Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tách trà buổi sáng và những mật ngôn tình cờ

14/10/201408:42(Xem: 8469)
Tách trà buổi sáng và những mật ngôn tình cờ

Chen_Tra_Tao_Khe_13

 

            Mỗi tuần, tôi có một ngày để làm hai việc tuyệt vời. Đó là, thứ nhất: làm thinh, thứ hai: không làm gì cả!

            Hôm nay đang là phút giây tuyệt vời đó.

            Sau những ngày lạnh bất thường, nắng sáng nay rất đẹp, vàng óng và ấm áp. Cây cỏ hoa lá rộ lên niềm vui. Mọi cánh cửa mở rộng để nắng ghé vào, mang hương thơm của đất trời chuyển hóa. Không mùi hương nhân tạo nào so sánh được với hương gió núi mây ngàn. Ít nhất, chủ quan tôi như thế.

            Một ngày đẹp như vầy, được tự tại với hai việc: làm thinh và không làm gì cả, thì có tuyệt vời không!

            Chậm rãi pha một bình trà.

Hốt nhiên, tôi thích thú với ý tưởng khởi lên rõ rệt “Tôi không đang PHẢI LÀM cái việc pha trà, mà là ĐANG HƯỞNG sự pha trà”.

A! Bấy lâu nay, hàng ngày ta làm đủ thứ việc, lẫn lộn giữa những cái “phải làm” và những cái “đang hưởng” mà mấy khi nhận rõ như thế. Cũng hành động đó, cũng công việc đó, nhưng làm bằng trạng thái “hưởng”, tất hạnh phúc gấp bội hơn là “phải”.

Vậy, cánh cửa niềm vui là ở đây chăng? Đâu là chìa khóa chuyển hóa “phải’ thành “hưởng” để ta tra vào ổ khóa của cánh cửa này?

   

            Trà sen bạn cho đã lâu, nhưng được ủ kỹ nên hương vẫn còn ngát. Sen mọc dưới ao bùn mà lại mơ màng tới bốn câu kệ Làng Mai:

            Trà trên đỉnh núi Tản

            Nước giữa lòng sông Đà

            Thiền vị chỉ một ngụm

            Tịnh Độ đã sinh qua.

            Trước đây, mỗi khi nghe hai tiếng “Tịnh Độ” là tôi chỉ có thể nghĩ đến cõi Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà. Sau này, nhờ dần dần được học thêm, tôi mới biết, tùy căn cơ chúng sanh, Đức Phật đã chỉ bày tới bốn thế giới Tịnh Độ tiêu biểu, chứ không chỉ một.

            Còn nhớ, khi biết điều này, tôi vô cùng hứng khởi, như kẻ đang dọ dẫm, được dắt từ cái hữu hạn tới cái mênh mông vô hạn.

            Mỗi thế giới Phật cũng đã mênh mông, nhưng từ một, tới vô cùng mênh mông, quả là bội phần hạnh phúc, như cánh cửa bất ngờ mở tung, mới biết ánh sáng ban mai ngoài kia chan hòa, rực rỡ!

 

            Khi Đức Phật tới thành Xá Vệ thuyết giảng kinh A Di Đà dưới hình thức “vô vấn tự thuyết”, nghĩa là không ai hỏi mà tự giảng. Nguyên do, vì khi đó, vua Ba Tư Nặc quá yêu kính Đức Phật và Tăng đoàn nên đã ban một sắc luật hy hữu: “Nếu là người xuất gia thì dù phạm tội gì cũng không bị trừng phạt”. Do khe hở quá lớn của sắc luật đó, mà nhiều thành phần bất lương đã len lỏi vào Tăng đoàn để lợi dụng làm nhiều điều bất thiện. Họ đã quy tụ tới sáu nhóm ác tăng mà dân chúng thời đó gọi là Lục Quần Tỳ Kheo!

            Những vị chân tu không thể chung sống trong môi trường bất tịnh, nên cùng nhau xin với Đức Phật để được rời đi nơi khác. Đức Phật bèn khuyến tấn họ nên nhiếp tâm niệm Phật thì dù hoàn cảnh xung quanh thế nào, cũng chiêu cảm được mười phương Chư Phật.

            Và thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà được Đức Phật Thích Ca giới thiệu trước thính chúng, như sự khẳng định hứa khả đối với những ai có tín tâm bất hoại.

            Đó là dấu mốc đầu tiên để hành giả pháp môn Tịnh Độ nương vào thế giới này như một Điểm Tới lý tưởng, khi thân tứ đại tan rã nơi cõi ta-bà.

 

            Nhưng thế giới Phật không ngừng ở đó.

            Khi sự sinh hoạt của Tăng đoàn tạm yên ổn, thành phần ác tăng, kẻ được chuyển hóa, kẻ bị lộ diện không nơi ẩn núp, đành tự rời đi, thì Đức Phật đã tạo điều kiện để tăng chúng phát khởi Bồ Đề Tâm.

            Và Pháp Hội Yêm La thành hình ở thành Ca Tỳ La Vệ.

            Nơi đây, hình ảnh Thế giới Tịnh Độ không phải chỉ là Tây Phương Cực Lạc, với ao thất bảo, với chim thuyết pháp, mà thính chúng trong Pháp Hội Yêm La không chỉ thụ động thính pháp. Tinh thần của Pháp Hội là thính chúng vừa được chứng kiến, vừa đóng góp vào sự nhiệm mầu của tương quan giữa cá nhân và tập thể. Pháp hội, với số lượng đông đảo hàng nhiều chục ngàn vị, đủ cả Phạm Thiên, Bồ Tát, Tỳ Kheo, nhưng tất cả đều nhận được lời Phật dạy, theo căn cơ và sở đắc riêng của mình nên tâm mỗi vị đều trở nên thanh tịnh. Mỗi tâm thanh tịnh đó đã tương quan với nhau, thành Thế Giới Phật Thanh Tịnh.

            Ở cõi Tịnh Độ này, sự quán tâm là chính.

            Ở cõi Tịnh Độ Tây Phương, lấy câu trì danh hiệu Phật A Di Đà làm chuẩn.

            Nhưng rốt ráo, quán tâm và trì danh hiệu Phật để làm gì? Có phải để đạt được đoạn trừ phiền não, tiến tới giải thoát nghiệp chướng, ra khỏi vòng sinh tử luân hồi?

            Cũng thế, theo căn cơ chúng sanh, Đức Phật dẫn dần tới cõi Tịnh Độ ở Kinh Hoa Nghiêm với tư tưởng đại thừa “Trùng trùng duyên khởi” và Kinh Pháp Hoa với lời hứa khả “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật”.

            Như thế, mọi điểm đi (hình thức) có khác, mà mọi điểm tới (kết quả) thì như nhau. Suy ra, hành giả chọn pháp môn nào, hướng về Thế Giới Tịnh Độ nào, cũng khởi từ tâm mình. Tu Thiền mà đạt tâm thảnh thơi thì cũng như tu Tịnh mà đạt tâm an lạc.

            Người tu thiền chạm vào công án “Người niệm Phật là ai?” có khác người tu Tịnh, kiên trì với từng chuỗi hạt “Nhất tâm bất loạn”?

 

            Một con chim bay ngang bờ hiên, cất tiếng gọi bạn, chợt đưa tôi về với tách trà, về với hai việc của ngày tuyệt vời là: Làm thinh và không làm gì cả!

            Nếu nhìn qua lăng kính tích môn, tôi đang làm thinh và không làm gì cả. Cái thân tứ đại vẫn đang ngồi yên, không nói và không làm.

            Nhưng nhìn qua lăng kính bản môn, nghĩa là nhìn sâu vào những bước đi của tâm linh, thì dường như tôi đang nói nhiều và làm nhiều.

 

            Khi tâm khởi lên hình ảnh những Thế Giới Tịnh Độ thì bỗng nhiên cái công án nổi tiếng “Niệm Phật thị thùy?” (Người niệm Phật là ai?) cũng đồng thời hiện ra. Công án này được coi là cây cầu nối liền giữa Thiền và Tịnh, mà một lần Sư Ông Làng Mai đã gợi ý, là người tu Tịnh mà giải được công án này thì sẽ trở thành thiền- sư.

            Không thấy ghi lại ở đâu, có hành giả tu Tịnh nào đã giải công án này, nhưng con đường tìm học, tự nó, không hề tự dựng nên rào cản nào. Hành giả mọi pháp môn, mọi căn cơ, trong lúc nâng tách trà, nhấp một ngụm, đều có thể bâng khuâng tự hỏi “Người niệm Phật là ai?”

            Người học Phật, đều biết trên Lý, rằng vạn hữu, gồm mọi người, mọi loài, đều biến diệt, đổi thay từng sát na. Lớn như hòn núi, đứng đó khi ta chưa sanh, còn đó khi ta chết đi, tưởng như nó vô sanh bất diệt. Nhưng sự thực nào phải thế! Sự biến chuyển, hao mòn của núi chỉ là quá chậm, quá nhỏ đối với kích thước của nó, khiến ta không thấy mà thôi. Rồi phải tới lúc, nó không là rặng núi, mà chỉ là ngọn đồi, tang hải hóa nương dâu, huống chi thân người mong manh! Cái gì biến hoại, cái đó là Vô Thường.

            Trái với núi, những biến diệt trên thân người có thể thấy thật gần, thật rõ. Tóc mới xanh, nay đã bạc, đẹp đẽ bao lâu, mà nay xấu xí, mới vừa khỏe mạnh, nay sao ốm o …. Phàm những gì đổi thay, thành hoại, cái đó là vô thường. Thân ta đã vô thường, còn chấp cái Ngã nào là ta không?

            Có một giai thoại khi hành giả về tham thiền, hỏi thiền sư Duy Khoang:

            -Thưa thiền sư, đạo ở đâu?

            Thiền sư buông gọn hai tiếng:

            -Trước mắt!

            Hành giả chau mày:

            -Con không thấy.

            Thiền sư tội nghiệp:

            -Vì ngươi đang bận nghĩ tới Ta và Người.

            Hành giả hào hứng, như câu giải đáp sắp tới đích:

            -Thiền sư thấy không?

            -Nếu ta cũng đang bận nghĩ về Ta và Người thì ta không thấy.

            Kiên nhẫn tới đây, hành giả tin rằng câu giải đáp phải ngay sau câu hỏi kế tiếp. Bèn hỏi:

            -Nếu không còn bận nghĩ gì về Ta và Người thì thiền sư có thấy không?

            Thiền sư cười lớn:

            -A ha! Khi tâm đã rỗng rang, không bận nghĩ gì về Ta và Người thì làm gì còn ai hỏi, để mà trả lời đạo ở đâu, thấy hay không thấy!

 

            Tách trà suýt rơi khỏi tầm tay khi giai thoại này bất ngờ tung một móc xích vào công án oái oăm :”Người niệm Phật là ai?”

 

            Khải bạch Như Lai,

Trong Bát Nhã Bát Thiên Tụng, có đoạn: “Tâm Như Lai không trụ bất kỳ ở đâu. Không trụ trên các pháp hữu vi, không trụ trên các pháp vô vi. Do đó, không hề rời khỏi sở trụ.”

           

            Thiện tai! Thiện tai!

Vậy thì, Sở Trụ này ở đâu? Phải chăng Sở Trụ này chỉ do Thức, khởi lên từ Vô Thức? Nó vốn Như Thị. Nó vốn Như Thế. Nó được gọi là Sở Trụ mà lại chẳng phải là Điểm Trụ; vì nếu là Điểm Trụ, nó sẽ là đối tượng chướng ngại, ngăn đường đến cảnh Phật! “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” Hãy để cho tâm tự tại khởi lên, can chi phải cố định nó ở nơi nào!

 

            Đến đây thì, người niệm Phật là ai?

 

            May quá, phút trước đỡ kịp tách trà; chứ không, phút này lấy gì thấm giọng mà hào sảng ngâm lên hai câu bất hủ của Thiền sư Chân Nguyên:

            Vì Người đưa một nét,

            Đầu núi ánh dương hồng.

            Nào hay, sức mạnh ngút ngàn vô song của nội lực trí tuệ tiềm ẩn trong mỗi tâm-sanh mới dũng mãnh nhường nào!

 

            Bình trà buổi sáng của kẻ phàm phu chưa cạn, đã thấy thấp thoáng bóng Ngài Trúc Lâm trên non Yên Tử, đang thong dong đãi khách một Thiền Trăng:

            “Bình xưa dốc nguyệt, trời khuya nấu trà!”

 

 

Hạnh Chi

(Tào-Khê tịnh thất- một ngày  tĩnh lặng)

 

              

            

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/01/2012(Xem: 20898)
Nền giáo học của Phật giáo có nội dung rộng lớn tận hư không pháp giới. Phật dạy cho chúng ta có một trí tuệ đối với vũ trụ nhân sinh, giúp chúng ta nhận thức một cách chính xác...
01/01/2012(Xem: 7200)
Trong màn sương lạnh lẽo của đêm tháng chạp . Mờ thoáng trong tiếng chuông khuya đánh thức lòng người vô minh đang còn lặng hụp giữa sóng trần. Con chợt nhớ đến ngài.
31/12/2011(Xem: 8337)
Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, sau những tháng năm tu tập, vào ngày 8 tháng 12 âm lịch, Thái tử Tất-đạt-đa giác ngộ giáo lý duyên khởi, thành tựu Phật đạo, rồi giáo hóa nhân gian, mở bày con đường giải thoát cho nhân loại.
29/12/2011(Xem: 6714)
Tin nhân quả làm chúng ta an tâm. Sự hợp lý, trật tự, ý nghĩa của một cuộc đời là do nhận thức được và sống theo nhân quả. Và mọi lộn xộn, thậm chí hỗn loạn của đời sống một cá nhân hay của xã hội đều là do thiếu nhận thức về nhân quả và không sống theo nhân quả.
25/12/2011(Xem: 19510)
Con ơi, hãy can đảm vươn mình đứng dậy hiên ngang như con mãnh sư để nhìn ngắm cuộc đời, đừng sợ hãi lẩn tránh, cũng đừng toan tính gì hơn cho cuộc đời này nữa.
25/12/2011(Xem: 11138)
Lắng nghe hay ngắm nhìn thực tại thì có thể thực hiện bất cứ ở đâu và lúc nào vì tâm và cảnh luôn có mặt tại đây và bây giờ mà không cần chờ đợi một thời gian, thời gian chính là sinh tử.
17/12/2011(Xem: 7390)
Nhân dịp tình cờ tìm thấy văn bản Prajñāpāramitāhṛdayasūtraṃ (Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh) ở mạng internetnên chúng tôi có ý định tìm hiểu xem ý nghĩa bản văn với mục đích trau dồi thêm về phương diện ngôn ngữ. Ở đây, chúng tôi chỉ cố gắng ghi lại nghĩa Việt theo khả năng học hiểu về cổ ngữ Sanskrit. Những điểm sai sót do thiếu hiểu biết về các lãnh vực khác, ngưỡng mong quý vị hỷ xả cho.
09/12/2011(Xem: 7162)
Phép"thiền định" bằng tư thế ngồi yên tương đối được nhiều người biết đến.Đấy là phương cách thích hợp nhất giúp người tu tập phát huy các phẩm tính củatâm thức: đấy là cách ngồi, giữ yên lặng, chọn một nơi kín đáo... Thế nhưng ngoàinhững lúc thiền định ra thì người tu tập lại phải hội nhập với cuộc sống bìnhthường, trở về với các sinh hoạt thường nhật, tất nhiên là không tránh khỏi phảihành động... Vậy phải làm thế nào bây giờ?
02/12/2011(Xem: 8489)
Tầmquan trọng và ý nghĩa của việc trợ niệm. 1- Trợ niệm là gì? Tại sao phải trợ niệm? Những ai cần phải trợ niệm?
02/12/2011(Xem: 9843)
Đạo Phật ngoài các vị thiên thần Hộ Pháp hộ giới ra còn có rất nhiều thiện hữu tri thức, bằng trí tuệ của mình, bằng phước đức và tài lực của mình với tinh thần hộ trì chánh giới...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]