Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tại sao có người giàu sang, kẻ nghèo hèn

16/04/201405:34(Xem: 10942)
Tại sao có người giàu sang, kẻ nghèo hèn


buddha8

TẠI SAO NGƯỜI GIÀU SANG, KẺ NGHÈO HÈN


Thế giới con người từ khi còn ăn lông ở lỗ cho đến ngày hôm nay đã trên 7 tỉ người đang sống và làm việc với nhiều hình thức cùng với tín ngưỡng, tôn giáo, quan niệm khác nhau. Loài người bị chiêu cảm bởi nhân quả tốt xấu mà thành ra có sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo về phương diện sống. Do đó, một số người dư dã còn số đông lại thiếu thốn. Chính vì vậy, nếu không có sự suy ngẫm, quán xét thì chúng ta khó mà cảm thông và san sẻ, giúp đỡ cho nhau.

Người nghèo quá dễ sinh ra những hành động thấp hèn, không có niềm tin về nhân quả nên sẽ oán trời trách đất, đổ thừa cho gia đình người thân và xã hội. Nghèo khó dễ đưa đẩy con người vào con đường xấu xa, tội lỗi vì sự thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày. Người Phật tử chân chính cần phải biết rằng giàu hay nghèo đều là do nhân quả tốt xấu đã gieo tạo từ trước, cộng với hiện đời không biết siêng năng chịu khó học hỏi và làm việc tích cực.

Nghèo khó là do không biết gieo nhân thiện lành để giúp người, cứu vật khi cần thiết; lại còn ăn chơi phóng túng, sa đọa, không tin sâu nhân quả nên thường xuyên làm các việc xấu ác là nguyên nhân dẫn đến phá sản. Dân gian có câu “bần cùng sanh đạo tặc”, câu nói ấy luôn răn nhắc chúng ta phải cố gắng gieo trồng phước đức bằng cách làm lành tránh dữ, tích công bồi đức, nhờ vậy mà không bị rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khó.

Nhưng trong nghiệp báo không chỉ có những điều riêng mà mỗi người phải gánh chịu, hay còn gọi là biệt nghiệp, mà còn có cả một cộng đồng xã hội hay một gia đình phải cùng nhau gánh chịu hậu quả tốt hay xấu gọi là cộng nghiệp. Có người cho rằng nghèo hay giàu cũng đều có những nỗi khổ riêng, chẳng ai có thể bình yên, hạnh phúc giữa cuộc đời này. Nếu như người giàu có biết sống tốt và tin sâu nhân quả thì họ sẽ không tự mãn mà còn tìm cách san sẻ, giúp đỡ người khác khi có nhân duyên.

Cuộc sống của chúng ta không ai có thể tự mình tồn tại một cách độc lập mà không phụ thuộc vào người khác. Con cái phụ thuộc cha mẹ, vợ chồng phụ thuộc lẫn nhau, gia đình phụ thuộc xã hội. Tất cả đều có sự liên quan mật thiết qua các mối quan hệ đối nhân xử thế, giao dịch làm ăn. Người được giàu có ngoài việc nhờ vào sự nỗ lực của bản thân còn cần có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của nhiều người khác. Kẻ thất nghiệp, nghèo khó hoặc chỉ làm các công việc nặng nhọc, vất vả mà thu nhập vẫn không đủ sống là do không biết gieo nhân thiện lành trong quá khứ.

Chính vì thế, chúng ta cần phải tin sâu nhân quả, từ đó mới có tấm lòng rộng mở để giúp đỡ, sẻ chia cùng những mảnh đời nghèo khó nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Trong xã hội, nếu ai cũng tin sâu nhân quả, biết quan tâm giúp đỡ người khác bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì chắc chắn sự nghèo khó sẽ dần hồi được chuyển hóa, thay đổi theo thời gian.

Khi ta mở lòng ra để đến với người nghèo và biết chia sẻ những khó khăn của họ là ta đang sống với trái tim hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống. Chúng ta hãy “thương người như thể thương thân” hay sống với tấm lòng “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Lời khuyên dạy của người xưa tuy rất đơn sơ nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Khi ta thật lòng thương yêu mọi người bình đẳng thì ta sẽ biết cách vận dụng các phương tiện thiện xảo một cách khéo léo để có thể giúp đỡ người khác. Vậy người Phật tử chân chính lẽ nào lại không biết góp chút phần nhỏ nhoi của mình để làm vơi bớt đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng lên bao cảnh đời nghèo khó?

Ngày xưa, khi mẹ chúng tôi còn sống, mỗi lần nấu cơm cho gia đình ăn bà lấy một ít gạo bỏ vào cái hũ để ở góc bếp. Đi chợ về còn ít tiền lẻ mẹ bỏ vào một cái hộp. Bà giải thích rằng bớt đi một vài nắm gạo, bữa ăn của cả nhà cũng không đến nỗi thiếu nhưng lại có cái để dành mà giúp cho những người cơ nhỡ, lỡ đường. Nếu không làm vậy thì muốn giúp đỡ người khác cũng khó vì nhiều khi muốn giúp lại không có sẵn gạo, tiền. Mẹ tôi dạy việc bỏ gạo vô hũ chính là tích âm đức, là làm phước. Mẹ còn dạy khi đi ra đường nên mang theo ít tiền lẻ trong túi để khi cần thiết có cơ hội giúp đỡ người khốn khó.

Chim chết vì ăn nhưng không ăn sẽ chết đói nên nó dễ dàng bị con người tìm đủ mọi cách để giăng bắt. Con người cũng vậy, ta phải suốt ngày làm việc nhọc nhằn, vất vả, chạy ngược chạy xuôi để kiếm ra đồng tiền mà nuôi sống bản thân và gia đình. Trong mấy chục năm sống giữa đất trời, thử hỏi con người có bao nhiêu thời gian để sống cho được thoải mái? Sáu tuổi đã phải vào lớp học, đến khi khôn lớn trưởng thành lại lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái để duy trì giống nòi nhân loại. Để duy trì mạng sống ta phải làm việc cho đến khi nào già-bệnh-chết mới thôi. Người có phước thì được hưởng chế độ lương hưu, kẻ thiếu phước thì chật vật, bươn chải kiếm sống trong khó khăn. Đời người nếu sống như vậy thì có ý nghĩa gì?

Trong cuộc sống, đương nhiên chúng ta phải luôn khích lệ bản thân và mọi người phải làm sao cho có đầy đủ phương tiện vật chất. Lúc còn nghèo người ta lao vào kiếm tiền, kiếm được tiền rồi thì cố ăn uống cho thỏa mãn, ăn quá sức dẫn đến béo phì thì lại tìm cách giảm béo. Vậy tại sao chúng ta không ăn ít đi một chút? Khi thiếu thốn ăn không được no đủ nên sinh ra lo lắng, phiền muộn. Khi ăn quá no thì lại càng lo lắng vì cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Ăn quá no không những có hại cho cơ thể mà còn lãng phí về tiền bạc.

Chúng ta phải biết thế giới con người có sự liên quan mật thiết với nhau, nếu sự sản xuất phát triển về mọi mặt không đồng bộ sẽ dễ dẫn đến sự chênh lệnh giữa vật chất và tinh thần. Chúng ta cố gắng hết sức để theo đuổi sự nghiệp giàu có của mình bằng cách phát triển quá nhiều những thứ có hại cho con người, đó là chúng ta thiếu trách nhiệm đối với vấn đề an sinh xã hội. Đất nước chúng ta hiện nay sản xuất và tiêu thụ rượu bia số một thế giới, liệu như vậy con người có đủ khả năng để theo kịp sự phát triển và tiến bộ của xã hội hay không?

Trong công cuộc phát triển xã hội tốt đẹp, bền vững và lâu dài, con người cần phải có kế sách cụ thể những gì cần mở mang, những gì cần hạn chế và những gì cần phải thay đổi để phù hợp với đời sống con người. Sự tham muốn của con người là không có giới hạn như giếng sâu không đáy. Khi có quyền cao chức trọng chúng ta sẽ tìm cách vơ vét về cho riêng mình, gia đình mình, đất nước mình nên từ đó chiến tranh có mặt khắp nơi chỉ vì sự tranh giành.

Trong cuộc sống của mỗi người điều gì là quý nhất? Đó là sự hiểu biết đúng đắn, biết tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc. Chúng ta sống đơn giản và muốn ít biết đủ chính là bí quyết của hạnh phúc. Chúng ta hãy bớt đi một chút những khao khát, ham muốn quá đáng để có được thời gian mà quay lại chính mình và biết cách làm chủ bản thân.

Nhiều người quan niệm nghèo là do ông trời sắp đặt, nói như vậy nghe có vẻ bất công quá! Nếu ông trời quyết định được số phận của con người thì tại sao không cho tất cả mọi người đều được cơm no áo ấm và sống đời bình yên, hạnh phúc?

Những người tin theo thuyết định mệnh hoặc tín đồ của đấng Phạm Thiên, hay tin có ông trời ban phước giáng họa sẽ dễ dàng rơi vào bệnh ỷ lại mà hay cầu khẩn, van xin. Nếu cuộc sống con người do đấng thần linh thượng đế an bài, sắp đặt sẵn thì chúng ta đâu cần tu học làm chi cho cực khổ vì mọi thứ trên đời đều cố định cả, không thể thay đổi được. Điều đó có nghĩa hễ ai sinh ra trong gia đình nghèo thì nghèo suốt đời, đời con đời cháu vẫn cứ tiếp tục nghèo mãi mãi.

Học thuyết và niềm tin này không đúng bởi vì có rất nhiều người nghèo nhưng do cố gắng nỗ lực, do siêng năng tinh cần nên đã trở thành giàu có. Cũng có rất nhiều người đang giàu có nhưng do ăn chơi phung phí, do đam mê rượu chè cờ bạc, hút chích đàn điếm, do ăn không ngồi rồi mà tán gia bại sản trở nên nghèo cùng.

Theo quan niệm Ấn Độ giáo hiện nay là nguồn gốc của Bà La Môn ngày xưa, giai cấp cùng đinh hạ liệt được sinh ra từ đôi bàn chân của đấng Phạm Thiên nên phải chấp nhận cuộc sống nghèo hèn và chỉ làm những nghề nhơ bẩn, thấp kém. Trong thân thể của chúng ta hai chân bên dưới cần để chống đỡ cho các bộ phận khác hoạt động, chính vì vậy nó bị liệt vào diện thấp kém nhất và nó cũng có nghĩa giai cấp cùng đinh phải chịu sự nghèo khó mãi mãi. Chính quan niệm này mà từ nghìn xưa cho đến nay đất nước Ấn Độ vẫn giữ truyền thống phân chia giai cấp giàu-nghèo thành một thể chế có tập cấp hẳn hoi.

Lại có một số người cho rằng nghèo là do bẩm sinh hoặc do tự nhiên, khi ông bà nghèo thì cha mẹ nghèo, cha mẹ nghèo thì con cái nghèo, con cái nghèo thì cháu chắt cũng nghèo theo. Tục ngữ Việt Nam có câu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Chắc chắn, con của một cô gái đang ở đợ, gánh nước mướn hay đang sống chui rúc ở những khu bùn lầy nước đọng, nghĩa trang hay hè phố là phải nghèo rồi, mà đó là nghèo từ khi trong bụng mẹ.

Những đứa con của các hoàn cảnh trên khó có cơ hội được cắp sách đến trường vì còn phải phụ với cha mẹ kiếm miếng cơm manh áo, thèm khát từng món đồ chơi nhưng không có, muốn ăn miếng bánh cái kẹo cũng không thể được vì nghèo quá. Chính vì sợ hãi cái nghèo mà nhiều người tìm đủ mọi cách để làm giàu, khi có cơ hội tốt trong tay là họ dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi để chiếm lấy về mình.

Nghèo không phải hoàn toàn tại số mà do chính mình tạo lấy, thuở nhỏ chúng ta chỉ vì mê chơi, biếng học, bỏ học rồi nghỉ học; từ đó bắt đầu tụm năm túm ba tán dóc, ăn không ngồi rồi, tập tành hút thuốc lá, uống rượu, không chịu làm ăn; vì sợ cực khổ nên nghèo là cái chắc; còn một yếu tố khác là vì cung cầu của xã hội không đồng đều nên dẫn đến thất nghiệp thì dĩ nhiên phải nghèo rồi.

Người nghèo thường không làm chủ vấn đề sinh đẻ, cuộc sống khó khăn khiến họ không có cơ hội tiếp cận những trò vui chơi giải trí bên ngoài nên niềm vui chính là “ái ân”. Họ không biết chủ động dùng những phương pháp tránh thai và không biết tự chủ, kiềm chế trong việc chung chăn xẻ gối. Đó là lý do nhiều gia đình nghèo sinh con năm một và chịu cảnh vất vả, nhọc nhằn trong kế sinh nhai.

Cuộc sống nghèo khó dễ làm cho con người ta trở thành những kẻ sát nhân giết người tàn nhẫn. Vì hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn, nợ nần chồng chất nên dù có cố gắng làm lụng vất vả đầu tắt mặt tối vẫn thiếu trước hụt sau. Quá túng quẫn khiến người nghèo sinh liều lĩnh, bất chấp mọi hiểm nguy mà đành giết người để có tiền xoay sở, cuối cùng phải chịu ôm hận thiên thu trong ngục tù tăm tối.

Một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến kiếp nghèo là do bị bóc lột. Bóc lột ở đây có nghĩa là người chủ dù hưởng lợi nhuận rất cao nhưng lại trả lương cho người làm công với giá rẻ mạt. Dưới thời bị đô hộ của các nước ngoại bang, các chủ đồn điền cao su, khu công nghiệp nhà máy, hầm mỏ… đều do thực dân làm chủ. Họ đã bóc lột con người một cách thậm tệ không khác những nô lệ khiến đời sống trở nên khó khăn vô cùng.

Ngày nay, chủ nghĩa thực dân không còn nữa nhưng tệ nạn bóc lột công nhân của các chủ đầu tư vẫn còn ảnh hưởng ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhất là các nước chậm phát triển. Với đồng lương gọi là “ăn trước trả sau” chỉ tạm sống qua ngày thì nghèo đói là chuyện đương nhiên.

Rồi tình trạng lạm phát, vật giá leo thang làm mất cân bằng sự sống khiến đại đa số quần chúng bị ảnh hưởng rất nặng nề, trầm trọng. Chúng ta nên nhớ lạm phát tức là vật giá leo thang, đó là một trong những yếu tố tệ hại nhất gây bất ổn xã hội và làm cho số đông người lao động chân tay dễ dàng rơi vào nghèo khó.

Thường người nghèo ít học, thiếu hiểu biết nên dễ dàng làm những điều xằng bậy vì họ không tin nhân quả. Họ không hiểu tại sao người khác giàu còn mình lại nghèo. Nghèo là do không biết bố thí cúng dường, hiếu dưỡng với cha mẹ hoặc giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người bất hạnh, khó khăn. Luận về nhân quả giàu nghèo đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có gì bỗng dưng khi không chúng ta lại nghèo.

Người nghèo khó hiểu biết quá nông cạn nên không biết quân bình tham muốn, cuộc sống cơ cực vất vả quanh năm suốt tháng, nợ nần chồng chất, thiếu trước hụt sau, không có tiền để vui chơi giải trí, chỉ lấy việc chăn gối làm đầu nên họ thường đông con là vậy. Họ không biết cân nhắc và sắp xếp cách thức ổn định kinh tế gia đình ngay từ buổi đầu.

Những người giàu có thường rất khôn ngoan, sáng suốt. Khi chưa thành tài họ luôn cố gắng vừa học vừa làm, chịu khó siêng năng cần mẫn. Khi ổn định công ăn việc làm, đời sống kinh tế tương đối khá thì họ mới tính đến chuyện trăm năm, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái.

Rồi tình trạng các nước chậm phát triển vừa mới giành độc lập còn thiếu năng lực trong quản lý kinh tế nên không tạo đủ công ăn việc làm cho người dân, do đó nghèo là chuyện đương nhiên. Nghèo là do bất công xã hội tạo nên với tình trạng tham nhũng, lãng phí của công. Những người có chức quyền không đủ năng lực lãnh đạo nhưng vì là con ông cháu cha nên được ưu tiên vào làm việc, dẫn đến tình trạng dư thừa biên chế quá lớn trong khu vực nhà nước quốc doanh.

Sự nghèo khó của số đông dẫn đến những hậu quả vô cùng tệ hại như “bần cùng sinh đạo tặc”, vì nghèo quá đành phải làm liều bất chấp sự an toàn của những người khác. Tuy nhiên, chúng ta không dám quơ đũa cả nắm bởi vẫn có một số người dù nghèo nhưng do thấm nhuần đạo lý nhân quả nên vẫn giữ được sự trong sạch theo tinh thần “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Vì nghèo nên đời sống không có đủ phương tiện an toàn để bảo đảm sức khỏe, do đó ăn uống thiếu vệ sinh rồi sinh ra nhiều bệnh tật. Vì thiếu dinh dưỡng nên thân thể ốm o gầy còm, tính tình hay bực dọc cau có, ăn nói thiếu văn hóa do không hiểu biết. Vì quá nghèo nên đời sống thiếu thốn, khó khăn, trong gia đình thường hay gây gổ, mắng chửi nhau, do đó sinh ra nạn bạo hành dẫn đến tan nhà nát cửa, con cái bơ vơ, vợ chồng ly tán.

Nếu nghèo quá dẫn đến đói khát thì chuyện gì cũng có thể làm dù bất chấp luân thường đạo lý làm người, từ ăn cắp vặt, trộm cướp, gian dối, lừa đảo, lường gạt dưới mọi hình thức để có sự sống. Tệ hại hơn nữa là nghèo khổ mà thành ra túng thiếu, khó khăn về mọi phương diện từ vật chất đến tinh thần, từ đó sinh ra trộm cắp, nhất là phá hoại tài sản của chung. Nạn phá rừng một cách vô tội vạ, nạn xâm phạm trái phép các nơi bảo tồn sinh thái, săn bắt vô cớ các loại thú hiếm quý, ăn trộm và lường gạt của chùa chiền đều xuất phát từ căn bệnh nghèo đói mà ra.

Đã nghèo mà lại còn thất học, không có trình độ kiến thức cơ bản nên lười biếng không chịu làm ăn, từ đó dễ trở thành miếng mồi ngon cho các băng đảng cướp giật, trộm cắp và các trùm buôn lậu ma túy. Theo phóng sự điều tra của ngành an ninh, các khu vực nghèo khó đều có tỷ lệ tội phạm xã hội và băng đảng rất cao, đồng thời phát sinh ra những tổ chức tôn giáo cực đoan làm rối loạn an sinh đời sống xã hội.

Nghèo đói dễ bị dụ dỗ bởi những phần tử cực đoan, họ dùng tiền của để kích động người nghèo tham gia các chiến dịch để chia rẽ tình hình đất nước nhằm có cớ cho ngoại bang xâm lược. Thế giới ngày nay đã có rất nhiều tình trạng như vậy. Nghèo thì thường đi đôi với hèn, nói cho đầy đủ là “nghèo hèn”, dễ bị người ta khinh khi coi thường. Cũng là một công dân với đầy đủ quyền hạn ghi trong hiến pháp nhưng tiếng nói của đa số người nghèo ít ai quan tâm lắng nghe để tìm cách giúp đỡ.

Người nghèo do quá khứ gieo nhân xấu ác nên đời nay sinh ra chỗ khốn cùng, không được học hành tới nơi tới chốn, không có nghề nghiệp chính đáng, chỉ làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày không đủ nuôi thân huống hồ cưới vợ, lấy chồng và sinh con đẻ cái. Nghèo lại càng nghèo thêm là như thế! Có người nghèo mà lòng dục lại mạnh nên thế gian thường xảy ra những hoàn cảnh éo le, “vợ đẻ, con đau, bồ có chữa”. Đã nghèo mà còn đam mê sắc dục thì nói sao không khổ!

Do đó, nền tảng giáo dục gia đình xã hội rất quan trọng. Xã hội ngày nay có nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo bằng nhiều cách như xây nhà tình thương, hộ trợ vốn làm ăn, hướng dẫn giáo dục ý thức sống có hiểu biết về nhân cách đạo đức làm người…

Về mặt tâm linh, các vị tu sĩ phát tâm đi về các vùng sâu vùng xa mở mang, khuyến khích, giáo dục mọi người hiểu biết và tin sâu nhân quả, làm điều thiện lành để hưởng phước báo tốt đẹp, tránh làm ác để không chịu quả báo khổ đau vô cùng tận. Tu sĩ trong thời hiện đại phải biết kết hợp từ thiện và hoằng pháp để kết duyên lành với người bất hạnh, nhờ vậy mới có cơ hội giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần nhằm động viên, khuyến khích người nghèo biết gieo trồng phước đức mà tránh quả khổ đau.

Nghèo khó thường dẫn đến túng thiếu, khó khăn, nợ nần chồng chất, hay bi đát hơn đã nghèo lại mắc cái eo, phải gánh thêm cha mẹ già bệnh hoạn. Cuộc sống khó khăn nên phải vay mượn, do đó luôn bị chủ nợ hối thúc, bắt buộc, nếu không đủ khả năng chi trả trong nhất thời thì lãi mẹ đẻ lãi con. Không ai muốn mình mắc nợ mà vì hoàn cảnh bắt buộc nên đành ngậm đắng nuốt cay, chịu nhiều tủi nhục bởi lời nặng nhẹ, hăm he của chủ nợ.

Rất nhiều vụ án giết người cướp của vì quá nghèo khổ đã và đang làm đau đầu các cấp chính quyền, nhà nước đang tìm cách khắc phục hậu quả khó khăn bằng nhiều phương pháp nhưng cảnh nghèo vẫn luôn tồn tại vì không có chính sách phù hợp. 

Là người Phật tử chân chính chúng ta phải có lòng từ bi rộng lớn để san sẻ nỗi khổ niềm đau cho những người bất hạnh bằng tình người trong cuộc sống. Do đó, song song với việc tu học chúng ta phải tham gia ủng hộ các công tác từ thiện với tinh thần “lá lành đùm lá rách” với tấm lòng của ít lòng nhiều. Chúng ta hãy làm những công việc đó với lòng hoan hỉ, vui vẻ bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Chính vì vậy, khi chúng ta no, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người đang đói khát, thiếu thốn, khó khăn. Khi chúng ta ấm áp bên gia đình, chúng ta hay nhớ nghĩ tới những người đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất trong giá lạnh. Khi chúng ta mặc được quần lành áo đẹp, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người đang không có những bộ quần áo lành lặn.

Khi chúng ta giàu sang phú quý, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người nghèo khó vì họ góp một phần tạo nên sự giàu có của chúng ta. Khi chúng ta đang sống trong bình yên hạnh phúc, chúng ta hãy nhớ ơn tới các chiến sĩ đang xả thân gìn giữ biên cương, bờ cõi và bảo vệ an toàn cho sự sống của chúng ta.

Khi chúng ta có quyền thế, địa vị cao trong xã hội, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới tất cả chúng sinh, nhờ có sự hỗ trợ liên quan mật thiết của họ mà ta mới có được địa vị ngày hôm nay. Khi chúng ta được cắp sách đến trường, được học hành tới nơi đến chốn, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có đủ điều kiện để cắp sách đến trường.

Khi chúng ta có được sự hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, tinh chính mình là Phật, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có điều kiện để được học hỏi Phật pháp. Khi chúng ta sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình, con đông cháu đầy, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

Nhờ sự tu học theo lời Phật dạy bằng cách suy gẫm, xem xét, tư duy và quán chiếu, chúng ta dễ dàng mở rộng tấm lòng mà hay san sẻ và giúp đỡ những người nghèo khó. Chắc chắn chúng ta không thể chuyển đổi ngay được cái nghèo, nhưng chúng ta hãy an ủi, chia sẻ, động viên, khuyên nhủ họ tin sâu nhân quả, việc gì có lợi ích cho người thì làm, việc gì có hại thì thôi.

Chúng tôi đã nhiều năm làm công tác từ thiện tại những vùng sâu vùng xa, giúp đỡ những gia đình nghèo, ủng hộ tài trợ học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người tàn tật trong các trung tâm bảo trợ xã hội kết hợp với việc giáo dục đạo lý làm người bằng cách tin sâu nhân quả. Việc làm của chúng tôi với tấm lòng của ít lòng nhiều bằng tình người trong cuộc sống giúp cho người nghèo thêm ấm lòng, không cảm thấy cô đơn hay tự ti, mặc cảm để từ đó họ vững niềm tin hơn mà cố gắng vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Chúng ta hãy đến với người nghèo khó bằng hạnh nguyện dấn thân của Bồ tát Quán Thế Âm đi vào đời để cứu khổ chúng sinh với tấm lòng vô ngã, vị tha. Nơi nào có bất hạnh, khổ đau là nơi đó có Bồ tát. Tất cả Phật tử là những vị Bồ tát trong hiện tại và mai sau, cùng với vô số các vị Bồ tát dưới nhiều hình thức khác đang cùng nhau chung vai góp sức để dần hồi chuyển hóa kiếp nghèo khó của thế giới con người.

Những quán cơm xã hội với tinh thần từ thiện, bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, quán cơm thiện tâm, quán cơm lao động, quán cơm tình nghĩa, những cửa chùa rộng mở để tặng “sĩ tử” nhiều bữa cơm chay đạm bạc trong mùa thi tuyển vào đại học, những xuất học bổng, những buổi khám bệnh miễn phí, những buổi phát quà cho đồng bào nghèo và các em ở vùng sâu vùng xa… đều là sự thể hiện tấm lòng cao cả của những vị Bồ tát đang làm nhiệm vụ của sứ giả Như Lai, “trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh”.

Thế nhưng, chúng ta vẫn cần có thêm những “tấm lòng vàng” khác, những nhà hảo tâm như ông tỷ phú Cấp Cô Độc thời đức Phật còn tại thế sẵn lòng xây dựng chùa chiền, cúng dường quý Tăng ni đầy đủ về mọi phương diện và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, cô độc. Là người Phật tử chân chính chúng ta sẵn sàng dấn thân đóng góp, bảo vệ chùa chiền, làm từ thiện dưới nhiều hình thức để góp phần giảm bớt khổ đau cho nhân loại.

Nói tóm lại, nghèo khổ có nhiều nguyên nhân do gieo tạo nghiệp xấu ác mà ra. Một là do không biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia. Hai là không siêng năng, tích cực làm việc. Ba là không biết tiết kiệm. Bốn là hay phóng túng, sa đọa. Năm là hay gian tham trộm cướp, lường gạt của người khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2016(Xem: 8961)
Thành công đến sớm, sự trải nghiệm còn non kém đã phần nào thay đổi một con người vốn hiền lành, dễ thương của Lâm Ánh Ngọc. Sự ngã mạn của người mang bệnh ngôi sao, bệnh thành tích, bệnh tài năng… đã khiến chị nhiều lần vấp ngã và thất bại ngay trên đỉnh vinh quang của mình. Đỉnh điểm tuyệt vọng là chị bị lừa dối tình cảm khiến niềm tin tan vỡ và gục ngã. Thế nhưng, chị rất may mắn khi có một người mẹ là Phật tử thuần thành. Từ trong vũng bùn bế tắc, tuyệt vọng, chị đã nương vào Phật pháp qua các bài giảng từ quý thầy cô và chính đạo Phật đã vực chị dậy tìm lại nguồn sống cho chính mình và những người thân, người thương.
01/08/2016(Xem: 12663)
Thư mời tham dự Đại Trai đàn cầu siêu, giải oan bạt độ, Chẩn Tế âm linh, cô hồn tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose Lễ Vu Lan 2016
01/08/2016(Xem: 6678)
Lời dạy của Đức Phật, được ghi chép lại dưới dạng Kinh, Luật, Luận. Hai ngàn sáu trăm năm đã trôi qua, bánh xe Đạo Pháp chuyển động không ngừng, dạy con người cách sống an lạc.
30/07/2016(Xem: 11442)
Quê tôi nước Việt mến yêu- Giữa mùa mưa bão cũng nhiều đau thương - Biển đông sóng cuộn từng cơn- Hoàng Sa đâu thể tách rời Trường Sa…
30/07/2016(Xem: 10739)
Mùa Vu Lan có muôn ngàn loài hoa nở, mà đẹp nhất là hoa hồng. Bởi đó là màu của tình thương yêu và hiếu hạnh. Đóa hoa nói về sự hiếu hạnh của một vị Bồ Tát là đại đệ tử của Đức Phật - Bồ Tát Mục Kiền Liên. Sự hiếu hạnh đó đã được lưu truyền cho đến hôm nay và mai sau.
29/07/2016(Xem: 6252)
“Viễn-ly chư vọng-nghiệp, Viên-thành vô-thượng đạo.” Thật ra bảo rằng tin tưởng mình cố gắng nhằm đạt đến cảnh giới: "Viễn ly chư vọng nghiệp, Viên thành vô thượng đạo" là hoàn toàn chưa chính xác. Mình tin tưởng cố gắng nghĩa là mình vẫn chưa cố gắng và chưa đủ đức tin tưởng. Vả lại, "Nguyện thử diệu hương vân"... không là mây lành thơm ngát vi diệu mà là giới đức tự tánh vốn đã là diệu hương, Phật dạy:
28/07/2016(Xem: 23209)
Cô gái trẻ quỳ bên bàn thờ Phật một hồi lâu và khóc trong cơn đau khổ cùng cực. Bỗng trên hư không vang lên câu hỏi : Tại sao con khóc ? Cô gái nhìn lên đức Phật và nói :
23/07/2016(Xem: 8984)
Năm người lính biệt kích hình thành một cái bia che chắn chung quanh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ngài cất bước lên con đường dốc đến đỉnh Linh Thứu, một trong những địa điểm hành hương quan trọng của những người Phật tử. Những người lính này là thành viên của một đơn vị ưu tú trong quân đội Ấn Độ, ăn mặc toàn đen: sơ mi cô tông tay dài, khăn quấn đầu tua buông xuống, và quần bó sát chân.
20/07/2016(Xem: 7560)
Tôi đi châu Âu chuyến này và nằm trong tâm chấn 3 câu chuyện rất bất an của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Đó là cuộc khủng bố ở sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là tại thành phố Nice miền nam nước Pháp và mới đây là đảo chính bất thành lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có thật sự nằm trong lửa, thật sự có mặt ở đây, bạn mới có cảm nhận của sự bất an trong người dân và xã hội, những lo lắng hiện ra xung quanh. Chính mình có mặt ở nơi đây, bạn mới nghĩ đến bình an cho chính mình và đến bình an cho cả thế giới. Có trải nghiệm thật, bạn sẽ tự giác ngộ và biết mình nên và có thể làm gì.
19/07/2016(Xem: 11510)
Ông ra đi đã để lại một nỗi niềm xúc động trong trái tim tôi bởi vì nếu không có Ông, con trai tôi đã nằm trong bụng cá từ lâu rồi. Gia đình tôi vẫn nhớ ơn Ông đời đời nên làm sao chúng tôi không khỏi bàng hoàng đau đớn khi hay tin Ông đã lìa cõi trần!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]