể sau đây xảy ra sau biến cố 1975, đánh dấu một giai đoạn thê thảm nhất đời tôi, tưởng có thể gục ngã, nhưng chính vào lúc như thế, chỉ cần một bàn tay, một chút ân tình, cũng có thể cho ta sức sống, hy vọng, niềm tin để vượt qua những chông gai, vươn vai đứng vững trên những thử thách.

   Như hôm nay trên xứ lạ, bâng khuâng nhìn những sợi tuyết mong manh thật nhỏ như tơ trời, nhẹ nhàng rơi trông như cơn mưa phùn Hà Nội. Mưa tuyết lê thê dai dẳng, không biết bao giờ dứt. Trời u ám một màu xám tro, ảm đạm, dễ khiến lòng người tha hương vốn u uẩn càng u uẩn hơn. Nỗi buồn xa xứ dai dẳng như bám sâu từ lúc nào trong tâm khảm, chỉ chờ một cơn gió nhẹ, một chiếc lá rơi hay như bầu trời ảm đạm hôm nay cũng gợi lại bao nỗi niềm xưa cũ.

   Tôi nhớ rõ lắm, cũng thời tiết này, cũng với cái giá lạnh của mùa Đông, ngày đó, tôi đã trải qua bao gian truân, khổ ải. Cho đến bây giờ, ngồi trong căn nhà ấm áp bình yên nơi xứ lạ, ngồi nghĩ lại, tôi tự hỏi từ đâu, từ sức lực nào, từ nghị lực nào tôi có thể vượt qua mọi thử thách để tồn tại.

 

   Ngày đó, tôi còn trẻ, mới chỉ 23 tuổi đời. Cơn bão thời cuộc ập tới, quất vào mặt tôi những cái tát nảy lửa, bỏng rát và phủ lên cuộc đời tôi một màu xám ảm đạm. Cũng như bao thân phận của những phụ nữ miền Nam sau 1975, tôi sống kiếp “Hòn Vọng Phu„ vì chồng tôi khăn gói vào tù mịt mờ không biết ngày trở lại.

   Ở nhà lủi thủi một mình với cụ bố chồng, cuộc sống lê thê ảm đạm, ngày này qua tháng khác, năm này sang năm kia. Cho đến khi biết Huy, đấng lang quân của tôi bị đày ra Bắc, tận Lào Cai, vùng rừng sâu nước độc, tôi coi như chết cả cuộc đời. Như cái án tử hình treo lơ lửng trước mặt. Cái án dành cho chàng và cả cho tôi. Tôi sống mà như cái xác không hồn, buông xuôi, thả đời cho số phận.

   Ở nhà mãi với cụ bố chồng đáng tuổi ông nội, mà lại là một nhà nho…chùm,  cực kỳ phong kiến, khó tính. Hai thế hệ như hai thái cực. Tôi buồn hiu hắt. Nỗi buồn âm ỉ, thấm sâu, đốt dần từng tế bào trong cơ thể tưởng như không còn sức sống. Tôi rũ xuống, mềm nhũn như một con giun đất. Để giải khuây vơi bớt nỗi sầu, hay nói đúng hơn muốn thoát thân, thay đổi chút không khí cho dễ thở, tôi vùng dậy lấy cớ đi thăm nuôi chồng, mặc dù tôi biết cực kỳ vất vả khổ sở, nhưng với tôi, cái khổ thân xác vẫn chịu được, không ăn thua gì so với cái khổ tinh thần. Lại nữa thăm nuôi để chia sẻ nỗi khổ nhục của chàng. Là động cơ thúc tôi tiến tới. Không cần những bức thư chàng viết về bóng gió, tôi vẫn biết chàng đang đói khổ, rét lạnh đang chết dần với cái án…thật, lao động khổ sai vô hạn định, không biết ngày trở về. Sự sống như mành treo chuông. Chàng đang mong mỏi sự tiếp tế của gia đình, vợ con…!

- Ra Bắc một mình nguy hiểm lắm con ạ. Con nên ở nhà cho bố an tâm. Một đứa đi tù đã khổ rồi. Còn một đứa bố không muốn khổ thêm.

Câu nói như một điệp khúc, cụ Lý, bố chồng tôi nhắc nhở nhiều lần mỗi khi tôi đòi ra Bắc thăm nuôi. Tôi nghe quen tai hay nói cho đúng hơn lòng tôi chai đá không còn biết sợ là gì, ngoài nỗi chán chường hiện tại.

- Bố ạ, sau biến động biên giới với Trung quốc, nhà con đã chuyển từ Lào Cai xuống Nghệ Tĩnh (thành phố Vinh). Nghệ Tĩnh không xa nữa, con có khổ một chút cũng không sao, con chịu được , bố ạ.

   Rồi không đợi cụ lên tiếng cho phép, tôi cứ lặng lẽ sắm sửa quà cáp, sắp xếp chuyến đi và đi một mình.

 

   Chuyến tàu Sài gòn - Hà nội lăn bánh khi phố xá vừa lên đèn, bỏ lại sau lưng tôi bao nỗi ưu tư, phiền muộn của tháng ngày buồn chán. Ngồi co ro trong chiếc ghế chật hẹp, xung quanh tôi toàn cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Bắc và dân buôn hàng chuyến ngồi la liệt xếp lớp dọc lối đi; nỗi ưu tư khác lại bắt đầu ùa đến cùng với nỗi cô đơn trống vắng lạ thường. Trên tàu, tôi không gặp được bất cứ người thân quen hay người đồng cảnh ngộ nào để hy vọng làm bạn và nương tựa giúp đỡ nhau mang xách khi thăm nuôi, mặc dù lúc này, phong trào thăm nuôi tù miền Bắc đã được nới lỏng. Tôi lo lắng ra mặt.

    Ngồi đối diện tôi, một thanh niên trẻ lên tiếng:

- Chị ra Bắc thăm thân nhân cải tạo, phải không?

- Vâng. Sao anh biết?

- Nhìn cung cách chị, tôi đoán thế. Chị xuống ga nào?

- Tôi xuống Vinh.

- Tôi cũng xuống Vinh. Hành lý chị nặng nề, tôi sẽ giúp chị một tay.

    Tôi nhìn sững anh ta, âm thầm nhận xét. Nét mặt anh hiền hòa. Lời nói nhẹ nhàng từ tốn. Tôi an tâm nhưng cũng nói:

- Vâng. Cám ơn anh. Nếu tôi không gặp được bạn nào, tôi sẽ phiền anh.

   Con tàu vẫn sình sịch nghiến đều trên đường sắt. Cứ tới mỗi một ga, hành khách lại ồn ào nhốn nháo. Kẻ xuống người lên, hốt hoảng gọi nhau ơi ới.      Những lúc như thế, tôi cố đưa mắt tìm kiếm người nào có bộ dáng đi thăm nuôi để làm quen, nhưng tuyệt nhiên không gặp ai. Cuối cùng, sau ba ngày ba đêm, con tàu cũng tới Vinh mà tôi không tìm ra được người thân quen nào cả.

   Tới Vinh, trời còn nhá nhem tối của 3 giờ sáng. Trên sân ga vắng lặng. Hiu hắt vài bóng đèn vàng đủ soi rõ lác đác vài bóng người lầm lũi lên tàu và xuống tàu. Mưa đêm lất phất rơi, nhẹ lắm; chỉ như sương thoảng trong không gian nhưng cũng len được cái hơi lạnh làm buốt thịt da. Tại Vinh, giờ này mọi nhà đang an giấc ngủ, phố xá im lìm vắng tanh. Không một chiếc xích lô hay phương tiện giao thông nào. Anh bạn đi đường nói với tôi:

- Chị thấy đấy, giờ này nhà trọ đều đóng cửa. Nếu chị không ngại, xin mời chị tạm nghỉ nhà chị gái tôi, như tôi đã thưa với chị.

    Không còn sự lựa chọn nào khác hơn, tôi gật đầu.

    Suốt ba ngày ba đêm trên tàu, vào những lúc tàu dừng ở ga để lấy nước, cho hành khách xuống xả hơi, ăn uống…tôi có dịp hàn huyên, chuyện trò cùng anh. Anh là thanh niên xung phong, tình nguyện vào Nam công tác và có người nhà từng “di cư„ năm 1954. Anh kể thì tôi biết nghe, còn sự thật thế nào tôi không quan tâm, chỉ thấy là trông bộ dáng anh hiền lành, ánh mắt không láo liên, tròng đen nhiều hơn tròng trắng, khuôn mặt phúc hậu…nên tôi tin cậy thôi. Mà không tin không được. Tới Vinh, trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không còn lựa chọn nào khác, không thể một mình ngồi đây đợi sáng giữa mùa Đông giá rét như thế này.

Tôi liều nhắm mắt đưa chân, đánh cá số phận. Cái số phận, mà xã hội đương thời và cả chính tôi vốn coi rẻ hơn bèo!

   Tôi xuống tàu đứng trông hành lý của tôi và của anh, trong khi đợi anh đón chiếc xe đạp mua từ miền Nam đem ra Bắc. Rồi cứ thế, anh chất hết hành lý của anh và của tôi lên xe. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phiá sau, lặng lẽ theo con đường dẫn về nhà chị anh.

   Trời đêm vẫn lất phất mưa, thấm dần trên chiếc áo len dày. Dù vận động đi bộ và đẩy xe, tôi vẫn lạnh run, răng đánh bò cạp.Trên đường không một bóng người, ngoài anh và tôi. Hai chiếc bóng lầm lũi chầm chậm đi trên con đường đất sỏi, nhầy nhụa bởi cơn mưa.

   Gọi là thành phố Vinh, nhưng nơi đây, hai bên đường toàn những căn nhà lụp xụp, cũ kỹ, mái tôn nhiều hơn mái ngói. Không có hàng quán nào, không có cái sinh động của một thành phố. Không phải vì đang nửa đêm, cho dù có là ban ngày, nơi đây vẫn vắng vẻ tiêu điều. Cũng không hẳn vì chiến tranh mà ra thế, mà vì chính sách ngăn sông cấm chợ, buôn bán chỉ tập trung vào nhà nước nên phố sá thiếu đi cái sinh lực của cuộc sống. Tôi chả nói chả rằng, cứ lầm lũi đi sau lưng anh giữa phố đêm buồn ảm đạm.

   Nhà người chị khá xa, phải mất non tiếng đồng hồ, băng qua nhiều hàng cây âm u, cánh đồng lúa, và cả những mái tranh xiêu vẹo thấp thoáng ẩn hiện dưới ánh đèn đường. Cuối cùng len theo con đường mòn, nhỏ, quanh co, rồi cũng đến nhà chị anh.

   Đó chỉ là căn nhà tranh ba gian, thấp lè tè. Người chị thức dậy châm ngọn đèn dầu hớn hở đón khách. Nét chất phác đôn hậu thân thiện hằn rõ trên nét mặt chị giúp tôi an tâm. Đám con năm đưá, toàn gái không, như anh kể, còn đang yên giấc ngủ. Tôi không thấy chồng chị, nhưng cũng không hỏi. Có thể ông đi công tác xa.

    Có khách, người chị lăng xăng xuống bếp châm củi đun một ấm nước sôi, đổ ra lu rồi gọi tôi đi tắm.

    Ba ngày ba đêm trên tàu, chỉ rửa mặt không, giờ được tắm còn gì hơn.

    Buồng tắm chỉ là 4 vách tre nan, dựng sau vườn, không có cửa. Trời đêm âm u, chỉ le lói lờ mờ bằng chiếc đèn dầu từ nhà trước hắt ra. Nhưng không sao. Một liều ba bảy cũng liều! Tôi dội nước giữa cái giá lạnh của thời tiết, cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng không chỉ trút bỏ bao bụi đường mà còn thấy ấm áp trong cái tình của con người với con người đối xử nhau lúc khó khăn, hoạn nạn!

   Tắm xong bước vào nhà, nơi căn bếp, tôi thấy người chị đang lui cui làm gà nấu cháo. Gà chị nuôi thả rong trong vườn, ngoài việc tăng gia để thỉnh thoảng góp phần phong phú vào cái ăn cho gia đình còn đáp ứng khi hữu sự.

 Chẳng bao lâu chị bưng lên hai tô cháo gà nóng hổi cho tôi và cho cậu em chị. Tô cháo nóng làm ấm cõi lòng, nhất là đang mùa Đông giá rét. Tôi vừa ăn vừa cảm kích tấm lòng tốt của gia đình chị, vừa áy náy không biết lấy gì đền ơn. Thế nhưng, khi ăn xong lên giường chùm chăn ngủ trên chiếc chõng tre đặt sát cửa sổ ngay phòng khách được ngăn bởi một chiếc màn thô, những nan tre mong manh không ngăn nổi gió lùa nhè nhẹ len vào. Dù đi đường ngủ gà ngủ gật vô cùng mệt mỏi, tôi vẫn không cách nào chợp mắt được. Phần vì lạnh, phần lạ nhà, phần…sợ nữa! Sợ vu vơ! Mắt tôi mở thao láo.

 Trong bóng đêm mịt mờ, tiếng ếch nhái ễnh ương sau vườn tấu lên một khúc nhạc nghe thật ma quái. Tôi vốn sợ ma, ma sống lẫn ma chết. Một nỗi lo sợ vu vơ, cảm giác bất an lại ùa về. Những câu chuyện giết người trong đêm khi nạn nhân ngủ say làm cho tôi thấp thỏm.Tôi đưa tay nắn túi quần. Một lạng vàng lá và chút tiền đi đường vẫn nằm yên trong đó. Khi đi thăm nuôi, bạn bè chỉ dẫn tôi làm ăn. Mang vàng ra Bắc bán được giá cao hơn rồi mua đường hóa học, vải “va li gie„ đem về Nam kiếm lời. Phải suy tính mua bán thế nào để gỡ gạc tiền tàu xe vốn mua chợ đen rất mắc và cả sinh kế cho gia đình giữa thời buổi kinh tế khó khăn gạo châu củi quế. Chính lạng vàng là nguyên nhân khiến tôi lo sợ. Chỉ cần anh lẻn vào nhấn cổ tôi, lạng vàng sẽ tiêu tùng mà mạng tôi cũng khó thoát. Càng nghĩ, tôi càng thấy tôi liều thật. Nhưng biết sao giờ. Tôi đem số mạng đánh loto. Mạng tôi vốn rẻ hơn bèo mà. Mắt thao láo nhìn bóng đêm, tôi cố lắng nghe tiếng rù rì trò chuyện của hai chị em, nhưng không sao nghe được. Tôi trăn qua trở lại nhiều lần, cho đến khi quá mệt mỏi, tôi thiếp đi lúc nào không hay.

   Tờ mờ sáng hôm sau, có người lay tôi dậy:

- Chị, chị ơi, dậy đi. Đã gần 7 giờ sáng rồi. Tôi đưa chị ra bến xe Vinh để còn tiếp tục đến chỗ trại thăm nuôi.

   Tôi mở choàng mắt. Thấy anh đang đứng ở đầu giường. Vẫn nét mặt hiền hòa, vẫn nụ cười dịu dàng, đôn hậu, lòng tôi dấy lên một chút ân hận đã nghĩ quấy cho anh.

 Tôi lồm cồm ngồi dậy xỏ chân vào dép, dọn dẹp chăn gối, xếp lại cho ngay ngắn, xong, bước ra nhà sau rửa mặt rồi chuẩn bị thu vén hành lý lên đường.

   Cũng như lúc đến, bây giờ khi đi, anh lại cẩn thận chất hành lý của tôi lên chiếc xe đạp. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phía sau theo con đường cũ ra bến xe Vinh.

   Bến xe đã đông đúc người qua kẻ lại. Tiếng rao hàng, tiếng hỏi han, trò chuyện cứ ì xèo cả lên. Anh chạy mua giúp tôi một vé xe đò lên huyện Thanh Chương, nơi giam tù cải tạo, để từ đó tôi còn phải tiếp tục hơn 20 cây số đường rừng nữa mới tới trại thăm nuôi.

   Có vé trên tay, anh còn chạy tìm xe nào đúng chuyến để đưa hành lý của tôi lên mui. Còn tôi, tôi chỉ đứng giữ chiếc xe đạp của anh. Sau khi đã hoàn tất đâu vào đấy, anh mới đến bên tôi, chúc tôi lên đường thượng lộ bình an.

   Xe vẫn chưa lăn bánh, nên tôi vẫn còn đứng bên dưới lóng ngóng nhìn người qua kẻ lại. Anh biến đi đâu mất, lúc trở lại, để trước khi tôi chia tay anh với lời cám ơn…suông, anh chìa ra cho tôi một gói xôi nhỏ với một bình nước anh vừa chạy đi mua. Trước sự quan tâm tỉ mỉ quá chu đáo tế nhị của anh, tôi cảm động thật sự, thật ấm lòng khi tôi đang buồn tủi, cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa xứ lạ quê người. Nước mắt tôi rưng rưng quanh khóe, chực trào ra, nhưng tôi cố kìm lại để dấu nỗi xúc động trong lòng, lẫn một chút xấu hổ, ân hận tôi đã nghĩ quấy cho anh trước đây. Tôi chỉ biết nhìn anh, chưa kịp thỏ thẻ vài lời cám ơn…suông, anh móc trong túi áo, đưa tôi mảnh giấy nhỏ, anh viết tự lúc nào, rồi nói:

- Đây là địa chỉ nhà chị tôi. Khi chị trở lại, cứ đến đấy. Chiếc xe đạp này tôi mua về cho chị tôi. Nếu chị cần, cứ dùng làm phương tiện. Ở Vinh, xích lô chỉ nằm ở bến xe, không nhiều lắm nên ít thấy chạy ngoài đường. Phương tiện mọi nhà chỉ toàn xe đạp.

   Tôi cầm mảnh giấy, cẩn thận cất vào túi áo, và lại lần nữa, tôi chỉ có lời cám ơn suông!

   Tôi lên xe. Quay xuống nhìn anh. Anh vẫn còn đứng đó đưa tay vẫy vẫy cho tới lúc xe lăn bánh và bóng anh khuất sau rặng tre xanh.

 Ngồi trên xe, tôi miên man nghĩ về anh, về cử chỉ ân cần chu đáo của anh và của chị anh, nói lên tình cảm chân thành và sự cảm thông của đồng bào địa phương dành cho gia đình người tù miền Nam. Lòng tôi chùng xuống với những cảm giác lâng lâng khó tả. Chiếc xe đò cà tàng, lôi thôi luộm thuộm nhét cứng đầy người, bồng bềnh, vồng lên hục xuống nhồi thật mạnh khi gặp trúng ổ gà làm cho tôi ngất ngư. Cuộc đời tôi, tâm trạng tôi hiện tại cũng bềnh bồng như thế. Nhưng chiếc xe còn có đích để tới, còn tôi, con đường trước mắt chỉ thấy toàn ngõ cụt, loanh quanh trôi nổi mãi, không biết sẽ ra sao, về đâu với một tương lai vô định mịt mờ. Ngoài kia, mưa vẫn lất phất rơi, dai dẳng, như khóc thương cho những cánh đồng lúa mênh mông xanh tươi chìm trong một màu xám âm u, âm u như tuổi đời thanh xuân của tôi hiện tại. Tôi chợt thở dài, co mình lại để chống cái lạnh của thời tiết. Không khí ẩm hơi sương càng lạnh thêm, cho dù mặc chiếc áo len dày vẫn không đủ ấm, nhưng nghĩ đến anh, đến ân tình của anh, sự tử tế của chị anh, lòng tôi chợt ấm lại.

 

   Sau lần ra Vinh đó về lại Sài Gòn, trước những lo toan bận rộn của cuộc sống, cùng sự đưa đẩy của giòng đời, tôi lênh đênh trôi dạt sang xứ người, cũng một mình, trong tay trắng trơn, tâm trạng hoang mang khủng hoảng, ngay cả một tấm giấy hộ thân cũng không có, tôi đã lạc mất địa chỉ anh cho. Tôi không còn cơ hội gặp lại anh nữa, cũng không biết anh hiện giờ ra sao, ở đâu, làm gì…nhưng tôi tin một cách tuyệt đối, một người như anh, Trời Phật sẽ thưởng cho anh một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng. Riêng tôi, hình ảnh với tấm lòng tốt của anh, của chị anh, tôi khắc cốt ghi tâm, luôn in sâu trong tâm khảm, để bây giờ, mỗi khi nhìn tiết trời lất phất mưa, như cơn mưa (tuyết) hôm nay, tôi chợt nhớ cơn mưa thuở nào với bao hình ảnh xa xưa sống dậy ghi đậm nét ân tình của anh.

 Và hôm nay khi kể lại, viết ra, tôi vẫn còn xúc động, trân trọng tấm lòng vàng quí hoá đó và luôn tự nhủ, tôi sẽ sống tốt với đời, với người như anh đã đối xử tử tế với tôi, đó là cách đáp đền, tri ân anh, tri ân đời sâu xa nhất.

 

Trần Thị Nhật Hưng

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/07/2018(Xem: 6354)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
06/07/2018(Xem: 8507)
MC Lâm Ánh Ngọc về Phật Quang "Tung cánh yêu thương" PV: Trần Nga (PD Tâm Trụ) Hàng năm, khóa sinh tại khóa hè Thiền tôn Phật Quang thường được gặp gỡ những khách mời là nghệ sĩ nổi tiếng có đời sống lành mạnh, nhiều cống hiến cho xã hội. Năm nay, các em vừa có buổi giao lưu vui tươi cùng MC Lâm Ánh Ngọc, ca sĩ Đào Ngọc Sang, ca sĩ Thanh Long với chủ đề “Tung cánh yêu thương”. MC Lâm Ánh Ngọc chia sẻ, mong muốn của mình là giúp trẻ sống có trách nhiệm, từ bỏ thói quen xấu, dần hoàn thiện mình, trước là đền đáp công ơn cha mẹ, sau là góp sức dựng xây cuộc đời. Bản thân cô trước đây đã từng chông chênh trắc trở, nhưng rồi có duyên lành tham dự những khóa tu thế này, cô như chợt gặp được lẽ sống cho cuộc đời mình một hướng đi cao thượng hơn. Vì thế, cô mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ để các em vững vàng niềm tin mà sống thiện, dù đời nhiều cay đắng, thử thách thế nào cũng phải kiên định không thay đổi. Như thế, rồi các em sẽ cảm nhận được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
05/07/2018(Xem: 10408)
Đối diện & quan sát cơn nóng giận Này bạn! Khi bạn tức giận, hãy nhìn thẳng cái tâm đó. Cái tâm đó như một đứa trẻ con, đừng đánh nó! “Kể cho tôi xem tại sao bạn tức giận thế?”.
04/07/2018(Xem: 11750)
Đừng hiểu lầm câu: ''Phật Tại Tâm'' Nhiều người lấy cái lí "Phật tại tâm" nên không bao giờ đi chùa, lễ Phật, tụng kinh hay tìm hiểu giáo lý. Thật sự thì đây chỉ là lí do cho sự lười tu chứ chả phải Phật tại tâm nào ở đây cả ! - Câu "Phật tại tâm" không sai, bản thân câu này đã nói lên toàn bộ giáo lý kinh điển của nhà Phật. Tâm chúng ta vốn dĩ đã có Phật rồi hay còn gọi là Phật tánh. Đức Bổn Sư Thích Ca từng nói "ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" để chỉ cho việc mỗi người trong chúng ta đã là một vị Phật, chỉ cần tinh tấn tu hành rồi sẽ có ngày đạt đượ c Phật quả. Chính vì vậy nên thay vì đi tìm cầu một ông Phật bên ngoài thì hãy quay trở lại cái tâm của mình.
20/06/2018(Xem: 7398)
Chân lý không phải là điều cao xa mà nằm ngay trong đời thường, trong những điều giản đơn. Và chân lý giải thoát cũng vậy, cũng nằm ngay những hành động việc làm đời thường giản dị.
19/06/2018(Xem: 6425)
WESTMINSTER, Calif. (VB) – Một buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau đã thực hiện hôm Thứ Bảy ngày 2 tháng 6/2018 tại Viet Bao Gallery ở thành phố Westminster đã hoàn mãn với nhiều kết quả tốt đẹp. Buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề -- “để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung” -- đã gợi ra nhiều suy nghĩ cho có thể là những hướng đi hoạt động tương lai của những người quan tâm về hoạt động Phật pháp.
17/06/2018(Xem: 6013)
Thế giới đang sôi nổi với các trận bóng đá World Cup 2018. Những người say mê bóng đá đang nhìn về các đội tuyển đang thi tài ở nước Nga, dán mắt vào các màn hình TV hay máy điện toán, đọc các lời bình luận và quan sát xem bóng đang vào chân ai và sẽ đá về hướng nào. Người Phật tử nghĩ gì về bóng đá? Các ngôi chùa tại Việt Nam có nên tụ tập các em lại để dạy đá banh và để lập các đội bóng đá khi các em nghỉ hè, hay vào những giờ nghỉ sau lớp, hay những ngày nghỉ cuối tuần hay không? Có phải giúp các em tập luyện bóng đá cũng còn tốt hơn để các em chơi game điện tử, vừa hại sức khỏe, vừa mất thì giờ và tiền bạc?
17/06/2018(Xem: 7462)
Thông thường phải có việc gì vui thì người ta mới cười, nhưng có những lúc vì nể nhau mà cười, vì lấy lòng người khác mà gượng cười, có khi vì khinh người mà cười cho là người dở, có lúc thấy mình tài giỏi mà cười cứ cho mình hay...Cái cười có muôn màu muôn vẻ, nhưng ngẫm lại cũng chỉ có hai dạng là tự vui với chính mình và vui với niềm vui cùng người khác mà thôi.
15/06/2018(Xem: 5701)
Người ta thường nghĩ – muốn có hạnh phúc cần có tiền; nhưng đôi khi có nhiều tiền đưa đến tan vỡ hạnh phúc với nhiều lý do – ông bà thường nói –“giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Người lãng mạn họ nghĩ chỉ cần “một túp lều tranh 2 quả tim vàng”, thực ra túp lều tranh của thời đại cày sâu cuốc bẩm không còn thích hợp với thời đại @ ngày nay. Cái nghèo đôi khi cũng tạo sự đổ vỡ nhiều cho gia đình.
15/06/2018(Xem: 8165)
Đó là danh hiệu đồng đội tặng cho Anh mỗi khi tập trung cùng Đội Tuyển Quốc Gia Ý thi đấu quốc tế ,đặc biệt ở những kỳ World Cup ,và Anh thường được tín nhiệm giao đeo băng đội trưởng . Người có “tóc đuôi ngựa thần thánh”,vào những thời kỳ đỉnh cao phong độ ,Anh được người hâm mộ và báo giới ca ngợi và so sánh bằng một công thức :Pele+Maradona=Baggio . Vâng ! Người đó chính là ROBERTO BAGGIO . 56 lần khoát áo đội tuyển quốc gia Ý, với 27 bàn thắng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]