Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại giới đàn Cam Lộ Vị hoàn mãn

02/06/201405:45(Xem: 10145)
Đại giới đàn Cam Lộ Vị hoàn mãn
Đại giới đàn Cam Lộ Vị hoàn mãn

ĐGĐ Cam Lộ Vị.30

Những giọt cam lộ thanh lương


Mùa xuân năm nay, tại Đạo tràng Mai Thôn đã diễn ra Đại giới đàn Cam Lộ Vị, bắt đầu từ ngày 23.05 đến ngày 28.5.2014. Lễ rước giới bổn được tổ chức thật long trọng tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng. Dường như đất trời cũng hòa chung niềm vui của tứ chúng Làng Mai trong ngày khai mạc Đại giới đàn. Ngay khi giới bổn được rước vào thiền đường Nước Tĩnh thì trời bổng nhiên đổ mưa. Những giọt nước cam lộ rơi xuống làm cho đất trời và lòng người đều mát mẻ, thanh lương.

Đại giới đàn năm nay đã cung thỉnh được các vị tôn túc như Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh, Hòa thượng Minh Nghĩa, Ni Sư Như Minh...vào Hội đồng truyền giới.

Trong lễ khai mạc Đại giới đàn, thầy Pháp Hữu - trụ trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng - đã có lời tác bạch: "Chúng con ý thức rằng giới luật quý như châu báu, ai cũng muốn tìm cầu không mỏi mệt. Chính vì muốn bảo vệ gia sản thiêng liêng của chánh pháp cho nên Đạo tràng Mai Thôn đã tổ chức Đại giới đàn Cam Lộ Vị..."

ĐGĐ Cam Lộ Vị.13


Với tinh thần đó, Đại giới đàn đã truyền các giới cận sự (Năm Giới), giới Tiếp Hiện, giới Khất sĩ và Nữ Khất sĩ. Có tất cả 35 vị được thọ giới Khất sĩ, 49 vị thọ giới nữ Khất sĩ, 43 vị thọ giới Tiếp Hiện và 100 vị được thọ Năm Giới. Buổi truyền giới Khất sĩ và nữ Khất sĩ được truyền trực tuyến (qua mạng lưới Internet) cho các giới tử thuộc các trung tâm Làng Mai tại Mỹ và Thái Lan. Ngoài ra, còn có 66 vị tập sự giáo thọ - xuất sĩ và cư sĩ - được truyền đăng trong Đại giới đàn Cam Lộ Vị.

ĐGĐ Cam Lộ Vị.26

Tình huynh đệ bao la



Đại giới đàn được tổ chức trong không khí trang nghiêm nhưng thật ấm áp tình thầy trò, tình huynh đệ của một đại gia đình tâm linh. Một điều rất đặc biệt trong Đại giới đàn lần này là tứ chúng Làng Mai may mắn được nghe Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh kể về "chuyện tình 60 năm" về trước. Hồi đó Sư Ông Làng Mai còn là một vị giáo thọ trẻ và Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh còn là những vị học tăng của Phật Học Đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, Sài Gòn.

Trong lời mở đầu trước khi bắt đầu buổi nói chuyện, Sư Ông Làng Mai chia sẻ:

"Hòa thượng Như Huệ đây hiện bây giờ là một vị cao tăng đang hành đạo tại Úc. Năm nay Ngài 82 tuổi, Ngài đã từng là một vị học tăng tại Phật Học Đường Nam Việt. Ngài có trí nhớ rất tốt, những bài văn, bài thơ, bài hát mà Ngài đã học trong lớp bây giờ Ngài vẫn còn thuộc lòng. Có lần trong chuyến hoằng pháp ở Úc, tôi có đến thăm Ngài. Ngài đọc lại cho tôi nghe bài Sám Quy Mạng (mà tôi đã dịch ra tiếng Việt khi còn là một vị giáo thọ trẻ ở Phật Học Đường Nam Việt), tôi hoàn toàn quên. Khi đó, tôi mới ghi chép lại và đưa vào cuốn Nhật tụng thiền môn. Nếu không có Ngài đây thì bài đó đã bị thất lạc rồi. Ngoài bài đó ra, Hòa thượng còn thuộc những bài khác nữa mà tôi đã quên. Có những bài ca dao mới mà tôi sáng tác thời đó, Ngài cũng thuộc lòng. Hòa thượng giống như một cuốn từ điển sống…

Hòa thượng ngồi bên tôi đây - Hòa thượng Minh Cảnh - cũng là một học tăng trong thời đó. Hòa thượng đây đã trở thành một vị học giả nổi tiếng, rất là giỏi về văn học Phật giáo Trung Quốc. Ngài đã làm ra bộ Bách khoa Phật giáo Từ điển. Ngài đã phiên dịch, sáng tác và chủ trì những lớp đào tạo cho các học giả. Ngài đã đào tạo ra nhiều nhân tài đã và đang làm việc cho nền dịch thuật và sáng tác tại Việt Nam.

ĐGĐ Cam Lộ Vị.34



Hôm nay, sự có mặt của các Ngài ngồi ở đây là một cái gì rất phi thường, rất mầu nhiệm. Trong những ngày vừa qua, trong những buổi ăn trưa, chúng tôi có cơ hội nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Hạnh phúc lắm!

Hồi đó tôi là một vị giáo thọ trẻ. Trong hình chụp với các vị học tăng thời đó thì thấy nét mặt của mọi người gần giống nhau, tôi chỉ hơn Hòa thượng đây (HT. Như Huệ) chỉ 5-6 tuổi. Nhìn vào không thể phân biệt được ai lớn, ai nhỏ. Chỉ khác nhau là tôi mặc áo tràng, còn các vị thì đều mặc áo nhật bình. Thầy trò, huynh đệ sống với nhau rất là hạnh phúc!

Hồi đó ở chùa Ấn Quang, Phật Học Đường Nam Việt, vị giáo thọ nào cũng có một thị giả hết. Và trong phòng các vị luôn luôn có một đĩa trái cây do các vị Phật tử cúng dường. Trong phòng tôi không có một đĩa trái cây như vậy, tại vì mình chưa phải là một vị hòa thượng đạo cao đức trọng nên không ai cúng dường hết (cười). Tôi cũng không có thị giả, tại vì mình còn trẻ quá, đâu cần đến thị giả. Nhưng có cái hay là trong phòng tôi luôn luôn có các thầy trẻ, các sư chú trẻ, tại vì thầy trò rất thương nhau, quấn quýt với nhau, hưởng sự có mặt của nhau, cùng một lý tưởng, cùng một hoài bão. Trong lớp học cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, rất là gần gũi nhau. Hạnh phúc của tôi là chưa bao giờ xa lìa tuổi trẻ.

Hồi đó tôi còn nhớ ở cư xá học tăng ở chùa Ấn Quang, cư xá dài, có hai hàng giường cho học tăng thôi, không có những phòng riêng cho 2-3 thầy ở như xóm Thượng bây giờ. Ở phía trước có một câu châm ngôn: "Học tăng là sức sống của đạo pháp đang lên". Tôi là người gần gũi với các sư chú, các vị trẻ nhất, và tôi nuôi dưỡng họ bằng sự nồng nhiệt, bồ đề tâm, bằng tình thương yêu của tôi, vì vậy thầy trò, huynh đệ, anh em rất là gần nhau. Và tình huynh đệ rất là quý báu. Bây giờ ai nghĩ tới cũng còn cảm động hết.

blank

Hình chụp với các vị học tăng ở chùa Ấn Quang


Hồi đó ở Phật học đường Nam Việt, ngoài Phật pháp ra còn học toán, khoa học, văn chương…Tôi cũng có dạy về văn chương, về thơ ca, về hành văn…Có những bài giảng văn, Hòa thượng Như Huệ đây còn học thuộc lòng, như bài Nhành lúa mới (xem cuối bài), Hòa thượng có thể đọc vanh vách từ đầu đến cuối. Ở đây ít có vị nào có ký ức tốt như Hòa thượng đây.

Có điều lạ là chúng tôi - ví dụ như tôi với hai Hòa thượng đây - chưa bao giờ giận nhau hết, rất là hay. Không biết tại sao vậy, hay quá! Và điều này tôi cũng được hưởng cả trước Phật học đường Nam Việt nữa. Bởi vì trước Phật học đường Nam Việt, tôi có học ở Phật học đường Báo Quốc, tôi cũng có những huynh đệ thương nhau như vậy.

Hồi đó ở Huế có chiến tranh và chúng tôi tuy đã đi xuất gia rồi, nhưng có nhiều người cũng đồng thời phục vụ cho kháng chiến. Hồi đó Việt Nam tổ chức kháng chiến chống lại quân Pháp, tại vì quân Pháp trở lại chiếm cứ Việt Nam để tiếp tục sự đô hộ. Mà mình đã tu rồi thì đâu có cầm súng, nhưng mà mình có thể làm những công việc bất bạo động để giúp cho cuộc kháng chiến, ví dụ như liên lạc, tổ chức...Vì vậy cho nên có một số các huynh đệ bị lính Pháp bắn chết, trong đó có những vị rất xuất sắc.

Tôi xin đọc một đoạn trong cuốn Bây giờ mới thấy (NXB Phương Đông):

" Tôi may mắn trong thời gian xuất gia được thân cận với nhiều huynh đệ dễ thương, thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Hồi ấy có thầy Trọng Ân, thầy Trí Thuyên, thầy Thiện Hỷ, các chú Tâm Cát, Tâm Thường, Đức Trạm, Minh Tâm, Đồng Bổn, Châu Đức, Châu Toàn, Tánh Huyền...

Chúng tôi sống với nhau, tu học với nhau đầm ấm trong tình huynh đệ thật tuyệt vời. Chúng tôi ai cũng vừa yêu đạo vừa yêu quê hương. Ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trí Thuyên bị Pháp bắn chết ở tùng lâm Kim Sơn. Tâm Thường bị bắn chết ở núi Thiên Thai cạnh chùa Thiền Tông. Minh Tâm bị bắn tại huyện Phong Điền. Tánh Huyền bị bắn sau lưng chùa Tường Vân. Châu Quang bị bắn ở mặt trận thị xã Huế... Chúng tôi bí mật tổ chức cầu siêu cho các vị huynh đệ ấy. Chúng tôi cũng có một bức hình của thầy Trí Thuyên.

Bốn câu thơ sau đây được thầy Trọng Ân viết dưới bức chân dung của thầy Trí Thuyên:

Năm xưa ai đã cùng ai

Đốt lò hương, nguyện dưới đài quang minh

Mà nay non nước chưa bình

Người đi đâu mất, ảnh hình còn đây?

....

Thầy Mật Thể mất năm 1961, tuổi mới 49. Chí nguyện chưa thành, nhưng đang được chúng tôi tiếp nối. Thầy Châu Toàn, đệ tử của thầy Mật Thể, đã được tôi chăm sóc và hướng dẫn chu đáo. Tôi đối xử với thầy Châu Toàn như một người em ruột. Có thể nói tôi yêu Châu Toàn còn hơn yêu em trai nữa, có thể bởi vì chúng tôi cùng có một thao thức chung, một lý tưởng chung. Mà điều này cũng đúng với thầy Châu Đức và với hàng chục anh em khác.Một điều lạ là chúng tôi chưa bao giờ giận nhau và cãi vã với nhau. Chúng tôi có một niềm tin sâu sắc nơi nhau.

Đời tôi có một may mắn là chưa bao giờ bị cách biệt với tuổi trẻ. Tại lớp Trung Học ở Ấn Quang, các vị như Như Trạm, Như Vạn, Như Huệ, Minh Cảnh, Thanh Văn, Thanh Hương, Thanh Tuệ, Trí Không (Tân Uyên), Long Nguyệt, Viên Hạnh, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Thắng Hoan, Thanh Hiện, v.v... tuy đều là học trò của tôi nhưng đồng thời cũng là những người em và những người cùng chí hướng. Cho tới nay mỗi lần nhớ tới những người ấy, tôi vẫn còn thấy biết ơn cái tình thầy trò và huynh đệ kia. Nó nuôi dưỡng chúng tôi. Nó bền bĩ và có khả năng nuôi dưỡng hơn bất cứ một thứ tình nào khác.

Các vị như Minh Cảnh và Như Huệ tuy đã trở thành những vị hòa thượng lớn hay những học giả lớn, nhưng bây giờ mỗi lần gặp nhau chúng tôi vẫn còn nắm tay nhau đi chơi như thường. Hòa thượng Như Huệ đang lãnh đạo Phật giáo tại Úc. Năm 1986, khi tôi đến thăm ngài tại chùa Pháp Hoa ở Adelaide, ngài đã ra đón tôi ở cổng chùa và đặt đầu trên vai tôi một cách “nhõng nhẽo” khiến cho cả tứ chúng chùa Pháp Hoa đều kinh ngạc. Đối với các hòa thượng khác như Thiện Hạnh, Thiện Bình, Thanh Từ, v.v... chúng tôi cũng chơi với nhau thân mật như thế....



ĐGĐ Cam Lộ Vị.37

(Từ trái sang: SC. Chân Không, Ni sư Như Minh, HT. Minh Cảnh, Sư Ông Làng Mai, HT. Như Huệ, HT. Minh Nghĩa)


Vào những năm 50, chúng tôi lên xây dựng một chúng xuất gia trẻ trên chùa Linh Quang ở cao nguyên Đà Lạt, lập Phật học viện để nuôi dưỡng chúng này. Thượng tọa Minh Cảnh trú trì ở đây yểm trợ chúng tôi hết lòng. Hồi đó có các thầy Tâm Hòa và thầy Quang Phú góp công giảng dạy. Chúng tôi thành lập trường Trung Học và Tiểu Học Tuệ Quang, một ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách điều khiển.

Năm 1954, đất nước chia đôi, tinh thần của giới xuất gia trẻ hoang mang. Ban Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang Sài Gòn đã mời chúng tôi về để cải tổ lại chương trình giáo dục và thực tập cho học tăng và học ni tại đó. Chúng tôi lập ra một đoàn thể những người học tăng trẻ tuổi, xuất bản tạp chí Sen Hái Đầu Mùa, và xướng xuất phong trào Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Loạt bài đầu của ý thức mới này được đăng trên trang đầu của nhật báo Dân Chủ do Vũ Ngọc Các làm chủ nhiệm, lấy tên là Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới. Chúng tôi muốn cống hiến một đạo Bụt lột xác có khả năng thả một bè lau, cứu được đất nước ra khỏi tình trạng tranh chấp, qua phân và chiến tranh. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) được thành lập năm 1964 và sau đó là Viện Đại Học Vạn Hạnh....


ĐGĐ Cam Lộ Vị.37(Từ trái sang: HT. Minh Cảnh, Sư Ông Làng Mai, HT. Như Huệ)


Nói đề tài của câu chuyện là một chuyện tình, đúng là một chuyện tình, tại vì trong cuộc tình này không xảy ra những chuyện hệ lụy, vướng mắc, khổ đau, dìu nhau vào địa ngục. Trong cuộc tình này chỉ có tình huynh đệ, rất là hạnh phúc, rất là trong sáng, được nâng đỡ bởi lý tưởng làm mới đạo Bụt, để cho đạo Bụt có khả năng phục vụ được đất nước, quê hương và nhân loại như đã từng làm được trong quá khứ."

Hòa thượng Minh Nghĩa và Ni sư Như Minh cũng có một buổi nói chuyện với đại chúng tại xóm Mới. Ni Sư Như Minh đã tặng đại chúng hai bài thơ mà Ni Sư vừa sáng tác trong dịp Đại giới đàn này, đó là bài: Trao truyền tâm đăng và bài Chiến công:

Trao truyền tâm đăng

Sáng nay làm lễ khai mạc truyền đăng

Hội ngàn sao, họp trăng rằm mười phương

Cam lộ vị ngọt mát thơm

Thầy ban pháp nhũ, giọt thương tràn đầy

Duyên lành con được về đây

Tăng thân quy tụ bên Thầy thân thương

Đạo tràng Pháp quốc Mai Thôn

Đại giới đàn Cam Lộ Vị

Ngát hương lối về

Về đây ươm giống Bồ Đề

Truyền đăng tục diệm, Tào Khê nối dòng

Giới tử thành kính một lòng

Nguyện cùng tiếp bước, nhất tâm tu trì

Từ đây đã có đường đi

Lên bờ giác ngộ còn chi lo phiền

Thật là đại sự nhân duyên

Được Thầy khai ngộ, trao truyền tâm đăng.

(Thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, ngày 25/5/2014)

Chiến công

(Kính tặng giới tử Đại giới đàn Cam Lộ Vị)

Ngoài chiến trường quân nhân lo dẹp loạn

Thắng trận rồi lo thu dọn chiến công

Người tu sĩ cũng là một chiến binh

Không thắng người mà chính mình tự thắng

Những trận giặc lòng sớm hôm chờ nhắm

Vào tâm can, huyết quản, mỗi tế bào

Có những đợt sóng lên xuống lao xao

Nhưng có những đợt sóng ngầm âm ỉ

Hãy trở về bình tâm nhìn thật kỹ

Xem thử tên nào lên xuống, quậy ta

Ồ! đây rồi, hãy lấy giới luật ra

Làm khí giới dẹp tà ma nhiễu loạn

Chỉ có giới mới đồng hành với bạn

Mới giúp mình chiến thắng được Ma vương

Hỡi các bạn ơi, mau hãy lên đường

Lấy giới luật làm gươm trừ nội loạn

Chiến công này thật vô cùng sáng lạng

Chúc bạn mau sớm ca khúc khải hoàn.

Được lắng nghe những câu chuyện, những lời tâm tình, chia sẻ của Chư Tôn Đức là một cơ hội không dễ gì có được đối với tứ chúng Làng Mai. Đó là những giây phút huyền thoại! Trong suốt thời gian Đại giới đàn, hạnh phúc nhất là được thấy hình ảnh Sư Ông Làng Mai nắm tay các Hòa thượng cùng đi thiền hành, rồi cùng ăn trưa, kể cho nhau nghe những kỷ niệm ngày xưa... thật là đẹp, nó chứng minh rằng tình huynh đệ là một cái gì có thật trong cuộc đời này.

Giờ đây Đại giới đàn đã đi qua, nhưng những câu chuyện, những hình ảnh ấy vẫn còn và sẽ mãi được lưu giữ trong lòng của tất cả mọi người may mắn có mặt trong Đại giới đàn năm nay. Xin cảm ơn cuộc đời mầu nhiệm đã cho chúng con được sống những khoảnh khắc thiên thu ấy!

Để xem thêm hình ảnh của Đại giới đàn, xin bấm vào đây: http://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/dai-gioi-dan-cam-lo-vi



------------------------

Nhành Lúa Mới:
     "Tôi tới một miền quê kề bên trận địa vào một buổi chiều hoe nắng. Ở đây, cánh đồng loáng nước nằm dài, vắng bóng người nông dân cần mẫn. Nhìn vào thôn xóm, không thấy một  bóng người, khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm. Qua một đêm ngủ đỗ, sáng hôm sau, tôi trở dậy lên đường. Trong ánh nắng ban mai, đố ai biết có gì đổi khác? Nhìn vào thôn xóm, vẫn không một bóng người, vẫn khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm nhưng dải đồng loáng nước chiều qua đã xanh rì ngọn mạ. Tôi nghĩ đến bóng trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lượt trở về đây, đến những bàn tay mềm mại cấy từng hàng mạ trên dải đồng rộng mênh mông.Trong lúc chiến tranh cứ tiếp tục gieo rắc tang tóc và đổ nát, trong lúc bom đạn cứ tơi bời trên khắp đô thành và làng mạc, thì ở đây, người nông dân Việt nam vẫn thản nhiên gieo nguồn sống. Nhành lúa mới như một tuổi xuân vùng trỗi dậy, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc". (bài của Thích Nhất Hạnh, 1950)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/09/2020(Xem: 6897)
Thời gian vừa qua, thật hết sức ngạc nhiên khi tôi tình cờ xem được trên dòng Facebook những bức ảnh lưu niệm của bạn bè, đạo hữu khoe cho thấy họ đã ở rất gần bên Kim Các Tự, một danh lam nổi tiếng ở Kyoto, Nhật Bản. Thoạt đầu, cứ tưởng là mọi người được phước duyên xuất ngoại ngao du qua tận xứ sở hoa anh đào, được “tận mục sở thị” ngôi chùa “Gác Vàng” được dát vàng, còn mình thì cứ quanh quẩn với chùa chiền tự viện trong tỉnh, trong nước…
26/09/2020(Xem: 6552)
Hòa thượng Phó Chủ tịch Quốc hội lưu vong Tây Tạng, Acharya Yeshi Phuntsok hoan nghênh tuyên bố của 63 Nghị sĩ thuộc Liên minh Nghị viện Đa Quốc gia về Trung Quốc (IPAC) kêu gọi các chính phủ điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc tại Trung Quốc, đồng thời xử phạt những người chịu trách nhiệm về các hoạt động tồi tệ này.
24/09/2020(Xem: 8892)
Thông thường hàng năm vào những ngày chớm thu cũng là lúc những người con Phật từ khắp muôn phương tìm về xứ Ấn hành hương các thánh tích Phật giáo, nhưng năm nay cho đến thời điểm này Thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng vẫn vắng hoe, thế mới biết tầm ảnh hưởng của trận dịch không hề nhỏ, sự cộng nghiệp của thế gian đã lan dần đến bên cội Bồ Đề đức Phật.
23/09/2020(Xem: 7700)
Vượt qua được đoạn dốc núi vừa dài vừa gập ghềnh lên mô xuống hụp với lởm chởm đá cục đá hòn, đất bụi sạn sỏi để lên đến được khuôn viên của chùa, đứng ngay dưới chiếc cổng mang dáng dấp kiến trúc Torii ở các đền chùa Nhật Bản, hít thở thật sâu và đều không khí trong lành của núi rừng cây cỏ mà phóng tầm mắt về hướng đông ngắm cảnh trời xanh biển rộng, thấy rõ những hòn đảo nhỏ ngoài vịnh nối nhau như bức bình phong che chắn cho thành phố Nha Trang hiền hòa, ta mới cảm nhận được sự sảng khoái an vui như vừa từ cảnh giới u minh hầm hố bước qua thiên đường tịnh lạc.
23/09/2020(Xem: 7896)
Người chồng ở Ấn Độ ‘đã mổ bụng người vợ đang mang bầu để kiểm tra em bé có phải là con trai hay không’ Một ông bố năm con bị cáo buộc dùng liềm mổ bụng người vợ đang mang thai của mình vì anh ta tuyệt vọng không biết đứa bé có phải là con trai hay không. Người đàn ông Ấn Độ 43 tuổi, được biết đến với cái tên Pannalal, đã mổ bụng của vợ mình là Anita Devi vào tối thứ Bảy tại nhà của họ ở quận Baduan của Uttar Pradesh, theo báo “The Times of India” đưa tin. Theo nguồn tin được biết một linh mục đã nói với người đàn ông rằng vợ anh ta đang mang thai con gái, đứa con gái thứ sáu liên tiếp của hai vợ chồng. Gia đình của Devi nói với cảnh sát rằng Pannalal đã tấn công vợ để muốn "biết giới tính" của đứa bé. Theo tờ báo “The Mirror” đưa tin, Devi, 35 tuổi, đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ.
23/09/2020(Xem: 4986)
Một cách tổng quát, sự sinh hoạt của con người được thúc đẩy bởi ba thứ bản năng: sinh tồn, sợ chết và truyền giống. Bản năng sinh tồn là bản năng mạnh nhất, gây ra các tác động sớm nhất. Một đứa hài nhi khi mới lọt lòng đã biết tìm vú mẹ, đói thì khóc. Lớn lên bản năng sinh tồn tạo ra các xung năng và thúc đẩy ích kỷ, tham lam, thèm khát, tranh giành miếng ăn, của cải, đưa đến hận thu, xung đột và cả chiến tranh.
19/09/2020(Xem: 11306)
Ngũ uẩn vô ngã là tập tài liệu giáo khoa do Hòa thượng Thích Thiện Siêu, phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trương ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởương Học viện
18/09/2020(Xem: 7768)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm tình:''Lắng nghe để Hiểu, nhìn lại để Thương'', vào ngày hôm qua thứ năm (17 Sept 2020) chúng con, chúng tôi đã tiếp tục lên đường cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo xứ Phật trong khi mùa dịch còn dai dẳng.. Buổi phát chẩn đã thực hiện cho 278 hộ tại 2 ngôi làng nghèo tên là Mauriya & Santi Anus Village cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 34 cây số. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
18/09/2020(Xem: 6329)
Charles “Chuck” Feeney, đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS), là nhà hảo tâm lớn nhất và ẩn dật nhất thế giới, theo Observer. Cho đi mọi cái mình có Không như Elon Musks hay Mark Zuckerberg – hai tỷ phú công nghệ cam kết sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản trước khi qua đời, Feeney nổi tiếng với lời hứa cho đi mọi số tiền mình có và sẽ chết như một người đàn ông không có đồng xu nào dính túi.
18/09/2020(Xem: 7199)
Trong thời gian qua có đôi lần, thiền sinh yêu cầu chúng tôi giải thích cụm từ “Tam Tự Quy Y Là Gì? ”. Nay thuận duyên chúng tôi gửi đến các bạn bài viết về đề tài quy y nầy. Muốn hiểu ý nghĩa của “Tam Tự Quy Y ” trước hết chúng ta cần biết rõ “Tam Quy Y ” là gì? I. “TAM QUY Y” HAY “QUY Y TAM BẢO” LÀ GÌ? Quy nghĩa là “quay về, trở về” hay “hồi chuyển (tâm ý)”. Y là “nương tựa”. Quy Y cũng có nghĩa là “Kính vâng” hay “Phục tùng”. Tam là chỉ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. “Tam Quy Y ” hay “Quy Y Tam bảo” nghĩa là quy kính, nương tựa nơi ba ngôi quý báu đó là Phật, Pháp và Tăng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]