Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập tu

19/03/201419:34(Xem: 9196)
Tập tu

minh_hoa_quang_duc (64)Trong đời tôi, dường như ngoài việc được (hay bị) má tôi đẻ sớm, trước khoảng thời gian dự định thường lệ, chín tháng mười ngày cho một bào thai, mọi chuyện khác đều đến với tôi rất muộn màng. Yêu muộn mà tu cũng muộn!. Sinh ra trong một gia đình theo truyền thống Lão Khổng, quân xử thần tử thần bất tử bất trung, «Phu xử phụ tệ, phụ bỏ phu là bất nghĩa»... Tôi lớn lên theo khuôn thước của nhân nghĩa lễ trí tín, được rèn luyện bằng những câu ca dao tục ngữ ba má tôi thường ví von. Các mẫu ngụ ngôn, hoặc những câu chuyện đời nhan nhản xảy ra ở chợ, ở bến xe... là đề tài ba má tôi đem răn dạy các con.

Tôi cũng học từ những lầm lỗi do chính mình sau những lần ăn roi mây của ba tôi. Những cái lỗi mà đầu óc non nớt của một đứa trẻ, thích gì làm nấy, dọc phá tìm tòi đủ thứ mới lạ chung quanh. Tuổi mới lớn, tim óc nguyên khôi như tờ giấy trắng, đâu biết đã có những luật lệ từ bao đời của ông tổ bà sơ, bậc người lớn... Những định lệ được mệnh danh vì đạo đức, từ truyền thống, chồng chéo ràng rịt, chận trước ngăn sau, đè lên đầu lên cổ một tâm hồn vô tư vô tội vạ! Chuyện yêu thương trai gái thuở tuổi trăng tròn của chị em tôi, là điều bị ba má tôi cấm kỵ như một việc gì vô cùng xấu xa, tội lỗi. Tôi còn nhớ hình ảnh chị hai tôi, nước mắt lã chã, đòn roi tơi tả vì yêu!

Trong gia đình tôi, nhang đèn cúng quảy chỉ rình rang vào những ngày giỗ ông bà nội ngoại. Phật, Chúa, dường như tôi chỉ nghe người ngoài nhắc đến. Ngoại trừ câu cầu nguyện «Nammô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ cứu nạn độ chúng sanh», má tôi lẩm bẩm mỗi khi bà chứng kiến một việc gì đó không may xảy ra, chẳng hạn như khi thấy một tai nạn xe cộ, hoặc đi ngang qua những người tàn tật ăn xin. Má tôi chỉ xin xỏ Quan Âm. Tôi chưa bao giờ nghe bà kêu gọi Phật. Riêng đối với một đứa khá ngổ ngáo như tôi, chỉ tin và để nằm lòng những gì nếm hoặc rờ mó được. Dù lắm lần nếm phải bao vị đời đầy cay đắng, đôi lần phỏng tay vì thử «lửa» ...

Các kinh nghiệm thực tiễn, mắt thấy tai nghe vẫn là những điều tôi lấy đó làm tin. Phật pháp đối với tôi, là một điều gì vô cùng mơ hồ. Hơn thế nữa, sáu câu vọng cổ mùi mẫn của «chuyện tình Lan và Điệp», lấy nước mắt của bao thanh thiếu niên, và nhiều câu chuyện thật mà tôi được nghe lõm bõm, đã cho tôi những ý tưởng rất tiêu cực về Đạo Phật: Vào chùa vì thất tình, vì chán đời, vì muốn trốn quân dịch... Rồi, cuối cùng Lan chết sau khi tu!!!... Cá nhân tôi, từ nhỏ đến lớn, chưa từng tơi tả vì thất tình, cũng chưa chán quá độ cái cõi đời lắm kẻ chê nầy. Tôi lại là đàn bà con gái, không phải tòng quân... nên cửa chùa xa tôi thăm thẳm. Tôi không thấy mình có lý do, không dây mơ rễ má liên hệ nào để bước vào chùa, để tu.

«Áo mặc sao qua khỏi đầu» là cái câu từ đó tôi bị lấy chồng. «Định mệnh trong tay ta», «Tận nhân lực mới tri thiên mệnh» ... như ba tôi đã dạy là những câu tôi lấy làm tâm niệm, theo đó mà tự lực cánh sinh, nên không bao giờ tôi biết cầu nguyện. Dù thuộc làu câu Quan Thế Âm má tôi thường dùng, nhưng tôi không áp dụng. Tôi nghĩ Quan Âm ở đâu sẵn để đến giúp và giúp bằng cách nào? Dịp Tết, tôi và vài người bạn đến chùa xem thiên hạ đông vui. Tôi đứng nhìn vào chánh điện, ngắm tượng Phật về phương diện mỹ thuật chứ không lạy Phật. Thiên hạ cầu nguyện nhang khói mịt trời, lụp xụp lạy tượng.

Cả cô bạn tôi cũng lâm râm khấn vái cho cậu con lười biếng ham chơi được thi đậu... Lúc đó tôi chỉ lắc đầu và thầm tội nghiệp hy vọng mỏng manh của cô nàng. Phật pháp hoàn toàn không có mặt trong ý nghĩ của tôi. Cho mãi đến gần cuối năm 2007, sau ngày tôi mất mẹ, khi tôi đã ở cái tuổi ngoài năm mươi, khi duyên đến, tôi bắt đầu tập tu, dù tu muộn.

Tôi phải cám ơn những người ấn tống sách Phật. Chính từ những quyển sách nầy, tôi đi vào Đạo. Số là, tình cờ sau lần cầu siêu cho mẹ tôi ở chùa, tôi chọn vài quyển biếu không đem về đọc, lấp cho đầy thời gian cuối tuần không làm việc, mà cũng không còn mẹ để thăm nom chăm sóc. Lại thêm các trang Web Phật giáo trong và ngoài nước đã từng bước, từng ngày từng giờ đưa tôi đến với đạo Phật ...

Từ đó, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Nghiệp, Nhân Quả, tinh thần Vô Thường Vô Ngã Vô Tác, thuyết Mười Hai Nhân Duyên, lục độ Ba La Mật, tánh Không ... cuốn hút tôi như nam châm. Tôi bắt đầu đi chùa, nhìn tượng Phật bằng cái nhìn khác hơn và bắt đầu lạy Phật. Lạy với đầu cúi xuống thật thấp, thoạt đầu, tôi nghĩ là mọi người tỏ lòng kính phục Phật, người đã dám từ bỏ nhung lụa vàng son, sống đời khổ hạnh để tìm ra những nguyên lý giải khổ cho nhân loại. Cúi đầu đụng đất, nghĩa là phục sát đất. Sau nầy, khi rõ hơn, lạy Phật không nông cạn như tôi đã hiểu trong những tháng cuối năm 2007. Tôi phục Phật, không phải phục vừa vừa, mà phục lăn một trí tuệ siêu việt kèm theo lòng từ bi mênh mông không ngằn mé đối với chúng sanh.

Nhà tôi ở gần chùa Pháp Bảo. Hơn hai mươi năm lái xe đi làm qua lại ngang chùa, qua lại thờ ơ! Lâu lắm rồi, có một lần tôi vào thư viện chùa định mượn sách về đọc, xui rủi hôm ấy thầy có chuyện gấp nên phải khoá thư viện. Lúc đó trái tim dễ xúc động kèm theo lòng tự ái ngút trời của tôi bị tổn thương kha khá. Tôi thầm nghĩ: «Bộ ông Sư sợ mình chôm sách hay sao?». Lần khác, tôi đến một chùa nọ định hỏi đôi điều về đời và đạo, thì lại gặp giờ các thầy nghỉ trưa! Tôi thiết nghĩ: công viên chức, những người lao động mệt ứ hự, mệt tóe khói thì cần nghỉ trưa để đở quạu với bần dân, hoặc để phục hồi sức lực. Cửa chùa luôn rộng mở và các thầy nhàn hạ, sao không thể có một thầy thức trực để đón một vài người muốn «bỏ tà quy chánh», cho nhân gian bớt một kẻ khổ đau?! ... Thôi thì, cái đầu câu nệ của tôi được dịp dèm pha, phê phán về sự ngủ nghỉ kỹ lưỡng của các thầy!

Khi cái duyên chưa đến thì như thế đấy! Và khi duyên đến thì phật tử sơ cơ nầy, trong thời gian ngắn từ khi biết đạo, đã quay một góc 180 độ. Quy y Tam Bảo: Phật-Pháp-Tăng và tháng Năm, 2008. Tôi như căn nhà tối om om được sao xẹt, như bé Alice được lạc vào wonderland đầy kỳ hoa dị thảo. Tôi hồ hởi thưởng thức Đạo Phật bằng hết thảy sáu căn: mắt nhìn Phật (không phải tượng) bằng tất cả lòng thương kính. Mũi ngửi hương nhang và hoa quả trên chánh điện. Tai nghe chuông mỏ, kinh kệ. Lưỡi nếm thường xuyên các món chay ngon đáo để trong chùa (người ta thường nói ăn chực ngon hơn ăn nhà). Thân lạy sùm sụp, ngồi bán kiết già vừa mỏi vừa tê (là thế ngồi mà, dưới mắt nghề nghiệp, rất ư là không nên, trên phương diện cơ thể học và sinh lý học). Ý tâm đã bớt vô minh ngu độn với tham chấp của thế gian, dù tôi vẫn là kẻ phàm chính cống.

Khi nghiệp chướng trả dần thì phước duyên đến ào ào. Tôi đã được tham dự Lễ An Cư Kiết Hạ của các Tăng Ni vào tháng Bảy năm nay tại chùa Linh Sơn, tiểu bang Melbourne. Đó là lần đầu tôi nghe tên Kinh Pháp Hoa (Diệu Pháp Liên Hoa), và được các Thầy giảng một mạch hết 28 phẩm trong mười ngày ngắn ngủi. Trong kinh nầy Phật cho biết ai ai trong kiếp người đều có Phật tánh ẩn tiềm. Phật Thích Ca chỉ là thể hiện của Phật đã thành từ vô lượng kiếp, giáng trần để cứu độ chúng sanh trong cõi ta bà đầy khổ đau, vật vả với vô minh và tham ái. Tôi bắt đầu chùi sáng viên ngọc Phật đã từ bi trao tặng. Càng phủi bớt bụi trần, càng xa rời những thể loại được xem là thú vui hạnh phúc của thế nhân, thêm thì giờ trầm mặc, tôi càng thấu hiểu và thưởng thức một loại hạnh phúc tự tại tuyệt vời.

lam_kim_loanBác sĩ Lâm Kim Loan tại Linh Thứu Sơn, Ấn Độ (tháng 11/2008)


Tháng Mười Một vừa qua, tôi lại đủ duyên được tham dự chuyến hành hương Phật Tích, Tứ Động Tâm vùng Bắc Ấn, một chuyến đi thật động tâm, do Thầy Thích Nguyên Tạng của Tu ViệnQuảng Đức Melbourne và đạo hữu An Hậu Tony Thạch tổ chức. Một đoàn người khoảng trăm mạng, trong đó có Phật Tử mới tinh, mới cắt chỉ nầy. Đầu năm ngoái tôi đã đặt chân đến Mumbai, thành phố thịnh vượng nhất của Ấn Độ. Tôi mang về một ấn tượng Bombayvới những tà sari đầy màu sắc và nạn nhân mản của thế giới. Chẳng bù lần nầy, hướng về Lâm Tì Ni (Lumbini) nơi Phật đản sanh. Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) với Khổ Hạnh Lâm, nơi Phật sáu năm tu hành xác trong một động nhỏ được tượng trưng bằng một hình vóc ốm đói xanh xao, và Kim Cang Toà Bồ Đề, nơi Phật toạ thiền bốn mươi chín ngày đắc đạo. Thành phố Varanasi linh thiêng với sông Hằng, Vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như về triết lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Thành Tỳ Xá Ly (Kusinnagar) nơi Phật nhập Niêt Bàn. Ngoài ra đoàn còn được viếng thăm các danh tích khác như núi Linh Thứu, Trúc Lâm Tịnh Xá, Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, đại học Na Lan Đà, các Bảo Tháp những Đệ Tử lỗi lạc của Phật như Ananda, Xá Lợi Phất ... và các chùa Việt Nam. Ấn tượng là đoàn hành hương gần trăm phật tử với áo tràng chỉnh tề, từng bước từng bước đều đặn, miệng niệm nam mô đồng loạt, thiền hành quanh các Phật tích.

Những lời cảm tưởng hòa nước mắt của các đệ tử bộc bạch với thầy trưởng đoàn và phái đoàn. Bụi, ăn mày đủ hạng tuổi, ổ gà đầy đường, những con bò ốm đói ... cũng là những hình ảnh tôi mang về Sydney. Tôi còn đem về đôi ba điều, mà có lẽ, sống mang theo, chết cũng mang theo: Ngũ (không phải Tứ) Động Tâm nằm gọn ghẻ trên mười đầu ngón tay tôi của hai bàn tay chụm lại. Vườn Lâm Tì Ni, nơi Phật giáng sinh (hai đầu ngón tay cái). Khổ hạnh lâm (hai đầu ngón trỏ). Bồ Đề Đạo Tràng (hai đầu ngón giữa). Vườn Lộc Uyển (hai đầu ngón áp út) và Thành Câu Ti Na (hai đầu ngón út), nơi Phật nhập Niết bàn. Tôi còn mang thêm hành trang khác cũng không kém phần quan trọng. Đó là những lời nhắn nhủ chân thành và đầy tình của Đức Đạt La Lạt Ma: Các bạn và tôi có cùng một ông Thầy ; mỗi ngày hãy tu tập hành thiền để làm rõ thêm Phật tánh trong ta ; là những người lưu vong, chúng ta hãy cố gắng duy trì văn hoá dân tộc mình ...

Những ngày đầu trở về Sydney, mỗi lần chắp tay lạy Phật hoặc niệm Phật thiền hành, lòng tôi lại cuồn cuộn nổi trận phong ba. Nước mắt tha hồ rơi trên tay, trên áo. Tưởng chừng mình vẫn đang thiền hành quanh tượng Phật nằm nhập diệt ở Câu Ti Na, như đang chắp tay dưới cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thầy Nguyên Tạng đã cắt chút tóc của tôi và một số đạo hữu trong Lễ Thế Phát với ý nghĩa gieo duyên lành được xuất gia tu học trong tương lai mai sau ... Những lần đi Bụi (bushwalk), gió núi lồng lộng ở công viên quốc gia (National Park) ở miền Tây Sydney, mà tôi vẫn tưởng như mình còn nấn níu ngồi lại đỉnh núi Linh Thứu, nơi Phật giảng tuyệt kinh Pháp Hoa mấy ngàn năm xa xưa!...

Có lần thầy Nguyên Tạng kể cho phật tử trong đoàn nghe: «Khi người ngồi cạnh một người Ấn trong chuyến bay đến Ấn Độ, vị này hỏi thầy đi đâu. Thầy bảo là thầy trở về quê hương. Người đó ngạc nhiên vì thấy thầy mặt mủi của thầy không giống người Ấn chút nào. Thầy bèn giải thích thêm cho người đó hiểu là thầy đang trở về quê hương của Đấng Từ Phụ, mà quê hương của Đức Phật cũng là quê hương tâm linh của thầy». Lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động khi lập lại lời nói nầy của Thầy trưởng đoàn. Tôi nghĩ cả đoàn hành hương, dù mỗi người chia tay mỗi nẻo, trở về cuộc sống thường nhật áo cơm, nhưng những giọt nước mắt lóng lánh, giọng nói nghẹn ngào của tình thật sâu, nghĩa thật đầy ... đã để lại, mang về, tất cả dấu tích, kỷ niệm thiêng liêng từ đất linh Từ Phụ.

ananda_stupa

Hình ảnh phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ
do Thầy Nguyên Tạng hướng dẫn vào tháng 11 năm 2008
(hình chụp bên cạnh Bảo Tháp Tôn Giả A-Nan ở thành Tỳ-Xá-Ly)
(xem thêm hình ảnh)

Tôi đi vào biển đạo mênh mông thật trể muộn cho một đời người, tóc đã hoa râm. Văn tự kinh điển tràn ngập qua các sách ấn tống, qua internet. Điều nào thắc mắc thì tôi ghi lại hỏi Thầy. Ngón tay chỉ mặt trăng. Thoạt đầu tôi nghĩ, ngón tay tượng trưng cho Thầy và mặt trăng là Phật Pháp. Bây giờ, tôi hiểu ngón tay là Pháp, mặt trăng là sự giác ngộ của chính mình. Một lúc nào đó, có lẽ ngón tay sẽ vô hình và trăng cũng không tướng...

Tôi tập ngồi thiền như một cách để kỹ luật cái tâm chạy rong lan man đã mấy chục năm trong cõi trần ai. Tôi không còn hối hả như bị ma đuổi vì đã hiểu về tính Vô Thường của đời sống và tánh Không của sự vật. Buông và bỏ dễ dàng hơn qua những bài học Tham-Sân-Si. Cái nhìn giữa ta và người được thay đổi và hỗ trợ bởi tinh thần Vô Ngã và tâm Từ Bi như Phật đã dạy ...

Cứ thế tôi rèn mình, dù người đưa ra giáo lý vi diệu nầy đã xa tôi thật xa. Sau chuyến hành hương, khoảng cách thời gian và không gian giữa Thầy và Đệ Tử đã được thu ngắn, thật ngắn. Và những ngày tháng nầy, tôi dành nhiều thì giờ hơn cho một việc: Tập tu.

Lâm Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/08/2020(Xem: 7512)
Trong gần nửa thế kỷ thuyết pháp độ sinh, Đức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, căn cơ và nguồn gốc khác nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương cách giảng khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Có khi Ngài dùng lời dịu dàng để khuyên răn. Có khi Ngài dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục. Có khi ngài dùng những ví dụ, những ngụ ngôn. Có khi ngài dùng những định nghĩa. Cũng có khi Ngài dùng các ẩn dụ mạnh mẽ.
27/08/2020(Xem: 4741)
Tiến sĩ Phật tử Pierce Salguero là một tác giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, người hâm mộ và nhà phê bình Phật giáo & Y học Châu Á. Ông là Tổng biên tập Y học Châu Á: Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế Y học Cổ truyền Châu Á; là Phó Giáo sư Lịch sử Châu Á & Nghiên cứu Tôn giáo; Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Liên ngành.
26/08/2020(Xem: 7791)
Phần này bàn về cách dùng quan tiền và các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ quốc ngữ và nước ngoài. Ngoài ra, một số nhận xét của người ngoại quốc khi dùng đồng tiền An Nam cũng cho thấy thực trạng của loại tiền này. Các phê bình này hầu như thiếu vắng trong tài liệu Hán, Nôm hay chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập hay khảo sát sâu xa.
25/08/2020(Xem: 10311)
Cư sĩ George Kinder được Quốc tế công nhận là Cha đẻ Phong trào Lập Kế hoạch Cuộc sống(*), ông được đào tạo tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ và đã thực hiện một cuộc cách mạng về tư vấn tài chính trong hơn 30 năm, bằng cách đào tạo hơn 3.000 chuyên gia tại 30 quốc gia trong lĩnh vực tài chính lập Kế hoạch Cuộc sống (the field of financial Life Planning). Ông thành lập Viện Kế hoạch Cuộc sống Kinder (the Kinder Institute of Life Planning) vào năm 2003 sau 30 năm làm nhà Hoạch định tài chính và Cố vấn thuế.
25/08/2020(Xem: 6366)
Lịch sử thật là muôn hình vạn trạng, các Sử gia lại càng biến hóa khôn lường. Họ cứ như một tiểu thuyết gia tài tình, uốn nắn nhân vật trong truyện với ngòi bút tinh xảo đầy quyền uy của mình thành một nhân vật như ý muốn: "Muốn sống được sống, muốn chết được chết và đặc biệt đang từ một Nữ Hoàng Đế mộ Đạo Phật trở thành một người phụ nữ dâm đãng, tàn ác giết người không thương tiếc". Nhân vật tôi muốn viết dưới đây là vị Nữ Hoàng Đế của triều đại Đường bên Trung Quốc: Võ Tắc Thiên, người đàn bà lừng danh kim cổ có một không hai trong lịch sử loài người.
25/08/2020(Xem: 6134)
(Ghi chú của người dịch: Bài này dịch từ bài viết năm 2005 nhan đề “Two Styles of Insight Meditation” của Đại sư Bodhi, người đã dịch hầu hết Kinh Tạng Pali sang tiếng Anh. Bài này nêu ra hai phong cách: nhóm thứ nhất, những người dùng thiền chánh niệm cho các mục tiêu thế gian, và nhóm thứ nhì, những người có niềm tin Phật Giáo và dùng thiền chánh niệm cho lộ trình tu học giải thoát. Thiền chánh niệm hiện đang dùng cho nhiều mục tiêu trần gian, ở bệnh viện, trường học, quân đội… Thiền đưa tới nhiều lợi ích tới nổi nhiều tu sĩ các tôn giáo khác cũng Thiền tập và ứng dụng theo kiểu riêng của họ.
23/08/2020(Xem: 5543)
Cư sĩ Julian Bound và nữ cư sĩ Ann Lachieze, họa sĩ minh họa sách nổi tiếng rất quý mến thân thiện với nhau khi tuổi còn ấu thơ, không ngờ nửa thế kỷ sau họ cùng hợp tác để xuất bản sách mới về Phật giáo. Tác phẩm này là một truyện về thiếu nhi Phật tử, với tựa đề “The Little Monk who loved his Noodles” (Chú tiểu yêu thích món mì) được viết bởi cư sĩ Julian Bound và minh họa bởi cư sĩ Ann Lachieze.
23/08/2020(Xem: 6343)
Thời nay mà còn nói đến chữ “hiếu” sẽ có người cho là cổ hủ, lỗi thời. Kỳ thực, đạo hiếu, đạo làm con (1) thời xưa đã bị chê là lỗi thời theo sự xuống trào, mất ảnh hưởng của Việt-Nho từ giữa thế kỷ 19 rồi, không phải đợi đến ngày nay.
21/08/2020(Xem: 5153)
Trên vách hai bên tả hữu mặt tiền của chánh điện An Tường Ni Tự (phường Vĩnh Phước- Nha Trang), khi đứng ngắm nghía để chụp hình, tôi thấy có hai bản thư pháp tiếng Hán, tạm gọi là vậy, được chạm nổi và được sơn màu nâu trên nền màu vàng nhạt, rất ấn tượng. Là người dốt đặc tiếng Hán, nên tôi không hiểu chút xíu xiu mảy may nào về ý nghĩa của hai bản thư pháp này, nhưng nhìn cách trình bày theo "ngũ ngôn tứ cú" thì tôi cũng đoán ra được đó có lẽ là hai bài... thơ, mà nếu đang được chạm nổi trên vách của chánh điện chùa thì dám chắc luôn phải là hai bài... Kệ.
21/08/2020(Xem: 6470)
Xem như từ cuối năm 2019, dịch Corona khởi phát từ Vũ Hán đến tháng 3/2020 đã trở thành “đại dịch” Covid-19, đang lan tràn khắp toàn cầu, đến nay đã 215 quốc gia và vùng lãnh thổ bị lây nhiễm với số liệu tính đến ngày 20/8/2020 theo iHS VIET NAM như sau: người mắc: 22.454.505 điều trị khỏi: 15.169.811 người tử vong: 787.385
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]