Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giáo Hội mồ côi

18/07/201407:10(Xem: 7317)
Giáo Hội mồ côi

khoa_tu_26 (15)

khoa_tu_26 (17)

Không phải vì hiện tượng “Một vì sao đã tắt trên trời Âu“ mà Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 26 phải… đóng cửa! Không, các Phật tử Âu Châu chúng tôi nhất quyết không phụ lòng mong đợi của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Tâm tức Sư Ông Khánh Anh thân thương của chúng tôi, đã cùng nhau kéo đến xứ thần tiên Thụy Sĩ có núi cao, hồ đẹp tại Fribourg để tu học từ ngày 30 tháng 6 đến 10 tháng 7 năm 2014. Sau hơn một phần tư thế kỷ tu học với hình ảnh của Sư Ông, cả Giáo hội Âu Châu cũng cùng chung một tâm trạng hụt hẫng như những trẻ thơ bị mất đi người cha già dấu yêu. Nhưng “Giáo hội mồ côi“ của chúng tôi đã làm thật tốt, thật hay để Sư Ông ở nơi nào đó phải gật đầu mỉm cười. Không hài lòng sao được khi con số học viên tham dự đã lên đến 990 vị, gồm 207 Ưu Bà Tắc, 686 Ưu Bà Di và 97 Chư Tăng Ni đến từ 18 quốc gia. Thay vì ngồi thụ động ca bài “Mồ côi, tội lắm ai ơi!“, chúng tôi đã biến đau thương thành hành động. Chả trách gì Hòa Thượng Tánh Thiệt tràn ngập niềm vui hiển lộ trên nụ cười ánh mắt. Tâm trạng của Người như thế nào sẽ được viết rõ trong phần khai thị sau buổi lễ khai giảng.

Địa điểm khóa tu học là một trại lính do chính tay Sư Ông quá cố đặt tiền cọc giữ chỗ, có 600 chiếc giường đủ chỗ ăn ngủ cho 600 học viên, chỉ cần làm một bài tính trừ nho nhỏ thôi cũng đủ biết Thầy Quảng Hiền sẽ gặp khó khăn như thế nào khi kiếm thêm chừng ấy chiếc giường xếp trong thời gian ngắn. Nhưng bù lại khung cảnh chung quanh thật tuyệt vời, những rặng núi cao với mây giăng chập chùng, thoai thoải những thảm cỏ xanh mướt chấm điểm một vài con bò đeo lục lạc nằm nhai cỏ một cách thoải mái. Dưới chân núi là một cái hồ với nước trong như vắt bao quanh, ấy thế mà có tên là “Hồ Đen“ (Schwarzsee) mới lạ. Từ những “trợ duyên phong thủy“ đó, những con bò Thụy Sĩ đã cho ra nhiều dòng sữa béo ngậy để đưa sản phẩm Sô-cô-la Thụy Sĩ lên hàng nhất nhì thế giới.

Chánh điện trang nghiêm nguyên thủy là một phòng tập thể thao rộng lớn, đã được các bàn tay khéo léo đến nhiệm màu của các Thầy Nguyên Lộc và Thông Trí trang hoàng theo cảnh giới của cõi Tịnh độ Phật A Di Đà. Các cành hoa hồng rực rỡ điểm thêm vài bông hướng dương, đã được cắm theo dạng chiếc thuyền Bát Nhã đưa người sang bến Giác trông thật hài hòa. Cũng vẫn những bàn tay khối óc ấy nhưng chẳng ngôi chánh điện nào giống nhau trong mỗi khóa tu, mỗi kỳ mỗi vẻ càng ngày càng hoàn hảo hơn.

Khóa An Cư Kiết Hạ của các Chư Tôn Đức Tăng Ni lần thứ 2 cũng được tổ chức song song với Khóa Tu Học Phật Pháp của các Phật tử Âu Châu, do đó các vị giảng sư “khét tiếng“ đến từ Hoa Kỳ như Hòa Thượng Thắng Hoan, HT Đổng Tuyên, HT Nguyên Siêu cũng có mặt đầy đủ, làm tăng thêm phẩm chất cho khóa tu kỳ thứ 26 này. Đến từ Âu Châu Pháp quốc có HT Tánh Thiệt, Đức quốc với HT Như Điển, đấy là 2 cây cột trụ vững chắc của Giáo hội Âu Châu. Từ Đan Mạch có HT Quảng Bình với giọng xướng điệu “Tây Sơn Bình Định“ và bên Ni Chúng có Sư Bà Như Tuấn chùa Phổ Hiền bên Pháp, cùng các Ni Sư Cô các Chùa.

Buổi lễ khai giảng diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và trầm lặng đầy nước mắt, bao trọn hình ảnh của cố Hòa Thượng Minh Tâm trong những lời phát biểu. Từ Thầy MC Hoằng Khai với “Vì âm dương cách trở, duyên tụ duyên tan nên vắng bóng cha già“, đến HT Thắng Hoan “Vì thương ngôi nhà Phật Pháp Âu Châu đã làm vẻ vang cho Phật giáo hải ngoại và tinh thần vì đạo vì dân tộc mà sang đây“. Hòa Thượng giám luật Như Điển hứa sẽ hướng dẫn “Giáo hội mồ côi“ này làm tốt hơn để Sư Ông ở nơi nào đó vui lòng. Thượng Tọa Tâm Huệ phụ trách về giáo dục sẽ để tâm vào Bồ Tát luật.

Buổi chiều trong buổi lễ khai thị cho khóa tu, HT Tánh Thiệt đã bày tỏ nỗi lòng từ những năm tháng đầu tiên một mình trên xứ người. Từ năm 1989 đi tuyệt thực tại Genève để vận động cho phong trào đón nhận người Việt tỵ nạn tại Đông Nam Á. Để rồi đến năm 1990 đã thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tại Oslo (Na Uy), bắt đầu cho Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu lần thứ nhất cũng tại Fribourg (Thụy Sĩ) chỉ có vỏn vẹn 10 vị Thầy và gần 100 học viên. Đến hôm nay khóa 26 cũng tại địa phương này, nhưng con số học viên chắc Thầy nằm mơ cũng không dám nghĩ đến, vì với nhiều vấn nạn như thời gian khóa tu vào đầu tháng 7, trẻ em còn đi học. Thầy chỉ cần số người tham dự cỡ năm trăm trở lên là lý tưởng lắm rồi; đủ để khoe với bậc tôn sư vắng bóng về thành tích của mình. Ước nguyện thứ 2 của Sư Ông Khánh Anh là xây dựng một trung tâm Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu, nghĩa là ngôi chùa Khánh Anh phải hoàn tất vào năm 2015.

Ngày thứ hai của khóa tu sau buổi ăn Quá đường có buổi lễ tưởng niệm Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Tâm, với đầy đủ các nghi thức cúng tụng thật trang nghiêm và cảm động. Giữa tuần là ngày Thọ Bồ Tát Giới cho chúng hàng tại gia, sơ sơ cũng lên đến con số hơn 70 vị, làm Hòa Thượng Thái Siêu giật mình cứ ngỡ rằng không thể tổ chức được, vì số ghi tên ngày đầu chỉ có vài mươi vị.

Chương trình tu học vẫn như hằng năm không thay đổi, lớp 1 là Đại học Oanh Vũ (Hụi Thiện hay Ngân hàng Cấp Cô Độc và Bao Gạo cho Khóa tu, tất cả đều do Sư Ông đặt tên không biết đã được cầu chứng chưa?), chia làm 2 lớp 1a và 1b theo lứa tuổi. Lớp 2 cho những người mới đi lần đầu, hay chưa dám tin vào khả năng Phật Pháp của mình. Lớp 3 toàn những khuôn mặt gạo cội của các khóa tu, có vị đã tham dự gần hai chục khóa nhưng vẫn chưa đủ can đảm bước vào lớp 4 chỉ dành riêng cho Tăng Ni.

Trước khi đi sâu vào đề tài giảng và các giảng sư của lớp 3, xin được sơ qua thành phần giảng sư của các lớp:

. Lớp 1: bao gồm toàn bộ Gia Đình Phật tử Âu Châu với ngành Thanh, Thiếu và Đại học Oanh Vũ, do Thầy Viên Giác tức nhạc sĩ Phi Long của chúng ta đảm trách. Công việc có bù đầu như thế nào không biết, chỉ biết rằng khi gặp Thầy ở đâu cho dù trong lửa trại Huyền Trang 3, hay trên sân khấu buổi văn nghệ cuối khóa, lúc nào cũng thấy Thầy nở nụ cười. Thầy Như Tú chùa Phật Tổ Thích Ca tại Luzern Thụy Sĩ, với khuôn mặt tươi trẻ đã hướng dẫn các em Oanh Vũ với cấp bậc Đại học nên phải giảng bằng tiếng Anh mới hiểu.

. Lớp 2: TT Giác Trí một ngôi sao mới xuất hiện trên nền trời Tu Học Âu Châu. Còn ngôi sao cũ TT Đồng Văn phải về sớm vì Phật sự của chùa nhà, nên nhường lớp cho các Thầy khác. Vì không đủ “phóng viên Phật trường“ để gửi sang các lớp 2 thu thập tài liệu nên không thể viết nhiều hơn được, chỉ biết rằng ngoài các Thầy Pháp Trú, Minh Đăng và Nguyên Hùng giảng dạy, còn có các giảng sư thuộc hàng “Tối thượng thừa“ của lớp 3 bổ xứ xuống.

. Lớp 3: đây mới là “Đỉnh cao trí tuệ“ của khóa tu. Các học viên hiếu học đến nỗi phải đến sớm cả tiếng để giữ chỗ tốt hàng đầu, chỉ cần đến đúng giờ thôi là cũng đủ đứng ngoài hành lang chõ mắt trông vào. Tại sao có hiện tượng đáng yêu như thế? Đừng nói rằng hình bóng Sư Ông ở mãi tận trong con về phù hộ cho con siêng đi học. Ấy chính là khả năng giảng dạy thu hút người nghe đến cùng tận của các giảng sư.

- HT Thắng Hoan: với tác phẩm “Những yếu điểm của tư tưởng duy thức“ vang bóng một thời đã khiến Người lãnh án tử hình của nhà nước, chỉ vì tội làm cho trên hai trăm cán bộ nồng cốt của đảng phải khai trừ vì lỡ giác ngộ khi đọc tác phẩm này. Thầy giảng về “Ý nghĩa và Giá trị tụng niệm“ cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa xác thực để trao truyền lại cho con cháu. Có 3 cách tụng niệm là: Đọc Kinh, Tụng Kinh và Trì Kinh. Tụng để phát huy năng lực trí tuệ mầu nhiệm của Kinh. Trì để giải trừ nghiệp chướng oan khiên lâu đời. Tụng niệm phát huy ba năng lực trợ đạo: Ngôn lực, Tâm lực và Đạo lực.

- HT Đổng Tuyên: vị Thầy chuyên về giới luật đã giảng cho hàng Bồ Tát tại gia và xuất gia về Bồ Tát giới với 10 giới trọng và 48 giới khinh. Sự khác biệt giữa giới cấm uống rượu và không bán rượu nặng nhẹ như thế nào? Cũng cùng một hành động “Tay cầm bình rượu túi thơ“, nhưng một đằng tự giết mình còn đằng kia trao rượu để giết người, rồi còn ép thêm câu “không say không về“ nữa (đây chỉ là lời bàn của người viết). Thầy còn dạy Kinh Nhất Dạ Hiền Giả trong Kinh Trung Bộ với bài kệ thâm sâu: Quá khứ không truy tìm. Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận. Tương lai lại chưa đến. Chỉ có Pháp hiện tại. Tuệ quán chính là đâyKhông ai điều đình được. Với đại quân thần chết. Thầy có lối giảng bài cực kỳ lôi cuốn, không thể diễn tả bằng lời, chỉ có thể cảm nhận được khi nghe trực tuyến mà thôi.

- HT Nguyên Siêu: năm nay Thầy đổi đề tài, giảng Kinh Viên Giác thấy hoa đóm giữa hư không, thấy mặt trăng thứ hai cho lớp 3 và Kinh Kim Cang như chiêm bao, như điện chớp, nắng chiều mà cảm nhận thân phận của kiếp người đầy mộng ảo cho lớp 2. Chỉ nghe tựa đề không đã muốn nhảy lớp để được nghe tất cả, nhưng làm thế cuối khóa sẽ thi rớt mà thôi. Nên tập trung vào Kinh Viên Giác để biết “Tánh Viên Giác sanh ra tất cả pháp: Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn, Ba la mật“. Học Kinh Viên Giác để thấy: “Tất cả cảnh giới huyển hóa của chúng sanh đều sinh ra trong tâm Viên Giác mầu nhiệm. Các pháp như huyển có sanh có diệt mà tánh Viên Giác không sanh không diệt“. Lý do nào hư không có hoa đóm, chẳng phải do người nhặm mắt nhìn thấy hay sao?

- HT Như Điển: Thầy giảng về Trung Ấm thân sau 49 ngày sẽ không còn tồn tại và chỉ dẫn cách thức cho người đi hộ niệm, nên đứng ở đâu và làm gì cho khỏi sai trái. Tối kỵ không được đứng ở chân giường vì thần thức sẽ ra bằng lối này, tốt nhất nên đứng hai bên. Về hiện tượng của sự vãng sanh, ai được sanh về hạ phẩm hạ sanh, ấy là những người biết sám hối và phải có thiện hữu tri thức giúp đỡ.

- TT Tâm Huệ: tuy đề tài Duy thức học của Thầy khá khô khan dễ đưa học viên vào hôn trầm nhiều hơn là thiền định, nhưng Thầy đã cải biên và chuyển hóa phương pháp giảng một cách tài tình khiến cho 6 cái căn bản phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến trở thành những trận cười thoải mái.

- TT Thông Trí: với đề tài Sám Hối là điều thiết yếu cho chúng ta. Vì trong cuộc sống không thể tránh khỏi lỗi lầm, nên phương pháp “thuyết tội“ hay Sám Hối là cách nâng cao đời sống là chuyển hóa nội kết phiền não trong ta. Vậy thì Sám Hối thế nào cho đúng cách đây? Phải hiểu rõ động lực chánh: vô minh và tà kiến nên Sám Hối.

- TT Hoằng Khai: giảng về Pháp bố thí, pháp này làm không khéo rất dễ bị hiểu lầm. Bố Thí mà thiếu Bồ đề tâm sẽ trở nên hại người, hại mình, là kẻ thù của kiếp thứ 3, nghĩa là khi hưởng hết phước sẽ mắc đọa trở thành ma nghiệp. Bố thí Ba-la-mật là bố thí thanh tịnh, không thấy vật cúng, không thấy có mình bố thí và không thấy có người nhận.

Lớp 4 của các Tăng Ni cũng phải trì tụng Kinh Pháp Hoa nghiêm mật, phải xong bao nhiêu cuốn người viết cũng không dám hỏi. Chỉ nghe được thông báo là Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ này thành công mỹ mãn vượt ra ngoài dự tính.

Ngoài ra còn có một ngày Niệm Phật và đi Kinh Hành, liên tục 4 xuất từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều do các Tăng Ni luân phiên nhau hướng dẫn.

Đã có công tu học thì phải có thi cuối khóa để tranh giải nhất nhì ba, phần còn lại không thi cũng có bằng tốt nghiệp như hai câu thơ:

Đi thi để biết đề thi. Đi thi để biết phòng thi rồi về.

Giải thủ khoa của lớp 3 năm nay lọt vào tay một chị chuyên gia làm bánh công quả cho chùa Phổ Bảo ở München - Đức quốc. Cám ơn chị đã làm rạng danh cho “tập đoàn soon chảo“, để thiên hạ không chê bai nhà bếp chúng ta không biết gì về Phật pháp. Năm nay có nhiều biến đổi khá thú vị, giải hạng nhì của lớp 2 lọt vào tay một chị theo đạo Công giáo, nhờ nghe băng giảng của các Thầy trên mạng nên mến mộ đạo Phật và ghi tên đi dự khóa tu học lần đầu tiên. Kết quả thu được ngoài phần thưởng với tượng Quán Âm thật đẹp đeo trên cổ, chị còn Quy Y với Sư Cô Trí Anh chùa Linh Sơn bên Pháp và được Sư phụ cho Pháp danh là Diệu Dược, đi theo xách tráp ấn huyệt cho đại chúng.

Lễ bế giảng được kết thúc thật long trọng trong niềm hân hoan và an lạc của tất cả mọi người, với một liên khúc “Vui thay với 10 ngày tu học…, vui thay với…“ của Thầy Hoằng Khai (vẫn làm MC), chúng ta biết thêm được nhiều thành tích của Thầy Quảng Hiền chùa Trí Thủ, đã liên kết với 3 ngôi chùa ở Thụy Sĩ như Linh Sơn và Phật Tổ Thích Ca. Vận động các cửa hàng Á Châu, vận động các Phật tử cúng dường các bao gạo Cấp Cô Độc để trang trải cho các chi phí, đưa bảng chi thu cuối khóa đến tình trạng thặng dư nhiều hơn dự tưởng. Nhờ đó Thầy Quảng Hiền mới có thêm danh hiệu “Ông Thầy có phước báu“. Chẳng thế sao bác “Diệu Gạo“ ở chung phòng đã kêu gọi con cháu của mình cúng đến 70 bao gạo để ủng hộ cho Thầy.

Người được tán dương đầu tiên phải là Thầy Quảng Đạo, từ những bản tin Khánh Anh cho đến những bức tâm thư theo từng diễn biến của Khóa Tu học. Ôi, biết bao công sức, bao tháng ngày làm việc miệt mài, nhưng sao Thầy vẫn không chịu xuống cân! Vẫn mang hình dáng của Ngài Di Lặc.

Hòa Thượng Quảng Bình rất thương các em Gia Đình Phật Tử, nhất là đám Đại Học Oanh Vũ cần tiền mua kem và kẹo ăn cho sâu hết cả răng, nên xuất tiền túi ra tặng nghe đâu cũng hơi kha khá lên đến hàng trăm. Sư Cô Diệu Thảo ở Na Uy có may tặng một số quần áo đồng phục cho các em Oanh Vũ.

Ban Y tế năm nay khá hùng hậu đến từ nhiều nước, bên Pháp có Sư Cô Trí Anh ngoài việc chữa bệnh, Cô còn cho tập nhiều động tác dưỡng sinh, khí công để gia tăng sức khỏe, những màn múa ngoài trời với động tác vỗ tay hát “A Di Đà Phật“ rồi xoay nghiêng, xoay ngang hát “Khỏe Khỏe Khỏe“, đã tăng thêm sinh khí cho những tấm thân tứ đại sắp rệu rã. Ông Lang Trần Hữu Lễ của Thụy Sĩ cũng bấm huyệt liền tay, bà con hết đau nhức tạ ơn bằng những thỏi Sô-cô-la béo ngậy, khiến Nhật Hưng cũng có phần và dĩ nhiên tôi nằm bên cạnh chẳng lẽ không có gì? Bên Anh cũng có bác nào đó khá nổi tiếng trong các khóa tu trước, tên bác chỉ việc đếm từ hai ba bốn đến mười thế nào cũng trúng.

Ban cắt tóc nắm đầu nắm cổ thiên hạ năm nay chỉ do cô thợ chính hiệu của Thụy Sĩ đảm trách, phần Nhật Hưng bị giải thể phải đi cắt tóc lậu cho những ai đến tận nơi khẩn cầu. Tuy than thở lên ban tổ chức là ế ẩm, nhưng số tiền thu được cúng dường cho Khóa Tu Học lên đến hơn 2 ngàn Euro.

Thi xong, bế giảng xong phải có mục văn nghệ cuối khóa, đây mới là mấu chốt của các cây Bút Nữ báo Viên Giác (tham dự được 4 cô, trẻ nhất đã hàng 6). Nhân chủ đề buổi văn nghệ “Thương nhớ Sư Ông“, họ dàn dựng một màn ca vũ nhạc kịch gồm 3 màn với 27 diễn viên đứng chật cả sân khấu, chưa kể quạt, lọng, quan tài… Đạo diễn kiêm đào thương Nhật Hưng nếu không nhờ sự giúp đỡ của các cây bút khác đã cho vở kịch lấy tựa đề một bài viết: “Cơn giông giữa mùa hạ“ tiêu diêu miền cực nhọc từ lâu rồi vì khó khăn quá không đủ sức thực hiện. Chẳng là sau buổi họp mặt thu nhỏ tại nhà Thi Thi ở Bodensee vào giữa tháng sáu, họ quyết định chia công việc như sau: Chị Nguyên Hạnh về lại nhà sẽ viết mail xin Hòa Thượng Phương Trượng cho mượn cây “Quạt Quốc Sư“ do Hội đồng Tăng Già Thế Giới tại Tích Lan trao tặng, để diễn lại màn trao giải thưởng danh dự cho nhị vị Hòa Thượng đã có công với Phật Pháp. Nếu thành công với cây quạt thứ nhất, Nhật Hưng sẽ hỏi mượn Thầy Quảng Đạo đang cất giữ chiếc quạt thứ hai của Sư Ông. Họ đang đi trên con đường “viễn ly điên đảo mộng tưởng“ lúc nào mà không hay, thế rồi ngay chiều hôm đó chị Nguyên Hạnh báo cáo với mọi người về thành quả của việc mượn “Quạt Ba Tiêu“ với một giọng nói thật bi đát chen lẫn bi ai: “Thầy nói chiếc quạt là vật linh thiêng để thờ, chứ không phải đem ra diễn kịch, các em ơi hỏng rồi! Nhật Hưng đừng mượn chiếc quạt thứ hai nữa“. Để thiên hạ gậm nhấm nỗi buồn một lúc và ăn năn sám hối cho tư tưởng trẻ thơ của mình, Hoa Lan mới từ tốn xin nhận trách nhiệm làm hai cây quạt giả giống y chang như quạt thật nhờ Photoshop phù phép biến hóa khôn lường. Cả bọn mừng rỡ tiến hành tiếp công tác giao việc, Nhật Hưng may quần áo múa; chị Mừng Chi cắt giấy carton làm quan tài tuy thâm tâm chị rất kiêng kỵ chuyện này, nhưng vì Sư Ông chị làm tuốt; chị Nguyên Hạnh đến khóa tu lo điều động nhân sự, làm sao kiếm cho ra hai ông không tóc đóng vai hai vị Hòa Thượng. Ôi thôi, thật nhiêu khê với bao chi tiết đoạn trường, nhưng vở kịch diễn ra rất thành công khiến các thành viên trong hội đồng quản trị Bút Nữ phải thốt lên câu:“Chắc Sư Ông về phù hộ nên làm gì cũng có người giúp“. Câu này chị Phương Quỳnh tương đắc nhất khi nhìn cỗ kim quan của Sư Ông được một Sư Cô trên chánh điện trang hoàng thật đẹp.

Vì chủ đề “Thương nhớ Sư Ông“ nên lời ca tiếng nhạc đa phần đều tỏ lòng thương nhớ Sư Ông, có người làm thơ, có người sáng tác nhạc để tưởng nhớ vị Thầy vĩ đại. Bài thơ cuối cùng chấm dứt buổi văn nghệ thật là hay, chẳng những vì lời thơ mà còn vì giọng ngâm miền Trung thật đặc sắc.

Cảm tưởng của các vị tham dự khóa tu đã được người viết thu thập được, nhờ đi trên chuyến xe buýt với Hòa Thượng Phương Trượng trở về Đức quốc. Đối với Hòa Thượng, các học viên năm nay quá đúng giờ lên chánh điện quá sớm làm các Thầy đến đúng giờ mà có cảm tưởng như là đi trễ, giày dép đã để ngay ngắn vì lời dọa sẽ bị tịch thu dép nếu quẳng lung tung. Thầy MC Hoằng Khai trong phòng ăn hay nhắc nhở mọi người giữ yên lặng bằng câu, phòng bên kia hơi giống đạo tràng của Bà La Môn. Đa số cảm tưởng của các vị mới đi lần đầu là thích lắm, hứa năm sau sẽ cố gắng sang Strasbourg dự khóa 27. Đạo hữu Quảng Thanh đến từ Hoa Kỳ chấm điểm cho khóa tu này bằng cụm từ “trên cả tuyệt vời“ nữa.

Trong thời gian tu học là giải bóng đá vô địch thế giới đang xảy ra, khiến các “Fan“ bóng đá xôn xao tụ tập ở phòng ăn dán mắt vào màn ảnh truyền hình. Một hôm đội tuyển của Đức thắng đội của Pháp trong vòng bán kết, làm Hòa Thượng Đức quốc phải khao Pizza các Chư Tăng Ni đến 96 phần cũng hao Pizza không ít. Đến trận chung kết cuối cùng Đức đấu với Á Căn Đình, cũng có nghĩa là hai Ông Giáo Hoàng chứng kiến trận giao đấu với nhau, may thay trận đấu xảy ra sau khóa tu, chứ không Hòa Thượng Đức quốc lại tốn tiền khao thêm một lần nữa.

Đáng lẽ bài tường thuật về Khóa Tu Học đến đây tạm ngừng bút, nhưng vì một biến cố “tiền hung hậu kiết“ xảy ra mà người viết là “chứng nhân của thời đại“ nên phải kể thêm đôi dòng. Buổi trưa hôm ấy, sau buổi ăn Quá đường tại chùa Viên Giác có hai xe hơi chở các vị Hòa Thượng đi về trụ xứ. Hướng Bắc lên Đan Mạch có Thầy Pháp Trú chở HT Quảng Bình ngồi trước cùng 3 vị Phật tử ngồi băng sau. Hướng Nam về Viên Đức có Thầy Giác Trí chở HT Như Điển cùng HT Thái Siêu và một Phật tử ngồi băng sau. Người viết đứng trên sân chùa đưa tiễn các vị, chắp tay chào từng xe lăn bánh rời khuôn viên chùa. Khoảng 2 tiếng sau một tin không may được rỉ tai đến từng người là xe Thầy Pháp Trú bị tai nạn cách Hannover gần 70 cây số, băng sau không sao cả, chỉ người lái xe bị bất tỉnh mà thôi. Nếu mọi người biết tu tập, biết lặng yên và quán sát xem sự việc diễn tiến như thế nào, biết đâu chẳng là tin “vịt giời“ hay mức độ chính xác bao nhiêu phần trăm. Không, đằng này họ tiện tay với điện thoại di động loan truyền đi khắp cả thế giới với tốc độ thần tốc, với nguồn tin chính xác là Thầy Pháp Trú đã phiêu diêu miền cực lạc rồi. Thế là cả đêm hôm ấy có nhiều người bị mất ngủ, người viết bị điện thoại quấy rầy cả đêm. Cô Phật tử trẻ bên Đan Mạch ngồi tụng giới Bồ Tát trong chánh điện chùa Viên Giác, với cặp mắt đỏ hoe thỉnh thoảng lại với tay lấy khăn hỷ mũi. Người viết đưa mắt đảo qua mà lòng đầy ảo não, tai có nghe Thầy Hạnh Luận đọc giới trọng này với giới khinh kia nhưng lòng đang quán vô thường nghĩ đến Thầy Pháp Trú. Tại sao một vị Thầy trẻ với gương mặt sáng ngời ngợi như thế, một tương lai hoằng dương chánh pháp đang mở rộng như thế lại phải ra đi. Không, một ngàn lần không một vạn lần không, Thầy phải sống! Và sáng hôm sau nghe điện thoại reo, biết Thầy đã về Đan Mạch bình an. A Di Đà Phật. Lỗi phải ở đây là do nguồn tin thuộc dạng “Tế Điên Hòa Thượng“ của Ôn Quảng Bình đã điện cho Nguyên Trí: “Con về nói chùa Viên Giác sắp sẵn 2 quan tài…“.

Rồi mọi việc cũng qua đi, nhưng dư âm của 10 ngày tu học vẫn còn đọng mãi trong lòng các học viên, họ hứa sẽ thu xếp công việc để năm sau kéo sang Pháp tu học kỳ thứ 27 tại thành phố Strasbourg, nơi có tòa nhà Quốc hội Âu Châu, nơi mà Sư Ông thân thương của họ hay đến đó biểu tình tuyệt thực đòi nhân quyền.

Trước khi chấm dứt bài viết, xin được trích dẫn hai câu thơ của một vị Cao Tăng nào đó:

Cực lạc, cực khổ song song.

Hai đường cùng cực, biết dông đường nào.

Kỷ niệm Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 26 tại Fribourg - Thụy Sĩ.

Hoa Lan - Thiện Giới.

Mùa Hè 2014.

khoa_tu_26 (17)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/02/2021(Xem: 9631)
Long Khánh là một thị xã ven Đô, Phật giáo tuy không sung túc như các Tỉnh miền Trung Nam bộ, nhưng sớm có những ngôi chùa khang trang trước 1975, do một số chư Tăng miền Trung khai sơn lập địa. Hiện nay Long Khánh có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hiển Mật hay còn gọi là chùa Ruộng Lớn tọa lạc tại Thị xã Long Khánh, chùa Huyền Trang, tọa lạc tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang,.…Nhưng điều đáng nói là một ngôi Tam Bảo hình thành trong vòng 5 năm,khá bề thế. Qua tổng thể kiến trúc và xây dựng, không ai ngờ hoàn hảo trong thời gian cực ngắn, đó là Tịnh xá Ngọc Xuân, do sư Giác Đăng,đệ tử HT Giác Hà, hệ phái Khất sĩ, thuộc giáo đoàn 5 của Đức thầy Lý.
08/02/2021(Xem: 5256)
Hình ảnh con trâu tượng trưng cho tâm ý của chúng sinh. Mỗi người ai cũng đều có một con “trâu tâm" của riêng mình. Và cứ như thế pháp chăn trâu được nhiều người sử dụng, vừa tự mình chăn vừa dạy kẻ khác chăn. Vào cuối thế kỷ mười ba, thời nhà Trần, trong THIỀN MÔN VIÊT NAM xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung, ông là một thiền sư đắc đạo. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử này.
08/02/2021(Xem: 4265)
Sau khi đạt được Giác ngộ, Đức Phật nêu lên Bốn Sự Thật và sự thật thứ nhất là "Khổ đau". Khổ đau ẩn chứa trong thân xác, bàng bạc trong tâm thức của mỗi cá thể con người và bùng ra cùng khắp trong thế giới: bịnh tật, hận thù, ích kỷ, lường gạt, đại dịch, bom đạn, chiến tranh... Sự thật đó, khổ đau mang tính cách hiện sinh đó, thuộc bản chất của sự sống, gắn liền với sự vận hành của thế giới. Sự thật về khổ đau không phải là một "phán lệnh" hay một cái "đế", cũng không mang tính cách "kỳ diệu" gì cả, mà chỉ là một sự thật trần trụi, phản ảnh một khía cạnh vận hành của hiện thực.
07/02/2021(Xem: 5127)
Nhà thiền có danh từ Tọa Xuân Phong để diễn tả hạnh phúc khi thầy trò, đồng môn, được ngồi yên với nhau, không cần làm gì, nói gì mà như đang cho nhau rất đầy, rất đẹp. Danh từ đó, tạm dịch là “Ngồi Giữa Gió Xuân” Mùa Xuân chẳng phải là mùa tiêu biểu cho những gì hạnh phúc nhất trong bốn mùa ư? Hạ vàng nắng cháy, vui chơi hối hả như đàn ve sầu ca hát suốt mùa để cuối mùa kiệt lực! Thu êm ả hơn, nhưng nhìn mây xám giăng ngang, lá vàng lả tả, tâm- động nào mà không bùi ngùi tưởng tới kiếp nhân sinh?
07/02/2021(Xem: 5342)
Chú mục đồng chậm rãi bước xuống sông. Bên cạnh chú, con trâu lớn nhất đàn ngoan ngoãn xuống theo. Đôi mắt hiền lành của nó nhìn chú như mỉm cười, tin tưởng và thuần phục. Những con trâu bé hơn lại nhìn bước đi vững chãi, an lạc của con trâu đầu đàn mà nối nhau, cùng thong thả qua sông. Đây là khúc sông cạn mà chú đã dọ dẫm kỹ lắm. Đáy sông lại không có những đá nhọn lởm chởm có thể làm chân trâu bị thương. Bên kia sông, qua khu rừng có những cội bồ đề râm mát là tới đồng cỏ rộng. Mùa này, sau những cơn mưa, cỏ non vươn lên xanh mướt, đàn trâu gồm bẩy con mà chú có bổn phận chăm sóc tha hồ ăn uống no nê sau những giờ cực nhọc cầy bừa ngoài đồng lúa.
07/02/2021(Xem: 8138)
Khi những cơn bảo và áp thấp nhiệt đới hung hãn nhất vừa tạm qua đi, khí trời phương Nam cũng trở buồn se lạnh. Nhiều người cho đó là hoàn lưu của những cơn bão miền Trung mà tất cả con dân “bầu bí chung dàn” vẫn còn đang hướng về chia sẻ, nhưng ít người nhận ra rằng đó chính là cái se lạnh của mùa đông phương Nam, báo hiệu mùa xuân sắp đến nơi ngưỡng cửa của bộn bề lo toan hằng năm.
06/02/2021(Xem: 6266)
Mười bức “Tranh Chăn Trâu” trong phần này là của họa sư Nhật Bản Gyokusei Jikihara Sensei, vẽ vào năm 1982 nhân một cuộc thăm viếng thiền viện Zen Mountain Monastery ở Mount Tremper, New York, (Hoa Kỳ). Họa sư vẽ để tặng thiền viện. Các bài thơ tụng thời nguyên gốc của thiền sư Quách Am viết vào thế kỷ thứ 12. Thơ tụng được chuyển dịch ở đây bởi Kazuaki Tanahashi và John Daido Loori, sau đó được nhuận sắc bởi Daido Loori để mong tạo lập ra những hình ảnh và ẩn dụ cho thêm giống với phong cảnh núi sông ở quanh thiền viện Zen Mountain Monastery. Thiền sư Daido Loori là người lãnh đạo tinh thần và là tu viện trưởng của thiền viện này.
04/02/2021(Xem: 5708)
Hôm qua mình có giới thiệu cuốn sách Buddhism in America (Phật Giáo Mỹ) của Richard Hughes Seager. Có bạn hỏi thêm muốn tìm hiểu Phật Giáo Mỹ nên nhờ mình giới thiệu vài cuốn. Nghĩ rằng đây là câu hỏi hay nên mình xin viết giới thiệu 7 cuốn sách để nhiều người lợi lạc. 1. Cuốn The Faces of Buddhism in America (Diện Mạo của Phật Giáo ở Mỹ) do Charles Prebish 2. Buddhist Faith in America (Đức Tin Phật Giáo ở Mỹ) tác giả Michael Burgan 3. Buddhism in America của Richard Huges Seager (1999, tái bản 2012) 4. Buddhism in America của Scott Mitchell 5. Altered Traits: Science Reveals How Meditation Changes Your Mind, Brain, and Body, 2017 6. A Mindful Nation: How a Simple Practice Can Help Us Reduce Stress, Improve Performance, and Recapture the American Spirit, 2012, 7: American Dharma: Buddhism Beyond Modernity
01/02/2021(Xem: 4338)
Tại các nước nông nghiệp hình ảnh con trâu với đứa trẻ chăn trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo là một hình ảnh quen thuộc thường gắn liền với đời sống của người dân. Tại Việt Nam, từ lâu hình ảnh này đã đi vào tâm thức mọi người và không chỉ có giá trị trong đời sống lao động thực tiễn mà còn nghiễm nhiên đi vào lãnh vực văn học nghệ thuật nữa. Trong văn học Phật giáo nói chung và văn học Thiền tông nói riêng thời hình ảnh con trâu với trẻ mục đồng đã trở thành thi liệu, biểu tượng, thủ pháp nghệ thuật. Những hình ảnh này hiển hiện trong truyền thống kinh điển cũng như được đề cập đến nhiều lần trong những thời pháp của đức Phật khi Ngài còn tại thế.
01/02/2021(Xem: 9284)
Vào thời thái cổ, theo truyền thuyết Đế Minh là cháu bốn đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngủ Lĩnh ( nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung quốc ). Vua Đế Minh đã dừng chân tại nơi nầy, ngài cưới Vu Tiên nữ con vua Động Đình Hồ làm vợ. Đế Minh sinh được một trai tư chất thông minh ngài đặt tên Lộc Tục. Vào năm 2879 trước tây lịch ( khoảng thế kỷ thứ 7 TCN ) Đế Minh phong cho con làm vua ở phương Nam. Lộc Tục lên ngôi xưng đế hiệu Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ ngài đóng đô tại Phong châu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]