Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tốt hơn cho mình

18/03/201407:47(Xem: 8286)
Tốt hơn cho mình
phat thich ca
TỐT HƠN CHO MÌNH
THÍCH TÂM HẠNH


PHƯỚC VÀ TRÍ.

Nhìn lại giữa cuộc đời, có người học lực trung bình khá, không giỏi lắm, thi rớt đại học, nhưng có điều kiện và có một trình độ nhất định nên quý vị mở công ty, làm giám đốc, tương đối thành đạt. Song song đó cũng có một ít người khác học cùng khóa thi đỗ điểm rất cao, sau đại học ra trường chỉ đi làm thư ký cho người giám đốc bạn mình để có lương chừng mực. Cũng có một số người của cải nhiều mà không lo học hành, không có trình độ để nắm giữ và phát triển công ty cha mẹ mình được, phải nhờ người khác làm. Cha mẹ qua đời, con lên làm chủ không có trình độ phát triển nên một đống tài sản thoáng chốc tiêu tan. 
Qua đó cho chúng ta thấy, nếu có năng lực, có trình độ mà không có vốn liếng, không có sự may mắn thì cũng không thành đạt được. Nếu có của cải đầy nhà, nhưng không có trình độ và năng lực thì cũng không đưa đến thành công. Muốn đưa đến thành công, chúng ta cần có đủ hai nhóm yếu tố chính, đó là trình độ, năng lực và sự may mắn, vốn làm ăn. Trình độ, năng lực là nhóm yếu tố thuộc về trí. Của cải, sự may mắn là nhóm yếu tố thuộc về phước. Muốn đời sống của mình được thành đạt, an vui thì phải có đầy đủ hai yếu tố chính, đó là phước đức và trí tuệ.


1/ TRÍ TUỆ.
Những kiến thức được đào tạo ở thầy cô giáo, cha mẹ, những kinh nghiệm học hỏi được từ bạn bè, cuộc đời… đó là trí tuệ hữu sư, trí tuệ do học hỏi mà có được. Nếu chỉ có thế thì đã trọn đủ để đưa chúng ta đi đến thành công chưa? Trong đời, có những người rất lanh lợi, khôn ngoan, nhưng khi quyết định một vấn đề gì, sau đó về nhà yên lắng lại thì cũng phát hiện ra còn có những điểm lỡ lầm, thiếu sót. Có những việc chúng ta làm vội, nói vội hăng hái lắm, nhưng khi về nhà yên tĩnh một mình nghĩ lại thì thấy hổ thẹn, hối tiếc, ăn năn… Như vậy, nếu chỉ dùng trí tuệ do học hỏi thôi thì vẫn còn nhầm lẫn, lỡ lầm nên chưa trọn đủ. Khi tâm ta động, hoàn cảnh động thì xử lý bị nhầm lẫn, lỗi lầm mà không hề hay biết, cho đến khi yên tĩnh rồi mới phát hiện ra. 
Như vậy lắng lại, yên tĩnh, thì trí tuệ phát huy đúng mức, sáng suốt, phát hiện ra, lúc đó có ai chỉ dạy cho mình không? Một mình mình, đâu có ai lúc đó? Mới thấy, ngoài trí học hỏi kia ra, vẫn còn một cội nguồn trí tuệ chân thật nơi chính mình, chỉ khi tâm mình lắng lại thì nó mới hiển hiện, suốt thông. Vì vốn sẵn có, không do ai cho cả nên quý ngài xưa thường gọi đó là trí tuệ vô sư, là trí tuệ vốn sẵn nơi mỗi người.

Khi thầy giáo giảng bài, chúng ta hiểu, nhưng cây cột, cái bàn nó có hiểu không? Chúng ta thì hiểu mà những vật vô tri thì nó không thể hiểu. Vì sao? Vì nó là vô tri, không có khả năng hiểu. Còn chúng ta là hữu tri, có khả năng hiểu cho nên mới hiểu bài giảng. Như vậy, trước khi muốn hiểu những lời giảng này thì chúng ta đã có một khả năng tự hiểu trước, nhưng con người chỉ biết bám hiểu theo những lời giảng bên ngoài mà không nhận ra khả năng tự hiểu nơi chính mình, đó là chỗ còn thiếu sót của mỗi con người chúng ta cho nên trí sáng của mình chưa được đầy đủ trọn vẹn. 
Đây là cội nguồn trí tuệ, là trí gốc, trí này lặng sáng không động, thênh thang trùm khắp, nó có năng lực làm chủ mọi thứ. Muốn được giác ngộ, an vui, tự tại giải thoát, không gì hơn là chúng ta phải khéo tu tập để nhận lại và sống trọn vẹn bằng cội nguồn trí tuệ chân thật này. Với một bài giáo án vẫn thường giảng dạy mỗi ngày. Nếu thức dậy với một buổi sáng nhọc nhằn, bực bội không vui thì lên lớp chúng ta sẽ nói vấp váp, không trôi chảy, nhầm trước lộn sau. Nhưng với một buổi sáng thanh thản, yên ắng, tràn đầy nhựa sống, thì chúng ta lên lớp nói năng lưu loát, sống động, phát minh nhiều điều mới mẻ hơn những gì đã chuẩn bị trước. Như vậy, khi tâm loạn động, không ổn định thì đầu óc sẽ yếu mỏi, không sáng. Khi tâm mình an tịnh thì trí tuệ phát huy đúng mức. Cho nên, muốn nhận chân trí tuệ một cách tuyệt đối trọn vẹn thì phải tu tập cho tâm mình lóng lặng lại.


2/ PHƯỚC ĐỨC.
Thế gian thường nói: Học tài thi phận. Có những người có tài, rất giỏi, nhưng muốn thành đạt cũng cần đến sự may mắn. Những điều tốt lành bất chợt đến mà mình không thấy biết trước thì chúng ta gọi nôm na là sự may mắn. Nhưng nếu thấy ra thì nó chính là phúc lành do mình đã tạo nên mà không biết. Hôm nay mình giúp một cậu học trò vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học hành. Thời gian xa cách quá lâu không biết cậu ta ở đâu, làm gì, bẳng đi không còn nhớ mặt mũi nữa. 
Một hôm đi xa, mình bị lạc đường, gặp nạn mưa bão không còn kế sống… tình cờ gặp một người nhiệt tình giúp đỡ, ai cũng nói là mình may mắn. Sau đó nhận ra, mới biết là cậu học trò ngày xưa mình đã từng quan tâm giúp đỡ. Do trước kia mình hết lòng nên bây giờ cậu cũng hết dạ với mình. Khi chưa nhận ra thì cho đó là một sự may mắn. Nhưng khi nhận ra đó là người mình từng giúp đỡ, hôm nay người ta có cơ hội giúp lại mình thì đó là phước đức của mình. Cho thấy, những cơ may mình không thấy được nên cho đó là sự may mắn. Nếu thấy rõ được căn nguyên của nó thì mới biết tất cả đều là phúc lành do mình đã tu tạo từ nhiều kiếp về trước, hôm nay mới đủ duyên thừa hưởng được.

Như vậy, ngoài trí tuệ ra, nhóm yếu tố giúp cho chúng ta thành công là phước đức. Những gì thấy được gọi là lộc đang có. Những gì không thấy gọi là sự may mắn. Nhưng chung quy lại đều là phước đức do mình đã tạo mà có ra.


BẰNG CÁCH NÀO?
THÍCH TÂM HẠNH

1/ LẶNG TÂM, TỈNH SÁNG.
Con người ta ai cũng thích những điều tốt đẹp nhất đến với mình, ai cũng khôn ngoan chứ không ai là ngu dại cả. Nhưng vì không chiến thắng được mình, không làm chủ bản thân cho nên bị nhiều thứ chi phối, khiến mình trở nên dỡ tệ, chưa thể đạt được những gì mong muốn, những gì tốt đẹp, cao thượng trong đời một cách trọn vẹn. Muốn đạt được những điều tốt đẹp trên, chúng ta cần phải có vốn liếng của tâm mình, phải có năng lực làm chủ mình. Muốn thế, không gì hơn là phải trải qua thời gian thực tập chứ không phải hiểu suông là được.

Niệm tưởng sẽ làm cho tâm mình căng thẳng, trí mỏi và mờ tối, trì trệ, đưa đến lắm điều phiền muộn, thất bại, rối ren. Muốn tâm mình mạnh mẽ, trí lực vững mạnh sáng suốt thì chúng ta không theo niệm tưởng lăng xăng trong đầu mình nữa. Có nhiều điều không cần, nhưng do chúng ta không có thái độ dứt khoát cho nên nó cứ vẩn vơ, lảm nhảm trong đầu mãi làm chúng ta rối. “Nhất ba tài động vạn ba tùy,” một làn sóng vừa dấy động, muôn ngàn lượn sóng khác dao động theo. Chúng ta cứ để cho tâm mình máy động mãi thì nó sẽ trở thành sức mạnh dao động khuynh loát khiến mình mất tự chủ, chán mỏi, mê mờ đưa đến sai lầm, thất bại, khổ đau. Biết nó là nguyên nhân sâu xa khiến cho mình yếu rồi gây ra đau khổ thì chúng ta nên mạnh mẽ dứt khoát với nó.

Khi muốn sắp xếp công việc gì đó thì ngồi ngay ngắn như thế hổ tựa sơn, tỉnh lại, lấy giấy viết liệt kê ra, bỏ vào túi, không suy nghĩ vẩn vơ nữa, theo đó mà làm. Ngày xưa lên xe đi làm thì vội vàng, nghĩ ngợi trăm thứ, không biết mình đang đi, đó là chúng ta đã giết chết mình ngay lúc ấy. Bây giờ cũng đi xe, nhưng lên xe tỉnh trở lại rồi đi. Cũng là cảnh vật thường ngày, nhưng lúc này tâm mình trong lặng, quý vị sẽ phát hiện ra một sự bàng bạc, trong sáng vô ngần. Lên bàn làm việc, trước kia lăng xăng sắp xếp đủ thứ mà quên mình, đó là chúng ta đang sống mà bị chết. 
Giờ ngồi vào ngay ngắn, tỉnh lại rồi làm, tâm mình an tĩnh, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng, công việc hiệu quả hơn. Tương tự, khi nói tỉnh lại rồi nói, ra chợ tỉnh lại rồi mua đồ, vào bếp tĩnh lặng và làm, ăn cơm tĩnh lặng và bình thường mà ăn… Tất cả mọi hành động đều luôn tỉnh lại, mất chỉ nửa giây thôi, nhưng nếu thực hành liên tục như thế quý vị sẽ cảm nhận được kết quả rất nhiều.

Buổi tối trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng trước khi thức dậy, nếu chuyên nghiệp một tí thì quý vị có thể thực tập tọa thiền trong một thời gian có thể cho phép. Việc này sẽ giúp cho mình có được trí lực mạnh mẽ một cách nhanh chóng hơn. Nếu điều kiện chưa cho phép hoặc chưa sẵn sàng thực tập thiền, quý vị cũng có thể đi dạo quanh lặng lẽ, hoặc nằm xuống buông xuôi, thân không máy động, tâm không nghĩ gì, chỉ là thở nhẹ, buông thỏng một lúc rồi ngủ, rồi đi làm. Đó cũng là một cách để nội tâm mình tĩnh lặng được mạnh mẽ hơn. Một thời gian sau, quý vị cảm thấy rất lạc an, thích thú, hôm nào không làm thì giống như buổi sáng đó chưa uống cà-phê, quý vị bắt đầu cảm nhận được nội tâm thay đổi. 
Lòng mình thơ thới, tâm như mở ra thoáng rộng hơn, lúc nào cũng có niềm vui nhè nhẹ sâu lắng trong lòng. Nhìn mọi việc đơn giản, nhẹ nhàng trong tầm tay, việc nào mình cũng có thể làm được, không có cảm giác ngại khó khổ. Gặp người hành động không được tốt, thay vì ngày xưa nổi nóng, bực bội, có thể quát mắng… bây giờ mình dễ cảm thông và thương họ nhiều hơn. Từ nội tâm an, trí tuệ sáng, sức định tĩnh cao sẽ khiến cho đời sống, sinh hoạt, cách hành xử với nhau cho đến khâu tổ chức, xử lý công việc… tất cả sẽ được chuyển mình đổi thay theo chiều hướng tốt và đưa đến thành đạt. Như vậy có vui hơn không?

Nên xem việc thực tập này như là một cách sống chứ không là một trách nhiệm nặng nề bắt buộc phải làm. Ban đầu chưa quen thì thấy hơi khó thực tập, bởi mình thường hay quên hơn là nhớ, nhưng một thời gian ngắn sau sẽ quen dần và thấy dễ hơn. Nếu nhận thức được giá trị lâu dài của nó là cần thiết cho sự sống thì quý vị thực hành sẽ dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. 
Đừng đặt chữ tu ra đây làm cho vấn đề trở nên trầm trọng nặng nề quá. Chỉ biết rằng, đây cũng là một phong cách sống, phong cách này mang lại trí tuệ, nghị lực, phước đức, đưa đến sự thành công trong đời. Chúng ta muốn mọi thứ trong đời đều được thành đạt đến đỉnh cao của nó thì cần phải tập sống theo phong cách đó. Thế thôi. Bao giờ quý vị thích thú để thực hành mọi lúc mọi nơi như đói được ăn, như khát được uống thì quý vị sẽ cảm nhận được kết quả rõ rệt ngay nội tâm mình, cuộc sống của mình sẽ có những chuyển biến tuyệt vời khó nói hết.

2/ KHÉO VẬN DỤNG NHƯ MỘT CHIẾC MÁY TÍNH.
Có lẽ hiện nay quý vị trẻ ai cũng biết sử dụng máy tính (computer). Khi phải đóng mở nhiều trình sử dụng, muốn cho máy mạnh, chúng ta thường kích phải trên màn hình chính và nhấn lệnh Refresh (trở lại trạng thái ban đầu, làm tỉnh lại, làm nhớ lại trạng thái ban đầu chưa từng làm gì cho máy tính được mạnh hơn). Tương tự, trên mọi công việc, chúng ta luôn luôn ở trạng thái Refresh, tỉnh trở lại rồi làm thì tinh thần và trí tuệ mình sẽ được vững chãi và sáng suốt hơn.

Khi cài đặt một phần mềm gì đó bị lỗi, nếu chúng ta cứ xóa rồi cài lại mãi thì máy tự nó nhớ và đi theo lối mòn lỗi lầm đó mãi, không cài thành công được. Nếu xóa xong rồi tắt máy, hai tiếng đồng hồ sau cho ram đã quên, chúng ta khởi động máy lên cài đặt lại thì không bị lối mòn lỗi cũ, cài đặt thành công. Cũng vậy, khi một tình huống hay công việc gì đang căng thẳng, nếu chúng ta tiếp tục cố làm cho nó căng lên thì chỉ bị nổ tung, hư hết mọi việc chứ không giải quyết thành tựu được điều gì cả. Lúc đó, tắt máy đi. Tức là quý vị nên cố giữ im lặng, chan hòa, nghe vừa phải, thấy đúng lúc thì quay đi tìm nơi thanh vắng để điều chỉnh tâm mình lại. Có thể chậm hơn một chút, nhưng khi bình tâm rồi ra giải quyết thì mọi việc được thành tựu trọn vẹn, không bị thương tổn, mọi người được vui vẻ hơn.

Khi cài đặt, chép và xóa dữ liệu nhiều ngày, ổ cứng sẽ bị phân vùng rời rạc, máy sẽ chạy nặng nề ì à ì ạch. Chúng ta cần chạy chương trình sắp xếp các phân vùng lại thì máy sẽ chạy mạnh và nhanh hơn. Tương tự, trong công việc, khi nào đó có thể, kể cả lúc đang thuyết trình, chúng ta tranh thủ lấy lại định lực khoảng một vài phút gì đó, đầu óc mình nó sẽ tự sắp xếp các phân vùng lan man lại, cảm thấy tinh thần vững mạnh, trí tuệ sáng suốt và công việc được thông suốt, suông sẻ hơn. Nếu luôn luôn vận dụng Refresh (tỉnh trở lại), khéo biết tắt máy đúng lúc, khéo tranh thủ sắp xếp lại các phân vùng của ổ cứng cho máy tính được mạnh và chạy nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn, quý vị sẽ gặt hái được kết quả tốt hơn rồi đó.

3/ XÁC ĐỊNH, TÔN TRỌNG GIÁ TRỊ VỮNG CHẮC, LÂU DÀI.
Có người hỏi quý thầy, những điều thầy nói tụi con cảm nhận được. Nhưng trên thực tế, bạn trẻ hiện nay có quan niệm hơi trái chiều. Thí dụ hiện nay gia đình con không giàu bằng những đại gia. Quý vị ấy mời con đi chơi tại một nơi rất sang trọng. Nếu không đi thì có lẽ không bao giờ con được đến và biết được cảm giác nơi đó vui như thế nào. Tuy là tạm thời, nhưng thà đến đó để biết được niềm vui khác lạ hơn là ở nhà con sẽ không bao giờ biết được. Thầy góp ý giúp con.

Quý thầy nói, phần đông quý vị còn trẻ tuổi khi nghe ai nói làm gì đó được vui thì liền theo, nhưng có bao giờ chúng ta tự đặt lại cho mình câu hỏi: “Vui đó là vui theo cái gì, có giá trị xứng đáng không?” Khi mình nghèo hơn, mình muốn đi theo họ để được niềm vui đó chứ tự mình không bao giờ có được, người ta cũng sẽ biết được điều đó cho nên trong tâm họ chỉ xem mình là người ăn bám tầm thường thôi. Đã là ăn bám, lợi dụng thì người ta đâu có tôn trọng mình? Khi vui, hứng chí thì ban cho một chuyến đi chơi, khi buồn, không thích nữa thì họ đá văng ra một bên không hề thương tiếc. Bởi vì họ chẳng nể nang, tôn trọng hay cần gì ở mình cả. 
Niềm vui mà để người ta xem thường mình, coi rẻ mình, hất bỏ mình ngày nào không biết, như vậy mà cho là vui được sao? Thời của ông bà mình xưa kia, những người đói khát đi ăn xin, không nhận của những người vẫy tay lại mà cho, tức là cho không đúng cách. Thà nhịn đói mà chết chứ không nhận của người cho mà không tôn trọng họ. Chúng ta bây giờ chưa đến nổi đói gần chết mà lại đi nhận của cho theo kiểu đó thì có phải đã làm ô nhục bản thân và gia đình cha mẹ mình hay không? Không thấy bị xúc phạm hay sao mà cho là vui sướng, cao thượng?

Thêm nữa, ví dụ trong gia đình mình có nuôi người giúp việc. Họ đi đúng giờ, làm việc tươm tất, chu đáo, vui vẻ, chan hòa, thân mật, đáng tin cậy. Lỡ có la rầy điều gì oan ức, họ vẫn ngoan ngoãn sẵn sàng nhận lỗi, không có chút khó chịu hay cãi lời. Sống lâu ngày với gia đình mình như vậy, quý vị có thương mến và thầm cảm phục con người đó không? Rất cảm mến. Khi đến công sở làm việc, không may gặp một người sếp thô lỗ, ăn nói thiếu văn hóa, nóng nảy cục cằn, phán quyết tầm bậy, bạ đâu quát mắng đó một cách vô lối…, qúy vị có nể phục người sếp ấy không? 
Vì đồng tiền, vì cuộc sống mà mình phải chịu đựng để làm việc thôi chứ không có chút cảm tình hay nể nang gì cả. Một người giúp việc mà sống đúng thì chúng ta vẫn cảm phục, một vị sếp mà thô lỗ thì cũng bị nhân viên xem thường. Như vậy, làm nên phẩm chất của một con người, không phải ở đồng tiền hay địa vị mà chính là ngay cách sống của con người đó. Đã là cách sống thì đâu cần phải nhiều tiền mới có được!

Khi còn đi học, nếu quý vị nào thích thể hiện cá tính, sống theo trào lưu, ai bảo gì thì ăn chơi theo kiểu đó, xem ra anh hùng đấy! Nhưng mất căn bản, mãi đến 20 năm sau sự nghiệp cũng không ra gì, cuộc sống thiếu trước hụt sau, nói không ai nghe cả, lúc này có anh hùng với ai được nữa không? Ngược lại, nếu quý vị thấy rõ niềm vui của tuổi trẻ là nhất thời, con nít, không cần thiết. Bằng với điều kiện trong gia đình mình có được, chúng ta nhìn về một tương lai xa rộng hơn để nổ lực học hành. Đừng nên vì những niềm vui nhất thời làm ảnh hưởng, đánh mất sự nghiệp của mình sau này. 
Quý vị nên nhìn về tương lai 20 năm sau để lo học hỏi cho thật căn bản, hy sinh niềm vui con nít hiện tại. Ai nói mình là con gái, cù lần, nguyễn thị gì gì đó cũng được, cứ nuôi chí lặng lẽ lo học hành cho có căn bản. 20 năm sau công thành danh toại, cuộc sống sung túc, nói ra điều gì mọi người cũng nghe theo, có điều kiện để giúp ích người khác nữa, như vậy sẽ vui hơn chứ! Có thể điều kiện không giàu, nhưng chúng ta ra trường có trình độ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, có năng lực, lúc này mấy người đại gia sẽ rất cần chúng ta, họ phải tìm đến để mời mình đi làm việc cho họ. 
Quý vị nhìn lại ở thế gian, thiếu gì những người có của cải đầy nhà mà tìm không ra người đáng tin cậy và có trình độ, có năng lực để họ giao trách nhiệm quản lý? Đạo đức đáng tin cậy, năng lực có thừa, trình độ rất giỏi thì họ sẽ cần mình, tôn trọng mình chứ không phải là thương hại hay xem thường mình như trước kia nữa. Như vậy không vui thích hơn hay sao?

Nếu biết trông xa hiểu rộng, biết tôn trọng nhân phẩm của mình, tôn trọng danh dự gia đình cha mẹ, hy sinh niềm vui trẻ con nhất thời hiện tại để lập chí lâu dài, sau này mới có phẩm chất, có trình độ, có năng lực, từ đó mới có được niềm vui chắc thực và lâu bền hơn được. Đó cũng còn là niềm vui bên ngoài, nhưng nếu chín chắn xác định cho thật kỹ càng thì chúng ta cũng chọn được đâu là niềm vui xứng đáng, ý nghĩa. 
Huống nữa là niềm vui bất tận, thanh thoát nhẹ nhàng, ngập tràn từ một tâm thể giác sáng không động, có thể đem niềm vui huyễn ảo nhất thời mà so sánh đến được hay sao? Có vào núi mới cảm nhận được núi rừng thanh vắng, vượn có hú vang, chim có gọi nhau ríu rít cũng trong ngần, không làm sao phá nổi vẻ thanh u tịch mịch. Có xuống biển mới thấy hết biển trời bao la, sóng có vỗ, nhạn có tung cánh vờn bay, cũng chỉ điểm tô, xé sao được thênh không vời vợi. Có ngồi lại thực hành, tự mình mới cảm nhận hết nguồn lạc an thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng ngập tràn bất tận ấy. Niềm vui này không có gì đánh đổi được. Nó không bị vô thường sanh diệt chi phối, và theo ta đi suốt mọi nẻo đường.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/02/2017(Xem: 10123)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thông báo đến phật tử xa gần ! “Xây Chùa làm phúc nối tiền nhân Tô tượng, đúc chuông truyền hậu thế” Sự hiện hữu của ngôi chùa, âm thanh vang vọng của tiếng chuông như giọt nước cành dương xoá tan bao nỗi khổ đau, thức tỉnh con người bỏ ác làm lành, quay về với đạo lý giác ngộ và giải thoát.
18/02/2017(Xem: 8332)
Rừng chiếm 31% diện tích đất của trái đất, là nguồn tài nguyên quý giá vô cùng của thế giới vì rừng đã tạo ra sự đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và phong phú các loài sinh vật; và là nơi nương tựa của hơn 1,6 tỷ người về lương thực, nước sinh hoạt, nước sạch, dược thảo, áo quần và nhà ở.[1] Không những thế, rừng giữ vai trò sinh thái cực kỳ quan trọng vì rừng giúp điều hòa không khí: cung cấp dồi dào lượng ô-xy cho con người và muôn loài động vật, vi sinh sinh vật đồng thời hấp thụ khí CO2 và những chất khí gây ô nhiễm làm sạch môi trường; chống sói mòn, hạn chế lũ lụt, hạn hán; duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất; và bảo tồn nguồn nước mặt và nước ngầm.
17/02/2017(Xem: 8575)
Lạc là vui, an có âm là yên. An lạc là yên ổn trong vui sướng. Ai cũng muốn sống trong vui sướng, không ai muốn sống trong đau khổ. Sáng nay, đứng trên cầu Hàm Luông nhìn dòng sông nhẹ trôi mà cảm nhận mọi thứ đều an lạc.
14/02/2017(Xem: 9601)
Nếu ai hỏi tôi sợ điều chi nhất ? Tôi sợ nhiều.. bóng tối cõi lòng tôi - Danh lợi mất, tôi xem rằng chưa mất - Mất lương tri là mất đã nhiều rồi!
12/02/2017(Xem: 9968)
Quá trình cân bằng tự nhiên duy trì sự sống bị phá vỡ khi có sự can thiệp bất cẩn của con người vào thiên thiên. Những hoạt động của con người như khai thác quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp hiện đại như chăn nuôi, dùng thuốc hóa học, trừ sâu, diệt cỏ, khai thác rừng bừa bãi, các ngành công nghiệp nặng, ngành vận tải, vv… làm gia tăng đáng kể lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, tạo thành một ‘tấm kính lớn’ phản chiếu ngược lại đốt nóng Trái đất của chúng ta, tận diệt “Đất Mẹ”.
11/02/2017(Xem: 9251)
Cuốn Tưởng niệm Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải" của nhiều tác giả.
11/02/2017(Xem: 8120)
Có một mảnh đất (đúng hơn là khu núi và rừng) rộng chừng gần 20 héc ta, cách Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan khoảng 300 km tại khu vực Khao Yai được biết đến là Làng Mai Thái Lan. Có người gọi vùng đất này là Pack Chong. Có người tìm về Khao Yai. Nhưng ai đó bắt xe về Làng Mai. Cả tây lẫn ta. Cả người Thái, người phương tây, lẫn người các nước khác nhau trên thế giới và người Việt.
08/02/2017(Xem: 5695)
Lẽ ra trưa nay tôi đã không gặp được Thiền sư Thích Nhất Hạnh bởi tôi luôn chọn cho mình 1 góc riêng trong trai đường để ngồi ăn trưa, tránh tối đa tiếp xúc với mọi người, để có thời ăn trưa thật sự trong chánh niệm. Tuy nhiên vừa đặt cơm xuống bàn thì thầy Từ Thông xuất hiện ngồi xuống ngay đối diện tôi. Dĩ nhiên rằng cả 2 thầy trò đã hoàn toàn im lặng và rất chánh niệm trong bữa ăn. Sau đó 2 thầy trò mới dành thời gian bàn về chuyện thiền, chuyện đạo. Đã hơn 12 giờ trưa.
08/02/2017(Xem: 14061)
Xưa nay KINH DỊCH thường được xem là sáng tác của Trung Hoa. ngộ nhận này kéo dài hơn 2500, nay phải được thay đổi cách nhìn để phù hợp với sự thực của lịch sử. KINH DỊCH LÀ SÁNG TÁC CỦA VIỆT NAM, TRUNG QUỐC CHỈ CÓ CÔNG QUẢNG DIỄN VÀ PHỔ BIẾN.
08/02/2017(Xem: 7557)
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một cành mai Đó là Xuân của Ngài Thiền Sư Mãn Giác, Xuân của Phật Pháp là vậy. Thêm một mùa Xuân nữa trôi qua trên xứ người, 42 mùa xuân viễn xứ. Chúng ta tự hỏi, mỗi một người đã góp công góp sức cho đời, cho đạo được bao nhiêu lợi tha. Trong kinh Đại Trí Độ Luận, đức Phật có dạy rằng: Mọi việc xảy ra trong đời này có thể tốt với người này mà cũng có thể trở thành xấu với người kia. Tất cả cũng đều do nhân duyên thành tựu và cũng từ nhân duyên nó cũng sẽ tan rã ra. Trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện là vậy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]